T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 207)

clip_image002

 

Chữ nghĩa làng văn

(…trích lục lại)

 Truyện ngắn đầu tiên không xuất hiện ở Tây phương mà là ở Trung Đông. Lịch sử truyện ngắn bắt đầu bằng Tales of the Magicians của Ai Cập, tiếp đến là Một nghìn một đêm lẻ của Ba Tư. Ở Tây phương, truyện ngắn chỉ xuất hiện khoảng 200 năm.

Tại Việt Nam, truyện ngắn có từ thế kỷ 13 với Báo cực truyện thời nhà Trần. Thế kỷ 16 với Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (*).

Năm 1866, truyện cổ tích bằng chữ quốc ngữ do Trương Vĩnh Ký thu thập, sao chép lại và xuất bản tại Sài Gòn.

(Phụ chú: Theo Trần Văn Tích trong “Sự muôn năm cũ” báo Làng Văn thì tác gỉa “Truyền kỳ mạn lục”  đúng ra là Nguyễn Dư chứ không là Nguyễn Dữ (*) như mọi người vẫn lầm tưởng)

(Trần Bích San – Văn Khảo)

 

Chữ nghĩa làng văn

 Truyện ngắn giả hiệu ấy xuất hiện trên mặt báo là bạn đọc có cảm tình với nó ngay, và tôi được người trong làng văn đếm xỉa tới ngay. Nhưng cái may mắn đó, thật ra không làm cho tôi sáng mắt đâu. Tôi tự sáng mắt ra sau khi nghiên cứu cái truyện của tôi: bạn hữu của tôi đã sai lầm to. Truyện ngắn không hể là bài tập vở lòng trong văn nghiệp của một người nào đó.

Truyện ngắn là một loại văn riêng biệt, có kỹ thuật riêng, có nghệ thuật riêng, chớ không là một đoạn văn ngắn nào đâu, cũng không phải là truyện dài rút cho ngắn gọn, và nhất là không phải là cái bậc thang dùng để leo lên địa vị tiểu thuyết dài.

 (Vài ý nghĩ về truyện ngắn – Bình Nguyên Lộc)

 

 Tình cà (1)

Cà khịa hoài anh chưa thể kiếm chác

Nên cà khùng chửi em giống cà na

Chộp cà mên em giộng anh dập cà

Tình cà đong cà đưa xa từ đó

 

Chữ nghĩa làng văn

 Cái truyện đầu tay trong đời viết văn của tôi là một truyện dài. Tôi đưa cho bạn hữu xem; xem xong, các anh ấy nói: “Mày dại quá, sao lại bắt đầu bằng tiểu thuyết dài? Phải viết truyện ngắn trước đã mà tập viết cho xong cái đã rồi hẵng hay”.

Tôi chằng biết ất, giáp gì hết về vụ đó, nên lời bạn. Nhưng rồi bạn tôi bèn lấy chương đầu của tiểu thuyết đó, cho đăng báo, và nhà báo ban cho nó một cái danh hiệu là truyện ngắn.

(Vài ý nghĩ về truyện ngắn – Bình Nguyên Lộc)

 

Mom

Mom: chỗ đất nhô ra sông

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Trần Tế Xương

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Chữ nghĩa làng văn

 Vậy truyện ngắn là cái gì? Câu trả lời để đáp câu hỏi này, tưởng phải nằm ở nơi khác, chớ không phải ở đây. Người viết những dòng này, chỉ trình ra vài nhận xét về truyện ngắn, chớ không dám có tham vọng dạy ai viết văn cả, nên không định nghĩa gì hết.

Người Anh, người Mỹ gọi loại văn đó là Short Story, thì cũng chẳng hơn gì Việt Nam chút xíu nào cả. Đâu cần có story nào trong đó. Có cũng không sao, và thường không cần. Xưa ta gọi văn thể ấy là “Đoản-thiên-tiểu-thuyết”, là bắt chước theo sai lầm của Tàu. Tự lực văn đoàn xuất hiện, thì gọi nó là Truyện ngắn.

(Vài ý nghĩ về truyện ngắn – Bình Nguyên Lộc)

 

Chữ nghĩa làng văn

 Người Pháp cũng đã bí lắm, chẳng biết gọi văn thể ấy là gì, mới bày ra danh từ Nouvelle, nó hoàn tòan vô nghĩa. Nếu là hình dung từ thì Nouvelle có nghĩa là Mới, còn như là danh từ, thì thật chẳng biết nó là cái gì. Thế nên nhóm nói trên mới phải dùng từ Truyện để ghép vào Tân truyện: truyện mới. Nhưng mới cái quái gì mới được kia chớ.

 Vậy là bắt chước Anh, Mỹ, vì hai từ Truyện và Ngắn là dịch thẳng từng chữ, ở danh từ Short Story mà ra.

 (Vài ý nghĩ về truyện ngắn – Bình Nguyên Lộc)

 

Chinh phụ ngâm

 Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn có nhiều bản dịch của các dịch giả khác nhau như Phan Huy Ích, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khản, Bạch Liên Am,…v…v.

 

Chữ nghĩa làng văn

 Vài năm trước biến cố 1945, ở Sài Gòn có một nhóm người viết lách, câm đầu là Nguyễn Đình Thản, và gồm có Nguyễn Đình Thản, Huy Cận, Xuân Diệu, Nghiêm Xuân Việt, Nguyễn Hoàng Tư và Bình Nguyên Lộc, đưa ra danh từ tân truyện, dùng được mấy năm trong làng báo Sàigòn rồi thì danh từ ấy cũng chết. Tại sao nó chết? Vì tân truyện cũng chẳng ổn gì hơn truyện ngắn, mà cũng lại là bắt chước ngoại quốc, chớ không phải là tìm được một danh tư nào mới lạ hơn, Tân truyện là dịch thẳng ở danh từ Pháp ra, danh từ Nouvelle.

Khi Tân truyện chầu Diêm chúa rồi thì nhà viết lách Đông Hồ, cũng cứ ở Sài Gòn là đất ba hoa, lộn xôn, bèn ra báo. Đó là báo Sống. Và tiên sinh cổ vũ cho một cái tên khác nữa là Truyện vừa. Kẻ viết bài này, mặc dầu là hậu sinh, vẫn dám bật cười trước mặt nhà thơ danh tiếng đó: “Ông nội ơi, ông nội cũng chỉ bắt chước Tàu, bằng cách dịch danh từ trung thiên tiểu thuyết ra đó thôi, chớ ông nội đâu có phát minh cái gì mà cổ võ dữ vậy.”

 (Vài ý nghĩ về truyện ngắn – Bình Nguyên Lộc)

 

Chữ và nghĩa

Trái sầu riêng có nguồn gốc từ Malaysia là đu-riêng. Ban đầu (thế kỷ 19) người Việt dùng cả hai từ, sau loại hẳn từ đu-riêng.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)

 

Chữ nghĩa làng văn

 Nhưng ngắn đến thế nào, chữ này thiệt là tương đối. Giáo sư X.J. Kennedy, trong quyển Literature thường dùng ở năm đầu của văn chương Anh Mỹ ở đại học Mỹ nhắc đến một truyện ngắn của Thomas Bailey Aldrich chỉ dài độc có ba dòng:

‘Một thiếu phụ đang ngồi trong căn nhà cũ kỹ, đóng kín, biết rằng chỉ có mình mình trơ trọi trên thế giới này. Tất cả đều đã bị tiêu hủy. Chuông cửa reo‘.

Từ đây nẩy sinh ra truyện chớp (hay truyện vừa)

(Vài suy nghĩ về truyện ngắn – Nguyễn Văn Sâm)

 

Chữ và nghĩa

Ðèo ở phía bắc thành phố Nha Trang do kỹ sư người Pháp tên Rury điều khiển sửa sang nên Pháp dùng tên người này đặt cho đèo. Người Việt đã gọi là đèo Rù Rì.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)

 

Chữ nghĩa làng văn

(…trích lục lại)

Gần đây một số nhà văn hiện đại dùng lối kết bỏ lửng như Địa ngục môn của Nhật với mở ra nhiều hướng để người đọc suy nghĩ khác nhau như Gregorio Fluentes (Mễ Tây Cơ) hay Nguyễn Huy Thiệp với Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết.

(Trần Bích San – Văn Khảo)

 

Chữ Việt cổ

 Vì chưng: bởi vì

 (Đại Nam quốc âm tự vị – Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 

Chữ nghĩa làng văn

Các truyện dài khoảng ba, bốn trang được kể là truyện ngắn Chẳng hạn: “Bức Thư Gửi Cho Thượng Ðế” (A Letter To God) của nhà văn Mễ Tây Cơ Gregorio Lopez Y Fuentes đăng trong ‘Great Short Story of The World’ – 1974.

Truyện kể về anh nông dân Lencho, quá nghèo, năm nọ bị nạn hạn hán, gia đình sắp chết đói, viết thư gởi lên Thượng Ðế xin được cứu giúp. Một nhân viên bưu điện thấy thơ, xúc động bàn với các đồng sự cứu giúp bằng cách cùng nhau góp tiền. Ác thay họ chỉ góp được có bảy chục pesos thay vì một trăm như Lencho xin. Nhận được tiền, Lencho tức giận viết thêm một bức thơ nữa: ‘Thưa Thượng Ðế, về chuyện tiền con xin Ngài giúp đỡ, con chỉ nhận được có bảy chục pesos. Xin Ngài gửi đến con số còn lại, con rất cần. Xin Ngài chớ gởi qua đường bưu điện vì nhân viên bưu điện là một bọn ăn chận.

Truyện chấm dứt ở đó. Tác giả bỏ lửng làm cho truyện mở ra nhiều chiều hướng… mà ta vẫn không hiểu được chính ý của tác giả. Vậy thì viết ngắn, bỏ lửng, không nói hết cũng có cái lợi của nó! Cái lợi ở chỗ gợi lên những gì tác giả khỏi mất công đi sâu.
(Vài suy nghĩ về truyện ngắn – Nguyễn Văn Sâm)

 

Chữ và nghĩa

Bỏng trong từ bé bỏng có nghĩa là “nhỏ”. Trong tập thơ cổ Thiên Nam ngữ lục có câu thơ sử dụng từ bỏng với nghĩa này:
Trẻ thơ bỏng dại thiếu người lo toan
Hai từ bé và bỏng đồng nghĩa hay gần nghĩa kết hợp với nhau. Ðó là hiện tượng láy nghĩa.

Nhiều từ trong tiếng Việt bị chi phối bởi hiện tượng láy nghĩa này:  tìm kiếm, chờ đợi, yêu thương.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)

 

Chữ nghĩa làng văn

 Ở Việt Nam truyện ngắn viết bằng quốc ngữ tuy chỉ mới xuất hiện hồi đầu thế kỷ nhưng đã đi hia bảy đặm. Các truyện ngắn khoảng bốn mươi năm trở lại đây có giá trị nghệ thuật không thua gì các truyện lừng danh ở những xứ đã có truyền thống truyện ngắn lâu đời. Một trong những truyện ngắn rất gợi cảm “Câu Chuyện Một Tối Tân Hôn” của Phạm Duy Tốn, rõ ràng trong điều cần được trình bày; kỹ thuật dựng truyện và cách sắp xếp điều cần thiết của một truyện ngắn theo cách thế của các truyện ngắn Pháp chớ không bắt nguồn từ truyện ngắn Việt Nam (viết bằng chữ Nôm hay chữ Hán trước đó) như ‘Truyền Kỳ Mạn Lục Giải Âm’ , chữ Nôm thế kỷ XVII, hay ‘Lĩnh Nam Chích Quái’ của Trần Thế Pháp hoặc ‘Việt Ðiện U Linh’ của Lý Tế Xuyên, chữ Hán, thế kỷ XIV.

 (Vài suy nghĩ về truyện ngắn – Nguyễn Văn Sâm)

 

Chữ và nghĩa

Người Nam thường bảo trẻ con đi chỗ khác chơi, không được láng cháng trước mặt. Nhưng trong từ điển của Huỳnh Tịnh Của đã nói ở trên ghi loán choán. Như vậy từ gốc là choán, yếu tố láy là loán và nghĩa gốc của láng cháng là “choán chỗ”.

Ðây là hiện tượng biến âm.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)

 

Chữ nghĩa làng văn

Cho đến ngày nay quan niệm truyện ngắn đã khác với lúc nó mới phát sinh. Nhiều người đồng ý như cái tên của nó, đó là một sáng tác phẩm ngắn kể lại một câu chuyện, một mảnh vụn đặc biệt của đời sống, hoặc — như quan niệm mới gần đây — chỉ là một tâm trạng không cần thành truyện, không cần đầu đuôi, không nhất thiết phải theo thứ tự thời gian.

 (Vài suy nghĩ về truyện ngắn – Nguyễn Văn Sâm)

 

Mống

 Mống: dại

(khôn sống mống chết)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trong tiếng Việt, có những từ ngữ hoặc địa danh nếu có người hỏi nguồn gốc của những từ ngữ ấy từ đâu thì chúng ta đành bó tay; chẳng hạn trong một bài ca dao:

Nước không chưn sao kêu nước đứng?

Cá không giò sao gọi cá leo?

Ghe không tay sao kêu ghe vạch?

Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?…

(Lê Trung Hoa – Hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ)

 

Chữ nghĩa làng văn

 Vào năm 1898, H. Frey, một đại tá người Pháp, từng công tác ở Tây Phi sau đó có mặt ở Việt Nam, đã xuất bản cuốn Tiếng Annam: Tiếng Annam, xuất xứ của các ngôn ngữ: Cộng đồng các chủng tộc Xentơ, Xémit, Xuđăng và Đông Dương. Bằng kinh nghiệm ở Châu lục đen, nhà ngữ học chân thực này cho rằng tiếng Việt gần gũi với tiếng các sắc dân châu Phi.

Không chỉ vậy, vào năm 1937-1938, nhà ngữ học người Ba Lan Prilusky với Maspéro. Từ khảo cứu của họ, Prilusky và Maspéro cùng quan điểm với H. Frey.

Tuy nhiên, viện Viễn Đông Bác Cổ không chấp nhận lập luận này.

 

Tưng tửng và tửng

Tưng tửng và tửng khác nhau thế nào?

Tưng tửng thì gọn, chứ không phải gọn lỏn, và do đó tương đối ít khi gây bất ngờ.

Tưng tửng là nét điển hình trong phong cách dân dã miền Nam.  Người viết văn khai thác nó để tác phẩm mình có một thứ duyên không thấy trong tác phẩm ở miền Bắc hay miền Trung.

Còn tửng là tưng tửng “đậm”, có tính ngoại lệ, chỉ thấy ở một số rất ít người Nam. Các tác giả truyện kịch Nam khai thác tửng để tác phẩm mình có nhân vật độc đáo hay để gây tác dụng hài.

(Về nội dung của tưng tửng hay tửng, còn một nghi vấn: liệu trong đó có cái thái độ coi nhẹ, xem thường, như từ điển định nghĩa hay không?  Nếu có, tưởng cũng không đáng ngạc nhiên lắm, vì điều kiện sống tương đối rất dễ dàng ở miền Nam có thể đã làm cho con người ta trở nên ít nhiều bất cần…)

(Tưng tửng và tửng – Thu Tứ)

 

Chữ nghĩa làng văn

Chỉ với truyện ngắn, người ta mới biết tận dụng từng chữ, lo săn sóc từng câu. Nhà văn mình thường yếu không tạo được phong cách riêng. Truyện ngắn là nơi ta có thể thử tìm phong cách cho mình. Truyện ngắn đòi hỏi hoàn thiện. Ở đây, ta được rèn luyện đến việc dùng từng dấu phẩy, dấu chấm.

(Nguồn: Một thể văn tập…Tô Hoài)

 

Cái hay cái dở ăn ở thơ Bùi Giáng (1)

Tôi (Đỗ Quyên) không đồng ý với Trần Hữu Thục rằng:

“Nói cho rõ ràng ra, thơ của Bùi Giáng dở. Trừ một số câu thơ hay nhưng chưa hẳn là rất hay, còn lại hầu hết thơ ông đều dở”.

(Đỗ Quyên)

 

Chữ nghĩa làng văn

Viết lách khi đã trở thành một nhà văn nói chung không khó lắm. Tất nhiên bạn phải biết chút đỉnh về cách chấm câu. Giỏi chính tả càng tốt, còn không thì cũng chẳng sao. Có thể ban biên tập nơi nhận đăng bài sẽ chữa giùm, hoặc độc giả sẽ dễ dãi bỏ qua.

(Nhà văn – Phùng Nguyễn)

 

Cái hay cái dở ăn ở thơ Bùi Giáng (2)

Cũng như ít san sẻ được với Thụy Khuê: “Bùi Giáng để lại hàng ngàn bài, có những câu thơ tuyệt hay, nhưng chính sự lập lại những khám phá ngôn ngữ buổi đầu khiến thơ ông trở thành khuôn sáo về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng”.

(Đỗ Quyên)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search