T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: Những ca khúc nhạc ngọai quốc lời Việt(3) – Sérénade ( Dạ Khúc ) – Schubert

clip_image002

Franz Schubert.

Franz Schubert là nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất của đầu thời kỳ lãng mạn (Romantic era) trong nền nhạc cổ điển tây phương. Tác giả của bản Serénade bất hủ, ca khúc Ave Maria để đời, và bản Giao hưởng Dang dở (Symphonie Inachevée) đầy huyền thoại.

Franz Schubert cũng là người chết trẻ nhất. Nếu hậu thế đã phải tiếc thương một Chopin qua đời vào tuổi 39, một Mozart vào tuổi 35, thì lại càng phải xót xa cho Schubert, vì ông mất năm mới 31 tuổi!

Thế nhưng, nếu nói về số lượng, Schubert lại đứng đầu các tác giả nhạc cổ điển với trên 1000 tác phẩm, gồm khoảng 600 ca khúc, 9 bản giao hưởng, 6 lễ nhạc Công giáo, 5 vở opera, 21 bản sonata, 31 bản thính phòng, cùng nhiều sáng tác ngẫu hứng, và các bản độc tấu dành cho dương cầm.

Phần lớn tác phẩm của Schubert chỉ được biết tới và đón nhận sau khi ông đã qua đời. Nguyên nhân chính là lúc còn sống, ông không có nhiều cơ hội phổ biến rộng rãi các sáng tác của mình, mà thường chỉ giới hạn trong vòng bạn bè thân quen, và một số người ái mộ. Chỉ sau khi Schubert mất, các nhạc sĩ bạn, hoặc thuộc hệ kế tiếp, như Franz Liszt, Robert Schuman, Felix Mendelssohn, mới bỏ công thu thập và phổ biến các sáng tác để đời của ông.

Franz Peter Schubert ra chào đời ngày 31 tháng 1 năm 1797 tại Alsergrund, một vùng ngoại ô của thành Vienne, kinh đô Áo quốc. Cha ông, Franz Theodor Schubert, mở một trường học – vừa dạy chữ vừa dạy nhạc – tại Quận Lichtental, nơi mà các con trai của ông lần lượt trở thành giáo viên.

Mặc dù không phải là một nhạc sĩ nổi tiếng, cũng không xuất thân từ một nhạc viện nào, nhưng Franz Theodor Schubert rất đông học trò. Năm lên 5 tuổi, Franz (Peter) Schubert bắt đầu được cha dạy vĩ cầm, và anh trai Ignaz dạy dương cầm.

Năm lên 7, Schubert được ông Michael Holzer, nhạc sĩ đại phong cầm kiêm ca đoàn trưởng của nhà thờ địa phương thu nhận làm học trò.

Năm 17 tuổi, Franz Schubert nối gót hai anh trai Ferdinand và Ignaz trở thành giáo viên tại trường học của thân phụ, đồng thời gia đình Schubert cũng đủ tay đàn để thành lập một ban tứ tấu đàn dây (string quartet), trong đó Ferdinand và Ignaz chơi vĩ cầm, Franz “con” chơi trung vĩ cầm (viola), còn Franz “bố” chơi cello. Các sáng tác đầu tay của Franz Schubert chính là các bản viết cho ban tứ tấu gia đình.

[Chú thích: mặc dù đàn dây (string instrument) gồm cả đàn ghi-ta, banjo, mandolin, ukulele, hạc cầm (harp), double bass…, nhưng riêng trong nhạc cổ điển, chữ “string quartet” (tứ tấu đàn dây) phải được hiểu là 4 cây đàn thuộc họ vĩ cầm (bowed string instrument), gồm: 2 vĩ cầm (violin), 1 trung vĩ cầm (viola), và 1 cello]

Cũng vào năm 17 tuổi (1814), Franz Schubert chính thức tỏ tình với cô bạn gái Thérèse Grob, 16 tuổi.

clip_image003

Thérèse Grob

Nguyên Thérèse và người em trai Heinrich là con của chủ nhân một hãng dệt lụa ở gần nhà Schubert. Hai gia đình cùng đi lễ ở nhà thờ Lichtental, nơi Therèse là giọng soprano chính của ca đoàn.

Năm đó (1814), thánh đường Lichtental kỷ niệm đệ bách chu niên, Franz Schubert được trao trách nhiệm soạn lễ nhạc (Mass), và đích thân điều khiển dàn nhạc cùng ca đoàn, trong đó Thérèse Grob hát solo phần soprano.

clip_image004

Thánh đường Lichtental

Từ đó, Thérèse được cha mẹ cho phép tự do lui tới gia đình Schubert để đàn hát với anh em Franz, và không quên dắt theo cậu em trai Heinrich của nàng, cũng là một tài năng trẻ về cả dương cầm lẫn vĩ cầm.

Nhưng cuộc tình đẹp của hai người chỉ kéo dài được 3 năm. Không phải lòng người đổi thay mà vì luật lệ khắc nghiệt về hôn nhân của đế quốc Áo thời bấy giờ. Theo đó, tất cả mọi nam công dân Áo muốn lấy vợ phải làm đơn, và phải chứng minh có đủ khả năng tài chánh để nuôi vợ con thì mới được phép kết hôn.

Biết rằng dạy nhạc tại trường học của thân phụ không thể xem là một “công việc vững chắc”, tháng Tư năm 1816, Franz Schubert nộp đơn xin làm thầy giáo dạy nhạc tại Trường sư phạm ở Ljubljana (ngày nay là thủ đô của Slovenia, ngày đó là một thành phố thuộc đế quốc Áo), nhưng đơn bị bác.

Chán nản, tháng 11 năm ấy, Franz Schubert quyết định “trả tự do” cho Thérèse. Chàng nhờ Heinrich, cậu em của Thérèse, trao cho nàng một tập 17 tình khúc sáng tác riêng cho nàng trong thời gian hai người yêu nhau, để làm kỷ vật. Bốn năm sau, Thérèse lấy chồng. Tập ca khúc ấy trở thành gia bảo của dòng họ Grob, và tới thế kỷ thứ 20 đã được phổ biến với tên gọi “Thérèse Grob Songbook”.

Sau khi bị bác đơn xin dạy nhạc tại trường sư phạm, dẫn đưa tới việc chấm dứt mối tình đầu, Franz Schubert bỏ nhà, bỏ luôn công việc dạy nhạc tại trường học của cha để tới sống với Schober, một cậu “học trò” đồng lứa tuổi.

Nguyên Schober là con nhà khá giả, sống với bà mẹ trong một ngôi nhà rộng lớn. Cậu rất quý phục Schubert và từ lâu đã ngỏ ý mời vị thầy trẻ về sống tại nhà mình.

Thời gian đầu, có lẽ vì tự ái, Schubert vừa sáng tác vừa nhận học trò để có thu nhập riêng, nhưng về sau, ông đã ngưng nhận học trò để dành hết thì giờ cho công việc sáng tác.

Schubert ghi lại trong nhật ký của mình: “Mỗi ngày, tôi bắt đầu sáng tác từ sáng sớm, không ngừng nghỉ, xong bản này tôi bắt tay ngay vào việc viết bản khác!”

Cũng trong năm 1816, vào tuổi 19, bên cạnh việc viết ca khúc, Schubert bắt đầu sáng tác các bản hòa tấu quy mô và các bản hợp xướng. Tuy nhiên tất cả mọi tác phẩm của ông đã không được xuất bản, mà chỉ được bạn bè và người ái mộ chép tay để phổ biến cho nhau.

Qua năm 1817, may mắn đã tới với Schubert khi ông được giới thiệu với Johan Michael Vogl, đệ nhất danh ca giọng nam trung (baritone) của thành Vienne, hơn Schubert 20 tuổi. Chính nhờ danh tiếng và nghệ thuật trình bày của Johan Michael Vogl mà các ca khúc của Schubert bắt đầu được giới một điệu biết tới.

“Ca khúc” nói tới ở đây, tiếng Đức gọi là “lieder”, là những bài hát lãng mạn được phổ từ thơ, hoặc có lời hát như thơ, mang nhiều giá trị văn chương, rất được ưa chuộng vào thế kỷ thứ 19.

Trong số trên dưới 600 “lieder” của Schubert, nổi tiếng nhất phải là bản “Ave Maria”.

( Phụ lục: Audio (1) Ave Maria (Schubert), ANDREA BOCELLI ).

p01- Track 13(1)

Việc hậu thế gọi đây là bản “Ave Maria của Franz Schubert” xét tới nơi tới chốn là thiếu chính xác. Bởi vì ca khúc nguyên thủy của Schubert có tựa khác, và lời hát khác.

Ngày ấy, nguồn cảm hứng đã tới với Schubert khi tập thơ Lady of the Lake – Đức Bà của Hồ nước – của thi hào Tô-cách-lan Sir Walter Scott được dịch sang tiếng Đức. Nhân vật chính trong tập thơ này, nữ anh hùng Ellens Douglas, trong thời gian trốn tránh quân thù bên bờ hồ, đã cầu nguyện Đức trinh nữ Maria bằng những lời thơ.

Schubert vốn là người rất sùng đạo, đã phổ những lời thơ ấy thành các ca khúc, trong đó bản nổi tiếng nhất có tựa tiếng Đức là “Ellens dritter Gesang” (Ellens’ Third song – Bài hát thứ ba của Ellens).

Điều này đã được xác định qua lá thư của Franz Schubert gửi cho cha mẹ, báo tin về sự thành công của ca khúc.

Về sau, vì lời thơ (phổ nhạc) bắt đầu bằng hai tiếng “Ave Maria”, một, hay nhiều “thiên tài ẩn danh” nào đó đã lấy lời kinh “Ave Maria” bằng tiếng La-tinh (người Công giáo Việt Nam gọi là kinh “Kính Mừng”) thay thế lời hát nguyên thủy bằng tiếng Đức, để rồi dần dần hầu như ai cũng gọi đây là bản “Ave Maria của Schubert”, với mục đích phân biệt với một bản “Ave Maria” nổi tiếng khác, nhạc của Johann Sebastian Bach, lời của Charles Gounod.

Chỉ có những thính giả có tinh thần hoài cổ và yêu thơ mới tìm nghe bản “Ave Maria của Schubert” với lời hát nguyên thủy, tức Ellens’ Third Song – Bài hát thứ ba của Ellens.

Trước năm 1975 tại miền Nam VN, bản “Ave Maria của Schubert” đã được ít nhất hai nhạc sĩ đặt lời Việt, là Phạm Duy và Nguyễn Văn Đông. Điểm khác biệt chính là trong khi Phạm Duy dịch sát lời kinh, thì Nguyễn Văn Đông lại “Việt hóa” bằng cách lồng cuộc chiến tang tóc, cùng những khát vọng thanh bình vào lời hát.

(Phụ lục: Audio (2) Ave Maria – Schubert/Nguyễn Văn Đông – Thái Thanh ).

p02-Ave Maria – Thai thanh

Sau năm 1975, trong CD “Kỷ niệm vàng son” thực hiện với mục đích gây quỹ từ thiện, Lê Dung, người nữ danh ca có giọng soprano cao vút, đã trình bày bản Ave Maria của Schubert với lời hát bằng tiếng Pháp, và gây ấn tượng mạnh nơi người yêu nhạc.

( Phụ lục: Audio (3) Ave Maria – Schubert/ lời Pháp/ Lê Dung).

03- Track 8

* * *

Với hậu thế nói chung, 3 tác phẩm nổi tiếng nhất của Franz Schubert phải là: (1) bản “Ave Maria” đã nhắc tới ở trên, (2) bản Sérénade, tức Dạ khúc, và (3) bản Giao hưởng số 8, thường được gọi là Unfinished Symphony (tiếng Anh), hoặc Symphonie Inachevée (tiếng Pháp), nghĩa là bản “Giao hưởng Dở dang” – mà một số người đã “thi vị hóa”, cho rằng bản này đã được Schubert viết cho một “mối tình dang dở”!

Nguyên vào mùa hè năm 1818, tức là 2 năm sau khi chấm dứt mối tình đầu với Thérèse Grob, Franz Schubert được mời tới lâu đài của Bá tước Johann Karl Eszterhazy ở Hung-gia-lợi, để dạy cho hai cô con gái của ông – Marie và Karoline – đàn dương cầm và hát.

Theo các tác giả viết tiểu sử Franz Schubert, đây là khoảng thời gian hiếm hoi trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, nhà nhạc sĩ được thoải mái cả về lẫn vật chất lẫn tinh thần: đã “việc nhẹ lương hậu” còn được gần gũi nàng Karoline ngây thơ xinh đẹp. Từ gần gũi tiến tới say mê. Tuy nhiên, chỉ say mê chứ không mảy may hy vọng, bởi vì tuy còn nhỏ, Karoline đã đường đường là nữ bá tước – một vị nữ bá tước của dòng họ Eszterhazy – một dòng họ quý tộc nổi tiếng từ thời trung cổ, có nhiều lãnh địa ở khắp đế quốc Áo – Hung.

clip_image006

Cho nên, tình yêu của chàng nhạc sĩ nghèo 21 tuổi là tình đơn phương, tình tuyệt vọng, và đã trở thành đề tài cho một thi phẩm của thi sĩ Bauerfeld, một bạn thân của Schubert.

Về phần Schubert, sau khi từ Hung-gia-lợi trở về Áo, chàng đã sáng tác bản song tấu dương cầm “Fantaisie cung Fa thứ”, đề tặng “Nữ bá tước Karoline Eszterhazy”. Chấm hết chuyện tình!

Nhưng cũng chính vì chuyện tình đơn phương của Franz Schubert dành cho Karoline Eszterhazy mà người đời đã thi vị hóa cái tựa bản “Giao hưởng Dở dang” của nhà nhạc sĩ, cho rằng chữ “dở dang” ở đây là ám chỉ chuyện tình “dang dở” ấy!

Nhưng trên thực tế, “dở dang” ở đây chỉ có nghĩa đen, là viết dở dang, vì một nguyên nhân khó hiểu nào đó chứ không phải vì Schubert không có thì giờ, bằng chứng là sau khi bỏ dở bản này, ông đã bắt tay vào việc viết, và hoàn tất bản giao hưởng số 9!

Bản “Giao hưởng Dở dang”, tức bản số 8, được Franz Schubert bắt đầu viết vào năm 1822, tức là 6 năm trước khi qua đời. Thông thường, một bản giao hưởng gồm có 4 phần – tức “movement”. Schubert viết xong phần 1 và 2 thì ngưng. Mãi tới sau khi ông qua đời, người ta mới tìm thấy đoạn đầu của phần 3 và bố cục của phần 4.

Gần 200 năm sau, cũng không một ai có thể trả lời câu hỏi: tại sao Schubert lại bỏ dở bản giao hưởng này? Càng đáng tiếc hơn nữa, là qua thưởng thức phần 1 và 2, người yêu nhạc cổ điển đều đồng ý với nhau rằng: nếu hoàn tất, đây sẽ là bản giao hưởng hay nhất của Schubert.

Về sau, nhiều tổ chức văn hóa đã cho tổ chức những cuộc thi sáng tác để điền khuyết những phần còn thiếu. Tuy nhiên, tất cả mọi sáng tác đoạt giải đều bị giới thưởng thức nhạc cổ điển cho là không xứng hợp. Vì thế, có lẽ nghìn năm sau, bản “Giao hưởng Dở dang” vẫn còn… dang dở!

Như vậy, trong số 3 tác phẩm nổi tiếng nhất của Franz Schubert, bản “Ave Maria” đã bị đổi tựa và lời hát nguyên thủy, bản Giao hưởng số 8 thì viết dở dang, như vậy có thể nói chỉ có bản Sérénade – Dạ khúc, là trọn vẹn.

Điều thú vị nhất về Sérénade là bản này chỉ là một sáng tác ngẫu hứng, được Schubert viết trong một quán cà-phê!

Tuy nhiên, trước khi viết về giai thoại này, cũng xin có đôi dòng về chữ “sérénade” trong nhạc cổ điển tây phương.

“Sérénade” là tiếng Pháp (tiếng Anh viết là “serenade”), bắt nguồn từ tiếng Ý “serenata”. Theo các nhà ngữ học, “serenata” có nguồn gốc từ chữ “sereno”, trong tiếng Ý có nghĩa là thanh tịnh – peaceful.

“Serenata” có từ thời trung cổ, và được định nghĩa là thể loại ca khúc êm dịu, được một anh chàng si tình nào đó, đứng trước nhà người đẹp, hướng lên cửa sổ, hay ban-công của phòng nàng mà hát để tỏ tình – như chàng Romeo đã tỏ tình với nàng Juliet trong kịch cổ điển của Shakespeare.

Về sau, tới thời kỳ lãng mạn của nhạc cổ điển, đa số các nhà soạn nhạc đã sử dụng chữ “sérénade” của Pháp thay vì “serenata” của Ý, đồng thời nội dung cũng như hình thức của “sérénade” đã được nới rộng.

Về nội dung, “sérénade” có thể để tặng người yêu, bạn thân, hay một người nào đó ngang hàng, hoặc vai vế thấp hơn, mà mình quý mến.

Về hình thức, “sérénade” có thể là một ca khúc êm đềm, một nhạc khúc đơn giản – như trường hợp bản Sérénade của Schubert, cũng có thể là một bản giao hưởng ngắn – như trường hợp bản Sérénade của Mozart có tựa đề “Eine Kleine Nachtmusik” (Tiểu dạ khúc) mà chúng tôi đã nhắc tới trong bài trước. Với ý nghĩa, nội dung ấy, sérénade thường được trình diễn lúc chiều tối.

Theo Von Hellbourn, một người bạn thân và cũng là người viết tiểu sử Schubert, thì bản Sérénade đã được nhạc sĩ sáng tác năm 1826, 2 năm trước khi qua đời.

Hôm ấy là một buổi chiều Chủ Nhật êm ả trong công viên Zum Biersack của thành Vienne. Sau một cuộc đi dạo, Schubert và các bạn vào quán cà-phê ngoài trời trong công viên. Tại đây, một người bạn của Schubert đang ngủ gục, với cuốn sách đặt trên bàn. Schubert tiến tới cầm cuốn sách lên, lật trang và vô tình đọc được một câu thơ, liền buột miệng: “Ước gì có được một tờ giấy viết nhạc” – tức giấy có kẻ hàng sẵn để ghi nốt nhạc.

Nghe Schubert nói thế, một người bạn nhanh trí lấy một tờ hóa đơn tính tiền, kẻ vội những hàng viết nhạc lên mặt sau, rồi đưa cho Schubert.

Ngay trong buổi chiều hôm ấy, Franz Schubert đã để lại cho hậu thế bản sérénade bất hủ.

(Phụ lục: Audio (4) Sérénade – Schubert – hòa tấu)

p04-serenade

Trước năm 1975, bản Sérénade của Schubert đã được Phạm Duy lời Việt với tựa “Dạ khúc”.

(Phụ lục: Audio (5) Dạ khúc – Lệ Thu ).

p05- – Da Khuc-Le Thu

* * *

Năm 1928, tình trạng sức khỏe của Schubert ngày càng trở nên đáng ngại, với các triệu chứng giống như bệnh thương hàn. Mùa hè năm ấy, bạn bè của nhạc sĩ đã thỉnh được quan ngự y Ersnt Rinna, một vị danh y đương thời, tới chẩn đoán, và được ông cho biết Schubert sẽ không qua khỏi mùa đông này.

Thật vậy, tới đầu tháng 11, Schubert bị liệt giường, nhức đầu, lên cơn sốt và nôn mửa liên tục. Tới ngày 19 tháng 11 năm 1828, ông qua đời tại căn gác của người em trai ở thành Vienne, khi mới 31 tuổi.

So với các nhạc sĩ lừng danh khác của nền nhạc cổ điển, Franz Schubert không chỉ chết trẻ nhất, mà còn sống lận đận nhất. Cả đời, ông chưa bao giờ tìm được một việc làm chính thức, chưa bao giờ có một chỗ ở riêng cho mình, và thường phải sống nhờ vào trợ cấp của cha mẹ, sự giúp đỡ của bạn bè; và cuối cùng, nhà nhạc sĩ ấy cũng không có được một người tình đưa tiễn ông về nơi an nghỉ sau cùng.

Theo ước nguyện, Franz Schubert được mai táng bên cạnh mộ của Beethoven – người mà ông hằng tôn sùng – trong nghĩa trang Wahring ở ngoại ô thành Vienne.

Sáu mươi năm sau, tức năm 1888, Schubert và Beethoven được cải táng, đưa về Nghĩa trang trung ương Zentralfriedhof, nơi có mộ phần của hai nhà soạn nhạc lừng danh khác: Johann Strauss, tác giả bản Le Beau Danube Bleu, tức Dòng sông xanh, và Johannes Brahms, tác giả bản Célèbres Valses, tức Mối tình xa xưa.

Năm 1925, để chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày Franz Schubert qua đời, chính quyền thành Vienne đã cho cải biến nghĩa trang cũ ở làng Wahring thành “Công viên tưởng niệm Franz Schubert”. Huyệt mộ ngày trước nay được đánh dấu bằng một pho tượng bán thân của ông. Còn tại ngôi mộ mới của ông ở nội thành, thi sĩ Franz Grillparzer đã ghi lên mộ bia hàng chữ:

“Nơi đây, âm nhạc đã vùi chôn một kho tàng, và biết bao ước vọng”.

 

* * *

Viết thêm về “AVE MARIA”

 

Nếu không kể những bản Ave Maria mang tính cách thuần tôn giáo, người ta được biết có ít nhất là ba bản Ave Maria của “người đời”, trong đó nổi tiếng nhất là “Ave Maria của Schubert” (đã nhắc tới trong bài) và “Ave Maria của Bach/Gounod”.

Bản Ave Maria của Bach/Gounod ra đời năm 1859 (34 năm sau bản Ave Maria của Schubert – tức “Ellens’ Third Song”). Ngày ấy, nhà soạn nhạc người Pháp Charles Gounod đã lấy một khúc nhạc của Johan Sebastian Bach viết trước đó 137 năm, sửa đổi lại cho phù hợp, rồi lồng lời kinh “Ave Maria” bằng tiếng La-tinh vào.

Kết quả, hậu thế đã có thêm một bản Ave Maria bất hủ.

(Phụ lục: Audio (6)Ave Maria (Bach/Gounod) – Andrea Bocelli )

p06-Ave Maria BachGounod – Andrea Bocelli

Với những người thưởng thức nhạc cổ điển có trình độ cao, nét nhạc của bản “Ave Maria của Bach/Gounod” được đánh giá là trang trọng, thanh thoát hơn, vì mang âm hưởng của thời kỳ tiền cổ điển, tức Baroque era, trong khi bản “Ave Maria của Schubert”, sáng tác vào đầu thời kỳ lãng mạn, thì dễ nghe, dễ cảm, và dễ hát hơn hơn.

Vì thế, nếu tính chung tất cả mọi thành phần nghe nhạc và hát nhạc cổ điển thuộc mọi trình độ, bản “Ave Maria của Schubert” được xem là phổ biến hơn.

Vào thuở xa xưa, bản Ave Maria của Bach/Gounod thường được hát trong hôn lễ, còn bản Ave Maria của Schubert thường được hát trong tang lễ. Nhưng càng về sau càng có nhiều người sử dụng Ave Maria của Schubert trong hôn lễ; và hiện nay, theo một danh sách 10 ca khúc được ưa chuộng nhất trong hôn lễ được phổ biến trên Internet, Ave Maria của Schubert đứng hạng nhất, còn Ave Maria của Bach/Gounod đứng hạng tư.

Nhưng dù sử dụng bản Ave Maria của Schubert hay Ave Maria của Bach/Gounod, cũng cần biết quy tắc của Thiên chúa giáo (Công giáo, Tin lành, hay bất cứ hệ phái nào có tổ chức nghi thức hôn phối trong thánh đường).

Thông thường, một lễ cưới trong thánh đường gồm có 3 phần: (1) Prosession (cô dâu từ cuối nhà thờ tiến lên) – (2) Ceremony (buổi lễ hôn phối) – (3) Resession (đôi tân hôn rời vị trí).

Theo đúng quy tắc, bản Ave Maria chỉ được hát TRONG BUỔI LỄ vào một khoảng thời gian im lặng nào đó SAU KHI nghi thức hôn phối đã được cử hành. Còn trong phần Prosession (cô dâu tiến lên), đã có những khúc nhạc dành riêng, được soạn theo nhịp bước của cô dâu, và trong phần Resession (đôi tân hôn rời vị trí) thì sử dụng những nhạc khúc, ca khúc viết về sự vui mừng, mà một trong những bản phổ biến nhất, ý nghĩa nhất là “Ode to Joy” của Beethoven.

Trường hợp muốn du di, có thể sử dụng bản Ave Maria cho phần Prosession, nhưng dứt khoát không thể sử dụng cho phần Resession, bởi vì Ave Maria là một bài kinh (kinh Kính Mừng), không thể sử dụng như một ca khúc “mãn tuồng”!

(Phụ lục: Audio (7) Ave Maria (Bach/Gounod/Dương Thụ) – (Mỹ Linh)

p07- Ava Maria – My Linh

 

PHỤ LỤC:

(1) Ave Maria (Schubert), ANDREA BOCELLI ).

(1) Ave Maria (Schubert) – Andrea Bocelli-

(2) Ave Maria – Schubert/Nguyễn Văn Đông – Thái Thanh ).

(2) Ave Maria (Schubert/Nguyễn Văn Đông) – Thái Thanh

(3) Ave Maria – Schubert/ lời Pháp/ Lê Dung).

(3) Ave Maria (Schubert – lời Pháp) – Lê Dung-

(4) Sérénade – Schubert – hòa tấu)

(4) Sérénade (Schubert) – hòa tấu

(5) Dạ khúc – Lệ Thu ).

(5) Dạ khúc(Schubert/Phạm Duy) -Lệ Thu

(6)- Ave Maria (Bach/Gounod) – Andrea Bocelli )

(6) Ave Maria (Bach/Gounod) – Andrea Bocelli –

(7) – Ave Maria (Bach/Gounod/Dương Thụ) – (Mỹ Linh)

(7) Ave Maria (Bach/Gounod/Dương Thụ) – (Mỹ Linh)

Hoài Nam

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search