T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nhã Duy: Giải Nobel Hòa Bình 2021 dành cho nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận

Hai Ký giả Maria Ressa và Dmitry Muratov

Trong vài thập niên vừa qua, giải Nobel Hòa Bình và Văn Chương được xem là một tuyên ngôn của ủy ban giải Nobel về các vấn đề thời cuộc quan trọng trong (những) năm trước và năm 2021 này cũng không là ngoại lệ.

Giải Nobel Văn Chương năm nay được trao cho nhà văn lưu vong gốc Tazania – một quốc gia Châu Phi, là Abdulrazak Gurnah “vì sự thẩm thấu kiên định và bác ái của ông đối với những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong vực sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”. Cũng vậy, giải Nobel Hoà Bình đã dành cho hai ký giả Maria Ressa của Phi Luật Tân và Dmitry Muratov của Nga “vì những nỗ lực bảo vệ sự tự do ngôn luận, vốn là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ và sự hòa bình lâu dài”.

Ủy ban Nobel Hòa Bình Na Uy còn nói thêm rằng, “họ đại diện cho tất cả các ký giả đang tranh đấu cho lý tưởng này, trong một thế giới mà nền dân chủ và tự do báo chí đang đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi” và cho “nền báo chí tự do, độc lập và dựa vào dữ liệu đang hoạt động nhằm chống lại sự lạm dụng quyền lực, những dối trá và sự tuyên truyền cho chiến tranh”.

Đã có một vài chính khách hay nhà hoạt động xã hội kiêm ký giả được trao giải Nobel Hòa Bình trong 120 năm qua kể từ khi giải Nobel Hòa Bình lần đầu tiên được trao giải vào năm 1901, tuy nhiên đây là dịp hiếm hoi trong nhiều thập niên vừa qua mà Ủy Ban Nobel đã vinh danh những hoạt động báo chí thuần túy cùng giới ký giả qua giải thưởng trao cho bà Maria Ressa và ông Dmitry Muratov .

Sinh năm 1963, bà Maria Ressa là nhà sáng lập, kiêm Tổng Quản Trị của Rappler, một trang mạng tin tức tiếng Anh nổi tiếng tại Phi Luật Tân. Tốt nghiệp tại đại học Princeton và từng là một nhà báo phóng sự điều tra cho CNN trong gần hai thập niên, bà Ressa từng nằm trong nhóm ký giả được tạp chí Time bầu chọn là “Nhân Vật Trong Năm” vào năm 2018 cũng như được trao giải thưởng “Tự Do Báo Chí” của UNESCO vào tháng Tư năm nay.

Theo trả lời của bà Ressa trong một cuộc phỏng vấn cùng Democracy Now!, trang mạng Rappler cũng bị Tổng Thống Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân cáo buộc là trang “tin giả” chỉ sau một tuần lễ Tổng Thống Donald Trump tấn công CNN và The New York Times là các hãng tin giả tại Mỹ. Bà bảo đó là một thời điểm tồi tệ cho thế giới khi ngọn hải đăng trước đây của nền dân chủ, từng là nhà đấu tranh cho tự do báo chí và nhân quyền như Hoa Kỳ lại rõ ràng bị vắng bóng, đồng thời các tập đoàn kỹ nghệ Mỹ đã cho phép các đội quân rẻ tiền trên mạng xã hội làm suy yếu nền dân chủ và sử dụng nó như một loại vũ khí mới để tấn công các nhà báo. Có những ngày mà điện thoại của bà nhận được khoảng gần 100 lời hăm dọa hay mạ lỵ mỗi giờ.

Bà đã nhiều lần bị bắt giữ bởi chính phủ Rodrigo Duterte cùng những lời đe dọa đóng cửa trang Rappler. Bà đối diện với sự nguy hiểm tột bậc và khó ai có thể đoán được chuyện gì có thể xảy ra cho bà bởi năm 2016, tổng thống Duterte từng hăm dọa giới báo chí rằng “không vì là nhà báo mà thoát khỏi chuyện ám sát” (Just because you’re a journalist you are not exempted from assassination). Các giải thưởng báo chí cùng giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay trao cho ký giả Maria Ressa về hoạt động báo chí can đảm và không mệt mỏi của bà như vậy, cũng như bà như một đại diện và khuôn mẫu cho giới ký giả trong cuộc chiến bảo vệ sự thật đầy cam go hiện nay, trong đó ắt không thiếu những nhà báo Việt Nam đã từng hay đang bị nhà cầm quyền giam giữ.

Ông Dmitry Muratov, 61 tuổi là nhà đồng sáng lập kiêm chủ bút tờ báo cổ vũ dân chủ Novaya Gazeta. Tờ báo tiếng Nga này được biết đến qua việc đưa tin về các vấn đề chính trị xã hội nhạy cảm như tham nhũng của chính phủ và vi phạm nhân quyền tại Nga. Theo Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả CPJ, đây là tờ báo bình luận duy nhất thực sự có tầm ảnh hưởng quốc gia tại Nga hiện nay. Sáu trong số các ký giả của tờ báo này đã bị giết kể từ khi nó được thành lập, bao gồm cả ký giả Anna Politkovskaya vào năm 2006, người chỉ trích gay gắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và chiến tranh Chechnya.

Trả lời trên Rappler.com sau khi nhận được thông báo từ Ủy Ban Nobel, bà Maria Ressa bảo rằng, kể từ năm 2016, họ đã nói một điều từ khá lâu là, họ đang chiến đấu cho sự thật. “Trong một thế giới mà sự thật bị gây tranh cãi, khi một hệ thống cung cấp tin tức lớn nhất thế giới (có thể là bà muốn nói đến facebook) lại ưu tiên quảng bá những lời dối trá, những điều chứa đựng sự phẫn nộ và hận thù, lan truyền chúng nhanh và đi xa hơn sự thật, thì báo chí sẽ trở thành một phong trào hoạt động. Làm thế nào để các nhà báo có thể tiếp tục sứ mạng báo chí? Tại sao lại quá khó khăn để tiếp tục nói về thông tin xác thật với cộng đồng, với thế giới? Vì vậy, trong cuộc chiến giành sự thật, Ủy ban Nobel Hòa bình đã nhận ra rằng một thế giới không có sự thật có nghĩa là một thế giới không có chân lý và niềm tin. Và nếu các bạn không có bất kỳ điều nào như vậy, các bạn chắc chắn không thể chiến thắng coronavirus, các bạn không thể chiến thắng trong việc biến đổi khí hậu. Giống như vua Sisyphus lăn tảng đá lên đồi, khi bạn bị tấn công trong quá trình cố gắng lăn tảng đá lên đồi, bạn chỉ cần né qua để tiếp tục đi. Các bạn cứ tiếp tục đi… Tự do báo chí không chỉ dành cho các nhà báo. Tôi nghĩ đây là thời điểm quan trọng đối với nền dân chủ trên toàn thế giới, cả tại Phi Luật Tân và tại Hoa Kỳ. Các bạn phải tranh đấu cái quyền của mình khi có thể”. (*)

Tổng thống Joe Biden đã tham gia cùng các lãnh đạo thế giới trong việc chúc mừng hai ký giả được giải Nobel Hòa Bình năm nay. Trong thông báo được Bạch Ốc đưa ra, Tổng Thống Biden đã ca ngợi họ rằng, “Tựa như rất nhiều ký giả trên khắp thế giới, Ressa và Muratov đã theo đuổi sự thật một cách không mệt mỏi và không sợ hãi. Họ đã làm việc để kiểm soát việc lạm dụng quyền lực, vạch trần tham nhũng và đòi hỏi sự minh bạch” cũng như “cam kết với các nguyên tắc căn bản của báo chí tự do, những nguyên tắc không thể thiếu để có một nền dân chủ lành mạnh”.  (**)

Nền báo chí nhân bản nhưng không khuất phục trước bạo quyền là một phần quan trọng của tiến trình và xã hội dân chủ. Khi mà cuộc chiến chống tin giả và những dối trá, hận thù vẫn đang tiếp diễn một cách đầy thách đố, tuyên ngôn cùng sự vinh danh của Ủy Ban Nobel Hòa Bình đến báo chí cùng hai ký giả Maria Ressa và Dmitry Muratov là sự tái khẳng định và kỳ vọng vào vai trò cùng sứ mạng của nền truyền thông chân chính trong việc mang lại sự thật cho công chúng trên toàn thế giới.

Nhã Duy

(*) https://youtu.be/RArvuCLElaY

(**) https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/10/08/statement-by-president-joe-biden-congratulating-nobel-peace-prize-winners/

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search