T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: TƯỞNG NHỚ NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, người tôi xưng hô là anh, theo thói quen giữa các nhà văn gọi nhau, nhưng anh cách biệt với tôi nhiều lắm. Nói cho đúng, nghĩa là tôi phải nhón chân, và phải đưa tay với thật cao mới tới mép giày anh Nguyễn Xuân Hoàng — về rất nhiều mặt. Cũng y hệt như chuyện tôi xưng em và gọi anh với các nhà văn Nghiêm Xuân Hồng, Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác…

Tôi có nhiều cơ duyên kết thân với anh Nguyễn Xuân Hoàng, nhưng không nhiều cơ hội gần gũi với anh. Không phải vì chuyện anh Hoàng và tôi luôn luôn làm việc ở hai nhật báo khác nhau trên đường Moran ở Quận Cam. Trên nguyên tắc, các báo vẫn xem nhau như là bạn, nhưng thực tế vẫn là cạnh tranh thương mại (lạy trời, xin tha cho tôi; đầu óc tôi lúc này tối tăm, tôi không nghĩ ra có chữ nào thơ mộng) – và việc ở báo nào cũng thế, ngồi vào bàn là bận liên tục, từ đọc tới viết, tới dịch… — thế nên, hiếm khi tôi gặp anh Hoàng. Bởi vì việc nhà báo quá nhiều, nên gặp nhau là hiếm. May ra vài tuần, mới gặp, thì việc khác lại lôi đi.

*

Tôi có cơ may gặp anh từ thời chưa có máy điện toán. Lúc đó làm báo còn gõ bằng máy chữ có cục gì tròn tròn, rồi cắt dán, rồi chụp từ bản giấy ra phim để in. Tôi đúng ra cũng chẳng hề biết xài máy gõ chữ đó, lúc đó gõ thiện nghệ là nhà thơ Lê Giang Trần. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cũng không giỏi kỹ thuật, nên chủ yếu là viết trên giấy, sau rồi có điện toán là gõ bằng font chữ VNI, nhưng rồi in ra cũng là cắt dán, cho tới khi cho nhu liệu Ventura, và bây giờ thứ này cũng tuyệt bản rồi…

Như thế, tôi quen nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng từ rất lâu nơi cõi Bolsa này. Cũng có khi tôi sang thăm Nhật Báo Người Việt vì chuyện gì đó, và tất nhiên là gặp anh. Đôi khi anh sang thăm Việt Báo, và gặp tôi. Nhưng tận cùng, anh vẫn ở một vai cao hơn tôi nhiều: nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng  đã là bạn thân với anh Từ và chị Nhã (cách tôi gọi nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca), nghĩa là vai đàn anh, đàn chị của tôi.

Để nói thêm về vai đàn anh của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng: đôi khi, tôi tới thăm một số bạn văn (nói chữ bạn là thói quen, thực sự nên nghĩ là bạn vong niên) và gặp anh nơi đó. Trong những buổi gặp gỡ tại căn phòng hẹp của nhà văn Mai Thảo trên lầu phố, nơi ngõ vào nhà hàng Song Long; hay tại nhà của nhà văn Nguyễn Mộng Giác — cả anh Thảo và anh Giác đều là những tấm gương lớn về văn học, và đều thực hiện những tạp chí văn học nghệ thuật tuyệt vời. Nhà của hai nhà văn này cũng là tòa soạn. Nhà văn Mai Thảo làm tạp chí Văn; nhà văn Nguyễn Mộng Giác làm tới hai tạp chí, lúc đầu là Văn Học Nghệ Thuật, và rồi sau đó là Văn Học.

Nghĩa là, gặp anh Hoàng nơi nhà anh Mai Thảo và nơi nhà anh Nguyễn Mộng Giác là định vị rõ ràng: Nguyễn Xuân Hoàng là bạn của họ, những người nổi tiếng trước 1975, và tôi chỉ là đàn em văn nghệ, người mới viết sau 1975.

Lằn ranh rạch ròi như thế. Nhưng anh Mai Thảo có định nghĩa rõ hơn: không có đàn anh, đàn em gì trong văn nghệ; chi có hai cõi thôi: nhà văn chúng mình với nhau, ngoàì ra là bọn ngoại đạo. Hình như, anh Mai Thảo nói thế là có thiên vị với tôi. Vì một thời, lên tận Los Angeles đi khiêng báo hàng tháng và gửi bưu điện cho anh Mai Thảo lúc đầu là nhà thơ Trầm Phục Khắc, rồi sau đó Khắc bận việc, tôi vào giúp việc nặng nhọc này, cho tới ngày anh Mai Thảo bệnh nặng, ngưng tờ Văn và chuyển tờ tạp chí này sang anh Nguyễn Xuân Hoàng phụ trách.

*

Bây giờ, cả ba nhà văn Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, và Nguyễn Xuân Hoàng đều đi xa rồi. Và tôi vẫn ngồi đây với ngày tháng chồng chất nhiều hơn. Đôi khi vẫn nhớ hình ảnh anh Nguyễn Xuân Hoàng tóc trắng như tơ, đứng nói chuyện trong tang lễ anh Nguyễn Mộng Giác — anh Giác cũng là cậu vợ của tôi. Nghĩa là, không chỉ cách biệt  thế hệ, mà còn vai vế nữa.

Để nói cho minh bạch thêm với anh Nguyễn Xuân Hoàng, rằng anh còn ở vị trí cao hơn “một bạn văn vong niên.” Anh Hoàng là bạn thân, từng làm việc chung với Đặng Phùng Quân và Nguyễn Văn Sâm, hai vị thầy ở Đại Học Văn Khoa, nơi tôi từng cắp sách đi học. Nghĩa là, anh ngang hàng với mấy vị thầy của tôi.

Nhìn lại, anh Nguyễn Xuân Hoàng là người luôn luôn nhìn thấy thảm đỏ văn học xuất hiện trước mặt anh.

Anh sang Mỹ, vài tháng sau là được mời về làm Tổng thư ký nhật báo Người Việt. Thời gian giữ chức này lâu cả thập niên, 1986-1997. Rồi nhiều năm giữ chức Tổng thư ký tạp chí Thế kỷ 21, cũng thuộc công ty Người Việt.

Tôi vẫn còn nhớ một kỷ niệm: một hôm, anh vào tòa soạn Việt Báo, tới ngay bàn tôi ngồi. Thấy tôi đứng lên chào, anh nói, “Mình nghỉ bên Người Việt rồi.”

Trông mắt anh lúc đó không chút giận nào, nhưng có vẻ hơi buồn. Rồi anh sang gặp anh Từ, chị Nhã.  Tôi còn nhớ đôi mắt anh lúc đó. Vài hôm sau, anh Hoàng sang làm ở Viễn Đông, và thời gian ngắn sau, anh lên San Jose làm Tổng thư ký cho báo Việt Mercury trực thuộc nhật báo San Jose Mercury News của Hoa Kỳ từ tháng 11 năm 1998 đến tháng 11 năm 2005.

Thế rồi, khi Việt Mercury đóng cửa, anh Hoàng và chị Vy ra báo Việt Tribune. Như thế là tròn một vòng tiểu bang California: anh Nguyễn Xuân Hoàng và chị Trương Gia Vỵ  là một cặp vợ chồng đã xông xáo nặng nhọc cho nghề báo, từ thời ở Quận Cam cho tới tận San Jose.

Trong khi chị Vy thời ở Quận Cam còn dáng tiểu thư hơn, nhờ bệnh chưa nặng và nhờ việc trong nghề báo chưa lôi kéo toàn lực; nhưng khi lên San Jose hai vợ chồng làm Việt Tribune có thể thấy rằng phần nặng nhọc cho chị Vy cũng không phải là kém, vì anh Hoàng không thể nào ra phố hay gọi điện thoại xin quảng cáo được.

Tuy nhiên, thời gian về sau, ngoài lĩnh vực sáng tác, chậm hơn vì bận nghề báo hơn, anh Nguyễn Xuân Hoàng có nhiều niềm vui văn học độc đáo: anh từng là giảng viên (lecturer) giảng dạy môn Văn học Việt Nam đương đại tại Đại học UC-Berkeley.

Và, rồi anh được mời viết một blog trên Đài VOA. Anh thích  những cơ duyên này, tôi tin như thế.

Tôi còn nhớ, lúc đó, khi chưa có bài nào lên blog này, anh Hoàng điện thoại từ San Jose cho tôi, nói rằng anh nhận viết một blog. Anh bảo, Hảỉ có bài nào gửi cho anh đăng lên blog VOA.

Tôi đáp, anh Hoàng ơi, Hảỉ làm việc hàng ngày muốn tắt thở, không biết làm sao viết được, vì viết dở thì không dám gửi cho anh.

Anh nói, viết sao mà muốn tắt thở…

Tôi nói, anh Hoàng ơi, Hải phải viết bình luận chính trị, mỗi tuần mấy bài.

Anh Hoàng trầm giọng xuống: “Trời, Hải phải nói với bà Nhã Ca là Hải không muốn viết chính trị nữa. Phải có thì giờ sáng tác chứ.”

Giọng nói thoang thoảng của anh qua điện thoại nghe như Nha Trang, nghe như Bình Thuận pha giọng Sài Gòn.

Giọng anh Nguyễn Xuân Hoàng lúc đó có vẻ như bình thường, nhưng tôi nhận ra như anh cũng đang tự nói với anh, tự nói về ước mơ của anh, rằng phải chi về ngồi sáng tác văn học, bỏ hết mọi chuyện  khác trong đời.

Mấy hôm sau, trong nhóm bạn văn xuất hiện đầu tiên trên blog VOA của anh Nguyễn Xuân Hoàng là bài của Trịnh Y Thư.

*

Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi nhận ra trong mắt của anh Nguyễn Xuân Hoàng có gì rất là quen thuộc. Tôi thấy những hình ảnh trong mắt này cũng từ lâu rồi. Phảng phất ở đâu đó.

Đó là hình ảnh chung nhất trong mắt của Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, và Nguyễn Xuân Hoàng: một hình ảnh về Sài Gòn, về những đường phố và những quán cà phê, nơi họ vào ngồi bàn chuyện văn học, bàn chuyện in sách, bàn chuyện ra báo…

Nơi đó, nơi Sài Gòn một thời đó, thời Nguyễn Xuân Hoàng là thời thơ mộng, thời của những ngày anh Hoàng gặp chị Vy, thời của cầm bút viết lên giấy và đưa cho nhà báo đánh máy lại, thời của những ngày ngồi vào bàn để viết truyện và làm thơ trong khi tiếng đại bác vẫn nổ bên kia sông Sài Gòn.

Anh Nguyễn Xuân Hoàng, cũng như anh Mai Thảo, và anh Nguyễn Mộng Giác, đều cùng mang một nỗi thương nhớ Sài Gòn – đó là hình ảnh tôi nhận ra, khi nhớ lại đôi mắt của các nhà văn này.

Anh Hoàng ơi, Hải xin trân trọng từ biệt anh, một nhà văn đã gắn liền với hình ảnh một Sài Gòn qua những văn phong tiểu thuyết mới.

Những gì đẹp nhất trong lòng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã nằm trên trang giấy, và cả trong cuộc đời của anh.

Phan Tấn Hải

(Trích Bản Thảo Viết Từ Phương Xa)

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search