T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Cà phê Lâm…”toét”

(gửi Đạm, chú em đã đưa người

viết tới 60 phố Nguyễn Hữu Huân)

Khươm mươi niên trước, “ăn như cũ ngủ như xưa tôi” căng óc nặn chữ vặn óc véo câu bài tạp bút Sài Gòn đầu đường cuối ngõ về những quán cà phê của Sài Gòn một thời một thưở. Thì dều người tới nhà văn Nguyễn Đạt:

“…Quán cà phê Lão Tử nổi tiếng một thuở; có thể vì ông chủ quán rất đặc biệt; có thể vì khách uống thường xuyên là các nhà văn nhà thơ. Tên quán cóc này mặc nhiên là vậy, không biết ai đã đặt tên cho quán cóc như thế. Có thể vì ông chủ quán có phong thái rất phiêu hốt, rất “Xử thế nhược đại mộng – Hồ vi lao kỳ sinh,” nghĩa là rất Lão Tử. Khách uống thiếu tiền trả không đủ cũng không sao; uống ghi sổ cũng được. Mà ông cũng chẳng ghi sổ làm gì; ai uống thiếu cứ uống thiếu, bao giờ trả tiền cũng được, không trả “quên luôn” ông cũng không đòi…”

Ấy vậy mà ngày ấy ăn như cũ ngủ như xưa tôi vẫn…ngủ quên.

Chợt nhớ lại năm ngoái 2016, ăn như cũ ngủ như xưa tôi về Sài Gòn, ngồi trong quán nhạc. Đang ngồi im như bàn ghế thì đụng đầu với một ông cán bộ từ Bắc vào nghe nhạc “trái sầu rụng rơi” của Huy Cận nên bật ra viết bài Người đi chân đất. Sau đó được chú em họ đưa ra Hà Nội ngồi thì lì ở căn nhà số 60 phố Nguyễn Hữu Huân, chú em kể chuyện hoạ sĩ Nguyễn Sáng tâm sự với hoạ sĩ Bùi Xuân Phái: “Tôi buồn lắm!”. Thế là ăn như cũ ngủ như xưa tôi bèn loi tói ra bài tạp văn Cà phê Lâm…“toét” này.

Trộm nghĩ trong kho chữ đã có Cà phê Thằng Bờm, Sài Gòn đầu đường cuối ngõ, Cà phê muối, Ngồi ở quán nay có thêm một quán cà phê nữa cũng chả tội vạ gì.

***

Ngồi trên xe con, chú em óc bóc về cà phê Hà Nội xưa và nay…

Cứ theo “bài nói” của chú em các bài viết đáng tin cậy về Cà phê Lâm hầu như không có, nhưng những giai thoại, những câu chuyện thêu dệt thì nhiều. (như giai thoại hoạ sĩ Bùi Xuân Phái sau này). Chú em hấm húi cà phê Lâm là quán cà phê quen thuộc của các hàn sĩ Hà Nội từ những năm 50-60. Chủ quán là ông Nguyễn Văn Lâm. Ông Lâm (sinh năm 1930) gày còm, vóc người nhỏ bé, nên tiếng nói cũng…nhỏ, nói hơi bụm miệng nên giọng nói càng…nhỏ nhẹ hơn. Khách thân quen gọi thân thiện là Lâm toét, có khi còn gọi là Lâm khói. Những tác giả “bài viết đáng tin cậy” không ai viết ông có hút thuốc lá hay không. Thực ra, ông không bị toét vì ông có tật mắt hấp him và lúc nào mắt cũng nhòe ướt, nên ông có…con mắt tinh đời về hội hoạ chăng? Nào ai biết.Ông Lâm bắt đầu bán cà phê xe ở vườn hoa Chí Linh năm 1952. Bởi khách của ông là công chức từ các cơ sở quanh đó. Nhưng họ ngại ngồi nơi lang chỗ lang chạ khiến ông phải đẩy xe về phố Hàng Vôi mở quán ở trung tâm phố cổ.

Chú em nói dón theo nhà dịch học Dương Tường kể chuyện về…cái tường:

“…Những năm 55-56, chúng tôi thường gặp gỡ uống cà phê tại một quán ở đầu phố Hàng Vôi. Gọi là quán, nhưng thật ra đó chỉ là một dãy bàn kê ngay trên hè đường sát bức tường. Cái thuở hàn vi ấy, một tách cà phê sáng kèm theo suất bánh mì ốp-lết, hay cặp bánh mì chả lụa đối với chúng tôi khó mà có được hàng ngày. Nhưng ông Lâm, vị mạnh thường quân của chúng tôi, có một đối sử thanh toán đặc biệt đối với văn nghệ sĩ, nhất là giới hội họa. Trừ những bận có tiền trả ngay, không thường xuyên lắm, bọn tôi được quyền tự “ghi sổ”. Sổ đây không phải bằng giấy, mà là bức tường kề ngay đó.

Bằng một mẫu bút chì, hoặc một cái đinh, thậm chí một que sắt, bọn tôi ghi tên mình trên tường, mỗi lần thiếu tiền, tự giác vạch một vạch: Cứ sáu lần thành một đơn vị, tượng hình bằng một hình vuông có đường chéo góc. Ông Lâm không bao giờ nhắc, cũng chẳng bao giờ ngó đến “sổ” ghi nợ. Theo trí nhớ không chính xác lắm của tôi thì “sổ” của Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái nặng ký nhất. Thỉnh thoảng thấy dãy hình vuông với đường chéo góc của mình đã khá dài mà chưa có một khoản thu nhập để thanh toán, họ đem tranh đến để tặng chủ quán và “sổ” được cạo đi để mấy hôm sau, lại bắt đầu một “sổ” mới. Hồi đó, việc “bán tranh” đối với họa sĩ Hà Nội là một khái niệm cực kỳ trừu tượng. Quán cà phê đầu phố Hàng Vôi ấy do vậy có một cái gì gợi nhớ đến quán La Rotonde ở Paris thuở hàn vi của những Picasso, Matisse, Apollinaire…”

Khởi thủy bộ sưu tập của ông Lâm là thế. Ông Lâm…”khói” không hẳn đã là nhà sưu tầm, nhưng trong khung cảnh ấy, trong những quan hệ ấy, ý thức sưu tầm đã hình thành nơi ông. Và ông trở thành một trong những nhà sưu tầm độc đáo, hiếm hoi nên ông Lâm cà phê ở Hà Nội ngày ấy là một hiện tượng kỳ lạ. Một chủ quán cà phê tầm thường, không biết cái đẹp mơ hồ siêu thực, hiện thực là gì, nhưng vì trọng văn nghệ sĩ, mà trở thành người cưu mang và là một nhà sưu tập mỹ thuật hàng đầu của Hà Nội.

Và tất cả đã nhóm lên từ cái quán cóc đầu phố Hàng Vôi ấy.

***

Quán cóc cạnh bức tường phố Hàng Vôi, trở thành nơi hội tụ của giới văn nghệ sĩ, nhất là giới hoạ sĩ, ông Lâm nhặt nhạnh tiền và mua căn nhà số 60 phố Nguyễn Hữu Huân. Bây giờ phố Nguyễn Hữu Huân (1) là đường một chiều, đi lại không thuận tiện lắm, nhưng khách vẫn phải tìm đến đúng ngôi nhà ấy. Những ai đã một lần ngồi nhâm nhi tách cà phê đen nhánh nơi đây thì lại mong trở lại lần thứ hai, thứ ba để gặp lại chốn cũ với không gian hội hoạ. Ông Lâm toét đặc biệt yêu mến văn nghệ sĩ khách cũ của cái quán cóc đầu phố Hàng Vôi, nhất là các họa sĩ năng tới quán như. Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Sĩ Ngọc, Lưu Công Nhân, Nguyễn Sáng, Văn Cao. Sau thêm văn nhân mới như: Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tiến Chung, Tú Mỡ, Lưu Trọng Lư, Trần Văn Cẩn, Đoàn Phú Tứ, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Thế Lữ, Hữu Loan, Phùng Quán.

. Hơ! Trộm vía sau lưng chú em chứ…chứ nhồi nhét một đống danh vị, danh hoạ bò lổm ngổm như ruồi bu vào bài tap văn “Cà phê Lâm…“toét” vốn dĩ dài hơi dầy chữ thì bạn đọc bố ai mà nhớ nổi. Thì chú em nhành mồm ra mà rằng…

Rằng hết thảy đều là khách thân quen lâu năm của ông Lâm toét và cũng là con nợ chung thân của quán. Bằng sự nhạy cảm bản năng, ông lọ mọ, kín đáo và chân tình, rất sòng phẳng. Ông lùng mua cho được cả tranh Tardieu (*), Inguimberty, Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh (*), Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Gia Trí. Ông Lâm biết phân biệt tranh đẹp với tranh sáng tạo, tranh rẻ tiền, tranh nhái, với…tranh đường mòn. Ông có con mắt tinh đời trong sự cảm nhận cái đẹp, cách thức chơi tranh của ông Lâm giống như người chơi cây cảnh, cứ cây nào chưa có thì cố mà có, cây nào có rồi thì thôi. Thời ấy, người ta chơi tranh thật là hồn nhiên, chơi tranh vì thích, vậy thôi, không hề có bất kỳ một động cơ tư lợi hay háo danh nào. Thời đó, người vẽ tranh đã bị coi là gàn và người chơi tranh còn bị xem là…gàn dở hơn.

(*) Lại nữa, chú em này hoắng húyt thật, bởi ăn ngay nói thật ăn mày chữ nghĩa bấy lâu nên Cà phê Lâm Hà Nội, Trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Đông-dương (1925-1945) với ông thầy dậy Victor Tardieu, ăn như cũ ngủ như xưa tôi năng nhặt chặt bị chút ít. Như ông thầy dậy Victor Tardieu có được mươi cái huy chương danh dự, huy chuơng vàng ở Paris thì tranh ông sao lại “ngụ cư” ở quán cà phê của ông Lâm được.

Nhưng ông Lâm cũng thửa một bức tranh của Nguyễn Phan Chánh (*)

Ăn như cũ ngủ như xưa tôi đang một nắng hai mưa đến đây, chú em đã dẻo mồm…

Các họa sĩ nghèo, thường uống chịu, ông Lâm không bao giờ thúc giục đòi nợ, khi ông nhận tranh của các họa sĩ gán nợ ông không bao giờ trả giá, hay cò kè. Các vị cho ông tranh để ông treo, đổi lại các vị có những bữa ăn sáng, sau đó lại có cả cà phê, thuốc lá để thở ra khói. Các nghệ sĩ nghèo thoải mái gọi đồ ăn thức uống. Tất cả đều được ông Lâm ghi nhận, đến khi đã khá nhiều ông Lâm sẽ khẽ khàng vỗ vai bảo: “Này ông, đã đủ cho một bức tranh rồi đấy ông ạ”. Tranh gì cũng được, ông không khe khắt, cổ điển, phục hưng, lập thể, dã thú hay đa đa… đối với ông thì cũng thế cả thôi…

Chú em móc điếu thuôc, thở ra khói và lễnh đễnh tiếp:

Ông Bùi Xuân Phái thích vẽ lên vỏ bao thuốc lá, một phần nhờ ngồi cạnh ông là ông Nguyễn Sáng hút thuốc lá 3 số 5. Một phần phần vì đó là cái thú chơi nghịch, nó tốn ít thì giờ và vật liệu. Khách cà phề ngồi với ông, ngỏ ý xin bức tranh phố Phái nhỏ xinh, nằm gọn trong lòng bàn tay ấy làm kỷ niệm, ông bèn lấy bút và mầu ra đưa vài nét là xong, không khó khăn gì. Lối vẽ của ông, những người am hiểu hội hoạ nhận định rằng: ông vẽ càng nhanh càng đẹp, càng vẽ nhanh càng…”bạt tê”, và đặc biệt những bức gây ấn tượng nhất lại là những bức ông vẽ nhanh và có vẻ đã…quá chén. Như bức “mini-painture” phố cổ được vẽ trên vỏ bao thuốc lá dưới đây chẳng hạn.

Hiện nay thang giá của mỗi bức “mini-painture”

lên tới 500 USD, đó là giá mua của giới sưu tập

Và chú em thở ra như bò thở:

Có câu chuyện do người bạn của ông Bùi Xuân Phái kể về bức tranh Ô Quan Chưởng, bức được xem là một trong những tranh đẹp nhất của ông ở thập niên 60. Thế nhưng tác phẩm này đã bị một quan chức nhận xét trước khi khai mạc triển lãm: “Hừm, thế này mà là tranh à?!”. Chắp tay sau lưng, vị quan chức đứng trước bức tranh, ngắm nghía và dậy: “Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam chúng ta đang tiến lên chủ nghĩa xã hội hay là một thành phố chết? Các đồng chí nhìn xem: phố Hà Nội không người, chỉ có nắng chang chang với hoa phượng rụng đầy như máu, có một chiếc xích-lô thì thằng đạp xích lô đi đâu mất… Giá mà xa xa, ở hậu cảnh có lấy vài cái cần trục chứng tỏ chúng ta đang xây dựng đất nước thì còn tha thứ được, đàng này…”. (xem trang 13)

Sau vụ “tai nạn”, bức tranh bị loại ra trong cuộc triển lãm, có người bạn đã hỏi đùa Bùi Xuân Phái:
– Chiếc xe xích lô bỏ không đó, thế thằng xích lô bỏ đi đâu vậy?
Khi đó Bùi Xuân Phái cũng đã ngà ngà say, ông cười hiền lành và cũng muốn trả lời cho qua chuyện:
– Nó đi bộ đội rồi.

***

Ngẫm nguội một nhát, chú em búi bấn:

Ông Lâm vốn dễ tính nên nhận tất cả, bất kể tranh thuộc thể loại phong cảnh, đường phố, ký họa, than chì, bột màu hay kể cả “tranh thuốc lá”. Từ đó, trên các bức tường của cà phê Lâm dần dần được phủ kín bằng tranh của các họa sĩ một thời của Hà Nội. Có thể nói bộ sưu tập Nguyễn Văn Lâm không chăm chút lồng kính bóng lộn, mà tranh được treo nghiêng ngả, xô lệch không theo một trật tự nào. Thảng như: Khi tỉnh rượu lúc tàn canh của Nguyễn Gia Trí treo ở trên Cô thiếu nữ đi chợ Xuân của Tô Ngọc Vân. Bên cạnh Múa sư tử của Nguyễn Tư Nghiêm là Cô gái Tày của Nguyễn Sáng. Hoặc hai bức Cổng thành Huế (bột màu của Nguyễn Đỗ Cung-1941), Buổi chiều vàng (sơn mài của Dương Bích Liên) đặt ớ cuối chân tường.

Hay Người đàn bà hái rau muống của Nguyễn Phan Chánh để…dưới chân tường!

Thì như ở trên, ăn như cũ ngủ như xưa tôi vừa lăn tăn, nhờ lây dây với một, hai bài viêt về Cà phê Lâm nên góp nhóp được bức “Người đàn bà hái rau muống” của Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1938 được ông vẽ trên lụa Vân Nam, lụa này rất giòn để lâu bị bong tróc. Nên ông Lâm phải nhờ người “bồi” lại. Ăn như cũ ngủ như xưa tôi ngẫm nguội thời buổi bao cấp, bói đâu ra người chơi tranh để có người làm công việc “bồi tranh”?! Làm như giai thoại ở bên Tàu với chơi tranh cổ. Nghe lạ!

Chính cái sự treo tranh xộc xệch, hỗn loạn và ám khói thuôc lá của ông Lâm “khói” mới thực sự làm nên cái văn hóa rất Hà Nội, và cũng rất “Pa-ri-diêng”. Nghe kể quán Lâm ngày xưa tranh treo kín mấy bức tường. Bởi chưng người này đến “các” tranh gạt nợ rồi lại ngắm tranh của người kia, rồi lại thấy thú, ngồi lại uống cafe, rồi lại nhớ ra vẫn chưa có tiền, rồi lại nợ, rồi lại…vẽ tranh “cấn” tiền cà phê. Trong đó, có cả tác phẩm của các danh hoạ trong bộ tứ “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” (cả bốn ông này hay  đến quán nhất, họ uống cà phê và để tranh lại trả tiền) và thêm Văn Cao nữa…

 

Ở bức tranh này người ngồi chống tay là Bùi Xuân Phái, người ngồi bó gối là ông Lâm cà phê, cả hai đều rất giống, riêng hình vẽ ông Lâm theo nhiều người nhận xét thì “giống phát sợ” cả về hình hài đến cung cách.

Nguyễn Sáng vẽ bức tranh này từ thập niên 60, thời bấy giờ, giá một ly cà phê đen nhìn trên bức tranh được ghi rõ là 0.30 (30 xu = 3 hào, 10 hào = một đồng)

. Tranh Bùi Xuân Phái, ở cà phê Lâm có khoảng 5 bức sơn dầu, kích thước khá lớn. Trong đó có là bức phố Hàng Bạc. (xem trang 12).

Phố Hàng Bạc – 1963

 

Phố Nguyễn Hữu Huân – 1960

Ông Lâm rất thích nói chuyện. Mỗi lần tôi (Nguyễn Hải Yến) đến ông lại khoe: Đây là bức ông Văn Cao vẽ chân dung tôi, ông Lâm chỉ tiếp bên tấm biển giá cà phê đen ba hào của Nguyễn Sáng, cạnh là bức ông Tư Nghiêm bên chai rượu, v…v…

Chân dung ông Lâm Cà phê

(tranh Văn Cao, ngày 25/6/1974, sơn dầu)

Trước đó năm 70, ông Lâm có đặt Văn Cao vẽ bức khổ to tướng, to gần bằng cái chiếu bức Leo cột mỡ, một đề tài mà cả người vẽ lẫn người đặt vẽ đều muốn gửi gắm một điều gì đó..Bức “Leo cột” có lẽ là bức tranh cuối cùng nằm ở quán Cà phê Lâm.

Qua chú em, theo ông Lâm:

“…Thời đó Nguyễn Sáng, Văn Cao, Sĩ Ngọc, Mai Văn Hiến hay qua lại quán tôi và quen thân. Nghệ sĩ thời nào cũng nghèo, nhất là lúc bấy giờ, các ông thiếu đủ thứ từ giấy, bút, màu. Thế là phần thì tôi “quên” tính tiền, cũng có lúc các ông ấy “quên”, có ông đã quên lại còn tếu: Này anh Lâm trả lại “tiền thừa đi”. Tất cả chúng tôi phá lên cười và tôi lại dúi cho ông khách quý ấy mấy đồng bạc giúp các ông ấy giấy, màu…”

***

Ngồi im thin thít đã lâu, nghe chú em bung bét Cà phê Lâm rất Hà Nội, và cũng rất “Pa-ri-diêng”. Lại nghe hơi nồi chõ nhà văn Nguyễn Tuân đã nói bỡn rằng: “Hữu ngạn sông Seine có bảo tàng Louvre, tả ngạn sông Hồng có Cà phê Lâm”.

Ăn như cũ ngủ như xưa tôi…xưa đã Tây du một phen nên len chân vào chuyện:

Quán Café de Flore ở đại lộ Saint Germain des Prés, tại đây J.P. Sartre, Simone de Beauvoir, hoạ sĩ Salvador Dali thường tới hàng ngày vẽ hay viết văn. Ngoài Café de Flore, Café Le Procope, v…v…còn Café Les Deux-Magots mà Picasso, Saint-Exupéry, v…v…có mặt tại địa điểm này. Café Les Deux Magots là nơi Picasso gặp gỡ Dora Maar để Picasso vẽ chân dung Dora Maar. Vì những quán cà phê nằm trên đại lộ Saint Germain có nhiều văn sĩ, họa sĩ tụ họp nên đuợc là “Con đường cà phê của Paris”.

Nghe thủng kỳ cổ này của ăn như cũ ngủ như xưa tôi…xưa cũ rồi. Chú em đơm chuyện Hà Nội thập niên 60, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyên Hồng…ngồi đồng tại Cà phê Lâm, để trên con phố Nguyễn Hữu Huân này sinh đẻ ra không biết bao nhiêu quán cà phê khác: Như cà phê Giảng ở số 90 Cầu Gỗ dọn về 39 phố Nguyễn Hữu Huân. Thêm ông Lâm “toét” có quán thứ hai nàm ở số 91 Nguyễn Hữu Huân.

Thì nay có thể nói phố Nguyễn Hữu Huân là “Phố cà phê của Hà Nội”

Xe con chạy qua Cà phê Lâm ở 91 Nguyễn Hữu Huân, chú em lêu bêu rằng.những quán cà phê có cả trăm tuổi ở Hà Nội nằm trong “bộ tứ” với “Nhân-Nhĩ-Dĩ-Giảng” trong tạp văn “Cà phê Lâm…“toét”, chú em xúi bẩy ăn như cũ ngủ như xưa tôi nên vắn vỏi ở phần phụ đính. Vì bây giờ hai anh em phải đi xem triển lãm tranh ở cà phê Lâm.

Ông Lâm cà phê chụp với Bùi Xuân Phái

trong lễ khai mạc cuộc triển lãm đầu tiên

của Bùi Xuân Phái, năm 1984

Cà phê Lâm là một kiểu “Salon chui”, một phòng triển lãm không chính thức. Vi khi có chính sách mở cửa năm 80, các họa sĩ mới được phép tổ chức triển lãm tranh. Vì thế, nhớ lại thời kỳ khó khăn ấy, lịch sử mỹ thuật Hà Nội không nên bỏ quên công lao của ông Lâm . Với giới họa sĩ bấy giờ khát vọng sáng tác để triển lãm thì nhiều nhưng những điều kiện vật chất lại không cho phép. Chính vì thế, thập niên 80, quán cà phê của ông Lâm đã thực sự là một mái ấm, một chốn qua lại gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ.

Ắt hẳn là vì chuyện triển lãm, chú em dón chuyện:

1995, công ty Sài Gòn du lịch tổ chức cuộc triển lãm “Sưu tập tranh Cà phê Lâm” ở đường Tự Do. Ông Lâm kể chuyện thú vị về cuộc triển lãm. Ông bảo: “Mình trông lem nhem thế này mà bọn Sài Gòn “tu-dít” nó bắt mình ngủ ở ‘hô-ten” “Ma-dét-tích”.

Chuyện chú em kể :lem nhem: thật, mà nghe giai thoại Bùi Xuân Phái ở trên quá đã! Ăn như cũ ngủ như xưa tôi cứ ngay đơ hỏi còn giai thoại Nguyễn Sáng thì sao?

Chú em thở ra như trâu hạ địa mà rằng…

Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Sáng,

trong cuộc triển lãm đầu tiên và duy

nhất của Nguyễn Sáng, năm 1984

Nguyễn Sáng đến “Phòng triển lãm Lâm toét”, đương giữa lúc say sưa phấn khởi có đông đủ bạn bè chúc mừng thành công của mình. Chợt Bùi Xuân Phái phát hiện ra một điều, ông băn khoăn hỏi: “Sao Nguyễn Sáng lại chưa nhận được cái mề đay nào nhỉ?”. Mọi người cười ồ, Nguyễn Sáng tâm sự: “Bây giờ nếu tôi về quê thăm họ hàng bà con hỏi chú đi làm Việt Minh, Việt Cộng bao nhiêu năm thế mà trên ngực chẳng có cái mề đay nào? Không biết tôi nên trả lời sao? Tôi buồn lắm!”. (xem trang 13)

Có sống qua những thập kỷ 50-60 của nghệ thuật Hà Nội, mới thấm thía, cảm thông với những nghệ sĩ tài hoa bị quên khuất. Để cũng không thể quên thập kỷ 80, người Hà Nội sẽ không bao giờ quên được những triển lãm hội họa lần đầu tiên của các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái sau hơn 30 năm âm thầm trong ánh sáng của nội giới mà sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời cùng với họ, bộ sưu tập các tác phẩm hội họa của ông chủ quán Cà phê Lâm đã được trưng bày, đã được đón nhận sau nhiều năm tháng chờ đợi.

Để chẳng thể quên thập kỷ 60, họa sĩ không nhiều, và nghèo. Đi “thực tế” vẽ phong cảnh phải xin giấy giới thiệu, giấy đi đường. Vẽ xong, nhà chỉ có mấy cái khung, tranh phải thay nhau vào khung để một mình…mình đứng ngắm. Vậy mà, có lần, họa sĩ Văn Giáo đi vẽ một mạch 13 tháng không về…về rồi bị cán bộ gọi lên phường làm việc xém chút nữa bị đi cải tạo như anh em trong nhóm Nhân văn Giai phẩm (xem trang 13)

La đà đến tao đoạn này, chú em gọ gạy:

Nghe kể lần Bùi Xuân Phái vẽ bức tranh một thiếu nữ khỏa thân nằm ngủ miên man trên những mái nhà ở khu phố cổ Hà Nội, bức tranh gây ấn tượng cho người xem ý tưởng lạ lùng của ông. Có một cán bộ phường có việc qua nhà, ông này yêu cầu Bùi Xuân Phái giải thích cho biết hình ảnh cô gái khỏa thân nằm dài trên mái nhà Hà Nội mang ý nghĩa gì? Vì tránh rắc rối nên Bùi Xuân Phái đáp: “Tôi chỉ vẽ lại một giấc mơ”.

***

Bỏ giấc mơ trên phố cổ của Bùi Xuân Phái, chú em trở lại chuyện đời thường:

Không phải bỗng dưng mà một ngày, nhà thơ Lưu Trọng Lư đến thăm lại người xưa, quán cũ để thốt lên rằng: “…Công việc anh Lâm làm trong mấy chục năm nay thật là vô giá. Anh chị em văn nghệ sĩ không bao giờ quên tên anh, trong đó có tôi…”.

Họa sĩ Nguyễn Sáng từng viết thư:

Thân gửi anh Lâm,

Tôi nói nhỏ với anh là tôi đang cần 100 đồng để chiều nay tiễn đưa một người bạn. Anh cứ giao cho anh Văn Cao mang về. Tôi đang sáng tác nên không gặp anh được. Anh rỗi đến tôi chơi. Bao giờ tôi vẫn cho anh là ân nhân của anh em chúng tôi. –

Thân. 20/9/73 – TB: Nếu có hơn số đã định càng tốt, không sao cả.

Còn nhạc sĩ, nhà thơ họa sĩ, Văn Cao, nhân đọc mấy lời khen tặng của bạn hữu về bức chân dung vẽ ông Lâm, ngày 25/6/1974, Văn Cao đã nói thật lòng:: “…Nếu như người ta yêu nhau thì nhìn đôi mắt, anh Lâm lại là người kém mắt. Người kém mắt lại yêu hội họa. Tôi yêu người kém mắt mà vẽ tặng…”.

Mới đây nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sau lần ghé thăm ông Lâm đã viết:

“…Anh Lâm có nhiều tranh đẹp, đồ cổ quý. Vì ngoài chơi tranh, đồ cổ, anh còn chơi cả bản thảo sách, sách cổ, sách cũ. Anh giữ cho anh ư? Không. Có chăng anh giữ lại cho đời, gửi lại tấm lòng trân trọng của anh với nghệ thuật và văn học…”.

Với đồ cổ, theo một khách quen làm việc ở viện bảo tàng: “Cái sự xởi lởi trời cho và cái tính đa mang mà ông Lâm có được một bộ sưu tập gốm cổ Lý-Trần rất quý. Ông để trong gầm phản kê bên trong; cái phản gỗ mát rượi là nơi nếu không uống cà phê thì khách có thể ngồi trên phản uống nước chè tươi, hút thuốc lào với chủ quán. Ông sưu tầm cho quán của mình những món đồ cổ nhất cổ nhì quái và dấm dúi dưới gầm phản”.

Mà cái phản của ông là một tảng gỗ lim dầy cộm cũng là một món đồ cổ.

***

Trước khi hai anh em tới quán. Chú em bỗm bãm theo người viết Trần Trung Sáng:

“…Tôi may mắn được ngồi trong quán khi đó ông Lâm còn sống. Khi bước chân vào không gian ấy, vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng ông trong căn phòng phía sau. Có những lúc quán vắng, ông ra ngồi ở cửa, nhìn ngắm dòng người vội vàng trên phố. Nhưng khi ấy, quán Cà phê Lâm vẫn còn giữ được một không gian tương đối thâm u.

Tôi nhớ quán nằm xen giữa phố cổ Hà Nội, căn nhà tầng lợp ngói ta, tường trát vữa vôi vàng có chút gì đó lãng đãng với cái mành treo lơ lửng từ chỗ giọt gianh của mái nhà. Cạnh cửa ra vào là cửa sổ nhỏ có chấn song gỗ. Chỗ ấy bà Lâm ngồi pha cà phê, khách yên tâm quán vừa thưởng thức cà phê vừa ngắm tranh, tán ngẫu với ông Lâm.

Thế nhưng ít ai hay biết: Bùi Xuân Phái vẽ bức mặt tiền quán, biển hiệu Café Lâm.

Bây giờ quán cũ không có nhiều đổi khác gì mấy nhưng dường như thói quen thưởng lãm tác phẩm hội hoạ khi nhâm nhi cà phê đã không còn như thuở nào. Và cũng dường như cái tình người đã nhạt đi nhiều lắm…”

***

Xe con đậu cái kịch trược căn nhà số 60 phố Nguyễn Hữu Huân.

Vì chú em là nhà báo nên cũng “cà phê tí tách” lắm với câu ngoa ngữ thuộc nằm lòng: “Cà phê Lâm toét, Vân Hương mỹ tửu, trà Thái bác Tuyên” (Thái Nguyên-Tuyên Quang). Vì vậy chú em dẫn cả nhà ăn như cũ ngủ như xưa tôi tới cà phê Lâm để…cà phê tí tách là thế. Ấy vậy mà y trang như người viết ở trên vừa lễnh đễnh: Quán đặc biệt là cái bảng hiệu không được mấy ai để ý vì vỏn vẹn ba chữ sơn đỏ “Café Lâm” từ thập 80 vẫn ngự trên tường mà người đi đường lõ mắt mới nhòm thấy.

Là người hoài cổ, hoài cố nhân (mặc dù không quen biết) ăn như cũ ngủ như xưa tôi hoang tưởng ông Lâm “khói” đang đứng chờ khách “Ly biệt gia hương thế nguyệt đa – Cận lai nhân sự bán tiêu ma” (Hạ Tri Chương) ở trước cửa quán (hình bên phải).

Ăn như cũ ngủ như xưa tôi nhận ra ông Lâm “toét” ngay vì ông…đeo kính dâm.

Ông in hịt như ông chủ quán Lão Tử ở Sài Gòn vì ông Lâm “khói” có phong thái rất phiêu hốt, rất “Xử thế nhược đại mộng – Hồ vi lao kỳ sinh,” nghĩa là rất Lão Tử. Bèn mọc chuyện với chú em quán cà phê Lão Tử gần quán cà phê Nhân trên trên đường Lý Thái Tổ. Ăn như cũ ngủ như xưa tôi được thể…xưa cũ rằng ông Nhân Lý Thái Tổ chỉ là họ hàng xa…tít mù khơi với ông Nhân ngõ Bảo Khánh, gần phố Cầu Gỗ. Quán Nhân Sài Gòn không rộng lắm, bốn năm cái bàn gỗ kê song song hai bên tường. Chấm hết.

Bước vào quán, chú em đong đảy kể từ sau khi ông Lâm về với cõi, quán vẫn giữ lại những gì đã có từ trước, như bàn ghế hoàn toàn bằng gỗ mộc, nhưng đã bóng màu thời gian. Gặp ngày thường, quán vắng chiều hôm, ăn như cũ ngủ như xưa tôi quá quan chiều vắng chân mây địa đàng lững thững, nhàn tản ngắm từng bức tranh.

Theo ai đó viết về quán cà phê Lâm mà ăn như cũ ngủ như xưa tôi túm tó được thì toàn bộ sưu tập của ông có trên 200 tác phẩm, treo la liệt từ phòng lớn bên ngoài qua phòng nhỏ bên cạnh. Chả là bấy lâu nay chỉ được xem tranh hàm thụ hai cụ Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái trên máy vi tính. Nay muốn nhìn thấy tận mắt cho mãn nhãn thì họ lại treo cao quá, ăn như cũ ngủ như xưa tôi chỉ trông nhang nhác, thấy ngờ ngợ.

Vì Hà Nội hôm nay nảy sinh ra trường phái vẽ “nhái” nên ăn như cũ ngủ như xưa tôi chả biết đâu mà lần. Thảng như với tranh giả, tranh thật của Bùi Xuân Phái chẳng hạn.

Nói cho ngay những bức tranh ở Cà phê Lâm hôm nay phảng phât như những tấm cổ thư nhuốm màu thời gian và không gian Hà Nội một thời vắng gió đì hiu. Nhưng nói màu thời gian cho chữ nghĩa ám khói hàn lâm vậy thôi, vì làm như tranh bị nhuốm màu…khói thuốc lá của khách cà phê. Ngày nào cũng vậy, khách vô tư nhả khói mịt mù cả mấy chục năm thì làm gì tranh không bị tối rầm, tối mù cơ chứ. Và có thể chủ nhân cũng hút thuốc như khói tàu hoả nên có tên gọi là Lâm…“khói” chăng?

Nghe đến nhang khói lại thèm một hơi thuốc, vì đi với vợ con nên hai anh em bước sang phòng bên cạnh (hình bên mặt ở trên, có người mặc áo trắng quay lưng ra cửa). Dòm trên bàn có cái gạt tàn thuốc với nhãn hiệu “Cà phê Lâm”, tính thủ cái gạt tàn vào túi mang về đất tạm dung để đánh dấu một chuyến đi. Chú em bòn mót ngay…

“…Một hôm, có ông người Nam ra dáng nghệ sĩ lắm hỏi mượn tôi (Bùi Xuân Phái) chiếc quạt và ông ấy đùa: “Nếu bác sợ mất quạt thì buộc dây lại, đóng đinh vào tường”. Ông bạn này thật là tếu táo. Chúng tôi quen thân nhau ngay. Sau tôi biết đó là họa sĩ Nguyễn Sáng người Mỹ Tho, ông ấy sau này tặng tôi một số tranh sơn mài….”

Rồi chú em chỉ qua bức tường đối diện và gọ gạy hồi trước Nguyễn Sáng ngồi cái bàn bên kia với Bùi Xuân Phái ở quán Cà phê Lâm này.

Và chú em giục giặc, ngoài ra Nguyễn Sáng còn vẽ “Chân dung bà Lâm” nữa.

***

Trở lại căn phòng lớn xưa thật xưa là phòng triển lãm, chú em đốt lò hương cũ…

Các họa sĩ thời ông Lâm chơi tranh nay hầu như đã lần lượt qua đời. Giờ đây, ra vào cái quán cà phê thân thuộc này chẳng còn bao nhiêu nghệ sĩ tài danh thuở trước. Họ đã lần lượt theo nhau đi, những Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tiến Chung, Tú Mỡ, Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ…. Bây giờ các cụ Lê Đạt, , Phùng Quán, Trần Dần…đã mang theo xuống suối vàng cả cái cung cách uống cà phê đen không đường rất Hà Nội ấy. Ông Lâm cũng mất cách đây vài năm, nên quán không giữ được nét lãng đãng, liêu xiêu như xưa.

Hơ! Ăn như cũ ngủ như xưa tôi kỳ óc nghĩ không ra cụ Trần Dần… uống cà phê đen không đường hồi nào ta? Bởi mụ chữ với di cảo Ghi (1954-1960) của cụ Trần Dần thì cụ chỉ uống rượu cuốc lủi và suốt ngày tôi nhìn tôi trên vách như…một cái bóng.

Khi rày ăn như cũ ngủ như xưa tôi phiêu lãng quên mình lãng du với bộ tứ “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”. Và đập cổ kính ra tìm lấy bóng những bức tranh như “Phố Hàng Bạc” (3), “Phố Nguyễn Hữu Huân”, “Chân dung ông Lâm” luân lạc ở phương nao.

Ăn như cũ ngủ như xưa tôi lại lui cui tới giai thoại chú em kể về Nguyễn Sáng “Tôi buồn lắm”, Bùi Xuân Phái với “Giấc mơ trên phố cổ” hay “Ông xích lô đi bộ đội”. (4)

Trở lại bàn, nhòm mặt bàn chả phải bằng gỗ mộc đã bóng màu thời gian, mà là bàn bọc “mi-ca”…bóng nhẫy. Ăn như cũ ngủ như xưa tôi đảo mắt như lạc rang quanh bốn bức tường một lần nữa chỉ góp nhóp được vài chục tấm tranh treo ngay hàng thẳng lối là hết đất. Chả như ai đấy đã cỏ hoa lạc lối: “…chính cái sự treo tranh xộc xệch, hỗn loạn và ám khói thuôc lá của ông Lâm “khói” mới thực sự làm nên cái văn hóa rất Hà Nội…”. Ừ thì hoang tưởng cách mấy, ăn như cũ ngủ như xưa tôi không “ngửi” được mùi: “…những bức tranh được ướp đẫm hương vị cà phê Lâm vừa sắc, vừa khét trong một không gian thâm u của tầng văn hoá trầm tích, của văn hóa phố phường xưa…”.

Vưa lúc người phục vụ tới hỏi uống cà phê đen hay cà phê nâu? Ăn như cũ ngủ như xưa tôi ngớ ra chả hiểu cà phê “nâu” là khỉ gì, chú em dón dả ấy là cà phê…”sữa”. Nhấp ngụm cà phê sữa, ăn như cũ ngủ như xưa tôi không tìm thấy hương hoa ngày cũ ở cà phê cô Hồng đường Pasteur. Lại nữa, Hà Nội tháng bảy, nắng chang chang, nóng đỏ lửa, quán không có máy lạnh. Thế nên hư cấu cách nào chăng nữa, ăn như cũ ngủ như xưa tôi không có…cảm giác: “…khách vừa uống cà phê trong không gian ẩm thấp, tối tối, ánh sáng nhạt nhòa vừa thưởng thức những tranh Phố Phái một thoáng liêu xiêu, một thoáng êm đềm và đượm buồn…”. Bỗng không trong cái đầu củ chuối mọc măng ra “bài nói” của chú em: “…những bài viết đáng tin cậy về Cà phê Lâm hầu như không có, nhưng chuyện thêu dệt thì nhiều…”.

Ngước lên trần nhà va vào mắt là những chiếc quạt trần cổ lỗ sĩ từ thời Tây đánh thành Hà Nội. Quán không có nhac. Trống vắng, trống không. Tất cả đã lùi về quá vãng. Tất cả như dòng nhạc của người họ Trịnh…như cánh vạc bay về chốn xa xôi.

Số là đang hoà nhập với văn hoá thâm u cà phê Hà Nội xưa và nay, với người xưa năm cũ. Thì chú em xúi dại cô cháu gái bốn chục năm sau hãy đưa chồng con trở lại quán cà phê của một thời. Ý đồ của chú em là con gái rượu của ăn như cũ ngủ như xưa tôi sẽ ngồi ngay ở…cái bàn gỗ mộc này và thao thiết với con trong một ngày ít nắng nhiều mưa: “Ngày xưa ông ngoại con đã ngồi ở đây với…cụ Lâm toét”.

***

Ra khỏi quán, nhìn sang bên đường đối diện: Đó là mờ nhân ảnh của bức tranh “Phố Nguyễn Hữu Huân” của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ vào năm 1967.

Bởi chưng, phố Nguyễn Hữu Huân còn đâu những ngôi nhà hình ống hai tầng, những mái nhà chồng diêm, mái ngói cong, lô xô với những cánh cửa mặt tiền đóng chặt, bình yên, lặng lẽ như trong những bức tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái. Vì bây giờ tất cả đã đổi thay, còn đâu nữa phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu. .

Đảo mắt dọc hai bên đường là những quán cà phê rải rác giống như đường St Germain des Prés của Paris có quán Les Deux Magots, Café de Flore với Pablo Picasso, Van Gogh. Với ăn như cũ ngủ như xưa tôi, con phố Nguyễn Hữu Huân là con đường cà phê của Hà Nội với Hà Nội mùa này … vắng những cơn mưa…

Và ngẫm nguội không hiểu tại sao con phố lại có tên là Nguyễn Hữu Huân. (1)

Huyễn tưởng ngồi ở quán Thằng Bờm

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Huỳnh Hữu Uỷ, Bùi Thanh Phương, Phong Vân

Nguyễn Tiến Chung, Quang Việt, Nguyễn Trọng Dũng.

Chú thích

(1) Năm 1954 phố mang tên Nguyễn Hữu Huân. Có thể các sử gia miền Bắc bài bác Phan Thanh Giản hê lụy với người Pháp nên đưa Nguyễn Hữu Huân thay thế?

Phố Nguyễn Hữu Huân tên xưa là phố Bè Thượng (người Pháp đặt tên là Rue de la Digue). Sau đặt tên lại là Rue Bắc Ninh, rồi lại đổi là Rue Maréchal Pétain (1940), thời 1948-1954 gọi là phố Phan Thanh Giản.

Nguyễn Hữu Huân (1830-1875), quê Chợ Gạo, tỉnh Định Tường, ông dự thi Hương (học vị Cử nhân) và đỗ đầu, nên được gọi là Thủ khoa Huân. Ông khởi nghĩa chống Pháp ở các tỉnh miền đông Nam kỳ, ông bị Pháp xử chém năm 1875 tại Định Tường .

(2) Tranh Bùi Xuân Phái vượt giá sàn tại Hong Kong

Phiên đấu giá mùa Thu của Larasati (Singapore), thuộc những nhà đấu giá liên hiệp châu Á, diễn ra 27/11/2010 tại Trung tâm triển lãm Hong Kong.

Theo nhà đấu giá Larasati thì tác phẩm Phố Hàng Bạc (mã số UAA 004) của Bùi Xuân Phái là vượt giá sàn: từ 80.000 – 120.000 HKD (đô-la Hong Kong), kết quả bán được 156.000 HKD, tương đương 19.900 USD.

(3) Bức phố Hàng Bạc trước kia ở cà phê Lâm kích thước 60 cm x 80 cm , bức này hiện nay thuộc về nhà sưu tậpTrần Hậu Tuấn.

Ông Tuấn này khoe rằng nhiều người đã hỏi mua bức Hàng Bạc và cũng do khách hàng đã đẩy giá tới 25.000 đô la Mỹ (sic), nhưng ông Tuấn đã từ chối không bán.

Ông Tuấn giải thích rằng: “Bây giờ tôi cầm số tiền đó, tôi không thể tìm mua đâu được một bức tranh đẹp, to như thế của Bùi Xuân Phái”.

(4) Văn Cao bị trù dập vì tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm.

Trong đó có Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái.

Nguyễn Sáng là tác giả bức tranh Trần Dần cứa cổ tự tử khi bị Tố Hữu nhốt trong tù.

Nguyễn Tuân nói: “Nhân Văn số 1 không có gì nổi trội, sợ nhất là bức tranh Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần. Kiếp thật! Coi chừng có chuyện”

Phụ đính

– Tháng 1-1956 Giai phẩm mùa Xuân với các tác phẩm: Anh có nghe thấy không của Văn Cao, Nhất định thắng của Trần Dần, Hoa đào vẫn nở của Nguyễn Sáng, v…v…

– Ngày 15-9-1956 ra mắt báo Nhân Văn ra số 1 có Con người Trần Dần của Hoàng Cầm, tranh minh họa Trần Dần với vết sẹo ở cổ của Nguyễn Sáng, v…v…

***

– Ngày 7-7-1956 Thông báo kỷ luật các văn nghệ sĩ đã tham gia Nhân văn Giai phẩm.

Hội Nhạc sĩ cho Văn Cao ra khỏi Hội Nhạc sĩ.

Trần Dần bị khai trừ 1 năm ra khỏi Hội Nhà văn.

Hội Mỹ thuật cảnh cáo Nguyễn Sáng, bị rút tên khỏi ban chấp hanh Hội Mỹ thuật.

***

– Ngày 5-11-1956 báo Nhân Văn số 4 với bài Những ngày báo hiệu mùa xuân của Văn Cao, Con ngựa già của chúa Trịnh của Phùng Cung, v…v…

Tranh “Con ngựa già của chúa Trịnh” của Phùng Cung, minh hoạ của Bùi Xuân Phái. Bức vẽ minh hoạ này là nguyên nhân mà Bùi Xuân Phái bị xem là tham gia nhóm NVGP và ông đã phải hứng chịu những hệ luỵ của nó kéo dài đến gần hết cuộc đời ông.

(nguồn: Bùi Thanh Phương, con trai Bùi Xuân Phái)

***

Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng, “bộ tứ” cà phê nổi tiếng một thời của Hà Nội

Cà phê Giảng

Quán Cà phê Giảng do ông Nguyễn Văn Giảng mở tại dốc 106 Yên Phụ năm 1920. Khoảng năm 1946, rời về số 90 phố Cầu Gỗ. Sau 1955, quán chuyển qua số 7 Hàng Gai. Rồi mở thêm quán nữa ở 39 Nguyễn Hữu Huân (nằm trong hẻm)

Ông Giảng khai sinh ra cà phê trứng trong thời kỳ đường, sữa khan hiếm (ông lấy lòng đỏ trứng để thay thế sữa). Cốc cà phê được đặt trong bát nước nóng để giữ nhiệt).

Cà phê Đinh

Năm 1989, ông Giảng qua đời, con gái ông mở riêng một quán ở số 13 Đinh Tiên Hoàng. Và lây tên là cà phê Đinh (vì nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng).

Cà phê trứng ở Đinh không đặt trong bát nước nóng như ở Giảng, mà chỉ có duy nhất một chiếc cốc bé xíu, đặt vừa lòng bàn tay.

Cà phê Nhân

Khởi đầu là quán lá ở Vân Đình do ông bà Thi Kỳ thời kỳ tản cư (năm 1946). Sau (1948) mở thêm cửa hàng mang tên cà phê Nhân tại các vùng Cổng Thần, Chợ Đại (huyện Thường Tín), ở mé rừng thông (Nho Quan). Năm 1949, ông bà Thi trở về Hà Nội gây dựng lại quán cà phê Nhân tại số 100 phố Cầu Gỗ

(trong ngõ Bảo Khánh, gần phố Cầu Gỗ, trông sang quán Mụ Béo bên hồ Hoàn Kiếm).

***

Thời điểm ấy ở Hà Nội có 2 quán nổi tiếng là cà phê Tống và cà phê Ngôn, được đặt theo tên người chủ cửa hiệu.

Ông Thi lấy từ “nhân” hàm nghĩa bạn bè làm tên hiệu cho quán, nhằm để trở thành một bộ ba cà phê nổi tiếng “Tống-Nhân-Ngôn” của Hà Nội sau này.

Năm 1980 mở thêm một quán nữa ngã ba Hàng Hành ở số nhà 39D.

(nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có viêt bài về quán này với tựa đề: Cà phê Hàng Hành).

Ngõ Hàng Hành bên hồ Hoàn Kiếm dài hơn trăm mét có đến mấy chục hàng ăn, hàng cà phê Ngõ Hàng Hành khi ấy chỉ là một ngõ nhỏ vắng vẻ chỉ đi vừa chiếc xích lô.

Ngõ Hàng Hành nhỏ bé ngày nào giờ đã trở thành Phố cà phê.

Cho tới thời điểm này, ở Hà Nội đã có gần một chục quán mang tên Cà phê Nhân do các con và cháu ông bà Thi Kỳ mở, như: Cà phê Nhân số 39D Hàng Hành, số 9 Láng Hạ, số 143 Nguyễn Thái Học, phố Đê La Thành.. Nhưng phần đông mọi người thường tìm đến cà phê Nhân ở Hàng Hành.

Cà phê Nhĩ

Nằm trong “bộ tứ” nổi tiếng một thời “Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng”, cà phê Nhĩ nằm lọt thỏm ở giữa phố Hàng Cá giáp ngay ngã tư Hàng Lược, Hàng Cá và Ngõ Gạch.

Không bảng hiệu, cơ ngơi cũng vô cùng hạn chế nhưng quán cà phê từng được mệnh danh là đệ nhất cà phê Hà Nội không lúc nào ngớt khách. Cà phê được để trong ấm tích bằng sứ, đong bằng các chén hạt mít con con, thêm đường hoặc sữa rồi đánh tung bọt lên bằng cây đánh trứng trước khi thả dăm viên đá vào.

Xưa kia là quán vỉa hè, không bảng hiệu để nhận biết, may ra có chăng tấm bạt che cũ mèm không còn nhìn nổi màu sắc với mấy chữ như từ những năm 80 về trước. Quán nhỏ, thấp bé, chật hẹp như những con phố, con đường 36 phố phường xưa. Quán không có lối vào vì lối vào cũng đặt tạm bợ mấy cái ghế gỗ thô kệch cũ rích sậm xì ngả màu từ đời thuở nào lâu lắm rồi vừa dùng làm chỗ ngồi vừa dùng làm bàn kê đồ uống.

Cà phê Dĩ

Một thời bộ tứ cà phê “Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng” cùng thời điểm lúc bấy giờ là vào khoảng những năm 45, 46. Tuy nhiên không hiểu vì sao mà cà phê Dĩ lại biết mất (*) . Rất nhiều người đã đi tìm lại gốc tích mà không có tư liệu nào lưu lại. Có lẽ do con cháu của cụ đã không có ai theo nghiệp cà phê truyền lại.

(*) Năm 1960, Nhà nước thực hiện cải tạo công thương, cà phê Nhân được đưa vào hợp tác xà trong Công ty ăn uống Hoàn Kiếm.

Cà phê Lâm

Cà phê Lâm do ông Nguyễn Văn Lâm (tên gọi Lâm toét) ở số 60 Nguyễn Hữu Huân ra đời năm 1952 ở vườn hoa Chí Linh. Đến năm 1955, quán chuyển về Tông Đản rồi từ năm 1960, quán chính thức tọa lạc tại Nguyễn Hữu Huân như bây giờ.

Cà phê Năng

Em ruột ông Nguyễn Văn Lâm là ông Nguyễn Văn Năng theo chân anh lập quán Cà phê Năng số 6 Hàng Bạc. Hồi đầu, Cà phê Năng chỉ có một địa chỉ duy nhất là ở Hàng Bạc nằm trong con phố cổ đông đúc, chật hẹp, đôi khi đến đây người ta còn thấy bất tiện bởi khó tìm được chỗ để xe. Vậy mà Cà phê Năng tồn tại trên đất Hà Nội cũng khoảng 50 năm nhưng đến giờ cũng phải có đến vài ba cái Năng mọc lên ở đâu đó quanh Hà Nội.

Phụ chú

Nhắc đến cà phê ở Hà Nội, người ta nhớ về một Hà Nội thâm trầm, cổ kính và thanh lịch. Tứ trụ “Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng” nay là tam giác cà phê: “Nhân – Lâm – Giảng”.

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search