T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: Mưa Khuya (2)

clip_image002

Thứ bảy đi làm rất buồn chán, vì lẽ trong sở chỉ lấy được đài radio tiếng Việt, mà chương trình cuối tuần chỉ thuần quảng cáo. Mây đành mở MP3 nghe lại chương trình đọc sách cũ. Nhưng Mây chỉ nghe được mấy episodes về Bùi Giáng, về thơ Cao đông Khánh rồi đành phải tắt máy. Tự dưng Mây thấy mệt lả, muốn nằm xuống bên đường. Từ cái giọng trầm trầm vang ra những lời viết như xẻ dọc trái tim, như thể cái giọng ẩn ước niềm đau đó đã truyền nhiễm vào Mây nỗi mệt mỏi chán chường. Đột nhiên Mây thấy ra một khía cạnh khác của cái đọc.

Những năm tháng xưa khi còn nhỏ thì đọc là một thú vui. Khi ra nước ngoài, đọc thành một nhu cầu_nhu cầu gắn bó với quê hương vừa dứt bỏ, nhu cầu đắp đỗi vết thương của người dân bại trận, nhu cầu tìm hiểu, nhu cầu biết có những người chia sẻ nỗi đau đớn của mình, nhu cầu biết mình không phải chỉ có một mình trong thế giới xa lạ này. Và một nhu cầu thể xác: cho quên nỗi nhọc nhằn của những ngày dậy từ 4 giờ sáng đi làm đi học, 10 giờ đêm về đến căn phòng trống lạnh ăn chén cơm buồn. Mây đọc bất kể là loại gì trừ thể truyện dài nó làm mình mê lậm không làm ăn gì được. Khi đọc Mây thấy mê mải với mọi thứ tâm tình mọi ý nghĩ nêu ra. Mê cái u hoài nghệ sỹ nhưng cẩn trọng của Nguyễn Hiến Lê, mê cái cà tửng bất cần của Hoàng Chính, mê cái hào sảng kỳ bí của Tô Thùy Yên, mê cái ngậm ngùi ngơ ngác của những nhà văn nữ thời 80, mê cái đanh đá của Túy Hồng, mê cái cuồng nhiệt của Nhã Ca, mê cái rề rà chuyện thời “giải phóng” của Nguyễn Đức Lập… Ôi thôi Mây mê đủ thứ. Đọc, giống như đi du lịch khắp nơi, giống như quen muôn người, giống như thêm được một bồ chữ, nhận được một cuốn sổ đời sống. Và sướng nhất, là đọc mình không phải nghĩ_không phải đối diện với lòng mình, với những điều u mê trong tâm trí. Mê nhất là đọc Võ Phiến. Võ Phiến nhận xét tinh tế lắm, chỉ ra những tâm lý sâu kín của con người rất độc đáo. Đọc rồi, 15 năm sau đọc lại vẫn thấy mê. Lúc đó, Võ Phiến giới thiệu cuốn sách nào thì Mây sẽ đọc cuốn đó khi có dịp. Rồi cũng có lúc Mây đứng lại, và xác định với chính mình, nhiều khi mình mê đọc người giới thiệu chứ chưa chắc mê đọc người được nhắc tới. Đọc với Mây cứ vẫn là nhìn ra.

Bây giờ, nghe đến câu chữ “…Cuộc tan vỡ mỗi người mang một ít trong máu, nghe nói thì hiểu ngay, chẳng cần biết đó là chuyện của ai. Bài vọng cổ không phải đời sống, nhưng có bao nhiêu đời sống mất đi mới thành bài vọng cổ, hát lên và nghe hát là có thể khóc, không phải khóc những gì ở ngay trong bài vọng cổ , mà khóc cái xa hơn_khóc người đã trở thành bóng, khóc xóm củi, khóc cái bến tắm ngựa, khóc chuyến xe buýt đậu trước cửa chợ Bà Chiểu, em mặc áo dài đen bước xuống…rồi biển lấp đi tất cả…” Mây thấy rung động tâm can. Cái đồng cảm nó đến cùng mình dẫu qua con chữ, nhưng sao nói được tần số của nhịp rung? Tựa như khi Mây ngồi nghe hát chương trình nhạc Lại Tôn Dũng, âm thanh quá lớn, đến nỗi dội vào 2 tay Mây đang đặt trên tấm áo windbreaker, nhưng tần số đáp ứng nơi tay chắc chắn không phải là giọng hát. Cái rung động của tâm hồn đồng cảm không đo bằng con chữ đã viết xuống. Mây thấy ra, đọc Võ Phiến như nhìn bức hình sinh vật chiếu rọi thân thể người ta, gân xương mạch máu thần kinh bắp thịt. Mỗi chữ mỗi lời của Võ Phiến là markers dẫn mình đi tứ tung trong cái thân thể đó. Nhưng markers luôn còn đó, Mây cứ theo markers mà phiêu lưu, trên thân thể của ai đó. Đọc những câu chữ của NĐT Mây quên ngay con chữ, không biết mình bị xẻ chỗ nào trên bức họa đồ mà thấy như máu bắt đầu ứa ra trong cơ thể, tim mình thoi thóp đập một nhịp lạ, óc mình bị chiếm những hình ảnh không tiếp cận bao giờ. Mây quả thật muốn nằm xuống. Bị hòa nhập với một hồn đau, đâu phải mình có chọn lựa.

Đọc thơ Cao Đông Khánh (hay bất cứ ai), thì mỗi người mỗi cảm, Mây không chắc mình sẽ thích hay mê CĐK. Nhưng những giòng viết về thơ Cao Đông Khánh dậy cho Mây biết, không chỉ khi viết mình mới soạn lại lòng mình. Chính là khi đọc NĐT mà Mây phải lọc lựa lại những gì đã nghĩ, những cảm xúc đã qua; đọc NĐT Mây không chỉ nhìn ra mà còn nhìn vào chính lòng mình. Nhìn vào rồi hiểu, rằng trong kiếp này không ai đọc được dùm ai một chữ tình.

Mây lại nghĩ lan man đến những phút hững hờ im lặng nơi nhà Ông. Có lúc Bà phỏng tay, ông ngồi nhìn ra cửa sổ tay mân mê những ngón tay nhỏ xương xương của Bà, miết quanh những cái móng be bé. Có lúc ăn cơm, Ông cầm cái fork tay run run sắn miếng cá thu rim khô cho Bà, chan muỗng nước mắm vào chén gỏi cho Bà. Đưa tay vuốt một lọn tóc xòa, miết ngón tay quanh gò má… Tình, nơi ông không ở lời nói, không ở những hành động hào nhoáng ước lệ. Nó là những cử chỉ vẩn vơ bất chợt đến và bất chợt làm, như thể ông cũng bị lên đồng, bị bà nhập chứ không chủ tâm làm những việc đó. Và thực ra, chỉ một thoáng giây rồi tất cả qua đi. Mây hên hay xui mà cảm mà nhìn thấy?

***

Hôm nay Ông có vẻ vui. Ông khoe với Mây rằng Thu sợ Chiến một phép, rằng Chiến trị được tật cà nhỏng của Thu. Hể hả hơn nữa, ông tỉ tê lời Chiến đã nói, rằng ca sĩ nọ có cuộc sống và thái độ tệ như vậy thì không thể hát hay được mà sao vẫn hát hay! Chậc!!! Mưa vẫn từ trời rơi xuống, chứ người đã nghĩ đến nấm mộ của mình từ thuở còn thơ sao lại không biết chuyện có tật có tài. Còn nhớ khi Mây tỏ ý không muốn qua vào giờ cơm ông đã nói bâng quơ, “nó” cũng biết cười đấy. Mây làm thinh. Nước mắt chảy xuôi, dù Mây không nói gì nhưng chắc ông cảm được cái ngần ngừ của Mây khi gặp Chiến.

Có tiếng chuông, Bà ra mở cửa_Cô Năm qua. Cô mang 2, 3 món đồ ăn bầy ra bàn rồi chạy vào gọi Chiến. Chiến đi ra, nói cháu vừa ăn xong cô ạ, Cô ăn đi cô, nhỏ giọng lại chị cứ ăn đi chị. Mây cảm tưởng như Chiến là đứa trẻ sợ bố mẹ, hễ phải nói điều gì không thích bèn lí nhí trong miệng!!! Mây cười thầm với ý nghĩ ngộ nghĩnh đó khi nhìn lại vóc người đồ sộ của Chiến. Cây mã tấu sau vài lần huơ rất rộng và dũng mãnh giờ thường chỉ nhỏ giọng chào Mây và không nói gì với Mây nữa. Đúng ra Mây và Chiến mới dễ thân nhau chứ, Mây và hắn đến nơi này trước sau vài năm, chênh lệch nhau vài tuổi, cùng để lại sau lưng một gia đình… Sao Mây thấy gần với Ông hơn với hắn? Sao Mây không thấy cấn cái với Thu dù Thu nhỏ tuổi hơn Mây nhiều và chỉ mới ở đất này năm ba năm?

Có phải vì cái mười năm ngửa mặt mà Ông có lần nhắc đến? Mây cũng có riêng một cái mười năm, và nếu Mây cũng có một cái mười năm thì Chiến cũng như hầu hết người dân miền Nam sau 75 có lẽ đều có một khoảng mười năm tê liệt với cuộc sống sau những biến cố dồn dập. Mà nơi đây, có 2 đứa trẻ như bung ngược chiều nhau? Rau thơm đem trồng xứ lạnh không thơm mà hăng, dẫu tươi tốt mà lạc quẻ khi gói ghém vào nhau !!! Vô lý, tựa như phim Tàu nói, thiên địa vô tình, như Việt và Mây cũng đã dạt hai nẻo đời, từ thuở còn thơ.

Mười năm, Ông nói, tôi ở tù về chỉ nằm ngửa mặt nghiền ngẫm. Tôi nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời, nhìn những đổi thay, nhìn xã hội tàn rụi trong khúc phim câm, không còn được là mình nhưng hiểu mình hiểu người hơn bao giờ hết… Còn Mây, cái khoảng mười năm ấy Mây đang loay hoay với sương mù trắng và ánh đèn vàng vọt mỗi xế chiều. Không có ai hiểu được cái hoang tàn trong lòng Mây chỉ vì một ánh đèn nê ông đã mất, và cái im vắng khi mặt trời tắt nắng. Đường phố, rõ ràng là đông, xe rất nhiều rất nhanh, mà sao im vắng lạ lùng. Không ai nói với ai câu nào, không bên nọ bóp kèn bên kia khạc nhổ. Không ai la lối vào tai mình dô, dô, tránh ra, tránh ra…

Mây ở chung với khoảng 15 người dưới một mái nhà, nên cái thê lương những khi tết lễ mới càng khó chống đỡ. Trong căn phòng ướt lạnh ấy, Mây thấy chuyện thắp nhang để bàn thờ thành một trò lẩm cẩm vô nghĩa. Ông-Bà là ai và Mây là ai ở chốn này? Mây không còn nẻo về, những đứa con Mây sẽ có_chắc gì biết ăn bún riêu? Mây cần một người ruột thịt để có một gia đình, nhưng Mây đơn côi, nhưng Mây không còn bao giờ thấy lại Má đứng ngơ ngác tìm con trước ngõ ngày Mây lên xe đến bãi “bốc.” Đứng trước cái hớn hở rộn ràng của người chung quanh, Mây không biết phải nói gì cho nỗi thê thảm trên vai mình. Hai mươi lăm năm sau Má đến đất này trên máy bay. Mây mừng lắm, nhưng trong mắt Má Mây đà mất gốc, mất bàn thờ, giỗ Ba Mây cũng quên. Mây chả buồn cúng quảy, vì nén nhang không chỗ cắm giờ thêm thiếu lòng thành là ngọn đuốc đe dọa lương thiện trong Mây. Má đâu biết, giỗ Ba như làn khói lúc nào cũng quẩn quanh trong lòng Mây. Dầu sao Mây cũng đã gắng hết sức mình để làm một đứa con ngoan. Những khi bế tắc, mà thường là bế tắc, Mây lại qua bên gác hẹp của Ông. Đối diện với cánh cửa sau cùng, mọi hân hoan khổ đau được mất đều vô nghĩa. Cái đau khổ trong cuộc sống riêng của Mây như vơi đi, như cũng biến thành khói nhang vô hình trong lòng Mây.

Dường như Chiến không có thứ bế tắc đó. Chiến mãi là một đứa con Việt Nam, dẫu trong hoàn cảnh nào, phải vậy không? Em kể chị nghe chuyện buồn cười này… Dường như cây mã tấu thôi huơ một vòng quanh chỗ đứng, dường như đinh ốc nơi chuôi đao thôi tóe hào quang.

***

Mùng một, Mây rủ anh Tư đi chùa ở San Diego. Trời mưa tầm tã, trên xe Mây kể anh Tư nghe giấc mơ về một người bạn văn đã chết. Mây lẩn thẩn thú nhận là đêm nào cũng nghĩ đến cái chết, Mây sợ chết, không biết cõi đó ra sao. Anh Tư cười cười, anh sẽ đến đó trước Mây, để chừng đó anh kể cho Mây biết nghen. Nghe sợ. Lên chùa, thấy phơi phới dẫu ý niệm thiên đàng địa ngục luôn ngự ngay trong chùa. Tựa như thấy ánh hào quang thì Mây đã thấy phần nào được xả tội!!!! Chùa thì nhỏ nhưng miếng đất to trên đồi thật thoáng mát êm đềm. Chung quanh các thầy trồng cơ man là đào, vườn chùa còn rất nhiều cây ăn trái đang trĩu cành và một vườn rau. Như vậy có trái cây cúng Phật và rau dưa qua ngày, cũng được… Mưa đổ xuống. Mây mừng ơi là mừng, lấy máy ra chụp mấy chục bức hình hoa đào trong mưa. Anh Tư đã quen với thói ham hố của Mây, anh quay sang nói chuyện cùng một thầy đứng gần. Mây ra dốc đứng nhìn cây nêu có treo tràng pháo đỏ. Thiệt ra, lúc Mây còn trong nước hình ảnh cây nêu tràng pháo cũng chỉ là thấy trên sách báo. Những đứa trẻ sinh ra nơi tỉnh thành không bao giờ có dịp biết đến những tục lệ hình ảnh chưa xa mà đã xưa như ông bành tổ ấy. Trời đổ lạnh thật nhanh, anh Tư gọi về.

Mùng hai, Mây lại rủ anh Tư đi chùa. Không cần đi xa, ngay cạnh phố Bôn-Sa. Ở “thủ đô của người Việt tỵ nạn” thì nhà hàng quán ăn chợ cửa tiệm tụ ở phố Bolsa. Hội chợ Tết thì ở đường Westminster. Còn chùa, thì không cần đi hành hương thập tự ở đâu xa, cứ đi trên đường Hazard, một con đường nhỏ nằm song song và kẹp ở giữa 2 đường Bolsa với Westmisnter. Bắt đầu từ gần góc Golden West là chùa Điều Ngự, mới lập được vài năm. Chùa vẫn còn đơn sơ trên miếng đất rộng với một cội đào già thật đẹp và lạ. Cành đào tỏa chúc xuống đất, hoa đào be bé gọn gàng màu hồng phấn chứ không hồng rực rỡ không ú nụ như các loại đào bán đầy phố, trồng ở mọi nhà. Trong chùa tượng Phật đơn sơ vừa phải, và đặc biệt là một khung hình của thầy Thích Quảng Độ nơi phòng bên. Bức hình và thời điểm thành lập chùa như không phải tình cờ. Không cần phải nói, chỉ như một khẳng định mình là ai tại sao ở nơi này.

Mây đi ngang góc Hazard và Beach, nơi đây cũng có một kiểng chùa nhỏ mà Mây chưa ghé bao giờ. Qua Magnolia Mây ghé thắp nhang chùa Giác Lý. Chùa Pháp Hoa thì ở góc Euclid Hazard, rồi quẹo một tí thì sẽ gặp chùa Hương Tích. Chùa này vừa vừa thôi, nhưng rất ngăn nắp, chung quanh chùa và bãi đậu xe bao bọc bằng những tượng La Hán (?) bằng đá trắng. Trở lại đường Hazard, Mây ghé chùa Bảo Quang. Phải nói bây giờ chùa Bảo Quang to nhất. Nhiều tượng nhiều hòn non bộ, thêm hồ với tượng tưởng niệm thuyền nhân, rồi khu triển lãm trưng bầy hình ảnh nghệ thuật, tượng Thích Quảng Đức… Mây có cảm tưởng chùa BQ là một trung tâm sinh hoạt văn hóa Phật học hơn là một cái chùa.

Đi xa hơn một chút ra Westminster vào chùa Huệ quang, sau đó thẳng lên khu Santa Ana vào chùa Bát Nhã. Anh Tư nói chắc Mây nhiều tội nên đi nhiều chùa!!!!

Phải nói rằng sự sống của chúng ta, những người đã xa quê, bao quanh chợ và chùa (hay nhà thờ). Khi ra đi, chúng ta không còn biết tìm đâu những kỷ niệm xưa. Nơi sách vở tài liệu, chúng ta thực chỉ nghe một tiếng dội thấy một bóng nhòa, cái đói khát tình quê cần một điều gì cụ thể hơn. Vậy nên, đi chợ, đi chùa. Đi chợ tìm lại món ăn quen, đi chùa tìm lại mùi hương cũ. Đến những nơi đó như sống lại thói quen đã tạo nên mình. Ở những nơi đó thấy chân mình vẫn chạm đất, thấy hồn mình còn chỗ náu nương, không những gặp người quen mà còn gặp lại chính mình của những năm xưa.

Ý nghĩ đó có thể là riêng lẻ, nhưng làm sao có thể phủ nhận sức sống và cái thèm chút hồn quê của người Việt trong những ngày đầu năm. Giao thừa, khắp chùa có lễ đón giao thừa với ầm vang tiếng pháo. Ngày mùng một, các chùa đầy nghẹt phật tử đến lễ bái. Nào phải chỉ đến để thắp một nén hương, ăn một bát cơm chay. Phật tử còn khệ nệ mang ba bốn bao gạo, năm bảy bịch cải to đùng vào sau chùa để cúng dường. Ở xa, họ ghi tên theo các tours chiêm bái lễ Phật hành hương. Ở gần thì cứ chùa quen mà đi. Và hầu như ai cũng biết hội chợ Tết của Tổng Hội Sinh viên tổ chức hàng năm.

Vốn, tổng hội sinh viên phần nhiều là các em trẻ. Năm, bảy năm trở lại đây, thấy phần nhiều là hình ảnh của các em sinh viên đã trưởng thành, rất quan tâm đến quê nhà ở xa, đến những vấn nạn xã hội, đến tiền đồ dân tộc, đến thế hệ cha anh. Hội chợ dần dần bao gồm những thành phần không thể thiếu: hội đoàn tôn giáo, hội đoàn chính trị dòng chính, hội đoàn người Việt quan tâm những vấn đề của người Việt và Việt Nam, và “vui Xuân không quên các anh chiến sĩ”… Các sinh hoạt văn hóa ngày Tết là những tiết mục phụ bao quanh những cái trục vững vàng đó. Dần dà Mây đâm thấy nhàm. Nhưng năm nay bạn bảo Mây là đã lỡ một dịp may, nên Mây lật đật gọi anh Tư cùng vác máy ra để vớt vát. Và Mây thầm cám ơn bạn đã nhắc nhở Mây. Năm nay hội chợ mang sắc thái khác, tươi và mới. Tươi với hầu hết những khuôn mặt còn non của tuổi teens. Mới với một theme Tết chắc nịch: hội vui ngày Xuân.

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

clip_image012

Các em dựng hội chợ như một phim trường. Mây có cảm tưởng như các em đã huy động học sinh của cả một trường trung học vào tham dự với quần áo cổ truyền (phần nhiều là của miền Bắc). Trong trang phục Tết, các em luôn mỉm cười với vai trò của mình ở vở kịch ngày Xuân. Hình ảnh ngày xưa được cố gắng dựng lại, tuy thô sơ nhưng vui và làm ấm không gian. Sạp vải, hàng xén, hàng bún chợ Bến thành, ghe chợ nổi miền Tây, quán trà, Khuê Văn các, lính tuần giáo áo đỏ áo xanh, và cả một cái đám cưới ngày Xuân… Hội Xuân gồm những trò vui ngày Tết như đánh cờ, thả thơ, đố nhạc, chơi trò chơi trúng thưởng, văn nghệ giúp vui, biểu diễn võ thuật, viết chữ ngày Xuân, và ăn quà vặt. Đặc biệt có sạp che nắng và bàn để ngồi ăn, không phải lóng ngóng như những năm trước. Không nghe tiếng gọi lô tô, nhưng nghe tiếng rao mua vé số rút thăm trúng thưởng. Phần văn nghệ trên sân khấu lớn không hay bằng phần văn nghệ do các em thiếu nhi các trường Việt ngữ và các hội đoàn khác đóng góp, với những bài hát những điệu múa mang tính dân tộc và nặng phần đóng góp văn hóa, không chuyên nghiệp nhưng đầy tính cách quê hương và làm sống lại tinh thần vui Xuân. So với những năm trước, hội chợ Tết năm nay rất ít vẻ thương mại chính trị, làm đậm chủ đề Xuân Bình An hơn, và như nối được thêm thành phần teens vào thế hệ trước. Nhiều màu tóc hơn, nhiều tuổi hoa hơn, và nhiều áo dài Tết hơn. Vẫn chỉ năm đồng vào cửa. Mây được một ngày vui và lời được hơn 100 bức hình để gửi cho anh bạn xa.

Đêm đến rã rời. Mây nằm im, những hình ảnh của hai ngày Tết tràn ngập trong đầu không sao ngủ được. Giữa rừng người, cả mấy trăm cả ngàn khuôn mặt mà không gặp được một người của ngày xưa. Lấn quấn lu bu muôn vạn thứ của cuộc sống, chỗ nào trống cho quá khứ? Mà sao mãi lằng nhằng. Việt, Lù, mày ở đâu? Mình có xưng mày tao nữa không nếu “rủi” mình gặp lại? Đêm nay trời khô lạnh. Những hạt mưa tuần trước chắc đã hóa rêu.

***

Sau mấy ngày chộn rộn, giờ Mây mới rảnh qua bên chở ông đi bưu điện. Lại bưu điện. Rồi lại tòa báo, rồi lại cà phê cùng anh em. Mây ngồi yên nghe họ nói chuyện. Những tràng cười, những lời chọc ghẹo. Một lúc nào đó, Mây ngó xéo thấy ông cầm điếu thuốc trên tay. Lạ. Thường Mây chỉ thấy ông hút pipe. Ai đó nhắc thuở cây còn xanh lá, những cuộc vui, ông chỉ cười nhẹ nhàng. Rồi cũng ai đó nói một điều về cuộc sống, chợt Mây thấy ông rộng miệng cười răng nghiến đầu điếu thuốc, ánh mắt mờ đục chợt lấp lánh, hàm răng úa cũ như bừng sáng, cái nghiến trên điếu thuốc như dội ra sức sống. Nơi cử chỉ vô tình đó, Mây chợt thấy cái nam tính cuối đời của ông, cái nam tính không bằng lời to vóc lớn, không bằng cư xử dõng dạc. Nó chỉ loáng thoáng nét chấm phá của một dòng chữ Nho đen tung hoành trên giấy lụa. Nó mơ hồ tựa những lúc ông tiễn cô Năm ra cửa, vỗ nhẹ vào lưng cô như một lời chào, hay những khi ông thẳng thắn chĩa mũi dùi vào cô Năm buông lời cà khịa và cười khanh khách. Nhìn nụ cười rộng nhưng hơi đanh vì răng nghiến điếu thuốc, Mây chợt thấy một quá khứ sống đầy ăm ắp đã từng ghi dấu trên cõi địa cầu này. Mây nghĩ, đời ông phong phú biết bao, từ hạnh phúc được là mình đến khổ đau không được là mình; từ bước trên đường hoa đến lạc cảnh máu xương; từ là bức tranh thắm màu tươi nét, thành bức ảnh thâm sâu, và nay đang trong lại như tấm phim cũ. Ông có biết Mây có một tuổi thơ còi cọc, Mây như một nhánh cây mọc oặt ẹo, và mọi lá hoa cây trái về sau đều chỉ là nỗi hối tiếc? Mây nhìn ông nói chuyện, nghe cái im tiếng của không gian, Mây ráng hình dung chiếc ghế trống mà không thể. Đầu óc Mây thật nghèo nàn… và Mây lại thấy hết hơi mệt lả.

Dường như ông cảm được cái đuối sức của Mây, đứng lên từ giã ra về.

Bước vào nhà, Bà đang sắp bàn dọn cơm. Thu đang ở trong phòng. Ông về, ngồi vào chỗ bên cửa sổ như tìm thấy lại mình. Ánh mắt nhìn ra cửa sổ như trống rỗng, rồi ông bật ra một câu hát, một lời nghe chẳng ăn nhập gì đến cái chốn ông đang ngự. Mây mơ màng ngẫm nghĩ. Chợt, Mây thấy nhà hơi trống, đưa mắt nhìn ông. Ông bâng quơ, Chiến nó tìm được chỗ ở rồi. Mây cúi đầu liếc mắt ngang vai. Ông tiếp, Thu nó muốn ở đây với tôi. Thắc mắc của Mây đã được giải đáp. Thu đi ra.

_Hi Mây

_Hi Thu

Bà bảo vào bàn ăn cơm.

_Mẹ, chén đó của “con” Mây (chữ “con” hơi nuốt, nghe nhỏ rí, nhưng không phải lí nhí !!!)

Mây bật cười thầm. Cho cân với tiếng “chị” ép uổng bữa nọ đây. Thu bưng chén lên, vẫn im lặng như mọi khi nhưng hôm nay mặt có vẻ dãn ra không lầm lì bẽn lẽn như mấy bữa trước. Cuối bữa, Thu nói 2 tuần nữa sẽ chơi nhạc. Trước giờ Mây vẫn nghe Thu kể chuyện chơi nhạc, nhưng hôm nay Thu nói đến cái sinh hoạt thường lệ đó một cách ngắn gọn như đã tìm được ghế của mình. Tự dưng Mây đưa mắt nhìn ông ngồi bên cửa sổ. Mây đứng lên cáo từ. Ông đứng dậy đưa Mây ra cửa, lắc nhẹ bàn tay như một lời chào.

Đêm nay trời có mưa?

Lưu Na

02/01/2012

*Tất cả những hình minh họa trong bài là của Lưu Na chụp trong hội chợ Tết Nhâm Thìn ở miền Nam tiểu bang California

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search