T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đức Nhì: ĐIỂM ĐẶC BIỆT TRONG CÁCH BÌNH THƠ CỦA THI SĨ VŨ QUẦN PHƯƠNG

Hoa trên Guitar – Tranh: Thanh Châu      

 

Đọc bài thơ Đợi của thi sĩ Vũ Quần Phương với lời bình của Trần Đăng Khoa trong tập Bình Thơ Từ 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ XX (tập hai) tôi thấy một điểm rất lạ: Người bình chỉ bình tán ý tứ chứ không bàn đến thi pháp, kỹ thuật thơ. Tôi cũng đọc lời bình của vài người khác (Phạm Văn Chữ, Hoàng Dân, Nguyễn Thị Lan… mời xem link ở cuối bài) và cũng thấy hiện tượng giống y như vậy.

Điều này đã khiến tôi xắn tay áo chiếu “lăng kính kỹ thuật” vào bài thơ Đợi mặc dù tôi không có hứng để viết lời bình.

Đây là link dẫn đến bài viết: https://t-van.net/?p=51970

Trong bài viết Nét Đẹp Của Bài Thơ “ĐỢI” Qua Lăng Kính Kỹ Thuật tôi đã sử dụng 22 “phương tiện thẩm mỹ” của thi pháp để tìm hiểu kỹ thuật thơ của tác giả. Tôi không dám chê tài thi sĩ Thần Đồng Thơ Trần Đăng Khoa nhưng khi đặt bài nhận xét của mình cạnh bài bình thơ của ông tôi thấy ông chỉ bàn đến Tứ Thơ, ngôn ngữ thơ và lờ tít các “phương tiện thẩm mỹ” khác.

Sau đó tôi đọc thêm bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ với lời bình của Vũ Quần Phương (cùng sách đã dẫn) tôi cũng thấy như vậy: Chỉ bình tán ý tứ, ngôn ngữ thơ chứ không bàn đến những “phương tiện thẩm mỹ” quan trọng khác.

Hai người, một (Trần Đăng Khoa) là nhà thơ nổi tiếng, người kia (Vũ Quần Phương) vừa là nhà thơ nổi tiếng vừa từng là Chủ Tịch Hội Đồng Thơ của cả nước, khi bình thơ chỉ tiếp cận bài thơ rất phiến diện.

Tệ hại hơn nữa, do chỉ bình tán Tứ Thơ mà phớt lờ phần thi pháp, kỹ thuật thơ nên bài thơ được bình – dưới mắt họ – chỉ là một bài văn xuôi, không hơn không kém. Người bình thơ đã cầm dao đâm chết “Cái Phần Tính Thơ” của bài thơ trước khi viết lời bình – nghĩa là giết chết bài thơ.

Những bài bình như thế lại được đặt ở những vị trí trang trọng nhất, danh giá nhất trong vuờn thơ đất nước (100 Bài Thơ Hay Của Thế Kỷ XX), làm gương xấu cho nhiều thế hệ người Việt yêu thơ.

Đáng buồn thay.

Với tôi, trong lãnh vực bình thơ, Trần Đăng Khoa chỉ là người “đi theo”. Nhà thơ Vũ Quần Phương mới là nhân vật trụ cột, dẫn đường. Cái tội “giết chết thơ trước khi bình thơ” ông phải lãnh phần lớn trách nhiệm.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có lần khen ông:

“May sao, sau Hoài Thanh, chúng ta lại có Vũ Quần Phương. Bình thơ, đặc biệt là thơ đương đại, không ai viết hay hơn Vũ Quần Phương”.

Với lời khen ấy tội và trách nhiệm của ông càng rõ ràng và nặng nề hơn.

Nếu những nhận xét của tôi về cách bình thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương, cựu Chủ Tịch Hội Đồng Thơ Việt Nam có gì không đúng xin ông cứ lên tiếng phê phán. Nếu sai sót, bất cập thuộc về phần mình tôi sẽ nhận lỗi và cúi đầu xin ông và những người yêu thơ tha thứ.

Còn ngược lại thì “trễ cũng còn hơn không”, hy vọng ông sẽ mau chóng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh rồi tìm cách sửa chữa những sai lầm, gây tổn hại to lớn cho nền thi ca của Dân Tộc Việt.

Mong lắm thay.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

CHÚ THÍCH:

1/ Tôi cũng đọc lời bình khác của ông Vũ Quần Phương cho các bài thơ Gửi Bác Trần Nhuận Minh (Trần Đăng Khoa), Dặn Con (Trần Nhuận Minh), Cuộc Chia Ly Màu Đỏ (Nguyễn Mĩ), Nghe Tiếng Cuốc Kêu (Hữu Thỉnh) và nhận thấy rằng ông cũng chỉ bình tán ý tứ, còn các “phương tiện thẩm mỹ” khác tạo nên “tính thơ” thì không được đề cập tới.

2/ Vài tác giả viết lời bình cho bài thơ Đợi

     a/ Phạm Văn Chữ: Đợi – Huy Thục – Vũ Quần Phương trên trang Bài Ca Đi Cùng Năm Tháng (23/04/2012)

https://bcdcnt.net/tu-lieu/doi-huy-thuc-vu-quan-phuong-253.html

b/ Hoàng Dân: Đợi của Vũ Quần Phương Với Lời Bình Của Hoàng Dân (Hà Nội 16/10/ 1994 trên trang Vũ Nho Ninh Bình)

http://vunhonb.blogspot.com/2014/10/oi-cua-vu-quan-phuong-voi-loi-binh.html

c/ Nguyễn Thị Lan: Phía Sau Hai Câu Thơ “Đợi” Của Nhà Thơ Vũ Quần Phương trên trang Cựu Chiến Binh TPHCM  23 tháng 6/2021

http://www.cuuchienbinhtphcm.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=7689:phia-sau-hai-cau-th-i-ca-nha-th-v-qun-phng&catid=100:vn-hoa-ngh-thut&Itemid=229

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search