T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

PHAN TRANG HY: NỖI NHỚ QUÊ TRONG “DỰ CẢM RỜI” CỦA NGUYỄN HÀN CHUNG


Hình bìa tập thơ Dự Cảm Rời 

       Trước đây, thỉnh thoảng, có lúc tôi đọc thơ anh Nguyễn Hàn Chung. Biết anh làm thơ từ những năm 1970 và có tiếng trên văn đàn trong nước và ngoài nước; nhưng nghe tiếng mà chưa gặp người. May cho tôi, đầu năm 2016, được gặp anh lần đầu, khi anh về thăm quê hương, mời một số thân hữu dùng cà phê tại quán Phố Xưa, đường Phan Đình Phùng, Đà Nẵng. Bữa đó, tôi được anh tặng tập thơ. Cầm trên tay những con chữ, ghi dấu ấn tự lòng anh, tôi tự nhủ, sẽ đọc để hiểu thêm về anh. Qua tập thơ cùng những lời phê bình, giới thiệu của các bạn văn, tôi thấy nỗi lòng thi nhân quả là đa dạng bởi mang kiếp đa đoan của nghiệp văn chương. Ở thơ anh, đủ cả thất tình, lục dục của kiếp người, “có non tơ rồ dại, có chơn chất quê nhà, có suồng sã tha phương, nhưng tất cả cũng chỉ là dự cảm rời trên bước đường lưu lãng của một người làm thơ xa xứ” (Lời Nxb). Riêng trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến nỗi nhớ quê của anh qua một số bài thơ trong DỰ CẢM RỜI (Nxb Bản Sắc Việt 2015).

Trước tiên, trong tập thơ, là “ký ức đầu” gợi biết bao nỗi nhớ. Và nỗi nhớ cháy cả trang thơ thời trai trẻ vẫn là nỗi nhớ quê. Trong một lần sinh nhật thứ 21, tuổi thanh xuân tha hương cầu học, nỗi nhớ quê đã bùng lên trong ký ức là bài thơ “Gửi”. Nhớ quá nên gửi lòng đến từng đối tượng đó thôi! Nào là nhớ “bạn”, “người tình”, “em bỏ nhà theo du đảng”, “ruộng đồng”… Và trên hết là nhớ “Mẹ”: “con không thể ngẩng đầu mà không phẫn nộ/ lòng đau sao có thể yên dằn/ con sẽ hét/ vỡ tan nghìn ảo ảnh/ mà cuộc đời ruồi bọ cứ bon chen”. Nhớ “Mẹ” để mà nhớ quê, nhớ “Cố hương” để mà tin quê hương là nơi nguồn mạch chảy mãi trong lòng, là nơi đón nhận niềm đam mê cháy bỏng trong tim của thi nhân: “hãy đốt trong tim ngọn lửa hồng hiu hắt/ gửi về vườn xưa một chút đam mê”.

Còn nỗi nhớ quê trong “Gọi giấc cánh đồng” là nỗi nhớ chiếm cả đêm, cả trong mơ có cánh chuồn chuồn mộng mị: “Anh canh giấc mơ tràn/ mộng mị/ có đôi cánh chuồn chuồn/ rụng kín cầu ao”. Hình ảnh “cánh chuồn chuồn mộng mị” gợi sự liên tưởng về những ngày tuổi thơ bắt chuồn chuồn cắn rốn để có phép nhiệm màu bơi được trên sông? Hay là tứ trong câu ca dao buồn một thuở: “Chuồn chuồn đậu ngọn mía mưng/ Em đà có chốn anh đừng vãng lai”? Hay là giấc mơ ngày xưa vỗ cánh bay đi?

Trong một bài khác, với chất thơ suy tưởng về kiếp nhân sinh, nhưng ẩn trong đó là tiếng vọng của cố hương. Đủ giọt đời của kiếp người “ngấm trong nhau”, “ngấm vào mây trắng”… để rồi “về vô hạn”; nhưng vang trong tâm thức vẫn là giọt âm thanh của quê nhà:

“Tiếng ếch nhái kêu uôm uôm giọt

            giọt giọt bàng hoàng”.

(Giọt)

Nhớ quê nhà là nhớ tuổi thơ. Nhớ những lúc thả diều trên đồng cùng bạn. Nhớ cả ngọn cỏ gai, nhớ cả khi lấy bột đất xoa vào chỗ xước, nhớ cả vị cá rô đồng nướng dằm nước mắm ớt tỏi chan cơm, nhớ cả mùi rạ ngày gặt lúa, nhớ cả khói bếp thơm mùi khoai nướng ban trưa:

“Những cánh diều ký ức tươi nguyên

            cỏ gai níu chân anh cào xước

            có vị ngậy con cá rô đồng ức nước

            có mùi rạ tươi

            bốc khói trưa trưa”.

(Cánh diều ký ức)

Nhớ quê là nhớ lại kỷ niệm đã qua, kỷ niệm tận quê nhà “đùm túm tiếng tre reo/ cày cục đến chai sần cơn bếp núc”, “ngoai ngoái lại mồ cha xanh nếp trán” để day dứt trong nỗi nhớ tràn “tiếng ơi à kĩu kịt rát cơn mê”. Và nỗi nhớ ấy lại dâng lên thành nỗi khát khao mong ngày được về quê, bởi ở nơi ấy có tiếng à ơi của mẹ, của em, tiếng à ơi tự lòng thi nhân khởi tụ lời yêu thành hình hài quê cũ: “ miễn là em cơm nếp dẻo anh về” (À ơi điệu cũ).

Với Nguyễn Hàn Chung sống ở quê người, dù gì đi nữa, tâm thế nhà thơ vẫn trở trăn về kiếp người, vẫn trăn trở về nỗi nhớ quê nhà. Yêu quê đến độ muốn để lại một phần cơ thể của mình cho quê: “Ngày bỏ xứ/ anh chôn một dúm tóc/ dưới gốc khế sau nhà”. Lăn lóc với cuộc sống, vật lộn với cuộc đời nơi đất khách, “chạy bở hơi tai/ quáng gà tìm kiếm tiện nghi tối thiểu”, rồi có lúc tìm lại chính mình, nỗi nhớ quê ngập cả trời đêm: “Nằm đêm soi mặt vào xưa”. Nỗi nhớ quê tưởng như không còn nước mắt khóc quê, không còn tơ lòng khóc quê mà sao đau lòng đến độ: “Ngày trở về/ đố kiếm ra đâu được mảnh xương tàn quay đầu/ tro lưu vong mờ mịt/ tằm sống mà không biết rút ruột lấy tơ đâu mà nhả khói âm hồn bất tán nương quê/ một vòng quanh hắt hiu là hết trọi kiếp/ tất thảy chung đường mụ mị/ có sang hèn chi mô” (Bài ca lòng thòng).

Còn đây là giọng thơ ngạo mạn mà đau xót; khinh đời, khinh cả mình, nhưng yêu cả người thân và cả yêu quê:

“Tiếng quê nhà bần bật

            mẹ cha hiu hắt lâu rồi ấy ai hề nước mắt

            đùm đúm thê nhi tung hoành trong bọc

            chân chạm Chicago con trống già ngoay ngoắt

            mưa Boston hề không giống mưa mình”.

(Hành cu li ca)

nguyễn hàn chung

Có lẽ khi “no job” ở Mỹ cũng đồng nghĩa với nỗi lo âu ập đến với người thơ. Thơ ích gì khi thi nhân thất nghiệp? Ai từng thức đêm, sầu cùng con chữ, từng trở trăn tìm ý, tìm vần để phơi mở nỗi lòng cho bớt âu lo? Chỉ có nhà thơ mới trả lời những câu hỏi đó. Cũng vẫn “thể hành”, nhưng giọng điệu lại đằm hơn, giàu chất triết lý, bởi cuộc sống là người thầy của muôn đời. Nói tới thất nghiệp vừa là cái cớ, vừa để trải lòng nỗi nhớ quê. Không nhớ quê sao được, khi một loạt địa danh thân thiết từng gắn với bước chân quen, từng in dấu trong con mắt xanh của người xứ Quảng như “Điện Bàn”, “sông Hàn”, “hòn Kẽm”:

“Lâu quá không ra ngồi chực quán

            Quán tận Houston rất Điện Bàn”

            “Bạn rót sông Hàn in đáy cốc

            Ta nâng hòn Kẽm tự chân mây”

(Thất nghiệp hành)

Cảm nhận từ những bài hát về mùa thu, để rồi lấy đó làm cái cớ, cái tứ để nói về thu của hai vùng đất: Quảng Đà và Boston. Mùa thu Boston, theo tôi nghĩ, không giống ở quê nhà. Bởi quê nhà, xứ Quảng Đà làm gì có thu. Quê nhà chỉ có nắng rát, mưa bão, lũ lụt, đâu có được cái dịu dàng của “Thu quyến rũ, Thu cô liêu, Thu hát cho người”. Nhưng, với nhà thơ, cả địa danh của hai vùng đất như trộn, hòa với nhau bởi lòng yêu quê hương tha thiết: “Anh dìu em lụm cụm chạm bay vàng rụng/ Bunker hill, Lexington, Gò Nổi, Sơn Trà”. Lòng yêu quê đâu cứ đợi mùa: “Mùa chưa ngấm đã mọc mầm đau/ triền miên bão tuyết/ gối quê nhà trong chập chờn say” (Thu Quảng Đà thu Boston).

Nỗi nhớ quê, nhớ làng trong thơ anh sao mà tội nghiệp! Cứ như là làng quê làm say, làm ngây chất thơ đang khát, lòng thơ như chênh vênh, chỗ này một tí, chỗ kia một tí để rồi những một tí ấy vây cả hồn thơ “kín khắp ruộng vườn lối ngõ”: “Cứ về làng là bị cái chênh vênh/ Lôi về phía cánh đồng đang khát”; “Cứ về làng là bị cái lơ thơ… Vây kín khắp ruộng vườn lối ngõ” (Về làng).

“Bạn có thể khiến mọi người rời bỏ quê hương, nhưng bạn không thể cướp mất quê hương trong trái tim họ” (Dos Parsons). Cũng vậy, trong trái tim của Nguyễn Hàn Chung luôn có hình ảnh quê hương. Nỗi nhớ quê luôn thường trực trong thơ anh, là nỗi nhớ kết thành sự thủy chung của người con xa xứ “Thân cư hải ngoại/ Tâm tự cố hương”, mong được trở về quê để được bắt con rô, con diếc, để “mừng không nguôi gặp lối mòn/ ngày xưa mẹ đã cõng con bằng lời”, để “nhớ mảnh thu gầy/ bờ môi khẽ chạm làn mây đã chùng”. Lời thủy chung là lời tự hứa với lòng khi rời quê ra phố mưu sinh. Giờ, lời tự hứa ấy vẫn còn đau đáu trong anh khi anh lập trang web Bản Sắc Việt với chủ trương: “Không làm được gì cho quê/ Chỉ xin làm cỏ chân đê giữ làng” (Chỉ xin làm cỏ).

Nhiều khi, trong cuộc sống, có người ta chỉ gặp một lần là nhớ mãi, là nghĩ về họ. Với tôi cũng thế khi nói về Nguyễn Hàn Chung cùng thơ anh. Hy vọng rằng chỉ là nỗi nhớ quê trong DỰ CẢM RỜI, một phần nào cũng nói hộ tấm lòng những người xa quê bởi “Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp/ Quê nhà một góc nhớ mênh mang” (Trịnh Bửu Hoài).

Phan Trang Hy

 

Bài Mới Nhất
Search