T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 214)

clip_image002

Chữ và nghĩa (10)

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ với học sinh. Giới biên soạn sách giáo khoa e dè như thế kể cũng phải, vì khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp  đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ.

Chết đuối đọi đèn chỉ là một “trích đoạn” chưa từng thấy một người Việt bình thường nào sử dụng trong giao tiếp. Vậy mà Ðại từ điển tiếng Việt diễn giải: “Thất bại hoặc chết vì những hoàn cảnh, lý do, duyên cớ tầm thường, không đáng phải chịu chết thiệt”.

Trong khi câu đầy đủ của nó là Chết sông, chết suối, chẳng ai chết đuối đọi đèn lại được các soạn giả diễn giải như là: “Thà phải đương đầu với khó khăn lớn lao, chứ không chịu thất bại trước một đối tượng tầm thường”.

Ðọc những lời cắt nghĩa kiểu “vọng văn sinh nghĩa” trên ai cũng chẳng hiểu sao các soạn giả lại không chú ý đến“tập quán thề nguyền” của người Việt ngày trước? Hồi xưa, mỗi khi thề nguyền, ông bà chúng ta thường thốt ra một câu thề độc (chẳng hạn, “sẽ chết ngay tức khắc nếu đơn sai”…), rồi lấy các vật thể trường tồn trong vũ trụ (như sông biển, núi non, v.v.), các nguồn sáng (như mặt trời, mặt trăng, các vì sao, đèn nến, v.v.) ra làm chứng giám cho lời thề. Ngoài ra, thế nào họ cũng còn nhận thấy thêm: thời chưa có đèn dầu hoả hoặc đèn điện, ông bà ta thường phải lấy một cái đĩa hoặc bát [tiếng địa phương gọi là ”đọi”], cho dầu lạc [= đậu phụng] và một ngọn bấc [= tim] vào để làm vật thắp sáng đêm đêm.

Dựa vào văn hoá ấy, chúng ta có thể đưa ra cho câu tục ngữ một lời diễn giải gần với sự thật hơn như sau: “Người ta chỉ có thể chết đuối ngoài sông ngoài suối, chứ chưa thấy lại có thể chết đuối trong bát dầu lạc vốn được dùng làm đèn [và thường được đưa ra để chứng giám cho những lời thề]. Hay dùng để khuyên người đời chớ có vội tin vào những lời thề thốt, ngay cả những lời thề độc, vì nó chưa từng được ai coi là thứ chứng cứ xác đáng cả”.

(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)

 

Câu đối Tết

Nực cười thay:

nêu không, pháp không, vôi bột cũng không, mà tết.

Thôi cũng được:

rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi .
(Trần Tế Xương)

 

Chữ nghĩa làng văn

 Phải chăng câu thơ Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân là của Nguyễn Du trong bài Dạ hành:

Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân,
Phù âu tĩnh túc noãn sa tân.
Nam minh tàn nguyệt phù thiên lý,
Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân.
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu,
Bạch đầu vô lại chuyết tàn thân,
Bất sầu cửu lộ triêm y duệ
Thả hỷ tu mi bất nhiễm trần.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt,

Nhất Uyên dịch thơ:

U trắng nằm yên ấm bãi cồn.
Trăng xế biển Nam ngàn dậm chiếu,
Đường xa gió lộng, một người trông.
Đêm đen mờ mịt, bao giờ sáng,
Đầu bạc mà còn, vụng dấu thân.
Khuya khoắt không lo sương ướt áo,
Râu mày mừng chẳng bụi phong trần.
(Phạm Trọng Chánh –  Nguyễn Du: Ra Bắc 1796)

 

Ru

Ru: chăng (từ để cuối câu)

(vô sự chẳng hơn có sự ru)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh

 Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng là dịch nôm câu chữ Hán: Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh, trong cổ văn.

Đây là một câu mà các học giả đời Hán đặt ra để vừa ca tụng vừa tỏ ý luyến tiếc nền văn học cổ điển của Trung Quốc, sáng ngời trong mấy thế kỷ trước, về thời Đông Chu.

Văn học Trung Hoa về thời Đông Chu quả thật xứng đáng cho các thế hệ sau ca ngợi, vì trong vòng ba thế kỷ (từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch kỷ nguyên), các học giả thời Đông Chu đã đưa nền văn học Trung Quốc từ chỗ thấp nhất đến chỗ cao nhất mà hai nghìn năm sau, không tài nào vươn tới.

Gần như cùng một lúc, Lão học, Khổng học và Mạc học đua nhau ra đời, tiếp theo là những học thuyết uyên thâm của Mạnh Tử, Tuân Tử và Dương Chu. Có thể nói được rằng hầu hết các lý thuyết hiện nay còn đương tranh giành ảnh hưởng trong nhân loại, như chủ nghĩa dân chủ, lãng mạn, vô chính phủ, duy vật, xã hội, quân chủ chuyên chế, quân chủ lập hiến, phát xít, v.v… đều đã có đại diện từ thời bấy giờ. Tính theo thời gian thì nền văn học Trung Quốc đã bỏ xa nền văn học Âu châu vào khoảng 20 thế kỷ.

Vì vậy nên ngày nay, những học giả nghiên cứu về lịch sử văn hoá Á đông đều phải thắc mắc về một điểm: Tại sao một nền văn hoá đương phát triển một cách tốt đẹp như vậy lại bỗng nhiên đứng dừng lại, khiến trong suốt hai nghìn năm về sau, Trung Quốc chỉ có lùi mà không có tiến về phương diện tư tưởng?

Ông Tibor Mende, một nhà học giả Tây phương, chuyên nghiên cứu về các vấn đề Á đông, đã ví nền văn hoá Trung Quốc và Ấn Độ như hai con sông lớn, đã mang sinh lực tưới khắp miền Đông Nam Á, bỗng dưng bị cạn hết nước. Nguyên nhân gì đã làm tịt ngòi? Ông nêu ra câu hỏi mà không trả lời.

(Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc – Hoàng Văn Chí)

 

La De…ngoại truyện (4)

Bia nâuBière Brune. Lúa mạch được rang đến gần cháy. Bia có màu đi từ màu gạch cua đến đen tuyền. Vì vậy ta tìm trong bia những mùi rang cháy, mùi cà phê, mùi caramel, mùi cacao. Có những loại bia gọi là Vieilles Brunes, những “Bà Già Nâu”, được cất trong những thùng tô – nô bằng gỗ xưa. Mùi vị chua chua, đắng nhẫn đậm đà, vừa giải khát vừa để lại trong miệng một khẩu vị bất hủ. Thí dụ nổi tiếng là Guiness.

Món Ăn hạp :

Những món Á đông có vị mạnh, sò huyết, ốc trai, cá sống.

(Phan Văn Song)

 

Khôn,..dại…

 Khôn nghề cờ bạc là không dại

Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Hai câu thơ bị ai đó ở miền Bắc lật ngược thơ của

Nguyễn Bỉnh Khiêm mà nguyên văn như dưới đây:

Khôn mà hiểm độc là khôn dại

Dại vốn hiền lành ấy dại khôn

Đồng thời người trong Nam cũng vay mượn thơ

của Nguyễn Bỉnh Khiêm để làm nhạc. Ấy là câu:

“Không thấy hoa nở chẳng biết xuân về hay chưa”.

Lời nhạc trên nằm trong bài Thú Tiêu Dao:

Thấy nguyệt tròn thì kể tháng

Nhìn hoa nở mới hay xuân

 (nguồn Talawas.org)

 

Chữ quốc ngữ

Chức ngự sử trong lịch triều vốn dùng để chỉ các vị quan có nhiệm vụ can gián vua. Muốn giữ trọn chức vụ “ngự sử” cần học rộng tài cao, sáng suốt, can đảm và cương trực như ngự sử Phan Đình Phùng (1847-1896) thời Tự Đức.

(Phan Khôi, Ngự sử văn đàn – Hoàng Yến Lưu)

 

Nguồn gốc tộc Việt (2)

Thuyết thứ nhất

– Thuyết thứ nhất dựa vào văn bản (những bộ sử hay truyện của người xưa viết ra để lại) chủ trương người Việt có nguồn gốc từ phương Bắc đi xuống.

Các tác giả có công xây dựng nên thuyết này đầu tiên phải kể đến những học giả người Pháp như Edouard Chavannes, Léonard Aurousseau. Nhiều học giả nổi tiếng người Việt đã phụ họa thêm vào thuyết này như Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim …

Có điều lạ cần nhấn mạnh là những học giả người Pháp tuy có gốc thực dân, dựa vào những sách của các tác giả Trung Hoa cũng thực dân không kém như Tư Mã Thiên, … đã giả thuyết rằng người từ phương Bắc đây, vốn thuộc đại tộc Bách Việt, vì sự bành trướng của nòi Hoa Hán dưới thời Tần nên phải di cư xuống Bắc Việt để cùng với dân bản xứ đã có sẵn ở đó từ trước (Madrolle CL. Les populations de LIndochine, Paris 1918) lập nên nước Văn Lang.

Những tác giả vốn là người Việt nói về nguồn gốc dân mình lại không bằng những ông Tây kể trên. Nhiều người còn nghi ngờ cái nguồn gốc Bách Việt của mình, cuối cùng còn sản sinh ra một đứa con hoang cho rằng dân Việt Nam chỉ là một bộ phận của người Trung Hoa hết đợt nọ đến đợt kia sang thực dân ở đây, khi hoàn cảnh thuận lợi đã lập ra nước riêng có tên là Việt Nam (Nguyễn Phương, GS Đại Học Văn Khoa – Việt Nam thời khai sinh – Viện Đại Học Huế 1965).

Mới xem giả thuyết này có vẻ không sai vì quả đã có một cuộc di cư của người từ phía nam sông Dương Tử, vùng nay thuộc các tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến, Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây đi xuống phía Nam từ khi nhà Tần thống nhất đại lục, lập ra một chính quyền trung ương dưới sự thống trị của nòi Hoa Hán (chỉ mấy trăm năm trước Công Nguyên).

(Nguồn: Cung Đình Thanh)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Với tôi (Trần Tuấn Kiệt) sách Hồ Hữu Tường viết cũng như Bùi Giáng, cả hai đều là hai cây triết gia đại thụ cả, tôi lên Ngã Bẩy, thấy Bùi Giáng tả tơi vác cái lồng sắt, có mấy con chồn đi bán, ông nói bán được lắm. Sau này không thấy ông bán chồn nữa mà thấy ông gầm gừ, nạt nộ xe qua đường. Thiên hạ bảo ông điên, gặp ông tôi kéo ông vào quán café, gần Ngã Bẩy cùng uống café hỏi thăm sức khỏe ông và hỏi:

“Ông thấy tư tưởng Martin Heidegger bây giờ thế nào?”.

Bùi Giáng nói:

“Ðương thời mình viết còn không hiểu, bây giờ thì làm thế nào mà hiểu được!”

Rồi ông vừa nói với tôi vừa cười hề hề:
(Giai thoại và sự thật – Viên Linh)

Chữ nghĩa làng văn

Đời sau, không biết từ bao giờ, tín ngưỡng phồn thực chày cối bị nõn nường  thay thế. Nõn (sinh thực khí nam) nường (sinh thực khí nữ) rất trần tục, trần trụi.

Một vài làng xã miền Bắc ” quá khích “, cử 18 cặp trai gái rước ba mươi sáu cái nõn nường. Đám rước được một cụ giàu kinh nghiệm bản thân dẫn đầu. Cụ biểu diễn cảnh nõn nường quấn quýt nhau. Đâm vào, rút ra. Trai gái theo sau múa theo cụ. Dân làng ai cũng thích xem rước nõn nường.

Có người chế diễu : 36 cái nõn nường, cái để đầu giường là 37.

Tranh dân gian Oger (1908) có tấm Đón dâu ngoài cổng cho thấy tục giã cối  còn có mặt cả trong lễ cưới và tục này còn tồn tại ở một số làng đến tận đầu thế kỉ 20.

Hôm làm lễ rước dâu, nhà trai cho đặt sẵn một bộ chày cối trước cổng. Chờ lúc họ nhà gái đến gần thì sai người  giã cối đón mừng cô dâu. Giã cối tạo tiếng vang rộn rã, đồng thời chúc cô dâu sớm có ” con bồng con bế” cho vui cửa vui nhà.

Tấm tranh Oger kín đáo, dí dỏm cho biết nhà trai mong muốn cô dâu chú rể hạnh phúc đến độ… chày hăng say đâm vỡ cả cối, chảy cả nước !

 

Hiện tượng phản ngôn ngữ (4)

Thứ ba, hiện tượng dùng các phụ từ “hơi bị”. Bình thường, trong tiếng Việt, “bị”, đối lập với “được”, chỉ những gì có ý nghĩa tiêu cực và ngoài ý muốn. Bất cứ người Việt Nam nào cũng biết sự khác biệt giữa hai cách nói “Tôi được thưởng” và “Tôi bị phạt”. Vậy mà, ở Việt Nam, ít nhất từ giữa thập niên 1990 đến nay, ở đâu, người ta cũng nghe kiểu nói “Cô ấy hơi bị hấp dẫn”, “Ông ấy hơi bị giỏi”, “chiếc xe ấy hơi bị sang”, “nhà ấy hơi bị giàu”, hay “bức tranh ấy hơi bị đẹp”, v.v.
Cuối cùng là hiện tượng các thành ngữ mới đã được Thành Phong sưu tập và minh họa trong cuốn Sát thủ đầu mưng mủ (sau đó bị tịch thu, năm 2011), bao gồm những câu kiểu:
ăn chơi sợ gì mưa rơi
buồn như con chuồn chuồn
chán như con gián
chảnh như con cá cảnh

(…)

Tất cả những hiện tượng trên đều có một số đặc điểm chung. Thứ nhất, có lẽ chúng xuất phát từ Hà Nội, sau đó, lan truyền ra cả nước, kể cả Sài Gòn. Thứ hai, chúng phổ biến không phải chỉ trong giới trẻ mà còn cả trong giới trí thức lớn tuổi, kể cả giới học giả, giáo sư đại học và văn nghệ sĩ nổi tiếng. Thứ ba, tất cả những cách nói ấy đều ngược ngạo, thậm chí, vô nghĩa. Chả có ai có thể giải thích được những kiểu nói như “buồn như con chuồn chuồn” hay “chán như con gián” hay “im như con chim”, “xinh như con tinh tinh”… trừ một điều duy nhất: chúng có vần vè với nhau. Vậy thôi.

Trong lịch sử tiếng Việt, thỉnh thoảng lại xuất hiện những hiện tượng mới, đặc biệt trong khẩu ngữ, nhiều nhất là trong tiếng lóng. Tuy nhiên, có lẽ chưa bao giờ lại có những hiện tượng nói năng ngược ngạo và vô nghĩa như hiện nay. Ở miền Nam trước năm 1975, người ta làm quen với những kiểu nói như “lính mà em”, “tiền lính tính liền”, “sức mấy mà buồn”, “bỏ đi Tám”, “OK Salem”, “mút mùa Lệ Thủy”, “thơm như múi mít”, “bắt bò lạc”, “một câu xanh rờn”, v.v. Với hầu hết những kiểu nói như thế, người ta có thể hiểu được. Còn bây giờ? Không ai có thể giải thích được. Chúng ngược ngạo đến mức quái đản. Và chúng vô nghĩa đến mức phi lý.

(Nguyễn Hưng Quốc – Hiện tượng phản-ngôn ngữ ở Việt Nam)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

Bài Mới Nhất
Search