T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đinh Yên Thảo: Trò chuyện cùng Ngân Bình

clip_image002

10 năm phụ trách mục “Gởi chút niềm riêng” trên tạp chí Ca Dao, những câu chuyện sống thực về những hạnh phúc hay ly tan trong đời sống nhiều gia đình, đã được tác giả Ngân Bình lắng nghe và diễn đạt lại bằng một ngôn ngữ văn chương cuốn hút, tràn đầy cảm xúc. Ở đó, độc giả không còn thấy bóng dáng của những bi kịch, đổ vỡ cá nhân, mà chúng cho họ sự suy niệm về những hệ lụy của tan vỡ, những ý nghĩa đích thực của tình yêu. Ở đó, độc giả bắt gặp đó đây những trúc trắc hay bi kịch của đời sống hôn nhân, để rồi đồng cảm với những người trong cuộc hay khai dẫn ý tưởng tích cực về một tấm lòng độ lượng và sự hy sinh cần thiết trong cuộc hôn nhân của chính mình. Nhân tác phẩm “Gởi chút niềm riêng” vừa được phát hành, chúng tôi đã được tác giả Ngân Bình dành thời gian cho cuộc trò chuyện về đề tài tình yêu, hôn nhân và gia đình (ĐYT).

Hôn nhân cần một tấm lòng độ lượng

Đinh Yên Thảo thực hiện

 

Đinh Yên Thảo: – Liệu chúng ta nhìn những bi kịch, gãy vỡ trong hôn nhân, gia đình là số phận hay trách nhiệm của người trong cuộc? Nói khác đi, họ là nạn nhân hay là thủ phạm trước những bi kịch đời sống của chính mình ?

Ngân Bình: – Thường người ta hay đổ thừa cho số phận để được sự bình an giả tạo và đó cũng là cách để trốn tránh trách nhiệm. Bất cứ một bi kịch nào trong hôn nhân, kết cuộc, người soạn hay người diễn cũng đều là nạn nhân. Tôi không phải là nhà tâm lý học, nhưng qua những tâm sự của người trong cuộc là những nhân vật trong câu chuyện “Gửi Chút Niềm Riêng”, họ là những người đáng thương vì đã biến người bạn đời của mình thành nạn nhân và chính bản thân họ cũng không sung sướng gì khi phản ứng sai và chọn những quyết định sai để đưa đến sự đổ vỡ.

ĐYT: – Nếu vậy, với chị thì vai trò của người vợ và người chồng có khác nhau trong hạnh phúc hoặc đổ vỡ gia đình này?

NB: – Nếu có thì chỉ khác nhau về cách thể hiện những cảm xúc, nhưng vai trò của vợ chồng sẽ bằng nhau và quan trọng như nhau.

ĐYT: – Sự khác biệt về nhận thức, cách sống, thói quen… của nhiều cặp vợ chồng có ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi của họ hay họ có thể dung hòa?

NB: – Có thể dung hoà một phần rất nhỏ vì yêu thương nhau và muốn làm vui lòng nhau. Không thể thay đổi cách sống, thói quen, nói tổng quát là tính tình. Sự khác biệt ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hôn nhân, nhất là đã qua thời kỳ gọi là “trăng mật” . Chỉ tìm được hạnh phúc khi cả hai chấp nhận được sự khác biệt. Điều nầy không phải dễ dàng, phải đủ yêu thương mới làm được. Có nhiều người vợ hay người chồng nghĩ rằng, mình có thể thay đổi được người bạn đời cho hoàn hảo theo ý mình và họ đã cố gắng làm cả đời nhưng không được. Chỉ được sự xào xáo, cãi vã, buồn phiền… có khi đưa đến sự tan vỡ.

ĐYT: – Chị có nghĩ rằng áp lực đời sống, những nhu cầu vật chất cùng nhiều vụn vặt của đời sống cũng đã góp phần làm gia đình của một số người trở nên mong manh hơn? Nếu thực vậy thì họ cần làm gì để hoá giải chúng ?

NB: – Có! Nhưng chỉ xảy ra với những cuộc hôn nhân thiếu tình yêu chân thật. Đó là những người “yêu người vì mình”. Vì sắc đẹp, vì cảm xúc, vì cô đơn phải lấy vợ hay chồng…, có nghĩa gia đình được xây dựng vì cái gì đó, chứ không phải tình yêu. Tình yêu chân thật phải được thể hiện bằng sự hy sinh. Nếu đã có sự hy sinh thì không có áp lực nào, nhu cầu vật chất nào hay vấn đề vụn vặt khác ảnh hưởng đến tình yêu đôi lứa và việc xây dựng mái ấm gia đình.

Nếu vấn đề đặt ra được trả lời là CÓ thì không có gì hoá giải được, ngoại trừ tình yêu.

ĐYT: – So với thế hệ của chị, tình yêu và đời sống gia đình của những thế hệ sau này ra sao? Có phải chúng dễ đổ vỡ hơn? Hay chính họ không nhẫn nhại và gìn giữ chúng đúng mực? Hoặc đó chỉ là hiện thân của một trào lưu xã hội ngày nay?

NB:- Theo tôi, việc xây dựng gia đình của thế hệ nào cũng giống nhau, dù cách thức có thể khác nhau. Dù 2000 năm trước hay thời đại bây giờ, cũng có những cuộc hôn nhân thành công, gương mẫu và những cuộc hôn nhân tan vỡ đưa đến ly dị. Tuy nhiên hoàn cảnh sống của xã hội có góp phần đáng kể cho việc gãy đổ. Điển hình là khi có điều kiện vật chất, có sự tự do cá nhân, không sợ dư luận, không bị ràng buộc vì tôn giáo thì những cuộc hôn nhân không thuận buồm xuôi gió, thay vì tìm cách sửa chữa hay hàn gắn thì người ta buông xuôi với ý nghĩ ly dị là, giải quyết mọi khó khăn mà tôi đang hứng chịu, sau đó tôi có thể sống một mình hay kết hôn với người khác… đâu có gì khó khăn!

Những lứa tuổi ở thế hệ chúng tôi cũng đổ vỡ nhưng không nhiều so với thời đại hôm nay.

ĐYT: – Về mặt xã hội, chị có thấy đã có sự khác biệt, thay đổi nào giữa những người phụ nữ Việt nam truyền thống và những phụ nữ gốc Việt tại nước ngoài? Khái niệm bình quyền nam nữ ngoài xã hội có giống trong đời sống gia đình?

NB:– Khác biệt rất nhiều. Vì do sự giáo dục của gia đình từ một nền văn hoá Khổng Giáo, người phụ nữ truyền thống (hiện là lớp tuổi bà, mẹ của chúng tôi) phục tùng chồng tuyệt đối. Họ quan niệm rằng, ông chồng lúc nào cũng là người có quyền tối thượng. Dù có một số bà cũng đi làm như chồng, nhưng khi về đến nhà ông chỉ có bổn phận ngồi xem TV, đọc báo… còn những công việc như nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa… là của đàn bà, nên chỉ một mình bà tất bật lo toan. Khi mâm cơm đã sẵn sàng, ông chỉ việc lên bàn ăn và… ăn xong rồi bỏ đó.

Sống ở nước ngoài, người phụ nữ Việt Nam có vùng lên và có thay đổi khái niệm. Bình quyền với chồng hơn, có đôi khi còn “vượt cả bình quyền” nữa.

Trong xã hội văn minh hiện nay, vai trò người phụ nữ đã vươn lên ngang hàng với nam giới. Người phụ nữ đã có cơ hội thi thố tài năng và được trọng vọng ở mọi môi trường từ xã hội, kinh tế, khoa học lẫn lãnh đạo quốc gia. Tuy nhiên trong gia đình người vợ và người chồng vẫn có những lãnh vực riêng không thể thay thế theo bản năng của giới tính, không giống như ngoài xã hội.

ĐYT: – Lòng thứ tha, sự cảm thông … những phẩm hạnh cần thiết cho đời sống tinh thần của mỗi người. Nhưng chúng ta hiểu cặn kẻ hơn về giá trị của chúng như thế nào trong đời sống gia đình ?

NB: – Chỉ có tôn giáo mới giúp chúng ta hiểu một cách thấu đáo về lòng tha thứ cũng như sự cảm thông cần thiết cho đời sống tinh thần thế nào. Đó là sự bình an trong tâm hồn. Và chỉ khi có bình an trong tâm hồn, người ta mới tìm gặp hạnh phúc. Nhất là hạnh phúc trong đời sống gia đình. Đời sống vật chất dư thừa với nhà cao cửa rộng, địa vị, tiếng tăm lừng lẫy… chưa phải là những điều kiện đủ để xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc. Phải có lòng tha thứ, sự cảm thông… Nói tóm lại, một tấm lòng độ lượng vô cùng cần thiết cho cuộc sống hôn nhân.

ĐYT: – Bên cạnh việc hôn nhân cần một tấm lòng độ lượng, chị nghĩ rằng những điều gì khác quan trọng để đời sống gia đình luôn bền vững và thăng hoa?

NB:- Hy sinh và phải luôn luôn học hỏi từ nhiều nguồn: tôn giáo, thầy, bạn, sách vở và quan trọng không kém là, học từ những thất bại và thành công của chính mình.

ĐYT: – Nếu có thể chia sẻ, tâm tình thêm điều gì đó với lớp trẻ, chị muốn nói thêm về điều gì ?

NB: -Nếu được chia sẻ, tôi có ba điều muốn nói cùng các bạn trẻ:

Thứ nhất: Các bạn đã hay đang vất vả theo học 4 năm hay 10 năm một ngành nghề nào đó để thành công về sự nghiệp cho đến tuổi về hưu. Điều nầy hợp lý vô cùng. Nhưng có khi nào bạn nghĩ rằng cuộc hôn nhân mà bạn đang xây dựng hay sắp bước vào để đầu tư cả đời, cần phải học hỏi lâu hơn thời gian đó không? Nghĩa là bạn phải học trước và trong suốt đời sống hôn nhân nữa.

Thứ Hai: Đừng đòi một sự hoàn hảo tuyệt đối nơi người bạn đời. Dĩ nhiên bạn đã yêu những điểm tốt nơi người ấy nhưng đồng thời phải chấp nhận không điều kiện những khuyết điểm của người ấy. (Điều này không dễ chút nào bạn ạ)

Thứ ba: Đừng bao giờ xem hôn nhân như một canh bạc. Cứ cưới nhau, sống không hợp thì ly dị. Bạn có biết điều gì xảy ra sau tờ giấy ly hôn không? Sẽ không bao giờ bạn được sự bình an trong tâm hồn cho đến ngày lìa đời. Nhất là để cho những đứa con thương yêu của bạn phải thiếu cha hoặc mẹ khi còn thơ ấu.

ĐYT:- Xin cảm ơn chị Ngân Bình đã dành thời gian để mang đến độc giả những suy nghĩ và tâm tình đầy ý nghĩa này, những điều đã góp phần cổ súy các giá trị đích thực trong tình yêu và hôn nhân, như các bài viết của chị .

NB: Cám ơn Đinh Yên Thảo đã dành cho tôi những giây phút chia sẻ thật thú vị []

Bài Mới Nhất
Search