T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Mừng Chúa Giáng Sinh, Mừng Hòa Bình nhân lọai


Đêm nay quỳ dưới Chúa
Nghe cội sầu chơi vơi
Hai ngàn năm thắp lửa
Còn lạnh quá Chúa ơi …

(Nhược Thu)

Đã hơn hai ngàn năm, nhân lọai chào đón lễ Giáng Sinh. Ngừơi Thiên Chúa giáo thì mừng con Chúa xuống trần chịu tội cho mình, còn người ngọai đạo đón nhận ý nghĩa bình an hàm chứa trong thông điệp mà lễ hội này muốn truyền đạt đến mọi người.

Vinh danh chúa cả trên trời (Glory to God in the Highest)

Bình an dưới thế cho người thiện tâm (Peace to His people on earth)


Có thực là người thiện tâm vẫn luôn được bình an?

Những ngày cận kề lễ Giáng Sinh năm 2010 có một sự kiện lớn xẩy ra khiến tôi phải, một lần nữa, đặt câu hỏi đó cho mình, dù tôi là một người có đạo.

Giải thưởng cao quý Nobel về Hòa Bình năm 2010 đã được trao cho chiếc ghế không người. Lý do đơn giản là vì người đọat giải, nhà văn nhà họat động phản kháng người Trung Hoa Lưu Hiểu Ba, đang phải chịu án tù 11 năm kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2009, tức đúng ngày Lễ Giáng Sinh năm ngóai.

Đó quả là một hình ảnh mỉa mai cho Hòa Bình. Ông Lưu Hiểu Ba là một con người thiện tâm, một người xứng đáng nhận được sự bình an, nhất là trong mùa Giáng Sinh, cũng như rất nhiều những con người thiện tâm của đất nước tôi hiện vẫn còn bị giam giữ trong những nhà tù lớn nhỏ, họ không mưu cầu gì hơn là sự bình an và hạnh phúc cho mọi người.

Câu chuyện Giáng Sinh cùng với thân phận hẩm hiu của những con người thiện tâm lại khiến ký ức của tôi trở về một quá khứ chưa xa lắm. Giáng Sinh năm ấy, tôi vừa được tha ra khỏi trại cải tạo không lâu. Buổi tối, tôi rủ cô bạn gái của mình (cũng là người mẹ các con tôi sau này) đi uống cà phê “mừng Chúa ra đời” ở một quán thuộc khu lao động quận 10, Sài Gòn. Thình lình, công an đến bố ráp khu vực. Khi được hỏi giấy tờ tùy thân, tôi chìa ra tờ “Giấy Ra Trại” (tức lệnh phóng thích khỏi trại tù với tội danh “sĩ quan ngụy”). Chẳng nói một lời, anh công an ra dấu cho tôi đứng dậy theo anh ta. Và tất nhiên, cô gái ngồi cạnh tôi cũng chịu chung số phận, dù không ngụy quân, cũng chẳng ngụy quyền. Đêm đó, chúng tôi bị nhốt ở đồn công an quận 10 mà không được biết lý do. Nửa đêm , có tiếng hát lảnh lót từ bên khu tù nữ vọng lại.

Bài thánh ca đó còn nhớ không anh?

No-en năm nào chúng mình có nhau

Rồi thì:

Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang . . .

Giây phút ấy, tôi cũng quỳ xuống trên khỏanh đất chật chội của phòng giam, chắp tay lại cầu nguyện. Xin bình an dưới thế cho người lòng ngay. Ngày mai, tôi chưa biết thân phận mình sẽ ra sao giữa lòng một xã hội thù địch công an trị. Nhưng tôi biết chắc một điều, mảnh đất quê hương này không còn là nơi cho tôi dung thân nữa. Vả lại, làm sao gọi đó là quê hương khi mà một sự an bình tối thiểu mình cũng không có được .

Bao nhiêu năm rồi, mỗi một mùa Giáng Sinh tôi lại nhớ về mảnh quê hương mình bỏ đi năm nào. Nơi ấy, có rất nhiều những con người thiện tâm như ông Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc, vẫn tiếp tục sống trong sự bất an thường trực, và cánh cửa nhà tù lúc nào cũng sẵn sàng mở ra nuốt trửng lấy họ, dù đó là giây phút thật an bình huyền diệu đối với nhân lọai, giây phút Chúa được sinh ra làm người và cùng chịu muôn vàn nỗi thống khổ như chính con người.

Trong danh sách 16 quốc gia không cử đại diện đến tham dự lễ trao giải Nobel Hòa Bình cho “chiếc ghế không người”, có tên Việt Nam.

Tôi nhắc đến Việt Nam, đất nước tôi, mà không dám ngẩng đầu lên nhìn mọi người .

T.Vấn

Mùa Giáng Sinh 2010

T.Vấn©2010

Bài Mới Nhất
Search