T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Đừng hỏi vì sao?

clip_image002

(Hình Cắm Hoa : Trương T Vinh )

Mẹ theo chồng đi Mỹ bỏ tôi lại cho bà ngoại từ lúc tôi vừa lên hai. Năm mười một tuổi, tôi được dì Lưu dắt đi vượt biên. Dì nói sang Mỹ gặp mẹ, cuộc đời tôi sẽ sung sướng hơn. Giấc mơ thần tiên đó được dì Lưu vẽ vời mỗi ngày. Tôi tưởng tượng ra cảnh mẹ sẽ ra tận phi trường đón tôi với bó hoa tươi thắm trên tay, rồi hai mẹ con sẽ ôm nhau mừng mừng, tủi tủi trong nước mắt. Mẹ sẽ hôn tôi và nói với tôi những lời nhớ thương tha thiết -những lời nói thật cảm động mà tôi đã từng nghe đào kép cải lương diễn trên sân khấu nói với nhau.

Giấc mơ đẹp đẽ bao nhiêu thì khi đối diện với mẹ tôi cảm thấy hụt hẫng bấy nhiêu. Bà nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi quay sang hỏi dì Lưu:

-Nó đây sao?

Một câu hỏi không hề nằm trong giấc mơ của tôi. Mẹ nhìn tôi. Cái nhìn có một chút gì thất vọng và bất mãn.

-Con xấu quá, không đẹp như mẹ phải không Dì Lưu?

Tối hôm đó tôi đã hỏi dì Lưu như thế. Dì Lưu lắc đầu, ôm chặt tôi trong cánh tay nóng hổi:

-Không phải. Con chưa đủ lớn để hiểu những điều con phải hiểu.

Tôi chìm vào giấc ngủ với những giọt nước mắt tủi thân để rồi sau đó tôi không bao giờ hỏi nữa. Tôi cam phận sống trong gia đình của mẹ với hai đứa em trai và một người đàn ông Mỹ mà tôi phải gọi là Daddy. Suốt mấy tháng, tôi và hai đứa em cùng mẹ, khác cha chỉ nhìn nhau chứ chẳng nói một lời. Có lẽ ngôn ngữ bất đồng, khó tạo được sự cảm thông. nên chúng có vẻ chẳng ưa tôi, chỉ chực chờ có cơ hội là tìm cách quấy phá, chọc ghẹo. Người đàn ông Mỹ xa lạ, cao lêu khêu, ốm tong như cây sậy, mà tôi phải gọi là Daddy hay cười với tôi bằng cái nheo mắt thật hiền hòa.

Sống trong một gia đình mà lúc nào tôi cũng mang cái cảm giác mình chỉ là kẻ bên lề làm tôi bỗng trở nên bướng bỉnh, cứng đầu. Mỗi lần mẹ mắng nhiếc tôi những điều vô lý, trong lòng tôi nổi lên sự chống đối mãnh liệt "đây không phải là người mẹ tôi chờ đợi". Dì Lưu rày tôi khi tôi nói lên ý nghĩ đó. Nhưng khi tôi hỏi lại "Nếu không phải vậy, tại sao mẹ không bảo lãnh khi con còn ở Việt Nam" thì dì Lưu quay mặt đi để khỏi phải trả lời.

Nếu mẹ làm cho tôi cảm thấy đơn độc thì Daddy lại là người đáp ứng nỗi khao khát tình thương của tôi. Mỗi sáng ông đưa tôi đến trường, chiều đón về. Ông dạy tôi học tiếng Mỹ, chăm sóc tôi khi bệnh hoạn. Ông quan tâm, lo lắng cho tôi đến nỗi hai đứa em phải sinh lòng ganh tỵ. Còn mẹ thì sao? Vẫn ánh mắt của ngày đầu gặp gỡ. Có lúc thoáng chút thương hại. Có lúc lại lạnh lùng, nghiêm khắc như tôi đã gây một lỗi lầm gì khó có thể tha thứ.

Năm tháng trôi qua, tôi lớn dần trong sự lạnh nhạt của mẹ, tình yêu thương vô bờ của người cha chẳng cùng huyết thống và nỗi hoài nghi, thắc mắc vì những điều vô lý đang xảy ra trong cuộc sống của mình. Tại sao mẹ không thương tôi? Có phải vì bà đã cách xa tôi tám, chín năm. Tại sao Daddy thương tôi, trong khi tôi chỉ là con riêng của vợ ông? Chuyện gì đã xảy ra cho cuộc đời mẹ, cho cuộc đời tôi?

Nếu không có chuyện bất ngờ xảy ra vào một ngày của tháng tư năm 1998, thì có lẽ, chẳng bao giờ câu hỏi của tôi được giải đáp.

Một buổi trưa, mẹ gọi điện thoại hẹn tôi ra một tiệm ăn Việt Nam. Khi tôi bước vào, mẹ chỉ người đàn ông đang ngồi đối diện với mẹ và nói:

-Ba con đó !

Tôi ngỡ ngàng nhìn người đàn ông trước mặt. Tiếng mẹ lại vang lên. Vẫn là tiếng của mẹ, nhưng cái âm thanh lạnh lẽo của mọi ngày đã biến mất mà thay vào đó là sự ngọt ngào. Ngọt ngào đến nỗi tôi cảm thấy ngượng ngùng.

-Con gái của mẹ chào ba đi con.

Như một cú sốc đập mạnh vào tim, tôi mấp máy đôi môi mà chữ "Ba" vẫn không thoát ra được. Rồi như có một sức mạnh vô hình nào đó đẩy mạnh đôi chân, tôi chạy ào ra khỏi tiệm, bước đi như ma đuổi. Đi một khoảng xa, tôi ngồi xuống thở dốc, lấy điện thoại gọi dì Lưu. Vừa nghe tiếng của Dì Lưu tôi hỏi dồn:

-Dì Lưu, ba của con còn sống hay đã chết?

Bên kia đầu dây im lặng, không một tiếng nói vang lên. Tôi hằn học trong hơi thở dồn dập:

-Dì Lưu, bây giờ con có đủ tuổi để hiểu những điều mà con cần phải hiểu chưa?

….. Khi buông điện thoại xuống tôi mới chợt hiểu vì sao mẹ đối xử với tôi như một cái gai trước mắt. Dù tôi không hề làm điều gì sai quấy, nhưng tôi lại là đứa bé mang hình ảnh của người đàn ông mà mẹ bảo tôi phải gọi bằng ba. Người đàn ông mà cách đây hai mươi năm đã bỏ rơi mẹ khi biết bà đã mang thai. Mẹ không muốn hủy bỏ đứa con vừa tượng hình trong bụng mẹ. Mẹ cũng không muốn mang tiếng chửa hoang nên đã nhận lời lấy Daddy, một người Mỹ làm chung hãng với mẹ. Mẹ sống với Daddy bằng một tình cảm gượng gạo, nhưng rất tròn phận vợ cho đến khi khăn gói theo Daddy về Mỹ.

Bây giờ tôi cũng hiểu vì sao mọi người đều nói cha tôi đã chết. Theo một nghĩa nào đó thì ông đã chết trong lòng mẹ tôi vì sự phản bội trắng trợn và tàn nhẫn của ông. Năm 1996, ông sang Mỹ theo diện H.O. Nghe kể, sau khi đi cải tạo trở về, vợ ông đã có chồng khác. Hai đứa con của ông, bà vợ cũng đã cho người em mang đi vượt biên không có tin tức. Ông sang đây chỉ một thân, một mình. Không biết mẹ tôi và "ông ta" gặp lại là do sự tình cờ hay ông đã cố công tìm kiếm. Dẫu thế nào đó cũng là một việc ở ngoài sự mong muốn của tôi, vì ông không xứng đáng là cha của tôi khi đã từ chối sự có mặt của tôi trong cuộc đời ông. Mẹ không thể bắt buộc tôi làm theo ý bà, vì tôi đã đủ khôn lớn để tự cho tôi quyền lựa chọn. Chọn ông, một người cha đã tạo ra tôi hay chọn Daddy người đã đón nhận tôi, từ khi tôi còn là một cái bào thai trong lòng người đàn bà không hề yêu ông, nhưng ông đã hết lòng yêu bà. Khi còn bé, mọi người nói với tôi rằng cha tôi đã chết. Vì thế, tôi cũng nên để ông nằm yên trong nấm mồ mà những người quanh tôi đã xây cho ông.

***

Kể xong câu chuyện dì Lưu thở dài:

-Chỉ vì hận ba con mà mẹ đã đối xử không tốt với con.

Tôi cười mỉa mai giữa hai hàng nước mắt:

-Con vô tội mà. Con đâu có xúi "ông ta" bỏ mẹ… à! con hiểu rồi, nhưng con lại là nguyên nhân để mẹ bị "ông ta" bỏ rơi phải không dì?

Tôi ôm mặt khóc tức tửi. Tôi căm hận người cha này, người cha đã mang đến cho tôi sự bất hạnh. Tôi oán giận mẹ vì mẹ đã trút lỗi lầm của bà lên đứa con vô tội. Tôi đâu có quyền chọn cha mẹ để sinh ra. Chính ông bà đã tạo ra tôi, sao lại tròng lên đầu tôi một bản án oan nghiệt. Chỉ có Daddy, người không tạo ra tôi, nhưng đã gánh lấy trách nhiệm để cho tôi được chào đời, rồi tiếp tục nuôi nấng cho tôi được thành người, trong khi người mẹ yêu quý của tôi lại nỡ lòng quay lưng với tôi. Thử hỏi, nếu dì Lưu không mang tôi sang đây, chắc gì mẹ nhớ rằng mình đã từng có một đứa con gái đang ở bên kia nửa vòng trái đất.

Những ngày tháng kế tiếp, mẹ tìm đủ cách để ép tôi gặp "ông ta". Tôi cũng tìm mọi lý do để thoái thác. Biết tôi cứng đầu, nên mẹ không dám phản ứng mạnh. Tôi cũng chờ dịp để hỏi mẹ, nếu ngày xưa vì hận "ông ta" mà mẹ không thương yêu tôi, thì ngày nay, vì lý do gì mẹ lại thường xuyên gặp gỡ "ông ta" và còn muốn tạo cơ hội cho tôi và "ông ta" gần gũi thân mật. Có phải chăng vì trái tim mẹ vẫn ôm ấp hình bóng cũ, dẫu trong đớn đau oán hận, nên mẹ đã dễ dàng tha thứ lỗi lầm của "ông ta". Hay nhờ miệng lưỡi ngọt ngào mà "ông ta" đã bôi xóa được mối hận đằng đẵng hai mươi mươi mấy năm trong lòng mẹ, lại còn khiến mẹ quên mất Daddy, người đã hy sinh và yêu thương mẹ hết cả cuộc đời.

Daddy không trách mẹ, nhưng tôi căm giận mẹ vì sự vô tình bạc nghĩa của bà đối với Daddy, người tôi quý trọng nhất đời. Tôi đau trong nỗi đau của Daddy. Tôi yêu cầu Daddy phải có thái độ, nhưng Daddy cười thật buồn bã và hiền từ:

-Hãy để mẹ con vui với niềm hạnh phúc bà đang có.

Rồi Daddy ốm nặng phải vào bệnh viện. Mỗi ngày, mẹ chỉ vào thăm Daddy vài tiếng vào buổi sáng, sau đó sang nhà "ông ta" đến tối mịt mới về. Hai đứa em tôi, mỗi đứa có công việc làm ở tiểu bang khác, chỉ còn mình tôi túc trực ngày đêm bên Daddy. Daddy tỏ vẻ ái ngại khi tôi phải gác bỏ việc làm để cận kề chăm sóc cho ông. Tôi nói rằng, tôi rất vui khi được săn sóc cho Daddy như ngày tôi còn bé, Daddy đã ở cạnh tôi những lúc tôi bệnh hoạn.

Buổi trưa, khi tôi đang ngồi ở bệnh viện chờ tin của Daddy trong phòng giải phẫu thì mẹ gọi điện thoại báo tin "ông ta" bị tai nạn xe. Mẹ nói, tôi phải về thăm "ba" cho phải đạo. Tôi hỏi thăm thì được biết "ông ta" bị gãy chân trái.

-Daddy đang ở trong phòng giải phẫu, con không thể đi được, chờ khi nào Daddy tỉnh dậy con sẽ đến thăm ông ấy.

Tôi bực dọc trả lời. Mẹ mắng tôi như tát nước vào mặt. Tôi hỏi mẹ tình trạng của Daddy và "ông ta" ai là người bị nguy hiểm đến tính mạng hơn. Mẹ giận dữ mắng tôi, đồ bất hiếu. Tôi giận mẹ vô tâm trước sự sống chết của Daddy nên trả lời: -Không lẽ mẹ bắt con phải có hiếu với một người cha đã từng từ chối sự hiện diện của con trên cõi đời này?

Tưởng tượng ra khuôn mặt tái xanh của mẹ khi tôi biết được cái bí mật mà mẹ cố tình dấu kín, tôi gằn giọng:

-Con chỉ có một người cha, đó là Daddy. Người không tạo ra con nhưng chưa bao giờ đối xử ghẻ lạnh với con như mẹ, chưa bao giờ chối bỏ con như "ba".

Tôi cúp điện thoại để khỏi phải nghe tiếng gào thét, chửi rủa của mẹ.

Cuối cùng, Daddy không vượt qua được cuộc giải phẫu nguy hiểm. Ông ra đi, để lại trong lòng tôi nỗi mất mát to lớn. Sau khi hoàn tất tang lễ cho Daddy, tôi lặng lẽ rời xa căn nhà nhiều kỷ niệm không một lời từ giã. Từ đó đến nay tôi chưa một lần trở về thăm mẹ.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không hối hận về sự lựa chọn của tôi. Dì Lưu vẫn hỏi, khi nào con sẽ trở về thăm mẹ? Lòng tôi chưa quên được những buồn đau ngày cũ, nên đến hôm nay tôi vẫn chưa có câu trả lời []

Ngân Bình

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search