T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: Giữ trong tim được không? Những chuyện xưa của lòng *

clip_image002

Nhạc sĩ Trúc Phương sống cùng thời với tôi. Thuở ấy có lẽ ông là anh lính “ở miền xa”, còn tôi là cô nữ sinh áo trắng hậu phương. Chúng tôi đã có một thời được sống trong quê hương rất đỗi thanh bình:

“Hàng dừa cao nghiêng nghiêng soi bóng sông

Mộng ngày mai say sưa những ước mong” *

Nhạc Trúc Phương đã từng rất hiền :

“Quê em nắng vàng nhạt cô thôn

Dải mây trắng dật dờ về cuối trời” *

Rồi chiến tranh bổng dưng rơi xuống đúng vào tuổi thanh xuân tươi đẹp của chúng tôi. Và nhạc trúc Phương không còn mang giọng điệu thanh bình. Nhạc Trúc Phương bất thình lình trở nên ai oán như những tiếng nỉ non, than khóc trong những ”đêm lạc loài , giấc ngũ mồ côi” của những người lính bị quăng vào cuộc chiến phi lý và dai dẳng .

Thuở ấy nhạc Trúc Phương gần gũi với quần chúng miền Nam hơn Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Ông nói được tiếng lòng người lính trẻ .

Người lính trẻ miền Nam là ai?

9o% họ là những nông dân chân lấm tay bùn.

Những chàng trai mười tám , hai mươi ấy đáng lẽ phải được sống yên lành với ruộng đồng quê hương, bên “mẹ quê nâu sồng và người em mơ mộng” nhưng họ buộc phải trở thành người lính , họ lóng cóng cầm súng thay cho cây cuốc , cán cày .

Họ còn là những anh học trò ốm yếu , chưa hề bước chân vào đời , vừa cởi chiếc áo sơ mi trắng đã phải khoác lên mình bộ quần áo nặng nề mang màu rừng núi cùng ba lô và súng đạn xa lạ. Nhạc Trúc Phương là tâm sự của người thanh niên miễn cưõng sống đời quân ngũ.

“đi lính xa đánh giặc từng ngày”

Đánh giặc từng ngày” là mỗi ngày anh đều có thể là kẻ cầm súng giết người hoặc có thể bị người giết chết trong khi anh vẫn thèm sống, thèm yêu. Anh ngồi tính toán chi ly cho một ngày phép hiếm hoi thật tha thiết:

Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về, thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi” *

Người lính miền nam đi lính nhưng không nghe anh nói tới kẻ thù, chỉ thấy anh xót xa cho người con gái đang chờ anh bên sân ga:

“Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa

Trắng đêm tôi chờ nghe

Tiếng tàu đêm tìm về”*

.

Tôi tìm đến nhạc Trúc Phương thật muộn màng. Thời còn trẻ, nhạc Trúc Phương vẫn vang lên hàng ngày bên tai tôi đấy thôi. Tôi biết nhạc của ông có ma lực lôi cuốn, nhấn chìm người nghe vào một nỗi buồn đau có thực. Nhưng không hiểu sao thuở ấy tôi quá vô tâm với ông. Có lẽ tôi không chịu được những sự thật quá đơn giản:

Người yêu ta rồi cũng xa ta nên chung thân ta giận cuộc đời” *

Tôi thích hơn những câu hát có ý tưởng lạ :

Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối” (TCS)

Hoặc mang phong cách thanh lịch như thời tiền chiến:

mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu” (Tô Vũ)

Tôi rất sợ những tối hậu thư kiểu lính:

“Đến với tôi, hãy đến với tôi

Đừng yêu lính bằng lời” *

Và tôi đã quên Trúc Phương cho đến một ngày. Một ngày quê hương không còn tiếng súng. Một ngày tôi và mọi người tự hỏi bây giờ mình sống bằng cách gì đây. Một ngày mà cái đói đã làm chúng tôi quên cả thưởng thức mùi vị của thanh bình. Một ngày tôi ngồi trên chuyến tàu chợ đông nghẹt người ,làm “con buôn”.

Chuyến tàu hôm đó không “đưa tiễn người trai lính về ngàn” mà đưa người dân ngược xuôi tìm đường mưu sinh và trên toa xe có cả vài hành khách là bộ đội . Cái không khí ồn ào của một chuyến tàu chợ bổng trầm hẳn xuống khi một người ăn mày mù cất tiếng hát bi thương trong tiếng đàn guitar phím lõm:

“Tôi ở miền xa

Trời quen đất lạ

Nhiều đông lắm hạ

Nối tiếp đi qua

Thiếu bóng đàn bà”(*)

……………………………

Ngoài kia súng nổ

Đốt lửa đêm đen

Tầm đạn thay tiếng em”(*)

Có lẽ vì phải sống trong bóng tối, chẳng biết gì về thế sự, người ăn mày mới dám hát “nhạc vàng” . Chuyến tàu chợ cứ lắc lư và người ăn mày được… mấy anh bộ đội nài nỉ xin nghe lại bài hát. Lúc này tôi mới thấy hết cái diệu kỳ của nhạc Trúc Phương khi nó làm lay động tất cả mọi người không phân biệt chiến tuyến và tôi nghe như có một giọt nước mắt xúc động lặng lẽ rơi xuống từ trái tim tôi.

Tôi lân la hỏi người ăn mày:

“giải phóng rồi sao bác không hát nhạc cách mạng?”

Bác nói thật thà :

“Hát nhạc ấy người ta không cho tiền..”

Từ đó tôi tìm lại nhạc Trúc Phương.

Nghe nhạc Trúc Phương tôi thấy lòng quặn đau, thương anh lính hiền lành nhũn nhặn và có lẽ giới hành khất thích nhạc Trúc Phương vì trong nhạc của ông “xin” và “cho” được nhắc đến rất nhiều:

ai cho tôi tình yêu/ để làm duyên nụ cười” (*)

“xin đừng e ấp

Làm tim nghẹn lời” (*)

Khi biên giới của sự sống và cái chết quá mong manh, thì tình yêu, dù là một tình yêu không có đoạn kết vẫn là thứ người ta khao khát nhất.

Thật khác xa với người lính ở bên kia chiến tuyến:

Anh đang hành quân

Ra nơi tiền tuyến

Mang theo tình yêu giai cấp trong tim”

Họ được dạy “nhắm thẳng quân thù mà bắn”. Quân thù được xác định rõ ràng là “giặc Mỹ cọp beo” , là người Việt bên kia vỹ tuyến 17, Còn người lính của Trúc Phương:

Tàu xa dần rồi,

Thôi tiếc thương chi

Khi biết người ra đi vì đời”(*)

“Vì đời” là một cuộc sống tươi đẹp hơn khi hết chiến chinh hay “vì đời” có nghĩa là lỡ sinh ra trong cuộc chiến này, đời bắt thế thì phải thế chứ chẳng biết kêu ai, oán hận ai?

Số phận bi đát, tâm trạng cô đơn, hoang mang cùng cực của anh lính học trò, được ghi lại trong hầu hết ca khúc của Trúc Phương.

Đơn vị thường xuyên

Nằm trên đất giặc

Thèm trong hãi hùng

Tiếng hát môi em

Tiếng hát ngọt mềm” (*)

Nhờ nhạc Trúc Phương hậu thế sẽ hiểu rằng trong cuộc nội chiến thảm khốc người lính miến Nam còn được tự do khóc than, trong khi người lính miền Bắc bị ném ra chiến trường với trái tim ngục tù câm nín.

Tôi rất ân hận khi đã từng nghĩ rằng lời nhạc Trúc Phương quá đơn giản. Bây giờ tôi mới ngấm được những câu chữ xé lòng của ông.

“Đi thêm một bước trót nhỡ thêm một bước”(*)

Theo tôi thì “trót nhỡ “ chứ không phải “trót nhớ”.

Và như vậy tình yêu, theo ông là thứ lênh đênh vô định nhất trên đời.

“Yêu thì chưa hết

Nên gọi tên tình chưa đổ bến(*)

Và còn nhiều lắm những tâm tình tha thiết, những khát khao được sống, được yêu, được nhìn thấy đất nước thật sự thanh bình trong nhạc Trúc Phương.

Cuộc chiến 20 năm vừa qua quá ngắn ngủi so với 200 năm Trịnh Nguyễn phân tranh, nhưng oan hồn của hàng vạn anh lính trẻ thì có lẽ cho đến bây giờ vẫn chưa siêu thoát. Nỗi đau oan khuất, nỗi cô đơn ngút ngàn như vẫn còn chất chứa, vang vọng trong từng câu hát của Trúc Phương.

Có phải là định mệnh chăng, khi ông viết bài Nửa Đêm Ngoài Phố, là đã báo trước cho mình một cái chết lạnh lẽo, cô độc sau những ngày cuối đời lang thang trên đường phố Saigon.

Nhớ TRúc Phương, thương cho hàng triệu người lính trẻ đã chiến đầu trong cô đơn, buồn bã, và đã chết oan trong cuộc chiến vô cùng phy lý trên đất nước phải hứng chịu nhiều bi thảm nhất của thế giới.

Huyền Chiêu

* Lời ca khúc Trúc Phương

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search