T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Hai mươi năm sau, đọc lại Mê Lộ

clip_image001

Chẳng phải ngẫu nhiên cách đây hai mươi năm tôi chọn đọc tác phẩm của Phạm thị Hoài, một nhà văn trẻ, nữ giới, có học thức, sinh ra trong chiến tranh, viết văn trong thời bình, trùng hợp với thời trước và sau ‘mở cửa’. Những năm tháng này (86-92) là những năm tháng ‘ngàn năm một thuở’ cho văn nghệ sĩ khi chính tổng bí thư của đảng tuyên bố ‘cởi trói’, từ đấy nảy sinh những cây viết mang sức đột phá vượt khỏi tầm phong tỏa của dòng văn học chính thống XHCN, không hẳn chỉ mới về nội dung, lạ về ngôn từ, độc đáo trong phong cách thể hiện, mà còn chuyển tải những thông điệp cần ‘gióng lên’ trong tâm thức người đọc về một thời kỳ chuyển mình của đất nước sau chiến tranh. Cũng năm này, ngoài Mê lộ còn có Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma (Nguyễn khắc Trưòng), Nỗi Buồn Chiến Tranh (Bảo Ninh), Tác phẩm và Dư luận (Nguyễn Huy Thiệp) được xem như những hiện tượng lạ trong văn học. Đặc biệt dư luận bạn đọc chú ý đến hai tác giả, một nam một nữ có sách và lối viết gây nhiều ấn tượng trở thành tiêu biểu cho sinh hoạt văn học chuyển mình, ‘một Nguyễn Huy Thiệp thâm trầm, tàn nhẫn trong những truyện ngắn, một Phạm Thị Hoài với sự mới mẻ đầy trí tuệ của riêng mình’ (trích lời giới thiệu của Phạm Việt Cường).

Gặp lại Mê lộ cũng là môt cái duyên do tình cờ vào hiệu sách tiếng Việt lớn nhất quận Cam, tôi đã thấy nó nằm lẩn trong khu rừng tác phẩm cùng thời trên các kệ sách. Cầm cuốn sách trên tay, tôi cảm thấy có nét lạ nét quen, lạ vì có một số truyện tôi quên tên hoặc nội dung, quen vì có hơn phân nửa số truyện tôi thích thú và tâm đắc. Lật mặt sau, nhìn tấm hình của tác giả, khuôn mặt rất trẻ bỗng thoáng hai mươi năm đã qua.Tự nhiên tôi liên hệ hình ảnh này với một Phạm Thị Hoài của Talawas mà ngày nay người ta quen xưng bằng ‘bà,’ ít ai dám gọi bằng ‘cô.’ Tôi có ý định đọc lại cuốn sách, sự háo hức có giảm so với lần đầu, bởi nếu cứ đòi Mê lộ phải hấp dẫn theo cách nhìn của một độc giả đàn ông. Dù sao cũng cám ơn Khánh Trường đã minh họa xuất sắc cho bìa trước, người đàn bà được phác thảo bằng nét cọ sơn dầu sắc nét có đặc điểm rất ‘tiệp’ với các nhân vật nữ được khái quát trong các mối quan hệ tình yêu, bi kịch gia đình và xã hội gần như là chủ đề xuyên suốt trong toàn bộ các trang giấy bên trong.Tôi có thói quen chỉ đọc về đêm, vì thời điểm này mới thích hợp cho cái thú đọc sách. Bản thân tôi ít đọc truyện dài mà chỉ thích khi nó được chuyển thể thành phim hay kịch bản. Tôi cũng yêu thơ nhưng chỉ xem những bài vừa đăng khi chưa trở thành tuyển tập. Truyện ngắn là thể loại tôi ưa thích nhất, một phần cũng muốn học hỏi cách viết để nếu có dịp minh họa cho những ký ức vụn của đời mình lúc tuổi về chiều.

Đọc Mê lộ lần này tôi đi thẳng vào mỗi truyện, lướt qua lời giới thiệu dù được viết rất công phu nhưng lại quá nhiệt tình khi ngợi ca và kỳ vọng về tác giả một cách thái quá (“… uy nghi đi vào thế giới văn học …cực kỳ đường bệ … như một trong những khuôn mặt lớn nhất trong văn học Việt nam đương đại….”) Tôi cũng không đọc theo trình tự từ đầu đến cuối, mà cứ nhìn mục lục, dựa vào cái tên càng ngắn càng ấn tượng, càng ít trang phải động não nhiều. Cứ thế tôi đi hết cuốn sách. Rồi đọc lại. Lại đọc lại. Mê lộ, Hoa sữa, Vệt son, Khách, Một cái gì, Hai mươi năm sau…Lại suy nghĩ về những chuyện và nhân vật. Giải đoán dụng ý gởi gấm của tác giả. Cuối cùng vẫn không hiểu hết, hiểu đúng những điều tác giả cần nói cần viết, cần chuyển tải.

Quả thật truyện ngắn khó đọc hơn truyện dài là như vậy, nhất là hiếm khi có những tác phẩm ‘lạ’ và người viết cũng ‘lạ.’ Nói như thế không hẳn là tôi không khai thác được gì sau lần tái ngộ Mê lộ mà cũng góp nhặt được đôi điều bổ ích về đứa con tinh thần của Phạm thị Hoài. Tất nhiên khi nhận xét phải có khen có chê, có khách quan chủ quan theo chiều hướng chính luận thời đại càng có ‘tính phản biện’ càng tốt. Nhưng đó là công việc của nhà phê bình. Trong tư cách một độc giả tôi chỉ muốn biểu lộ cảm xúc cá nhân sau khi thưởng thức một tác phẩm văn học mà dấu ấn thời gian càng làm tăng giá trị cho ngòi bút của người viết.

Có người nói Mê lộ gồm những chuyện gần như không có cốt truyện, không gian thời gian rất tình cờ, nhân vật như hờ hững không rõ nét, chưa kể văn phong nhiều chỗ giống như văn dịch và bản thân tác giả chịu ảnh hưởng sâu sắc dòng văn học nước ngoài. Theo tôi, suy nghĩ này không phải không có cơ sở nếu xuất phát từ cách nhìn của một độc giả quay ngược về thời điểm khi tác phẩm mới được trình làng, nhất là trong bối cảnh của một nền văn học ‘chuyện thường ngày ở huyện.’ Nhưng với sự thử nghiệm của thời gian thì những cái tình cờ, hờ hững, sắc sắc không không theo lối ‘ẩn văn’ chính lại là những cái lạ, cái mới, cái cách tân trong lối viết góp phần khai phóng cho sự chuyển mình của văn học đương đại. ‘Văn tức là người’ nếu ta còn hiểu và chấp nhận cách nhìn này thì Phạm thị Hoài vốn dĩ là con người làm công tác ngành lưu trữ và nghiên cứu sử học, lại được đào tạo trong môi trường của một du sinh, tiếp cận với nhiều xu hướng trào lưu văn học, văn hoa thế giới dù chỉ bằng sách vở tất nhiên có ảnh hưởng cho sự định hình hệ thái tư duy của bà khi chuyển bước đi vào phạm trù văn học. Rõ nét nhất là tính trí tuệ, tính khoa học, tính toàn cầu, vượt qua các mốc không gian và thời gian của một nền văn hóa văn minh nhất định đã đưa văn của Phạm thị Hoài ‘độc đáo’ hơn các tác giả đương thời. Lại nữa bà còn là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học nước ngoài, đáng chú ý là Tập truyện ngắn của Franz Kafka đòi hỏi trình độ dịch thuật rất cao. Cũng trong vị trí của một cây viết nữ, tác giả có nhiều lợi điểm khi phải dùng đến thủ thuật xử lý các tình huống diễn biến tâm lý phức tạp của các nhân vật phái yếu trong mỗi truyện, mà bi kịch gia đình và khát vọng tình yêu luôn đan quyện vào nhau khiến số phận con nguời trở thành những con quay trong cuộc sống thường ngày.

Hai lần đọc, hai cách tiếp cận. Nếu lần đọc thứ nhất tôi thấy lạ ở văn phong cấu trúc, đơn cử có câu có đoạn, đại để:

Người này rót lời vào khuôn mặt của người kia. Không vội vã. Không. Mà bình tĩnh, trầm ngâm…(Mê lộ/đối thoại)

Thế đấy. Anh đóng cửa sổ. Tắt đèn. Ghép màn cẩn thận. Nhắm mắt. Sáng mai thống kê nốt các con số Nghĩa Bình…(Hành trình những con số).

Ấy vậy mà nhiều năm sau lối viết kiểu này nhan nhản trên các truyện ngắn truyện dài, xem ra bình thường chằng ai phê phán câu bất thành câu, cú chẳng thành cú. Nhiều người viết truyện xem chừng ưng ý bắt chước tác giả trong đó có tôi, chính nhờ một đoạn theo lối văn này mà truyện ngắn đầu tay vượt ải biên tập tới tay độc giả trên một tạp chí văn học hải ngoại.

Đã gọi là truyện ngắn tất nhiên là có ngắn về số trang in ấn, nhưng vào thời điểm cách đây vài chục năm tôi chưa hề đọc một truyện nào quá ngắn, thậm chí cực ngắn chỉ vài ba trang, ấy thế mà toàn bộ Mê lộ có ít nhất 10 truyện nều tính chiều dài số trang cộng lại thì chỉ bằng một truyện bình thường.Vừa ngắn về cái tên, lại ngắn cả cái chuyện.Ta hãy điểm qua các tựa đề: Giấc mơ, Một cái gì, Kẻ giết ý nghĩ, Người tốt bụng, Người suy tư (mỗi truyện đều 4 trang), Vệt son, Mê lộ (6 trang), Khách (8 trang), truyện dài nhất cũng chỉ…18 trang. Đáng chú ý dù Mê lộ, tựa đề lấy tên cho tập truyện, chỉ vỏn vẹn 6 trang lại còn ‘chia ba xẻ bảy’ trở thành một chùm cực ngắn! Nhưng lạ là lạ ngày đó, ngày nay các trang văn học không thiếu những thể loại này. Ngạc nhiên là cùng với các cây bút trẻ muốn tô điểm cho lối viết của mình bằng các chùm truyện ngắn, chùm thơ diêm dúa thì các bậc trưởng thượng thâm hậu đầy mình cũng dùng cấu trúc cô đọng này để dàn trải tứ văn của mình thành những thông điệp văn học chính luận thời đại.

Cũng lần tái ngộ, tôi nghiệm ra rằng tác giả Phạm thị Hoài chẳng phải ngẫu nhiên với thân phận một con người khi thực lòng tâm sự với độc giả về một thời mà ba đang sống,

Đấy là thời mà không ai quan tâm đến bi kịch gia đình, chẳng phải do thiếu sót, đơn giản bởi nó chìm lấp trong tấn bi kịch bao trùm là chiến tranh, và thực lòng tôi không biết lớp trẻ sau này có ghen tị một cách chính đáng với sự giản dị, gần như thô sơ trong mô hình tâm lý của thế hệ chúng tôi thời đó không. (Hoa sữa)

để rồi khi khép lại Mê lộ, với tư cách một nhà văn bà dõng dạc cảnh báo về nguy cơ của một xứ sở nếu cứ theo vết mòn xưa cũ thì hậu quả sẽ khôn lường cho các thế hệ mai sau,

Các chủ nghĩa cãi vã nhau ngày đêm. Các mối quan hệ xâu xé và tan rữa. Các nhân vật cách tân hay truyền giáo vĩ đại nhằm đúng lúc này vắng bóng. Tất cả đều mệt mỏi. Nỗi chán chường ở một kỷ nguyên thiếu lòng tin khiến cuộc sống lê bước chậm chạp và cả xứ sở có nguy cơ biến thành một trại hủi tinh thần.(Bảy nổi ba chìm).

Hai mươi năm sau bất giác tôi lại liên tưởng một trong những ‘truyện ngắn 1200 chữ’ của các độc giả (sản phẩm của PTH?) đăng đều hàng tuần trên báo Tuổi trẻ có tựa đề ‘Những buổi chiều không có mây trôi.’ Chuyện người vợ ra ngoại thành để ngắm mây, anh chồng đang đánh tennis ở đâu đó, ‘sực nhớ ra anh nghiêm giọng bảo nàng thay vì mất thời gian vô bổ thì hãy tìm hiểu xem thế đất ở đó có thể dùng vào việc gì … Người vợ rùng mình, lo sợ bầu trời kia sẽ bị cắt xé tả tơi, mấy chục năm nữa, những đám mây ấy sẽ là cái gì trong cuộc đời mình.’

Mừng vì thế hệ này sau hai mươi năm còn có thì giờ đánh tennis, có thì giờ ngắm mây, nhưng mối quan hệ gia đình, tình yêu và cuộc sống hình như vẫn mang dấu vết của Mê lộ một thời?

Đỗ Xuân Tê

(nhân đọc lại Mê Lộ)

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search