T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Như Hoa : Lộc Vàng & Nhạc Tiền Chiến

clip_image002

( Lời Giới Thiệu : Nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh, trong một chuyến về thăm quê hương cuối năm ngóai, ông đã có dịp ra thăm thành phố Hà Nội và ghé lại quán cà phê Lộc Vàng , một nơi mà người yêu nhạc Tiền Chiến thường được nghe nói tới. Dưới đây là câu chuyện nhà thơ Như Hoa kể về người chủ quán và cơ duyên sự ra đời của quán cà phê Lộc Vàng. TV&BH)

Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1945 tại Hà Nội. Ông là con thứ ba trong gia đình có năm anh em, cha làm cai thầu vôi. Tuổi trẻ ông thường tụ tập với nhóm bạn đàn hát các nhạc phẩm trữ tình của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Đặng Thế Phong… Vì đam mê này mà ông phải trả giá đắt suốt một thời tuổi trẻ của mình. Ông đã cùng với các bạn Phan Thắng Toán ( Toán Xồm), Nguyễn Văn Đắc (Đắc Sọ) lập thành nhóm 3 người chuyên hát những bản nhạc tiền chiền mà những năm 60 của thế kỷ 20 khi đất nước còn chiến tranh, lúc ấy dòng nhạc này chưa được nhà nước công nhận ( và cho đến bây giờ họ cũng chưa bao giờ chính thức công nhận dù nhà nhà người người từ Nam chí Bắc không ai là không nghe, không hát . TV&BH chú thích ); họ gán cho nó là loại nhạc vàng, một loại nhạc vàng vọt, ủy mị, đồi trụy ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của bộ đội, của nhân dân.

Ngày 27 tháng 3 năm 1968 nhóm nhạc của ông bị bắt và tạm giam tại Hỏa Lò 3 năm. Đến ngày 6,7,8 tháng 1 năm 1971, Tòa Án Nhân Dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử gồm 7 thành viên về tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách pháp luật nhà nước. Tòa tuyên án "Toán Xồm" 15 năm tù, Nguyễn Văn Đắc 12 năm tù, Lộc Vàng 10 năm tù. Sau khi Hiệp định Ba Lê được ký kết, Lộc Vàng được giảm án xuống còn 8 năm; năm 1976 ông ra tù. Riêng Toán Xồm ra tù tháng 3 năm 1980, và Đắc Sọ ra tù tháng 3 năm 1977. Toán Xồm ra tù mất hết mọi thứ, sống lang thang rày đây mai đó, cuối cùng ông mất năm 1994 trong cảnh cơ hàn, thọ 62 tuổi. Đắc Sọ mất năm 2005, thọ 62 tuổi.

Ra tù Lộc Vàng tiếp tục một cuộc sống nghèo khó đầy gian truân cay đắng cả mặt vật chất lẫn tinh thần. Anh phải làm nghề quét vôi để kiếm sống. Có lúc anh phải đi xa tận Qui Nhơn làm phụ thợ hồ để có tiền cưới vợ. Vợ ông là một nghệ sĩ tuồng. Họ lấy nhau trong cảnh nghèo túng bần hàn. Ông đến ở rể tại nhà mẹ vợ, một căn nhà 9 mét vuông nằm trên nóc của nhà vệ sinh tại phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội). Lần lượt hai đứa con ra đời tại đây, một trai, một gái; lớn lên sau này nối nghiệp đam mê âm nhạc của cha. Đó là kết quả của mối tình thơ mộng và lãng mạn giữa ông và Mai. Họ yêu nhau trước khi ông bị tù đày; và cô Mai đã hết lòng thương yêu, chờ đợi ông suốt 12 năm. Đến năm1987, nhạc tiền chiến (nhạc vàng) bắt đầu nhận được thiện cảm của xã hội. Chương trình đâu tiên có hát nhạc tiền chiến là chương trình của Khắc Huề. Sau thời điểm ấy, ông được nhiều quán cà-phê mời đến hát, và ông lại có dịp để trải lòng mình qua những ca khúc ông yêu mến. Vợ ông lúc nào cũng ở cạnh ông để được nghe chồng hát. Nhờ vậy niềm đam mê ca hát của ông được tăng lên gấp bội. Hơn nữa tiền thù lao cũng giúp ông giải quyết được nhiều chuyện cơm áo cho gia đình. Cuôc sống ổn định chưa được bao lâu thì vợ ông lâm bệnh nặng. Sau khi sanh đứa con thứ hai bà bi băng huyết, sức khỏe kém dần và 3 năm sau bà bị cảm lạnh phải vào bệnh viện, họ chích thuốc kháng sinh quá liều nên bị chuyển qua bệnh gan. Ông phải xoay xở đủ nghề để kiếm tiền nuôi con dại và vợ bệnh hoạn trong 10 năm trời. Hoàn cảnh của ông càng ngàng càng trở nên bi đát. Vợ bị xơ gan cổ trướng, ông phải ở nhà để săn sóc vợ hôm sớm, chẳng biết ra đi lúc nào; không đi hát thi không có tiền để thuốc thang cho vợ. Thế rồi nhân ngày sinh nhật của Ns. Đoàn Chuẩn năm 2002, quán cà-phê lại mời ông đến hát hai bài với tiền thù lao 200.000 đồng. Ông đành cho vợ ông uống một liều thuốc ngủ và dặn dò con khi mẹ tỉnh dậy thì gọi điện thoại cho ông. Ông vừa hát vừa thấp thỏm nghe chuông điện thoại…! Mấy ngày sau thì vợ ông mất.

Vì đam mê âm nhạc và ca hát nhạc vàng mà ông phải lâm vào vòng lao lý. Thế nhưng âm nhạc đã thấm vào xương tủy ông như con bệnh nghiện chất ma túy, ông không thể rời bỏ nó được. Thế là vào năm 1991, ông và một người bạn thuê một căn nhà trên đường Hoàng Hoa Thám để mở quán cà-phê nhạc. Sửa sang quán xong rồi nhưng không xin được giấy phép. Đến năm 1997, ông nhờ một người bạn đứng tên xin giấy phép kinh doanh nhưng cũng không được chấp thuận. Mãi đến năm 2002 ông mới thực hiện được ước mơ của mình. Và quán cà-phê mang tên Lộc Vàng đã mở cửa tại số 17 A đường Ven Hồ Tây -Hà Nội để đón khách yêu mến những ca khúc trữ tình thời tiền chiến.

clip_image004

clip_image006

Ông đặt tên cho quán của ông là "Lộc Vàng" để đánh dấu một khúc quanh oan nghiệt của đời ông. Ông ghép từ "Lộc" là tên ông, và từ "Vàng " là nhạc vàng. Cũng bởi ông đam mê hát nhạc vàng mà phải bị nhà nước bỏ tù 10 năm. Mười năm tù đày lao lực đã cướp đi tuổi thanh xuân của ông. Nhưng oái ăm thay, những bài hát ngày xưa bị cấm thì bây giờ đã được phổ biến trong dân gian và quần chúng hâm mộ. Cay nghiệt hơn nữa là chính bản thân các nhạc sĩ sáng tác những ca khúc tiền chiến lại được nhà nước vinh danh trong lúc những nghệ sĩ thể hiện nhạc của họ -Lộc Vàng, Toán Xồm Đắc Sọ thì bị tù đày và đến bây giờ vẫn chưa được phục hồi danh dự. Dù vậy, ông vẫn cảm thấy hạnh phúc khi đứng trên sân khấu hát những ca khúc ngày xưa ông yêu mến, nó như đã thấm vào da thịt, tim óc ông không cách nào rời bỏ ra được. Ông hát để được sống lại những kỷ niệm ngày xưa và ông gởi gắm hết tâm hồn mình vào nhạc phẩm. Có người nhận xét rằng Lộc Vàng trình bày tình khúc "Gửi Người Em Gái" của Đoàn Chuẩn-Từ Linh vượt trội hẳn nhiều danh ca thể hiện bài hát này bởi lối trình diễn tình cảm sâu lắng như trút hết tâm can mình.

Đối với gia đình và bạn bè, anh Lộc không bao giờ quên người vợ chung thủy đã chờ đợi anh suốt 10 năm trong tù. Vợ anh thích anh hát cho nghe bản "Niệm Khúc Cuối" của Ngô Thụy Miên. Bây giờ anh không thể hát ca khúc này nữa vì mỗi khi nhớ đến vợ mình thì anh lại khóc…! Người bạn mà ông thương nhớ nhất là Toán Xồm khi ra tù mất hết mọi thứ, lê cuộc sống vô định rày đây mai đó bên lề xã hội và đã ra đi trong cảnh cơ hàn! Hai đứa con của ông là Nguyễn Quốc Linh và Nguyễn Mai Linh đều theo đuổi con đường âm nhạc của bố, họ thường đến quán Lộc Vàng để cùng ông trình diễn những ca khúc ưa thích cho khán thính giả nhiều thế hệ – cao niên, trung niên, và thanh niên; thỉnh thoảng có cả khách ngoại quốc đến dự.

Chúng tôi xin trích một đoạn trên diễn đàn âm nhạc viết về quán Lộc Vàng như sau: "Dù trải qua bao thăng trầm nhưng những nhạc phẩm tiền chiến luôn sống mãi trong lòng những người yêu nhạc. Giờ đây, qua bao nhiêu năm tháng, những ca khúc tiền chiến vẫn hàng ngày vang lên ở đâu đó, làm đẹp cho cuộc đời. Và những người yêu dòng nhạc này vẫn gặp gỡ, giao lưu với nhau qua những đêm ca nhạc. Qua đó, họ làm sống dậy những bài hát cũ, khơi lên cảm xúc và tình yêu cho những người khác. Cũng như vậy, điều dĩ nhiên, họ trở thành những người gìn giữ một dòng nhạc có nguy cơ bị quên lãng".

Đam mê ca nhạc thi nhiều người, nhưng chưa thấy ai bị tù đày vì ca hát như Lộc Vàng. Ông và hai người bạn đã trả một giá quá đắt: Lộc Vàng 10 năm, Đắc Sọ 12 năm, Toán xồm 15 năm trong tù. Hai người bạn đã mất, còn lại một mình Lộc Vàng năm nay cũng xấp xĩ thất tuần; ở độ tuổi hoàng hôn đáng lẽ ông nên an nhàn vui thú điền viên bên con cháu. Nhưng không. Ông đã bán cả nhà cửa để mở quán cà-phê âm nhạc không phải để kinh doanh kiếm lời mà chỉ để thỏa mản kiếp cầm ca của mình, để được tiếp tục hát những tình khúc mà ông yêu thích, để nhớ lại một khúc quanh oan trái và cay nghiệt của đời mình. Mà thật vậy, những nhạc sĩ sáng tác các ca khúc tiền chiến thì được vinh danh, còn ông, người thể hiện những ca khúc đó thì bị kết tội phản động và đi tù. Biết bao giờ người ta sẽ phục hồi danh dự cho ông. Có người đã cắc cớ hỏi ông: "Vì đam mê âm nhạc mà ông đã thua thiệt quá nhiều, vậy ông có thấy mình dại không? Lộc Vàng đã trả lời: " Nếu nói dại, khôn thì đi hết cuộc đời con người ta mới biết mình dại hay khôn".

Như Hoa Lê Quang Sinh

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search