T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả Tác Phẩm – Dương Tường

clip_image002

(Chân dung tự họa)

Tiểu sử :
Tên thật: Trần Dương Tường, sinh ngày 4.8.1932, tại Nam Định.

Tác phẩm :

Ông đã dịch trên 50 tác phẩm của Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Hy Lạp, Brazil, Nhật Bản, Na Uy… Có thể kể: Anna Karenina (L.Tolstoy), Cuốn theo chiều gió (M.Mitchell), Người dưng (A.Camus), Con đĩ biết lễ nghĩa (J.P.Sartre), Con đường xứ Flandrres (Cl.Simon), Đồi gió hú (E.Bronte), Alexis Zorba (N.Kazantzaki), Bức thư của người đàn bà không quen (S.Zweig), Cái trống thiếc (G.Grass), nhiều vở kịch của Shakespeare… Về sáng tác, ông đã in: 36 bài tình (thơ – in chung với Lê Đạt), Đàn (thơ ngoài lời), Mea culpa và những bài khác (thơ), Chỉ tại con chích chòe (tạp luận), Thuyền trưởng (truyện ký, dưới bút danh Nguyễn Trinh)… ( Theo Vũ Thanh Nhàn ),

 

Viết về Dương Tường:

Dương Tường kẻ chữ

Đặng Tiến

Nhà thơ Dương Tường vừa được Cộng hòa Pháp tưởng thưởng huân chương Nghệ Thuật và Văn Học, Officier des Arts et Lettres, có lẽ trong tư cách dịch giả, vì anh đã chuyển ngữ rất nhiều tác phẩm Phương Tây sang tiếng Việt, bắc nhịp cầu giao kết hai bờ văn hóa Việt Nam và Âu Tây – trong đó có nước Pháp là thân thiết nhất. Dương Tường có nhiều dịp viếng thăm Pháp, thích dạo chơi Paris, và thường nhầm đường vì tưởng mình đang đi giữa Hà Nội ; ở Hà Nội thì khi cao hứng lại thích hát bài Tây.

Gọi anh là dịch giả là đúng, vì sinh hoạt chính của anh, thậm chí là nghề. Gọi là thi sĩ càng đúng, vì anh sống ở đời trong tâm thế thi nhân. Tôi gọi anh là ngữ nhân, hay kẻ chữ, người sống với ngôn ngữ, thao tác trên ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm lương thực trần gian. « Ngữ nhân » rộng nghĩa, và trầm trọng hơn từ « phu chữ » mà bạn anh, Lê Đạt đã dùng.

Phu, dù là đại phu, trượng phu hay phu phen vẫn còn giới hạn nghiệp vụ hay giai cấp.

Nhân là người. Ngữ nhân là người sống bằng ngôn ngữ, xem ngôn ngữ là lẽ sống. Ngôn là lời nói cá nhân, là parole, ngữ là tiếng nói cộng đồng, là langue, của nhiều dân tộc.

Người dịch thuật sống lắc lư giữa lờitiếng : cuộc đời Dương Tường là con tàu say lắc lư triền miên trên đại dương ngôn ngữ không bờ không bến.

***

Họ tên họ đầy đủ là : Trần Dương Tường. Ai gửi thư, nên ghi tên họ đầy đủ thư mới đến ; thận trọng hơn, đề tên chị ấy, Nguyễn thị Trinh, thư đến nhanh hơn.

Trần Dương Tường, sinh ngày 4 tháng 8, 1932, tại Nam Định. Dòng dõi gia thế, ông nội đỗ cử nhân, làm đốc học. Thân sinh phá nghiệp, đi kinh doanh, làm thầu khoán. Gia tư khá giả, gia đình anh ngày nay thừa hưởng ngôi nhà 3 b, ngõ Phan huy Chú, Hà Nội, một thời làm nơi tụ họp của bạn bè lãng tử. Về sau biến thành phòng triển lãm tranh, Gallery Mai, đứng tên con gái, nơi tụ họp nghệ sĩ nhiều lớp tuổi khác nhau, không nhất thiết bè phái. Nhưng hợp tính thì vẫn vui hơn.

Dương Tường học tiểu học tại Nam Định. Lên Hà Nội vào trung học vài năm thì gặp Cách mạng tháng 8. Anh bỏ trường, đi làm liên lạc cho Việt Minh, khu Vĩnh Yên. Gia đình gọi về, đi học lại vài tháng tại trường Phan chu Trinh, rồi lại đi kháng chiến, làm tuyên truyền. Gia nhập bộ đội 1949. Không biết chiến sĩ Dương Tường đánh chác ra sao, nhưng trong ba lô thường có hai từ điển tiếng Pháp và tiếng Anh : anh tự học ngoại ngữ từ đó và bằng cách ấy.

Năm 1950, tại mặt trận Hối Đào, Nam Định, Dương Tường thuộc trung đoàn 66, đọc « A l’Ouest, rien de nouveau » của E.M. Remarque, và khám phá ra rằng… phương Tây cũng có điều mới lạ. Xong chiến tranh, anh về công tác tại Thông tấn Xã Việt Nam đến 1964. Tham gia Ủy ban điều tra tội ác đế quốc Mỹ tại Vịnh Bắc Bộ, rồi chuyển sang dịch thuật. Đời sống khó khăn và dao động, nhất là vào thời điểm vụ án xét lại chống Đảng. Anh là người kêu gọi tập hợp mua vòng hoa viếng Dương Bạch Mai bị đột tử và bị kết án câu kết với Liên Xô. Dương Tường mang vòng hoa đến ngay tang lễ. Chi tiết thôi, nhưng Hà Nội thời ấy là sự cố, và nói lên dũng khí và tình nghĩa.

Bắt đầu dịch từ 1960 : Cây Tường vi, tập truyện Liên Xô.

1960 : dịch Tchekov, cùng với Cao Nhị, Nhị Ca, Lê Phát. La Mouette, Hải Âu (cháu trai Hải Âu do tên vở kịch) ; L’oncle Vania, Ông Cậu (nhắc lại : Nguyễn Tuân viết bài về Tchekov nên thành có « vấn đề »).

1963 : Anna Karénine của Tolstoi cùng với Nhị Ca, và được phép ký tên dịch giả.

Sau đó không được phép ký tên cho đến 1972.

Tiếp theo là Đất Dữ, Terres Violentes, của Jeorges Amado, truyện Ehrenbourg, Simonov, từ tiếng Pháp. Thư người đàn bà không quen của Stefan Zweig, một số kịch Shakespeare, truyện Đồi gió hú của E. Bronte, Cội Rễ của Alex Haley, 1980 ; Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, 1989.

Có lúc anh quan tâm đến Patrick Modiano Đại lộ ngoại vi, Les Boulevards de Ceinture, (giải Hàn Lâm Viện Pháp) ; Phố những cửa hiệu u tối, Rue des Boutiques Obscures (giải Goncourt), rồi đến Claude Simon (Nobel 1985) vừa khó vừa dài : Con đường xứ Flandres, La route des Flandres ; Günter Gras (Nobel 1999) : Cái trống thiếc, Le Tambour. Cuốn l’Etranger của Albert Camus, anh dịch Người Dưng đã gây tranh cãi. Mặt trời nhà Scorta, Le soleil des Scorta, của Laurent Gandé, 2005.

Nhiều người nhận xét : Dương Tường ham vui, thậm chí ham chơi. Thì giờ đâu mà dịch nhiều thế ? Và tuổi cao, thân xác gầy còm thì sức khỏe đâu ra mà vừa dịch, vừa viết phê bình, lý luận, đặc biệt về Mỹ Thuật, tập hợp thành sách dày cộm, Chỉ tại con Chích Chòe, 2003. Và nhiều tập thơ : 36 Bài tình (chung với Lê Đạt), 1989 ; Đàn, 2003, một thể nghiệm thơ bằng hội họa ; Thơ Dương Tường (2005) gồm nhiều bài tân kỳ, có bài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, đáp ứng lại với tư trào thi ca mới trên thế giới. Và quan niệm mới về thơ, khác với ngôn ngữ đời thường. Thơ không còn là công cụ biểu đạt khái niệm : thơ là câu chữ tự lấy mình làm đối tượng, chủ yếu về ngữ âm.

Trên tạp chí Sông Hương tháng 6.1990, Dương Tường trả lời phỏng vấn : « vật liệu chính của thơ tôi không phải con chữ mà là con âm. Có lẽ điều phân biệt giữa các bạn thơ khác và tôi là ở chỗ họ làm việc ngôn ngữ trên chiều ‘biểu nghĩa’ (signifié), còn tôi làm việc ngôn ngữ trên chiều ‘năng nghĩa’ (signifiant). Những gì ở thơ họ là ‘đã’ thì ở tôi là ‘đang’. Nói cách khác, ở thơ các bạn đó là mặt chữ nhìn ‘thẳng’ còn ở tôi là mặt chữ nhìn ‘nghiêng’. Tôi nghĩ sức gợi của thơ mình nằm ở mặt chênh đó, nó nảy lên một cái gì giống như âm bồi (son harmonique) trong âm nhạc vậy. Tôi muốn đi theo một thi pháp âm bồi, nếu có thể gọi thế. Và nếu như những câu thơ tôi có một nghĩa nào đó thì là do các âm chữ hắt ánh lên thành một thứ cầu vồng trên mặt chữ mà thôi ».

Dương Tường sành âm nhạc, thích nhạc cổ điển Tây Phương.

***

Nhà thơ Hoàng Hưng, trong lời bạt cho tập Thơ Dương Tường, để làm sáng tỏ đề tài, phân biệt hai quan niệm, hai dòng thơ : « dòng nghĩa » làm việc trên chiều biểu nghĩa, signifié, (thường gọi là « cái được biểu hiện ») và « dòng chữ » làm việc trên chiều năng nghĩa, signifiant (giới ngữ học gọi là « cái biểu hiện »).

Nói khác đi, Dương Tường ngoài công tác dịch thuật, đã góp sức vào việc cách tân thơ Việt Nam, vừa bằng sáng tác, vừa bằng lập thuyết, vừa bằng cách ủng hộ những nhà thơ trẻ và tư trào thơ mới đương đại.

Ngoài ra, trong hội họa, bằng những bài phê bình, giới thiệu và nhờ phòng triển lãm của gia đình, anh cũng đóng góp vào sự nghiệp gầy dựng cho đất nước một quan niệm nghệ thuật hội họa mới. Và bản thân anh cũng vẽ tranh.

Nhìn chung vào cuộc đời và sự nghiệp Dương Tường, tôi gọi anh là « ngữ nhân » hay « kẻ chữ » là vì vậy.

Dương Tường Kẻ Chữ : với nhau, nôm na thế thôi. Vậy thôi

Dương Tường gánh gần trọn gia tài thế kỷ 20, loạng choạng bước vào thế kỷ 21 với nhiều món hàng cách tân lỉnh kỉnh. Lịch sử điêu linh, con người phiêu linh gần trọn kiếp, có lúc anh phải bán máu (chuyện thật) để nuôi tiếp cuộc sống và niềm tin văn nghệ : cái huân chương « văn nghệ », Arts et Lettres, của nước ngoài hôm nay không thêm vinh dự nào, cũng không đánh giá được Dương Tường trong quá trình gian nan, oan khuất và thành đạt mà anh đã trải qua. Nó chỉ là một vạt nắng bất ngờ, sau những ngày giông bão, hắt vào hình trạng một hành nhân, nhắc cho bè bạn và độc giả quãng đường gập gềnh anh ấy đã đi qua.

Để rồi Dương Tường đi tiếp, còn đi tiếp, sẽ đi nữa, và đi mãi :

Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi.

Tản Đà, đâu đó, đã rù quến chúng ta như thế.

Orléans, 14.01.2009

Dương Tường: viết không khác người ta thì đừng viết

Nguyễn Đức Tùng

Ngày 6 tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội, chúng tôi đến thăm nhà thơ Dương Tường tại nhà riêng. Dương Tường ngồi sau một chiếc bàn nhỏ và thấp chất đầy sách vở và ly tách giữa một căn phòng rộng dùng làm phòng triển lãm tranh. Tranh treo kín các tường.

Chúng tôi gồm có Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Tùng, và nhiều bạn bè văn nghệ khác, người từ Sài Gòn ra, người ở ngay Hà Nội. Trưa hôm đó Dương Tường dẫn chúng tôi đi thăm phố và ăn trưa. Chiều hôm sau, 7 tháng 4, một mình tôi quay lại địa chỉ trên theo lời hẹn. Buổi chiều Hà Nội nhiều nắng, nhưng mát, dịu dàng. Chiếc ngõ dẫn vào nhà ông sâu, quanh co, vắng người, như ở chốn quê. Anh chị Dương Tường đón tôi ở cửa, tươi cười, thân ái.

Ngồi gần bên nhà thơ, hai người trong căn phòng rộng và im vắng, tôi có cảm giác chất nghệ sĩ trong người Dương Tường toả ra thành một với những bức tranh trên tường. Buổi chiều có vẻ siêu thực.
***

Nguyễn Đức Tùng (N.Đ.T): Xin đọc một bài thơ của anh. “Tình khúc 24”.
24 phím cầm chiều / 24 nhành sương mím / 24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư
Gửi lại em / cầu thang 24 bậc / tờ thư 24 gác mưa / làn menuetto 24 âm xưa
Gửi lại em / Mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm / Ga khuya 24 lần đưa đón / Bài huê tình 24 lối sân sau

24 có phải là tuổi trẻ không? Rất vui và cảm động được ngồi với anh như thế này. Thưa anh, những người yêu thơ Dương Tường vẫn còn theo dõi các hoạt động của anh.
Dương Tường (D.T): Mình mới gặp các bạn lần đầu mà đã thấy thân thiết như bạn bè lâu ngày. Hôm qua, Trinh, vợ tôi, cũng nói rằng, không hiểu do một giao cảm đặc biệt nào, gặp các anh thấy rất mến.
N.Đ.T: Ngoài tuổi trẻ, thơ Dương Tường cũng như đi ra từ chính tuổi thơ của tác giả, nghĩa là vượt qua những quy ước thông thường của ngôn ngữ người lớn.
D.T: Nhà thơ Áo Rainer Maria Rilke có nói cái ý là sung sướng thay cho những người có một tuổi thơ như là kho báu để nhìn lại mỗi ngày. Tôi nghe anh Nguyễn Đức Tùng mở lời hôm nay thì tôi biết ngay là người đang nói chuyện với tôi là một người hết sức giàu có tuổi thơ.
N.Đ.T: Craig Powell, một nhà thơ–phê bình (poet-critic) và là bác sĩ tâm lý người Úc, đã từng sống và làm việc tại Canada, cho rằng ngôn ngữ thơ là các quá trình tâm lý sơ cấp (primary process), trong khi ngôn ngữ văn xuôi là các quá trình tâm lý thứ cấp (secondary process) [1] . Đọc thơ anh có lẽ nên nhìn từ góc độ đó chăng? Tôi e rằng những người biết đến tên Dương Tường thì nhiều, nhưng những người hiểu Dương Tường có lẽ là ít, ngay cả trong giới phê bình văn học. Có đúng thế không thưa anh?
D.T: Tôi e rằng đúng như thế. Hiểu được thơ của mình cần phải có cái nhìn rất mới, nếu không thì không đồng cảm được.
N.Đ.T: Anh bắt đầu làm thơ từ bao giờ?
D.T: Tôi bắt đầu làm thơ từ những năm 1950, thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng chỉ làm thơ cho mình và cho bạn bè, nghĩa là không xuất bản. Cho đến những năm 1988 hay 1989, với tập thơ đầu tay in chung với Lê Đạt, đó là tập Ba mươi sáu bài tình. Như thế là từ khi bắt đầu làm thơ đến khi bắt đầu xuất bản là hơn ba chục năm.
Từ lúc bắt đầu làm thơ là tôi đã có một tâm niệm là tôi viết phải khác những người khác. Nếu viết không khác người ta thì đừng viết ra. Vì mỗi người có một tính cách khác nhau nên thơ nếu là của anh thì nó phải phát lộ cái personality (nhân cách) của anh.
N.Đ.T: Nhân cách của nhà thơ biểu hiện qua phong cách, giọng điệu. Phong trào Thơ Mới và văn học trước 1945 như Tự lực Văn đoàn, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, cùng thời với anh, đã ảnh hưởng đến phong cách của anh ra sao?
D.T: Tôi sinh năm 1932. Như thế là tôi sống qua thời kì Thơ Mới, tất nhiên là thế hệ của tôi, bạn bè tôi đều thấm đẫm tinh thần của thời kì vàng son rực rỡ đó. Nhưng ảnh hưởng của họ đối với tôi thì không đơn giản. Ví dụ như vào thời đó nhiều người thích thơ Xuân Diệu nhưng tôi lại không. Thời đó tôi thường nói đùa với bạn bè rằng ông Lamartine ngủ với ông Verlaine thì đẻ ra Xuân Diệu.
N.Đ.T: Ý anh nói là Xuân Diệu không có gì mới cả.
D.T: Đúng thế. Ông ấy chính là hậu duệ của chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà Lamartine và Verlaine là tiêu biểu, chứ đối với tôi vào thời đó thì không có gì mới cả.
N.Đ.T: Vào thời đó mà nghĩ như thế quả là táo bạo. Nhưng Xuân Diệu lại là một tài năng lớn.
D.T: Đúng thế. Có những người là thiên tài nhưng tôi vẫn không thích. Victor Hugo lớn lắm chứ, rõ ràng là thiên tài, nhưng tôi không thích.
N.Đ.T: Những nhà thơ Việt Nam nào ảnh hưởng tới anh nhiều nhất?
D.T: Đinh Hùng và Huy Cận.
N.Đ.T: Mặc dù làm thơ từ rất sớm, nhưng lúc nào thì thơ Dương Tường là Dương Tường như hiện nay?
D.T: Thơ viết từ khoảng 1950 đến 1960 tôi đều bỏ hết, vì sau này đọc lại tôi thấy chúng không phải là tôi, mà thật ra là bắt chước. Từ những năm 1960 thì thơ Dương Tường mới là của tôi. Trên đây tôi có nói về Đinh Hùng và Huy Cận. Tôi cho là cái chất lãng mạn, triết lý và sầu muộn của hai ông đã ảnh hưởng đến tôi nhiều.
N.Đ.T: Nhưng kĩ thuật làm thơ của anh hoàn toàn khác với kiểu cổ điển của Huy Cận và Đinh Hùng. Hầu hết các bài thơ của anh là thơ tự do.
D.T: Hồi đầu tôi cũng làm thơ có vần. Về sau thì biết rằng muốn thoát ra về nghệ thuật thì phải làm mới các thể thơ. Nhưng tôi vẫn chú trọng đến âm nhạc trong thơ. Các nhà thơ trẻ hiện nay ít chú ý đến điều này.
N.Đ.T: Trở lại hoàn cảnh sáng tác những năm 1960 của anh tình trạng thơ không có độc giả, sáng tác không có tiếng dội lại, không có phản hồi đã ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sáng tạo của anh?
D.T: Tôi đã tâm niệm từ đầu rằng con đường thơ của tôi sẽ không thay đổi. Tôi đã chọn con đường ấy, đã chịu nhiều hệ luỵ, nhưng sẽ đi đến cùng. Vì vậy tình trạng không in được thơ, không có độc giả, không ảnh hưởng nhiều đến con đường của tôi. Tất nhiên là tôi cũng có những độc giả riêng của mình, đó là những bạn bè thân quen. Nhất là những bạn trẻ yêu mến thơ tôi, có khi họ ghi chép lại, nhờ thế mà nhiều bài thơ tôi bị mất vẫn tìm lại được, nhờ sự ghi chép của các bạn trẻ.
Tuy vậy, trong sáng tác văn học, cái feedback của độc giả và nhà phê bình là rất quan trọng. Nếu tôi có những feedback như thế, kịp thời, chắc là thơ tôi đã có nhiều thay đổi. Vì chỉ có một nhóm bạn bè thân, và vì khá cô độc, cái mạch nguồn của thơ tôi không phát triển thành các nhánh rẽ khác mà lẽ ra nó phải có. Đó là một hạn chế đáng tiếc. Rất đáng tiếc.
N.Đ.T: Tôi đã đọc tuyển tập Thơ Dương Tường [2] của anh, trong đó có những bài tôi thích như bài “Tình khúc 24”, bài “Bella”, hay phần thơ “Tôi đứng về phe nước mắt”. Ngôn ngữ của anh giản dị, nhưng thật ra không dễ hiểu. Giản dị và dễ hiểu là hai khái niệm khác nhau. Tiếc rằng hiện nay nhiều người không phân biệt được điều này. Có những câu hay đột ngột, nhưng cũng có những câu chưa thuyết phục lắm. Xin phép được trích dẫn trước mặt anh.
Mặt trời Colorado/ dậy sớm/ Đánh cắp của ta quà tuyết đêm qua
Là bài hay và dễ hiểu.
Bao giờ/ về/ thượng nguồn thơ/ nghe/ u ơ
Cũng hay và dễ hiểu.
Đến như:
Bao giờ về/ U tịch/ Bên kia?/ Thì phạm vào lỗi lặp lại (non-originality).
Hồ môi thơ lã chã âm xưa/ bản nháp chiều tơ liễu/ đưa mưa
Thì hay nhưng hơi khó hiểu. Rõ ràng là thi pháp tượng trưng, hơi bị lộ.
Khoảnh khăk/ Phố nằm tênh hênh/ Con jó thôk/ bỗng chốk/ vú nũm cau/ phau phau
Thú vị và bất ngờ. Nhưng dễ rơi vào tình trạng tự bắt chước mình. Một khuyết điểm mà Trần Dần cũng không tránh được. Còn những câu như:
Người đàn bà hít mùi mồ hôi ba năm chờ/ cười vô lối/ Cửa sổ sóng sánh tiếng huýt sáo của một người/ Đi chơi đêm
Rất đặc sắc. Mang dấu ấn riêng của Dương Tường. Chúng đã làm tôi liên tưởng đến E. E. Cummings (1894-1962), một nhà thơ dùng hết cuộc đời mình để nắm bắt những giây phút sống động đầy cảm giác thực tại, bằng cách lược bỏ các suy tư vốn dễ phát sinh về thực tại đó.
When by now and tree by leaf/ She laughed his joy she cried his grief/ Bird by snow and stir by still/ Anyone’s any was all to her
Viết như thế thì tuyệt quá.
D.T: Cám ơn anh Nguyễn Đức Tùng đã đọc thơ tôi. Nếu có thì giờ tôi rất muốn nghe những phê bình góp ý khen chê của một nhà thơ và nhà phê bình thuộc thế hệ trẻ và ở nước ngoài như anh. Tôi rất cần sự thưởng thức và đánh giá của người đọc.
N.Đ.T: Hôm nay ngồi trước tập thơ mới nhất, tập thơ Đàn của anh. Đó là một thứ thơ ngoài lời. Tôi xin nói rằng có thể gọi anh là nhà thơ đứng ở biên giới của ngôn ngữ. Điều đó không phải bao giờ cũng có lợi cho anh. Không phải ai cũng đọc được, hoặc họ đọc được mà không tán thành. Nếu anh có những feedback kịp thời, có lẽ anh sẽ còn phát triển hơn nữa về hướng này.
D.T: Những feedback ấy đã không có vào đúng lúc mà nó ra đời. Khi người ta viết lại quá khứ và công nhận tác phẩm của mình, thì cái mạch nguồn thơ của mình vào lúc ấy đã không còn nữa. Tôi nghĩ ở Việt Nam đã có nhiều người cũng rơi vào tình trạng như tôi.
N.Đ.T: Tập thơ Đàn cần một thứ độc giả riêng của nó. Nó gồm ba mươi trang gồm các hình vẽ với các ghi chú rải rác. Tôi thích bức số một, số hai, số ba, số năm, theo thứ tự trong tập này. Chúng gây cảm giác mênh mông khó tả. Nhưng những bức khác như hình số bốn có dáng như một ly rượu, một nhánh cây leo, và con bướm đậu trên chân ly, tôi không thích vì nặng tính quy ước. Thưa anh, như vậy thơ đã hoá thành hội họa hay một thứ nghệ thuật sắp đặt trên giấy rồi chăng?
D.T: Không phải. Thơ không phải là hội họa dù rất gần với hội họa. Các tác phẩm của tôi cũng không phải là tranh, mặc dù nhìn như những bức tranh. Đó là một thứ thơ không dùng đến ngôn ngữ thông thường và sử dụng các biểu đạt siêu ngôn ngữ (meta-language).
N.Đ.T: Theo nhận xét riêng, tôi cho rằng Dương Tường là một trong những nhà thơ trí thức của Việt Nam hiện nay còn sống. Một thứ scholar. Một tinh thần như thế, một phong cách trí thức như thế làm lợi hay làm hại cho thơ? Và như thế nào?
D.T: Tôi bắt đầu thực hiện tập thơ Đàn khi cảm thấy cần mở rộng biên giới của ngôn ngữ, nếu tôi được phép dùng theo cách nói của anh Nguyễn Đức Tùng ngày hôm qua. Anh Châu Diên, người viết lời giới thiệu cho tập thơ Đàn cũng nói rằng: “Thơ không lời, theo cách gọi của Trần Dần, thực ra không phải là một cái gì dị thường lắm. Ở đầu nguồn, có lẽ là những calligrammes của nhà thơ cách tân hàng đầu của Pháp Guillaume Apollinaire, những bài thơ được trình bày bằng cách viết biểu hình, mà tôi tạm dịch bằng một từ Hán Việt tân tạo: thư đồ thi. Cũng như cái mắc áo, cái bồn tiểu lật sấp của Marcel Duchamp là tiền đề cho hình thức installation (sắp đặt) sau này, thư đồ thi của Apollinaire, theo tôi nghĩ, là tiền đề cho thơ ngoài lời hay thơ không lời mà Dương Tường và Trần Dần thể nghiệm vào giữa những năm 1970”.
N.Đ.T:
Ai bẻ ghi tôi/ Tu-huýt còi/ Hoang ga em?
Đúng là có thể xem Dương Tường, trong một số bài, là một E. E. Cummings của Việt Nam. Do những điều kiện lịch sử khắc nghiệt, trải qua những hoàn cảnh như Nhân văn giai phẩm chẳng hạn, một Cummings như thế đã không có điều kiện để tạo dựng hình ảnh (image) của mình lớn hơn, vươn được lên đẳng cấp thế giới, cả về nghệ thuật lẫn ảnh hưởng.
Các nhà phê bình văn học Việt Nam hiện nay hình như không ai đọc Dương Tường như một nhà phê bình, và giúp cho người đọc trung bình có khả năng tiếp cận nó ở mức độ phổ thông. Theo anh có phải vì các nhà phê bình Việt Nam không thiết tha hay bởi vì họ vướng phải những chuyện nào khác?
D.T: Các nhà phê bình không quen với cách viết của tôi nên họ ngại. Chúng ta thường chậm hơn trong những cách tân văn học và nghệ thuật.
Có một điều thú vị là tập thơ Đàn của tôi có một bức được dùng làm bìa cho cuốn sách quan trọng của Victor Shklovsky, cuốn A Sentimental Journey – Memoirs, 1917-1922 do Nhà xuất bản Dalkey Archive Press, Illimois (Mỹ), ấn hành năm 2004 (Xem ảnh). Quả là một bất ngờ khi tôi nhận được thư của Nxb này xin phép được dùng một trang trong tập Đàn làm bìa cho cuốn sách đó.

clip_image003

N.Đ.T: Kể về số phận, Dương Tường là người đi xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước, và là người tham gia, mặc dù không phải là nhân vật chính, vào các sự kiện sôi động ở miền Bắc. Thế thì toàn bộ tư tưởng của anh, suy nghĩ và hành động của anh trong đời sống, như một công dân, đã ảnh hưởng đến thơ của anh như thế nào. Dòng thơ ngôn ngữ của anh, và sau này dòng thơ ngoài lời, đã được cắm rễ trên mảnh đất ấy như thế nào? Thơ có phản ảnh đời sống của anh không? Anh có chủ định mang những vấn đề của đời sống vào thơ không hay anh cố tình gạt chúng ta khỏi toà lâu đài của thơ ca?
D.T: Nếu đọc kĩ, sẽ thấy trong thơ tôi nhiều dấu ấn của dòng đời. (Đọc thơ)
Ở đây tất cả đều tủn mủn/ Chỉ riêng khổ đau là hoành tráng/ Thôi chào Tovarish [3] Thế kỉ/ Giờ lũ hồng rồi/ Tôi chẳng còn thì giờ dặn dò cái chậu giặt/ Kìa con chim xứ rét đã về
Ngậm một nhành IM hoá thạch/ Tôi đi/ Hành tinh hoang
N.Đ.T: Có ba nhà thơ cùng thời mà ngôn ngữ thơ của họ có những nét giống nhau, tôi xin xếp loại là dòng thơ ngôn ngữ ở Việt Nam, đó là Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, trong đó Dương Tường có những nét riêng. Anh so sánh như thế nào giữa thơ anh và thơ của Trần Dần, Lê Đạt xét về mặt nghệ thuật?
D.T: Về thơ tôi gần với Trần Dần hơn cả, và có chịu ảnh hưởng của anh ấy. Lê Đạt và tôi cũng có những điểm tương đồng. Lê Đạt tự gọi mình là phu chữ, còn tôi đã từng viết rằng mình một đời ăn nằm với chữ. Tiếng Việt, ăn nằm có nghĩa là vợ chồng. Nhưng đối với Trần Dần, thì tôi coi anh ấy vừa là bạn vừa là thầy của tôi. Những người thầy của tôi trên thế giới có Apollinaire, E. E. Cummings, còn ở trong nước thì tôi chịu ảnh hưởng của Huy Cận, Đinh Hùng, nhưng tôi có hai người thầy trực tiếp là Trần Dần và Tất Vinh. Tất Vinh là anh ruột của vợ tôi. Tất Vinh không phải là một người cách tân lắm, nhưng từ buổi đầu anh ấy là người đã truyền cho tôi cái đam mê về thơ.
N.Đ.T: Từ sau kháng chiến chống Pháp, xét về mặt lịch sử và về mặt nghệ thuật, thơ Việt Nam có nhiều nhánh rẽ, ít nhất là năm hay sáu nhánh: thơ miền Bắc chính thống, thơ miền Bắc phi chính thống, thơ miền Nam, thơ hải ngoại, thơ trẻ cách tân. Từ 1954 đến 1975, về mặt nghiên cứu và phê bình văn học, miền Bắc đã thiết lập xong những thành tố căn bản, như việc đào tạo những tài năng về lý luận, nghiên cứu, phê bình, và các viện nghiên cứu. Trong khi đó về mặt sáng tác, miền Nam đã có được một nền văn học phát triển, trong đó thơ ca mang lại nhiều thành tựu, với các tên tuổi còn lại từ thời tiền chiến như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, đi qua các giai đoạn kế tiếp với Nguyên Sa, Bùi Giáng, Quách Thoại, rồi sau đó là Tô Thuỳ Yên, Du Tử Lê, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đức Sơn, và một truyền thống dư dật về tiềm năng, sau này còn kịp gieo những hạt giống sáng tạo bay bổng của nó ở khắp nơi v.v… Anh nghĩ sao về dòng thơ miền Nam trước đây?
D.T: Do điều kiện lịch sử anh em chúng tôi ở miền Bắc rất ít được đọc miền Nam, ví dụ như anh Du Tử Lê mà tôi mới gặp hôm qua cùng với anh, tôi mới chỉ được đọc một hai bài, cho đến hôm nay mới có trên tay cuốn sách của anh Nguyễn Đức Tùng vừa tặng mà chưa kịp đọc (Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn [4] ). Đối với những người mà tôi đã được đọc tương đối đầy đủ, thì ở miền Nam ngoài Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng là những nhà thơ mà tôi hết sức yêu mến từ thời trước, những người khác như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, và một mảng nào đó của Nguyên Sa, là tôi đặc biệt kính trọng.
N.Đ.T: Các nhà thơ trẻ thường dành cho anh sự yêu mến. Nhận định của anh về sáng tác của các nhà thơ trẻ trong nước hiện nay như Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lý Đợi, Nguyễn Thuý Hằng v.v… ra sao?
D.T: Tôi là người rất kì vọng ở lớp trẻ, rất hoà đồng với họ. Tính tôi thì rất ham…
N.Đ.T: Ham vui?
D.T: (Cười) Ham vui thì đúng rồi. Nhưng ý tôi muốn nói là ham hoà đồng vào lớp trẻ. Tôi cho rằng nếu gọi những đóng góp của họ là những đóng góp lớn thì không đúng hoặc nên dè dặt, nhưng đó là những thứ quặng. Quặng thì không phải là vàng, nhưng nếu biết gạn đục khơi trong thì sẽ có thể tìm ra vàng trong đó. Họ cần sự tinh luyện.
N.Đ.T: Sự tinh luyện đó là gì? Lớp trẻ cần làm gì và học gì để có sự tinh luyện đó?
D.T: Sự tinh luyện nằm ở chỗ không được thỏa mãn với chính mình. Thường xuyên học hỏi thêm nữa. Rất nhiều. Khi họ được lăng xê, thì đó chỉ là bước đầu mà thôi. Đọc nhiều, học nhiều, tư duy thơ nhiều hơn nữa.
N.Đ.T: Ở gần chỗ ngồi của chúng ta hôm nay có chân dung rất đẹp của Dương Tường treo trên vách, do Vi Thuỳ Linh dựng trong ngày hội thơ tháng giêng ở Hà Nội. Vi Thuỳ Linh tạo ra nhiều dư luận khen chê khác nhau. Có những dư luận thuần tuý văn chương, và những dư luận phi văn chương. Anh nghĩ sao về thơ của cô? Nói cụ thể hơn, với tư cách một người làm thơ lớp trước và là người đã từng viết phê bình và điểm sách, anh nhận định những mặt mạnh và những mặt yếu của thơ Linh ra sao? Tôi cũng có đọc bài phê bình của Nguyễn Thanh Sơn về Vi Thuỳ Linh.
D.T: Tôi là một trong những người cổ vũ Vi Thuỳ Linh và giới thiệu cô với độc giả. Tôi cũng là người đã dịch thơ Linh ra tiếng Pháp đăng trên Europe, một tạp chí lớn ở Pháp. Tôi cho rằng thơ Linh có được cái cảm xúc nguyên chất và tạo ra một mạch chảy của riêng mình. Sau tập thơ Đồng tử, tôi có nói với Vi Thuỳ Linh rằng nếu cô cứ tiếp tục làm như thế thì cô sẽ hết vốn, hết tinh hoa. Vốn đây là vốn chữ. Vì mỗi nhà thơ có một lượng chữ tinh cốt nhất định.
N.Đ.T: Anh muốn nói là từ vựng?
D.T: Đúng thế. Từ vựng. Mỗi người chỉ có một từ vựng giới hạn mà thôi. Tất nhiên, tôi nói từ vựng đây là từ vựng đặc thù của nhà thơ, mang dấu ấn của nhà thơ. Đừng có tiêu phí chữ. Cái đó là cái yếu của Vi Thuỳ Linh. Cô ấy cứ viết ào ào đi. Cần phải biết dừng lại để suy nghĩ, nói chung là phải biết dừng lại.
N.Đ.T: Một nhà văn nữ Hoa Kỳ trong một lớp dạy về văn học mà tôi được tham dự mới đây, có nói đại ý rằng: khi viết thì viết cho hết ý mình, đừng có để dành lại cho cuốn sách khác, vì đến lúc đó lại có cái khác.
D.T: Điều đó rất đúng, nhưng trong một tác phẩm cụ thể thì mình phải tập viết ngắn. Vi Thuỳ Linh viết thơ rất dài, vì cô không thể nào viết ngắn được. Tức là chưa biết tạo ra tinh chất.
N.Đ.T: Rất nhiều nhà văn, nhà thơ ở miền Bắc thuộc thế hệ thơ chống Mỹ, hoặc của miền Nam trước đây và ở hải ngoại, đều đồng ý với nhận định rằng thơ trẻ hiện nay lẫn lộn giữa thật và giả, và rằng các xúc động của thơ trẻ là ít có thật. Anh nghĩ thế nào về nhận định có phần nghiêm khắc này?
D.T: Tôi cho rằng những người đưa ra nhận định như thế hoặc là giáo điều, hoặc là không chịu đọc kĩ các nhà thơ trẻ và chịu khó kiểm nghiệm họ. Cần phải hoà đồng với tâm thức của giới trẻ hiện nay, đứng trong góc nhìn của họ thì mới hiểu và thông cảm được. Cần phải thấy cái suy nghĩ dằn vặt, cái thao thức của lớp trẻ hiện nay, chứ nếu mà đứng xa cách như thế và đưa ra sự phê phán thì tôi cho rằng nếu không phải hồ đồ thì cũng chưa được chín chắn cho lắm.
N.Đ.T: Kế hoạch viết của anh như thế nào trong một hai tháng tới hay một hai năm tới?
D.T: Trong một năm nay tôi không viết gì nhiều, đúng ra viết rồi lại xé, vì khi đọc lại tôi thấy thơ của mình chưa có gì mới. Nó thiếu cái evolution.
N.Đ.T: Tiến bộ, tiến hóa?
D.T: Cũng không phải là tiến hóa, evolution, theo cách tôi hiểu, có nghĩa là triển diễn, không nhất thiết là “tiến”. Khi tôi không thấy được cái đó trong thơ mình, thì tôi xé bỏ bản thảo. Chưa khác được những cái tôi đã làm trước đây. Có thể nói là tôi đang ở trong giai đoạn khủng hoảng sáng tác. Nhà thơ bao giờ cũng phải tìm cách vượt qua cái mình đã làm, và không được lặp lại.
N.Đ.T: Anh là một trong những người rất hiếm hoi am tường những bộ môn nghệ thuật khác nhau. Những người làm thơ có nên có những hoạt động khác ngoài thơ không? Điều đó có giúp ích gì cho họ không?
D.T: Tôi không phải là người thường đưa ra lời khuyên. Nhưng tôi tin rằng người làm văn học cần có cái culture generale, tức là cái nền văn hoá chung. Không có cái nền văn hoá như thế thì anh chỉ viết một thời gian rồi hết vốn liếng, không đi xa được. Tuy nhiên, do làm nhiều thứ quá, từ dịch thuật cho đến hội họa, tôi cũng thấy mình ôm đồm nhiều quá, ôm nhiều quá thì không chặt. Qui trop embrasse mal étreint, người Pháp nói thế. Trong lời bạt cuốn Chích chòe tôi cũng gợi ý để anh Lê Đạt khi viết lời bạt nhắc đến điều này.
N.Đ.T:
Ở đây tất cả đều tủn mủn.
Chỉ riêng khổ đau là hoành tráng
Là những câu thơ hay và dễ hiểu của Dương Tường. Nhưng viết như thế này:
Em đi/ môi mọng/ đùi mọng/ vú ấm/ tim trống/ đầu trống/ Em đi – nhớt đêm/ Em đi – trời nghiêng/ Em – đời bỏ quên
Thì theo tôi, Dương Tường đã tạo ra được một lối viết mới với cách dùng chữ táo bạo.
D.T: Muốn làm ra những điều táo bạo, tôi nghĩ phải có những kiến thức thông thường và những kiến thức sâu sắc về văn hoá, lịch sử. Sự không đọc nhiều hiểu rộng của lớp trẻ bây giờ cũng là một điều đáng lo, đáng báo động.

(24/8/10-09)
—————–
[1] “Poetry, as the language of the unconscious and of dreaming, has its roots in primary process experience and is closer to the primordial union with the mother than the secondary process language of prose. The poems that move us most deeply are those which evoke the poignancy of that lost union, when in fantasy the boundaries of self and other were melted away.” (Craig Powell, được trích dẫn bởi Gary Geddes, 20th Century Poetry and Poetics, Fouth Edition, Preface pg. xv, Oxford University Press, Toronto, 1996). Tạm dịch: “Thơ ca, như là ngôn ngữ của vô thức và giấc mơ, bắt nguồn từ các kinh nghiệm thuộc quá trình sơ cấp và gần với sự hòa hợp nguyên sơ của tình mẫu tử hơn là ngôn ngữ văn xuôi vốn thuộc về quá trình thứ cấp. Những bài thơ làm chúng ta rung động một cách sâu xa là những bài thơ dấy lên được nỗi xúc cảm về sự hòa hợp đã mất này, khi trong giả tưởng những biên giới giữa cái tôi và người khác trở nên nhạt mờ.”
[2] Dương Tường. Mea Culpa và những bài khác. Tuyển tập thơ. Nhà xuất bản Hải Phòng 2005.
[3] Tovarish, tiếng Nga, nghĩa là đồng chí.
[4] Nguyễn Đức Tùng. Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn. Tuỳ bút và phê bình. Tự Lực Bookstore xuất bản. California 2007
[5] Dương Tường. Chỉ tại con chích choè. Tạp luận. Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2005.

Tôi (cũng) là bạn của ông Dương Tường

Tưởng Năng Tiến

Tôi đứng về phe nước mắt.
(D.T. )

Tôi có cái thói hễ thấy người sang (là) bắt quàng (ngay) làm họ. Nhưng riêng chuyện tôi cũng (muốn) là bạn của ông Dương Tường thì không hẳn thế. Ông ấy, rõ ràng, trông cũng bệ rạc thấy mẹ – y như tôi thôi – chứ chả có sang trọng quái gì đâu.
Một lần Dương Tường đưa nhóm hoạ sĩ 5 người (gang of five) từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh mở triển lãm. Nguyễn Quân mời tất cả tới khách sạn chiêu đãi. Dương Tường đi xích lô, tay cầm tờ Vietnam News cẩn thận, bước vào khách sạn. Người gác cửa khách sạn to lớn, mặc sắc phục nắm chặt vai anh, đẩy ra vỉa hè:
– Không được bán báo ở trong ấy! Đi ra ngoài kia mà bán!

Chuyện ở Hà Nội:
Một ngày giáp tết, nghe mấy họa sĩ trẻ rủ rê, Dương Tường đi chợ hoa với họ. Vào chợ, họ tản mát khắp nơi để chọn bằng được một cành hoa đào ưng ý. Lơ ngơ một mình giữa chợ, Tường mua đại một cành đào, vác ra ngoài cổng chợ đứng chờ. Đang cầm cành hoa mới mua, xo ro trong mưa dầm gió bấc, bỗng một bàn tay nắm lấy vai anh, đẩy vào trong chợ:
– Không được bán hoa ở đây! Mang vào trong chợ mà bán! Đó là người bảo vệ chợ (Bùi Ngọc Tấn, “Tôi Là Bạn Của Ông Dương Tường
,” http://www.canhen.de/noidung/baoce/CE2005/CE03va04/baiviet/buingoctan.htm).
Vẫn cứ theo như lời Bùi Ngọc Tấn thì Dương Tường nhỏ người. Đã là dân Việt mà lại nhỏ con thì phải hiểu là … nhỏ lắm. Tôi áng chừng ông ấy cao khoảng một thước năm mươi lăm đổ lại, và nặng cỡ bốn mươi lăm ký là hết sức.
Tôi thì khác. Tôi cao đến một thước tám mươi, và nặng gấp rưỡi Dương Tường. Chỉ có điều đáng tiếc là cái vóc dáng “cao cả” này đã không khiến cho tôi trông cao sang, và qúi phái hơn ông ấy được bao nhiêu – nếu chưa muốn nói là ngược lại.
Tôi cũng bị đời “hiểu lầm”, rất nhiều lần, chỉ vì trông không được bảnh bao gì cho lắm. Mới hôm qua chứ đâu, tôi ngồi cú rũ (một đống) trên mấy bậc thềm – trước khu thương xá Phước Lộc Thọ – ở phố Bolsa. Tôi hay bị buồn (ngang) khi ngày sắp tắt, nhất là vào những buổi chiều tàn – ở California.
Màu nắng vàng hanh, hay đỏ rực của ráng chiều, dễ làm cho kẻ tha hương trạnh lòng nghĩ về chốn cũ. “Chiều nay gửi đến quê xưa, bao là thương là nhớ cho vừa …
Tôi cứ ngồi hát nho nhỏ, chỉ đủ cho chính mình nghe như thế, mà thấy nẫu cả lòng. Hẳn là trông tôi phải thê thảm lắm nên có một bà đồng hương đi qua, đã cúi xuống, kín đáo dúi cho tôi một tờ giấy bạc. Cầm thì kỳ mà không cầm cũng kẹt nên tôi cầm (đại). Miệng lí nhí nói cảm ơn mà mặt đỏ bừng!
Cũng theo lời kể của Bùi Ngọc Tấn, vào những năm đầu thập niên 60, Dương Tường phải sinh sống bằng nghề … bán máu. Ông Tấn đã hơi bi thảm hoá vấn đề, khiến nhiều người nghe muốn rơi nước mắt, chứ ở xứ tôi (nói tình ngay) mà có máu để bán, và có người mua – lại không phải qua cò, vì ông Tường vốn quen biết lớn – thì sung sướng và hạnh phúc lắm rồi, còn than van gì nữa?
Sau 1975, đất nước thống nhất, “Nam/Bắc hoà lời ca”, tôi ca (hơi) trật nhịp nên bị túm đi học tập một thời gian. Ra khỏi trại tù, với cái giấy tạm tha, tôi sống lang thang vất vưởng ở nhiều nơi – trước khi trôi rạt về Rạch Giá.
Thành phố này, vào mùa mưa, hay có những ngày biển động. Trời thấp, ẩm, lạnh, mây xám màu chì. Lòng buồn, bụng đói, dạ hoang mang. Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Tôi hay loanh quanh trong chợ Nhà Lồng của Rạch Giá, mắt láo liên nhìn quanh những bàn ăn, chỉ chờ thực khách buông đũa là nhào vào húp vội phần ăn còn lại. Chao ơi, giá lúc ấy mà có máu để bán và có người mua thì đỡ (khổ) biết chừng nào?
Những cảnh đời (không may) mà Dương Tường trải qua, tôi cũng đều đã nếm. Đồng cảnh tương lân. Kiếp sống lao đao của ông ấy khiến tôi sinh lòng ái ngại nên (thoáng) có ý muốn làm bạn cho vui, thế thôi.
Nhưng cuộc đời của Dương Tường không chỉ khốn khổ và khốn nạn như thế. Nó tệ hơn thế, đôi khi. Ông ấy còn bị bạn bè xa lánh, “bị công an thẩm vấn nhiều lần, mỗi bước đi đều bị giám sát chặt chẽ“. Và cũng có những khi Dương Tường được ưu ái cho đi nước này nước nọ. “Anh được Cộng đồng pháp ngữ mời sang Pháp. Anh sang Đức trong Festival Gặp Việt Nam của Đức” (Bùi Ngọc Tấn. “Tôi Là Bạn Của Ông Dương Tường”. Viết Về Bè Bạn. Nhà Xuất Bản Hải Phòng, 2003, 42).
Lúc nào thì Dương Tường cũng nằng nặc … đứng về phe nước mắt, như ông đã tuyên bố như vậy – bằng thơ. Ngày 28 tháng 5 năm 2004, tại viện Geoge, ở Hà Nội, khi giới thiệu buổi đọc văn của một bạn đồng nghiệp, Dương Tường phát biểu:
Những gì chảy ra từ ngòi bút Bùi Ngọc Tấn khiến tôi nghĩ đến quan điểm của Albert Camus về nhà văn và nghề văn được bày tỏ trong diễn từ nhận giải Nobel văn học tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 10/12/1957:
“Theo định nghĩa, nhà văn giờ đây không thể phụng sự những người làm ra lịch sử, anh ta phục vụ những kẻ cam chịu lịch sử. Nếu không, anh ta sẽ cô đơn và mất nghệ thuật của mình. Tất cả những đạo quân của bạo cường với hàng triệu người cũng sẽ không cứu nổi anh ta ra khỏi sự cô đơn, ngay cả và nhất là nếu anh ta thuận tình đi đều bước với họ. Nhưng sự im lặng của một người tù không quen biết ở tận cùng thế giới, bị bỏ mặc trong nhục nhằn, cũng đủ kéo nhà văn ra khỏi trạng thái lưu đày ấy mỗi khi, giữa những đặc quyền đặc lợi của tự do, anh ta có thể vượt lên để không quên sự im lặng đó và làm cho nó vang lên bằng những phương tiện của nghệ thuật
” (Dương Tường, “Người Chưng Cất Nỗi Đau Thành Hy Vọng,” http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=1644&rb=0102).
Nếu tính từ lúc Nguyễn Mạnh Tường đọc tham luận, góp ý với Đảng CSVN, trước phiên họp của Mặt Trận Tổ Quốc (vào ngày 30 tháng 10 năm 1956, rồi bị vùi dập cho đến chết) thì mãi đến nửa thế kỷ sau, người ta mới lại được nghe tiếng nói dõng dạc và thẳng thắn như thế – của luơng tri – qua miệng Dương Tường, giữa lòng Hà Nội.
Tôi trộm nghĩ (rất có thể) là Dương Tường đã tạo nền cho những bài tham luận nẩy lửa – trước thềm Đại Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ VII. Sau nhiều năm nín lặng, những người cầm bút Việt Nam đã cùng lên tiếng (nói một cách “chẻ hoe” và “trắng phớ”) về hoàn cảnh tồi tệ và nghiệt ngã mà chế độ đã dành cho họ.
Dương Tường, cùng với “Phạm Xuân Nguyên, Phạm Minh Ngọc, Nguyễn Xuân Quang, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Huy Thiệp … – và nhiều vị nữa mà tôi đã không có cơ hội đề cập đến hay trích dẫn phát biểu của họ trong bài viết ngăn ngủi này – đang lăm lăm những cây đinh (mười phân) sẵn sàng đóng vào những tấm ván thiên, dành cho Hội Nhà Văn Việt Nam” (“Chẻ Hoe Và Trắng Phớ,” http://danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=298).
Nếu những suy đoán chủ quan của tôi mà không trật thì Dương Tường (rõ ràng) quá bảnh. Ông ấy chỉ có cái dáng ngoài bệ rạc (như tôi) thôi chứ tư cách thì ngon lành hết biết. Tôi mới đụng chuyện với Đảng và Nhà Nuớc CS đâu có vài năm (lẻ) đã ù té bỏ chạy, và chạy luôn tới bữa nay, tuyệt nhiên không dám quay đầu nhìn lại. Còn Dương Tường, và những kẻ đồng hội đồng thuyền
“… đã gánh cây thập ác đi trọn đường trần ai của mình.
Không vứt xuống
Không chạy trốn.
Không ngã gục.
Không dừng bước
Và dẫu không là Chúa, các ông đã được phục sinh

(Phạm Xuân Nguyên. “Một Kiếp Bên Trời”. Viết Về Bè Bạn. Ed. Bùi Ngọc Tấn. Nhà Xuất Bản Hải Phòng, 2003. 296).
Một thằng cha bảnh bao cỡ đó mà tôi cứ nằng nặc đòi làm bạn thì e hơi (bị) khó.

Khó thì thôi.

 

Khi Dương Tường dịch tiểu thuyết

Đặng Thái Huyền

Trong hai năm liên tiếp, với hai tác phẩm văn học dịch Con đường xứ Flandres (Claude Simon) và Cái trống thiếc (Gunter Grass), dịch giả Dương Tường đã nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn VN (năm 2002) và sau đó là giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội (năm 2003).
Ở tuổi 72, dù trên quầng trán nếp nhăn cứ ngày một đan dày nhưng Dương Tường vẫn hăng say dịch thuật như cây bút không ngừng viết đến giọt mực cuối cùng, như ngọn đèn muốn cháy đến cạn dầu mới chịu tắt…
Dương Tường là một trí thức đa tài. Dường như ông muốn ôm mọi “nghiệp chướng” vào mình: không chỉ là một dịch giả, ông còn viết phê bình văn học, phê bình mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu… và cả làm thơ.
Nhưng Dương Tường trên hết vẫn là một dịch giả có uy tín lớn và với vai trò này không thể không nhắc tới những tác phẩm kinh điển của nền văn học thế giới đã được ông chuyển ngữ thành công sang tiếng Việt: Cuốn theo chiều gió (M.Mitchell), Đồi gió hú (E.Bronte), Anna Karenina (L.Tolstoi – dịch cùng Nhị Ca), Người dưng (A.Camus), Con đĩ biết lễ nghĩa (J.P.Satre), Othello, Đêm thứ 12 có gì mà rộn (kịch của W. Shakespeare)…
Hơn 40 năm gắn với công việc dịch thuật, ông đã chuyển ngữ hơn 50 tác phẩm văn học của những nhà văn tiêu biểu thuộc nhiều quốc gia như Liên Xô (cũ), Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Áo, Hi Lạp, Nhật Bản, Nam Phi, Brazil… và dịch chủ yếu từ bản tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt.
40 năm là trọn một thời tuổi trẻ, tính ra cứ mỗi năm ông dịch xong một cuốn tiểu thuyết, công việc thật chẳng dễ dàng gì. Có thể nói ông đã có đóng góp không nhỏ cho nền văn học dịch VN, góp sức bắc nhịp cầu văn chương thế giới đến với người đọc trong nước.
Tự học
Điều đáng ngạc nhiên là Dương Tường đã tự học ngoại ngữ. Đang học dở lớp đệ tứ (lớp 9) thì cuộc cách mạng dân tộc diễn ra, thế là cậu học sinh Trần Dương Tường 14 tuổi đã rời trường lớp, bạn bè đi theo cách mạng mà trong lòng không nguôi niềm mơ ước được học sâu tiếng Pháp. Trên khắp nẻo đường chinh chiến, lúc nào trong chiếc balô của Dương Tường cũng có một cuốn từ điển tiếng Pháp.
Ông vẫn muốn hoàn thiện vốn tiếng Pháp khi ấy mới chỉ đạt đến trình độ giao tiếp. Đêm đêm, khi mặt trận ngưng tiếng súng, ngay cả giữa rừng già đầy sương lạnh và muỗi độc, ông cũng chong đèn ngồi tranh thủ học tiếng Pháp. Dương Tường kể lần nào đơn vị có dự định đánh đồn Tây ông cũng đi vì sẽ có cơ hội để “săn chiến lợi phẩm” là vài quyển sách hay báo chí bằng tiếng Pháp.
Một cựu chiến binh cùng đơn vị với Dương Tường đến nay vẫn còn nhắc kỷ niệm khi đánh chiếm đồn Hói Đào (Nam Định). Trong khi bạn bè say sưa với đống súng ống, lựu đạn… chiếm được thì một mình Dương Tường mê mải lục tìm trong đống đồ đạc của giặc ít sách tiếng Pháp. Lần đó Dương Tường đã tìm được cuốn Phía Tây không có gì lạ của Remarque mà sau này được dịch thành sách rất đắt giá.
Khi hòa bình lập lại ông trở về Hà Nội, tiếp tục nuôi ý chí học ngoại ngữ để dịch sách nước ngoài. Cũng vẫn hoàn toàn tự học, tự mày mò bằng cách miệt mài lên Thư viện quốc gia, ông không chỉ học thông thạo tiếng Pháp mà thêm cả tiếng Anh: “Trường học của tôi là thư viện”. Đến bây giờ ông vẫn mê lên thư viện. Có khi đọc quên về nhà! Bạn bè tìm đến nhà, vợ ông cũng… chỉ lên thư viện!
Dương Tường kể ông dịch Cái trống thiếc từ bản tiếng Anh, có tham khảo thêm bản tiếng Pháp. Để tác phẩm này đến được tay độc giả Việt, ông đã làm việc “khổ sai” hơn một năm trời để dịch. Hai tháng cuối cùng gấp rút hoàn thành cuốn sách, ông tự bỏ tiền túi lên trại sáng tác Đại Lải, rồi trại Tam Đảo thuê phòng, ngồi rịt trong phòng quên mưa mặc nắng để dịch. Khi sách in ra, ông được nhận nhuận bút 7 triệu đồng, không đủ mua sách tặng bạn bè. Có bạn đến chơi, vợ ông lại phải chạy ra hiệu sách gần đấy mua thêm vài cuốn để tặng.

Một dịch giả kỹ tính
Năm 1961, Dương Tường bắt đầu dịch tác phẩm đầu tiên là vở kịch Hải âu của văn hào Nga Chekhov. Vừa chập chững dịch ông đã chọn ngay tác phẩm khó của một tác gia nổi tiếng khiến nhiều người bảo ông “liều”. Thật ra Dương Tường không hề liều: trước khi dịch ông đã chuẩn bị vốn văn hóa đọc khá dày. Và bản dịch Hải âu thành công ngay lập tức.
Trước khi dịch tác phẩm nào ông cũng đều kỳ công tham khảo, tìm hiểu rõ về tác giả, tác phẩm và điều đó trở thành nguyên tắc làm việc. Ông đọc hàng chục tác phẩm của một tác giả rồi mới chọn ra tác phẩm tiêu biểu để dịch, bởi ông quan niệm làm vậy mới đem lại lợi ích thiết thực cho văn học nước nhà. Ông không bao giờ đuổi theo tác phẩm đang được coi là bestseller, gây xôn xao nhờ chiến dịch quảng cáo mà ông chưa có sự thẩm định đáng tin cậy hoặc tác phẩm đó không tiêu biểu cho nền văn học bản xứ cũng như của chính tác giả đó.
Đối với Dương Tường, người dịch là đồng tác giả. “Dịch văn học là “tái tạo” nguyên tác và người dịch phải làm bổn phận “tái tạo” ấy như một nghệ sĩ đầy cá tính. Sự trung thành với nguyên tác không hề loại trừ cá tính mà vẫn để một lề rộng cho sự phát huy sáng tạo, nhằm đạt tới cuộc “hôn phối hài hòa” giữa nguyên tác và cá tính người dịch, một “hôn phối mỹ học” giữa tác giả và dịch giả”- ông nói. Chính bởi những điều ấy, những đoạn khó hiểu ông sẵn sàng bỏ cả tuần lễ lên thư viện để tra cứu, nghĩ cách dịch cho thỏa đáng.
Nhiều người nhận xét: đọc văn dịch của Dương Tường như được ăn một bữa cỗ đã chuẩn bị quá công phu, không hề có hạt sạn.
Tiểu thuyết Cái trống thiếc của nhà văn Đức Gunter Grass viết cách đây hơn 50 năm là một trong những tác phẩm dịch tâm đắc nhất của Dương Tường, cũng là tác phẩm dịch nhận được rất nhiều lời khen. Đại sứ quán Đức tại VN rất hài lòng về thành công của bản dịch này. Theo họ, đây là tác phẩm xuất sắc và “khó tiếp nhận” ngay cả với nhiều người Đức cũng như người Pháp (vốn được coi là có “phông” văn hóa sâu rộng); buộc người dịch không chỉ có tài mà phải có tâm, chịu đầu tư thời gian và công sức.

 

Dịch giả Dương Tường được tặng huân

chương "Officier des Arts et des Lettres"

Vũ Thanh Nhàn

Ngày 16-01-2009, nhà thơ-dịch giả Dương Tường được Chính phủ Pháp trao tặng huân chương Officier des Arts et des Lettres (Huân chương Văn học Nghệ thuật).

Đây là huân chương hạng 2 trong ba hạng: Commandeur, Officier, Chevalier. Năm 2007, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng từng được nhận huân chương hạng ba Chevalier des Arts et des Lettres cho sự nghiệp văn học của mình.

Nói về niềm vui này, nhà thơ-dịch giả Dương Tường chia sẻ: “Tôi vui mừng và xúc động vì năm mới mở đầu với tôi bằng việc đón nhận vinh dự này. Không giả đò khiêm tốn, tôi nghĩ mình xứng đáng với phần thưởng. Từ thiếu thời tôi đã được nuôi dưỡng bởi văn hoá Pháp và điều đó giống như một động lực thúc đẩy tôi cống hiến cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Đây là tin vui của năm mới với tôi, nhưng tôi không quên công việc của mình: với tôi, bây giờ dừng làm việc là chết. Hiện nay, tôi đang cố dịch xong cuốn tiểu thuyết Mort à crédit (mà tôi dịch là Chết chịu) của nhà văn Pháp Céline để xuất bản vào tháng 5 này.”

Được biết Commandeur, Officier, Chevalier là Huân chương do Chính phủ Pháp trao tặng. Giải thưởng cao quý này được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp lập nên vào tháng 5 năm 1957. Huân chương này vinh danh những người có những cống hiến đặc biệt đối với nghệ thuật, văn chương, âm nhạc điện ảnh…

Dịch giả Dương Tường tên đầy đủ là Trần Dương Tường, sinh năm 1932 tại Nam Định. Ông là bộ đội thời chống Pháp 1950-1955. Ông đã dịch trên 50 tác phẩm của Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Hy Lạp, Brazil, Nhật Bản, Na Uy… Có thể kể: Anna Karenina (L.Tolstoy), Cuốn theo chiều gió (M.Mitchell), Người dưng (A.Camus), Con đĩ biết lễ nghĩa (J.P.Sartre), Con đường xứ Flandrres (Cl.Simon), Đồi gió hú (E.Bronte), Alexis Zorba (N.Kazantzaki), Bức thư của người đàn bà không quen (S.Zweig), Cái trống thiếc (G.Grass), nhiều vở kịch của Shakespeare… Về sáng tác, ông đã in: 36 bài tình (thơ – in chung với Lê Đạt), Đàn (thơ ngoài lời), Mea culpa và những bài khác (thơ), Chỉ tại con chích chòe (tạp luận), Thuyền trưởng (truyện ký, dưới bút danh Nguyễn Trinh)…

80 tuổi đời và gần 60 năm làm nghề dịch thuật văn học Anh, Pháp, Nga… nhưng dường như trong số ấy, Văn học Pháp vẫn luôn nhận được sự ưu ái riêng của dịch giả Dương Tường.

clip_image005

Năm 14 tuổi Dương Tường theo cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bao giờ trong balô của Ông cũng có từ điển tiếng Pháp và tiếng Anh.

Hồi ấy, khi hạ đồn địch nào, trong khi anh em đi thu chiến lợi phẩm thì Dương Tường đi tìm sách. Ông coi sách là chiến lợi phẩm của riêng mình. Khi hoà bình, Ông rời quân ngũ về làm việc tại thông tấn xã Việt nam, ở môi trường mới này, Ồng lại tiếp tục tự học ngoại ngữ.  trường của ông là phòng đọc của Thư viện Quốc gia, Thư viện Thông tin… Nên có thể nói "Trường Đại học" của Dương Tường chính là thư viện. Ông học miệt mài, cần mẫn, nhặt nhạnh từng "chữ" như người ta đi mót lúa vậy.

Dương Tường bắt đầu dịch tác phẩm đầu tay hoàn chỉnh vào năm 26 tuổi  -  là một tác phẩm của văn học Nga. Sau đó, Ông dịch nhiều những tác phẩm văn học Pháp. Ông mày mò đọc những tác phẩm kinh điển của Pháp như của Vichto Huygo, Banzac, Rút xô… Và điều thúc đẩy Ông chính là lòng yêu văn chương nghệ thuật. Cả tuổi thiếu thời của Dương Tường đắm mình trong không gian Văn hoá Pháp.

Sau một thời gian dịch thuật tiếng Pháp, Ông suy ngẫm: các nền văn học khác hầu như cũng đều được dịch thông qua thứ tiếng này – Ngôn ngưc Pháp. Vì thế, qua tiếng Pháp Ông có thể biết đến văn học Mỹ, Đức, Nhật Bản… Văn học Pháp ảnh hưởng rất lớn tới văn học Việt Nam. Nếu không có văn học Pháp chúng ta sẽ không có Thơ Mới với những tên tuổi như Thế Lữ, Xuân Diệu… Nếu không có văn học Pháp thì không có Tự lực Văn đoàn. Tiếp tục, những người của thế hệ sau đều chịu ảnh hưởng văn học Pháp. Trong sự nghiệp dịch thuật của Ông, thì văn hoá Pháp cũng chiếm tới phân nửa, khoảng 20 trong số 50 tác phẩm mà Dương Tường đã dịch.

Dương Tường làm việc rất kỹ lưỡng với các sản phẩm của mình. Tất cả các tác phẩm Ông dịch thuật đều không qua người khác hiệu đính mà chính Ông đã làm thật hoàn chỉnh rồi mới giao bản dịch cho Nhà xuất bản. Có những nhà xuất bản khi biên tập có chỗ cần có ý kiến trao đổi, chỉnh sửa thì họ đều để nghị Ông sửa lại chứ họ cũng không can thiệp vào bản dịch của Ông. Dương Tường dịch theo lối “cuốn chiếu”, dịch đoạn nào xong đoạn đó. Khi đặt bút chấm hết nghĩa là Ông đã hoàn thành tác phẩm.

 

Dương Tường

Lê Minh Hà

Gió. Nắng. Khu nhà vườn mênh mông ở Tegel chỉ thấp thoáng tiếng người sau bờ rào. Tôi ngồi trước cửa vườn anh bạn lơ tơ mơ trong sự đợi chờ. Trời thì cao, mây trắng về đâu uể oải. Nghĩ, chỉ thiếu mỗi cái cửa hầm chữ A lúc nào cũng phả ra hơi đất lành lạnh, ngai ngái, và một tiếng máy bay tăng tốc như tiếng sét giữa trời quang nữa thì coi như sống trọn vẹn lại không khí thời đang chiến, thời bao cấp ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cái thời mà một nhà báo kì cựu của đài tiếng nói Việt Nam sau khi đọc những trang viết của tôi về nó đã cảm ơn em, rồi lại bồi tiếp một cú: nhưng mà nói thật, đọc xong, bàng hoàng, bởi vì tôi vừa yêu khoảng đời đó, gian khổ, giản dị, mà trong vắt, vừa căm thù chính cái khoảng đời đó. Nó không cho người ta sống.

Tôi đang chờ đây, buổi trưa nay, một người không được sống nhiều hơn rất nhiều người, và đã sống đẹp hơn rất nhiều người qua cái thời buổi đó.

Ông lù rù ngồi trước chúng tôi. Dáng vóc bé nhỏ quá độ. Giọng nói gần như thì thầm. Đấy là phong thái của người thích ẩn mình, cũng vì đã quá nhiều người biết mình. Biết, nhưng có bao người hiểu ông, và thế hệ ông?

Tôi không nghĩ tất cả cùng ngồi đây hiểu ông. Quả khó! Làm sao giữa châu Âu này, làm sao bằng kinh nghiệm mấy chục năm xa xứ có thể hiểu được nỗi cơ cực phải nuốt vào trong của một người con, một người chồng, một người cha, một người thơ một thời bán máu để sống, để trọn vẹn nghĩa vụ trong mỗi tư cách của mình! Vẫn còn, trên đất nước ta, những mảnh đời rách nát, rút máu nuôi mồm theo nghĩa đen, thậm chí có cả những làng bán máu. Nhưng khi nghệ sĩ, người nuôi khí của một dân tộc phải sống còn theo kiểu này, nỗi đau khủng khiếp kiểu khác, thành nỗi thẹn. Cho ai ngày ấy? Cho ai bây giờ?

Ông không kể về những năm tháng ấy nếu không có người gặng hỏi. Có những đôi mắt lảng nhìn chỗ khác. Có những đôi môi mở hé kinh ngạc. Có cả tiếng cười vì dù sao tất cả cũng đã qua rồi. Nhưng người đàn bà ngồi bên cạnh tôi thì run:

„Chị bảo mọi người thôi đừng đòi bác kể nữa!“

„…?“

„ Em biết chuyện ấy có thật. Em cũng đọc về bác nữa. Em ở Sài Gòn sau bảy nhăm đến tận năm chín hai mới qua đây chị à. Nhưng bây giờ thấy người đã từng sống vậy kể chuyện ngay trước mặt mình…“

Tôi không nhiễm nỗi sợ đó, nhưng lòng lại vẹn nguyên nỗi bàng hoàng cũ. Tại sao sống vậy mà con người vẫn có thể cưu mang nhau, cưu mang thơ, cưu mang khát khao về cái đẹp? Hay với typ người như ông, cái Đẹp đúng là một sự cứu rỗi! Hay làm việc mới là cứu rỗi?

Làm việc, với kiểu người như ông có nghĩa là sáng tạo.

Nếu cứ phải soi chiếu thành qủa của một ai đó qua lí lịch trích ngang của họ thì khi nghe khi đọc về ông, hoặc không tin, hoặc nhất định phải tin đó là một sự kì diệu. Làm sao một người học trò không qua qúa trình đào tạo trường lớp chính quy, và cái chính là làm sao một người đã chìm nổi qua bao nhiêu cay đắng như thế của một đời sống bất bình thường (không phải chỉ vì chiến tranh) mà vẫn có thể làm và đạt được nhiều đến thế trong thế giới nghệ thuật muôn đời quyến rũ và nghiệt ngã.

Chỉ tính riêng từng mảng trong khối công việc đồ sộ ông đã làm, từ văn chương sang hội họa, từ sáng tác sang dịch thuật, với người trong nghề ở từng lĩnh vực đã là một mong ước. Nói tới hội họa Việt của hai thập kỉ về trước với những nỗ lực tìm kiếm đường đi mới qua việc tìm kiếm chính mình của một thế hệ họa sĩ trẻ giờ thành danh, định hình phong cách như Hà Trí Hiều, Đặng Xuân Hòa, Hoàng Hồng Cẩm, Hồng Việt Dũng, Lê Thiết Cương, Trương Tân, Vũ Dân Tân, không thể không ghi nhận công lao sưu tầm giới thiệu ra thế giới của Dương Tường.  Hơn năm mươi tác phẩm dịch, mà phần lớn lại là những tác phẩm thách thức trí tuệ con người có đủ làm vinh hạnh cho một đời dịch giả không? Thừa sức! Con đường xứ Flandres, Bức thư của người đàn bà không quenvà gần đây nhất: Cái trống thiếc của Guenter Grass, giải Nobel văn chương Đức, đã được ông chuyển ngữ. Những giá trị văn chương đích thực đó đã là hành trình tinh thần cần thiết của biết bao người Việt để nhìn ra thế giới, từ bóng tối đời sống một thời. Đeo đuổi từng con âm để đổi mới thơ, ngay cả khi không thành tựu, với nhiều người thế cũng đã thừa đủ để tuyên ngôn nhiều điều. Nhưng mà với ông thì đấy không phải là một hành trình vô vọng. Lầm lũi trên con đường hiện đại hóa thơ ca Việt, người thơ bé nhỏ đó tuyên ngôn độc nhất một điều: Tôi đứng về phe nước mắt. Tôi nghĩ bài thơ một câu (Thơ đề trên mộ chí) đó đủ cho một hình dung về mọi tư cách nghệ sĩ của ông, trong thơ, trong văn, trong dịch thuật, trong hội họa.

Và trong tình bạn. Cái chí tình của ông trong mọi quan hệ, với những người bạn từng chung trải vui buồn cay đắng như Tất Vinh, Bùi Ngọc Tấn, Mạc Lân…, với những người trẻ tuổi đáng tuổi cháu con của ông như tôi, nghĩ cho cùng không phải là cái chí tình thường, mà  là cái chí tình chỉ có ở nghệ sĩ lớn. Tôi vẫn có điều ân hận bao năm trước một cái tên: Tất Vinh. Ngày trước đi dạy, cùng trường với con gái ông, nghe bạn kể về người cha mất sớm, thú thực tôi chỉ biết lặng im. Tôi có biết gì về ông đâu, ngoài chuyện hai người em của ông (Tất Thắng và Tất Đạt) là hai đạo diễn sân khấu có tiếng. Tôi không biết ông đã từng đắm đuối với thơ, đã từng sống với Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Huy Cương, Vũ Thư Hiên, Mạc Lân… một thời bay bổng, một thời nhảm nhí nói như Bùi Ngọc Tấn. Ông chết sớm, chưa đến tuổi có thể nhìn đời bằng một nụ cười như thế, lòng vẫn khao khát được bay bổng trở lại với thời mình, với thơ. Năm ngoái, về Hà Nội, bạn tôi, con gái Tất Vinh hẹn gặp để tặng tập thơ này, kỉ vật cả gia đình trân trọng, tự hào, nhưng cuối cùng tôi đã nhận từ tay Dương Tường. Không có với nhau tình đồng đội, tình bè bạn lăn lóc bao năm, không có sự kiên tâm sưu tầm của Dương Tường, Tất Vinh đã không được sống lại đẹp đến thế và gia đình ông chắc còn nguyên hận. Mối ân tình ấy, Dương Tường còn trải ra cho bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ về sau. Đã là một ngạc nhiên thú vị cho tôi khi nghe ông kể về tình bạn của ông với các nhà thơ trẻ. Thật qủa là thứ tình điên rồ, hợp lí chỉ có ở nghệ sĩ, mượn cách dùng chữ của Nguyễn Thúy Hằng, một nhà thơ nữ trẻ vừa công bố tập thơ Thời hôm nay – khoái cảm, điên rồ, hợp lí và gặt hái về khá nhiều ồn ào. Hỏi, ông nhỏ nhẹ: Hằng nó đang tìm cách tạo ra một kiểu độc giả mới, và anh ủng hộ điều đó. Nghe, tôi hiểu vì sao các nghệ sĩ trẻ lại tìm được ở ông sự đồng cảm. Đồng cảm ở đây là cách thế tiếp nhận sự khác ở nhau. Tinh thần đa nguyên này hình như chưa từng là căn cốt đạo đức của dân mình, và chúng ta đang rất cần, dù trong nước hay ngoài nước.

Nhưng ông, trước hết và tận cùng là một nhà thơ, theo tôi. Cách thế làm việc của ông, dù chỉn chu nghiêm túc bao nhiêu như trong dịch thuật, từ sâu xa vẫn là cách thế của một nhà thơ lãng đãng suốt đời, say đắm suốt đời. Nếu không phải là như thế, người ta vẫn có thể sống, bằng máu của mình, như các ông một thời, như nhiều người bây giờ vẫn thế, nhưng chắc gì tồn tại.

Có rất nhiều cách thẩm thấu chân lí, ngay chỉ ở một lĩnh vực là nghệ thuật, hoặc bé nhỏ hơn nữa, là thơ. Có người tốt giọng, có người thính tai. Có không gian thơ quảng trường đường lớn. Mà không gian thơ có thể chỉ đơn giản là sự trong vắt vô hình.

Chẳng biết vì thể tạng, hay vì tuổi tác, hay vì tính nết, chân lí luôn làm tôi chấn động qua những tiếng thì thầm. Có thể là tiếng của nước chúng ta – nước những người chưa bao giờ khuất – đêm đêm rì rầm trong tiếng đất – những buổi ngày xưa vọng nói về… (Đất nước -Nguyễn Đình Thi), mà cũng có thể chỉ thế này, dai dẳng và da diết:

những ngón tay mưa – dương cầm trên mái…

hay nhỏ nhẹ không cùng:

Một thoáng rợn tên là heo may – một hương cây tên là kỉ niệm – một góc phố tên là hò hẹn – Một nỗi nhớ tên là không tên.

Hay đơn giản là vô ngôn.

Vì lẽ đó, viết về ông rồi, tôi lại viết về ông, một trong những đại diện xuất sắc nhất của một thế hệ nhà văn nhà thơ Việt Nam từng phải câm lặng một thời, thời đất nước đầy giông bão, xa rồi nhưng không bao giờ thật sự qua đi, dù thuộc về thế kỉ 20.

 

Dương Tường – lời xưng tội

Tập thơ vừa ra mắt của ông có cái tên khó hiểu: "Mea culpa và những bài khác". Người ta nói đó là bệnh "sính ngoại". Ông nghĩ sao?
– Tên của tập thơ là Thơ Dương Tường. Mea culpa và những bài khác là đề phụ. Mea culpa, tiếng La tinh có nghĩa: "lỗi tại tôi" – một lời xưng tội.

Trong cách tân thơ, ông có vẻ tâm đắc với cái gọi là "thi pháp âm bồi". Phải hiểu nó thế nào cho đúng?
– Nói nôm na, nó là nỗ lực khai thác một tầng khác trong vỉa âm của chữ, tìm kiếm sức gợi của âm. Nếu như ở các nhà thơ khác là mặt chữ nhìn thẳng thì ở Dương Tường là mặt chữ nhìn nghiêng và chính độ chênh của mặt chữ nhìn nghiêng ấy sẽ đẻ ra âm bồi.

Thử nghe Chợt thu II: "Chiều se sẽ hương/ Vườn se sẽ sương/ Đường se sẽ quạnh/ Trời se sẽ lạnh/ Người se sẽ buồn". Đấy nhé: Âm chính se sẽ làm nẩy lên âm bồi se se, đồng thời cũng tạo ra một "trượt nghĩa" từ "se sẽ lạnh" sang "se se lạnh". 
Phải vì thế mà một số bài thơ của ông được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, như Tình khúc 24, Dương cầm lạnh?
– Có lẽ thế. Sự đồng cảm đó đã giúp một bộ phận công chúng biết đến thơ tôi, tuy đó chỉ là những mảng rời rạc, chưa đủ vẽ nên một gương mặt nhà thơ.

Hơn 40 bài thơ lẻ cùng một "tổ khúc" 7 chương, coi như một tuyển tập sau 50 năm làm thơ – tuy còn mỏng mảnh lắm – nhưng cũng đủ làm một cái khung để tôi mắc gương mặt thơ của mình lên đó.
Gương mặt đó hình như không lấy được cảm tình của nhà phê bình Trần Mạnh Hảo. Ông nghĩ sao?
– Sách chưa ra đã ăn đòn phủ đầu. Ông Hảo xưa nay vốn dị ứng với những gì ông ấy… không hiểu, nhưng đó là quyền của ông. Còn tôi, có gan "cách tân", có gan "chịu đòn".
Từng tỉ mẩn ngồi dịch thơ Vi Thuỳ Linh ra tiếng Pháp, đó là sự đồng cảm giữa những người cùng có "máu cách tân" thơ hay còn là gì nữa?
– Thơ Vi Thuỳ Linh có cái vẻ mạnh mẽ của nó, song để nói là cách tân thì e là chưa. Việc tôi dịch một số bài có sức nặng của Linh cho tạp chí Europe của Pháp, là cách tôi phản ứng trước cái cảnh mấy người lớn xúm lại "đánh" một đứa trẻ con.
Nhưng ông cũng từng bị "đánh" đấy thôi, kể cả trong dịch thuật. Hà cớ gì mà ông bênh cho Vi Thùy Linh?
– Chức năng tôi có thể làm tốt nhất là … lót đường! Lót đường mà bị giẫm là chuyện bình thường, đâu chỉ có ở mỗi VN. 
Ông dường như không đủ hài lòng để tự cho mình là người may mắn?
– Trái lại, riêng việc được sống lâu hơn, được chứng kiến thời mở cửa, so với bao bạn nghề tài hoa mà đoản mệnh của mình – tôi đã cho đấy là may mắn lớn.
– Ông cầm tinh con gì?

– Tôi sinh 1932, cầm tinh con Khỉ. Có khi tôi giống nó ở bệnh… ưa chuyền cành.
Một nhà thơ sống giữa một ngôi nhà đồng thời là gallery, cảm giác ấy thế nào?
– Đôi khi cũng cảm thấy quẫy lên nhu cầu thể hiện mình bằng vẽ. Cũng đã có người nhầm tôi với một người con trai của ông Kim Lân. Nhưng tôi nghĩ, về tinh thần, tôi giống lão Hạc nhiều hơn giống Kim Lân.
– Lời khuyên của ông nhân năm Con Gà là gì?
– Năm Gà, ừ thì cũng nên tránh bới móc nhau đi nhỉ, làm tốt cái chức năng báo sáng thì hơn.

(báo Lao Động)

Phụ đính trang thơ Dương Tường

clip_image007

Senerade 3

  • Chờ em đường dương cầm mưa
    giọt giọt lá buồn dạ khúc
    xào xạc lòng tay khuya

anh về lối dương cầm lạnh

Dọc triền cô đơn tôi

  • Dọc theo triền số mệnh
    tôi cai sữa cô đơn

Dọc triền cô đơn tôi
mặt trời đang nằm xuống

dọc triền cô đơn tôi

Không đề

  • Buổi chiều làm bằng gì nhỉ
    Bằng tịch lặng
    Tiếng lá rì rào
    Những cuộc tình héo úa
    Luyến nhớ
    Kỷ niệm

Chợt thu

Chiều se sẽ hương

Vườn se sẽ sương

Đường se sẽ quạnh

Trời se sẽ lạnh

Người se sẽ buồn

Tình khúc 24

  • Gửi lại em
    24 phố dài thơm
    24 xêrênađ
    24 vibratô
    24 khung trời tím
    24 lối công viên
    24 vầng trăng góa

Gửi lại em
gửi lại em tất cả
kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ

Riêng đêm em xòa bóng nốt ruồi
24 quầng

anh giữ

Anh và em

Anh lang thang em…

Anh mini em…

Anh xanh xao em…

Anh tiết canh em…

 

 

Phụ đính trang văn Dương Tường

Ớp-đết

Tặng PT- CD

“Cái tay Pinter này hóm thật,” lão tủm tỉm cười một mình. Tình nguyện làm “văn nô” viết thuê cho George Bush. Sau khi đã mô tả ông này như một tội phạm chiến tranh quốc tế. Lão lim dim mắt thử hình dung đương kim tổng thống Mĩ trên tivi, tóc chải chỉn chu, vẻ nghiêm trang (bao giờ ông ta chả nghiêm trang), cố làm ra vẻ duyên dáng bằng một nụ cười gượng gạo, trịnh trọng đọc trước quốc dân bài diễn từ do Harold Pinter soạn thảo :

… Chúa là tốt. Chúa là vĩ đại. Chúa tốt. Chúa của tôi tốt  Chúa của Bin Laden xấu. Chúa của hắn là một vị Chúa xấu. Chúa của Saddam xấu, có điều hắn không có Chúa. Hắn là một tên man rợ. Chúng ta không phải là những kẻ man rợ. Chúng ta không chặt đầu người. Chúng ta tin ở tự do. Chúa cũng vậy. Tôi không phải là một tên man rợ. Tôi là lãnh tụ được bầu một cách dân chủ của một nền dân chủ yêu tự do. Chúng ta là một xã hôi đầy tình thương xót. Chúng ta dùng phương pháp hành quyết đầy tình thương xót là ghế điện và chích thuốc độc. Chúng ta là một quốc gia vĩ đại. Tôi không phải là một kẻ độc tài. Hắn là kẻ độc tài. Tôi không phải là kẻ man rợ. Hắn là kẻ man rợ. Và hắn nữa. Tất cả bọn họ là đồ man rợ. Tôi có quyền uy đạo đức. Các người có thấy nắm đấm này không ? Đó là quyền uy đạo đức của tôi. Và các người đừng có quên điều đó. …

Lão lật trở lại mấy trang trước : cái đoạn Pinter mắng thủ tướng đương nhiệm nước mình cứ cun cút theo đuôi Mĩ, còn khoái hơn nữa : “… Vì Mĩ đã nói : phê phán hành xử của chúng ta ở Vịnh Guantnamo là một hành động không thân thiện… Thế là Blair im thin thít….Phải giết bao nhiêu người mới được mô tả như là tên giết người hàng loạt và tội phạm chiến tranh. Một trăm nghìn ? Tôi nghĩ chừng nấy là thừa đủ. Vậy là Bush và Blair đủ tiêu chuẩn để được gọi ra hầu Tòa án tội phạm quốc tế rồi… Nhưng Bush là người láu cá : ông ta đã không phê chuẩn Tòa án tội phạm quốc tế….Còn Blair thì đã phê chuẩn Tòa án này và do vậy, có thể đưa ra xét xử. Chúng ta có thể cho Tòa án biết địa chỉ của ông ta nếu như Tòa muốn biết. Đó là số 10 phố Downing, Luân Đôn… ”

Một tiếng thỏ thẻ bên tai, khiến lão chợt nhớ ra mình đang ở đâu.

– Anh đọc gì mà say sưa thế ? Không thư giãn một chút ?

Ờ, đây là cửa hiệu Gội Đầu Thư Giãn, bước 2 của chương trình ớp-đết  hôm nay mà lão là đối tượng chính. Bọn nó đã lên kế hoạch này từ lâu và bữa nay, nhân dịp Noel, nhất quyết phải thực hiện bằng mọi giá. Phải ớp-đết ông già. Lôi ổng ra khỏi đống sách của ổng. Cho ổng hớp vài hớp đời sống đương đại…

Tận mười giờ tối qua bọn nó còn gọi điện nhắc :

– “Cụ” nhớ ngày mai nhá. “Cụ” muốn làm gì thì làm trước đi, từ 5 gìờ chiều trở đi là “cụ” thuộc về bọn em. Bọn em sẽ lo cho “cụ” từ a đến z. “Cụ” không thể cứ ru rú trong cái tháp ngà trí tuệ của “cụ” thế. Đã đành là trong lĩnh vực văn hóa, “cụ”  luôn cập nhật với thời đại, nhưng như thế chưa đủ, old baby ạ. Phải cập nhật cả trong đời sống nữa. Đảm bảo là sau đây, “cụ” sẽ… hồi xuân và cảm thấy một sinh khí mới. Phải, bọn em sẽ lo cho “cụ” từ a đến z.

Bọn nó là dăm gã nửa bạn nửa đàn em (bây giờ, tiếng thông dụng gọi là “đệ tử”), nửa đồng nghiệp nửa học trò, của lão. Bọn nó quí nhất ở lão cái tác phong dân chủ xuề xòa, nhất là cái ngây thơ trong sáng, điều đã mang lại cho lão cái biệt danh Septuagenarian Baby hay  Old Baby . Lão quí ở bọn nó lòng yêu công việc, ham muốn khám phá, năng nổ hướng tới cái mới. Giữa họ, hình thành một tình bạn đặc biệt vượt qua cái generation gap  thường thấy.

Tiếng thỏ thẻ lại mơn man tai lão :

– Anh dùng tách trà nóng nhé ?… Gớm ông anh khó mời quá.

Người có cái gịong thỏ thẻ ấy là cô gái mặc áo đỏ đứng quầy mà bọn nó đặt cho cái tên Rực Rỡ Mặt Trời Cách Mạng, mượn chữ của một nhà thơ khét tiếng một thời. Lão gấp vội mấy tờ giấy nhét vào túi trong chiếc áo blouson bọn nó mới tặng để mở đầu cho chương trình ớp-đết này. Rực Rỡ Mặt Trời Cách Mạng bưng tách trà đến, phả một mùi nước hoa rẻ tiền vào mũi lão. “Trạc tuổi con cháu ngoại mình, có khi còn nhỏ hơn,” lão nghĩ như một phản xạ tự nhiên và vội vàng xua đi cái nhận xét không đúng lúc ấy. Chiều nay, bọn nó, trước khi xuất phát, đã dặn lão : “ở những nơi bọn ta đến hôm nay, chỉ có một đại từ xưng hô duy nhất : anh. Không có bác bác chú chú gì hết nhá.”  Lão lại tủm tỉm cười một mình. Lần này không phải vì Harold Pinter, mà vì nhớ lại những mẩu hội thoại lọt vào tai lão lúc ngồi ở quán bia 31 Kim Mã (bước 1 của chương trình ớp-đết)… Để em choáng  lại đấy rồi lượn đi cho nước nó trong… Con étkếp chấm sáu của tao chưa chi đã dở chứng, em ấy sặc xăng… Nghe vui thật. Theo xu thế thực dụng và đa chức năng của thời đại tiêu dùng, ngôn ngữ đường phố đã chọn cách đơn giản hóa sự phong phú đến bối rối của đại từ nhân xưng trong tiếng ta, đặc biệt là ngôi thứ ba số ít. Này nhé : Bố tao vừa cho tao con A còng. Đợt này em ấy thắng đậm… Em ấy tức là bố tao. Bố cũng em. Mẹ cũng em. Ông, bà, cô, cậu, chú, bác, anh, chị, em, con nọ con kia… em tuốt.

Bọn nó đã lục tục ra. Từ những khoang ngăn có che ri-đô dành cho công đoạn 2. Công đoạn 1 là gội đầu theo đúng nghĩa. Công đoạn 2 là mát-xa thư giãn (theo nghĩa tùy hiểu). Sau khi gội đầu, khách vào những khoang ngăn nói trên, tiếp tục công đoạn 2. Lão chỉ làm công đoạn 1, rồi ra ngồi hút thuốc, tranh thủ đọc nốt bài diễn từ nhận giải Nobel văn học của Harold Pinter trong khi chờ bọn nó.

Rực Rỡ Mặt Trời Cách Mạng thì thầm điều gì vào tai một gã trong bọn nó, mắt liếc về phía lão, rồi cười rúc rích. Gã này nghiêm mặt, lừ mắt. Rực Rỡ Mặt Trời Cách Mạng tiu nghỉu như con mèo biết lỗi.

Lão làm như không thấy gì, bình thản ra đứng trước chiếc gương lớn, giả bộ vuốt lại tóc. Cái thằng cha nhìn chiếu tướng lão trong gương, với chiếc blouson mới không đồng bộ với chiếc quần ga-bác-đin cũ mèm, với mái tóc nhôm nhoam, bạc không ra bạc, đen không ra đen, cũng chẳng ra muối tiêu, với cái miệng mặc dù đã đeo răng giả vẫn rõ ra là móm, cái thằng cha ấy nom thật lố bịch. Chả trách Rực Rỡ Mặt Trời Cách Mạng cứ phải bụm miệng cố nhịn cười. “Really unupdatable, ” lão lẩm bẩm. Không thể cưa sừng làm nghé được. Cho đến nay, lão vẫn tự hào là người hiểu lớp trẻ, luôn bắt kịp được nhịp sống và cách suy nghĩ của họ. Lão chỉ tự huyễn hoặc mình. Làm sao đua được với bọn nó. Lão chợt nhớ đến nhận xét của một người bạn cũ khi họ bàn về con cái. “Người cha hiểu con cái nhất là người cha hiểu rằng mình không bao giờ có thể hiểu được chúng,” ông ta nói.

Phải, cái gap vẫn đấy…

Lão lắc mạnh đầu, xua đi những suy nghĩ không thích hợp đó và quay sang bọn nó lúc này đã ra đầy đủ :

-  Nào, ta đi tiếp chứ, lão hỏi, làm ra vẻ hăm hở. Bước 3  là gì nhỉ ?

-  Karaôkê ! một gã trong bọn nó đáp.

Vẫy tay chào Rực Rỡ Mặt Trời Cách Mạng một cách sành điệu, lão hô lớn :

-  Nào thì karaôkê !

(Đêm Giáng sinh 2005)

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search