T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Xuân, Hạ, Thu, Đông…

clip_image002

Về thăm quê cha đất tổ đã hết một tuần. Ngày cuối, lão mới đảo qua nơi chôn nhau cắt rốn nhìn lại căn nhà cũ của cái tuổi ấu thời. Xế chiều, lão đứng ở sân ga tại một thị trấn vắng gió đìu hiu bên đường đợi tầu xuôi nam đi tiếp. Một chuyến đi hững hờ vô định. Lão ngẩn ngơ đến ngơ ngẩn vì thấy thời gian qua nhanh, mới ngày nào lão đu tầu há mồm di cư năm 54. Năm 75 đeo máy bay qua cái đất tạm dung cũng đã mấy chục năm. Tần ngần nhìn hai con đường sắt chạy song song xa tắp chẳng bao giờ gặp nhau, lão cảm thấy bồi hồi, trống vắng…

Buông thả tầm mắt qua bên kia Quốc Lộ 1, lão thóang bắt gặp một ngôi chùa cũ nấp sau rặng cây. Những vệt nắng cuối ngày xuyên qua tàng lá đọng lại trên sân. Bất chợt lão nhớ lại dòng thơ đã ngủ yên trong tàng thức bấy lâu, nay thong thả gọi nhau ra rong chơi. Tại sao lại lúc này, chỉ có trời biết và người thơ biết…

Nhìn nắng đọng sân chùa…

Khách có biết mấy lần dâu bể?

Lắng chuông ngân đầu cỏ

Người không hay một thóang vô vi?

Vật vờ với câu mở nhìn nắng đọng sân chùa…, lão cảm thấy lâng lâng thóat tục. Thật ra câu tả cảnh này có gì hay ho lắm, nắng sân chùa trong thơ văn đầy ắp. Nhưng câu thơ ấy dẫn lão tới vệt nắng đang lung linh, mà chữ “nhìn” ẩn dụ bóng dáng ai đó, lặng lẽ cùng với nắng chiều. Ai đó, nhìn nắng u hòai về một ai. Khách có biết mấy lần dâu bể? Thì cứ ngầm cho là lão là “khách” đi, mà mảnh đời lão ngỡ như có thật cũng qua nhanh, đổi thay thóang chốc. Bao lần dâu bể là bấy nhiêu luân hồi, ấy là lão chắp vá chữ nghĩa của nhà Phật có bấy nhiêu trong một ngày nhạt nắng…

Ai đó còn từ bi lắng đọng, hãy nghe tiếng chuông ngân trên đầu cỏ ngập trong một thóang hư không. Mà có phải là tiếng chuông chùa chăng? Hay chỉ là tiếng chuông gợi nhớ của đời tục lụy. Chỉ khi nào ngừng lại ở một chữ si hay một cõi đi về mới có thể bước qua ngã chấp lần mò về chân ngã. Tâm đã lặng, ý đã trong, khách hay lão cũng vậy thôi, có thể rời con thuyền bát nhã bước lên bờ đi vào một cõi thong dong. Ngỏanh lại nhìn bờ bên kia bụi mờ gió lốc, có bao giờ lắng đọng một cõi vô minh hay chăng?

Ừ thì vậy đấy, gần như cuối đời, lão bị vật vã bởi những tiếng chuông. Thẩn thờ cả một hồi lâu, tia nắng đã tàn, đã mất, bóng chiều ập xuống lúc nào lão cũng chẳng hay. Bùi ngùi bước qua con lộ để trở về sân ga, lão không quay lại nhìn khoảnh bên kia chỉ thấy thoáng chốc một khỏang không gian im ắng đến cô tịch.

Lão chẳng thấy chuyến tầu nào…đến, rồi…đi. Sân ga đã chìm trong chiều tối âm u.

***

Cột điện bên đường đã lên đèn, trong sân ga mấy bà bán hàng rong ngọeo đầu ngủ gà ngủ gật. Lão lười biếng ngả lưng lên chiếc ghế dài dưới mái hiên, chân đi giầy gác lên cái túi xách. Trước khi đi vào giấc ngủ đường xa, lão thở ra một tiếng nhẹ, đầy hững hờ về một chuyến đi vô định. Như không nắng thì mưa, như một thóang mây trôi của đất trời…Lão chập chờn thao thức….

Vừa lúc ấy, sau bức tường khuất có một cậu bé chân bước nhẹ nhàng như lướt trên mặt đất. Cậu tới chỗ nằm của lão, miệng nở nụ cười ranh mãnh và tháo…đôi giầy của lão ra. Lão choàng dậy, vô tình hất cái túi xuống đất, làm cái bánh khúc rơi ra và lão cáu kỉnh: “Thằng ranh con này, mày…”. Cậu bé cúi lượm cái bánh, bóc lá, thong thả cho vào miệng nhai và hỏi lão: “Cụ làm cái gì ở đây hở?”. Hỏi xong, cậu bé lẳng lặng móc trong túi ra một…cái lá vàng và tiếp: “Cụ muốn trở về với quá khứ không? Vé đây, thưa cụ”. Lão há hốc mồm ra, ú ớ hỏi lại: “Là sao?…”.

Bất chợt tiếng chuông chùa vọng từ bên kia hàng cây. Vì tiếng “coong”. Khi không trong đầu lão bật ra truyện Tây Du Ký mà lão vừa đọc trên mạng trước khi về đây:

Chuyện là vào cái đêm cuối đi thỉnh kinh, ngày mai vào yết kiến đức Như Lai để lên kiếp Phật. Đường tăng trằn trọc không ngủ được, giờ đây sắp bỏ kiếp người, ông bỗng thấy day dứt, tay biếng lần tràng hạt, tâm linh như như níu kéo ông lại, cứa vào quá khứ đau xé. Ông hòai niệm về những ngày trẻ thơ, tới bậc sinh thành ra mình bấy lâu mà ông chưa một lần thắp hương khấn vái trong chuyến hành trình đầy gian nan…Con đường dẫn dắt tới đất Phật, ông dần chai sạn, quá nhiều bận phải khấn vái chỉ với mục đích mau đạt chánh quả. Ông gần như không có tình người. Nhưng đêm nay, trước ranh giới cuối cùng của cõi người và ngày mai sẽ thành Phật, ông mới hiểu cái cõi rễ của con người. Mỗi lần cứu giúp chúng sinh, ông chỉ thầm tính tóan xây cho mình một ngọn phù đồ, dựng một nấc thang tới phật đài và ông khẽ thở dài, ông không là người thì là ai? Ta nhập vào cõi niết bàn rồi thành Phật hay ma…

Ông trở mình và mở mắt thấy ba đệ tử đứng bên cạnh với những lo âu. Đường tăng thở hắt ra: “Không sao đâu. Ta chỉ chợt nhớ tới ngày xưa”. Nói rồi nhắm mắt lại. Chư Bát Giới cười khẽ: “Trở về quá khứ để làm người đâu có gì vui. Thầy trò ta dốc lòng theo đạo, mai kia lên chốn cực lạc sung sướng biêt mấy. Thầy đừng luyến tiếc”. Sa tăng an ủi: “Thầy trò mình sắp hóa Phật, mang đạo giúp đời, công quả nhiều lắm thầy ơi”. Ngộ Không chậm rãi: “Thầy đang dối lòng. Thầy đang nhớ cả một kiếp người”. Giọng Ngộ Không u uất: “Con từ đá sinh ra, coi thường cả thần thánh chỉ mong được làm…Người. Thầy đã là Người, lại tự bỏ mình đi tìm một hồn phách khác”.

Đường tăng lắc đầu, nhắm mắt nói như trăn trối: “Sau mười mấy năm viễn du, Bát Giới tự dối mình giác ngộ nhưng thật ra chỉ đi tìm một chốn hoan lạc mới trong xứ Phật. Sa Tăng rời cõi u mê này sang cõi không tưởng khác với một chữ si như cái nghiệp. Ngộ Không ơi, còn Ta, Ta không có quá khứ, không có tuổi thơ, chưa biết làm người là gì, làm sao để thành Phật”. Ngộ Không sụp xuống nắm tay thầy nghẹn ngào: “Thầy đã nhận ra chân lý. Nhưng chậm quá rồi”. Đường về, qua sông đức Như Lai chỉ cho Đường tăng thấy thân xác ông đang trôi dạt lềnh bềnh trên sông, thế nhưng ông không nghe thấy gì nữa, đôi mắt như vô hồn và…nước vẫn chẩy qua cầu.

Từ chuyện Đường tăng thóang qua, lão lan man tới câu thơ ban nãy người không hay một thóang vô vi. Còn ai trồng khoai đất này “người” đây là lão chứ ai. Lão săm soi ngắm nghía chiếc lá vàng và nheo mắt cười cũng đầy…vô vi không kém.

Lão tặc lưỡi: “Thôi được…”. Và lão mân mê chiếc lá vàng…

Xa xa có tiếng còi vọng lại, con tầu tiến lại gần và dừng ở sân ga. Cậu bé dắt lão lên tầu. Quay lại nhìn sân trống hoác, lão thấy…”lão” còn đang ngủ vùi trên băng ghế dài như trẻ thơ, sau đấy, mọi thứ chậm chạp tan dần. Cả hai ngồi xuống, lão ngắm chừng thằng oắt tì thấy quen quen, như đã gặp ở đẩu ở đâu và hỏi: “Thế mày tên gi?”. Cậu nháy mắt láu lỉnh: “Như tên của…cụ vậy. Thưa cụ”. Tầu âm ỉ chạy, như tiếng mẹ lão ru con từ những buổi thiếu thời…Lão chìm vào giấc hòe…

Lão mơ thấy giống Đường tăng trở về quá khứ đi tìm lại những ngày tháng cũ…

***

Lão là “nó” xưa kia, là đứa con cầu tự…Thầy u nó ăn ở với nhau cả năm nhưng chẳng đẻ đái gì, bác cả nó hay sư ông chùa làng bắt sắp một mâm sôi cúng quả. Y như rằng cuối năm nó i oe khóc lóc chào đời, đúng là con trời con Bụt có khác, có nhau tràng quấn cổ, thằng bé…ngộ nghĩnh trông thấy, nên được đặt tên là…thằng Ngộ.

Vào đến trong Nam. U nó mất. Chả hiểu có phải vì thầy nó gá nghĩa tào khang với dì nó hay chăng mà suốt ngày nó ngồi kiết già trên giường ngửa cổ lên trần nhà nhìn con thạch thùng đực đuổi con thạch thùng cái, miệng lầu bầu như đọc kinh. Áng chừng nó có căn tu, một ngày cuối tuần, cả nhà kéo nhau đi thăm bác cả nó nay là sư cụ trên núi Thị Vải ở Bà Rịa. Sau bữa thọ trai, dì nó len lén đi về, bỏ thằng Ngộ ở lại…chùa!

Từ đấy thằng Ngộ là chú tiểu và…”chú” như con bướm nâu chập chững biết bay…

Còn lại một mình đứng giữa đại hùng bảo điện, chú thấy đức Phật Tổ Như Lai trên đôi môi Ngài dường như đang mỉm cười tinh quái với chú. Chú được sư huynh dẫn ra sau chùa, chỉ cho bên hông trái là dẫy hậu liêu cho các sư nam, có một dòng thác nhỏ để các chú tiểu bơi lội với sóng nước. Phía hông phải có dẫy nhà cho các sư nữ, nơi này có một dòng suối nông hiền hòa dành cho các tiểu ni tắm táp. Bọc quanh đồi là mấy cái cốc, am nhỏ mái thấp lè tè dành cho người già tu tỉnh riêng hay hoặc giả như chú để vào đó…sám hối. Cũng từ dòng suối êm ả ấy, cái tịnh cốc ấy, quãng đời chú sau này chao đảo đầy biến động như dòng thác đổ và đẩy đưa qua một khúc quanh khác.

Những cốc, am nhỏ khuất nẻo quanh đồi. Đó là thế giới của chú sắp bước vào. Bởi vì làm con bướm đuổi theo mùi hương. Chuyện xẩy ra tất phải xẩy ra. Chú hay ai cũng vậy thôi, mãn giấc bướm, mãn chuyện nhân sinh. Chẳng qua là cái nghiệp thọ tưởng hành thức diệc phục như thị của câu kinh Bát Nhã còn kia. Chú…nhập thế, như thế cũng tốt thôi, như ở, như đi với xuân, hạ, thu, đông.

Nghe thầy và dì dặn dò trên xe đò, mặc dù ông bác là người trong nhà nhưng nay đã thụ bồ tát, nên phải gọi là sư cụ, ai thụ giới thanh văn là sư ông, trẻ hơn thì kêu là sư bác. Quen thói ở nhà với ông, với bác, nên gặp sư lớn tuổi, chú cứ gật đầu bừa với một điều sư bác, hai điều sư ông. Sư thầy nghe vậy dậy rằng, sư ông tuần tự được gọi là Đại Đức, Thượng Tọa và Hòa Thượng. Bên ni bộ cũng y hệt vậy, theo thứ tự được gọi là Sư cô, Ni sư và Sư bà. Cùng tông môn đồng đạo, gọi nhau bằng sư huynh, sư đệ, sư tỷ, sư muội. Còn chú, chưa được tu tâm tu tính ra cái hồn người nên kêu là…Sa di.

Chú tiểu Ngộ thấy…ngộ thật và lẩm nhẩm học cái tên mới: Sa di, sa di…

***

Một ngày chú đang lui cui quét sân chùa, gặp một…”cô sư” chạc tuổi chú, cũng cầm chổi giống chú nhưng chẳng quét tước quái gì. Cô tới cây đa đằng góc sân, quẳng cái chổi một bên, móc trong vạt áo ra mẩu giấy, nhìn kỹ trên đó ghi mấy chữ Tầu, kèm theo cả âm lẫn nghĩa. Cô sư thủ thỉ với gốc cây: “Đa ơi, giúp Ni mau thuộc nghe Đa” và bắt đầu học, cô lấy cái que viết ba chữ ngoằn ngòeo trên mặt đất như…giun bò.

Chả là mấy cái chữ tầu tầu này cũng làm khổ chú không ít. Chú đánh bạo hỏi thầy bổn sư, thầy là người ngày đầu sởn tóc chú làm lễ xuất gia và truyền dậy giáo lý cho chú. Thầy trả lời: “Đức Thích Ca là người xứ Tây Trúc, Phật tổ đâu có biết chữ Hán. Chúa Giê Su nào biết tiếng La Tinh. Cậu cứ đọc cho nhiều rồi sẽ nhập tâm để đi vào con đường giải thóat”. Xong, thầy hỏi lại chú: “Sao cậu không đi học ra đời làm việc, khi nào chán về đây tu cũng không muộn”. Thầy tiếp: “Chẳng lẽ cứ đi tu là bỏ việc đời. Cậu nên nhớ tu hành thì cũng có lúc xuất thế, nhập thế chứ…”.

Chuyện thầy bổn sư…xuất thế còn dài, hãy tạm gác qua một bên để nhập thế với “cô sư”. Cô rì rầm với cây đa: “Đa ơi, Đa còn có bình vôi là bạn, Ni chẳng có ai”. Chú thấy lạ vì người lại đi nói chuyện với…cây và lớ ngớ buột miệng làm quen: “Chào…sa di”. Cô chun chun cái mũi hếch, hất cái đầu nhấm nhẳng: “Ta là tiểu ni. Ngươi mới là sa di”. Cô cười khúc khích, ngoe nguẩy bỏ đi.

Từ cái hôm đó, tối tối trong chú mang bên mình hình bóng của tiểu ni.

***

Chú được thầy bổn sư truyền dậy giáo lý qua bộ luật Sa di tới lịch sử nhà Phật. Đến tuổi 20, chú được thụ giới “cụ túc” hay “tỳ kheo” để được gọi là Thầy. Nhưng khách thập phương cứ nhè chú gọi là sư trẻ. Sáng chiều sư trẻ ngồi xếp bằng, tay cầm dùi gõ mõ, miệng tụng trên trang kinh để trên giá, Vậy mà cái thiện nghiệp duyên mai hậu lù lù có mặt trong một ngày có nắng và mây. Số là một ngày gió rừng im tiếng, sư trẻ bỏ giấc ngủ trưa một mình hết thơ thẩn bên bờ suối, lại ngả lưng trên phiến đá thô nhìn lên trời xanh, mây trắng, nắng vàng.

Trong những giây phút xuất thần, sư trẻ hóa thân hòa nhập về một vùng hoang vu thái cổ. Sư chìm đắm trong một thời hoang sơ hòan tòan xa lạ với sư…Sư để hồn bay bổng hòa lẫn tiếng thác đổ, cành lá xào xạc. Trên phiến đá bên bờ suối ấy, cái bóng mầu nâu thả hồn đi hoang, bay lên, bay lên mãi. Bất chợt sư lồm cồm ngồi dậy và cất bước lang thang…từ bên này núi non sông nước qua bờ bên kia của một thế giới chẳng ai biết. Đó là thế giới của sư trẻ sắp bước vào, sư đã là con bướm đuổi theo mùi hương. Vừa đi sư trẻ vừa ngẫm nghĩ, ai mà chẳng có lúc buông lơi bồng bềnh thả hồn theo mây khói vậy thôi. Tưởng chuyện gì. Chuyện đó cũng bình thường thôi. Và sư nghĩ vậy. Nhưng chẳng phải vậy.

Sư thấy mình len lỏi lên thượng nguồn, ngược dòng suối và tự hỏi mình đang đi đâu đây? Khật khờ bò lên triền dốc, sư thóang nghe tiếng lao xao, cười nói, đùa nghịch với sóng nước. Đang lưỡng lự định quay về, vì sư biết rằng giờ này nóng nực, các tiểu ni đang ngâm mình dưới dòng suối cạn. Sư vội chắp tay niệm chú trong Bát Nhã Tâm Kinh Đi qua, đi qua! Qua bờ bên kia! Qua bờ bên kia!. Câu niệm sư dựa vào tích đức Bồ đề Đạt Ma khi ông sang sông trên một cọng lau nhỏ để về một bến giác…Bến giác đâu chẳng thấy, chỉ thấy cái nghiệp của nhà Phật không hẹn mà gặp nó ì ạch đến với sư…

Vì rằng bỗng dưng không đâu có hòn đá to bằng cái đầu sư ì ầm lăn theo triền dốc xuống dòng suối. Dưới nguồn có tiếng la thất thanh chói lói. Sư chới với, sư đảo mắt nhìn về phía bụi rậm gần đấy, nơi hòn đá của cái nghiệp xuất phát. Chưa hiểu khỉ mốc gì thì mặt mũi sư ngáo ệch ra vì có bóng người, áo quần đầy bụi và cỏ gai, mắt mở thao láo trắng dã và…nhẩy bổ ra. Người không nắm đầu mà túm lấy vạt áo nâu sòng của sư. Người không dẫn sư về chùa quỳ cho hết một cây nhang dưới phật đài, mà hùng hùng hổ hổ kéo thốc sư về am, cốc để…sám hối. Và chuyện không bình thường chút nào vì:

Người không ai khác hơn là…thầy bổn sư.

***

Nơi chốn tịnh cốc, trong bóng tối âm u, nào sư có “sám hối” gì được, vì tối nay có bão từ biển xa về…Sư miên man về dòng đời và biển. Chưa có giông bão, mặt biển im ắng lạ lùng, nhưng chính lúc ấy, làn sóng ngầm đang chuyển động ở dưới đáy. Đời các nhà sư cũng vậy, chỉ phẳng lặng ở bên ngòai và chỉ đợi một cơn giông. Nhìn bức vách đá vô vị mãi cũng hóa thân thành…vô vi, cũng chán, sư dựa vào vách thiếp đi một lát. Trong giấc miên du, ngày rằm tháng giêng, sư bắt gặp dáng hình lả lơi của mấy cô gái đi trẩy hội, mùi phấn, mùi hương ngây ngất, ngần ấy thứ thừa sức cám dỗ người và người bao giờ cũng yếu đuối.

Trong giấc mơ, sư gặp lại khuôn mặt của thầy bổn sư, mắt sâu, má hóp, vẻ khắc khổ của một kẻ tu hành với những đợt sóng ngầm đang âm ỉ chồng chất…Cái tâm địa của thầy, mớ địa chất nóng hôi hổi nằm dưới lòng biển đang nhấp nhổm đợi bùng lên. Nào có khác gì sư bây giờ đâu…Vì sư vừa nhớ lại…Thóang bắt gặp…một nụ non mới nhú. Sư mang mang nhớ tiểu ni nay là…sư cô. Bình thường thôi mà…Sư thầm nghĩ thế. Và cho là như thế.

Gió thốc qua am đánh thức sư dậy, ngắm chừng ra ngòai sư thấy có bóng lửa lập lòe dưới bậc tam cấp. Nhướng mắt nhìn kỹ hóa ra sư cô, tay cầm cái đèn dầu tây cao cổ đỏ kệch, tay lễ mề cắp một bó chiếu nặng. Sư vội nhỏm dậy, miệng định “Mô Phật”, thì lắp bắp bật ra hai tiếng: “Sư cô..”. Thế là bị sư cô lườm một cái và giọng lạnh ngắt như đồng: ”Gọi là Ni được rồi”. Dưới ánh đèn, sư thoáng nhìn nét mặt ni cô nhiễm một vẻ huyễn hoặc. Còn ni cô từ nãy đến giờ vẫn ngồi yên, chẳng nói nửa lời, mắt nhìn xuống triền dốc xa vắng, có dáng nghĩ ngợi mông lung. Đến cả một lúc lâu, ni cô đứng dậy nói trống không, như không có mặt của sư: “Thôi về, tắt đèn đi, nhỡ có người trông thấy” và ni cô quây quả đi ra…Bình thường sao được! Còn một mình, sư cười thầm, mang đèn tới rồi bắt tắt đi. Và sư vặn óc nghĩ không ra: Người gì…quái.

Tối hôm sau trong bóng đêm, sư thầm mong ni cô đến, như người khát vộc nước suối trong. Sư chẳng sám hối nữa, dựa lưng vào tường, đánh một giấc. Bỗng có tiếng đập vào vai: “Dậy…”. Ni cô dí vào tay sư một quyển sách và nói: “Này…” làm sư giật bắn người lên, ngỡ kinh kệ. Hóa ra quyển Hồn Bướm Mơ Tiên. Sư tự hỏi: “ Chuyện gì đây!” và trải chiếu cho hai người ngồi. Ni cô chun chun cái mũi: “Đọc đi…” và đợi. Vậy thôi. Nhưng trong cái đầu đất của sư đang đánh vật với mớ bòng bong, rằng giữa đêm khuya thanh vắng lại đi “tụng” chuyện tiên mơ bướm ở đây. Sư quên khuấy cơn bão biển lẫn cơn bão lòng đang rình rập quanh đây. Nói gì thì nói, cái chạm tay vô tình, vô tâm, vô tính vừa rồi, sư thấy người ngợm tê rần và bấn lọan không đâu.

Đọc thì đọc, sư chậm rãi ê a như tụng kinh: …trên con đường đi Đông Triều, chiếc ô tô hàng bon bon chạy. Bỗng một người hành khác vận âu phục nhìn thấy nóc chùa Long Vân ở xa xa, thò đầu ra cửa ngơ ngác nhìn rồi kêu: cho tôi xuống đây…. Trong khi ấy, ni cô nhìn ra cái bệ cửa theo đuổi những tâm tư của riêng mình qua chuyện kể ông Ngọc xuống xe và sẽ găp ni cô giả trai tên Lan. Chỉ là chuyện bên ngòai cửa chùa vì chú tiểu Lan nào có khác gì ni cô với những tục lụy ở cái tuổi chớm dậy thì. Cô bị thầy bu đưa vào chùa nương cửa Phật. Tiếng chuông chùa chỉ gợi cho cô những lạnh lẽo, khô khan, hòa lẫn những mộng mơ, mơ mộng vẩn vơ, vơ vẩn…

Chả hiểu ni cô nghĩ gì, nhìn cái gáy trắng ngần của ni cô, sư nuốt nước bọt và ngừng đọc để thả hồn theo…bướm và thiền định như một thiền sư:

Xuống tóc, vì em khép cửa đời

Vào thiền để chỉ thấy viền môi

Yêu em, ai bảo tâm không ngộ

Quên hết, nhìn nhau nhất quán rồi

(Du Tử Lê)

Xong, sư bình thản đọc tiếp, như không có gì xẩy ra trong…sư: …được sư bác dặn dò từ trước, Ngọc biết ngay đây là chú tiểu Lan đến đón mình, toan cầm cái quai xách lên thì chú tiểu đã vội đặt thúng sắn xuống, xách cái va li lên và….hai tay chạm vào nhau…. Sư thót người lại vì giống y hệt như cái chạm tay ban nãy.

Sư thầm xa vắng về những ngày tháng sắp tới cùng những đêm dài mông lung:

Đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ

Và thấy trong kinh đủ bóng hình

Bế quan tọa thị, tôi và vách

Tôi tụng kinh gì, em nghe đi

(Du Tử Lê)

***

Mưa nặng hột, gió rít lên ào ào, đèn lập lòe muốn tắt. Ni cô ngó chừng ra ngòai. Mưa tạt, gió động, kéo theo một con bướm nằm ngay đơ bên bệ cửa. Thấy con bướm lạ, cô nhòai người đặt nó lên mu bàn tay nhìn kỹ hơn. Cánh bướm điểm những đốm mầu nâu rầu rĩ, u tối. Cô mường tượng đến một mảnh đời khác hẳn cảnh đời cô đọng ở cái am vắng này. Cái cảnh đời mà thay cho tiếng đàn, tiếng phách là tiếng chuông, tiếng mõ. Đang miên man với những đẩy đưa nhưng cô có linh cảm như có ai đó đang lắng đọng nhìn cô như con bướm ma cánh nâu.

Đôi mắt ấy lặng lờ, không nài xin, cái con người ấy cũng nửa nâu, nửa rầu rĩ. Đôi mắt ấy đẩy đưa cô vào khỏang không, cô bị cuốn hút theo, người cô như nhướng lên khỏi mặt chiếu. Cánh con bướm động đậy, dường như những phấn bướm, phấn hương đọng trên da, trên thịt khiến cô ngứa ngáy, bần thần, rạo rực. Giọng đọc của sư rì rầm như tiếng gió rì rào ngòai am. Như tiếng gọi của gợi nhớ chẳng thể dập tắt được. Tiếng gọi của đời tục lụy trước kia cô muốn lánh xa, và ngay cả chính cô đang kìm hãm những ham muốn…tiếng lá rụng ngòai vườn sắn như có mãnh lực khiến Lan ôn lại những mảnh đời dĩ vãng, trí lại tưởng tượng đến cái cảnh lá rụng khi mới tới chùa Long Vân, cái cảnh bên bờ suối với mấy cây thông già tàn lụi, lá thông khô, theo dòng nước trôi đi….

Cô đang trộn lẫn hiện tại với dĩ vãng…

Chuyện là bố mẹ cô bắt đi tu vì đi xem bói thấy số cô nặng căn. Vì đào hoa chiếu mệnh nên phải gửi thân, ép xác dưới cửa thiền cho tròn quả phúc. Mà ở chùa việc nào phải là ít. Hết thỉnh chuông, tụng kinh mỗi ngày bốn thời, đến quét sân, tưới cây, nấu cơm, giặt dũ. Ấy vậy mà quanh năm chỉ gạo hẩm với rau muống già chấm tương. Thỉnh thỏang có “cá” kho. Ấy là trái khổ qua, cắt khoanh om tương, ăn đắng từ trong ruột đắng ra. Thịt mỡ dính trên miệng mép đã lâu, khổ qua thành…khổ quá. Con gái tuổi dậy thì, ăn bao nhiêu chẳng biết no. Thân xác cô như thôi thúc, cứ hừng hực như bốc lửa, lửa bốc từ trong bốc ra. Thức thâu đêm, đọc bao nhiêu kinh Di Lặc cứu nhân độ thế của một thời mạt pháp cũng không dập tắt được lửa lòng. Nhiều đêm lửa âm ty thiêu đốt cả kinh kệ, chữ nghĩa của nhà Phật. Cô phải bỏ giã đậu làm tương, hay đóng ỏan vào khuôn, càng xay càng giã, cầm cái chày lửa càng bốc cao. Khốn khổ vì cái chày hình thù cổ quái to bằng cổ chai, ba bốn giờ sáng, trời lạnh cứa da cứa thịt. Cô ngâm mình xuống dòng suối mong dập tắt ngọn lửa của đời thường đang đốt cháy trong cô.

Và cô liếc trộm sư, đôi gò má cô đỏ lên tím rịm…

…Ánh trăng tháng chạp trong vắt chiếu qua mấy cây trầu chung quanh vườn sắn xơ xác cành khô, gío thỏang qua lá vàng rơi lác đác, Lan thì thầm đọc kinh, thỉnh thỏang lại đặt quyển sách ngơ ngác nhìn, như sợ ai…nhìn trộm mình…. Sư cũng đang “nhìn trộm” ni cô…Chao ơi, đôi gò má đỏ ửng như cua lột đang bừng bừng thiêu đốt sư. Mặt nước biển đang lặng sóng như nước ao tù, sư đã hiểu được đôi điều qua thầy bổn sư với khuôn mặt vô cảm, phẳng lặng. Cuộc đời ông bình lặng quá. Nhưng thực sự ngọn lửa trong ông đang âm ỉ, chỉ đợi một cơn gió nồm, gió nam. Cũng như sư vậy. Bờ vai nhễ nhại, nụ hoa mới nhú bên bờ suối là giọt dầu thêm vào lửa đang cháy trong sư.

Chuyện bình thường đây! Sư ngẫm là như thế. Và cho là như vậy.

Sư tự biết là tâm động, tà niệm đã khơi. Sư lắc đầu xua đuổi cái ý tưởng tà ma ấy đi. Sư pháp tọa và nhiếp mình vào chính niệm, mắt nhìn bức tường đá, tay chắp lên ngực. Sư suy tưởng bài tĩnh tâm của đức Bồ Đề Đạt Ma xua đuổi ám chướng. Xong, sư đọc tiếp, giọng như lạc đi: …cố không suy tưởng nữa, học theo sư bác ngồi tĩnh tọa và khẽ nhắm mắt lại…Bị ám ảnh với ý nghĩ của tục lụy là tưởng tượng cái ngày Ngọc đạp xe lên thăm Lan. Lan buột miệng: “Không được, không được…. Sư nhắm mắt, nhưng tâm ý sư không ngủ yên. Theo bản năng, bàn tay sư mò mẫm nắm lấy cổ tay tròn lẳn của cô. Cô co rúm lại, thảng thốt kêu: “Không được, không được…”.

Sư nhởn nha: Vậy là không bình thường đây…Hình như cuộc sống đến một lúc nào đó phải chấp nhận những gì…”không bình thường” và cứ xem nó như…chuyện đời thường thôi. Hãy chấp nhận những gì mà mình đang có được hay sẽ có hoặc không, để chịu đựng qua cơn bão, để làm sao để biết tìm nơi trú ẩn dưới cơn mưa. Nhưng chuyện đời thường ấy, dường như sư đã biết rồi. Sư thản nhiên, chẳng nói một lời. Nói gì, có gì để mà nói, bình thường như xuân hạ thu đông trôi qua mái chùa…

***

Chợt cơn gió mạnh ào vào am. Ngọn đèn lao chao tắt ngúm. Một tia chớp ập qua khung cửa. Tiếp đến là những tiếng sấm ầm ầm vang dội trời đất…

Cô thất thần ôm chòang lấy sư. Cả hai lăn ra chiếu.. Sư cong lưng xuống. Sư thấy những cái cuống chiếu rách bươm tơi tả. Cô oằn người ngửa mặt lên. Cô thấy cái mái rạ lùng bùng nhấp nhô theo gíó, theo mưa. Trong hư không tĩnh lặng hòa lẫn tiếng chuông chùa của chú tiểu nào đó rên rỉ như tiếng gọi của đời tục lụy trong khuya vắng…hòa lẫn tiếng hổn hển rời rạc tan lõang vào hư vô:

– Thầy.

– Ni.

Im ắng…Đằng góc am…Bất động…Dưới đất thô…

Không ngoài chỉ có hai tấm áo nâu sòng nằm vắt lên nhau.

***

Sáng tinh mơ hôm sau. Một bóng người lầm lũi men theo triền dốc xuống núi. Dáng đi tưởng sắp đổ gục xuống, như cây chuối hột bị một nhát dao sắc chém ngang lưng. Bóng người mờ nhạt dần vào thôn xóm trong sương sớm. Cửa chùa khép lại…

Bóng người ấy phảng phất giống Đường tăng rong ruổi trong một cõi có đi, nhưng chẳng có về. Chẳng ai nắm bắt được nỗi niềm của chuyện đời cũ rích, rằng có mấy ai trở về tắm lại hai lần cùng…một dòng suối. Nhất là lại là một ông sư.

Bằng xáo động và tĩnh lặng…cảnh nói thay người, người chẳng có gì để nói. Chẳng có gì để nói giữa mưa gió và sấm chớp. Nói gì? Có gì để nói giữa sư và ni cô? Chuyện xẩy ra là chuyện tự nhiên của đất trời như xuân hạ thu đông có bốn mùa.

***

Vòng luân chuyển với dòng đời ngược suôi, bánh xe luân hồi quay theo thời gian. Ngày mai hạ đến, thu sang, đông tàn và chẳng ai nghĩ ở cái tuổi lá vàng mùa xuân chẳng trở về nữa. Thế nhưng chuyện không bình thường là ngày nào năm ấy, một ngày không nắng cũng chẳng mưa, lão trở về chốn cũ…

Qua khỏi thị trấn Long Thành, tới rặng núi Thị Vải, xe dừng lại để lão Ngộ xuống. Khung cảnh nơi đây đã xa lạ, bên trái là con đường mòn dẫn vào trong dẫy núi, con đường ngày nào với lão chỉ hai lần…đến và đi. Lão hỏi thăm chị bán củi. Chị kể lể về sư bà trụ trì. Rằng răng chẳng còn chiếc nào, chỉ ăn khổ qua dầm tương được thôi. Chị tiếp, sư bà tịnh khẩu cả mấy chục năm nay, chả biết chuyện gì. Mặc chị râm rả, lão đang cùng những vụn vặt, qua sông ai nỡ quên đò. Chuyện là thỉnh thoảng, lão cũng nghe phong phanh về chùa xưa, người cũ cùng những…”nhân quả” này kia, kia nọ. Mà dễ gì mà hỏi han về…”chuyện ấy” với người lạ. Nên lão ngậm tăm.

Lên đến lưng chừng núi, thóang từ xa, lão đã thấy ẩn hiện mái ngói cong của nóc chùa quen thuộc, lòng rộn ràng lão vội bước vào cổng tam quan. Người cũ chưa thấy nhưng cảnh xưa đang hiện ra ngay trước mắt lão. Triền dốc núi không còn những cây cổ thụ hai ba người ôm, hình như bị sét đánh phạt ngang cả gốc cháy thui. Ngay bên đống củi cao là một khu đất nhỏ trồng hoa, có năm bẩy ngọn tháp nằm chơ vơ. Cứ theo chị gánh củi, ấy là mộ phần của người nhà chùa đã viên tịch. Hỏi chị nghĩa địa nhỏ ấy có từ hồi nào. Chị cho hay năm 75, mấy ông dép râu, nón tai bèo ở trên núi kéo về, tên rơi đạc lạc, người nhà chùa đành gửi thân xác nơi đây…

Trong khi chị bán củi chạy đi tìm sư bà. Lão lọ mọ ra dẫy hậu liêu của các sư trẻ trước kia. Lão tìm ra phiến đá thô ngồi xuống. Lão nhớ lại truyện Đường tăng bị giằng co giữa Phật và đời. Phật chỉ là hình ảnh tâm linh và Đường tăng muốn tìm về quá khứ, không phải thuộc về đạo mà là cái thuộc về đời. Hóa ra kiếp tu hành vẫn là kiếp nhân sinh. Được sống, được làm người vẫn là một cái gì mơ hồ nhất. Nhất là lại có một quá khứ ở đằng sau như lão. Và lão cảm thấy thấy gần gũi với Đường tăng hơn. Vì lão vừa rong ruổi trở về với quá khứ trước mặt, lão mơ hồ đến bên kia triền đồi, có một cái am…

***

Lão bước vào nhà trai nhìn thấy sư bà ngồi đợi lão ở cuối dẫy. Sư bà lặng lẽ ngắm lão từ xa đi tới, gật đầu chào lão khi đến gần và chỉ vào cái ghế ngay trươc mặt. Lão ngồi xuống đăm đăm nhìn sư bà tìm lại những nét hương xưa nhưng chẳng thấy, mà chỉ thấy những nếp nhăn của năm tháng. Thở ra để lấy hơi nói chữ, sau một hai cái húng hắng ho khan, lão bóng gió xa xôi về lão như thế này đây: “Bạch sư bà, nhờ ngọn đèn dẫn dắt chúng tôi trở lại đây vãn cảnh chùa cũ…”. Lão đằng hắng dọ dẫm: “Chẳng dấu gì sư bà…Mô Phật, chẳng là xưa kia chúng tôi cũng ăn mày cửa Phật nơi đây…”.

Sư bà lặng lẽ chỉ bài thơ nét chữ thảo treo đằng sau lưng:

Ngộ bất ngộ

Phùng bất phùng

Nguyệt trần hải để

Nhân tại mộng trung

Mắt lão như mờ đi và chợt nhớ ra rằng sư bà đã tịnh khẩu tự lâu lắm rồi. Vừa lúc bà sãi mang trà vào, sư bà lẳng lặng ngồi dậy, khoan thai đi lại bàn thờ gần đấy thắp nhang. Đợi đầu nhang cháy đỏ, phẩy nhẹ một cái. Sư bà đưa lên ngang mặt, cúi đầu vái, miệng lâm râm khấn. Từng làn khói mỏng lõang dần, trên bàn thờ không có ảnh tượng, bài vị. Ngòai ngọn đèn dầu. Ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn tạo thành những hình bóng chập chờn trên bức vách. Những sợi khói xanh của hương đèn bay lên tạo một khoảng không trầm mặc và ảm đạm.

Với lão Ngộ, cái đèn dầu tây cao cổ, mầu đỏ kệch có dáng quen quen.

Trở về chỗ ngồi, sư bà nhíu mày hấp háy nhìn lão. Lão lẩn mẩn ngó cái ấm tích vẽ ông tiên bế cậu bé, cậu bé ôm trái đào non. Từ trái đào, lão bồn chồn cùng…nhân với quả của nhà Phật với…lão. Số là “quả” đây qua thư nhà bóng gió xa xôi nên lão càng mù mờ thêm. Đắn đo trong giây lát, nhòai mình qua gần nửa cái bàn.

Lão lập cập từng tiếng một chẳng ra hơi:

– Bạch cụ…tôi…tôi hỏi khí không phải…xin cụ thứ lỗi…

Lão ngập ngừng, ngọng nghịu đến líu lưỡi và tiếp:

– Bạch cụ…con…con…của…của…có còn không?

Sư bà nhắm mắt lại, tâm trí sư bà dường như đang gửi gấm về một nơi xa xăm nào đó. Một cơn gió nhẹ của ngày xưa cũ len lỏi qua cánh cửa sổ đưa sư bà về với thực tại. Mở chòang mắt, dưới ánh sáng mờ mờ đôi mắt già nua long lanh ngấn lệ.

Sư bà cúi người xuống, nửa cái lưng còng chóan gần nửa cái bàn bên kia.

Hai mái đầu già chụm vào nhau. Sư bà giọng đứt quãng:

– Thưa cụ…còn…còn…ạ.

– Bạch cụ…trai hay…gái…gái…

– Thưa cụ…trai…trai…ạ.

– Bạch cụ…thưa…thưa…tôi muốn…muốn gặp…con…con…

– Bẩm cụ….được…được…ạ.

Lão hóng tai lắng nghe…Nhưng thấy sư bà chỉ ra ngoài cửa sổ. Chạm vào mắt lão là ngôi mộ nhỏ trong nghĩa địa cạnh vườn hoa.

Và lão thốt lên một tiếng:

– Ni.

Trời đất hay ai cũng vậy thôi, nói gì, có gì để mà nói. Với những ngày sáng nắng chiều mưa chỉ là chuyện bất biến của đất trời. Giữa lão và sư bà ẩn hiện một mái chùa mà nét động duy nhất là cái chuông. Giữa khuya thanh vắng, tiếng chuông nói thay người vì người chẳng có gì để nói. Có chẳng khác không. Không chẳng khác có. Bình lặng như áng mây hững hờ bay qua mái chùa mỗi xuân, hạ, thu, đông.

***

Vì một tiếng “Ni”…Lão Ngộ chòang tỉnh ngớ ra ấy là chỉ là một giấc ngủ ngày với…hồn bướm mơ hoa. Mới tỉnh giấc, vậy mà lão đã loay hoay chuyện Trang Tử hóa bướm với mấy ai hiểu Trang Tử là bướm hay bướm là Trang Tử. Trong nửa tỉnh nửa mê, lão chập chờn với mộng hay thực? Nói cho ngay qua chuyến đi này, lão cũng có ý tìm gặp người xưa của những ngày tháng cũ. Hóa ra hồn ma bóng quế ấy nằm ngủ trong tâm khảm đã ngọ nguậy để có giấc mơ vừa rồi qua tiếng chuông, tiếng mõ cùng bờ mê, bến ngộ. Lão bần thần đến bài viết Trồng cây trên đá đang nằm trong cái túi sách mà lão mang về cho người xưa như một món quà tao ngộ.

Chả là bấy lâu nay trên lưng lão mang dáng dấp một hình bóng của vạt áo nâu sòng, người đi qua đời lão xuống tóc nương cửa thiền môn. Hình ảnh ấy lắng đọng trong lão từ những ngày mới lớn, mới biết yêu lần đầu. Những dấu ấn lẩn khuất trong những ngày nắng quái chiều hôm, lão chẳng thể thóat tục với: tình cũ trong nhau có niết bàn, người xưa như thóang bóng từ bi (thơ Du Tử Lê). Sau những tháng năm với đường mưa ướt đất, với bốn mùa cũng qua đi. Đang ở cái tuổi nhi nhĩ thuận, và cho rằng chuyện gì rồi cũng cho nó qua. Nên lão ngồi xuống cái bàn gõ, như gõ mõ. Bằng vào bài viết về một mảnh đời qua kinh Bát Nhã và có cái tựa đề Trồng cây trên đá trên.

Lão lồm cồm ngồi dậy, chợt bồi hồi đến chiều hôm qua, bên kia con lộ. Lão đứng trong sân chùa nhìn tia nắng đọng trên sân chùa kia men lên bờ tường, leo qua hàng giậu, xuyên qua bụi chuối và rồi tắt nắng ở vườn sau. Lão mơ hồ nghe như có tiếng còi tầu của chuyến xe lửa trở về quá khứ. Lão thả hồn hoang vắng đến rặng mồng tơi xanh rờn. Qua một buổi sáng đầu ngày có nắng ong ong, lão nhướng mắt đi tìm một con bướm lặng lờ bên hàng giậu thưa…

Đất trời đang độ cuối thu sang đông. Nỗi trống vắng vừa rồi đến với lão bàng bạc và nhẹ tênh. Nhớ người trong điếu thuốc khói huyền bay lên cây. Khói huyền, khói thuốc bay đi rồi mất hút. Lão phân vân tự hỏi có nên tìm gặp lại người xưa ở cái tuổi nhạt nắng, ở đâu đó chăng. Vừa thả hồn theo gió cho mây ngàn bay, lão vừa lầm lũi bước ra lề đường và đứng thu lu cạnh cái cột đèn hiu hắt. Lão thò tay vào túi quần tìm những thiếu vắng không tên nhưng chẳng thấy…bao thuốc lá đâu? Mà chỉ thấy…chiếc lá.

Và…

Và lão mân mê chiếc lá vàng.

Trúc gia trang

Thu điếu, nguyệt tận, Kỷ Sửu niên

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Phụ chú: Xuân, Hạ, Thu, Đông được dựa vào những tác phẩm và tác giả:

Nắng Đọng Sân Chùa (Diệu Trân Như thị Am) – Chuyến Tầu Tuổi Thơ (Robert Rojdestvensky) – Đường Tăng (Trương Quang Động) – Chú Tiểu Nhỏ (Biển Chết) Cây Đa Chùa Cũ (Vình Hảo) – Dải Lụa (Dương Duy Ngữ). Và cảm hoài qua phim “Spring, Summer,Fall, Winter…and Spring…” của Đại Hàn .

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search