T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Cờ Vàng trên kỳ đài Mẫu hạm Midway

clip_image001

Nhớ lại vài năm trước nhân ba mươi lăm năm nhìn lại tháng tư đen, hình ảnh gây ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là buổi lễ trang trọng được các giới chức Hải quân Mỹ và quan chức địa phương tổ chức trên Hàng không mẫu hạm Midway, một bảo tàng nổi về lịch sử chiến tranh, hiện thả neo cố định tại vùng vịnh San Diego từ nhiều năm nay.

Qua diễn tiến buổi lễ, nhiều giai thoại đã được nhắc nhớ mang nặng hoài niệm về hình ảnh sau khi cuộc chiến tàn, mà nhiệm vụ cao đẹp là sự tiếp cận, đón nhận dòng người di tản từ biển Đông ngay sau khi Sài gòn thất thủ của những người đồng minh anh em cũ, trong đó vai trò của mẫu hạm Midway với những chiến sĩ một thời hết mình cho nhu cầu lửa đạn đã chuyển nhiệm vụ hướng về công tác cứu trợ nhân đạo cho những thường dân và chiến hữu Việt nam đang đổ về hướng biển để thoát chạy một thảm cảnh có nguy cơ ‘tắm máu’ giữa đêm giao thừa của Sài gòn thất thủ.

Ít ai tưởng tượng và có thể ngờ rằng ba mươi lăm năm sau trên một hàng không mẫu hạm lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ, người ta lại kỷ niệm sự kiện lịch sử tưởng chừng đi vào quên lãng, với một nghi lễ trân trọng giàu cảm xúc khi lá cờ vàng thân yêu của những người bỏ nước ra đi tung bay phấp phới cùng lá cờ hoa của Mỹ trên đỉnh kỳ đài của mẫu hạm Midway vào một ngày đẹp trời tại vùng San Diego Bay được coi là căn cứ tiền tiêu của Hải quân Mỹ chỉ cách Little Sàigon chưa đầy trăm cây số đường chim bay. Cũng như tôi, cảm xúc của đa phần người tham dự đều coi đây là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị Việt-Mỹ, gây ấn tượng mạnh cho những người đã một thời chiến đấu bên nhau và dù cho lịch sử đã sang trang thì sự hy sinh của họ vẫn đầy đủ ý nghĩa và đáng được trân trọng vinh danh.

clip_image003

clip_image005

Cũng trong buổi lễ, điều thú vị là những chứng nhân một thời, người là chủ của con tàu tiếp cứu, người là khách di tản trên mẫu hạm năm xưa, lại có dịp hội ngộ và ôn lại vài giai thoại đáng nhớ, trong đó tấm gương dũng cảm của người phi công Lý Bửng thuộc không lực Việt nam đã được nhìn nhận một cách đầy thán phục của vị cựu tư lệnh mẫu hạm ngày đó là phó Đô đốc Lawrence Chambers khi ông vinh danh anh như “người dũng cảm nhất trên thế giới” (the braviest man in the world) [ báo OC Register, April 1, 2010] chỉ vì viên phi công của Không lực VNCH đã dám đáp xuống đường bay của mẫu hạm bằng một máy bay L19, một loại Cessna với hai chỗ ngồi dành cho các phi vụ quan sát, chỉ hoạt động trên không phận đất liền và không có tên trong chủng loại được cất cánh hoặc đáp trên sàn bay mẫu hạm vốn chỉ dành cho các phi cơ chiến đấu phản lực hoặc trực thăng khi lâm chiến.

clip_image006

Các phóng viên ngoại quốc phỏng vấn Thiếu Tá Phi Công Lý Bửng

Cũng chuyện chiếc máy bay, trong khi các loại phi cơ di tản từ đất liền đáp xuống thả người xong bị đẩy liền xuống biển để giải tỏa sàn bay thì ‘nguyên bản’ của chiếc L19 đã được cẩn thận giữ lại và đưa về trưng bày tại viện bảo tàng hải quân của Mỹ ở Pensacola (Florida), coi nó như tư liệu vật thể đã làm một chuyện có một không hai khi chưa hề có phi công Hoa kỳ nào trên bất cứ hàng không mẫu hạm nào dám làm một cuộc hạ cánh sát thủ như vậy. Lần này nhân kỷ niệm sự kiện 35 năm tại San Diego Bay, hải quân Mỹ cho làm một ‘phiên bản’ y hệt như nguyên bản để triển lãm cho bà con vùng Nam California. Họ cũng mời bằng được người lái của nó hiện diện trong buổi lễ như nhân chứng sống đã liều mạng đi tìm tự do cùng người vợ và năm đứa con thơ với gia tài gói trọn trong một chiếc áo gối, nhét gọn cả người lẫn hành trang trong phòng lái mà sức chứa vỏn vẹn theo qui định chỉ dành cho một phi công và một quan sát viên khi cất cánh.

Đáng cảm động là cuộc hội ngộ vẫn còn đủ bộ ba ‘xe pháo mã’ từ tư lệnh mẫu hạm Midway là người đã phá lệ cho phép đáp, đến chỉ huy điều hành sân đáp là người dám đề xuất xin cho đáp và viên phi công Việt nam liều chết nhất định đáp. Tuổi đời của họ tuy chồng chất thêm ba mươi năm gánh nặng của thời gian, nhưng họ vẫn tay bắt mặt mừng hồi tưởng sự kiện cứ như mới ngày hôm qua. Họ là những người còn sống sót sau cuộc chiến và hành động cứu nguy thoát hiểm này được xem như một dấu chấm khép lại cho một chương quân sử mà sau hơn ba mươi năm nhìn lại được các cựu binh Việt-Mỹ nhắc đến như chủ đề hữu nghị cho ngày kỷ niệm tháng tư đen.

Có một điều người phi công bỏ nước ra đi, lạnh lùng đơn độc trên đại dương trong một phi vụ bay đêm một đi không trở lại, trong đêm cuối cùng của cuộc chiến đã không ngờ mình và gia đình còn sống sót, và điều làm anh xúc động nhất trong buổi lễ hôm nay chưa hẳn là những lời ca ngợi của vị cựu tư lệnh mẫu hạm đồng minh [vinh dự này anh xin dành cho các đồng đội của anh], nhưng cái đáng nói là có ngày nhìn lại lá cờ vàng thân yêu, một biểu tượng anh dám sống chết vì nó trong cuộc chiến, lại phất phới tung bay cạnh lá quốc kỳ của quê hương thứ hai đã cưu mang anh, trên cùng một mẫu hạm mà ba mươi lăm năm trước đã chứng kiến sự bức tử của một chế độ chính trị và sự tan hàng của một đạo quân được coi là chiến đấu rất oai hùng trong quân sử Việt.

Đỗ Xuân Tê

(tháng tư nhìn lại)

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search