T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TV&BH : Bông Hồng Tạ Ơn của Nguyễn Đình Tòan tái bản

Được biết, ngày chủ nhật 13 tháng 5 tới đây vào lúc 3 giờ chiều, nhà văn/ nhà thơ /nhạc sĩ Nguyễn Đình Tòan sẽ ra mắt bộ sách 2 quyển “ Bông Hồng Tạ Ơn “ tại Hội trường nhật báo người Việt ở thành phố Westminster, CA. Đây là bộ sách đã in lần đầu năm 2006, tái bản lần 2 năm 2012.

Người bạn trẻ Lưu Na, khá gần gủi với Nguyễn Đình Tòan, đã gởi cho tôi bộ sách tái bản với chữ ký của tác giả. Với tôi, Nguyễn Đình Tòan là một trong hai cây cổ thụ tỏa bóng trong suốt một thời niên thiếu say mê văn chương của tôi. Người kia là nhà văn Nguyễn Xuân Hòang, cũng là một người thầy từ những năm tháng mài đũng quần trên ghế trường Petrus Ký, Sài Gòn. Tuy Nguyễn Đình Tòan không phải là thầy dậy tôi học, nhưng về chữ nghĩa, ông cũng đã là người thầy dù tôi chưa một lần chạm mặt .

Nguyễn Đình Tòan , cùng với thầy tôi Nguyễn Xuân Hòang, thuộc về một thế hệ nhà văn sắp chìm dần vào quá khứ. Họ đã tồn tại đủ lâu và tạo dấu ấn đủ riêng để các thế hệ nối tiếp khi nói về thế hệ của họ không thể không nhắc đến tên họ. Với sự trân trọng.

Để nói về bộ sách “ Bông Hồng Tạ Ơn “ lần tái bản này, dù tôi đã cầm được sách trên tay, cũng vẫn không thể chính xác hơn người bạn trẻ Lưu Na , trong bài “ Đáo Để “ :

“ . . . Ông viết Bông Hồng Tạ Ơn, 234 đóa hồng tạ ơn những tác giả và nghệ nhân đã mang niềm vui, cái đẹp đến cho đời. Trong BHTƠ, “bản của Giang,” xuất bản lần đầu tiên năm 2006 chỉ có 190 tên, không biết tại sao Giang không lấy (!!!). Lần tái bản này ta vẫn có những tấm hình quí giá (hình Hoàng Giác, Châu Kỳ, Dzoãn Mẫn, v.v…) và thêm được một số những tên tuổi khác. Gom lại, bó hồng 234 đóa ấy là bộ sách 2 tập, 1000 trang, tặng cho tất cả chúng ta, cũng là lưu lại ít nhiều kỷ niệm cho lứa trẻ biết về một thuở đã qua. Có gì mà gọi là đáo để?

Ông viết bằng trí nhớ, nhắc bằng lòng tri ân, cho nên không mặn mà chi tiết đời tư, và quan điểm của ông là “…tiểu sử của một tác giả chính là tác phẩm của ông ta (hay bà ta). Kỳ dư chỉ là những chú thích.” (quyển I, trang 221). Nhưng dù có muốn mặn mà cũng không tìm ra được tài liệu về những tác giả đã lui vào dĩ vãng, mà nói thật, tiểu sử thì cũng không hay cho bằng những chuyện bên lề, những giai thoại. Chán nhất là phần nói về các nhạc sĩ xưa, trong quyển I của bộ BHTƠ. Giới thiệu các nhạc sĩ ca sĩ, phần tiểu sử của họ cứ trụi như cọng, như cuống cành hồng, mà là cái cọng cái cuống đã tuốt gai cơ. Các tiểu sử ấy gom lại thì cũng thành một bó hàng trăm cái cọng trụi thùi lùi, ngán ngẩm!!!! Ở phần hai, viết về các văn thi sĩ thì có khá hơn, với những chuyện thu thập bên lề giúp mình hình dung được con người, hiểu thêm về tác phẩm. . . Lưu NaĐáo Để)

Và :

“ . . . Bản lãnh ngòi viết NĐT còn ở chỗ ông dám thô. Thô, có sao viết vậy. Có tên liệt kê chỉ một dòng rưỡi, tiểu sử: không biết, tác phẩm: không thu thập được. Thô, nghĩ sao viết vậy. Viết về nhạc thì lờ chuyện nhạc lý, cấu trúc, viết về văn thơ thì lại tỉ mỉ giải thích thuật ngữ, technique của nhạc (qII, 479). Đang nói chuyện Huy Cận xọ sang Thâm Tâm (qII, 97), đang nói Huyền Vũ trổ sang Mai văn Hòa (qII, 110), đang nói bài Hòn Vọng Phu nhảy sang Thằng Cuội, rồi lại trở về Hòn vọng Phu. Thô, nói lời dân dã “sao vậy hở Trời” (qI, 357). Cái thô đó dẫn mình đến một cái tinh tế: đó là những gì ông viết, ông viết với lòng xác tín, với sự bình thản, và với trọn tâm tình. Bản lãnh ngòi viết cũng chính là bản lãnh một con người, một người không nói về mình mà chỉ nhắc đến người, nhắc chúng ta để “[biết] yêu lúc xa, và sống sao cho hết lúc gần.” ( Lưu Na – Đáo Để “ )

Tình cờ đọc được bài điểm sách ngăn ngắn của Ngọc Lan trên Người Việt, tôi thấy thú vị không kém lúc cầm hai quyển sách trên tay ngắm nghía :

Khi đọc bằng mắt. Khi đọc bằng suy nghĩ. Khi phải vắt óc nhớ xem truyện đó nó như thế nào. Khi tự dưng thấy miệng mình mở ra, ngâm nga mấy dòng thơ. Rồi khi lại bật lên tiếng hát, hát cho đã điếu một đôi câu, có khi hát luôn cả một bài.

Ðó là những trạng thái đã diễn ra khi tôi lần đọc tập sách “Bông Hồng Tạ Ơn” của nhà thơ/nhà văn/nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn.

Chính vì điều này, nên nếu có ai hỏi, “Bông Hồng Tạ Ơn” của Nguyễn Ðình Toàn là tập sách như thế nào? Thì có lẽ tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay rằng: Ðó là một tập sách đặc biệt.

Ðặc biệt, bởi nó khiến người đọc ở trong nhiều tâm trạng khi giở những trang sách, khi vui theo từng cung nhạc, khi buồn theo từng đoạn văn, khi thẫn thờ theo một khổ thơ, và lại khi tức mình kêu lên, “Trời ạ, sao viết gì có mấy dòng vậy!” . . . “

Và, rất thông minh :

“ . . . Mỗi tác giả có một góc nhìn và một cách thể hiện khác với tất cả những người khác. Nguyễn Ðình Toàn cũng thế. Ông có lý do, có sự đắn đo, và có sự lựa chọn những điều ông muốn đưa vào tác phẩm của mình.

Vì vậy khi chọn đọc ông, thì nên đọc góc nhìn của ông, của tác giả Nguyễn Ðình Toàn, chứ không phải góc nhìn của bản thân mình . . . “ ( Trích : Bông Hồng Tạ Ơn’ của Nguyễn Ðình Toàn: Không chỉ đọc bằng mắt ).

Dù chưa có thì giờ đọc kỹ hai tập sách dầy 1000 trang, nhưng tôi phải đồng ý với Lưu Na và Ngọc Lan về những nhận xét thông minh của họ.

Kính chúc nhà văn Nguyễn Đình Tòan nhiều sức khỏe để tiếp tục đem đến cho đời những bông hoa hồng đẹp. Chúng ta trân trọng “ Bông Hồng Tạ Ơn “ của ông cũng là một cách gián tiếp “ tạ ơn “ về những gì ông sẽ để lại cho đời.

T.Vấn & Bạn Hữu

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search