T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

đỗ xuân tê : Trò Chuyện Về Thơ & Chúa Jesus với trần nguyên đán

 

Trần Nguyên Đán    

 

Lời người thực hiện: Cơ duyên đưa tôi đến với nhà thơ Trần Nguyên Đán có lẽ do anh tâm đắc với những lời bình của tôi khi là người có phản hồi sớm nhất về bài của chị Đinh Từ Bích Thúy phỏng vấn anh trên Da Màu (9.9.09) trùng thời điểm nhà thơ vừa có dịp hạnh ngộ với tạp chí văn chương không biên giới. Chẳng biết nên gọi anh là nhà thơ hay nhà văn, vì tuy sở trường về thơ nhưng những trang văn xuôi của anh cũng có thể xếp vào hàng cao thủ. Thôi ta cứ xem anh như nhà thơ vì có một độc giả hâm mộ anh dí dỏm nhận xét ‘dù ông ấy có làm ‘nhà’ gì đi nữa thì trong lối viết chém chết cũng có chất thơ trong con người của ông’.

Thưa anh Trần Nguyên Đán, được trò chuyện với anh là một niềm vui và là một duyên văn nghệ khi lần đầu tiên được hạnh ngộ và trao đổi trực tiếp thay vì chỉ giao lưu bằng những lời bình qua các trang mạng online. Tôi biết anh cũng không có nhiều thì giờ vì ngoài thời gian sáng tác anh còn bận một công việc mà tính chất đa chiều đa đoan của nó còn tất bật hơn cả một nghiệp vụ full time. Cho nên ta đi thẳng vào vấn đề.

đỗ xuân tê (đxt): Trở lại phỏng vấn của Da Màu ngày ấy, phải nói là chị Bích Thúy đã khéo ‘khai thác’ được khá nhiều khia canh về ‘nội tâm’ trong con người và sáng tạo của anh, nhưng theo tôi đấy chỉ là dịp sơ kiến và hình như anh cũng chưa quen với lối trao đổi trực tiếp hai chiều, nhất là đối diện với một cây viết nữ vừa thông minh, lại dầy nghiệp vụ biên tập và ít nhiều hiểu rõ về tâm tư và công việc anh làm, nên chi anh cũng chưa trải hết lòng mình về những điều anh muốn nói, anh có ý kiến gì về nhật xét chủ quan này?

Trần Nguyên Đán (TNĐ): Tôi nghĩ rằng có thể anh đã nhìn thấy tôi kiểu như cách người Mỹ dùng chữ see through (xuyên suốt). Cám ơn anh, anh nói rất đúng. Tôi thật có muốn nói hơn những điều tôi đã nói ngày ấy, nhưng bước đầu sơ giao nói ít thôi và vừa thôi để cuộc hạnh ngộ làm vui lòng mọi người. Tôi vẫn giữ ước mơ một ngày nào đó có một người nào đó phỏng vấn mình, hỏi nhiều hơn, hỏi sâu hơn, hỏi đúng “tâm tư” mình hơn, để mình có dịp nói lên những điều suy tư, sâu lắng trong con người mình. Và quả là “tạ ơn Chúa”, người ấy đã đến đây rồi…(tôi nói vậy cũng để nhắn nhủ rằng anh hãy hỏi nhiều, hỏi kỹ, hỏi sâu…., anh nhé. Cười)

đxt: Được anh tâm đắc và không nề hà chuyện đi vào nội tâm của nhà thơ, lại khuyến khích cứ hỏi nhiều hỏi sâu những điều cần hỏi thì quả là hạnh phúc cho tôi khi đây là lần đầu tiên tôi chọn tiếp cận tác giả bằng hình thức này.

Trước hết ta nói về lãnh vực thơ, được biết anh làm thơ rất sớm, thường tình thì những ai có năng khiếu trời cho đều nhen nhúm những vần thơ đầu đời ở tuổi teen, nhưng khi đến lúc định hình thì cơ duyên nào anh chọn bút danh Trần Nguyên Đán mà theo chỗ tôi biết Trần Nguyên Đán là một danh nhân đời Trần trong sử Việt, cũng là một nhà thơ lớn đã soạn ra tập Bằng Hồ gồm 10 quyển được học giả Lê Quý Đôn đánh giá rất cao, phải chăng có sự kết nối nào?

TNĐ: Tôi thật tình không biết đó là một danh nhân đời Trần cho đến khi tình cờ gõ Google xem chơi coi có ai “vô tình” post mấy cái bài viết của mình lên đó không. Tôi cũng hơi giật mình và cám ơn Chúa vì đó là một danh nhân chứ lỡ ngớ ngẩn chọn tên Bạch Hải Đường thì có mà chết giấc. Cái bút hiệu này cũng có nguyên do, nó cũng bình thường thôi chứ chẳng cao siêu gì. Anh đã là một độc giả của tôi từ hồi Việt Báo, biết nguyên do vì sao mà tôi đã “liều lĩnh” đưa mình ra làm vật thí nghiệm bằng cách gởi đăng những truyện ngắn “bốc khói” trên mặt báo. Tôi sợ cái tên thật (đặc biệt rất dễ nhận ra) của mình dưới những bài viết đó sẽ gây “sốc”, ít nhất là với các tín hữu, tôi muốn dấu mình đi trước, chừng có kết quả thì “ló mặt” ra và giải thích sau cũng chưa muộn, nên phải tìm một bút hiệu. Trong lúc loay hoay, tôi nhớ lại cái tên Nguyên Đán (ngày mới) mà chúng tôi đã dự tính đặt cho con trai đầu lòng, nhưng vì một lý do “ngớ ngẩn” đã không đặt được, mà vẫn còn thích nó. Còn họ Trần thì chỉ chọn đại trong vô số họ của người Việt, cũng là một cách đánh lạc hướng người đọc, cho nó càng xa cái họ thật của mình càng nhiều càng tốt. Lúc đó tôi không quan trọng lắm cái bút hiệu vì nghĩ mình không có ý định “se duyên” với nghiệp dĩ này dài lâu, chỉ viết để đạt cho được cái “mục đích” mình muốn lúc đó mà thôi. Chẳng có thể ngờ là nó nhất định đeo đuổi mình cho đến bây giờ.

đxt : Nhờ thắc mắc về bút danh tôi mới hiểu anh không có tham vọng trở thành một ‘nhà’ gì đó trong văn chương Việt, khác với lẽ thường khi biết mình có năng khiếu viết lách lại là người yêu thơ văn thì chẳng ai là người không nghĩ đến chuyện ăn nằm với chữ nghĩa về lâu về dài. Bàn về sáng tác của anh, tập thơ đầu tay gồm đúng 100 bài phải nói có cái tên rất ấn tượng, ‘chữ nghĩa của đán’, các độc giả yêu thơ đã đón nhận trong niềm ưu ái, các bạn văn gần xa đánh giá cao, và riêng tôi không dấu diếm là đã ‘phải lòng’ những vần thơ của anh qua tập thơ này. Có điều tôi không hiểu là trong một bài viết nào đó anh cho biết thời gian sáng tác và hoàn thành tập thơ chỉ mất có …mấy tháng. Lý do nào đã giúp anh thực hiện ‘dễ dàng’ như vậy?

TNĐ: Đa tạ vì những câu “rất ấn tượng, niềm ưu ái, đánh giá cao, phải lòng…” của anh. Là người thì ai mà không thích khen hả anh. Nhưng mỗi lần được khen tôi lại hay nhớ một người anh tinh thần của tôi, một Mục sư, nay đã về với Chúa, nói rằng: đừng vui vì người ta khen mình nhưng hãy coi chừng, vì chỉ thêm một chữ i vào giữa chữ h và e, thêm chữ g vào cuối thì nó là khiêng, khiêng bạn ra nghĩa trang đấy. Từ thiên đàng đến địa ngục chẳng xa là bao đâu (cười)

Thôi để trả lời câu hỏi (xin tha thứ cho tật nói dông nói dài) Cái lý do ấy chẳng ngoài chữ “hứng”, mà tôi có đề cập đến trong một bài phỏng vấn khác với nhà văn Đặng Thơ Thơ. Hứng là một từ quen với giới văn nghệ sĩ (như anh và tôi) Khi có hứng viết hoài không chán, khi mất hứng chán hoài không viết. Tôi chẳng hiểu cái “hứng” này đến từ đâu, có lẽ (bây giờ nhớ lại) một phần vì cái tựa tập thơ, “chữ nghĩa của đán” chính nó gây hứng cho tôi. Nên tôi làm một mạch cả trăm bài trong vòng mấy tháng, đưa cho ông Từ in, làm ông kinh ngạc, viết một bài có tựa Làm Thơ Một Lèo đăng trên Việt Báo (báo giấy)

Nhưng tập thơ thứ hai Tôi Chạy Vòng Quanh Một Khoảng Trống mà Da Màu đã thông báo sẽ xuất bản dưới dạng ebook (đã xuất bản vào đầu tuần tháng năm trong hệ thống phát hành của Amazon, giá $2.99, xin vào mua để đọc vì tác giả … thật tình không biết phải tặng bằng cách nào) thì không một lèo như thế nữa mà phải mất thì giờ lâu hơn.

đxt: Đúng như anh nói, luận về cái ‘hứng’ thì gần như giới sáng tác đều có cách nhìn và thói quen giống nhau, lại trở thành vấn nạn khi nhu cầu sáng tác chỉ vì cơm áo. Quay sang tập thơ của anh tôi có những lời khen tặng cũng là do ngay tình và có cơ sở, một phần nó không phải là ‘tuyển tập’ gồm những bài thơ đã đăng nhưng được góp nhặt lại, mà điều thú vị là tôi coi nó như những bài thơ chưa được trình làng còn đượm nét trinh nguyên và tuy là tập thơ đầu tay nhưng tiềm năng sáng tác của người chủ vườn đã được nhìn nhận qua lối viết rất bóng bẩy sâu lắng từ những trang viết văn xuôi. Lại nữa ‘chữ nghĩa của đán’ gặp cả sự đồng thuận của bạn văn như ông Từ, nên anh đừng quá khiêm tốn, có dịp tôi sẽ viết một tiểu luận với góc nhìn của một độc giả yêu thơ như tôi thường làm và đều được DM đón nhận đăng tải. Tôi cũng mừng khi vừa đọc Trên Kệ Sách cho biết đã phát hành tập thơ thứ hai của anh, tôi và các độc giả của anh trước mắt sẽ bỏ ra $2.99 để thưởng thức tập thơ phát hành theo lối eBook này. Chắc cũng sẽ có nhiều điều thú vị và nói cho vui là tôi sẽ tự so sánh xem chất lượng có ‘cao’ hơn khi lượng thời gian anh đầu tư công phu nhiều hơn (cười). Cũng trong quá trình sáng tác, tôi biết anh có tài làm thơ rất nhanh, không hẳn xuất khẩu thành thơ như chưởng lão người Hà Thượng (mới chia tay trần gian ở tuổi 92) nhưng ý tôi muốn nói đâu đó gặp những bài thơ làm nhanh nhưng ý sâu kiểu như ‘bài thơ hai phút rưỡi’ tôi đọc mới đây,

Ta giống như mưa bụi

Vừa rơi xuống thì tan

Tình yêu thở chưa kịp

Đã chết rồi, nhăn răng

Lời thơ có vẻ ngộ nghĩnh nhưng điều làm tôi thoáng ngạc nhiên là nhà thơ chủ biên Bắc Phong vừa đọc xong đã e-mail tỏ tình ‘giao cảm’ (đúng là thời buổi điện tử) bằng mấy dòng thơ ngắn dưới đây,

Anh làm bài thơ hai phút rưỡi

Hai phút rưỡi nhuận sắc là năm

Tôi đọc thơ anh chưa đầy phút

Nhưng mất thêm nhiều phút trầm ngâm

Phục tài thi hứng của cả hai người thơ nhưng tôi vốn thơ ngây nên xin hỏi có thật trọn bài 16 câu anh chỉ mất có hơn …hai phút, nếu vậy chẳng lẽ Lê Đạt sai khi nói vác những con chữ xếp lại thành thơ nặng như vác đá, mà công việc chuyển chữ của anh xem ra nhẹ nhàng như chuồn chuồn khiêng nắng qua sông?

TNĐ: Có thể hai phút… bốn mươi lăm, anh ạ (cười). Tôi đoán là ông Lê Đạt nói đúng, mà tôi nói cũng chẳng có gì … sai. Mỗi người một cách riêng của họ, chẳng ai giống ai. Thơ cũng chẳng làm sao nói cho hết, mỗi người cảm nhận thế nào thì nói thế ấy, nói trung thực với suy nghĩ của họ, chẳng có thể bắt ai phải giống ai, anh chị em sinh đôi còn chưa thể giống nhau hết.. Cũng một khu rừng thu mà mỗi người rung động mỗi khác. Thiên Chúa đã tạo nên một thế giới đa dạng đủ màu sắc và tâm hồn con người cũng đa dạng như vậy. Nếu mọi người đều giống nhau cả, mặc một loại áo quần, nói một thứ tiếng, cái gì cũng đồng ý nhau cả, chắc thế giới không có… vui như vầy. Có đôi khi tôi làm thơ hai phút rưỡi, nhưng có bài thơ cả ngày, hoặc hơn. Cũng có lúc lòng tôi nhẹ nhàng khi viết xong một bài thơ, cũng có khi lòng nặng trĩu như đeo đá khi bài thơ còn dang dở. Có khi bài thơ ấy nhìn thì nhẹ nhưng cầm lên thấy nặng, có khi nhìn thấy nặng vậy nhưng cầm lên mới biết nhẹ hều. Anh thấy “bài thơ hai phút ruỡi” là nhanh là nhẹ nhưng anh Bắc Phong lại mất thêm mấy phút trầm ngâm nữa, nên có lẽ nó cũng không nhanh không nhẹ lắm (lại cười).

đxt: Khơi gợi điều này cũng là muốn anh làm rõ thêm phương thức biểu lộ khi nguồn cảm hứng bột phát tuôn trào, một chất xúc tác rất cần thiết cho những người nghệ sĩ có năng khiếu sáng tác. Tôi cũng hay tìm đọc những bài thơ rời của anh đăng tản mạn trên mấy tạp chí văn học vừa in, vừa ảo, tôi thấy dù anh có khả năng làm những bài thơ lời lẽ mượt mà lãng mạn theo lối cổ điển hoặc tiền chiến như bao nhà thơ ở thế hệ anh (cụ thể có mấy bài lục bát trong cncđ nghe xao xuyến nao lòng), ấy vậy mà sao anh vẫn muốn từ giã núi rừng, sông nước, màu tím màu rêu, ngậm ngùi ly biệt…để tìm về với nguồn thơ cách tân, đưa thơ về với phố thị, với thực tế đời thường cùng thể hiện những ý tưởng của mình không câu nệ, gò bó trong một khuôn phép thể loại nào đó. Thậm chí có nhiều bài thơ gần một nửa bằng tiếng Anh, phần còn lại bằng tiếng Việt, rồi nhiều khi tiếng Anh tiếng Việt xen quyện vào nhau, cho nên khi xếp loại các nhà thơ trong dòng văn học hải ngoại tôi cũng như một số người yêu thơ vẫn thấy anh là khuôn mặt nổi trội hiện diện trong ‘trường phái’ này. Xin anh có thể cho độc giả biết từ khi nào và động cơ nào anh chọn hướng đi này, vô tình hay hữu ý, hoặc bị cuốn theo dòng chảy của cuộc sống?

TNĐ: Các câu hỏi của anh bắt đầu đi vào hơi “sâu” rồi, nên tôi phải cẩn thận hơn chứ không dám tưng tửng“đùa bỡn”nữa. Anh có đọc báo Tuổi Hoa hay Tuổi Ngọc ngày xưa không, hay có biết qua về anh chàng Phạm Khánh Vũ thuở mười tám mười chín? Ảnh sở trường về thơ lục bát và năm chữ, các cô cậu học trò thời ấy ái mộ lắm (trong đó có Hoàng Nga) Còn anh Trần Nguyên Đán bây giờ thì toàn là thơ … tự do. Một người bạn cũ đọc thơ “mới” của tôi có email hỏi tại sao vậy. Trong lời bạt của “chữ nghĩa của đán” anh sẽ thấy tôi tự nhận mình bây giờ rất khác Vũ hồi đó, vì khi đọc lại Vũ tôi không nhận ra “hắn”, tôi đã tự hỏi ”ủa, mình đấy à”. Tôi để ý xem thử sự thay đổi của mình đến từ đâu thì thấy là nó đến một cách tự nhiên, tôi không tìm không kiếm. Tôi đoán rằng chính hoàn cảnh xã hội, nền văn minh hiện đại đã đẩy xã hội nhào tới thì văn chương cũng phải nhào theo. Hồi đó người ta gởi thư bằng đường bưu điện mất cả tuần mới tới, bây giờ email có … ba mươi giây. Tôi chảy theo những dòng chảy của thời đại chứ không trì kéo lại. Với lại, điểm quan trọng nhất, tôi thấy nó hợp với tôi bây giờ. Tôi đọc báo thấy quan niệm về vẻ đẹp của phụ nữ cũng thay đổi theo cách như vậy. Trước bà Jacqueline Kennedy thì “tròn trịa” là đẹp, nhưng sau bà thì “que củi” là đẹp. Tôi viết chữ nghĩa của đán trước khi ông Từ đưa nó vào Da Màu và thật sự không hề biết Da Màu là gì, ở đâu, của ai. Tôi lại rất nhà quê về kỹ thuật internet nên chẳng hề biết xung quanh mình có các trang web văn chương “vĩ đại” như vậy. Và thú thật tôi cũng ít khi đọc thơ của các thi sĩ đương đại (các thi sĩ ngày xưa thì có nhiều), nên chắc là cũng không hề bị ảnh hưởng họ. Trong vài lời ngắn in ở bìa sau tập chữ nghĩa của đán tôi có nói với ông Từ rằng những gì trong tôi chảy ra thì tôi cho nó tuôn ra, như thế đấy. Tôi còn nhớ những cảm xúc rất thật của mình khi viết những bài thơ ấy, mà tôi biết chắc là mình không thể đưa nó vào khuôn phép của vần điệu. Tôi về sau có ráng làm vài bài thơ có vần thử coi mình còn có thể làm được không, nhưng thấy là nó đã “lạc lõng” rồi. Chỉ có bài lục bát Và Thôi mà nhạc sĩ Cao Minh Hưng phổ nhạc (Quỳnh Lan hát) là thấy còn chút thi vị. Bài thơ hai phút rưỡi là một bài “ráng” làm, thú thật tôi cũng chẳng thích nó gì mấy, thử ném một viên sỏi xuống mặt hồ xem có gợn sóng không, nhưng chính lòng mình không gợn sóng. Còn những bài thơ có tiếng Anh nhiều hay ít cũng là nó tự nhiên nhảy vào chứ chẳng hề cố ý làm dáng gì hết. Trong khi làm thơ tôi thấy có chữ nào nhảy tưng tưng trước mặt tôi là tôi tóm nó “dụt” vào trong.

đxt: Đấy cũng chính là thủ thuật sáng tác tuy tôi chưa kịp hỏi nhưng anh đã đoán ý mà trả lời. Tất nhiên trong lúc viết mỗi tác giả có lối thử nghiệm cách tiếp cận và thể hiện khác nhau, và điều này làm cho bộ phận thơ thường tiên phong trong sáng tạo mở đường cho các tác phẩm tầm cỡ. Bây giờ ta nói chuyện kỹ thuật chuyển tải, khác với thời ở thế hệ tôi, thơ được in ra biểu hiện bằng con chữ, vần điệu qua mực in với kiểu chữ, nhưng từ khi có văn hóa mạng người ta hay đưa hình thức ‘minh họa’ bằng đủ thể loại tạo hình vào làm đẹp cho những trang thơ, vậy theo anh hiện tượng này làm tăng khẩu vị hay làm giảm thú thẩm thơ của những người yêu thơ? Riêng tôi không cần úp mở mà nói rằng tôi rất thích, đặc biệt khi bắt gặp những trang thơ của các webmaster thuộc loại thượng thừa.

TNĐ: Tôi cũng chẳng dấu giếm gì là tôi cũng rất thích, những hình ảnh minh họa làm cho bài vở (dường như) có giá trị hơn, tôi có khi còn nài người biện tập tìm vài cái hình bỏ vào cho mình. Chẳng hạn như trong những bài Để Bớt Nhớ Mùa Thu, Tagore Đã Đi Khuất, Hồi Tỉnh Trong Đêm, Chúng Ta Là Đồ Cũ…, đặc biệt thích nhất tấm hình “chim trên dây thép điện” trong Đối Thoại Một Mình, chính tôi đã nhờ cô Bích Thúy tìm hình để vào những bài này, Tiền Vệ thì chỉ dùng những hình cũ có sẵn nhưng có cái độc đáo riêng, Sáng Tạo của anh Bắc Phong thì lại rất chú trọng điều đó. Tôi thấy hình như chẳng phải báo mạng mới đưa hình ảnh minh họa vào, các báo giấy cũng làm điều đó, và nhiều nữa. Nhiều khi tôi thích xem hình thức trình bày của Việt Báo Xuân hơn là đọc nội dung của nó, hình thức ấn tượng lắm. Ông Trần Dạ Từ là một master làm báo Xuân. Cách trình bày bài, hình ảnh đẹp, phù hợp thật sự làm cho người đọc thêm cảm hứng (nên năm nào tôi cũng … ráng viết một bài cho báo Xuân của ông), giống như gọi một ly white moka frappuchino có extra moka vậy mà.

đxt: Anh vừa nhắc truyện ‘đối thoại một mình’, tôi vô cùng tâm đắc với anh Bùi Vĩnh Phúc khi cho đây là một trong những truyện xuất sắc viết theo lối viết hiện đại và dựng truyện độc đáo, nhưng ta không bàn văn xuôi ở đây. Trở lại việc minh họa, ít nhất là anh em mình có chung cách nhìn khi có những sáng kiến biên tập vừa làm vui độc giả vừa làm đẹp cho thơ văn. Nhớ lại khi viết vài lời gìới thiệu về anh lúc anh mới đến với DM, trong tư cách là độc giả văn xuôi của anh nhiều năm trên Việt Báo, tôi có xin những bạn yêu thơ văn hãy để anh thoải mái đến với tạp chí văn chương này và đừng nhìn anh dưới con mắt dành cho một… tu sĩ. Không ngờ sau đó anh đã sớm thích nghi và khi có dịp theo dõi hành trình thơ của anh trên DM và một số trang mạng văn học hải ngoại vài ba năm trở lại đây, nhiều độc giả cũng như tôi rất vui khi thấy anh có biểu hiện tự tin và phần nào thoải mái khi tiếp cận với thế giới văn học mạng và cộng đồng yêu thơ trong ngoài nước, cụ thể có những bài thơ hình thức rất cách tân, nội dung rất đời thường, với các tựa đề vừa dài, vừa lạ, lại dí dỏm bâng quơ (như cái tựa ‘tôi nói ví dụ thôi nhé’) không nặng về những nhắn gởi hoặc cổ võ cho một thông điệp hoặc một sứ mạng cụ thể nào đó. Thi thoảng tôi bắt gặp các lời bình rất thân thương của độc giả đại để ‘lại thêm một bài thơ hay của đán’, ‘hay quá đán ơi, tiếp tục’. Khác hẳn với những lời bình khá dài hoăc đi sâu vào tranh cãi về nội dung thuờng xuất hiện trong những truyện ngắn hoặc văn xuôi của anh. Vậy anh có suy nghĩ hay cảm nhận gì về những biểu hiện giao lưu văn học này? Ý tôi muốn hỏi đó có phải là chỉ dấu hay thước đo mức tình cảm của độc giả đối với các sáng tác của anh?

TNĐ: Cho đến bây giờ có lẽ tôi vẫn chưa hiểu hết ý của Chúa vì sao Ngài đã chọn tôi (một đứa con khá nhạy cảm và hay xúc cảm, như hầu hết những tâm hồn văn nghệ sĩ) vào chức vụ của một người chăn bầy, một chức vụ dường như ngược lại với con người thật của mình. Tôi vẫn hay hỏi Chúa câu hỏi ấy, và dần dà nghe Chúa nói rằng con cứ sống cho trọn cả hai: chức vụ và bản chất. Vì vậy cả hai nhà “tu sĩ” và “thi sĩ” trong tôi đều có thể sống chung hòa bình, tôi đều sống trọn vẹn, không mâu thuẫn. Thơ thì tự do, không ràng buộc nặng nề, nhưng bài giảng thì phải có khuôn phép nền nếp của một sứ điệp. Như anh đã từng đọc tôi đâu đó, khi nào khuôn phép làm cho mình nặng nề khó thở thì “mở bớt khuy áo cổ ra một chút” cho dễ thở.

Tôi rất thích những comment trên Da Màu (cho những sáng tác của tôi) vì nó cho thấy sự quan tâm của độc giả cho một tác giả, dù họ khen hay chê thì cũng đều vui cả, vì họ có quan tâm thì họ mới chê (nhưng tôi cũng …chọn lọc lắm đấy, nếu lời chê đó đúng hay gây dựng thì mình cám ơn, nghe và sửa đổi, ngược lại thì thôi) Những lời bình cho thơ thường là ngắn vì chỉ là cảm nhận của một người đọc thơ, có ai dùng dao mổ xẻ một bài thơ bao giờ, nhưng lời bình cho truyện ngắn thì phải dài hơn và có nhiều ý hơn. Tôi cám ơn tất cả những lời bình ấy, thưa anh, và tôi gởi lời cám ơn các bạn đọc đã bình các sáng tác của tôi. Những lời bình còn để lại trong tôi niềm vui khi nhớ lại trong đó có Bùi Vĩnh Phúc và … Đỗ Xuân Tê (có một người quen nữa lấy tên Lãng tử ngày xưa để lại một lời bình luận… cứu bồ trong Để Bớt Nhớ Mùa Thu, mới “xưng tội” vì dấu giếm lý lịch gần đây) Có người bình một lần rồi thôi, một đi không trở lại…

đxt : Xin cám ơn thịnh tình của anh khi làm ấm lòng độc giả bằng những ghi nhận thẳng thắn này. Hi vọng mối giao lưu độc giả/tác giả qua hình thức tương kính, trân trọng lẫn nhau cụ thể như Da Màu vẫn được coi là một ‘sân chơi’ cởi mở, cứ đến đừng đi cùng nhau chia sẻ, thậm chí cứ tranh cãi vì xét cho cùng ‘tranh cãi là mẹ của chân lý’ (châm ngôn Nga). Đến đây tôi muốn chuyển cuộc trò chuyện hiếm hoi này sang một đề tài hay nhân vật khác, mà hình như trong hành trình sáng tác của anh, lúc ẩn lúc hiện, lúc tế nhị kín dấu, lúc thẳng thắn công khai, anh hay nhắc đến một Người anh tin yêu, một Đấng anh tôn kính và hầu việc, tôi muốn nói đến Chúa Jesus, một nhân vật mà chính tôi cũng quý và coi Người như thiết hữu. Vì vấn đề nhạy cảm liên quan đến tín ngưỡng, mà dù cho có diễn đàn chủ trương ‘không biên giới’ nhưng người ta cũng ngại khi gặp những quan điểm hoặc bài viết cổ súy cho một tôn giáo hoặc một vị giáo chủ nào đó, dù lồng trong khuôn khổ của sinh hoạt văn học, dù vị đó là Đấng Chí Tôn cha chung của muôn loài vạn vật. Vậy tôi hỏi ý anh trước anh có ngại đề cập đến lãnh vực này trong cuộc trò chuyện hôm nay và nếu được ta cùng chia sẻ với độc giả.

TNĐ: You got it. Tôi chưa bao giờ thấy ngại khi nhắc đến Jesus của tôi. Đó là một người mà tôi kính phục, yêu quý nhất trên đời này, một kinh nghiệm độc đáo cá nhân mà chẳng phải ai cũng có được. Tôi chẳng dấu giếm rằng tôi có ý định Vẽ Lại Chân Dung Chúa Jesus cho cuộc đời vì thấy người ta đã hiểu lầm Ngài quá nhiều và thậm chí còn “không thiện cảm” với Ngài mà chẳng có “căn cứ” gì cả (cười). Tôi cũng không hề dấu giếm rằng tôi giống như một cầu thủ đang lừa banh (lừa hoài mà hàng phòng vệ dàn kín quá không kẽ hở nên đá không vào) tôi đi vào thế giới văn chương và tìm kẽ hở đưa Jesus trở lại thế giới văn chương, vì tôi thật sự thấy rằng nếu có Jesus ở trong văn chương thì văn chương sẽ nở một bông hoa đẹp khác, nhưng cho tới giờ này vẫn chưa thực hiện được điều ấy, một phần vì do … ham chơi. Người ta nói nhiều về Jesus mà chưa từng nói chuyện với Ngài hay ít nhất nhìn rõ mặt Ngài. Tôi hơi ngạc nhiên (thật vậy) vì cho dù bây giờ người ta đã leo lên những bậc thang rất cao của trí tuệ, người ta vẫn giữ sự thiên kiến về tôn giáo, không nhiều thì ít. Với sự hiểu biết (cạn cợt) của tôi, Jesus khi từ trời xuống thế gian thì là một con người như tất cả mọi người, sống như người nên hoàn toàn cảm thông với người. Jesus không phải là một tôn giáo. Ngài chưa bao giờ “bắt buộc” ai, Ngài chỉ đưa tay ra “gõ cửa”, mời người ta bước vào căn nhà của Ngài. Thiền sư Nhất Hạnh có nói câu này mà tôi rất thích: Muốn leo lên nấc thang trên, phải nhấc chân khỏi nấc thang dưới. Tôi cũng thấy rằng Kinh thánh là một hình thức của văn chương (không biên giới), vì nếu ai đã từng đọc Kinh thánh thì không thể phủ nhận rằng Kinh thánh có những tác phẩm tuyệt vời về văn chưong chưa và sẽ không bao giờ bị mai một. Đó là Thi thiên, Châm ngôn và đặc biệt là Nhã ca…. Anh có cho phép tôi trích một vài câu từ Nhã ca không? Hỡi gió bắc, hãy nổi dậy, hỡi gió nam, hãy thổi đến. Hãy thổi trong vườn tôi, hầu cho các mùi thơm nó bay ra. Đó là Nhã ca đoạn 4 câu 16 phần a. Há chẳng phải là một câu thơ rất đẹp hay sao?

đxt: Vừa mới gợi ý mà anh như người bắt được mạch suy nghĩ của tôi đã thổ lộ không cần rào đón tâm tình và suy nghĩ của anh về Chúa Jesus. Vậy ta nên đi sâu hơn về nhân vật này và tất nhiên cũng không thể không đề cập đến cuốn Sách người ta hay gọi là Kinh Thánh, mà website Hội nhà văn Việt nam vốn dị ứng với những vấn đề tôn giáo cũng phải cho đăng một bài của dịch giả Nguyễn Hải Hoành công nhận “cuốn sách gối đầu của hơn một tỷ tín đồ và được cả thế giới xuất bản với số lượng nhiều nhất nhưng chưa từng thấy bán ở các hiệu sách nước ta”, và nhìn nhận nó như “như một tác phẩm văn học đồ sộ, di sản văn hóa quí báu của nhân loại trở thành nguồn trích dẫn, cảm hứng cho nhiều triết gia, nhà văn nhà thơ lỗi lạc thể hiện qua các tác phẩm kinh điển, các trước tác bất hủ bất kể duy tâm hay duy vật, phương Đông hay phương Tây trải qua nhiều thế đại”. Có một điều tôi xin thố lộ là một số anh em chúng tôi khi đi tù cải tạo do hụt hẫng phần tâm linh nên đã tìm đến Đấng Chí Tôn và Chúa Jesus qua cuốn sách này (được gia đình gửi chui và qua mặt cán bộ bằng ấn bản tiếng Anh nói với họ là tiểu thuyết Liên xô). Đúng như anh nói, chúng tôi đã tiếp cận và chuyền tay nhau ba tác phẩm anh vừa nêu, sau này khi ra trại đọc bản văn tiếng Việt do Phan Khôi, một dịch giả Kinh thánh vừa kết hợp tài thi ca và kiến thức thâm Nho của ông đã làm thăng hoa ý thơ trong Cựu ước ta mới thấm hết cái tinh túy của toàn tập. Trở lại hình ảnh của Chúa Jesus, tôi chưa có sự đồng thuận với anh khi anh cho Ngài bị người đời hiểu lầm, thậm chí không có thiện cảm với Ngài. Tất nhiên nhìn lại lịch sử hai ngàn năm truớc khi Chúa mới đến trần gian, người ta có hiểu lầm Ngài, ngược đãi Ngài và cuối cùng bức hại Ngài, nay ở thời điểm sau 2000 năm, tôi nghĩ người ta có hiểu lầm hay ác cảm có thể là vì ‘cái đạo của Ngài’, mà người gây ra không phải là Ngài mà lại do những người hầu việc và tín đồ của Chúa. Vậy xin anh theo yêu cầu cá nhân của tôi và có thể cũng có một số độc giả quan tâm, xin anh cứ thẳng thắn lý giải vì sao lại có sự ngộ nhận đáng tiếc này, trước khi ta đề cập đến tham vọng của anh muốn dùng hình thức văn học để “vẽ lại chân dung Chúa Jesus”.

TNĐ: Website Hội Nhà Văn Việt Nam có câu đó hả anh, tôi không biết. Ít ra cũng nên dành cho Jesus (và Kinh thánh) một chỗ đứng công bằng. Mình hay đòi “fair”, kiện cáo về vấn đề “unfair”, thì cũng nên “fair” với Chúa Jesus một chút nhỉ? Về vấn đề “không thiện cảm” với Jesus, trước hết tôi xin lỗi nếu có dùng chữ hơi “quá” kiểu ăn nói quá đà của một người làm thơ. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh rằng một phần lớn chính là vì những sứ đồ và môn đồ của Chúa Jesus qua bao năm đã làm “trôi dạt” chân dung thật sự của Ngài, tôi thông cảm cho những người “không thích” Chúa Jesus. Chúa Jesus ít nhất có hai lần (mà tôi đã đọc) nói rằng chính vì cách sống của những người theo Ngài mà Ngài đã bị thế gian phê phán, một câu có ý nghĩa tích cực (positive) và một câu có ý nghĩa tiêu cực (negative). Câu positive ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau, như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.., và câu negative là vì (cách sống của) các ngươi nên danh ta bị nói phạm giữa vòng dân ngoại… Đây cũng là những bài giảng mà rải qua thời gian, những Mục sư cố gắng đem đến cho tín đồ, khuyên răn, kêu gọi họ hãy sống đúng với lời dạy của Chúa để người ta nhận ra mình là môn đồ của Ngài và đừng để cho danh Ngài bị nói phạm. Nhưng Cơ đốc nhân cũng là người, dù đã theo Chúa, họ vẫn đang trên đường chạy, chưa tới đích, còn chạy thì còn có thể vấp, hay té. Paul đã nói y hệt thế. Họ đang cố gắng để trở thành (với sự giúp sức của Chúa), chứ chưa trở thành. Tuy nhiên tôi cũng suy nghĩ rằng trong số những đứa con của chúng ta cũng có đứa này đứa khác, đứa tốt nhiều đứa tốt ít và có thể có đứa không tốt, chẳng thể nào nhìn đứa không tốt mà kết luận rằng cha nó xấu. Với lại, trong khoảng 2 tỉ Cơ đốc nhân hiện nay trên thế giới (đây là con số tôi xem thống kê trên google), mà có khoảng 1 triệu người chưa được tốt, thì tại sao không nhìn 1 tỉ chin người tốt để khen mà lại cứ nhìn một triệu người xấu để chê (cười). Xin nghĩ lại cho Chúa Jesus.

đxt: Xin ghi nhận những nhận xét chí lý của anh. Bây giờ ta mới đi vào cái trăn trở khi anh muốn dùng hình thức văn học mà anh trong tư cách vừa là người nghệ sĩ vừa là người ‘tu sĩ’, hai mẫu người trong anh sống chung rất hài hòa như anh nói, vậy anh có thể hé lộ anh sẽ thực hiện việc vẽ lại chân dung Chúa như thế nào, bao giờ anh làm, và khó là sẽ tìm diễn đàn nào chuyển tải cho anh?

TNĐ: Tôi thú thật là chưa biết khi nào, và sẽ làm như thế nào, vẫn cứ như một cầu thủ đá banh dò dẫm. Có một lần lâu rồi tôi thử gởi một bài giảng Giáng sinh cho Da Màu ký chức vụ và tên thật và Da Màu đã đăng. Năm sau nữa tôi “ăn quen” gởi thêm bài giảng Giáng sinh nữa và lần này không được đăng. Một anh chị em trong Ban Biên Tập giải thích rằng bài giảng trước có chút ít “chất” văn chương, còn bài giảng này là một “bài giảng”. Tôi hiểu. Tôi cũng thấy vậy. Tạp chí văn chương chỉ dành cho những gì thuộc về văn chương. Bài giảng thì ở trong nhà thờ. Từ đó tôi suy nghĩ lại cách tôi sẽ đưa Jesus vào lại cuộc đời và thế giới văn chương, bằng văn chương chứ không bằng bài giảng, sẽ để Ngài xuất hiện cách bình thường tự nhiên không gò bó, Jesus vốn tự do không gò bó. Ngài thích thế. Jesus sẽ đến dưới đôi mắt và đôi tay của một người đã từng nhìn thấy Ngài và rờ đụng Ngài. Tôi vẽ lại chân dung Ngài bằng chính kinh nghiệm riêng của tôi. Tôi thấy thế nào thì tôi vẽ thế ấy.

Ngoài ra tôi còn có một “project” khác là tháng 5 này tôi sẽ về quê, không phải quê tôi, tôi muốn tận mắt nhìn thấy một chân dung khác của Chúa Jesus để vẽ lại, đó là việc Ngài đã làm cho những người mà xã hội đã từ bỏ, những người đàn ông nghiện ma túy, những người đàn bà mãi dâm, những người ở trong song sắt nhà tù, nhưng Chúa Jesus đã đi vào tận nơi, chữa lành họ, phục hồi họ, đưa họ trở lại cuộc đời bằng một đời sống mới. Thay vì đưa những ống chích vào mạch máu, họ giơ tay lên ca hát. Tôi hy vọng sẽ viết một truyện dài (việc tôi chưa bao giờ làm), một tiểu thuyết về cuộc đời của những người này, để mọi người (những người nào đọc) sẽ thấy một hình ảnh đầy nhân bản, rất người, rất mạnh mẽ quyền năng và nồng nàn tình yêu của Jesus.

đxt: Tôi tin là anh sẽ tìm ra cách chuyển tải và những người phụ trách bìên tập họ sẽ cảm thông, miễn là đừng dưới hình thức…bài giảng (cười). Chẳng lẽ website của HNV họ còn chịu đăng bài bàn về Kinh thánh mà sao phía ta lại ‘thận trọng’ hơn mức bình thường. Cũng chuyện tìm về đức tin, xét cho cùng là quyền tự do chọn lựa, chẳng ai ép buộc được ai, đã qua rồi cái thời con đạo cha cháu đạo dòng, mà thường do một cơ duyên nào đó theo suy nghĩ của tôi. Cứ đan cử hai ông nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Hà Thượng Nhân và Phan Khôi, trong khi một người dạy trường đạo cả mấy chục năm đến tuổi 90 mới ngộ ra “Xin Chúa Dắt Chúng Con Đi” (bài thơ cuối đời) và chịu lễ quay về với Chúa, trong khi ông cụ người Quảng của tôi, có quê là mảnh đất tiếp nhận những hạt giống Tin lành đầu tiên và đã dịch cả ngàn trang Kinh Thánh mà ông coi là ‘tân thư’ khiến cho nhiều tín đồ ngoan đạo mang ơn ông vì nhờ nó mà họ được học, được đọc, được cảm nhận lời dạy của Đấng Cứu Thế bằng ngôn ngữ mẹ, đưa ý văn, ý thơ, ẩn dụ, phép màu đi thẳng vào lòng người thì lại lặng lẽ trở về lòng đất theo sau là bà cụ và khoảng mười người kể cả phu đòn với nìềm tin riêng của mình. Cho nên cũng xin cám ơn anh, chúng ta đã trao đổi khá thẳng thắn về một lãnh vực khá nhạy cảm, dễ tranh cãi và khó có sự đồng thuận nhưng cũng khá thú vị, bất giác làm tôi nhớ lại có lần tặng anh một bài thơ trong ý ẩn dụ của một người mang tâm trạng cô đơn muốn tìm về với Chúa, trong đó có mấy câu,

tôi là người tự do

tôi có quyền chọn lựa

tôi có thể vô nhà thờ này

tôi có thể đi chỗ khác

vậy xin Ngài

hãy nói gì với tôi

(‘Tôi cần Ngài’, đxt)

với tư cách người hầu việc Chúa và có kinh nghiệm đưa nhiều người về với lẽ thật, vậy xin anh có thể dự đoán là Chúa Jesus sẽ ‘nói gì với tôi’.

TNĐ: Như vậy là anh bắt tôi “đóng vai” Chúa Jesus rồi. Nhưng không sao, tôi đã học thuộc lòng “vai diễn” này, từ chính trong Kinh thánh (xin vui lòng hiểu rằng tôi dùng những từ này trong lãnh vực văn chương, không hề có hàm ý xúc phạm Đấng Chí Cao khi dùng chữ đóng vai hay vai diễn) Tôi chẳng nói rằng tôi hiểu hết Ngài, vì chẳng ai có thể hiểu hết Ngài cho đến khi gặp Ngài mặt đối mặt, nhưng điều gì tôi hiểu (và biết rằng nó đúng) thì tôi nói. Tôi “thay mặt” (cười) Chúa Jesus trả lời câu hỏi của anh nhé. Trong tư cách là một “tu sĩ” (thật ra chẳng có tu gì hết cả đâu) thường giảng dạy, mà giảng dạy thì hay phải phân tích, suy diễn, làm rõ, tôi phân tích đoạn thơ của anh có hai ý, thứ nhất là hai câu đầu: tôi là người tự do, tôi có quyền chọn lựa. Đây là cách nói của những người chưa biết Jesus. Đúng vậy, Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời đã ban cho con người có quyền tự do lựa chọn, lựa chọn niềm tin, lựa chọn cách sống. Kinh thánh có rất nhiều đoạn nói về sự tự do (không phải tự do làm tất cả mọi điều, nhưng tự do để làm những điều tốt mà không bị tội lỗi ngăn cản) Hệ thống định vị GPS, hay Mapquest, chỉ đường đúng cho người ta đi, nhưng người ta có quyền tự do nghe theo hay không, đi lạc người ta chịu trách nhiệm. Hai câu sau tôi có thể vô nhà thờ này tôi có thể đi chỗ khác là câu nói của một con chiên đã ở trong chuồng nhưng không vừa ý chuồng đó muốn đi chuồng khác, tùy ý (tự do mà) nhưng cứ thay đổi chuồng hoài thì mình cứ mãi lạc loài không nơi nương tựa, cô đơn ngay chính trong gia đình mình. Còn hai câu cuối vậy xin Ngài hãy nói gì với tôi thì Jesus sẽ nói rằng con ơi ta yêu con lắm, con hãy đến với ta, đừng chọn “lung tung”, đừng đi “lung tung” nữa (cười)

đxt: Anh phân tích khá sâu mà ý của tôi không hẳn kỳ vọng nhiều như vậy, dù sao qua anh tôi đã hiểu được ý Ngài muốn nói gì với tôi. Lẽ ra câu chuyện kết thúc ở đây, nhưng tôi muốn nói thêm một điều với người ‘tu sĩ có tâm hồn thi sĩ’ là hiếm thấy một người sống thật với mình khi vừa soạn bài giảng lại quay sang làm thơ (tên một bài thơ trên DM). Tôi cũng yêu những nhân vật Gã Một Gã Hai trong nhà thờ của anh, chính tôi đã lấy nickname Gã Sáu khi viết những comments trên DM và chị Hải Hà người bình chọn tôi là ‘người có lời bình dễ thương nhất’ ấy vậy mà cũng ‘anh đừng tưởng chúng tôi không biết anh là ai nhé! (cười). Xin anh có vài lời gửi gấm với độc giả trước khi ta chia tay.

TNĐ: Cám ơn Gã Sáu. Gởi gì đây. Gởi những lời chúc lành từ một Mục sư “thi sĩ” đến những người đọc mình. Là một “tu sĩ” tôi chân thành cầu xin Thiên Chúa là Đấng yêu thương loài người (chứ không phải một số người) chúc phước trên đời sống các bạn. Là thi sĩ tôi xin các bạn cứ ung dung yêu đời, yêu thơ, đọc thơ, bình thơ cho đời thêm thi vị. Thứ bảy tuần này tôi sẽ “lên đài” phát thanh VAB 1600 của Dallas nói chuyện về văn chương, có ai nghe thì xin mời.

đxt: Một lần nữa xin cám ơn anh. Chúc anh thành công trong cả hai thiên chức của mình và có dịp ta sẽ quay lại để cùng trao đổi chuyện chữ nghĩa & tâm linh.

 

DoXuanT

ĐỖ XUÂN TÊ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search