T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: Gặp gỡ văn nghệ cuối năm

Cuối năm, tuy bận rộn với mùa thuế đang vào những ngày cao điểm (kiếm . . . tiền cho con đi học xa), tôi cũng đã hòan tất được điều ấp ủ từ lâu: nói lời cám ơn đến tác giả 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam.

Và cũng qua lời cám ơn đó, tôi được thêm một chút duyên văn nghệ của người từ xứ sở Kangaroo xa xôi.

Những mối duyên văn nghệ, thóang đến, thóang đi, thóang ẩn, thóang hiện, nhưng chúng không bao giờ mất hẳn. Và nhiều khi, chúng mang đến hạnh phúc không ngờ.

Thí dụ như người bạn trẻ viết văn Lưu Na của tôi, cái người tôi chưa bao giờ gặp nhưng đọc văn lại cảm thấy một sự gần gủi lạ thường. Có lẽ đó là điều mà ngày xưa các cụ cố tổ gọi một cách mỉa mai cay đắng là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã ” chăng?

Dù sao thì cũng nhờ chút duyên văn nghệ với người bạn trẻ ấy mà tôi được thưởng thức “hàm thụ” một cuộc gặp gỡ văn nghệ cuối năm ở mãi bên kia miền Nam Cali nắng ấm, nơi tác giả “về đây nghe em, mặc áo the, đi guốc mộc” đến để hội ngộ cùng những người bạn cũ của một thời “làm con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hót chơi“.

Tôi muốn mượn khỏanh ghi chép nhỏ này mời anh em bằng hữu cùng nghe người bạn trẻ Lưu Na của tôi nói về cuộc gặp gỡ mà chỉ nghe không thôi cũng đã thấy “sướng”. Và xem cả những hình ảnh ghi từ một ống kính không kém phần xông xáo.

T.Vấn

…Canh Dần, 27 tháng 1, 2011.

Một cuộc vui trong nhiều cuộc vui của Bolsa ngày Tết, nhưng đặc biệt, vì không phải có tiền thì mua được chỗ ngồi. Cuộc vui này là nghệ sỹ hát cho nhau nghe, mời thân hữu cùng nghe. Ngặt một nỗi, nửa phố Bolsa là nghệ sỹ và nửa còn lại là thân hữu, nên 8pm thì hội trường báo Người Việt hết chỗ

Tôi tất tả với bị máy hình trên vai chạy đến, băng ngang một chiếc xe van đậu ngay cạnh cửa ra vào. FBI stakeout? Liếc mắt, xe không có ghế, chỉ toàn là nút với đèn, một anh chuyên viên kỹ thuật đeo headphone đang khua tay như phù thủy. Dây điện như dây mây bò lằng ngoằng vào hội trường. Hát chơi ngon hơn hát thiệt!!!! Ông chú dắt tôi len lỏi qua các hàng ghế, ngồi chỗ của tôi đi, hết chỗ rồi.

Dọc theo tường, Nguyên Khai và một số họa sĩ góp nhiều bức tranh cho khán giả thưởng thức. Bức hình thiếu nữ tỏa sáng như hoa hướng dương trên nền xanh thẳm rắc hoa được rất nhiều người yêu thích và chụp hình (hại không à!!!). Nghe đâu bức vẽ chân dung của phu nhân Nguyên Khai đẹp nhất thì họa sĩ để ở nhà ngắm riêng!!! Bên trên, sân khấu sáng nhưng trống, chỉ có banner tím với hàng chữ vàng chạy ngang, mai đào hai bên và tên những nghệ sỹ tham dự bên dưới, màu trắng. Phe ta cùng 4, 5 cây guitars đứng bên dưới hát trước khán giả. Du ca Nguyễn đức Quang đã dứt phần mục đích buổi văn nghệ: hát cùng Trần quang Lộc, mời Nguyễn đình Toàn lên đôi lời với bạn. Ông đứng lên, cái bóng gầy giọng êm đềm tha thiết như những năm xưa. Hình ảnh của Nguyễn đình Toàn là một hình ảnh lặng lẽ, nhưng thiết yếu trong chuỗi đời phiêu bạt của Trần Quang Lộc Về Đây Nghe Em. Dù nói câu chuyện vui mà nghe ẩn chứa một chút đớn đau, họ đã kết tình với nhau trong những ngày khốn khó. Loay hoay lụp chụp lắp máy gắn đèn, tôi được 2 bức hình thì ông hết lời. Hình đen thui. Trần quang Lộc hát, tôi liếc mắt, quả Nguyễn đình Thư đang ngồi sau trong góc tối đệm đàn cho chú Lộc. Thành một đôi ta rất đá vàng!!! (Mai Thảo)


Trần Quang Lộc    Ngô Tín

Đến Đinh trung Chính hát. NĐ Quang nói anh này có đôi tay vàng nhưng tôi chỉ thấy anh hát thật sống động và cười rất tươi. Ngô Tín thì dù chả ai nói chi tôi lại thấy đôi tay anh búng trên dây như tôm đất tung trong rổ như cá tung dưới suối. Ngô Tín ngăm đen nét mặt khắc khổ như tiều phu, nhưng đôi tay anh bạt ra những âm thanh sắc dòn như từng nhát búa bổ chắc vào cây đàn. Anh mời ca sỹ Thiên Hương và một anh bạn (Huy Khanh?) lên hát. Nhóm ca nữ đã dợt sẵn bài bỗng rút lui khi phát giác ra là ông Trần quang Lộc có quá nhiều em(?) về đây chung vui…

 


Đinh Trung Chính                                 THiên Hương

Banner có tên Diệu Hương, nhưng vắng người. Đổi lại, Lê Uyên từ ghế khán giả đã bị gọi tên. Chia sẻ đôi điều kỷ niệm về Phương. Yêu cầu lên hát.

_Tôi không mặc áo dài, không hát đâu

_Dài ngắn thì dính gì đến tiếng hát…Khán giả ồn ào đồng ý

_Nhưng tôi đang say

_Hát càng hay.

Khán giả lại nhao nhao, hát đi. Thì hát. Hát 3 bài, có Ngọc Trọng và Ngô Tín đệm. Mời thêm Trâm Oanh lên hát duet, thật hay (Bài ca hạnh ngộ).


Lê Uyên


Ngọc Trọng và Lê Uyên                 Nguyễn Đình Tòan

Nguyễn đức Quang lại mời thêm một tên. Không lên. Lên, lên bây giờ. Nón đen áo quần đen ria mép đen. Râu cằm trắng xóa. Trần duy Đức đứng nói, tôi vội vã lăn quay chụp hình không nghe được anh nói gì. Hội trường bắt đầu lao xao. Hình như phải có tiếng đàn tiếng hát thì mới trị được những tiếng xì xào. Nhưng tôi còn bận chạy lung tung. Người ta là chuyên nghiệp nên đến sớm lựa chỗ đứng lựa góc cạnh lắp sẵn ống kính thích hợp. Còn tôi thì mải vớ vẩn nên cứ lục đục lăn lộn. Chợt ông Khiêm photo lôi tôi vào xó tối. ???? . Góc này chụp được. OK. Một giọt mồ hôi rớt thầm sau lưng áo.

Bây giờ Ngọc Trọng hát. Lần đầu tôi được nghe tiếng hát bên ngoài, thật ngọt ngào_cái ngọt ngào ông trời cho chứ không vì trau chuốt. Ngọt như vậy thì muốn buồn cũng khó, tôi e người ta hát bài gì Buồn vương màu áo còn buồn hơn chính anh là tác giả hát.

Rồi Nhật Ngân lên. Hóa ra Tôi đưa em sang sông trông rất trẻ và còn có vẻ hơi gian nữa chứ không u hoài như “tôi” của bài hát đó. Ông hát Tôi thường đi đó đây, làm tôi nhớ lính và chợt dưng cay mắt nhớ một người…

 

Nguyễn Đức Quang  (trên)              Nhật Ngân và Ngọc Trọng

Không còn ai, vậy du ca Nguyễn đức Quang hát. Ông khoe tập thơ Pablo Neruda. Pablo Neruda, không biết người ở miệt nào mà sao mới đây nghe nhiều người nhắc. Một người quen gửi cho bài thơ, cô Trầm Hương liên tiếp giới thiệu, chuyển ngữ mấy bài thơ, rồi bây giờ du ca khoe của, đã làm được 2 bài hát phổ từ thơ Neruda. Du ca gào to: anh muốn em lặng im, dưới hội trường quí phụ nữ chợt ngậm sầu ngang môi lắng im, quí ông chợt đồng loạt gật gù hả hê. Vỗ tay rất dòn, nhưng không kiểm chứng được tay nào của “em” hay chỉ là tiếng vỗ của một bàn tay. Kế đến du ca gào to hơn nữa: em là của anh, em là của anh. Trần quang Lộc ngồi ghế đầu cười toác hoác, ông này khôn, có thể xài hoài với nhiều người… Bên dưới nhiều phụ nữ nhớn nhác. Du ca chắc cảm được bạn cười mình nên đang nhăn nhó thét gào chợt khóe miệng dãn ra nhếch lên và quay mắt lơ đi chỗ khác, gào tiếp.

Trần quang Lộc trở lại với cái bóng Nguyễn đình Thư. Cũng góp một bài mới làm, có những lời Nguyễn đình Toàn rất tâm đắc, mà tôi lại quên mất. Đại khái, khi ra đi_dù chỉ là tạm xa, mà qua khỏi bụi tre đã nhớ làng, qua khỏi bờ thì đã nhớ quê hương…

 


Lê Uyên và Nhã Lan                        Trần Duy Đức

Đèn bật sáng, gọi nhau ơi ới. Giằng nhau ra kéo nhau vào leo lên bước xuống xoay người ngước mặt nghiêng đầu ôm chặt… Flash lóe không ngừng cười không kịp khép môi. Ngang Trần duy Đức chợt đứng tim thấy ánh mắt anh ngơ ngác sao sao… Nhưng tôi ngại ngần không quen mà đòi chụp hình người ta kỳ nên thôi. Cuộc vui nào cũng tàn. Tôi cất máy đóng bị.

 


Trần Quang Lộc

Trần quang Lộc sau 2 tháng rong chơi thăm gia đình con cháu ở California sẽ trở về Việt Nam ngày mùng 8 Tết. Chắc chắn Về đây nghe em sẽ mãi nhớ những tiếng hát ân tình. Còn tôi, một mình trên đường về chợt băn khoăn chợt hối tiếc. Chiếc bóng lặng lẽ kia đang mờ dần theo thời gian, tôi ghi được hình ảnh gì? Trần duy Đức, ánh mắt anh ngơ ngác, anh nói mà tôi không nghe được, hóa ra tôi đã lỡ một cơ hội vì…

Lưu Na

Bài Mới Nhất
Search