T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Yên Hạ : Quãng đời nhìn lại

clip_image002

(Hình Cắm Hoa : Trương T Vinh)

Ông Mười thực sự tỉnh táo và nhận biết mọi vật chung quanh, sau hai ngày tỉnh tỉnh, mê mê. Vừa mở mắt, ông lờ mờ thấy bà Mười đang ngồi sát cạnh giường.

-Ông tỉnh dậy rồi! Cảm tạ trời Phật.

Bà Mười cúi xuống thật gần trên khuôn mặt ông rồi áp bàn tay vào má ông. Ông cảm nhận rất nhẹ những giọt nước mắt đang chảy xuống mặt mình. Bà Mười đã khóc.

-Đây là đâu vậy bà, sao tôi nằm ở đây? Tôi nhớ đang làm việc rồi bị chóng mặt và ngủ gục trên bàn mà.

-Đây là bệnh viện Baylor gần nhà mình, ông bị ngất xỉu, người ta đưa ông vào đây cứu cấp. Bác sĩ nói là bị đứt một mạch máu nhỏ. Hai ngày nay ông nửa mê nửa tỉnh làm tôi lo quá, sợ ông không qua khỏi. Ông thử đưa hai tay lên coi.

Ông Mười nhìn xuống thấy hai cổ tay quấn dây và chuyền thuốc, cả mũi ông cũng vậy. Ông cố gắng chuyển động, nhưng hình như tay và chân trái ông không nhúc nhích, điều khiển được. Chỉ có tay chân bên phải là ông cảm thấy rã rời đau nhức. Ý nghĩ mình đã bị bán thân bất toại làm ông bật khóc như một đưá trẻ. Lấy khăn chấm nước mắt cho ông, bà Mười nói:

-Ông đừng lo, không lâu đâu, ông sẽ bình phục như xưa. Bác sĩ nói, nếu trong ba ngày ông thực sự tỉnh táo và nói chuyện được thì không có gì đáng lo. Hai ngày nay tôi ngồi đây không tài nào ngủ được, lúc nào cũng cầu nguyện cho. Bây giờ thì tôi mừng rồi . Để tôi đi gọi bác sĩ báo cho họ biết.

Bà Mười đứng dậy bước vội ra ngoài. Ông Mười nằm lại một mình trên giường bệnh, lòng buồn rười rượi. Có thể nào những ngày tháng sắp tới ông sẽ trở thành một phế nhân? Nửa người bên trái ông giờ đây hoàn toàn nặng chịch, không có một cảm giác nào khác dù ông cố gắng để nhấc lên. Bất chợt, ông cảm nhận một nỗi cô đơn thật ghê gớm. Thằng con trai hiện giờ ở xa lắc xa lơ, tận mãi Florida. Bốn năm nay nó không hề trở về thăm ông, kể từ ngày ông nổi giận, quất vào người nó một trận đòn dây nịt và đuổi nó đi, khi nó cãi lại không chịu theo học ngành nha khoa như ông muốn. Thằng nhỏ đi thật. Nó theo đứa bạn gái xuống Jacksonville làm nghề nail, lâu lâu mới gọi điện thoại về, nhưng chỉ để hỏi thăm mẹ nó. Từ đó, ông tự coi như mình vô phước, vô phần, dù đã hết sức kềm chế nó từ ngày còn nhỏ, nghiêm khắc theo dõi từng bước trong việc học hành, mà nó cũng không nên thân.

Hồi ông nhỏ, ba ông còn khó hơn ông bây giờ nhiều. Mỗi tối ông phải ngồi trên bàn học cho đến khuya. Cứ lúc nào không thấy không cuốn sách trên tay là ông bị rầy. Nhờ vậy mà ông đã đậu bằng tú tài hai, rồi vào trường nha được hai năm. Nếu không bị động viên năm Mậu Thân thì chắc chắn ông đã có bằng nha sĩ như người ta.

Qua được cái xứ đầy cơ hội nầy ông đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào thằng Quân, đứa con trai duy nhất của mình. Ông hằng mong muốn những điều ông chưa đạt được, nó phải tiếp nối để thành công. Vậy mà cái thằng!…ông Mười không muốn nghĩ đến nó nữa, dù trong lòng thắc mắc không biết bây giờ nó sống ra sao?

Vợ ông trở lại với một bác sĩ Việt Nam còn rất trẻ. Bác sĩ bước tới nắm tay ông mỉm cười:

-Bác tỉnh dậy rồi, chúc mừng bác.

Nhìn những giọt nước mắt còn đọng trên khoé mắt ông, bác sĩ an ủi:

-Bác đừng lo, ngày mai sẽ có chuyên viên trị liệu giúp bác tập luyện, từ từ bác sẽ phục hồi.

Bác sĩ đi rồi, ông Mười quay lại hỏi bà:

-Thằng Quân có biết tôi bệnh không?

-Tôi có gọi điện thoại nhưng nó không có ở nhà, tôi đã để lời nhắn lại. Nhưng thôi ông cứ lo tĩnh dưỡng nghỉ ngơi đi.

Nhắc đến thằng Quân, bà lại nhớ như in những trận "lôi đình" cuả ông Mười. Bà đã khóc hết nước mắt mỗi khi ông chửi rủa thằng nhỏ. Nó lớn rồi, đâu phải là con nít lên ba mà cứ gặp mặt là ông đay nghiến, mắng nhiếc. Bà đồng ý là ông dạy dỗ nó, nhưng bằng cách nào, chứ cứ thế này là mỗi ngày nó mỗi tránh xa ông. Là một người bảo thủ và cố chấp, nên ông luôn bỏ ngoài tai những lời góp ý của bà. Kết quả thì sao? Thằng con đã phản kháng lại bằng cách bỏ đi mặc cho bà ngăn cản, khóc lóc.

Ông Mười cũng lơ mơ nhớ đến đứa cháu gái gọi ông bằng chú. Nó sang Mỹ ở với ông được ba năm, rồi cãi ông, lấy một người chồng lớn hơn nó cả mười lăm, mười sáu tuổi lại không rõ gốc gác. Nghe đâu bây giờ nó bị thằng kia đối xử tệ lắm mà cũng không chịu trở về với ông.

-Bà có nghe tin gì của con Bông không? Bây giờ nó ở đâu?

-Hôm ông ngã bệnh, tôi có gọi báo tin. Không chừng hôm nay nó sẽ về thăm ông. Hình như nó không có tiền đi máy bay, nên nghe nói mẹ con nó sẽ đi xe bus.

Có tiếng gõ cửa phòng, bà nhìn ra cánh cửa vừa mở rồi vui mừng reo lên:

-Con Bông về nè ông!

Bông chạy đến giường ông Mười, nắm bàn tay gầy gò của ông, đôi mắt nhoà lệ:

-Chú Mười, chú ra sao rồi?

Ông nghe nghẹn ở cổ, không nói được lời nào. Con nhỏ ốm quá, khuôn mặt nó già đi nhiều. Mới có bốn năm mà ông tưởng chừng như lâu lắm. Tội nghiệp cháu của ông, nó mồ côi mẹ khi mới lên mười. Không bao lâu ba nó lấy vợ khác, vậy là nó trôi dạt từ nhà cô này đến nhà chú kia. Cuộc đời cuả nó là một chuỗi tuổi thơ đầy nước mắt và nhọc nhằn. Đã không được học hành đến nơi, đến chốn mà sống ở đâu, với ai cũng bị đối xử lạnh nhạt, hững hờ. Đôi khi còn bị khinh khi như người ở đợ không hơn, không kém. Thương cháu, ông Mười tìm đủ mọi cách để bảo lãnh Bông sang đây với quyết tâm bắt nó học hành, sửa dạy từng lời ăn, tiếng nói, mong muốn cho nó lột xác, từ một cô gái lao động, lam lũ thành một "tiểu thư khuê các" để sau này có một tấm chồng đàng hoàng hầu sung sướng tấm thân. Vậy mà hình như nó chẳng muốn nghe lời ông, mặt mày lúc nào cũng buồn thỉu buồn thiu, nói năng cụt ngủn. Bực bội, một ngày ông Mười rày la nó không biết mấy bận. Nó than thở với bà rằng chú khó quá, con không chịu nổi. Rồi đùng một cái đòi lấy chồng. Cái thằng ở đâu, con ai, ông không hề biết! Tuy giận nhưng ông vẫn lo lắng cho nó, không biết rồi ngày sau sẽ ra sao? Bây giờ nằm đây, đối diện với căn bệnh ngặt nghèo, ông Mười mới cảm thấy cần biết bao sự hiện diện của những người thân yêu bên cạnh ông. Con ông. Cháu ông. Sao không đứa nào muốn gần gủi ông. Ông đã đối xử thế nào mà đứa nào cũng xa lánh ông. Thương chúng, ông chỉ muốn dạy dỗ chúng, muốn tốt cho chúng, sao chúng không chịu nghĩ lại.

Bất chợt hai dòng nước mắt trào ra trên đôi má hóp cuả ông.

Hoàn cảnh cuả ông Mười cũng đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Là người có trách nhiệm, ai cũng mong ước con cái mình nên người. Nhưng nhiều khi bậc làm cha mẹ đã đẩy con cháu mình vào hoàn cảnh mà chính mình không muốn, chỉ vì cách dạy dỗ quá khắt khe, thiếu tế nhị. Lại có những người cứ muốn đặt để con cái theo con đường mình chọn sẵn. Buộc nó phải suy nghĩ theo cách suy nghĩ của mình, sống và quan niệm về cuộc sống theo khuôn mẫu của mình thì mới được xem là nên người. Những bậc cha mẹ nầy luôn luôn bảo thủ, không bao giờ đặt trọn niềm tin vào con cái, nếu thấy chúng có dấu hiệu khác với mình. Họ không bao giờ để đứa trẻ phát triển tài năng theo cá tính cuả nó. Lại có những người cứ muốn con cái phải sống cuộc đời cuả mình, bước tiếp con đường cuả mình đã đánh mất mà quên rằng mỗi hoàn cảnh xã hội, mỗi một con người đều có một giá trị riêng.

Chừng nào cha mẹ còn dùng quyền lực để uốn nắn, răn đe con cái đi theo con đường mình chọn, thì còn cơ hội gánh lấy sự thất bại trong việc giáo dục con cái, đôi khi còn gây ảnh hưởng không tốt cho tương lai của chúng và chính chúng ta, những người làm cha mẹ cũng không tìm được hạnh phúc khi tuổi đã về chiều..

Bạn có nghĩ như vậy không? []

Trần Yên Hạ

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search