T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 25)

Gương soi

Những người con gái chỉ ý thức hết vẻ đẹp của mình khi trên mặt đất này xuất hiện những chiếc gương soi.

(Nguyễn Hưng Quốc – Thơ và phê bình thơ)

Chữ nghĩa và tiếng Việt sao rắc rối thế
Ông Bá di cư từ Bắc vào Nam năm 1954. Năm vừa qua ông về thăm họ hàng còn lại ở miền Bắc. Ông vừa vào tới cổng nhà bà con, thì đứa cháu họ thấy ông đến, liền mau mắn vòng tay, cúi đầu chào:

– Cháu xin phép lạy chú ạ! Cháu xin rước chú vào trong nhà chơi, xơi nước lóng ạ!

Con bé rót nước, rồi mời ông Bá…xơi bát nước chè. Ông Bá thấy đứa cháu ớ miền Bắc của mình thật lễ phép và ăn nói sao mà khách sáo đến thế!
Khi ông trở về miền Nam. Một hôm ông Bá xuống miệt vườn Cần Thơ thăm gia đình người bạn cùng quân ngũ trước năm 75, anh ta là người miền Nam.

Ông Bá cũng vừa vào trong cổng, thì gặp ngay cô bé thôn nữ, con anh bạn đang cắt rau ở ngoài vườn, trên tay còn đang cầm con dao, cô ta chắp tay vái 3 vái và thưa:
– Dzạ! Dzạ… coong xin dzái chú ạ!
Thấy con dao, ông Bá hoảng hồn, sợ quá nên nói:

– Ấy! Không được đâu cháu! Chú chỉ có một cái à!”

Con bé không hiểu gì nên mời tiếp:

– “Tiện đây, coong mời chú dzô dzường coong chơi cho biết.
Ông Bá nghĩ nhẩm trong đầu: “Ấy! Nó mời như vậy thì chết bỏ mẹ mình rồi”.
Ối! Cha ôi! Tiếng Dziệt mà sao gắc gối thế, thưa bà con cô bác!

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Bà Chằn

Hỏi: “Bà Chằn” là gì, thưa cô.

Đáp: Bà Chằn là huyền thoại “Thạch Sanh, Lý Thông” của người Miên tượng trưng cho hung dữ. Trong Nam kêu là ”bà chằng”.

Văn học miền Nam từ 1954 đến 1975

Viên Linh trong cuốn Chiêu niệm văn chương đã viết:

“Các nhà văn xuất hiện thường xuyên, trên nhật báo, qua các nhà xuất bản, nhất là trên các báo định kỳ, và thành từng nhóm. Lý lịch văn chương và sắc thái địa phương của họ rất tương đồng, tùy theo nhóm tạp chí trên đó họ góp mặt.

Đa số các nhà văn miền Nam qui tụ trên các tờ tuần báo Đời Mới, Nhân Loại, và nhật báo như Tiếng Chuông, Sàigon Mới (Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Kiên Giang, Lưu Nghi, Thẩm Thệ Hà, Trang Thế Hy…).

Các nhà văn gốc miền Trung trên tờ Văn Nghệ Mới, Bách Khoa (Võ Thu Tịnh, Nguyễn Văn Xuân, Võ Phiến, Đỗ Tấn, Vũ Hạnh, Bùi Giáng, Võ Hồng, Nguyễn Thị Hoàng…).

Các nhà văn “di cư” xuất hiện trên các tờ Đất Đứng, Sáng Tạo, và trên các nhật báo như Tự Do, Ngôn Luận (Đỗ Thúc Vịnh, Nguyễn Hoạt, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền…) hay Văn Nghệ (Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn…), Hiện Đại (Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, Nhã Ca…).

Tờ Chỉ Đạo, Phụng Sự, Tiền Tuyến quy tụ các nhà văn quân đội hay quân nhân đồng hoá như Nguyễn Mạnh Côn, Mặc Thu, Thanh Nam, Phan Nhật Nam, Thảo Trường…”

(Viên Linh – Khởi Hành)

Tang bồng

Cao Bá Quát có câu thơ:

Trói chân kỳ ký tra vào rọ

Rút ruột tang bồng trả nợ cơm

Cũng như Nguyễn Công Trứ qua bài Chí nam nhi:

Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo

Thảnh thơi thơ túi rượu bầu

Tang bồng nằm trong câu “Tang hồ – Bồng thỉ” với nghĩa cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng. Tục của người Tầu cổ xưa khi đẻ con trai, thì dùng cung tên bằng tang và bồng bắn sáu mũi lên trời, xuống đất và bốn phương. Kỳ vọng chí khí nam nhi của người con sẽ thành danh ở thiên-địatứ-phương.

(Phụ chú: Rắc rối tệ)

Tiếng Việt tiếng Pháp

Hiện tại, trong vốn từ của Việt Nam có khoảng 200 từ là từ của gốc Pháp. Các từ này còn đang sử dụng đâu đó, nhiều khi miệng nói, tay viết ra nhưng không biết câu ấy có tiếng Pháp trong đó. Như trong Nam có câu:

“Gà xé phay”. Phay từ tiếng Pháp là con dao phay, là cắt, chặt.

(Phụ chú: Gà xé phay là gà chặt ra từng miếng nhỏ. Tiếng địa phương ở một vài vùng còn gọi là “xé phai” ?)

(Nguyễn Đức Tuấn – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

Chữ nghĩa làng văn

Tiếng Việt không nghèo nàn, vì theo Việt Nam tự điển của Nguyễn Ngọc Trụ thì có 97 (chín mươi bẩy) kiểu cười khác nhau:

“Cười nhạt, cười như chợ vỡ, cười tim tỉm, cười sặc sỡ, cười hàm tiếu, cười chớt nhả, cười gằn, cười cười, cườ hết nổi…v…v…

(Nguyễn Lương Tuyền – Chuyện tào lao)

Từ điển văn học bộ mới

Vừa được phát hành đầu năm 2005. Nói là tái bản của Từ Điển cùng tên, ra đời trước đây hai mươi năm và có nhiều thay đổi cái nhìn mới, tư duy mới, và cái mới nghiêm túc. Một ví dụ đánh dấu cởi mở, là nhiều tác giả miền Bắc và miền Nam và nhiều tiết mục đã được thay thế hoàn toàn…Tuy nhiên một số chi tiết cần được bổ khuyết hay điều chỉnh:

– Nhà văn Trọng Lang, tác giả Hà Nội Lầm Than, năm 1954 di cư vào Nam, có viết cuốn Điên Thời Đại (1964), qua đời tại TPHCM ngày 29-4-1986.

– Nhà văn Đỗ Tốn tác giả Hoa Vông Vang, cũng vào Nam thời ấy, gia nhập quân đội, làm việc tại Nha Địa Dư Đà Lạt, qua đời ngày 22-10-1973 tại Sài Gòn vì đứt mạch máu não. Đỗ Tốn quê ở Vĩnh Yên chứ không phải Hà Nội.

Một số năm tháng cần tra cứu lại :

– Về Xuân Diệu, bản 1984 cũng như Bộ Mới ghi ngày sinh là 2-2-1916, khi các tư liệu khác ghi 191(?) (*) ; tác giả cho trồi lên một năm có lẽ vì biết Xuân Diệu tuổi Thìn, vậy 1916 hợp lý hơn ; nhưng không may, ngày 2 tháng 2 lại rơi vào 29 tháng chạp (thiếu) năm trước, là Ất Mão ! Hoàng Trung Thông nhớ rõ và nhắc lại là Xuân Diệu sinh ngày Thìn, tháng Thìn, năm Thìn, nhưng vẫn ghi 1917. Nay thử so lại thì thấy : Xuân Diệu sinh ngày 23 tháng 3 năm Bính Thìn, tức ngày 25-4-1916.

( Phụ chú: *…các tư liệu khác ghi 1917)

(Đặng Tiến – Chimviet.free.fr)

Tục ngữ Tầu

Xuy mao cầu ty

(Bới lông tìm vết)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ – I

Chuyện hai vợ chồng người Việt mới chân ướt chân ráo qua Mỹ và đang ở trong bếp trong một ngày cuối tuần…:

Vợ vừa loay hoay dọn mâm cơm và nói: Mắm đây.

Với tay vừa rắc tiêu vừa tỉ tê: Tiêu đây.

Sau đấy, cầm chổi quét và lẩm nhẩm: Quét đây.

Quay tìm cái thớt, rồi lầu bầu một mình: Thớt đây.

Có thớt, cầm dao phay chặt, miệng nhúc nhích: Phay đây.

Mở tủ lấy chai rượu rắn cho chồng, lầu nhầu: Xà tửu đây.

Chồng ngồi xuống, lỳ một lam và sướng rên: Sướng đây.

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ – II

Ấy là chuyện hai vợ chồng mới qua đang học “sinh ngữ sinh tồn”:

Monday – Tuesday – Wednesday – Thursday – Fridday – Saturday – Sunday.

 

Tát nước đầu đình

Bài Tát nước đầu đình hiện hành do Vũ Ngọc Phan sưu tầm và giới thiệu đã biểu hiện lời tỏ tình của chàng trai với kết cấu “áo rách, nhờ khâu vá, trả công”. Ở Bình Định cũng có bài Tát nước đầu đình có những điểm tương đồng vừa có những dị biệt:

Áo anh đã rách hai tay

Cậy nàng so chỉ vá may cho cùng

Vá rồi anh trả tiền công

Mai mốt lấy chồng anh giúp của cho
Giúp cho quan mốt tiền cheo,
Quan nǎm tiền cưới, lại đeo mâm chè

Giúp cho nửa dạ hột mè

Nửa ang tiêu sọ, nửa ghè muối khô

Giúp cho cái ấm cái ô

Cái niêu sắc thuốc cái bồ đựng than

Anh giúp cho một đứa nuôi nàng

Lâu ngày chẵn tháng rồi chàng tới thăm…

(Trần Xuân Toàn – e-cadao.com)

Tiếng Tầu tiếng Việt

Tiếng Hán với “mã xa”, Người Quảng Đông nói “mã xê”, người Việt nói bình dị, bình dân là xe ngựa. Đi với xe bò, xe tay, xe đò thì thêm chuyện như sau..

Tả chiếc xe bò lăn bánh trên đường ghồ ghề, người miền Bắc nói: “Chiếc xe bò gõ lộc cộc trên đường đá”.

Tả chiếc xe đò cũ kỹ, người miền Nam nói rất bình dân: “Mèng đéc ơi! Cái xe chạy cà tịch cà tang báo hại tui cực muốn chớt”.

“Lộc cộc” là tiếng tượng thanh, nghe qua có thể đoán ra không là chiếc xe bò thì cũng là xe trâu hay xe…thổ mộ. “Cà tịch cà tang” đem phân tích ra từng tiếng tự nó chẳng có nghĩa chi, nhưng biết ngay là chiếc xe đã…về già.

Tiếng Việt dễ và chẳng…dễ thương

Những thằng ngu dốt nhất là những thằng hay nói dối nhất.

Nói không suy nghĩ khác nào bắn mà không nhắm.

Hãy suy nghĩ những điều bạn nói nhưng đừng nói tất cả những điều bạn nghĩ.

(Phụ chú: Bắn phải nhắm một mắt. Vì nếu nhắm cả hai mắt đâu có nhìn thấy gì nữa)

(ĐatViet.com)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search