T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Nhân đọc “Đọc” của Lưu Na

(Hình : Lưu Na )

Tôi có cái thú là thích đọc. Hồi nhỏ do mồ côi mẹ nên không được đi học sớm, mày mò thế nào tôi biết đọc trước khi…đi học. Vì không được hướng dẫn lại thiếu sách vở nên bạ cái gì cũng đọc, có thể là mẩu báo văng vãi bên đường, có khi là miếng giấy in gói thịt lợn ngoài chợ, thậm chí đọc trộm cả thư tình của bà chị họ nhờ làm cánh én đưa thư cho bạn học gần nhà. Nhờ cái chuyện đọc trộm này mà tôi ‘khôn sớm’ trong chuyện tình trường, và về cái mục viết thư tình có lần tôi đã viết dùm cho người bạn cùng đi tù cải tạo giúp anh giữ được người yêu cho đến ngày về.

Lớn lên được đi học, lo học nhiều hơn thích đọc những chuyện bá vơ. Lớn chút nữa cỡ tuổi teen lại thích đọc nhiều hơn thích học, bây giờ lại thích đọc thơ, thơ chứ không phải ‘thư’, cũng tại cái tật khôn sớm đi mê một cô bạn cùng lớp mà cô này thì thích được tặng thơ và nghe nhạc phổ thơ.

Có thể nói tôi thuộc hầu hết các bài thơ của những nhà thơ tiền chiến có vai vế trong văn học sử, chủ ý là tôi muốn học cách làm thơ từ những tác giả này. Nhưng con người ta có số, mà số tôi không thể trở thành nhà thơ, vì tôi nghiệm nếu không sinh ra ở miền núi non sông nước khó có cơ may đạt giấc mộng này. Rút cục, thơ mất tật mang, tôi hụt mối tình đầu vì thua tài làm thơ với thằng bạn trên lớp.Tôi quay sang đọc truyện, tất nhiên là những truyện văn học, bất kể truyện ngắn truyện dài, truyện Đông truyện Tây, cho đến khi đất nước đổi đời thì tôi trụ lại những tác phẩm kinh điển của Nga.

Rồi từ những câu gợi đề trong mấy tác phẩm của Tolstoi, giống như T.Vấn hay lấy vài câu thơ của Ngọc Phi làm mồi dẫn truyện cho mỗi bài viết, lúc đầu tôi không hiểu, sau đi hỏi một người bạn, anh ta đạo Tin Lành cho biết xuất xứ từ Kinh Thánh. Từ đấy tôi dò tìm hai cuốn Cựu ước và Tân ước của dịch giả Phan Khôi, đọc say mê đến lúc nào đó không ngờ lại trở thành tín đồ của Chúa, trong khi chính ông tác giả Tình già vừa đọc vừa dịch loại ‘tân thư’ này có cả ngàn trang, ông nói là ông dịch để ông học nhưng đến cuối đời vẫn chẳng chịu tin ‘có Chúa ở cùng người’.

Cũng tản mạn về đọc, tôi có thói quen thích đọc về đêm, và từ khi có văn hóa mạng ngồi lâu mỏi lưng tôi phải print out để nằm cho dễ đọc, bất kể bài viết ngắn hay tiểu thuyết dài, miễn là bằng giấy. Tôi vốn hoài cổ nên sách báo để đọc, để học thì phải được in, cầm những trang giấy còn thơm mùi chữ (chẳng thế mà người ta gọi là cảo thơm), tâm trạng người đọc vẫn thấy lâng lậng thích thú nhất là gặp những sách in đẹp trình bày với kỹ thuật cao. Nhưng thời thế đổi thay, thế giới ảo lấn át thị trường in, văn hóa đọc cũng từ đó phải điều chỉnh cho thích hợp. Cái may là mất cái nọ được cái kia, từ nay người đọc lại được thưởng thức phần minh họa trên các trang thơ văn trên mạng. Minh họa ngày càng hấp dẫn làm cho các câu chữ thêm lung linh, các vần điệu thêm lấp lánh đến độ người đọc không chỉ ‘nhìn’ chữ mà còn phải ‘đọc’ cả hình cả tranh với đủ loại hình nghệ thuât khi các webmaster tung hết bí kíp của mình sưu tầm cho bằng được các tranh, ảnh độc đáo để phục vụ và lôi kéo bạn đọc.

Chỉ một thí dụ nhỏ, khi đọc bài thơ ‘trò chuyện với hải âu’ của Nguyễn Xuân Thiệp tôi đã phải ‘đọc’ tấm photo minh họa (tác giả với con hải âu do LN ‘chụp’ được) với số lần gấp hai/gấp ba số lần thưởng thức bài thơ. Và gần đây nhất khi nghe và đọc ca từ của các bản tù khúc do nhóm thực hiện của TV& BH ta không thể không ‘đọc’ một cách mẫn cảm cùng tâm đắc với những nét chấm phá trên các tranh minh họa để đời của Trần Thanh Châu. Cho nên trong một lần trò chuyện tôi có đặt một câu hỏi với tác giả tập thơ chữ nghĩa của đán là hình thức minh họa có làm tăng khẩu vị hay làm giảm thú thẩm thơ của những người yêu thơ, thì chính ông (chắc chắn là nam) không cần dấu diếm là nó giúp ích rất nhiều cho cảm hứng người đọc, làm tăng giá trị bài vở, làm đẹp cho các trang thơ & văn. Tôi nghiệm lại và do thiên vị tôi xếp hạng hai trang web TV & BH và Sáng Tạo đi đầu trong sáng kiến biên tập này.

Chuyện đọc cứ dông dài cả ngày không hết, nên theo chủ ý tôi muốn quay lại cái tựa một bài viết của tác giả Lưu Na (chẳng biết xưng hô là chàng hay nàng vì tung tích cứ như Chúc Anh Đài trong chuyện chưởng). Chuyện tác giả chọn cái tựa đề có độc một âm: ‘đọc’, tất nhiên chẳng cần đoán đố người ta biết ngay nội dung muốn nói và viết gì. Tôi ít khi đọc một bài viết nhiều lần cùng một thời điểm, thường là đọc rồi suy nghĩ để đó, ấy vậy mà tùy bút vài ba trang này làm tôi phá lệ do có những tâm đắc không tên. Tất nhiên có những điều cần lý giải.

Cái thứ nhất là LN giống tôi hồi nhỏ ‘bạ cái gì cũng đọc miễn cái đó là…chữ’, nhưng thua tài là ở độ tuổi hoa nàng/chàng đã mê truyện chưởng và Quỳnh Giao. Kíp đến ‘Sài-gòn xập cái rầm tôi hết sách truyện thơ để đọc.Những ngày tháng đó ôm một mối hờn mà không biết hờn gì, tôi tìm đọc bất cứ cái gì có của ngày trước.’ Điều này nói lên cái bất hạnh sống trong một xã hội bị cấm đoán, muốn đọc mà không còn sách để đọc, muốn đọc cái mình thích thì miễn cưỡng phải đọc những cái mình không ưa. Có người nói tại ngưòi cộng sản họ muốn triệt những sách báo ‘đồi trụy, phản động’, thay vào đó bằng sách báo của chế độ mới. Không hẳn như vậy, tiểu thuyết ướt át Hồng Lâu Mộng của Tàu là cuốn ‘đồng chí’ Mao ưa nhất, ông còn ‘phong’ nó là một trong ba di sản mà người Trung Hoa đáng tự hào ngoài khoa đông y cổ truyền và thú chơi mạt chược của giới tư sản trung lưu! Cũng bàn về đọc khó có ai ngờ Mao được coi như một sinh vật mê đọc nhất hành tinh. Cứ theo hồi ký của bác sĩ thân tín riêng của Mao, thì ông mất ngủ nặng vì mê đọc, hay nói ngược lại do chứng mất ngủ mà ông phải dùng cách đọc để giết thời gian. Những sách ông đang đọc hay mới đọc choán chỗ trên giường ông nằm không còn chỗ cho người tình, thậm chí ‘chủ tịch vĩ đại’ phải làm tình trên nửa chiếc giường với các cô gái trẻ hầu việc khi ông sống cách ly với vợ là Giang Thanh. Điều này càng làm rõ thêm những sách ông đọc toàn là những trước tác đông tây kim cổ và chính ông còn yêu cầu bác sĩ riêng dạy ông tiếng Anh để tự đọc từ những bản gốc của phương Tây.

Trở lại bài của LN, chàng/nàng khó tính hơn tôi, đã đọc thì cứ sách hay là đọc nhưng LN lại để ý cả tư cách đời riêngcủa người viết, ‘Có những nhà thơ, nhạc sĩ, thơ nhạc sáng lòa mà đời riêng lại là những bản trường ca bôi bác không đẹp như những dòng đã viết…có những cây viết thật hay, bật lửa, bên ngoài e không thể nhìn nhau.” Gớm thật, nếu cứ bắt chước tác giả chắc chẳng bao giờ tôi dám mê nhạc của PD. (nói nhỏ mà nghe, chỉ riêng chi tiết này tôi có thể kết luận tác giả là…phái yếu, vì các bà các cô kỵ nhất là nói một đằng viết một nẻo khi hình ảnh ‘văn tức là người’ bị đánh tráo).

Cũng theo dòng tâm sự của LN, là một người đọc nhiều như vậy có thể nói có tật ham đọc bẩm sinh mà sao vẫn còn thắc mắc, ‘nhưng đọc được gì, tại sao đọc vẫn không rõ nét trong tôi…nỗi cô đơn của mình được lấp đầy và những ý niệm về kiếp sống về lòng người hiện ra rõ nét. Nhưng sao tôi vẫn thấy trống không. Chữ nghĩa nó có thật làm giàu cho tâm hồn mình?’ Cái này thì tùy thuộc vào sự cảm nhận của mỗi cá nhân khi coi đọc là một nhu cầu để học để chiêm ngưỡng cái đẹp hay chỉ là niềm đam mê giải trí qua ngày, cho nên ta thông cảm nỗi trăn trở của LN trong tư cách người đọc mà có những suy nghĩ khác người như vậy mới thực sự là người yêu…chữ nghĩa.

Điểm chót của bài viết, tôi như được an ủi khi người tuổi trẻ tài cao có những lời bàn về chữ nghĩa khá sâu sắc khi cho,’chỉ có người viết bôi bác chữ, người đọc bạc bẽo với chữ, chứ chữ nó vẫn là cái tình, vẫn đẹp. Với tôi, đọc được cũng là một ân sủng’.

Một khi coi đọc là một ân sủng thì gía trị của chữ nghĩa sẽ trường tồn và thiên chức của người viết lại càng cao. Và chúng ta là đọc giả ắt sẽ hạnh phúc.

 

Đỗ Xuân Tê

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search