T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

LM Nguyên Thanh: Thân Phận Lưu Đầy

LM Nguyên Thanh: Thân Phận Lưu Đầy

Thân Phận Lưu Đầy – Tranh: Trần Thanh Châu

Trong một buổi trò chuyện giữa nhà văn/nhạc sĩ Hà Thúc Sinh (một tác giả Tù Khúc ) và Linh Mục Nguyên Thanh, tác giả bài Thân Phận Lưu Đầy, LM Nguyên Thanh đã cho biết về lai lịch bài tù khúc này như sau:

“ . . . Sau 30/4/75, trong các trại tù từ Nam ra Bắc, bắt đầu từ trại Suối Máu, Biên Hòa. Tôi đã giữ được cuốn Phụng vụ giờ kinh trong suốt một năm tại Suối Máu và đã viết các bài Thánh Ca dựa trên Lời Kinh Phụng Vụ. Bài đầu tiên tôi viết trong trại tù Suối Máu là Thánh vinh 136: THÂN PHẬN LƯU ĐẦY: Babylon bên dòng sông xưa ấy, Ngồi nức nở mà tương nhớ Sion. Bài này đã được anh em trong tù thích thú và phổ biến thật rộng qua các trại từ Nam ra Bắc, không phân biệt tôn giáo. Ba mươi năm sau, có dịp gặp cựu Đại tá tư lệnh phó Sư đoàn TQLC, câu đầu tiên ông nói với tôi: “Tôi rất thích bài Babylon của Cha”. Mới đây nhất, trong dịp Kỷ niệm đệ ngũ chu niên ngày thành lập Tổ chức Lương Tâm Công Giáo tại San Jose ngày 17/9/2006, bất ngờ được găp ông B.Q., một cựu Trung tá Tiểu đoàn trưởng thuộc Sư đoàn Nhảy Dù, ông cho biết đã thuộc lòng bài Babylon này và tự chép lại dấu nhạc để tặng lại tôi (bản nhạc ông ghi lại chỉ sai vài chữ và một nốt nhạc mà thôi). . . “ (Lm Nguyên Thanh Trả Lời Anh Hà Thúc Sinh ).

Hầu như không một người tù nào là không một lần nghe qua bài “Thân Phận Lưu Đầy” của Linh Mục Nguyên Thanh. Thực ra, mãi về sau này, nhờ các phương tiện tra cứu của thế giới ảo, anh em chúng tôi mới được biết tên chính thức của bài tù khúc này là “Thân phận lưu đầy” và tác giả là linh mục Nguyên Thanh, cũng là một cựu tù cải tạo. Bản thân chúng tôi, được biết đến bài hát này năm 1979 tại trại tù Vĩnh Quang A. Dịp cuối năm, trại A cần bổ sung số tù biết đàn ca xướng hát cho đội văn nghệ, nên đã chuyển trại một số anh em từ trại B ra trại A. Từ đợt chuyển trại này, anh em tù trại B lần đầu tiên được nghe anh Cao Đắc Lân bằng giọng hát êm như nhung của mình cho nghe bài tù khúc nói đến ở trên, nhưng bằng cái tên ngắn gọn “Babylon” . Bài tù khúc nhanh chóng được phổ biến đến anh em tòan trại gần 1500 tù viên. Bài hát dễ nghe, dễ hát, dễ thuộc mà lại đáp ứng đúng tâm trạng người tù.

Bài này, theo sự giải thích của chính tác giả (đọan trích ở trên) dựa trên một bài kinh Phụng Vụ là Thánh Vịnh 136 Thân Phận Lưu Đầy.

Theo một diễn đàn Thánh Nhạc :

“ . . . Thánh Vịnh 136 là TV diễn tả “tâm trạng” của dân Do thái khi bị đi lưu đày sau khi dân Babylon chiếm thành Giêrusalem. Đây là trích đọan TV 136 theo bản dịch của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh:

Trên bờ sông Ba-by-lon
(1) Bờ sông Ba-by-lon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xi-on;
(2) trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn.
(3) Bọn lính canh đòi ta hát xướng,
lũ cướp này mời gượng vui lên:
“Hát đi, hát thử đi xem
Xi-on nhạc thánh điệu quen một bài!”
(4) Bài ca kính CHÚA TRỜI, làm sao ta hát nổi
nơi đất khách quê người?
(5) Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
thì tay gãy đàn thành tê bại!
(6) Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm,
nếu ta không hoài niệm, không còn lấy Giê-ru-sa-lem
làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn.

. . . . . . .
(Trích TV 136 theo bản dịch của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh)

. . . Theo địa hình thời đó, dân Do Thái sống ở Judah. Nước Babylon nằm cách khoảng hơn ngàn dặm về phía đông . Năm 586 BC quân Babylon phá hủy thủ đô của Judah là Giêrusalem . Quân xâm lăng bắt hết mọi người đang sống ở đó mang về Babylon làm tù binh, bị là làm nô lệ,. Năm 536 BC, rất nhiều tù binh và vợ con của họ sau khi đã “học tập cải tạo” được cho trở về lại Giêrusalem . . .” (Thánh Vịnh 136 và “Thân Phận Lưu Đày”)

Vì nội dung của Thánh Vịnh diễn tả đúng tâm trạng của những người tù bị lưu đầy, không biết đến ngày trở về, lại được phổ thành bài hát bởi một vị linh mục do thiên hướng đã chọn âm nhạc là phương tiện phụng vụ nên sức hấp dẫn của bài tù khúc rất lớn. Và cũng vì nội dung bài lấy từ một thánh vịnh, có ngôn ngữ và ý nghĩa tôn giáo, nên nhiều người khi hát, đã đổi vài chữ từ ý nghĩa tôn giáo thành ý nghĩa chung để dễ đến với tất cả mọi người, hoặc để tránh sự xoi mói của ăng-ten (thí dụ câu: Và bài ca kính Chúa Trời, được đổi thành: Và bài ca, nhớ đến N(n)gười – người ở đây có thể viết hoa hàm ý chỉ một lý tưởng chiến đấu cho tự do thay cho “Chúa Trời”, có thể viết thường nhằm chỉ đến người yêu, người vợ ở nhà hoặc những ngụ ý khác nữa v..v..).

Mãi cho đến hôm nay, bài hát “Thân Phận Lưu Đầy” của LM Nguyên Thanh vẫn còn được đem ra hát trong những buổi họp mặt của các nhóm sinh họat, vì xem ra ý nghĩa của bài hát vẫn còn đáp ứng được tâm tư của nhiều người, kể cả ở trong nước.

T.Vấn

Một câu chuyện về bản tù khúc “Thân Phận Lưu Đầy”

Nguyễn văn Khánh

Khỏang thời gian từ 1979 đến 1982, tôi ở trại cải tạo Vĩnh Quang (Vĩnh Phú). Đội tôi là đội nông nghiệp, nhưng lại có một nhóm anh em thuộc tóan Văn Nghệ trại ở chung. Dịp cuối năm, cần văn nghệ ca hát giúp vui, nhóm anh em văn nghệ này ở nhà tập dượt và có khi đi trình diễn. Hết mùa văn nghệ, họ lại nhập với chúng tôi ra ruộng lao động. Trong số các anh em thuộc tóan Văn Nghệ, có anh H. là người tôi quý mến vì tác phong giống như người tu hành của anh. Theo tôi biết, anh H. là người giữ cuốn nhật ký của một vị linh mục tuyên úy binh chủng TQLC. Anh không cho tôi biết tên vị linh mục cũng như (lúc ấy) vị linh mục bị giam giữ ở trại nào. Nội dung của cuốn nhật ký là những bài hát phổ từ Thánh Vịnh, trong đó có bài Thánh Vịnh 136, được anh em trong trại phổ biến rộng rãi với tên bài ngắn gọn là “Babylon” lấy từ câu đầu của bài hát (Babylon, bên dòng sông xưa cũ . . . ). Với cái nhan đề như vậy, nếu có bị cán bộ trại hạch hỏi thì anh em dễ dàng nói trớ đi đó là nhạc của nhân dân tiến bộ Palestine. Phải nói đây là bản tù khúc được tất cả anh em trong trại Vĩnh Quang ưa thích và thuộc lòng vì nội dung đáp ứng được đúng tâm trạng của những người tù biệt xứ.

Vì nội dung cuốn nhật ký nên anh H. không thể cho bất cứ ai xem (sợ ăng-ten). Khỏang năm 1981, trại Vĩnh Quang có đợt anh em được tha về, trong số ấy anh H. là một trong những người may mắn. Anh H. đến gặp tôi để bàn về việc làm sao đưa quyển nhật ký này ra ngòai, riêng anh H. không thể mạo hiểm làm công việc nguy hiểm có thể khiến anh bị giữ lại không cho về nữa.  Tôi chợt nghĩ, trong đợt về này có anh T. là y vụ của trại, và là người có thể dễ dàng đem “vật cấm” ra mà không sợ cán bộ trại khám xét. Tôi đến gặp anh T. và đem câu chuyện nói với anh. May mắn thay, anh T.nhận lời. Tôi đã thu xếp với gia đình để khi anh lên tàu hỏa xuôi Nam sẽ có người đến nhận “vật cấm”.

Công việc được sắp xếp trôi chảy. Một tháng sau, qua gia đình, tôi được biết anh H. đã đến nhận lại quyển nhật ký nói đến ở trên. Mãi cho đến nay, tôi không biết quyển nhật ký ấy có được anh H. chuyển ra hải ngọai không, và vị linh mục tác giả (Nguyên Thanh) có nhận được không.

Hồi tháng 6 năm 2012, tôi có liên lạc được với anh Trần Hưng Nguyên, bạn tù cùng trại, anh gởi cho tôi bản nhạc “Babylon” năm xưa với cả lời lẫn nhạc phổ, bây giờ có tên gọi nguyên thủy là “Thân Phận Lưu Đầy”. Anh Nguyên cũng cho biết anh H. bị bạo bệnh và đã quay về Việt Nam để chết từ mấy năm trước.

Tôi viết lại câu chuyện này để cám ơn anh Tiến đã không quản ngại nguy hiểm cho bản thân sẵn sàng đem quyển nhật ký , “vật cấm” năm xưa ra khỏi nhà tù .

Nguyễn Văn Khánh (cựu tù Vĩnh Quang)

  • Xin cám ơn anh Khánh đã gởi đến chúng tôi bản nhạc phổ của tù khúc “Thân phận lưu đầy”. (Nhóm Thực Hiện)

LM Nguyên Thanh: Thân Phận Lưu Đầy

(Bấm vào đây để xem Video Clip “Thân Phận Lưu Đầy” do cựu tù Nguyễn văn Ngoan thực hiện):

Thân Phận Lưu Đầy (Video Clip)

Babylon, bên giòng sông xưa cũ

Ngồi nức nở, mà tưởng nhớ Si-on ơi

Liễu rũ nhành soi bóng

Ta tạm gác cây đàn

Không bao giờ ta hát nữa đâu em

Giòng sông sâu, tơ liễu rũ

Và ai kia đòi ta hát xướng theo cung đàn

Tiếng tơ chùng như lòng ta

Hát đi ! Hát thử đi xem

Si-on quê cũ điệu quen một bài

Và bài ca kính Chúa Trời (nhớ đến người)

Làm sao ta hát nổi

Nơi đất khách quê người

Si-on ơi!

Lòng này nếu quên Người

Thì tay đàn thành tê cứng

Và môi miệng thành khô đắng

Sa-Lem ơi!

Lòng này nếu quên Người

Thì không thấy

Thì không nhớ

Sa-lem là nguồn vui

Cho tâm hồn.

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search