T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Cô học trò thành phố biển

Tranh Trần Thanh Châu

Vào đầu những năm 60, Lan là học trò của tôi tại một trường trung học tư thục nhỏ. Cô nữ sinh này học không khá nhưng lại có nhan sắc dễ coi dù vóc dáng hơi đẫy đà . Và đặc biệt, cô có khiếu về văn nghệ. Trong các buổi văn nghệ của trường vào dịp tết ta, quốc khánh hoặc phát thưởng cuối năm, cô được coi như cái đinh của chương trình. Nhiều học sinh nam theo đuổi cô, thậm chí mấy thầy giáo trẻ cũng hay để ý, tất nhiên đám bạn gái có phần ghen tị, tuy không nói ra. Dù ở tuổi học trò trình độ cấp hai, nhưng Lan đã có những chuyện tình trai gái, khá dạn dĩ trong mối giao lưu, cứ anh nào trên cơ thì cô ghé mắt. Tuy có vẻ lẳng lơ, nhưng những mẩu tình ở tuổi dậy thì cũng chỉ dừng ở mức hẹn hò ôm ấp chứ không đi xa hơn như những cô gái ở tuổi học trò các thế hệ sau.

Thành phố tôi ở là một thành phố biển, nên phải nói nó có những cái phóng túng, cởi mở trong nếp sống, một phần do khách phương xa đổ về đây vào những ngày cuối tuần, một phần do cảnh vật có phần đồng lõa với con người qua những mối tình lãng mạn, có khi vụng trộm của cả người lớn lẫn tuổi học trò. Bãi dâu, bãi dứa, bãi trước, bãi sau, núi lớn, núi nhỏ, đồi thông, đụn cát, cầu tầu, hốc đá, khe suối, hải đăng…chỗ nào cũng nên thơ, cũng mời gọi nên chẳng trách các cô gái ở đây biết yêu sớm so với các nữ sinh tỉnh lẻ. Lan lại có cái thuận lợi, chẵng hiểu là lợi hay bất lợi, vì gia đình cô chỉ có người mẹ và chị ruột, mẹ thì đi cất hàng ở Sàigon mỗi ngày, sáng đi tối về, chị thì buôn bán ở chợ, nên thoắt biến cô có thể bỏ nhà đi cả buổi ngoài giờ học.

Hết lớp mười một biết có thi tú tài cũng chẳng đậu, cô bỏ học ngang ra phụ mẹ ngoài chợ, cũng vừa lúc anh chàng trên lớp, người yêu đầu đời của cô tới tuổi động viên phải đi Đồng Đế. Ý cô lúc này là muốn tập tành chuyện bán buôn rồi kiếm anh chàng nào chí thú làm ăn, lấy nhau xây tổ ấm riêng, chứ ở mãi ngôi nhà với ba người đàn bà xem chừng cô không còn hứng khởi. Cô chẳng cần chờ đợi lâu.

Một hôm, tôi cùng anh chàng đồng nghiệp, cả hai đều chưa lập gia đình lại từng thân nhau từ thời trung học. Hết giờ dạy, hai thằng tôi thả dài xuống Bãi Dâu, một bãi biển nhỏ nằm sâu bên sườn Núi Lớn, vây kín bởi một vòng cung xanh cứ tưởng vườn dâu, nhưng là loại phi lao thân cao lá nhỏ, lác đác nhô lên mấy mỏm đá dựng, bám đầy xà cừ ăn dọc theo bờ chạy dài về hướng Bạch Dinh. Hoàng hôn đang xuống, tuyệt đẹp, nét đẹp của ánh duơng hòa nhập với biển mặn ngang điểm giao lưu từ phía chân trời không thể thâu lại bằng máy mà phải bằng lời chỉ có nhà văn mới đủ ngôn ngữ để tả. Biển lặng, gió nhẹ xô đẩy mấy con sóng bạc đầu xóa tan mấy lỗ nhỏ chằng chịt trên bãi cát chắc là lối ra vô của mấy chú dã tràng.

Cảnh vật chiều hôm trên biển quả là nơi mát mắt cho các cặp tình nhân ở tuổi hẹn hò hay thương thầm nhớ trộm khi chưa có dịp. Ấy vậy mà hai anh nhà giáo trẻ độc thân lại tìm đến đây, xem chừng không hợp tình hợp cảnh. Tụi tôi gọi bia ngồi uống khan. Anh bạn rút bao thuốc ra hút. Ki-ốt vắng khách, chỉ có bà chủ quán nhan sắc đã về chiều và một thằng nhỏ giúp việc. Khung cảnh dù sao cũng còn hợp với những kẻ muốn tỏ bày tâm sự trong chốn riêng tư, nếu gặp những khách như hai thằng tôi. Chợt ông bạn, rít xong một hơi thuốc, quay sang tôi mào đầu câu chuyện.

– Ê, Tê, tao hỏi thật mày thấy con Lan thế nào?

– Lan nào, con bé cô giáo trong Xóm Chùa ấy hả? tôi ngạc nhiên khi anh nhắc đến tên người đàn bà này. Cô giáo Lan tuy không đẹp người nhưng lại rất lịch sự dễ thương, nhiều người trong giáo giới có cảm tình, nhưng chẳng ai dám tán tỉnh vì cô có vẻ đang muốn hiến thân cho nghề nghiệp.

– Giáo Lan thì nói làm gì, tao hỏi con bé học trò của tụi mình kìa, ông bạn ngắt lời.

– À, con bé nghỉ ngang chắc giúp mẹ buôn bán. Tao nghe như trái tim nó đang bỏ ngỏ, thằng bồ nó đi quân dịch rồi.

– Tao vô được không?

– Bộ hết người rồi sao mà lại nhảy vô chuyện này để thiên hạ chửi, tôi đối đáp thẳng thừng.

– Đứa nào dám chửi, có ai cướp của ai đâu. Tao nói thật tao để ý nó từ lâu rồi, nhưng kẹt thằng bồ nó còn đóng trụ, nên nay có dịp muốn kết với em cho đỡ buồn.

– Kết nhau thì là chuyện không đáng nói, nhưng mày là thầy giáo tao sợ không hạp, có chuyện gì đám phụ huynh nó coi thường. Mày còn lạ gì chuyện tình tỉnh lẻ, trong chưa nói ngoài đã nghe, một đồn năm năm đồn mười, chưa kể tụi mình tuy trẻ nhưng với các em choai choai nó vẫn coi mình già, nhảy vô có khi bẽ mặt.

– Cứ tạm để tuổi tác, thày trò qua một bên, tao hỏi mày là làm cách nào để nhảy vô cho gọn.

Thấy ông bạn có vẻ kết câu chuyện tình như người đang khát ván bài, mà tôi thì kinh nghiệm trong chốn tình trường cũng đâu phải là tay có hạng, nên vội nói lãng ra.

– Vô em thì không khó, dù sao mình cũng có nghề có nghiệp, mày lại có mã bề ngoài, thích văn gừng văn nghệ, nhưng (lại nhưng) có điều em lãng mạn lắm đó, liệu sức mày được bao lăm, hỏi ý kiến tao thì tao khuyên cân nhắc cho kỹ.

– Chuyện này tao không nhờ mày cản. Chỗ thân tình chỉ muốn mày giúp thôi, vì dù sao mày trực tiếp hiệu đoàn lớp nó, lại có quen biết với chị nó. Thôi, chuyện tao tao lo.

Hai thằng chia tay, hắn về nhà mẹ hắn trong Bến Đình, tôi về nhà cô em tôi khu Giếng Nước. Chiều đi đêm tới. Bóng hai thầy giáo lẩn trong các con phố đã lên đèn. Cái đáng yêu của biển lùi lại phía sau nhường chỗ cho những vướng bận đời thường mà ở tuổi nào cũng chẳng bao giờ thấy dứt. Câu chuyện em Lan tạm thả nổi để nghe ngóng tình hình.

Tuy là thày trò nhưng anh bạn tôi và Lan hai người hơn nhau chừng dăm tuổi. Ở thế hệ tôi, nếu tính theo vai vế thì mối quan hệ này coi như không ổn. Về sau tìm hiểu mới hay Lan biết ông bạn tôi để ý tới cô ta từ vài năm nay khi ông về dạy ở trường này, nhưng hồi đó cô còn mắc bận vài mối quan hệ cùng bọn trai trang lứa. Chuyện chưa có gì ngã ngũ thì bà chị đốc vô, xúi em nếu mày không tính tới thì sau này muộn màng giống tao thì ráng chịu.

Tôi thì cứ yên chí là đời anh chắc chưa có đàn bà nên quan hệ văn nghệ cho vui. Không ngờ chuyện trở thành nghiêm túc. Anh ta thương thật và muốn đi đến xây dựng. Lúc này không hiểu vì thương bạn hay có chút thành kiến với Lan, tôi khuyên anh nên suy nghĩ lại. Tôi còn đi xa hơn khi phê bình con bé này vừa ham vui vừa quá trẻ nên chưa chắc đã hạp với vai trò vợ một ông giáo. Về sau mới thấy là mình vô duyên, khi họ đã yêu dù yêu một phía thì chuyện xía vô của người thứ ba xét ra không có ép phê. Anh ta vẫn đi tới, lại còn phản thùng học lại với Lan là tôi xúi anh đừng tiến tới với cô ta! Từ đó tôi mới chiêm nghiệm là chuyện ngu nhất trong bốn cái ngu ở đời là chuyện môí manh hoặc giúp bạn giãn duyên. Nghe nói vì tức khí cái vụ tôi cản nên Lan càng có quyết tâm muốn chiếm đoạt ông đồng nghiệp của tôi.

Đám cưới được tổ chức như mong đợi vì bạn tôi muốn chắc ăn nghe lời các cụ, có cưới thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha.Tôi trở thành người phù rể chính kiêm M.C. trong tiệc cưới. Đám cưới khá lớn, riêng chương trình văn nghệ phụ diễn thì coi như chưa có đám nào qua mặt tại thành phố này. Cả hai vợ chồng quý mến tôi do sự nhiệt tình tổ chức và lo liệu chu tất, chuyện tôi xúi bẩy dần dà họ cũng bỏ qua. Một năm sau hai người sanh thằng con trai, cuộc sống coi mòi hạnh phúc. Tính Lan vẫn cứ hồn nhiên như hồi nào, cô hay cho tôi và các bạn của chồng chở dùm, ôm eo áp ngực như tình anh em, chẳng sợ dị nghị vì sống ở thành phố nhỏ. Gái một con trông mòn con mắt nên cũng xảy ra chuyện một ông đồng nghiệp có phần đi quá xa khiến tôi lại phải nhảy vào “góp ý”.Thấm thoát ít năm, tôi cũng phải lo chuyện của tôi, nhưng chuyện tình của tôi thì giản dị, vợ tôi là chị thằng bạn và là người ở thành phố khác. Hai bà xã rất thân nhau, ấy thế mà có lần vợ tôi cũng thốt lên, “sao chị Lan… dạn quá à.” Tưởng bề lâu bề dài có khi có chuyện lăng nhăng. Có. Nhưng chuyện lại xảy ra theo chiều hướng khác.

****

Vào một buổi tối ngày đầu hè, bà cụ chồng của Lan cho người nhắn tôi ra nhà có chuyện cần nhờ. Tôi được coi như người thân trong gia đình, nên chuyện lớn chuyện nhỏ, con cụ cụ không nhờ mà hay nhờ tôi, đặc biệt mỗi khi có vụ việc liên quan đến mấy cô con gái. Mấy cô em cùng mẹ khác cha với chồng Lan phải nói là khá xinh, ấy vậy mà cô đẹp nhất lại mất trinh tiết lúc mười bốn tuổi vì một thằng học trò của tụi tôi đi lính về phép, lợi dụng nhà cho ngủ nhờ, đêm về say xỉn làm chuyện tồi bại. Không muốn làm rùm beng bất lợi cho con nhỏ vừa muốn cứu tương lai thằng học trò lúc này đang là sĩ quan mà vốn dĩ hạnh kiểm của nó rất tốt, theo gợi ý của gia đình tôi dọa đưa ra tòa quân sự rồi bắt nó chịu chi sáu tháng lương, mua cho chiếc máy may, trả tiền học may cho con bé và cấm bén mảng về thành phố. Thằng học trò làm y như lời. Cứ xui rồi lại tới hên, vì có nhan sắc nên sau này con bé vẫn lấy được thằng chồng gốc Hoa có tiệm bán đồ xây dựng khá lớn ngay thị xã.

Trở lại chuyện bà cụ gọi tôi ra lần này chẳng ăn nhập gì đến mấy cô gái, chưa để tôi ngồi, bà cụ đã hỏi,”con nghe gì chưa, thằng Năm nhà Bác nó mới có thêm con nhỏ trên Sài-gòn, nó biểu Bác giải quyết dùm nó, kẻo con Lan nó nghe được thì bể nhà bể cửa hết. Con xem làm được gì giúp nó, chứ Bác thì chẳng biết tính sao.” Tôi nghe xong muốn tá hỏa, một người đàn bà lạ mặt vừa sanh cho ông bạn tôi một đứa bé gái, cô ta cùng đứa con hai tháng đang ở trong nhà mẹ anh. Tôi chưa biết khởi điểm từ đâu vì chồng Lan dấu cả tôi chuyện này. Tôi khất cụ để đi gặp chồng Lan xem sự thể thế nào.

Chuyện kể thì dài dòng, nhưng tóm gọn lại vì ông bạn tôi có máu tham lam. Nhân dịp được biệt phái đi coi và chấm thi ở Sàigòn ba tuần lễ, anh có làm quen với cô con gái bà chủ trọ. Cô này trạc tuổi vợ anh đang làm nghề buôn hàng chuyến trên tuyến đường Saìgon-Phan thiết. Chuyện đời thì nghe nói cô này ra đời cũng sớm nên khá dày dạn. Thấy bạn tôi tỏ lời trăng mật, biết anh ta là thầy giáo tưởng chỗ đứng đắn nên chẳng cần tìm hiểu thêm. Gần hết đợt công tác, cá đã mắc câu, hai người đi vào chuyện chăn gối ngay tại nhà trọ, về sau bạn tôi biết là cô đã gởi gấm thân mình cho ai trước đó, nên chuyện đi lại càng dạn dĩ thêm. Chưa hết niên học sau, thì cô ta có bầu, đẻ xong mẹ cô ta đuổi, không quên chửi thầm thằng nhà giáo mắc dịch. Hồi đó chưa có vụ kiện cáo, trên hai mươi mốt tuổi ai dại thì ráng chịu. Bạn tôi về thú thiệt với bà cụ xin giải quyết dùm, đó là lý do cô ta hiện đang ở đây.

Chuyện coi mòi phức tạp, tôi lại như con thoi giữa ba người trong cuộc. Thật sự vì nể bà cụ, tôi mới làm thêm một chuyện ‘ngu’, sau này một phe quay ra ghét tôi. Nhưng nhiều người nhìn nhận tôi có tài thương thuyết, dàn hòa nhiều chuyện trừ chuyện của mình thì có lúc lại phải nhờ người khác. Cái may lần này ở chỗ tôi thuyết phục thế nào mà Lan nuốt giận chịu nhận đứa con, cô kia chịu rút lui trả chồng về cho vợ thầy giáo, còn bạn tôi phải hứa trước mặt bà cụ là không có sự liên lạc giao lưu gì nữa. Mọi chuyện rồi cũng ổn thỏa, nhẹ gánh cho Lan là đứa con rơi mẹ chồng nhận đem về nuôi khi nào lớn tính sau. Để tránh bẽ mặt cho con trai, bà cụ phao tin là mẹ nó bỏ trong sân chùa nên động lòng bà cụ xin về nuôi, ai muốn hiểu sao thì hiểu.Trong tình bạn bè, tôi có khuyên anh ta ráng thu xếp chuyện cũ, tạo điều kiện cho cô gái lập lại cuộc đời vì dù sao cô ta cũng còn son trẻ. Là cánh đàn ông với nhau, tôi cũng hỏi vì sao còn đeo gông vào cổ, lại biết anh vốn rất yêu Lan, ít có chuyện đi ngang về tắt. Anh chàng thú nhận cô gái tỏ ra dễ dãi, lại biết kheó chiều cái chuyện mà đàn ông người nào cũng thích, chẳng hiểu cô ta học được ở đâu. Nghe nói ít lâu sau cô lấy một anh chàng chuẩn úy ngoài Nha Trang, một trạm đường cô thường đi lại khi buôn hàng chuyến.

__________________________ ****

Nhiều năm sau, giờ này thì hai vợ chồng Lan đã có ba bốn mặt con. Chiến tranh đến hồi cao điểm, chúng tôi đều phải vô lính, mỗi người một đơn vị ít khi có dịp gặp nhau. Qua tin tức từ thành phố biển thì nghe nói từ ngày bà cụ chồng Lan mất, người mẹ của đứa bé đã đến nhận lại con, gia đình chẳng ai cản, dần dà dấu tích của chuyện tình tay ba coi như đi vào quên lãng. Thế rồi chuyện đời khó đoán, đất nước đổi thay, lại thêm đồi chủ, tôi và chồng Lan cùng chung số phận. Lần gặp nhau chót trước khi vào tù cũng tại thành phố mang nhiều kỷ niệm. Chồng Lan thu xếp cho vợ con về lại bên ngoại, có bà chị vợ chưa chịu lấy ai phụ lo cho cháu. Còn gia đình tôi vẫn bám trụ Saìgòn, dù sao chỗ thanh thiên bạch nhật chuyện phân biệt kỳ thị cũng đỡ lộ liễu hơn tỉnh lẻ, đâu có ngờ chuyện phải đi tù sau này. Lan gặp tôi như gặp lại người anh, cô thật sự quý tôi, lại mừng ra mặt vì cả hai chúng tôi còn sống sót sau cuộc chiến. Có điều tánh cô ham vui từ thời còn trẻ, lại quen sống ở thành phố, không trải qua thảm cảnh chiến tranh nên chẳng hiểu gì về những người cộng sản. Trong tâm tư thầm kín cô còn mừng chuyện ‘nước nhà thống nhất’, có thể do mẹ cô tiết lộ chuyện ba cô chết trẻ trong đoàn quân kháng chiến Nam bộ hồi cô mới sanh. Nhưng những ngày tháng kế tiếp có làm cô mở mắt, không phải chỉ mở mắt mà còn sôi nước mắt.

****

Lúc này thì tôi đang ở trong tù, lại bị đem ra Bắc, nên chỉ được nghe chuyện qua lời học lại của bà xã tôi khi được thả về. Tất nhiên chuyện nghe lại thì ít nhiều có thêm mắm muối, nhưng tôi tin vợ tôi vì hai bà là chị em đồng cảnh nên không lẽ nói xấu cho nhau. Nghe nói sau khi nhà nước đổi tiền vốn liếng đâm ra cạn kiệt, mẹ con Lan bán nốt đám nữ trang ngày cưới rồi xoay ra đi buôn. Con gái lớn lúc này vừa tuổi trăng tròn, tự bỏ học giúp mẹ. Kinh tế đất nước đang trong tình trạng bao cấp, hàng hóa khan hiếm, nên đi buôn là hiểu theo kiểu buôn chạy bán chui, chẳng thế mà thịt heo phải bó cả vào cẳng chân, lòng heo quấn lưng như kiểu ruột tượng, rượu lậu thì giả thuốc trừ sâu, thậm chí huyết heo bị dấu khi phát hiện tưởng người buôn có tháng, chuyện này chính em gái nuôi của tôi ở Hố nai là người trong cuộc khi gia đình nó hành nghề giết heo lậu để tải về thành phố đã mất tên.

Từ hàng ăn đến hàng tiêu dùng, món hàng nào cũng kể là ‘lậu’, càng khan hiếm càng có giá. Lại nữa nguồn hàng dựa theo chính sách tự cung tự tiêu tại chỗ, sáng kiến của nhà kinh tế chuyên đánh tư sản Đỗ Mười, có nghĩa là sản xuất gì ăn nấy, ra khỏi biên giới tỉnh kể như là lậu, vùng nào sản xuất gạo còn đỡ, chứ sản xuất nước mắm thì lo mà húp cháo. Bọn kiểm soát thị trường được thể làm mưa làm gió, hồi đầu lại chưa chịu ăn chia nên cứ thẳng tay tịch thu hàng họ là chính. Chị Lan không nhiều kinh nghiệm, nhưng có đứa con gái đi theo, mà ở đâu thì cũng có tụi ham gái nên nhiều chuyến cũng lọt. Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, một lần bị bắt mất sạch lô hàng, mà hàng quốc cấm gì cho cam, chỉ là vài chục kí đường cát trắng cu-ba. Chị Lan tiếc của, túng kế, lại bi dọa bỏ tù, chị ta nhảy liều xuống cái ao nông cạnh con lộ tự tử. Con gái kêu khóc thất thanh, bọn thuế vụ hốt hoảng nhảy xuống vớt lên, vốn gái vùng biển nên cũng khó chết. Nhưng bọn nó cũng chỉ tha khỏi bỏ tù, còn hàng họ vẫn lập biên bản nhập kho theo…luật định.

Vốn liếng đi đứt chưa biết tính chuyện gì kiếm sống, thì họa vô đơn chí, đứa con gái thổ lộ đã thất thân với tên tài xế. Thảo nào hai mẹ con được cánh xe đò quan tâm ưu ái, sau ngày giải phóng phương tiện di chuyển liên tỉnh rất khó khăn, kiếm cái vé ngồi không đã khó, chuyện mang theo hàng lậu lại càng khó hơn nên các bác tài ăn khách còn hơn các ông trí thức. Chẳng vậy mà ngoài Bắc nhiều cô y sĩ, bác sĩ kiếm chồng tài xế có khi còn phây phả hơn đồng nghiệp, đồng ngành. Có lần vợ tôi đi thăm nuôi tôi ngoài Bắc, nhờ thông cảm người ở nam ra nên cho nhà tôi một chỗ tốt, bà liền nịnh anh lơ xe kêu anh ta là anh tài, bị chàng ta quật lại,”cái chị này ăn nói hay nhỉ, làm tài thì ‘ông’ đã chả đứng đây ới chị lên xe, bỏ cái kiểu nịnh nhau xỏ lá ấy đi nhé.” Cụt hứng, bà xã tôi cạch không dám đụng cánh anh chị xe hàng, nhất là mặt ngôn ngữ, chửi tục hơn đứt cánh miền nam, chưa nói đến các bà các cô phần đối đáp có góc có cạnh, có ‘văn’ có ‘hoa’ chẳng ăn nhập gì với lối sống văn minh văn hóa Bác Hồ dày công dạy dỗ.

Quay lại chuyện của Lan, biết con dại cái mang, chị nhận mình có lỗi. Vốn óc thực dụng, lại thấy tên tài xế còn độc thân thương con mình thiệt, chị cho hai đứa lấy nhau, vai vế làm gì thêm mệt, mình cũng chẳng là cái gì, chị thầm nghĩ như vậy. Bớt được miệng ăn, bây giờ làm sao lo cho đám kia. Chị giao một đứa cho vợ chồng thằng tài giới thiệu làm lơ xe, ít ra cũng đủ nuôi thân anh hai của nó. Đứa thứ ba, là con gái đem lên Saigòn nhờ ông bạn tôi nuôi. Hai vợ chồng ông này không có con, làm nghề bán buôn có cơ ngơi từ hồi chế độ cũ. Tuy coi như con cháu trong nhà nhưng con bé cũng phải ở nhà lo giữ nhà, phụ nấu cơm, thời buổi này ngu sao mà cho đi học. Sắp xếp xong mọi chuyện, chị đi vào cái nghề chẳng cần vốn liếng đó là nghề…bán máu, cũng là cái nghề bán thân nhưng chỉ có đầu ra chứ không có đầu vào để nuôi đứa con út. Chị tính ‘gọn’ như vậy mà vẫn có người trách sao chị vụng tính, con cái thì phải ở với nó, cha nó đang đi tù, sao nỡ đem đi gán ghép tùm lum. Đồ đạo đức giả, không tiền, không quen biết có ma nó giúp, chỉ lo chõ chuyện kẻ khác, chị rủa thầm. Lúc này đi theo cánh xe đò, chị ăn nói có phần thiếu lịch sự hơn hồi xưa, một điều chính chị cũng không thấy ngại miệng.

Được chị bạn giới thiệu, trung tâm tiếp huyết trên Sàigòn cần mua máu, vừa có chút tiền vừa được bồi dưỡng bữa ăn sau khi rút máu, nghe nói máu này nhà nước dùng cho đám lính mình đánh thuê bên Campuchia, nên giá cả rất phải chăng. Thật ra chuyện hiến máu không lạ gì với chị Lan. Do thân hình thuộc loại có da có thịt, chị cũng đã từng đi hiến máu hồi còn học sinh để hưởng ứng ‘chiến dịch quyên máu cho thương binh tiền tuyến’. Nhưng nay thì đi bán, nên sợ mất mặt chị phải lên tận Sàigòn, nhưng giá cả lại cao hơn. Lúc này,chị Lan hay ghé thăm vợ tôi, vì nhà tôi gần trung tâm tiếp huyết. Chị em lại có dịp tâm sự với nhau. Vài chuyện ‘động trời’ được bà Lan kể lại. Tất nhiên mấy cái vụ đi buôn gặp nạn được kể vào hàng tép riu. Lần này vừa kể có cả nuớc mắt, thư từ kèm theo.

****

Xoay qua chuyện cô gái con bà chủ trọ, tạm gọi là cô Đài cho tiện (gọi tên thật sợ bạn tôi chửi). Sau khi giao đứa con rơi, nuốt hận chuyện bị lừa, nhưng vẫn nghe lời khuyên của ông chồng hờ, cô đi lấy chồng thật. Tuy không yêu anh chồng mới nhưng hai người cũng có một mặt con, cô tiếp tục đi buôn vốn liếng cũng khá. Nhưng số cô sát phu, ông chồng ít lâu sau đổi đi phục vụ trên cao nguyên, chết trận sau Tết Mậu Thân. Cô đem đứa con quay vào nam, mua được căn nhà tôn, vừa để ở vừa mở quán nước nhỏ tại ga Hòa Hưng. Gặp lúc chồng bà Lan đi lính, đóng gần khu Rừng Lá, nên tình cũ không rủ cũng tới, hẹn hò thế nào hai người sáp lại vào nhau. Lan mù tịt về chuyện này, chỉ biết tơí ngày bể dĩa, cô Đài cũng có đủ số tí nhau như bà Lan, kể cả thằng con với chồng riêng của cô. Hèn chi có tật giật mình, nhớ lại chuyện tôi hỏi khi xưa về cô gái con bà chủ trọ, bạn tôi làm bộ thề thốt, đâu có ngờ rằng chính thời gian đó họ đã ăn nằm lại với nhau.

Vừa kể vừa khóc, bà Lan có phần cay đắng không phải vì chuyện chồng bà nối lại tình xưa mà là chuyện cô Đài chơi bà sát ván để ông chồng đối xử tàn tệ với bà. Nói cho ngay, sau ngày mất nước, mọi chuyện đảo lộn, tù-tội-tình-tiền như đan quyện vào nhau, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi thân phận, mỗi cảnh đời có cái giá phải trả. Ai được ai thua, ai lên voi ai xuống …, ai được đời ưu đãi, ai nước mắt lưng tròng, thì lúc này mới thực sự phơi bầy. Tất nhiên bà Lan cũng như bao nhiêu số phận khác, trong đó có cả gia đình tôi đều bị lôi vào giòng xoáy, nhưng trên hết và trước hết nhân tố ‘tiền bạc’(mà tiền thì ‘bạc’) vẫn là đầu mối chi phối mọi sự. Chả thế mà ngạn ngữ sau 30-4 có những con chữ tượng hình cho thói đời đương đại, “tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, sức khoẻ của tuổi già, cái đà danh vọng, cái lọng che thân, cán cân công lý…Tiền là hết ý.” Chính cái vụ “quì là tiến” (đọc ngược) mà cô Đài đã lấy lại được ‘chồng’, qua công lao gửi quà tiếp tế, rồi thay chân đi thăm nuôi ông bạn tôi ở ngoài Bắc.Thậm chí cô dám gặp đối mặt với bà Lan để nhận giấy ủy quyền, còn dẫn đứa con gái bà Lan đem gửi trước đây rước về nhà nuôi vì gia đình này họ đi định cư tại Mỹ, rồi từng bước lấy lòng mấy chị em của nó bằng cách cho ăn cơm, cho phụ coi quán, chẳng mấy chốc bà Lan chỉ còn thu được cảm tình của độc một mống đang nuôi.

Công nhận thế lực đồng tiền mạnh thật, xoay chuyển vị thế bà Lan từ người có chồng thành kẻ mất chồng, thành mẹ mất con. Nhưng người tạm thời hưởng lợi là ông bạn tôi, trong cảnh tù tội chẳng biết ngày về thì sống sót là chủ yếu rồi về nhà sẽ tính, có trách ông vô tâm bạc tình ông cũng chịu. Vô tâm thì không biết, nhưng bạc tình là có thật. Bà Lan vừa khóc vừa giơ cái thư ông gởi về từ trại giam miền Bắc. Đại để có đoạn viết,

“Từ nay tôi chẳng còn tâm địa nào kêu bà bằng em, bà đừng khoe chuyện gánh nước nuôi mẹ của tôi, chuyện đó có các em tôi lo. Thân tôi tù tội ngày về cứ dài mút chỉ bà chẳng quan tâm đến khi đi nhận xác chồng thì đồi kia xanh cỏ. Nay tôi báo cho bà biết bà không lo được nên tôi phải nhờ má con Thúy. Cô ta giỏi giang biết thu vén gia đình, bán buôn tần tảo, có lòng thương tôi. Nên từ nay tôi sẽ nhờ cô ta giúp việc thăm nuôi. Điều tôi cần xin Bà giúp tôi là ký tờ ủy quyền cho cô ấy để danh chính ngôn thuận khi đến trại. Sau này nếu tôi có ngày về thì mọi chuyện tính sau.”

Chuyện bên trong gia đình người ta, mình chỉ biết nghe, nhưng nói gì thì nói, bạn tôi vẫn còn hên, nhiều ông đồng cảnh gặp diện nhiều bà, bà nọ ỷ bà kia, bà nào cũng oán, rút cục ‘mồ côi’ chẳng có thăm nuôi. Cũng có trường hợp hai bà cùng thương, cứ tưởng mình là vợ cả, tới khi đi thăm nuôi, chuyện vỡ lở, rút cục ông chồng ở giữa bị cắt tiếp tế dù có phân bua hai bà ‘đều là vợ cả’, nhưng đâu phải người nào cũng dễ dãi như cô học trò tên Lan của tôi.

Tâm sự xong, chị em ăn với nhau bữa cơm, bà Lan cho biết kỳ này bà sắp đổi nghề. Bà xã tôi thoáng giật mình, còn nghề gì nữa mà làm nếu không phải là ‘chuyện kia’, bà này dám tự tử thì cũng chẳng sợ mấy chuyện làm liều. Biết ý, bà hé lộ ngay là đã xin được chân biên chế vào Sở Vệ sinh của thành phố biển, chủ yếu là nhờ khai ly thân với chồng cũ và có liên hệ vụ người cha liệt sĩ chống Pháp thời kháng chiến Nam bộ. Bà xã tôi chẳng hỏi thêm, trong tinh thần ‘lá rách đùm lá nát’ nhân tiện có chút quà của người thân nước ngoài, bà xã tôi trút đám gạo tổ, thùng mì gói, vài mét vải cho hai mẹ con cùng giúp chút tiền cho bà quay về chuyến xe chiều. Hai chị em không găp lại nhau cho đến khi tôi và ‘chồng’ bà Lan ra tù nhân dịp Saigòn kỷ niệm ‘mười năm giải phóng’.

Vẫn cứ chuyện bà Lan, sở dĩ bà đổi nghề cũng vì xuống sức, bề lâu bề dài thân hình xuống cân, không đủ tẩm bổ nên chịu không nổi. Đối đế có vài lần bắt chước người ta bỏ thêm đá cục vào túi cho đủ ký họ mới chịu nhận, nhưng về sau nhân viên họ phát giác bắt cởi áo khi lên bàn cân, bà đành bỏ cuộc. Về làm cái nghề công nhân này nói trắng ra là quét đường tuy có hơi mất mặt theo thành kiến lúc xưa, nhưng nay dân tình họ cũng thay đổi cách nhìn, thứ nhất là bà công nhân hốt rác Nguyễn thị Thêu ở thành phố Hồ chí Minh đã được đảng bộ thành phố đưa vào làm đại biểu quốc hội, thứ hai vào biên chế công nhân dù sao cũng có quyền lợi, tiêu chuẩn ổn định đỡ chuyện chạy ăn, hết bề o ép.

Bà Lan vốn sinh ra và lớn lên ở xứ biền từ hồi nào đến giờ, nay sa cơ thất thế, được ông phó phòng, một cán bộ nằm vùng nhưng có máu hay ‘thương’ phụ nữ, nhất là các bà sồn sồn thời chế độ cũ, sắp xếp cho bà khu vực có phần vắng vẻ, gần khu nhà thờ ăn vòng ra bãi sau, cư dân chung quanh có ý thức cũng ít xả rác, nên nói chung tuy quét đường nhưng là loại lao động vừa sức, hết giờ hành chánh là về. Bà thầm cảm ơn ông phó phòng, chứ ông giao cho khu chợ hoặc bãi biển vừa lắm rác vừa gặp người quen đi lại nhiều bà sẽ có phần khó xử. Để chắc ăn bà còn che nón, quấn khăn rằn, đeo khẩu trang, chỉ chừa hai con mắt, vừa tránh nắng tránh người xem ra tạm ổn. Cuộc sống riết rồi cũng quen, dù lao động chẳng có gì là vinh quang như người ta dụ. Có điều bất tiện là nhà bà bây giờ hay có khách ra vô. Khách toàn là cánh đàn ông, tìm hiểu thì là các ông bạn của chồng đi tù về vợ bỏ hoặc vượt biên trước, hoặc mấy ông cán bộ bỏ (bê) vợ dưới quê. Vì nể tình nên diện nào bà cũng tiếp, mỗi lần khách đến đứa con út đều có quà. Trùng lúc cô Đài chơi trội, chồng bà coi thường bà nên bà nghĩ cứ quan hệ cho vui, đời cực quá rồi. Chỉ khó xử khi các vị thuộc hai phe ghé thăm bà cùng lúc, nhưng thường thì các ông phe ‘ta’ biết ý rút sớm.Tuy nhiên, chuyện đời cũng có đứa xấu miệng nó bảo bà làm tiền nhưng bả chẳng quan tâm vì có làm đâu mà sợ, giả dụ có làm thì…sợ ai, riết rồi chẳng ai dám chọc.

Phải công nhận là tuổi đời trên dưới bốn mươi dù cho lam lũ mà bà vẫn còn mặn mà, ở xứ biển mà da cứ trắng, miệng vẫn duyên, răng đều, mắt to đen, thân hình sau hồi bán máu trở lại thon thả, lại còn chịu tham gia văn nghệ phường mỗi dịp lễ lớn bảo sao mấy ông không bắt mắt ham lui tới. Nhưng trông vậy mà không phải vậy, giao du dù rộng rãi, bộ điệu có lẳng lơ, bà vẫn không chịu đi xa ‘quá mức tình cảm’, lấy cớ có bịnh đàn bà đang cần chữa trị. Cũng có ông mê đòi cưới, bà dọa vướng tội song hôn vì ông xã chưa về, riết rồi chỉ còn trụ lại vài ông. Ấy vậy mà cái vụ chơi dao này làm bà đứt tay, khi ông chồng về nghe lời dị nghị bán tín bán nghi làm bộ ghen tuông lấy cớ đòi ly dị thật.

Chuyện đòi ly dị có nguyên nhân sâu xa của nó. Xuất phát cũng do sự xúi bẩy ngầm của cô Đài, đàn bà có ai ưa cảnh chồng chung, đã qua cầu này nên cô càng rành hơn người vợ cái con cột. Nhưng cái chính là vì nghe đồn có chuyện các tù cải tạo sẽ được Mỹ nhận, thực hư chưa biết, nhưng buôn bán ở ga, giao lưu đầu mối Bắc-Nam, tin tức cập nhật dù sao cũng làm cho cô Đài phải có sự ‘chuẩn bị’. Chứ khi chuyện trở thành hiện thực không lẽ mẹ con cô chịu cảnh lỡ tàu, để mẹ con bà Lan cùng ông chồng bà lên đường xa xứ! Cô cũng ý thức danh chính ngôn thuận về mặt giấy tờ cho tới giờ này cô vẫn chỉ là phòng nhì, nên việc cần làm ngay là làm sao cho giấy tờ hợp pháp. Sau khi được cho nước hiến kế, được chiều chuộng đủ thứ, dúi cho ít tiền, lại cho mượn chiếc xe cúp, ông được giao sứ mạng quay về thành phố biển làm sao thuyết phục bà Lan ra tòa kiếm cái giấy ly hôn. Cô còn dọa chuyện không xong thì cứ ở lại với bà ấy luôn.

Chuyện đi Mỹ thì ông chưa tin, nhưng trước mắt không xong vụ này thì ông cũng khó sống. Ở thời buổi này, ông hiểu thân phận mình, được tha về mới chỉ là một vế, cái vế có được sống thoải mái hay không thì ông biết chắc chỉ do tài tháo vát của cô Đài đời ông mới có cơ bảo đảm.Từ khi ra tù ông và bà Lan gặp nhau lần này là lần thứ hai, lần gặp trước vì ông muốn thấy mặt đứa út, chứ ông bà coi nhau như xa lạ kề từ khi bà chẳng còn khả năng đi thăm nuôi ông. Cũng cần nói thêm địa chỉ ông khai về tạm trú là của cô Đài. Cô này chạy chọt thế nào mà công an họ cũng hợp thức hóa cho ông. Gặp bà, ông đi thẳng vào câu chuyện. Sau khi kể những chuyện tai nghe (mắt chưa thấy) bằng cái giọng chọc giận người vợ cũ của mình, ông cho bà Lan biết là không thể sống chung với nhau được nữa, ông cần có sự chia tay. Gặp phải cái ngày có chuyện sùng trong bụng, nay lại thêm cái kiểu vu oan giá họa cho bà làm tình làm tiền, bà thấy người chồng của mình ‘cạn tàu ráo máng’, chẳng kịp suy nghĩ đắn đo, bà Lan đi vào bẫy sập của ông. Bà còn quân tử tàu nhận đủ cái chuyện ông vừa tuôn ra, ký liền cái đơn đồng ý ly dị do ông thảo sẵn. Chỉ chờ có thế, ông ra khỏi nhà đạp máy xe cúp rời ngay thành phố sợ bà đổi ý. Các thủ tục kế tiếp đã có người lo, mọi sự tổn phí do cô Đài chi trả. Một năm sau, giấy tờ ly dị hoàn tất cũng là lúc rục rịch có người nộp đơn sang Tòa Đại sứ Mỹ tại Bangkok chuẩn bị cho chương trình H.O. sau này.

Quay đi quay lại sắp đến ngày đi Mỹ. Kiểm lại tình trạng gia đình ông thì hộ khẩu chính thức gồm có 5 người, ông, cô Đài, hai đứa con chung, một đứa con bà Lan. Thằng con riêng của cô thì đã cho vượt biên trước hiện đang ở Mỹ. Cánh con bà Lan toàn bộ ở lại trừ một đứa nhờ ở đợ nên có chung hộ khẩu với cô Đài, chính con bé này nó xoay chuyển cuộc đời dại dột của bà sau này. Chẳng cần đoán ai cũng hiểu là bà Lan có tiếc rẻ vụ hụt đi Mỹ, nhưng con người ta có số, bà tự an ủi. Đám con bà về mặt hộ khẩu cũng có vài thay đổi. Đứa con gái trước lấy thằng tài xế bây giờ đã bỏ nhau được cô Đài sắp xếp cho nhập hộ khẩu tại căn hộ ở ga, tiếp tục bán buôn ở quán nước làm sinh kế nuôi con. Thằng anh hai nó mới lấy vợ bỏ nghề lơ quay về sửa xe máy cạnh quán nước, hai anh em đùm bọc lấy nhau. Đứa út vẫn ở với bà, được học hành tử tế, nhờ ăn theo lý lịch của mẹ nên sau được làm thư ký kế toán cho cửa hàng ăn uống.

Nói chung con cái tạm ổn, không có gì biến động nhiều sau khi cha nó và gia đình cô Đài đi Mỹ. Phần bà vẫn tiếp tục công việc quét đường, nay rảnh chân chẳng sợ ai dị nghị, lại ở tuổi hồi xuân nên bà có mối quan hệ khá sâu với mấy ông trên tuổi. Gặp thời mở cửa có đồng ra đồng vào tất nhiên quí ông phải chịu sắm sửa cho bà, chuyện ăn chuyện mặc xem ra có phần thoải mái. Ông phó phòng vợ mới mất có yêu cầu xin góp gạo thổi cơm chung nhưng bà dứt khoát từ chối, bà tuyên bố sợ chuyện chồng con lắm rồi.

****

Thế rồi dòng đời cứ lặng lẽ trôi, thấm thóat gia đình cô Đài qua Mỹ đã được bảy năm. Ở đâu cũng có cái vất vả khó khăn của nó. Cô Đài đến Mỹ tuổi đời đã lỡ cỡ, làm neo họ không nhận chê cô già, tiếng anh tiếng u hồi nào đến giờ cô đâu có học, nên xin vào làm chân assembler ở xưởng thịt. Ít năm sau, cái xương sống kiếm chuyện vì hở một đốt nên cô phải ở nhà lo chuyện cơm nước, trông cháu. So với hồi ở Viêt nam cô mất thế chủ động, lại định cư gần vùng Ngũ Hồ xương cốt nhức mỏi làm cô không được vui cho lắm. Vừa nhớ chuyện bán buôn năng động khi xưa, lại buồn vì thằng con riêng tưởng cho vượt biên đi trước tương lai sẽ khá, nhưng vì lúc đi quá nhỏ chẳng ai dẫn dắt, rồi theo người dì họ về sinh sống ở xứ ‘kéo máy’, nên hình như có vướng cảnh tù tội lúc vị thành niên, nay trở về ở với cô và ông bố ghẻ, nó mới khá hơn. Mấy đứa cùng sang với cô chẳng đứa nào có ‘gin’ của cha đành cho qua cái vụ học hành tiến thẳng con đường làm ăn nhận cash. Có tiền nhất vẫn là con đi ô-sin trước kia, hai vợ chồng hiện làm chủ ‘neo’ trong khu Mỹ trắng bên bang Texas, lại được thằng rể sống có tình vẫn thường nhắc vợ tiếp tế đều cho bà mẹ vợ.

Cha sấp nhỏ sang đây nhờ cái bằng sư phạm với nghề dạy học lúc xưa nên dần dần lấy lại thế chủ động, trở thành người cầm càng trong gia đình. Nếu so sánh trong đám bạn bè, cha này vẫn có cái hên hơn anh em chúng tôi từ hồi nào đến giờ. Tụi tôi gọi ổng là ‘lộc bình trôi’, ông có tật cứ để cho trôi tới đâu hay tới đó, mà lại hiếm khi tắp vào bến đục.Về định cư ở cái thành phố tuyết lạnh mưa mùa xem ra lại có nhiều cơ may hơn miền Cali nắng ấm. Ông đi làm phụ giáo cho con em gốc người châu Á, ít năm sau sở học vụ địa phương cần người dạy môn Hóa và Vật lý, ông tuy sở trường về hai môn này, nhưng ngại ngùng phần tiếng Anh nên không dám nhận. Ở đời lúc mình cần thì xin hoài không được, lúc người ta cần có né họ cũng vẫn giao. Duyệt lại hồ sơ họ biết ông đủ khả năng, khuyến khích ông cứ dậy, lại cho đứng lớp chung cả năm với teacher chính, ấy vậy mà năm sau ông đi ‘solo’ đứng lớp một mình, rồi vô thẳng biên chế chẳng phải qua trường lớp nghiệp vụ nào.

Lương teacher phây phả, mua căn nhà gần trường, ba tháng hè rong chơi, lại vừa vô quốc tịch, nhìn lại thân ông quả thật được Trời ngó lại. Bất giác nghĩ đến mấy đứa con bên quê nhà, ông hồi tưởng lại thấy lương tâm mình khó ở, chúng nó đâu tội tình gì, nên ông lựa lúc bàn bạc với cô Đài lo hồ sơ bảo lãnh cho tụi nó. Cô Đài cũng chẳng hẹp bụng, trong thâm tâm cô chỉ ‘kình địch’ với mẹ chúng thôi, cô ra điều kiện chỉ lo bảo lãnh đám con, còn mẹ nó thì để… ai lo thì lo. Tôi khen cô là khéo ‘chiêu hồi’, mấy con bà Lan đứa nào cũng mến cô, lại còn kêu bằng má Năm ngọt xớt. Mọi sự tiến hành theo dự tính, chỉ ba năm sau nhờ diện cha con, nghề nghiệp vững chãi, ông ‘câu’ hết đám nhỏ qua đất Mỹ. Tình cũ nghĩa xưa, ông cũng chỉ vẽ rành rọt cho đứa con gái bên Texas làm giấy ‘cõng’ bà Lan mẹ nó sang sau. Năm hai ngàn lẻ hai thì cả hai ‘gánh’ con chung, con anh, con tôi, cháu chúng ta cùng đoàn tụ một nhà trên vùng đất hứa. Tất nhiên theo diện mẹ con, bà Lan cũng giã từ thành phố biển sang ở chung với con gái và thằng rể, vừa trông cháu dùm vừa tự do hơn.

Chuyện gia đình bà Lan, cô Đài không ngờ lại kết thúc có hậu. Chồng hai bà có khoe với tôi tin vui đoàn tụ vì dù sao tôi cũng là chứng nhân của chuyện tình tay ba, có lúc đã bị các phe ghét bỏ trách thầm. Lâu lắm tình bạn nối khố mới được phục hồi, tôi xưng lại mày tao với ông bạn già, hết chuyện gia đình đến chuyện nghề nghiệp, hai bên trao đổi khá dài. Cuối câu chuyện tôi bỏ nhỏ với ông một câu,”chắc giờ này lương tâm mày mới thấy yên ổn, trễ còn hơn không, xin chúc mừng mày.” Đầu giây bên kia bỗng im lặng, tưởng buông máy, ai ngờ lại bật lên tiếng cười xem ra hồ hởi như trúng ý.Lát sau đầu giây cúp thật, ba con Thúy mải cười quên cả chào nhau lời tạm biệt.

Đỗ Xuân Tê

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search