T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngày nàyNăm Ấy ( Lưu Na&T.Vấn )

Một độc giả, đọc bài ” Ngày 30 tháng tư năm 1975 ” của tôi, đã viết thư hỏi về trường hợp riêng tôi, những ngày cuối cùng của cuộc chiến, trong khi bao nhiêu người tìm cách rời khỏi đất nước thì tôi, lúc ấy đang có mặt ở Sài Gòn, lại cứ nhất quyết tìm mọi cách để trở về đơn vị.

Chưa hết, kể cả khi tướng Dương Văn Minh, vị Tổng Tư Lệnh cuối cùng đã ra lệnh cho các quân nhân QLVNCH hãy buông súng , bàn giao cho những người phía bên kia, bản thân tôi lúc ấy đã cởi bỏ bộ quân phục thay vào bằng bộ đồ dân sự xin được từ một nhà dân gần đó, vẫn cùng với một sĩ quan phục vụ ở Ty ANQĐ Tiểu khu Long an, tìm đường ” trở về đơn vị “, chứ không phải trở về nhà. Đơn vị nào ở cái thời điểm giờ thứ 25 ấy mà về ?

Một câu hỏi , thực ra, không có gì là khó để trả lời.

Nhưng câu trả lời chân thật nhất của tôi liệu có làm tổn thương đến những người may mắn thóat đi được vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến ?

Từ nhiều năm nay, trong những bài viết, tôi chỉ nhắc đến sự kiện, về hình ảnh không hề phai nhòa trong trí tưởng tôi vào cái ngày tháng Tư định mệnh ấy. Tôi không muốn đào sâu hơn nữa. Có lúc tôi nghĩ việc làm ấy chẳng ích gì, chỉ khiến lòng mình nặng trĩu thêm mà thôi. Vả lại, đã mấy chục năm trôi qua, bao nhiêu nước chảy dưới cầu, nhắc lại cũng chỉ như kể một truyện cổ tích không vui.

Trong bài ” Ngày 30 tháng 4 năm 1975 của tôi “, tôi viết :

” . . . Trước đó một tuần, khi con đường Quốc lộ 4 nối liền Sài Gòn và những tỉnh miền Tây còn chưa bị Việt Cộng chặt đứt ở khúc Bến Lức, tôi đã từ đơn vị Tiểu Khu Long An ” dù ” về Sài Gòn thăm nàng. Suốt gần một tuần ở Sài Gòn, tôi không hề có ý tưởng đi tìm nơi chạy thóat qua Mỹ, dù lúc đó ở Sài Gòn, đó là chuyện thường được nhắc tới nơi những quán cà phê. Tôi chỉ nôn nóng tìm cách trở lại đơn vị. Để làm gì, tôi không biết. Nhưng lúc ấy, giữa không khí hỏang lọan của một Sài Gòn đợi chết, mặc dù ở bên cạnh là người tình tấm mẳng của 3 năm Đà Lạt và 2 năm đóng hụi tháng cho các hãng xe đò chạy đường Sàigòn-Đà lạt , tôi vẫn chỉ cảm thấy yên lòng khi được ở đơn vị sống chết cùng với những người bạn, người lính của mình . . .”

Những hàng chữ nói trên rất thật.

Từ đơn vị ở Tiểu Khu Long An, cách Sài Gòn 40 cây số về phía Nam với khỏang 1 giờ xe đò, tôi “dù” về thành phố không phải để tìm cách ” chạy trốn quân Cộng sản” như nhiều sĩ quan cao cấp hơn tôi đã làm từ trước đó hàng mấy tuần lễ. Đơn giản chỉ là nhớ người yêu mà thôi . Trước đó, khi nàng còn ở Đà lạt, từ Long An tôi đã dzọt lên Đà Lạt thăm nàng hàng tháng . Đi sáng thứ bảy, chiều đến nơi, rủ nàng đi uống cà phê, ăn phở để rồi sáng hôm sau, chủ nhật, lúc 5 giờ sáng tôi và nàng lại ôm nhau ngồi co ro ở bến xe uống cà phê bí tất chờ chuyến xe đò tài nhất về lại Sài Gòn. Và ngay khi xuống xe đò Sài Gòn- Đà Lạt tại Bùng binh Ngã Bẩy tôi lại nhẩy vội lên xe lam ra xa cảng miền Tây đáp chuyến xe đò cuối cùng về Long An.

Tuần lễ cuối cùng trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, tuy có mặt ở Sài Gòn, ở bên cạnh nàng, nhưng tâm tư tôi vẫn một nửa hướng về đơn vị. Nơi đó, có 3 người bạn đồng khóa 3 CTCT Đà Lạt thân nhau như anh em ruột thịt. Nơi đó có những chiến hữu quen biết khi tôi đáo nhậm đơn vị. Hai năm làm việc bên nhau, tuy không phải xông pha lửa đạn như những đơn vị tác chiến để chia sẻ với nhau sự sống và sự chết, nhưng chúng tôi có cùng một lý tưởng để phục vụ. Đọan đường Sài Gòn về miền Tây ( Quốc lộ 4) bị Cộng quân đặt một chốt chặn khúc gần chân cầu Bến Lức ngay hôm sau khi tôi có mặt ở Sài Gòn. Đó là lý do duy nhất khiến tôi có mặt trên Quốc lộ 4, phía bên này chốt chặn hướng về Sài Gòn. Nếu không, tôi đã có mặt ở đơn vị vào giây phút cuối cùng của miền Nam, tham gia vào “đòan lính VNCH chân đất, không nón không vũ khí, tay úp lên đầu, đi lũ lượt trên quốc lộ.

Thành thực mà nói, những ngày ấy ở Sài Gòn, tuy có nghe nói về những cách khả thi để thóat khỏi đất nước trước khi quân Bắc Việt tiến vào, nhưng tôi không tha thiết lắm đến việc vượt thóat. Tôi và nàng có bàn với nhau về việc đó, nhưng cả hai đều bế tắc ở đọan ” còn gia đình mình thì sao ? “. Nàng còn mẹ, còn anh em. Tôi cũng còn các em tôi phải lo lắng chăm sóc. Nếu tôi đi rồi thì chúng sẽ ra sao ? Chúng tôi không nghĩ đến mình. Vì lúc ấy chúng tôi đang ở bên nhau. Chỉ nghĩ đến người thân. Phần tôi, còn nghĩ đến những anh em của mình ở đơn vị.

Thời gian này, ngày nào tôi cũng thăm dò xem đọan Quốc lộ 4 bị chặn ấy đã giải tỏa được chưa để tôi trở về đơn vị. Đến sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, bồn chồn không yên vì tin tức chiến sự ngày càng bi đát, tôi quyết định lên xe đò miền Tây trực chỉ hướng Bến Lức, dù đã được cho biết xe đò không thể đi xa hơn Bến Lức. Bất chấp nước mắt ngắn dài của nàng, tôi khư khư giữ vững ý định của mình. Nàng hỏi tôi anh về đơn vị thì sẽ giải quyết được gì ? Tôi ngọng miệng không biết trả lời thế nào để thuyết phục đựợc nàng bằng lòng để tôi đi. Tôi chỉ có thể năn nỉ nàng hãy để tôi về với các bạn của mình, vì giây phút này đây , lúc mà tương lai cuộc chiến , tương lai của chính bản thân tôi chưa biết như thế nào, chúng tôi cần ở bên nhau để bàn tính điều đúng nhất cần làm. Biết không thể giữ được tôi, nàng lau nước mắt tiễn tôi rời Sài Gòn.

Thế là tôi có ngày 30 tháng 4 năm 1975 của tôi không giống ai.

Trong cái ngày 30 tháng 4 năm 1975 ấy, trở về đơn vị không còn mang ý nghĩa trở về một trại lính, một văn phòng làm việc, một nhiệm sở, mà là trở về với đồng đội .

Nhiều năm sau, trong những trại tù, đêm trằn trọc vì đói, vì rét, vì nỗi nhớ nhà quay quắt, tôi lại nghĩ đến cái tuần lễ cuối cùng định mệnh ấy của đời mình. Tôi vẫn tin rằng mình đã có lựa chọn đúng. Trong trại tù, tôi đã gặp nhiều người ra đi đến được đảo Guam rồi, nhưng nỗi nhớ nhà, sự lo lắng cho vợ con còn kẹt lại đã khiến họ cương quyết đòi trở về cho bằng được trên chiếc tàu Việt Nam Thương Tín tháng 9 năm 1975 . Chẳng may, chính quyền Cộng sản tàn ác bất nhân, đã không cho họ được gặp thân nhân, còn đầy họ vào những trại cải tạo xa nhất ở miền Bắc và ngày về của họ còn thăm thẳm hơn cả chúng tôi. Đối với chúng tôi, tình cảm gia đình luôn là thứ thiêng liêng nhất. Vì gia đình, một số người nhất quyết không chịu tìm sự bình an riêng cho thân mình. Vì gia đình, nhiều người tuy đã đến đựợc thiên đường, nhưng vẫn quay trở lại để được sống chết cùng với cha mẹ vợ con.

Với tôi, sau gần 9 năm dài đăng đẵng trong những nhà tù từ Nam chí Bắc, khi tôi trở về thì nàng đã không còn đủ sức chờ đợi tôi được nữa. Tôi không hề trách nàng. Mỗi người chỉ có một thời tuổi trẻ. Tôi, vì tai trời ách nước, đã phí hòai mất 9 năm đẹp nhất đời mình trong tù. Đó là định mệnh của riêng tôi, của rất nhiều những bạn bè tôi. Nhưng không vì thế mà phải khiến những người khác liên lụy, trong đó có nàng, ” người tình tấm mẳng của 3 năm quân trường và 2 năm đóng hụi tháng cho các hãng xe đò chạy đường Sàigòn-Đà lạt “.

Đã có lúc tôi nghĩ đến chữ ” Nếu “.

Nếu tuần lễ cuối cùng ấy có mặt ở Sài Gòn, tôi và nàng cương quyết tìm đường vượt thóat, và cơ may là chúng tôi thóat được. Hẳn cuộc tình 5 năm không kết thúc tội nghiệp như nó đã kết thúc. Và gia đình riêng của hai chúng tôi, có thể sẽ được chúng tôi lo lắng một cách cụ thể hơn về mặt vật chất như nhiều người khác may mắn thóat được sớm đã lo cho gia đình họ.

Nhưng, lúc ấy đâu có ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Chúng tôi chỉ quyết định theo sự thôi thúc của lương tâm mình. Cái đúng với người này, có thể là cái sai với người khác. Những người từ đảo Guam về lại Việt Nam trên chuyến tàu Việt Nam Thương Tín tháng 9 năm 1975 mà tôi được biết không có ai hối tiếc về quyết định của mình, dù có người trải gần 13 năm trong những trại cải tạo. Và khi họ được thả về, vợ con họ đã tìm đường vượt biên. Gia đình họ chỉ đòan tụ sau khi có chương trình HO, tức là gần 20 năm sau.

Tất cả sự đau khổ, chia ly, những nghịch cảnh xót xa xẩy ra trong một đọan đời khó quên của đất nước, chẳng qua chỉ là định mệnh mà dân tộc phải gánh chịu. Mỗi người, trong đọan đời ấy, có số phận riêng của mình. Ngày nay, mấy mươi năm sau, nhìn lại, dù nỗi đau có lớn thế nào, cũng chỉ là quá khứ.

Có lẽ chúng ta nên cố gắng quên quá khứ đi thì tốt hơn chăng ?

T.Vấn

30 tháng 4 năm 2011

__________________________

Lưu Na: Trang sử của chúng ta chưa thể ghép lại được

GIỖ

Trong tuần lễ cuối của tháng 4, con dân nước Việt Nam độc lập tự do hạnh phúc được thấy một loạt án tù và bắt bớ dành cho các bloggers cùng các nhà hoạt động cho tôn giáo và nhân quyền.  Ngày 27 tháng 4, bão lốc miền Nam (Southern Tornadoes) nước Mỹ đồng loạt bùng dấy gây thương vong tàn phá ở mức báo động.  Bên cạnh những chuyện quốc gia đại sự là đôi việc biển dâu.  Ngày 24 tháng 4 bà Ngô đình Nhu, quyền Đệ Nhất Phu Nhân triều đại đầu tiên của 20 năm Việt Nam Cộng Hòa, người cuối của vương quyền cũ, qua đời.  Ngày 29 tháng 4 công nương Kate kết hôn với hoàng tữ William mở ra một trang tình sử mới và biểu tượng vương quyền mới.  Ngày giỗ Việt Nam Cộng Hòa năm nay đã được dẫn trước với những sự kiện nổi bật như vậy.  Và sáng dậy mở các trang mạng xem thì thấy giận ông Trên bàn viết hết sức.  Đêm nghĩ vẩn vơ, tìm được một chữ ưng ý sáng ra đã thấy ông dùng.  Với đứa vốn liếng chữ nghèo nàn sao mà không sùng.  Cũng không biết làm sao thay thế chữ khác, nó đã thành lịch sử:ngày này, năm ấy.

Cái ngày, mà dù chỉ là một người dân bé mọn vừa chớm lớn khôn không có gì để nhớ cũng không thể quên cái xao xác tan hoang của một cuộc đổi đời.  Một xã hội, một quốc gia, thôi thế là sụp đổ.  Việt Nam Cộng Hòa, quốc gia đó là nơi mình sinh ra và lớn lên, không thể nào nghĩ khác.  Tuổi đời thêm nặng, lý trí nói mình cùng máu đỏ đầu đen cùng ngôn ngữ, huyết thống nói ông anh bộ đội và bà chị bí thư huyện là anh chị em của mình.  Nhưng tim mình nó bảo mình là cái nước Việt Nam Cộng Hòa của mình đã bị Cộng Sản Bắc Việt xâm lược, giống như bị Trung Hoa, bị Pháp xâm lược.  Chết, tức tưởi, không nghĩ khác được.  Và thêm nặng tuổi đời mình càng khóc nhiều hơn cái ngày giỗ ấy.

Sao mình khóc hoài cho một biến động đã qua?

Mình nhớ đến đám tang của Ba năm 97, cô và các con từ ngoài Bắc, cùng các anh chị của mình vào để tang.  Trước quan tài, cô xõa tóc, mái tóc vẫn dài và vẫn cuốn trong cái khăn đen quấn thành 1 vòng rưỡi trên đầu.  Cô ngồi xuống chiếu với mái tóc xõa áo bà ba trắng quần đen, và bắt đầu khóc những lời thương tiếc.  Nhà kèn trỗi lên, mình loay hoay ghi lại hình ảnh, một dấu ấn của một thời đã qua mà mình mới thấy lần đầu.  Năm tháng trôi qua mình hối tiếc đã không chú ý nghe những lời khóc ấy.  Nhưng nắp quan tài đã đóng, người chết và người sống dù không đành đoạn cũng không còn chi để vấn vương.  Mình đã thôi khóc Ba, vì dù thương tiếc nhớ nhưng Ba đã đến đúng lúc đúng chỗ đã dành sẵn cho Ba.  Riêng còn những người vợ không thể đóng nắp quan tài trống, còn những người mẹ không thể thôi chờ con mất tích trên biển, còn những đứa con không thể thôi thắc mắc về người cha chưa biết mặt.  Người chờ người đi, đã như nhang tàn. Họ không thể thôi khóc.  Và những người lính mãi tìm về đơn vị. Người bỏ người thôi, khác chi nợ nần. Những chuyện bể dâu đổi bao thân phận bao cuộc đời, có bao giờ chúng ta giải thích được với nhau?  Vết thương lòng, có bao giờ khép được không, những ngày này năm ấy?  Trương Vấn, hóa ra anh cũng như một người lính đã chết, đang trốn phép lại tìm về đơn vị để được đứng bên anh em của mình.  Những nhân chứng sống kéo dài sự chết của chính họ.  Sao không khóc được.

Những lời chứng thuyền nhân, những hình ảnh kỷ niệm, những bài viết ngậm ngùi…  ngày giỗ năm nay càng thêm lớn với 3 chương trình lễ tưởng niệm nơi tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ, đêm thắp nến, hội thảo, chiếu phim, và hàng loạt những chương trình truyền thanh truyền hình, băng đĩa kỷ niệm.  “Ngày này năm ấy” được người Việt lưu vong nhắc đến tựa như dân Mỹ đóng lại vở kịch nội chiến 1876 hàng năm.  Khác chăng, trang sử của chúng ta chưa thể khép lại.

Lưu Na

30 tháng 4 năm 2011

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search