T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 28)

Ca dao và lịch sử

Khi Lê Lợi dấy binh chống Minh, khởi đầu ở vùng Thanh Hóa, sau chiếm lĩnh Nghệ An mở rộng đất đai. Sau đấy, người dân được cổ võ cho cuộc di dân vào vùng này:

Ðường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Ai vô xứ Nghệ thì vô

(Phương Nghi – Tạp chí Tài hoa trẻ)

Chữ nghĩa văn hóa ẩm thực

Lấy 12 tháng trong năm, tuần tự cắt mỗi tháng ra 28, 30 hay 31 phần. Đem rửa sạch mùi cay đắng, ghen tị thù oán…rồi để vào chỗ thoáng cho khô ráo. Trộn đều với ngũ vị hương: một chút tin yêu, một chút cố gắng và…một chút hy vọng.

Tác phẩm đầu tiên

Tác phẩm đầu tiên của anh Tam (Nhất Linh) là mấy bài dịch thơ Đường đăng trên báo Trung Bắc Tân Văn. Thơ Đường đã có ít nhiều ảnh hưởng đối với anh cũng như đối với các nhà văn nhà thơ Việt Nam. Nhưng anh không có hứng thú làm thơ, mà có hứng thú viết truyện hơn.
Năm 1926, tôi (Nguyễn Tường Bách) được đọc cuốn truyện đầu lòng của Nhất Linh. Chỉ còn nhớ cuốn sách đó in trên giấy bản, gáy sách đóng bằng chỉ. Là một cậu học trò nhỏ tuổi, tôi chưa đủ trí óc để phán đoán. Truyện một cô gái gặp khó khăn, nhưng hiền hậu đảm đang, cố gắng giúp chồng đỗ đạt, làm nên… thực có vẻ nho phong, tuy chưa thoát khỏi được lề lối cũ, song lối hành văn có vẻ trong sáng hơn, ít sáo ngữ hơn.

Có lẽ vì thế nên đặt tên truyện là Nho Phong.

(Nguyễn Tường Bách –Việt Nam, một thế kỷ qua)

Chữ nghĩa thập niên 20

Tang hải – Nghĩa là tang thương, bể dâu. Một bà tiên tên là Ma cô, đã từng ba lần thấy ruộng dâu hóa bể thẳm. Những việc biến cải lớn ở đời, cứ hết lớp này qua lớp khác, chẳng khác gì bể thắm nương dâu. Vì thế chữ bể dâu, tang thương, tang hải dùng để chỉ những biến cải lớn lao và mau chóng.

(Tôn Thất Lương – Xuân Mộng)

Giai thoại làng văn

Nguyễn Tuân đã nổi tiếng trên văn đàn, với cuốn “Thiếu Quê Hương”, “Vang Bóng Một Thời”, nhưng thật nổi trội, phải kể từ lúc anh viết truyện ngắn “Thèm Ốm” cho Trung Bắc Chủ Nhật do Mạnh Quỳnh vẽ bìa. Đến cuốn “Chùa Đàn”, “Tóc Chị Hoài, ”Chiếc Lư Đồng Mắt Cua” thì tên anh thật vững.

Nhưng nói riêng về cá nhân Tuân, bao giờ cũng như bây giờ, tôi (Vũ Bằng) vẫn nói công khai giữa thanh thiên bạch nhật là tôi yêu mến anh thật, nhưng có nhiều điểm “tôi không thể nào thương nổi”. Tôi còn nhớ hồi làm Trung Bắc, tôi về Thanh Hóa thăm anh. Đi tầu hỏa đã mệt, tôi đến nhà anh chuyện trò một lát sau đi ngủ liền. Tuân nhè đúng lúc tôi đang ngon giấc, lay dậy, bảo mặc quần áo đi có việc cần. Trời thì rét mà ở ngoài còn tối om như mực, tôi không đi, nhưng không được. Tôi đành phải chiều anh bạn “lọ”. Để đi đâu? Anh bắt tôi đi bộ, vòng hết đường này sang đường khác, rồi rủ đi ăn bánh ướt ở một căn nhà lá mà anh bảo là ngon nhất Thang Mộc Ấp. Riêng một cái việc ngồi chờ cho bà cụ bán hàng thắp đèn lên, tráng bánh và rán đậu cũng đã mất hai tiếng đồng hồ.

Những hành động lẩm cẩm và dớ dẩn, lộn ruột như thế không thể nào kể xiết. Trong khi người ta mặc quần áo Tây, anh mặc áo gấm huyền, đội khăn; mùa nực, cầm cái quạt đánh chó phải chết, để phe phẩy; nói thì rấm rẳn, đang vui câu chuyện ngừng phắt lại, nhăn cái mũi cười rồi thôi, không nói nữa; đi ăn thì lè khè nhấm nháp, lấy hai ngón tay nhón cái chân chim bồ câu bỏ lò, ăn chậm như rùa – mà chỉ ăn có hai chân thôi – còn cả con chim thì lấy tay ngoắc phổ ky lại (chớ không gọi) bảo đem “cất giùm” vào bếp.

Cái nếp sống hàng ngày của Tuân đúng y như văn của anh viết trong các bài báo và tác phẩm của anh: khó chịu lạ lùng, làm cho người mới quen bực muốn chết; nhưng các bạn đã biết thì mặc cho anh muốn giở trò trống gì ra, tùy ý. Thanh Châu, Thượng Sỹ, Thâm Tâm, Ngô Tất Tố, Nguyễn Triệu Luật cho anh là một “quái thai” và đả kích kịch liệt, nhưng muốn “tẩy” cách nào, Nguyễn Tuân cứ lập dị nguyên như thế, không thay đổi và kỳ cục nhất là một số người đả kích tính lập dị của Tuân, về sau, lại nói giọng lè nhè, ăn uống kiểu cách, bắt chước như Tuân.

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Truyện chớp – Thay đổi cả một quãng đời

“Chao ôi!” Con chuột than, “mỗi ngày cái thế giới này lại trở nên bé nhỏ hơn. Ban đầu nó rộng lớn đến nỗi tôi cảm thấy e sợ, tôi cứ chạy mãi, chạy mãi và mừng làm sao khi cuối cùng tôi cũng đã thấy những bức tường hiện ra xa xa phía bên phải và bên trái, thế nhưng những bức tường dài này lại co hẹp nhanh đến độ rốt cuộc tôi đã ở trong căn phòng cuối cùng mất rồi, và ở góc phòng có một cái bẫy chuột mà tôi phải đâm đầu vào đó”. “Mày chỉ cần đổi hướng là được thôi mà”. Con mèo nói rồi xơi tái con chuột.

Chữ nghĩa làng văn

“Bùi” là một chữ rất khó dịch sang ngoại ngữ, với đồ ăn như khoai nướng, chỉ trạng thái mềm, bở. Thơm không hẳn là bùi, với “thơm như múi mít” chẳng hạn.

Bùi thuộc vào một trong năm vị của Tầu “toan, cam, khổ, tân, hàm” với nghĩa “chua, ngọt, đắng, cay, mặn”. Vì vậy mới có thành ngữ “cay đắng ngọt bùi”, từ “cay đắng” đi với “ngọt bùi”, cùng nghĩa với “ngon ngọt” và có yếu tố béo.

Không nên nhầm lẫn “mùi” với “bùi”, mặc dù đồng âm và mùi cũng có “ngọt”, như “giọng hát mùi mẫn”, “giọng hát ngọt ngào”, mặc dù giọng hát không có “mùi” nhưng nghe rất “bùi tai” và “mùi mẫn”.

“Bùi tai” chẳng hẳn là…nghe bùi. Vì “nghe điếc” không có nghĩa là “tai điếc”.

Vậy thì giải nghĩa chữ “bùi” sao đây? Ấy là chưa kể dịch chữ này ra…ngoại ngữ!

(Quỳnh Chi – “Bùi”)

Nguồn gốc tên của 12 con giáp (III)

Theo cuốn “Austro-Thai, Language and Culture, with a glossary of roots” viết bởi nhà ngữ học người Mỹ Paul K. Benedict – NXB New Haven (1975). Benedict là một trong những học giả Tây phương nổi tiếng vì đặt lại vấn đề và đưa ra các dữ kiện ngôn ngữ cho thấy ảnh hưởng của phương Nam vào văn hoá ngôn ngữ Trung Hoa cổ đại, như nguồn gốc của tên 12 con giáp là từ phương Nam chứ không phải từ phương Bắc hay của người Hán.

Đó là hiện tượng mượn lại/back loan.

Năm 1976, Jerry Norman và Mei Tsu-lin xác nhận thêm một lớp từ trong tiếng Hán có gốc Nam Á – xem bài “The Austroasiatics in Ancient South China: Some Lexical Evidence”; thí dụ như chữ giang (sông) là mượn của phương Nam (Nam Á/Austroasiatic) với dạng âm cổ giao lưu văn hoá khi tộc Hán di thiên và gặp các dân tộc phương Nam ở khu vực Hồ Bắc khoảng 1000 TCN tới 500 TCN, nhưng còn có thể trước đó nữa vào thời nhà Thương.

(Nguyễn Cung Thông – Nguồn gốc Việt của tên 12 con giáp)

Truyện cực ngắn – Chiến tranh

Khi chiến tranh chấm dứt, gia đình hắn định mang hài cốt của hắn từ nghĩa trang liệt sĩ về quê. Nhưng đào mãi, đào mãi, cái huyệt vẫn trống trơn, không hề có vết tích gì cả. Có người nói: “Anh ấy hiển thánh rồi!” Lại có người đề nghị: “Thôi thì mang tấm bia có tên tuổi của anh ấy về quê cũng được.” Nhưng tấm bia bằng đá ấy lại quá nặng. Cuối cùng, bố mẹ hắn quyết định chỉ đục tấm bia, lấy hai chữ ‘hy sinh” mang về nhà.

Vấn từ trong ngữ pháp tiếng Việt

Tiếng Việt có nhiều “vấn từ” ở đầu câu khẳng định, như:

Ý chiều ngây ngất màu hoa cúc

Sao mắt thu buồn dáng hạ xưa?

(Đinh Hùng)

Hoặc cuối câu:

Có tiền việc ấy mà xong nhỉ

Đời trước làm quan cũng thế a?

(Nguyễn Du)

(Đỗ Quang Vinh – Tiếng Việt tuyệt vời)

Tiếng nói xưa và nay

Đồng áng: áng trong tiếng Việt cổ cũng có nghĩa là đám (áng mây = đám mây). Về sau, từ áng mở rộng chỉ những lĩnh vực trừu tượng: áng công danh, áng văn chương.

Nâu sồng: sồng là một loại cây dùng vỏ nấu thành màu đỏ sẫm dùng để nhuộm vải, thường nhuộm sồng trước, sau đó mới nhuộm nâu thì vải mới bền.

Tiếng Việt sao lắt léo thế

Về cách biến thể của những câu nói, chỉ cần 4 tiếng “Tôi không nói anh”, ta có thể sắp xếp thành 11 câu không giống nhau:
Tôi không nói anh
Anh không nói tôi

Không, anh nói tôi

Không, tôi nói anh

(Duyên Hạc – Trau giồi tiếng Việt)

Giai thoại làng văn

Lần đầu tiên vào Nam, tôi (Nguyễn Đăng Mạnh) rất xúc động. Thực ra khi dạy ở Đại học sư phạm Vinh tôi đã có dịp được tham quan Cửa Tùng, Vĩnh Linh. Tôi còn nhớ nhìn sang bờ Nam sông Bến Hải, thấy một khẩu hiệu rất lớn quay sang bờ Bắc – cốt cho người Bắc đọc: “ Ở đâu con tố cha, vợ tố chồng?”

Bây giờ xe tôi vượt qua sông Bến Hải. Tôi dán mắt vào bên đường cố ghi lại mọi cảnh vật. Đây là vùng ngụy, có gì khác với miền Bắc? Bao nhiêu địa danh nổi tiếng thường nghe qua đài phát thanh hay đọc trên báo, nay hiện ra trước mắt mình đây: Gio Linh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Hải Vân, Chu Lai…vv…

Lần đầu tiên vào Sài Gòn, tôi mới thấm thía được thế nào là sự kì diệu của tiếng nói dân tộc. Ta vẫn nói, Nam Bắc là một nhà, Việt Nam là thống nhất. Tôi vào Nam, thấy nhiều điều xa lạ khác hẳn miền Bắc. Nhưng khi nghe người dân nói, thì đúng là vẫn ngôn ngữ ấy, vẫn tiếng nói ấy của người Việt. Vậy là vẫn người một nước, vẫn anh em một nhà. Tôi thật sự xúc động.

Chỉ có điều chính sách, thái độ chính trị của ta đã khiến họ trở thành xa lạ, thậm chí đối địch. Hồi giải phóng, ta đã đốt sách đốt vở rất nhiều. Sách vở dưới chính quyền nguỵ đều bị coi là văn hóa nô dịch, phát động thanh niên, học sinh tập trung đốt hết. Tưởng việc làm quá khích và dại dột ấy không lặp lại một lần nữa, khi giải phóng Sài Gòn.

Té ra vẫn thế, tập trung và đốt. Một hiện tượng thật vô văn hoá!

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Tục ngữ Tầu, Ta

“Tích thiện phùng thiện” – “Ở hiền gặp lành”

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search