T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Bẫy Chó

 

Tranh : Trần Thanh Châu

1.

Tháng 5, tháng của gió nam non thổi lòn hang dế, nên sau một đêm ca hát say sưa, chúng cứ nằm vểnh râu lên mà ngủ. Dân làng cũng đang ngủ mê mệt vì ruộng đã cày ải xong và đêm qua đã thức rất khuya để nghe cán bộ phụ nữ hô hào giặc đến nhà đàn bà phải đánh!

Chỉ có những con chó rậm rật như chó tháng 5, những con chó đực chưa bị thiến ấy, vừa đến tuổi đi tơ đã không chịu suốt ngày nằm gác mõm lên thềm nhà để canh giữ người lạ nữa. Chúng đã nghe ra trong hơi gió ngọt ngào kia cái mùi vị nồng nàn mà loài người từ lâu đã ưu ái đặt tên cho là ái tình.

Bin Bin cũng thế, cũng đang đến tuổi đi tơ, cũng đang fall in love.

 

Bin Bin là một con đực đốm nâu rất đẹp. Nó không phải là giống chó cỏ tầm thường như bọn vằn, vện, hay tuyền một màu chán ngắt như mực, mốc, vàng. Đốm nâu chắc có bà con họ hàng gì đó với đốm trắng. Đó là những con chó quý tộc hay ít ra cũng một phần ba quý tộc vì lai giống bọn chó ngao. Nó lại có tên cũng rất Tây là Bin Bin vì cậu chủ của nó rất thích còi ô tô. Mặc dù người ta đang thù ghét Tây đến nỗi đem cả những cuốn tự điển Larousse dày cộp ném cho chó nhai, nhưng cái tên Bin Bin vẫn được nhiều người ưa thích.

Bin Bin yêu một chị chàng hàng xóm. Cũng phải thôi, chỉ cách nhau có mỗi một hàng dâm bụt, làm sao hai kẻ đương tơ lại có thể không yêu nhau, cho dù nàng chỉ là một chị vện tầm thường nếu không muốn nói là hạ tiện. Cứ xem hai cặp giò ngắn ngủn và xem cách sủa chóc chóc là đủ biết cái gốc rễ tổ tiên mấy đời nhà chị, nó không ra gì.

Nhưng có hề chi, chó có phải là người đâu mà tiện dân hay quý tộc, là bần cố hay địa chủ, chó chỉ cần ngoắc cái đuôi là xong. Ngôn ngữ của chó không phát ra từ chiếc mõm đen và ướt mà từ cái đuôi rất đa cảm dịu dàng. Mà cái đuôi của chị vện ta rất chi là tha thướt nũng nịu mỗi khi có chiếc mỏ ướt át của chàng Bin hào hoa động tới.

Anh chị mới bén hơi từ vài ba bữa nay khi đất trời bỗng dưng rạo rực khác thường. Ba bữa trong một đời chó kể cũng khá là nhiều cho khởi đầu một cuộc tình, nhưng có vẻ như chưa đủ nồng đậm để cho anh ả “dính nhau”.

Nàng vẫn cứ đứng đầu hè, nơi đầu ngọn gió, để cái mùi hương quyến rủ chết người kia khiến chàng cứ phải nhảy cẩng lên rối rít. Nhanh hơn cả những lần đi săn chuột, chưa nghe tiếng “hực” đã thấy chàng đến bên đít nàng rồi.

Nhưng nàng vì sợ hay giả bộ sợ, chạy tuốt vào nhà, nằm rạp dưới gậm giường mặc cho chàng bên ngoài thiết tha rên ư ử. Chàng những muốn chui tuột vào trong cùng với nàng, nhưng có lẽ vì sợ bà chủ lùn và mập, nên chỉ còn mỗi một cách là dùng những vuốt nhọn của mình cào đất cho hả giận mà thôi.

Chàng đứng chổng đít quay đuôi vào trong, xới tung đất cát lên như đang đào huyệt khiến bà nổi điên nện cho mấy cái cán chổi vào lưng. Chàng giật mình kêu “ẳng” rồi chạy biến về bên kia hàng rào. Ở đó, chàng kiên nhẫn nằm mọp đợi nàng như Kim Trọng đợi Thúy Kiều ở hiên Lãm thúy. Và y như rằng sau đó Kiều tha thẩn đi kiếm cây trâm cố ý đánh rơi, thì chị vện ta cũng từ gậm giường chui ra đứng ngoắc đuôi ra cái điều ngây thơ thục nữ.

Anh lại chui sang và ả lại chạy vào nhà. Cứ thế, cả ngày không biết bao nhiêu bận.

2.

Tuy vậy, loài chó khác loài người ở chỗ chỉ tán tỉnh yêu đương lúc ban ngày, còn ban đêm thì chủ ai nấy thờ, nhà ai nấy giữ. Dù cách nhau chỉ một hàng rào, nhưng suốt đêm chàng vô tư nằm gác mỏ lên thềm lơ mơ như ngủ và nàng cũng vậy, rúc mỏ vào giữa hai chân chứ không chạy ra chạy vào. Thỉnh thoảng cả hai đứng lên, ưỡn vai, duỗi chân rồi đi tuần quanh nhà. Ban ngày quắn quýt với nhau là thế nhưng ban đêm lại tỉnh bơ coi như chưa hề quen nhau. Có thể nói, loài chó coi vậy mà rất đường hoàng, yêu nhau nhưng không quên nhiệm vụ.

Và cái buổi sáng tháng 5 ấy, một buổi sáng trời rất trong và nắng mới lên chiếu qua hàng cau rất đẹp, bên hiên nhà, anh và ả đã “dính nhau”. Bởi vì mọi sự đã đến lúc chín muồi và ả không phải là Thúy Kiều để nghiêm nét mặt mà thưa rằng đừng lấy làm chơi!.

Anh ả dính nhau như thế là chuyện thường tình có chi mà phải nói. Tôi sẽ bị mắng cho là rỗi hơi nếu cái buổi sáng hôm ấy không phải là một buổi sáng oan nghiệt, có tên gọi là Đại sát cẩu.

Đây là một chiến dịch lạ lùng của những đầu óc lạ lùng. Khi người ta phát minh ra cái trò đánh du kích, tức là đánh trộm đánh lén, thì kẻ phá bỉnh phản động chính là chó. Từ trong máu chúng đã không ưa gì những trò trộm lén. Chỉ cần một chút hơi lạ, hay chỉ cần thấy một thoáng thò thụt là chúng sủa ngay. Cán bộ cán biếc, du kích du kiếc, chúng đều sủa ráo.

Sủa là bản tính tự nhiên, nhưng sủa phải đúng lúc đúng chỗ, chứ gặp lúc Tây đi càn mà sủa để cho Tây biết chỗ này có người đang núp chỗ kia có hầm bí mật thì đúng là cẩu gian. Ngay chóc là kẻ thù của du kích, còn hơn thế nữa, là kẻ thù của dân tộc.

Vậy thì, giết chó là yêu nước, yêu nước phải giết chó!

Và một trận cuồng sát long trời lở đất đã được tiến hành khắp làng trên xóm dưới, khắp cả bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú và cả những vùng “tự do” trên cả nước.

Không ai tính được bao nhiêu chó bị giết. Một triệu, hai triệu? có lẽ nhiều hơn cả số người đã phải chết đói trong năm Ất Dậu! Nhưng mà tính làm gì, chúng chỉ cần cạo lông moi ruột rồi ướp, tẩm, nướng, luộc, để sau cùng được chôn cất một cách vui vẻ trong những cái bao tử rỗng vì thiếu ăn của cả triệu người, thế là xong!

Kẻ yêu nước nồng nàn và hả hê nhất chính là Thủ ngữ đực. Bỡi vì, cho dù ranh ma bôi cứt chó đầy mình mỗi khi đi ăn trộm nhưng cả đời cứ phải chịu đựng cái mùi khăn khẳn đó để qua được những cái mũi rất cần mẫn và tinh khôn thì gã rất căm. Cho nên, buổi sáng hôm ấy với một cái dây thòng lọng và cây đả cẩu bổng, gã tả xung hữu đột giữa bầy khuyển vằn vện như một chiến sĩ can trường. Gã đã siết cổ cả chục con trước khi bị một con chó cái dũng cảm táp vào đùi để bảo vệ con.

Chính đòn đả cẩu bổng như một đường gươm oanh liệt của gã đã chặt đứt mối tình đầu của Bin Bin và ả vện. Trời đánh còn tránh bữa ăn, huống gì là đang yêu. Nhưng gã thì không, ngay từ khi còn ở truồng chạy rông, gã đã ngứa mắt hành hạ những cặp chó dính nhau không thương tiếc. Lúc này, gã lại còn xuống tay mạnh hơn, chỉ tiếc là đập chết được có một con, còn một con thì sổng mất trước khi kịp ném thòng lọng vào cổ.

Vậy đó, chỉ vì cái tội sủa mà dòng họ nhà chó đã có một trang bi thảm nhất trong biên niên sử của chúng. Từ đây vinh quang thuộc về Thủ ngữ đực và đám dân quân du kích. Giá như Tây mà giết được dễ và nhiều như thế thì hai tiếng vinh quang mới thật sự là vĩ đại. Bởi vì cái mụ chủ mập và lùn cứ suốt ngày tốc quần lên tận háng mà réo cả chín đời mười kiếp của Thủ ngữ đực ra mà chửi. Rằng cả đống người chết vì bom đạn kia sao không ních cho đầy bụng mà lại ăn chó nhà bà. Rằng chó nhà bà là chó thần chó thánh, ăn vào không dại cũng điên, không ngoẻo bữa nay thì cũng ngủm bữa mai… Mặc dù người ta đã đem mụ ra lột da phê bình vì động đến chính sách nhưng mụ vẫn cứ ngoác mồm ra mà chửi. Mụ bảo, chừng nào những thằng khốn đó thay được chó để giữ nhà cho bà thì chừng ấy bà mới thôi chửi.

3.

Không chửi bậy bạ như mụ Bảy lùn nhưng cậu chủ nhỏ nhất định không ưa được cái trò tận diệt loài chó như thế. Vì ngủ nướng nên khi những tiếng ẳng kêu cứu hốt hoảng vang lên đánh thức được cậu thì con chó Bin yêu quý đã không còn thấy đâu nữa, chỉ thấy chị vện tội nghiệp nằm phơi răng ra mà chết.

Cậu liền chạy theo đám du kích đang lôi những con chó bị siết cổ ra sông. Những vện, những mực, những mốc, những vằn, bao nhiêu chó trong xóm đều không thoát khỏi cuộc tập kích. Một đống rơm to được bày sẵn trên bãi cát. Vài con đã được đem thui. Một khi lông đã bị đốt cháy, da đã được cạo trắng thì đốm nâu hay đốm trắng, vàng hay mốc cũng đều là những món “cờ tây” ngon lành mà thôi. Nhưng linh tính như mách bảo cho cậu biết, con Bin nổi tiếng khôn lanh và xinh đẹp nhất xóm có lẽ đã chạy thoát.

Rời bỏ cái đám du kích ồn ào và xác chó tanh tưởi ấy, cậu men theo bờ sông, hy vọng con Bin đang trốn núp đâu đó. Cậu không dám kêu tên, chỉ huýt gió để gọi. Con Bin đủ tinh khôn để hiểu ý chủ. Nó sẽ lặng lẽ theo cậu và cả hai sẽ đi trốn ở một nơi vắng vẻ nào đó. Bây giờ cậu chưa nghĩ ra, nhưng có thể là trong một cái tháp Hời, cũng có thể là núi Mồ cu hay xa tít trên đỉnh Mò o. Đâu cũng được, miễn là xa cái đám sát cẩu tàn bạo này.

Cậu lò dò đi mãi, hết bờ này lại sang bờ kia. Nước sông đã bắt đầu nổi váng mỡ và lều bều những lông những ruột. Không chỉ riêng xóm Thượng mà cả xóm Trung xóm Hạ, không chỉ mỗi làng An Định mà cả Trung Lương và An Đông. Chưa bao giờ cậu thấy người ta hăng say và đồng lòng như thế trong cuộc đại sát cẩu này. Có lẽ, tất cả cũng chỉ vì món thịt chó mà thôi, chứ chẳng phải yêu nước yêu non gì ráo. Cậu không sao hiểu được người ta lại có thể ăn thịt con vật từ xa xưa đã từng là bạn của con người, con vật mà sau này khi lớn lên, cậu cảm thấy sự trung thành còn đáng tin cậy hơn cả những đảng viên ưu tú của đảng cộng sản.

Cậu bỏ ăn trưa, đi mãi cho đến tận chiều tối.

Mẹ cũng không bụng dạ nào mà ăn, hớt hãi cả ngày đi tìm cậu.

Khi mẹ tìm được con thì cũng là lúc cả hai trào nước mắt.

Mẹ khóc vì tưởng đã mất cậu.

Cậu khóc vì không tìm được Bin .

Khuya đêm ấy cậu lại trốn mẹ đi lang thang những mong có thể tìm được Bin. Cậu đi qua gò Đình là nơi bọn du kích thường tụ tập hát hò nhảy múa. Cậu thấy cả bọn đang nằm hả họng ra ngáy. Mùi thịt chó xộc vào mũi khiến cậu muốn nôn. Thủ ngữ đực thì một bên đùi quấn băng trắng đang nằm chép miệng nói lè nhè như mê sảng. Nồi thịt chó ăn dở vẫn còn bắc trên bếp.

Đứng nhìn một lúc trong khi cơn giận bốc lên, cậu muốn đá một cái vào chỗ đùi đau của hắn. Nhưng nhỡ hắn thức dậy đuổi theo thì sao? Thôi thì đái một phát vào nồi cho bỏ ghét. Cậu liền vén chim, ưỡn người phóng nước giải kêu tong tong.

Cậu thất thểu trở về nhà, dọc đường gặp những cái sọ chó nằm lăn lóc khiến cậu không thể không ngứa chân đá văng vào bụi. Một trong những cái sọ vừa cứng vừa bén đã làm toạc mất một miếng da chân.

Cậu không vào nhà, nằm ngay ngoài hiên, chỗ Bin Bin thường nằm thức canh cho mẹ con cậu ngủ. Cậu tưởng chừng ngửi được mùi lông và cả mùi nước dãi của nó, một mùi quen thuộc đến nỗi cậu muốn khóc.

Cậu nhớ từng dáng đi dáng chạy, từng cái ngoắc đuôi và nhất là chiếc lưỡi mỏng và dài thường liếm lên mặt cậu. Nó là em của mình mà, mẹ đã từng bảo thế. Mẹ lượm được nó trên đường đi chợ đêm trở về nhà. Trời lúc ấy mưa lất phất, nó lạnh run khiến mẹ phải cởi khăn trùm đầu bọc cho nó.

Ôi chao, đối với một đứa bé mồ côi cha thì còn có món quà nào tuyệt hơn nữa chứ. Cậu đã giằng nó khỏi tay mẹ, suốt đêm úm cho nó ngủ. Đến giờ cậu vẫn không quên được tiếng đập bong bong trong lồng ngực bé nhỏ của nó. Y như tiếng cái trống rung, mẹ à, cậu thích thú bảo. Rồi cậu giả làm ô tô chạy trước để nó chạy theo, miệng không ngớt kêu bin bin.

Nó lớn nhanh đến nỗi chỉ nửa năm đã cao bằng những con chó nhà khác. Rồi nửa năm sau nó cao vồng hẳn lên, bốn chân thuôn và đẹp như chân nai, lông nó bóng mượt và óng ánh như hươu sao. Nó đã ra dáng một chàng chó rất chi là bảnh trai.

Mẹ bảo, để kêu ông Mười qua thiến giùm, nó theo cái thì sinh gie và bọ chét, dơ lắm. Nhưng cậu không chịu. Cậu rất hãi cái cảnh nó bị đè ngửa ra, úp cả một cái cối lên đầu, rồi bị ông lấy dao bén như lá mía rạch một đường vào giữa háng, tàn nhẫn nặn ra hai hòn tròn tròn như hai quả trứng.

Đó là phần công của ông, ông sẽ đem về nhà ngồi nhậu rượu. Nhậu như thế thật là ác, nhưng xem ra cái ác của ông chỉ như hạt cát so với cái ác của Thủ ngữ đực và đồng bọn. Bao nhiêu chó đực bị giết hết, từ nay ông sẽ chỉ ngồi nhậu suông thôi.

Nghĩ ngợi một lúc rồi cậu cũng lăn ra ngủ. Và trong giấc ngủ cậu mơ thấy mình đang dẫn Bin chạy trốn.

4.

Đứng trên một sườn đồi, Bin Bin thè cái lưỡi dài xuống tận ngực ra mà thở.

Cái chết chỉ trong tấc gang thật khủng khiếp. Nó nghe một cái phập và chị vện bỗng nặng chình chịch như một tảng đá.

Lúc ấy chỉ cần giáng một gậy nữa là tiêu đời, nhưng may sao, người ta loay hoay tròng chiếc thòng lọng vào cổ nên nó có đủ một phần nghìn giây để phóng vút đi.

Nó lao ra khỏi xóm, nhảy xuống sông, rồi băng qua một cánh đồng rộng mới đến được ngọn đồi này. Nó không dám tin là đã được sống sót, nhưng xa được cái lũ đi bằng hai chân là đã thấy mừng rồi.

Vì không như con người, nên cái chết của chị vện không đến nỗi gây cho nó một nỗi đau buồn. Nó chỉ hơi nhớ cậu chủ nhỏ thôi. Trong đám đi hai chân thì cái mùi của cậu chủ, từ da thịt áo quần, là quen thuộc với cái mũi của nó nhất. Bảo rằng đó là cái mùi không bao giờ quên được, cũng đúng thôi, vì còn ai trên đời này thương yêu nó bằng cậu.

Một con rắn ở đâu lặng lẽ bò qua. Nó giật mình đứng dậy và như thường lệ, nó sủa theo thói quen. Ý chừng nó muốn hỏi mày là cái giống gì mà lại không chân. Con rắn đáp lại phè phè với cái lưỡi chẻ hai như một ngọn lửa. Nó lại thụt ra sau, sủa lớn hơn.

Dưới xa kia những cuộn khói từ rơm rạ đốt lên để thui chó đã tan vào trong nắng. Mùi lông, mùi thịt theo gió sộc vào mũi khiến nó cảm thấy nôn nao. Tuy đầu óc không thể hình dung ra cuộc tàn sát kia tàn bạo đến nhường nào, nhưng nó cũng đã cảm nhận được một cái gì thật khủng khiếp đang xảy ra cho giống nòi. Một cái gì như trời nghiêng đất sụt khiến mọi sự đều đổi thay.

Trời chiều, rồi tối hẳn.

Nó xuống đồng tìm nước. Một con mương nhỏ rì rầm ếch nhái. Nó cảnh giác ngó chung quanh rồi thè lưỡi liếm nước. Một con nhái phóng qua mũi, nó liền sải chân chộp được. Nhái nhớt và tanh khiến nó nhờn nhợn. Nó nghiêng đầu nhai, nhưng rồi rùng mình nhả ra. Quả thực, một con chó cưng quen ăn cơm cháo như nó, thật khó mà nuốt trôi.

Nhưng rồi, những ngày sau vì quá đói, nó cũng đành phải ăn những thứ gì bắt gặp kể cả cào cào châu chấu, kể cả dế, chỉ không ăn được trùn mà thôi.

Núi đồi bây giờ là của nó.

Miền đất không bóng người thật hoang vu rộng lớn. Có một chút gì trơ trọi lạc lõng, như cảm giác lần đầu được tháo khỏi xích. Một chút thôi ví cái niềm vui được tự do, được sống to lớn bát ngát hơn.

Nó suốt ngày phóng vọt từ bờ này qua bụi nọ. Những con cu đất, những chuột núi là thức ăn mới. Chẳng những không bị phưỡn bụng lên mà còn ngon ngọt dễ tiêu. Nó săn chắc và khỏe hẳn ra. Một đôi khi nó bắt gặp một con sóc hay con chồn. Nó háo hức đuổi theo, nhưng chỉ đuổi chơi chứ không cách gì bắt được. Phải đến một chục con khỏe mạnh như nó may ra mới tóm được một chú chàng.

Một đôi lúc nhớ đồng loại, nhớ những lúc đuổi nhau chạy như bay trên đồng hay rúc mỏm vào đít của nhau để hít hít ngửi ngửi, nó ngửa mặt lên trời mà sủa. Tiếng sủa ngắn và cộc của nó bỗng trở thành tiếng tru dài thống thiết.

Giờ nó đã là chó rừng, như tổ tiên xa xưa của nó.

Đêm tối không còn nhà để canh giữ nữa nhưng nó vẫn đi tuần quanh cái ranh giới rộng lớn mà nó đã không quên đánh dấu bằng cách giơ một chân lên phóng nước đái vào bụi. Rồi nó lang thang xuống tận bờ sông.

Sau khi liếm một mạch cho đã khát, nó đến chọc phá bầy vịt đang đẻ trứng được quây nhốt trên bãi. Bầy vịt có đến trăm con, chủ là một lão vừa thọt vừa lé. Nó chạy quanh không sủa, nhưng bầy vịt vẫn hốt hoảng nháo nhào.

Rồi đến một ngày không thèm bắt cu đất và chuột đồng nữa, nó bò sát đến gần chòi, nhảy phóc vào cắn cổ một con mang đi. Thịt vịt vừa béo vừa mềm, lại có mấy cái trứng non thật ngọt. Nó mê cái chuồng vịt giữa trời này quá.

Nhưng lão chủ đương nhiên là không để yên cho nó. Lão lập tức báo cáo lên ủy ban và cái đám du kích được lệnh đi lùng bắt cho bằng được. Lúc này cái chân bị thương của Thủ ngữ đực đã lành hẳn. Dĩ nhiên gã là kẻ xung phong đi hàng đầu.

Cả bọn nằm phục suốt đêm quanh chòi vịt với gậy gộc và thòng lọng. Tuy không được trang bị đến tận răng, nhưng với một con chó như thế là quá đủ.

Đêm không trăng. Nước sông chảy lờ đờ. Những con vịt co một chân lên ngủ.

Như mọi đêm, sau khi đi tuần, Bin Bin lại xuống bờ sông. Từ xa nó đã nghe ra mùi vịt rất quyến rủ. Chỉ cần bơi qua đớp một chị là xong. Nhưng trong mùi vịt có mùi gì như mùi của người. Nó khịt khịt, đúng là mùi của người, không chỉ mùi của lão chủ không thôi mà còn có mùi của nhiều người. Nó nằm rạp xuống đất nghe ngóng và khi nhận ra đó là cái mùi đã từng gây ra biết bao chết chóc, nó liền phóng vọt đi.

Đã bảo nó khôn lanh lắm mà. Cứ thế này thì đến lúc kháng chiến thành công cũng chưa chắc là tóm được nó.

5.

Chuyện Bin sổng mất giờ trở về phá làng, ai cũng biết. Dĩ nhiên cậu chủ nhỏ của nó còn biết rõ hơn, vì cậu đã bỏ học đi theo nó suốt. Cậu mang cơm đến tận chân đồi dụ nó ăn.

Từ rất xa nó đã đánh hơi biết được là có cậu. Thay vì chạy đến vẩy đuôi tíu tít mừng thì nó nằm rạp xuống, nép mình vào bụi rậm. Nó rình từng bước chân, từng cái búng tay, từng cái chép miệng của cậu. Nó nghe cậu gọi tên mình một cách thiết tha, lo lắng.

“Mầy không còn thương tao nữa sao Bin, cậu nói lớn. Mầy phải bỏ chỗ này thôi, người ta sắp giết mày đó. Chạy đi, chạy đến hòn núi khác thôi Bin”. Và giống như những ngày xưa, cậu chạy trước để dụ nó chạy theo. Cứ một quãng, cậu dừng lại coi chừng.

Bin biết, Bin trông thấy hết nhưng vẫn tỉnh táo nằm im.

Cậu chạy nữa, chạy rồi lại dừng. Thế rồi cậu ngã xuống. Chân va phải đá và trán cũng đập vào đá. Máu tuôn ra xối xả khiến cậu nằm bất tỉnh.

Cậu nằm lâu lắm, tay chân buông xuôi như đã chết.

Bin trông thấy, biết rằng cậu bị nạn.

Lòng trung thành truyền kiếp khiến nó như ngồi trên lửa. Nó bắt đầu rít lên nho nhỏ, đuôi nó nhịp nhịp, tai nó ngúc ngoắc rồi bất ngờ nó lao tới. Nó cắn áo lôi cậu dậy. Cậu nặng quá không dựng dậy được. Nó liền liếm máu chảy tràn trên mặt, vừa bối rối vừa cuống quít. Nó lại cắn áo lôi cậu đi. Vẫn không chuyển, nó khổ sở kêu lên ăng ẳng như khóc. Rồi nó tru lên dẫu biết rằng như thế là kêu người ta tới giết mình.

Bỗng nó lao đi như đạn ra khỏi nòng.

Nó chạy, ngay đuôi mà chạy.

Nó lao xuống sông, bơi một cách vụng về, rồi nó sải lên bờ, lao vào xóm, xộc vào nhà, quắn quýt tìm mẹ cậu chủ.

Bà đang đốt đuốt cùng với mấy người bà con, định đi tìm cậu.

Kìa Bin Bin, một người kêu lên. Nó về là chắc có chuyện gì rồi.

Thế là người ta chạy theo nó.

Đúng là cu Tin đã bị thương. Mẹ cậu bổ nhào xuống ôm lấy cậu.

Mẹ đấy à, cậu nói được, con bị té.

Người ta cõng cậu về. Bin đâu, cậu hỏi.

Nhưng Bin đã biến vào bóng đêm.

Ông chủ vịt thọt và lé bước vào nhà. Theo sau có đội trưởng đội Thiếu niên yêu nước. Đứng bên ngoài có cán bộ ủy ban mặc áo bốn túi, cổ lãnh tụ.

– Các người đến làm gì, mẹ hỏi.

– Đến chúc mừng cháu!

– Không dám, cảm ơn.

– Yêu cầu bà cho cháu lên ủy ban.

– Để chi?

– Có người kiện.

– Ai kiện, mẹ sẵn giọng hỏi.

– Tôi!

– Ông đấy à, kiện gì?

– Chó của nó bắt trộm vịt tôi.

– Láo.

– Có kiện cáo gì đâu, đội trưởng đội TNYN, vội bước tới trước, nói. Chúng tôi muốn mượn em để bắt con chó đó thôi.

– Tôi không đi, Tin nói.

– Không đi cũng không được, người mặc áo đại cán bước vào, nói.

Rất lạnh lùng ông bảo: lôi nó đi.

Đội trưởng đội TNYN nắm lấy tay Tin, vừa kéo vừa đẩy.

Mẹ khóc: Trời ơi là trời, sao bắt con tôi?

Nhưng thoáng cái họ đã lôi cậu ra khỏi nhà.

Tin được đưa tới chân đồi. Cậu bị xích vào gốc cây. Như một thằng ăn trộm.

Nhục nhã, uất ức, cậu gào lên:

– Sao xích tôi?

– Đừng hỏi, hãy tạm như thế.

– Thả tôi ra, quân giết chó.

– Cứ gào nữa đi, càng to càng tốt.

Bọn hỏ bỏ đi, để lại cho cậu cả một đêm tối mênh mông.

Lật ngửa con rùa ra, Bin chóc mỏ sủa hăng hắc. Đương nhiên nó chẳng thể làm gì được trước một con vật cư trú trong một ngôi nhà cứng và dày như thế, nhưng nó vẫn thích đùa chơi. Bỗng nó ghếch mũi lên ngửi. Có mùi gì như mùi của cậu chủ. Chẳng những mùi mà còn cả tiếng gào của cậu.

Không một chút ngần ngừ, nó chụm chân phóng đi. Tiếng gào càng lúc càng thống thiết xoáy vào tai nó. Chắc là bị nạn nữa rồi.

Và kìa, nó thấy cậu đang khốn khổ với cái chân bị xích vào cây.

– Bin ơi! Có phải mày đó không?

Thì đúng là Bin chứ còn ai vào đây nữa. Bin tội nghiệp, Bin trung hậu!

Nó nhảy xổ vào cậu, rối rít thăm hỏi bằng lưỡi và bằng mũi.

Chó và chủ ôm nhau, mừng mừng tủi tủi.

Bỗng chợt nhớ ra mình được dùng để gài bẩy, Tin la lên: chạy đi, Bin ơi!

Thì đã muộn.

Từ dưới một cái hầm đào sẵn bên cạnh được ngụy trang cây lá, Thủ ngữ đực đen như quỷ chui lên, tóm gọn Bin theo cái cách của gã.

Nó bị bóp cổ không kêu được tiếng nào, chỉ cuống quýt đập đập cái đuôi vào mặt cậu chủ, như một lời chào vĩnh biệt.

 

Khuất Đẩu

6/6/2012

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search