T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê :Tế Hanh, một đời thơ nặng tình sông nước

 

Quê hương ta tự ngàn xưa vốn là một vùng sông nước. Mỗi miền mỗi vẻ, trải qua thăng trầm của lịch sử, các dòng sông vẫn là chứng nhân kiên trì gắn bó với người dân Việt qua bao thế hệ, đem lại miếng cơm manh áo, nguồn nước tưới tiêu tô bồi cho ruộng đồng bát ngát. Rồi theo thì tiết, vào những mùa lũ tràn nước nổi, các mạch sông cũng có lúc cuồng sôi thác đổ gây cảnh đói kém cho bà con trăm họ, nhưng đa phần các dòng chảy đều trong xanh tươi mát chứa chan những kỷ niệm êm đềm cho bao tâm hồn từ thuở ấu thơ đến tuổi về chiều.

Quả thật mỗi con người Việt nam phải nói ai lớn lên đều ít nhiều có những kỷ niệm ấp ủ về một dòng sông, hoặc đã một thời làm quen với sông nước. Ký ức tiếng trống ngũ liên của những ngày lũ lụt, tiếng hò buồn qua mùa nước nổi, cảnh bến phà chiều mưa,  cầu tre vắt vẻo, cây đa bến cũ, con đò năm xưa cùng những ấn tượng về các cuộc hẹn hò giao lưu thơ ấu, bắt cá ven sông, trồng ngô đất bãi, thả diều trên đê…gợi nhớ những điệu hò miền nam, những câu chèo miền bắc, những khúc hát nam ai cùng tiếng ru con ời ợi của các bà mẹ ven sông đã là những âm hưởng không thể nào quên cho những người con dù xa quê biệt xứ.

Chẳng thế mà những người làm thơ hay tức cảnh sinh tình bắt nguồn từ những dòng sông quê hương, gần như các nhà thơ tên tuổi đa phần đều có gốc gác vùng quê sông nước. Tôi muốn nhắc đến nhà thơ tiền chiến Tế Hanh, một người ba năm trước đây đã vĩnh viễn trở về với ‘dòng sông quê hương’ ở tuổi 89, một nhà thơ điển hình cho dòng văn học luôn gắn bó trăn trở với những dòng sông, một người mà những bài thơ mang tình tự quê hương đã nằm trong các sách giáo khoa ngữ văn qua nhiều thế hệ, tiêu biểu là hai bài Nhớ con sông quê hương và Quê hương. 

Xuất thân từ vùng châu thổ sông Trà (Quảng ngãi), Tế Hanh lấy nguyên tên mình làm bút hiệu cho thơ. Tên ông làm người ta gợi nhớ đến thi sĩ Tế Xương (Tú Xương) cũng họ Trần do giai thoại cụ thân sinh của ông cũng là một thi sĩ nghèo vốn hâm mộ ông Tú thành Nam nên đặt tên con cùng mang chữ lót, ngẫu nhiên sau này cậu bé cũng đi vào con đường thơ từ lúc tuổi đời còn rất trẻ. Mười bảy tuổi đã có tuyển tâp thơ Nghẹn ngào gây tiếng vang trong phong trào Thơ mới vì đoạt được một giải của Tự Lực văn đoàn hồi cuối thập niên ’30. Có điều cái bút hiệu dây mơ rễ má với cụ Tú Xương cũng quẩn theo ông khiến cả cuộc đời có hanh thông trên đưòng văn học với cả ngàn bài thơ, vài ba chục thi tập thì cảnh bần hàn, bệnh tật, lận đận đường đời vẫn theo đuổi chân ông. Và mười năm cuối cùng thì hoàn toàn liệt giường không còn khả năng sáng tác nào thêm.

Bù lại ông vẫn giữ được sĩ khí của một nhà thơ dù phải sống trong một xã hội thói đời hai mặt theo suốt chiều dài của những năm tháng đất nước điêu linh khởi đi từ lúc bước chân tập kết ra Bắc qua tới thời hòa bình lập lại trên quê hương nát tan. Tên tuổi ông cứ như nhà phê bình văn học Hoài Thanh đánh giá trong cuốn “Thi nhân Việt nam” thì,

Ông đã ghi được đôi nét thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thành âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương, như tiếng hát của  hương đồng quyến rũ, con đường quê nho nhỏ.. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi…”

rồi mới đây đài BBC đã vinh danh ông như một trong các khuôn mặt thơ tiêu biểu của thi ca Việt nam trong thế kỷ 20.

Chỉ một dòng sông quê mẹ, ta hãy nghe Tế Hanh trải lòng mình với bao kỷ niệm ân tình qua bài thơ tiêu biểu ‘Nhớ con sông quê hương’:

chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng

giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi

hỡi con sông đã tắm cả đời tôi

tôi giữ mãi mối tình mới mẻ.

Từ thuở ấu thơ niềm ấp ủ hình ảnh của sông nước hình như lúc nào cũng lưu luyến đan quyện dấu chân ông, tôi giơ tay ôm nước vào lòng/sông mở nước ôm tôi vào dạ…dù phải xa quê lưu lạc nơi chân trời góc bể thì hồn người lữ thứ ‘vẫn trở về lưu luyến bên sông’. 

Sống một đời thơ nặng tình quê hương sông nước trọn gần thế kỷ, Tế Hanh đã phủi bụi trần gian để một cõi đi về ông hằng mơ ước, một chốn cũng có sông, có nuớc, nhưng là sông nước của tình thương nơi quê hương vĩnh cửu,

tôi sẽ đến nơi tôi hằng mơ ước

tôi sẽ về sông nước của quê hương

tôi sẽ về sông nước của tình thương

Những người yêu thơ Tế Hanh, những người đồng cảm khi cũng có một dòng sông ấp ủ trong tim như Tế Hanh không phải chỉ thế hệ này mà còn nhiều thế hệ sau sẽ mãi mãi tưởng nhớ ông như một nhà thơ nhân bản, đôn hậu, giàu tình tự sông nước quê hương, đã một đời sống cho thơ và vì thơ mà sống.

Đỗ xuân Tê
Cali tháng 7/12

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search