T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 30)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nếu biết rằng em đã lấy chồng

Xây đền, lập miếu cúng hồn vong

Nguyện cầu thập phương, tam thế cõi

Van vái cho em sớm…góa chồng

Chữ nghĩa làng văn

Huế là biến thể “kẻ Hũe” (kẻ: một cộng đồng người), của người Chăm xưa, sống khu vực thành phố Huế ngày nay, và chữ “Hũe” trong tiếng Chăm cổ có nghĩa là “mùi thơm”, “hương thơm”…

Và theo thuyết này tên Hũe“Hương” – tên của dòng sông băng ngang thành phố này có mối quan hệ mật thiết xuất phát từ tên cộng đồng người Chăm ngày xưa… Đó là hai trong một số giả thiết giải thích về tên gọi Huế ngày nay. Nhưng xem ra, hai cách giải thích trên có nhiều điều không ổn.

Tương tự tên của sông “Hương” vậy. Ngoài cách giải thích về tên gọi của cộng đồng người Chăm xưa như trên đã dẫn, còn được giải thích do mùi hương Thạch xương bồ đầu nguồn gây thơm cho nguồn nước (nhưng đầu nguồn sông Hương làm gì có nhiều Thạch xương bồ mà thơm đến vậy?), từ cây hương của Tiên chúa Nguyễn Hoàng năm 1601, lấy tên từ việc chuyển đổi huyện Kim Trà (Lúc này sông Hương gọi là sông Kim Trà), chuyển sang Hương Trà

Thì chữ “Trà” biến đi đâu mà không thấy?

Cọc đi tìm trâu

Có người thắc mắc “cọc đi tìm trâu” hay “trâu đi tìm cọc”?

Và giữa “cọc” và “trâu” thì gì biểu tượng cho con trai, con gái?

Thực ra nguyên câu là: “cọc đi tìm trâu, hoa đi tìm bướm”.

Vì vậy cọc là…con gái và trâu là…con trai.

Chữ nghĩa tiếng Việt

Võ Phiến ghi nhận sự giàu có bất ngờ của lớp từ vựng liên quan đến bệnh ghẻ:

“Ta phân biệt ghẻ với chốc, với mụt, với nhọt, với lát, với giời, với sài, với đẹn, với mề đay, với chùm bao.

Ta phân biệt ra bao nhiêu là thứ ghẻ: ghẻ nước, ghẻ ngứa, ghẻ tàu, ghẻ bọc, ghẻ phỏng, ghẻ hờm, ghẻ ruồi, ghẻ cóc, ghẻ cái, ghẻ đen, ghẻ khoét..v.v…

Ta có bao nhiêu tiếng để diễn tả những việc liên quan đến ghẻ: ngứa, gãi, nặn… để theo dõi chứng bệnh: sưng, lở, loét, sẹo, rựng, rần, mưng, nung (mủ), cái kèn, cái cồi, mạch lươn..v..v…

Tất cả đều là từ thuần Việt.

(Nguyễn Hưng Quốc – Đi tìm Võ Phiến)

Tiếng Nam…

Những câu nói miền Nam như: “khuya dữ rồi!”, “làm như tôi ngu dữ”, “cha chả, con cá này bự dữ ta”, “cũng dữ hén”, thì đặc ngữ “dữ” có chức năng thay thế cả một mệnh đề, một tiền ngữ được tóm gọn, hiểu ngầm nhiều hơn là “nhiều lắm” của tiếng Bắc.

(Đỗ Quang Vinh – Tiếng Việt tuyệt vời)

 

Bầu dục hay dùi đục chấm mắm cáy?

Trong thực tế giao tiếp hằng ngày, người ta thường nói “dùi đục chấm mắm cáy ” hơn là “bầu dục chấm mắm cáy”. Tuy vậy “bầu dục chấm mắm cáy” lại là dạng ban đầu, dạng khởi thủy; còn “dùi đục chấm mắm cáy” chỉ là biến thể do đọc chệch “bầu dục” ra “dùi đục” mà thành.
Nghĩa của thành ngữ “bầu dục chấm mắm cáy” hình thành trên cơ sở của sự chênh lệch hay tính không tương hợp giữa thức ăn và gia vị. Bầu dục là món ăn ngon và hiếm. Chẳng thế mà trong kho thành ngữ, tục ngữ của Việt Nam còn có câu:

Sáng ngày bầu dục chấm chanh
Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chày

Vậy mà cái món ngon và hiếm ấy lại đem chấm với mắm cáy, một thứ mắm xoàng nhất, có thể nói là mạt hạng trong các loại mắm ở vùng biển. Bầu dục nếu ăn đúng cách phải chấm với chanh hay nước mắm gừng. Còn mắm cáy chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà…
Trong “Phú Việt Nam” có bài “Đàm tục phú” – một bài phú khuyết danh từ thế kỷ trước-khi phê phán những kẻ văn dốt, võ nhát nhưng lại ham muốn học đòi những người có khả năng kinh bang tế thế, cũng liên hệ đến sự chủng chẳng, không phù hợp giữa bầu dục và mắm cáy:

Chủng chẳng như bầu dục mắm cáy, muốn bậc kinh luân
Chình chịch như khối đất nắm ao bèo, toan bề thao lược

Có thể là do những nét tương tự về ngữ âm giữa bầu dục và dùi đục mà xuất hiện biến thể “dùi đục chấm mắm cáy”. Vả lại, biến thể này cũng cho phép có một cách giải thích khác của nó mà xem chừng cách giải thích ấy cũng có thể chấp nhận được.

Tục ngữ Tầu

Bão liễu tiểu niếp, tầm tiểu niếp

( Ẵm cô tí, lại tìm cô tí )

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Chuyện chữ nghĩa

Bức xúc theo Đại tự điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý là cấp bách, cần thiết, yêu cầu phải giải quyết ngay. Nhưng theo một người viết thì đúng nghĩa nhất là…“bấn xúc xích”.

(Trần Nghi Hoàng – Cuộc ly hôn với chữ nghĩa)

Chữ nghĩa làng văn

Những tiếng thầy bu, thầy u, thầy đẻ, thầy me, cậu mợ, đằng ấy, cậu tớ, người nhớn, con nọ, con kia, huynh, đệ, quan bác, thằng cu, con đĩ, mẹ đĩ nhà tôi, nhà con, ông mãnh, thằng trời đánh thánh vật, thằng chết băm chết bằm tùy trường hợp mà dùng.

Bấy nhiêu lối xưng hô vào đến miền đất mới như lạc lõng, thi nhau bị “cáp duồn” hết. Không ai nói nữa. Do tự cảm thấy lỗi thời, thấy rắc rối, thấy “không giống ai” thấy cần phải bỏ. Có lẽ thấy cái không giống ai là lý do của sự ra đi không trở lại của các cách xưng hô trên.

Chữ nghĩa làng văn

Dưới đây là bài thơ có tựa đề: “Quên” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:

Đã hẹn với em rồi, không tưởng tiếc

Quãng đời xưa, không than khóc gì đâu

Hãy buông lại gần đây làn tóc biếc

Sát gần đây, gần nữa, cặp môi nâu

Đêm nay lạnh, tìm em, trên gác tối

Trong tay em dâng cả tháng năm thừa

Có lẽ đâu tâm linh còn chọn lối

Để đi về cay đắng những thu xưa

Trên nẻo ấy tơi bời, em đã biết

Những tình phai, duyên úa, mộng tan tành

Trên nẻo ấy, sẽ từ muôn đáy huyệt

Ái ân xưa vùng dậy níu chân anh

“Em” đây là Cô Ba Phù Dung hay “nàng tiên nâu” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương viết về thuốc phiện.

(Hoàng Hải Thủy – báo Sài Gòn Nhỏ)

 

Chữ nghĩa và tiếng Việt sao rắc rối thế

Xin các bạn giải thích hoặc “dịch” giúp những chữ sau đây trích từ báo trong nước:
– Đẳng giới.
– Nới lỏng.
– Nói chuyện trực tuyến.
– Sức lan toả kỳ lạ.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

Tác phẩm cuối cùng

LQM: Xóm Cầu Mới xuất bản lần đầu 10 năm sau khi Cụ thân sinh qua đời. Ông cho biết quá trình xuất bản và chi tiết về tác phẩm này.

NTT: Cả ông lẫn bà đều “sáng tác” mạnh trong thập niên 1930. Bà cụ tôi kể lại rằng trong mười năm ấy cứ mỗi lần cha tôi thai nghén và cho ra đời một cuốn sách thì y như rằng bà cũng mang bầu và đẻ được một đứa con. Anh Triệu tôi đi đôi với Anh Phải Sống-1932 (tác phẩm viết chung với Khái Hưng), anh Thạch tôi song hành Ðoạn Tuyệt (1935), chị Thoa tôi nhịp bước Bướm Trắng (1938). Qua năm 1940, mẹ tôi sinh đứa con út là tôi thì cha tôi cũng khởi viết Xóm Cầu Mới. Nhất Linh viết đi viết lại Xóm Cầu Mới. Lần đầu năm 1940 tại Hà Nội. Lần cuối bên dòng suối Ða Mê – Fim Nôm năm 1957.

LQM: Ðỉnh Gió Hú, ông đã đóng góp chuyển dịch những chương cuối cùng theo đúng tinh thần dịch thuật của Nhất Linh?

NTT: Ngay sau khi xuất bản cuốn truyện Xóm Cầu Mới, tôi nghĩ ngay tới việc xuất bản cuốn tiểu thuyết Ðỉnh Gió Hú của Emily Brontë mà ông cụ tôi dịch dang dở. Tôi nhờ nhà văn Bảo Sơn, một người bạn văn cũng là đồng chí của ông cụ dịch tiếp. Ðỉnh Gió Hú do Nhất Linh-Bảo Sơn dịch, nhà Phượng Giang xuất bản, được phát hành tại Sài Gòn năm 1975. Năm 2007, vì chỉ có trong tay bản thảo dịch cuốn Ðỉnh Gió Hú của Nhất Linh, tôi tiếp tục tự dịch lấy một số chương cuối để hoàn tất và xuất bản cuốn truyện này.

Trong cuốn sách Ðỉnh Gió Hú do Văn Mới phát hành tôi đã phạm một lỗi lầm là ở ngay bìa cuốn sách thay vì đề Nhất Linh dịch tôi lại đề Nhất Linh chuyển ngữ. Tôi nghĩ dùng chữ chuyển ngữ là không đúng vì không thể nào chuyển ngữ một tác phẩm văn chương, đặc biệt là nó không phản ánh cách dịch của Nhất Linh trong tác phẩm này. Ngoài ra Nhất Linh còn có một biệt tài mà tôi không sao bắt chước được trong cố gắng theo sát tinh thần dịch thuật của ông, đó là ông cụ đã tạo trong tác phẩm dịch này một làn hơi văn có thoảng chút khôi hài nhẹ nhàng kín đáo. Có cái không khí thanh thoát của những chương đầu chuyển dần sang không khí nặng nề hơn ở những chươngcuối.

(Lê Quỳnh Mai – Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Tường Thiết)

Giai thoại làng văn

Từ xưa tới nay chỉ có hai nhà văn nằm xuống được hai nhà thơ bạn của mình làm câu đối tiễn đưa bằng cách ghép tên tác phẩm của nhà văn: Đó là nhà thơ Đồ Phồn (Bùi Huy Phồn) và thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

Bùi Huy Phồn làm thơ tiễn bạn mình là Vũ Trọng Phụng như sau:

“Cạm bẫy người, tạo hóa khéo ghen chi, qua Giông tố lại thêm Số đỏ

“Số độc đắc, văn chương vừa trúng thế, bỗng Dứt tình không một tiếng vang

Vũ Hoàng Chương có hai câu đối tiễn biệt nhà văn Nhất Linh:

“Ngườ quay tơ, Đôi bạn, Tối tăm, Anh phải sống chứ sao Đoạn tuyệt

Đời mưa gió, Lạnh lùng, Bướm trắng, Buổi chiều vàng đâu nhỉ Nắng thu”.

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search