T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: bây giờ mùa hạ . . .

Hình – Lưu Na

Cuối tháng Năm cái nóng hè đã bắt đầu gay gắt. Nơi này mùa màng cứ gối đầu lên nhau, và nội trong một ngày cũng có thể có đủ bốn mùa. Hôm nay lễ, Mây ngủ nướng cho tới trưa trời trưa trật rồi phóng xe lên Los kiếm hồ sen. Mây “gặp” hồ từ năm 2008, khi theo anh em chúng bạn lớp ảnh lên đây thực tập. Hình, thì cũng ra vài cái tàm tạm, không ăn thua gì. Từ bấy đến nay hồ sen hình như cứ ngự đâu đó trong đầu Mây và lúc nào Mây cũng lăm le lên tìm lại cánh sen hồng năm cũ, rồi lúc nào cũng nói ngày mai. Các bạn ảnh, nhiều bạn đã ra được những bức hình thật oách, có bạn trúng nhiều giải ảnh đẹp, mà Mây thì cứ lẹt đẹt hoài không ra được bức nào “để đời.” Cứ lăn quay ra chụp, thấy cái gì cũng chụp, rồi miệt mài xem, sửa, và xóa, không có óc sáng tạo gì cả. Có vẻ như Mây chỉ học thuộc một bài của kỹ thuật chụp hình, là delete.

Đến nơi thì hỡi ơi, các ông kiểm lâm (?) đóng cổng không cho vào vì đã quá đông người đến nhân ngày lễ. Ra đi mà lòng tràn đầy oán than !!!

Chờ hai tuần, Mây trở lại. Sen nở thắm nhưng vẫn còn rất nhiều nụ. Giữa trưa nắng, mồ hôi giọt vắn giọt dài Mây chụp không biết bao nhiêu là sen, làm như chưa bao giờ thấy sen. Mầu hồng, màu xanh, màu nước… Mây miệt mài bấm nhưng dường như Mây đã biết kết quả, Mây đã thấy trước những bức ảnh đó không nói được dùm Mây cái thắm của sắc màu, cái sức sống của cỏ cây, và cái nhởn nhơ trong làn gió nhẹ. Mây về.

Thì lại xem lại xóa. Hồ sen như đã hết kiên nhẫn nằm sâu sau những bộn bề của đầu óc. Đêm nằm ngủ Mây cứ nghĩ tới những sắc hồng, vàng, của sen; cái đung đưa như trêu ghẹo. Những cánh lá tròn mướt xanh, phơi lên như những chiếc nón lá nhung xanh ngắt nằm ngửa, với đỉnh nón thật ngay ngắn thật cân bằng thật chắc nhịp dập dềnh trên mặt hồ, theo cái xao động của nước. Cái thanh xuân của lá sen tựa như cái sức lực của những tay surfers lượn trên sóng, nương theo sóng, và vượt qua bức tường nước trước khi nó đổ ập cuốn dập mình xuống biển nước mênh mông. Hoa sen vượt lên, vượt lên, đứng cười với gió. Mây không bắt được chúng và cũng không đuổi được chúng ra khỏi giấc ngủ.

Trong mơ Mây thấy một cánh sen héo rũ che lên một đài sen. Cái thế tàn tạ mà lại bao phủ như che chở như quyến luyến. Chợt cánh sen tàn biến mất, hiện ra hình ảnh thằng Hinh áo sơ mi ca rô, da sậm nâu tóc hớt sát kiểu lính. Tay nó cột sợi dây cao su trắng loại y tá thuở xưa dùng cột vào bắp tay trước khi lấy máu. Nó nhìn thẳng vào mắt Mây, gật đầu xác nhận từ nay sẽ “chích,” cái khẳng định cho một chọn lựa hủy hoại làm Mây choáng váng. Khẳng định mình muốn đi vào con đường trụy lạc hứa chắc một tương lai khốn nạn, sao người ta có thể làm quyết định đó để chết như một con chó ghẻ? Cái khẳng quyết cho một tương lai bệ rạc làm vỡ toang đầu óc Mây, như một trái lựu đạn nổ tóe ra những hạt sen xanh, những sợi tơ nhụy trắng vàng, và những cánh sen vỡ tan thành máu. Máu ơi là máu… Hinh, Hinh … Mây giật mình thức giấc, mồ hôi tuôn đổ y như lúc trưa đứng nơi hồ sen, những giọt nước mắt chạy xuống màng tang, lẫn vào những giọt mồ hôi nơi chân tóc. Không khí như dựng đứng. Đêm đen và bít bùng như khi mình bị đẩy vào lồng chụp MRI.

Mây lại trở lại hồ sen, sau ngày lễ Độc lập. Trời vẫn nóng, có lẽ phải chịu đựng cái nóng này cho đến giữa thu. Hôm nay lại một đợt sen mới nở, và một đợt nụ khác đã vươn. Những đài sen đã thấy rõ hạt nhưng chưa lớn hết mức. Không còn lớp lớp những nón lá xanh lật ngửa. Mây đi thong thả quanh hồ, cũng bấm máy lia lịa, nhưng như có gì chán ngán. Đứng nhìn mặt nước Mây tự hỏi sao mình cứ lấn quấn với hồ sen. Một con rùa bơi lên dành ăn với lũ cá koi. Rồi rùa và cá cũng tản đi.

Mặt Xuân Anh ló ra xô lệch dưới làn nước, mắt một mí nhìn Mây như muốn nói như đợi chờ. Ơ, hồ sen…

Sen – Hình : Lưu Na

Trời lúc ấy không nắng lắm, chỉ oi ả nóng. Mây lang bang đi cùng Xuân Anh ở Đầm Sen. Đầm Sen thật to rộng, mà chả có cọng sen nào cả. Hai đứa đi bên nhau, nói những câu bâng quơ, chẳng ăn nhập gì vào nhau. Làm như trời nóng làm rã mọi thứ như cơm nguội bị nhã vì mồ hôi. Mây liếc nhìn Xuân Anh. Mắt Xuân Anh một mí, nhỏ và dài trên khuôn mặt vuông. Thực khó đoán biết Xuân Anh nghĩ gì sau cặp mắt ấy. Giọng Xuân Anh đều đều. Hồi Mây tới nơi cả lớp mình ai cũng biết, nhưng hai năm qua đi mà Mây đâu có nhắn gửi gì. Lấy người mình yêu mới khó, chứ lập gia đình thì… Mây nhớ đến bức ảnh cưới, cô dâu mặc áo cưới bằng satin màu xanh biển và hai tấm áo khác nữa ở vài bức hình khác. Xuân Anh, Xuân Anh… Mây gọi thầm, thấy buồn bã cảm như mình có lỗi với bạn, cảm như mình phải chịu trách nhiệm cho nỗi đắng cay trong giọng nói ấy. Chúng ta có trách nhiệm gì với nhau không trước định mệnh? Hồi Hinh chết Mây đứng miết bên quan tài và nước mắt cứ rơi xuống tấm áo sơ mi trắng của Hinh, tới nỗi có người khẽ kéo Mây ra nhắc là không thể làm ướt tấm thân ấy. Đưa Hinh ra mộ Mây cũng thấy như mang tội_cái tội đã dắt díu nhau qua được bên này mà không bảo toàn được nhau dù Hinh chết vì tai nạn. Rồi Mây cũng thôi khóc. Tuổi trẻ người ta dễ khóc dễ cười và dễ đau hận cả những cái mà sau này nghĩ lại thấy sao mà vớ vẩn. Lâu dần Mây thấy, có khi mình cũng chẳng thương mình…

Xuân Anh chỉ Mây vòng theo bên trái của hồ. Mây lượm một hòn đá nhỏ ném xuống mặt nước. Lưng áo Mây ướt đẫm, Xuân Anh vẫn thản nhiên đi bên cạnh, giọng vẫn đều đều. Hai đứa dừng lại nơi xe giải khát có cắm mấy cái dù che vài tấm ghế dựa ny lông kiểu beach chairs. Nắng chói, mắt Xuân Anh càng híp lại, chỉ còn như 2 sợi chỉ. Cô ấy cũng thường thôi, cũng học Ngân Hàng như tụi mình đó. Bây giờ Xuân Anh có 2 đứa rồi, thằng lớn giống bố lắm. Một ánh cười nhẹ thoáng trên nét mặt bình thản ấy. Cả đứa kia nữa, Mây nói thầm. Tuần trước Dũng Thủ Đức đèo Mây lên Hốc Môn thăm nhà Xuân Anh, Mây thấy 2 đứa nhỏ chạy loanh quanh lấp ló. Ngồi ngoài hàng hiên, Mây thấy như có một cặp mắt sau rèm ngó mình, nhưng Mây bận cười với Dũng, với Lan. Xuân Anh chỉ, cây mít mới trồng được 5 năm, phải thêm 5 năm nữa thì trái mới ăn được. Giọng hài lòng, an phận. Nhưng Mây vẫn nghe chút buồn phiền ở mỗi lời nói tiếng cười của Xuân Anh. Mất mát đâu chỉ mình Xuân Anh.

Những ngày nắng lóa ấy Xuân Anh ở đâu, Xuân Anh có biết? Ngày ngày Xuân Anh đạp xe từ Hốc Môn lên trường Đại học Kinh tế. Có dạo còn phải đi sớm một chút để ghé ngang đón Mây bị mất xe đạp phải đi bộ. Mây bận ngó Nguyên và Nguyên bận ngó đi đâu cũng không đứa nào biết. Nguyên “được” gọi đi Nghĩa Vụ Quân Sự, Mây quýnh quáng và Xuân Anh chỉ im lặng. Liều mạng, Mây đạp xe từ nhà ở cầu Trương minh Giảng lên tận trung tâm huấn luyện Quang Trung thăm Nguyên. Đi cho rã rời xác thân dưới trưa tóe nắng, rồi lại về không. Nguyên đã chuyển lên Long Khánh.

Năm giờ sáng, Mây nói dối Má là đi lao động rồi tìm ra bến xe đò lên Long Khánh. Thấy dẫy người xếp hàng chờ mua vé Mây biết sẽ không đến phiên mình. Ngó quanh quất, Mây đến gần một anh mặc đồ bộ đội hỏi anh mua giúp thêm cho mình 1 vé. Đường đi xa lạ, có lúc bụng Mây thắt lại không biết mình sẽ níu ai để hỏi chỗ ở của Nguyên. Xe đò dừng nơi đầu chợ, anh bộ đội xuống, anh chỉ về bên trái là chỗ trại của anh và nói trại của Nguyên phải đi sâu vào trong. Đất đỏ quạch một màu. Mây đi bơ vơ một mình, không thấy phố xá chi, chỉ có một quán nước đìu hiu bên đường. Vào uống ly nước chanh, Mây hỏi chủ quán trại bộ đội ở đâu. Chị nói, em cứ đi dọc theo con đường này, tới chỗ quẹo là thấy. Mà Mây đi mãi không tới chỗ quẹo. Con đường thu hẹp lại, chỉ còn cỏ lau 2 bên cao tận vai Mây. Một lúc, Mây thấy bên trái của mình là một thung lũng và mình đang đi trên triền cao. Bên kia thấp thoáng những dãy nhà mái tôn. Hay là…? Mây băng ngang cỏ lau, ra sát tận ven triền dốc cất tiếng gọi tên Nguyên. Tiếng kêu rền vang trong vùng cây cối vắng im. Mây đứng buồn bã bâng quơ nghĩ chắc phải quay về. Chợt nghe tiếng xào xạc, rồi một bóng người từ dưới sâu ló đầu lên. Nguyên, Nguyên… Mây không nói được gì. Tóc Nguyên hớt ngắn nhưng vẫn dầy một đầu, cặp mắt vẫn to và đen như 2 hồ nước. Nguyên có vẻ ngạc nhiên thấy Mây. Nắm viền cổ áo ba lỗ ra dấu, Nguyên hổn hển nói, cả trại bên đó nghe tiếng gọi tên Nguyên, bọn nó dục Nguyên chạy băng qua cái khe lên mé đối diện tìm xem sao. Dừng một chút để thở, Nguyên dặn chờ Nguyên về thay quần áo rồi sẽ trở lại. Như vậy là Nguyên băng qua khe 3 lần, leo dốc 6 lần. Có những việc không biết sao hơn.

Đã quá trưa, Nguyên leo lên tới nơi thì phải vội vã dắt Mây trở lại chỗ cũ sợ lỡ chuyến xe đò về lại Sài gòn. Bên cạnh Nguyên, Mây vẫn lâng lâng như ngày đọc bảng kết quả biết mình thi đậu đệ thất. Bây giờ Mây mới thấy sợ_sao mình dám liều đến một nơi chưa bao giờ qua, một nơi không biết sẽ đem lại điều gì cho mình. Hai đứa ngồi nơi băng đá duy nhất của bến xe đò đất đỏ ấy. Chung quanh chỉ một nỗi hiu quạnh im lìm. Một tiếng đồng hồ, nói với nhau được mấy câu? Nguyên hôn má Mây, hôn lên môi Mây, những nụ hôn vụng về lúng túng thiết tha. Xe trờ tới, trống không, chỉ có tài xế, lơ xe, và Mây. Rồi vài phút sau, chả biết ở đâu người ta lần lượt ló ra, như thể từ trong các bụi cây xuất hiện và lên xe. Mây về tới Sài gòn, rã rời. Một chuyến phiêu lưu Mây thấy mình già đi mấy tuổi, thấy ra cái liều ẩn trong con người mình, mà trong mắt Xuân Anh Mây vẫn chỉ là Mây của ngày hôm qua, sẽ vẫn là Mây của ngày mai bình thản…

Sau này Mây theo Nguyên, mới hay khoảng cách chưa phải là sự cách xa. Nhưng lúc đó hình như những đứa như Mây và Nguyên chỉ biết một chữ đi, chỉ nghĩ một thứ là bến bờ xa lạ. “If you go away…” những ngày tháng đó Mây càng mê câu hát của thời đã qua, cái thời sáng mở mắt ra thì đi soi gương để thấy tròng mắt mình trong và mướt như có một màn nước bao phủ, dường như mắt to thêm tròng mắt lánh đen thêm. Xuân Anh chắc không bao giờ hiểu những cái vớ vẩn đó của Mây, và có lẽ Xuân Anh sẽ vỡ tim nếu biết ra cái liều của Mây. Nhưng có thật Xuân Anh không thắc mắc là Mây có muốn đi hay không. Có thực Xuân Anh không biết gì đến cái rã vụn cái xao xác của tương lai? Đi, mạnh ai nấy ráng. Con chào Ba con đi. Hất mặt với em trai như một lời từ giã. Chúi đầu bước tới như không thấy chị đi chợ về. Má, Má ở đâu? Đi, người ta tự lao mình tới một chỗ tin là thiên đàng và không ai muốn nghĩ xa hơn. Tất cả mọi người dường như cùng lên đồng với cơn mê “đi,” chỉ riêng Xuân Anh vẫn bình thản an phận ở Hốc môn, với cây dừa bụi chuối, với hương lộ vắng im dưới hàng cau. Có thực Xuân Anh chọn ở lại? Có thực Mây chọn ra đi? Sau biết bao nhiêu quyết định, dù lớn lao hay nhỏ nhoi, Mây vẫn âm thầm cảm thấy mỗi chọn lựa dường như đã được định sẵn và Mây và Xuân Anh và Nguyên chắc rồi sẽ lại chọn lựa như thế khi được cho “đi lại từ đầu…”

Ngồi nhìn ra mặt hồ vắng ngắt lặng lờ, Xuân Anh hỏi Mây sống ra sao những năm tháng đặt chân lên miền đất mới. Đó đã là kiếp thứ ba từ Mây là Mây với Xuân Anh. Mây ấp úng. Không lẽ nói với Xuân Anh là nằm trùm mền đọc sách? Không lẽ thú với Xuân Anh Mây chỉ sống về đêm, những khi miệt mài nghĩ đến một quê hương đã mất, đi tìm một tình yêu chưa kịp sống đã vỡ tan ngày Mây và Nguyên mỗi đứa đi định cư một nước? Không lẽ nói với Xuân Anh, Mây ngoảnh mặt với Xuân Anh lao theo Nguyên chỉ để bị chê bỏ? Tuổi 20 của Mây chỉ có cô đơn và bóng đêm. Ngày Các gọi Mây ra parking lot nói chuyện, Mây nghiến răng cho khỏi run, nói với Các những lời bình thản: “Mây cám ơn Các, nhưng những gì Các muốn nói Mây đã biết…” Mây về, lặng lẽ thay quần áo trong bóng tối. Lúc đó và biết là bao những tối lặng lẽ một mình, Mây có ai để mà cay đắng?

Khi Mây ở bên Các, chả bao giờ Mây hỏi mình có phải đó là yêu. Khi Mây xa Các, Mây vẫn không nghĩ đó là yêu. Khi Mây đã thôi đau lòng vì Các, khi Mây đã có thể kể chuyện về Các với bạn, thì Mây vẫn còn nhớ Các, vẹn toàn. Nhưng Mây biết, không còn niềm cay đắng hay buồn tủi hay hân hoan êm ấm… Và sau những miệt mài tìm kiếm tình yêu, sau những cay đắng và nước mắt khóc cho những tan vỡ, Mây đã cho rằng, tình yêu chỉ có thể tồn tại trong hòa nhập thể xác. Mây đã tin rằng người ta chưa thực sự biết yêu chưa thực sự yêu khi chưa biết những mặn nồng. Cái thứ mà Mỹ nó hay nói, “you’re the best thing that ever happened to me” chính là quãng đời bên cạnh Các, nó chỉ được định giá đúng mức khi Mây không còn cảm xúc gì khi nghĩ đến Các, khi Mây chả còn biết thế nào là một mối tình. Mây liếc nhìn Xuân Anh, Mây muốn nói “Xuân Anh có biết mình vẫn còn hạnh phúc lắm khi vẫn còn chút cảm xúc cho người?” Có quá quắt không, khi Mây chỉ là một đứa con gái nhà quê, và Xuân Anh dù sao cũng là một người đàn ông? Cái xã hội tưởng như rất ngăn nắp kỷ cương đâu trói được những con thiêu thân, những đứa liều mạng, và Mây ngại nói thật cả những điều mình đã nghĩ đã làm trong thường ngày… Hai chúng ta có bao giờ lại gần được nhau dù chúng ta rất cô đơn rất cần nhau.

Bây giờ, Mây đã trở về đây đứng bên Xuân Anh. Chúng ta thật gần nhau, gần còn hơn những năm tháng của tuổi đôi mươi, nhưng Mây đã sống tới kiếp thứ tư_còn Xuân Anh? Làm sao nói được với Xuân Anh, cả khi chất ngất bên một người, chung sống bên một người, Mây vẫn biết có một tình yêu tồn tại độc lập với thể xác? Cặp mắt một mí của Xuân Anh như e dè như nghi ngại. Nụ cười của Xuân Anh như hiền hòa như cam phận mà cũng tựa cười khẩy. Xuân Anh, Mây biết mình phải về_Mây đã về, và mình phải giã từ nhau. Xuân Anh, Mây biết sau buổi hôm nay sẽ không còn buổi nào nữa. Chúng ta đã cùng nhau đóng lại một trang đời. Mây đã âm thầm đóng lại một trang đời. Xuân Anh đã âm thầm nói xong lời giã biệt, trước cả khi Mây lên máy bay về lại đất mình.

Nước hồ sen vẫn phẳng lặng, mặt của Xuân Anh rách toang ra 4, 5 mảnh méo mó khi chú rùa trồi lên đớp một cái bong bóng nước. Mây chợt nhận ra chỉ còn một mình Mây vơ vẩn quanh hồ.

Gió nhẹ thoảng qua, nhắc Mây cái bất biến mà khôn lường của đất trời. Mùa Hạ với sen hồng, với lời tạ từ không nói. Chúng ta xa nhau không chỉ vì khoảng cách. Khi máy báy bốc lên cao, khi ta đã xa nhau như trời xa đất, ở đây, bây giờ mùa Hạ sen nở tốt…

Lưu Na

08/16/2012

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search