T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Yên hạ : Viết lại cái tên

clip_image002

(Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh)

Tôi có người bạn học chung lớp Bốn, cấp tiểu học. Dáng dấp, khuôn mặt cuả nó cũng sáng suả như ai nhưng có cái tên khá đặc biệt là Bùi văn Cốc. Vì cái tên nầy mà tôi và hắn đã từng đánh nhau rớt xuống bờ ao cuả trường.

Số là… tôi thường vào lớp sớm hơn mọi người (vì được thầy giáo giao cho chià khoá mở cửa lớp) để quét bụi bàn viết cuả thầy trước khi vào học. Chỉ được như vậy thôi mà tôi cảm thấy “oai” ghê lắm. Những đứa cùng lớp cũng nể nang, nên bỗng dưng tôi được tôn phong làm thủ lãnh một nhóm khoảng mười tên nhóc. Từ đó, cả đám nảy sinh ý nghĩ chọc ghẹo các bạn khác cho vui trong mỗi ngày đi học. Cốc là một trong đối tượng của bọn tôi. Một hôm, chúng tôi chia nhau mỗi đưá bắt một con cóc. Có đứa bắt hai, nên số cóc lên đến mười lăm con. Chúng tôi bỏ vào một cái hộp và để trong hộc bàn cuả Cốc. Khi thầy đang điểm danh, Cốc tò mò mở cái hộp, thì một cảnh náo loạn xảy ra. Đám cóc bị nhốt, nhảy bung ra tứ tung. Chúng tôi cũng làm bộ ngạc nhiên, nhưng không dám cười khi nhìn cái mặt đỏ gay vì tức giận cuả hắn. Thầy cũng giận lắm, hỏi ai đã làm. Không ai nhận nên cả lớp bị phạt quỳ gối nửa giờ, ngoại trừ Cốc (vì thầy giáo biết chắc hắn không phải là thủ phạm). Kể từ hôm đó, Cốc càng bị chọc ghẹo thêm. Mỗi lần đến trường, chúng tôi hay hùa nhau đọc “Con cóc trong hang con cóc nhảy ra!”. Cốc quê lắm nên lẩn đi chỗ khác. Hình như nhà Cốc nghèo, nên nhiều hôm hắn mặc chiếc áo vá ở vai đi học. Tuy vậy, lúc nào trông hắn cũng sạch sẽ hơn chúng tôi. Giờ ra chơi, chúng tôi thường chạy ra ngoài mua đá bào, bánh kẹo để ăn, Cốc vẫn ngồi trong lớp nhìn ra nhóm chúng tôi chơi trò ú tim hay đánh đáo một cách thèm thuồng. Một hôm Cốc mon men đến gần xin chơi chung, tôi nhìn Cốc hóm hỉnh, “Tụi mình chơi trò con cóc trong hang đi!”. Thế là cả nhóm cười rộ lên, cùng ngồi xổm, chống hai tay lên hông vưà nhảy, vưà hát bài con cóc “Ra mà xem cái gì nó ngồi trong hang, nó đưa cái lưng ra ngoài, ấy là con cóc, con cóc nó ngồi chong ngóc!”. Cốc biết là bị chọc, hắn quay lưng bỏ đi và đưa tay gạt nước mắt! Đến giờ tan học, Cốc đi gần tôi giải thích:

-Ba tao nói tên tao có dấu Ô, nghiã là luá gạo chớ không phải con cóc. Ông đã lấy từ câu chữ Nho “tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão” đặt tên cho từng đưá con theo thứ tự sinh ra. Anh tao tên Tích, tao kế nên tên là Cốc, tụi mầy không hiểu nên chọc tao hoài!.

Tôi cãi bướng:

-Tao không biết chữ nho, chữ nhiếc gì hết, chỉ biết mầy là con cóc ngồi chông ngóc.

Hắn tức quá chửi tôi ngu. Cãi qua, cãi lại, thế là hai thằng bỏ cặp vở xuống, ôm nhau vật lộn trước sự cổ võ cuả bọn trẻ. Kết quả hai đưá đều lọt xuống ao. Sau lần đó, chúng tôi ít chọc ghẹo Cốc. Đến cuối năm học, chia tay và không thấy Cốc trở lại trường. Hình như gia đình Cốc đã dọn đi nơi nào khác. Chúng tôi cũng quên nhanh có đưá học trò tên Cốc ở trong lớp học.

Mười sáu năm trôi qua, gia đình tôi cũng rời bỏ chốn cũ để lên thành phố sinh sống. Trong thời gian tôi đang phục vụ ở một đơn vị xa, một hôm về phép thăm nhà, người chị kế cuả tôi khoe rằng có một anh chàng Trung sĩ tên là Minh làm quen với chị, ngày mai anh ta sẽ tới thăm. Tôi hỏi quen bao lâu và chị có thích anh ta không? (Năm ấy chị tôi cũng đến tuổi lập gia đình, nên tôi cũng tò mò muốn biết ai sẽ lọt vào tầm ngắm cuả bà chị dễ thương nầy. Cũng có nhiều người ngắm nghé, nhưng đều bị tôi loại khỏi danh sách “dự tuyển”. Khi thì tôi chê “thằng cha đó xạo lắm”. Khi thì tôi lắc đầu “Người gì mặt xanh lè như trúng gió quanh năm…” đại loại là như vậy!) Chị trả lời, anh chàng trông có vẻ hiền từ lễ phép, còn thích hay không chị chưa thể trả lời.

Hôm sau, đến giờ hẹn, người thanh niên xuất hiện lại chính là Cốc! Dù mười sáu năm trôi qua, tôi vẫn nhận ra ngay, nhờ là cái mụt ruồi to tướng bên vành tai phải cuả hắn. Cốc lớn hơn tôi hai tuổi, nay trông chững chạc hơn với bộ quân phục. Gặp lại Cốc, tôi mừng quá, chạy lại bắt tay vồn vã:

-Phải mầy là Cốc không? Mầy còn nhớ tao không?

Quay sang bà chị còn đang ngơ ngẩn:

-Chị à! đây là thằng Cốc học chung với em hồi nhỏ đó!

Hắn lớ ngớ đến tội nghiệp, mặt đỏ gay:

-Thiếu úy là…

Tôi đấm vai hắn:

-Thiếu..thiếu … cái con khỉ… tao là Hữu học tiểu học chung với mầy đây!

Sau một hồi trò chuyện, tôi liền kéo hắn ra quán nhậu, không buồn để ý đến nụ cười khó hiểu cuả chị tôi. Ngồi với tôi, hắn tâm sự rằng vì chiến tranh, làm ăn khó khăn nên gia đình phải bôn ba nhiều nơi. Hắn lại mang cái tên dễ bị trêu ghẹo nên mặc cảm, học hành cũng chẳng tới đâu. Đến tuổi động viên, hắn mượn khai sinh, chứng chỉ trung học cuả người anh họ tên Minh (đã chết trong vùng xôi đậu) để nhập ngũ. Sau đó, Cốc từ giã, trở về đơn vị và mất tăm đến hôm nay. Mấy mươi năm trôi qua, tôi không hề gặp lại Cốc. Chị tôi đã có mái gia đình êm ấm và đã trở thành bà ngoại. Thỉnh thoảng hồi tưởng về những kỷ niệm thời tuổi trẻ với những nghịch ngợm, phá phách vô tư, lòng tôi vẫn mang hoài nỗi ray rứt về hành động thiếu suy nghĩ của mình trong việc chọc ghẹo cái tên cuả một người bạn và kém tế nhị trong lần gặp lại lần sau cùng.

Không biết bây giờ Cốc ra sao? và không biết có dịp nào gặp lại để tôi được nói lời tạ lỗi!

Có đôi lúc vì một sự tinh nghịch vô ý mà ta đã làm lỡ dở một đời người, để rồi sau đó trong lòng mang hoài nỗi ray rứt không nguôi. Và cũng chính từ đó mà ta nhận ra một điều, sự tử tế và những lời nói đầy khích lệ cho người chung quanh là chất liệu để tạo nên hạnh phúc cho người, trong đó có cả chính ta nữa.

Là con người, cái tên chính là âm thanh quan trọng nhất cuả họ- Từ sinh ra cho đến ngày nhắm mắt. Lúc nào và ở đâu, nó vẫn gắn liền với người như hơi thở.Thế hệ trước, có nhiều bậc cha mẹ không hề ý thức được tầm quan trọng của sự việc ấy nên đã đặt tên con theo sở thích cuả mình hay hời hợt hơn, đặt sao cho dễ gọi mà không biết rằng chính mình đã chấm một vết đen trên cuộc đời con trẻ.

Như ở xóm tôi trước kia, có đến bốn cậu bé cùng tên là Cu. Để phân biệt, chúng đều có biệt danh kèm theo, cậu Cu nhỏ con nhất được gọi Cu tí. Cậu Cu con ông thợ sửa xe được gọi là Cu nhớt. Cậu Cu con bà bán bánh ướt được gọi là Cu ướt. Cậu Cu còn lại nhà ở ngay khúc quẹo của con hẻm được gọi Cu quẹo. Trời hỡi! Cha mẹ chúng đâu có biết rằng vì cái tên nầy mà bọn trẻ đã trầy trụa thịt da vì những trận đánh nhau. Có thể, cái mặc cảm nầy sẽ theo họ suốt đời, cho đến khi không còn gặp lại những người đã từng biết họ. Chúng ta đừng ngạc nhiên và nên cảm thông cho những người đã sửa tên, đổi họ khi bước chân đến vùng đất mới. Bạn hãy thử tưởng tượng, nếu trong một bữa tiệc sang trọng, một người đứng lên long trọng giới thiệu “Đây là bà Bành thị Hợi, Giám đốc công ty…”. Bởi vậy, nếu bà Hợi có đổi tên là Thuỳ Dương hay Mỹ Lệ… bạn cũng đừng nên cười chê bà sao muốn quên đi cái tên mà bà đã mang hàng mấy chục năm nay.

Sau cùng, người viết nghĩ rằng, chính tư cách của bạn cũng như những gì bạn đã làm cho gia đình và xã hội, mới thật sự làm nên tên tuổi cuả bạn? Vì vậy, nếu muốn, bạn có thể viết lại tên mình trong lòng mọi người bằng chính con tim và bàn tay cuả bạn từ hôm nay. Đó mới là niềm hạnh phúc thật sự []

Trần Yên Hạ

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search