T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phila Tô: Gieo Tình Thương Khắp Nơi.

 

(Hình : Lưu Na)

“Hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi.

Non nước tuy xa vời, ta đã yêu thương ngừơi

Thì đừng e nắng gió sương bạn ơi”(VCMD)

***

Đại nhạc hội (ĐNH) Cám Ơn Anh do hội H.O Cứu Trợ TPB tổ chức diễn ra tại Little Saigòn ngày 12 tháng 8/2012 đã được thành công với sự tham dự của hơn 5 ngàn khán giả và số thu về, theo báo cáo sơ khởi là 560 ngàn đồng. Đây là đại nhạc hội lần thứ 6 đã đựơc thực hiện và mỗi lần như thế hội H.O có thể gửi quà cho từ 6 đến 7 ngàn TPB & QP sơ trong số gần 20 ngàn hồ sơ mà hội đang lưu giữ. Tùy theo cấp độ tàn phế mà hội sẽ cứu xét để gửi về cho mỗi anh TPB từ 100$ đến 200$, còn các bà quả phụ thì 50$ (không có cô nhi). Với số tiền ít ỏi này không giúp gì nhiều cho các anh chị mà chỉ là tựơng trưng, thay cho lá thư hỏi thăm từ hải ngoại rằng “chúng tôi vẫn nhớ ơn các anh, ngừơi TPB/VNCH.

Với “cái tiếng” mỗi kỳ ĐNH thu về cả triệu đồng mà chỉ gửi đựơc cho một số TPB và QP gói quà nhỏ nhoi như thế cũng là điều thắc mắc cho những ai muốn “gieo tình thương khắp nơi” và hội H.O cũng đau đầu không ít về những lời than phiền, nhất là bà hội trửơng Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, một cựu nữ quân nhân đang độ Đông về ở tuổi 86.

Thực ra mỗi hai năm hoặc một năm mà muốn tổ chức đựơc ĐNH một lần thì hội H.O phải cần đến sự tình nguyện tham gia trực tiếp vô vị lợi của nhiều thành phần khác nhau. Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam CA, đây là lực lựơng “lao động” chính đề dựng và dọn lều, che rạp xếp ghế cho ngàn ngàn khán giả. Phải có hằng trăm ca nghệ sĩ, nhiều ban nhạc cùng các anh chị điều khiển chương trình như Nam Lộc, Việt Dzũng, Tân Khoa, Nguyệt Ánh Thùy Dương v.v..thì mới có đàn ca tiếng hát. Nhưng để lời ca tiếng hát cùng hình ảnh ĐNH đến khán thính giả khắp mọi miền trên đất nứơc HK thì phải nhờ đến sự tiếp tay của hệ thống truyền hình SBTN và SET và phần đóng góp yểm trợ của hằng trăm ngàn khán thính giả ở xa qua SBTN mới đem lại kết quả khả quan, đem lại sự thành công cho ĐNH.

Xin nêu ra vài chi tiết cụ thể ở ĐNH kỳ 6 này. Số ghế thuê là 6 ngàn, nhưng mới chỉ xếp ra khoảng hơn 5 ngàn, và khán thinh giả đã đã ngồi kín, số ghế còn lại đựơc xếp cuối sân vận động để làm “trừ bị”. Cứ cho là 6 ngàn khán thính giả mua 10$/1 vé vào xem ĐNH thì số thu cũng chỉ đựợc 60 ngàn. Vậy mà kết quả tài chánh sơ khởi sau khi ĐNH chấm dứt tăng lên gần 10 lần đã chứng minh cho “tình thương khắp nơi” của hằng trăm ngàn khán thính giả gửi về cho TPB. Có 2 vị khán thính giả đã gọi tới ban tổ chức để ủng hộ dứơi hình thức mua đấu giá bức tranh sơn mài do một ân nhân gửi tặng BTC, ngừơi mua đựơc bức tranh với giá 21 ngàn, ngừời trả 20 ngàn không mua đựợc vẫn tặng số tiền này cho ban tổ chức, do đó ĐNH đã thu đựơc 41 ngàn với một bức tranh. Bức hình “Vá Cờ” đựợc đem bán đấu giá, và vị khán thính giả phương xa đã mua với giá 175 ngàn, số tiền mà ĐNH nhận đựơc vào thời điểm bán đấu giá bức hình.

Đẳng sau sự thành công này là nụ cừơi “héo hắt trên môi” cho những ai trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào ĐNH C.Ơ.A. Đầu sóng ngọn gió, đứng mũi chịu sào là hội H.O, cụ thể là lão bà tóc bạc 86 tuổi Hạnh Nhơn, bà ứa nứơc mắt chỉ tay vào dòng chữ trách móc ĐNH trên một email là “ĐNH Trấn Lột” rồi nói:

_ “Trời Phật chứng giám cho lòng thành của chị, chị đã 86 tuổi rồi..”

Bất cứ tổ chức nào cũng có một số ý kiến khác nhau, trong cộng đồng cũng có những ngừời không hài lòng về việc đem tiền vào trong nứơc làm từ thiện. Nhưng con số hơn 8 tỷ đô mà nhà cầm quyền trong nước thu đựợc hằng năm là do từ đầu tư, du lịch và từ xuất cảng lao động, còn tiền của hằng trăm tổ chức từ thiện thì không nhiều, mà nếu chỉ tính riêng số tiền hội H.O cứu trợ TPBVNCH thì không đáng bao nhiêu, vậy mà chỉ có hội H.O bị “nắng gió sương” từ một thiểu số thì ắt phải có lý do của họ.

Một gói quá giá từ 1, đến 2 trăm đồng nhất định không nuôi sống ngừơi TPB mà chỉ như một lời thăm hỏi. Ngoài ra đây còn là một thái độ chính trị, nghĩ tới TPB là còn nghĩ tới quân đội VNCH, và đối với nhà cầm quyền hiện tại ở trong nứoc, nghĩa trang quân đội Biên Hòa còn bị ủi, tựợng “Tiếc Thương” con bị lật ngựơc thì những TPB không đựơc phép tồn tại trên hè phố. Có vị khoa bảng trong ngành y hải ngoại đã khai tử những ngửơi đã chết một phần thân thể mà tim chưa ngừng đập rằng: “làm gì còn TPB nữa mà giúp”. Nhưng cũng có những vị vì nóng lòng với đồng tiền giúp TPB mà vội “nổi nóng” với những người chịu trách nhiệm phân phối ngân khoản thu đựơc từ các đại hội C.O.A.

Cũng có những vị muốn đồng tiền bát gạo phải đến tận tay các TPB đầy đủ, không ai vương tơ hào nào nên đã đưa ra những giải pháp thật hay, thật lý tửơng, không do hội H.O mà mỗi gia đình cựu quân nhân, mỗi gia đình H.O nói riêng hoặc mỗi gia đình ngừời Việt tỵ nạn hải ngoại bảo lãnh một hồ sơ TPB, tùy theo khả năng mà một tháng cho 10$ hay nhiều hơn, có nghĩa là ký chi phiếu 120$/1 năm cho TPB nhẹ, 200$ hay hơn nữa cho 1 TPB nặng.

Phải thành thật mà nhận rằng đây là giải pháp tuyệt vời, thật là lý tửơng, đẹp cả đôi bề, ngoài đồng quà tấm bánh, còn một thứ đẹp hơn nữa, đó là tình cảm gia đình nẩy sinh qua thư từ liên lạc giữa ngừơi cho và ngừơi nhận, giữa hải ngoại và quốc nội. Nếu làm đựơc như thế thì không cần phải hội nọ đoàn kia với giấy tờ hồ sơ rắc rối, không còn miệng tiếng thị phi “tham nhũng, trấn lột” v.v..Nhưng đi vào thực tế thì gặp quá nhiều trở ngại và nhất là thiếu một một cơ quan truyền thông có uy tín để cổ động, kêu gọi và bảo trợ cho kế hoạch này.

Cách nay 5 năm, chiến hữu Nguyễn Kha L.., thuộc Liên Hội Chiến Sĩ DF với lòng hăng say và lý tửơng đã phát động phong trào “mỗi gia đình bảo trợ một hồ sơ TPB”, gia đình anh, bạn bè anh xung phong đi hàng đầu, tạp chí Con Ong TX đã tiếp tay phổ biến kế hoạch này, nhưng sau nửa năm, giải pháp dừng chân và đi vào quên lãng. Nhà báo “Mr Tom” làm một cuộc “sờ-vây”, kết quả cho thấy 75% ngừơi đựơc hỏi đều e ngại “sợ không làm trỏn phận sự lâu dài” thà ký ngay một chi phiếu với 3 con số hơn là chịu trách nhiệm 1 hồ sơ.

Chính Hội H.O của bà Hạnh Nhơn đã, đang đưa ra lời kêu gọi xin các ân nhân, mỗi gia đình bảo trợ cho một hồ sơ TPB, số tiền tùy vào lòng hảo tâm, nhưng ít nhất cũng 10$/1 tháng cho TPB nhẹ, tức là ký một chi phiếu 120$/1 năm. Nhưng những TPB nặng như mù, tê liệt, cụt chân tay thì hiện nay hội gửi tặng mỗi anh là 200$/1 năm. Khi nào quý ân nhân vì bất cứ lý do gì mà thay đổi ý kiến thì chỉ việc gửi lại hồ sơ đó cho hội H.O để nơi đây săn sóc tiếp.

Có nhiều vị đã đáp ứng, số tiền gửi gấp nhiều lần, nhưng chỉ sau một thời gian thì “Châu về Hiệp Phố” hồ sơ trở về hội cũ cũng với lý do rất nhân bản:

_“Sợ không làm tròn bổn phận khi bảo trợ một hồ sơ, có khi vì công việc mà sao lãng, quên đi, thà ký chi phiếu ủng hộ gữi về hội H.O thì bớt lo lắng hơn”.

Thưa quý độc giả, quý vị thấy ý kiến trên đây có trùng hợp với ý nghĩ của quý vị không? Đó là lý do hội H.O và lão bà-bà Hạnh Nhơn vẫn phải tiếp tục lo lắng cho 14 ngàn hồ sơ TPB và 6 ngàn hồ sơ QP (không có cô nhi).

Thể theo nguyện vọng của hội H.O, tôi xin ghi lại như thế này:

Quý vị ân nhân nào muốn bảo trợ một hồ sơ TPB/VNCH thì xin liên lạc với hội H.O Cứu Trợ TPB qua địa chỉ và các số phôn sau đây:

Hội H.O Cứu Trợ TPB & QP/VNCH

P.O. Box 25554 Santa Ana, CA 92799

Tele: (714)539-3545. (714)721-0758. (714)788-4753.

 

Một cao nhân cho cao kiến là hội H.O nên trao hồ sơ TPB về cho các hội đồng hương, địa phương nào quản trị hồ sơ TPB địa phương đó thì chính xác hơn, không còn tham nhũng trấn lột. Quá đúng, tôi hoan nghênh cao kiến này, vì tôi không là hội viên hay hội trửơng hội đồng hương nào cả. Nhưng ông bà hội trửơng và hội viên hội Đồng Hương Quảng Trị nghĩ sao? Hội đồng hương Bến Đá Vũng Tàu nghĩ sao? Hội đồng hương Quy Nhơn Bình Định nghĩ sao? Hội đồng hương Hải Phòng Quán Bà Mau v.v.. nghĩ sao về ý kiến của cao nhân K.A. Nếu đựơc xin quý vị lên lạc ngay với hội H.O đi chứ còn chần chờ gì nữa. Nếu vô kế khả thi thì xin quý hội đồng hưong lên tiếng cho ông K.A biết lý do trở ngại ra sao?

Nhưng cũng có những hội đoàn có thể và có bổn phận đảm trách đựơc công việc này, đó là các hội đoàn quân đội, hội quân binh chủng và hội quân trừơng. Ngoài tình đồng đội, đồng môn, tình chiến hữu, các hội đoàn quân đội còn có tổ chức tương đối chặt chẽ hơn, dễ dàng nhận diện TPB của mình hơn, dẫu thay đổi cương vị hội trưởng, tổng hội trửơng thì vị kế nhiệm vẫn có đủ tư cách và quyền hành tiếp tục “sự nghiệp” nặng nề nhưng đầy tình huynh đệ chi binh. Nếu không thống nhất thì ít ra các vị HT, THT cũng có tư cách “pháp nhân” để kêu gọi mỗi đồng đội, đồng môn của chính hội mình liên lạc với hội H.O để bảo trợ cho một hồ sơ TPB.

Xin nêu một vài thí dụ, thí dụ thôi nhá:

Hội, hay Tổng Hội SĐ xxBB có thể quản trị hồ sơ TPB & QP của sư đoàn mình, ngoài sự xác nhận hồ sơ tương đối chính xác còn đậm đà tình anh em “ruột thịt” đơn vị, tiểu đòan, trung đoàn, sư đoàn.

Tồng hội HQ, KQ, TG, PB, ND, BĐQ, TQLC lo cho TPB của chính mình. Các quân trừơng Thủ Đức, Võ Bị, Đồng Đế, CTCT Đà Lạt v.v.. lo cho TPB đồng môn của mình.

Mới nghe qua, giải pháp này có thể thực hiện đựơc, và tôi sẽ chứng minh, tuy nhiên sẽ không thực hiện đựơc khi quân binh chủng đó, sư đoàn nọ, quân trừơng kia, học đừơng kia chưa có tổ chức thống nhất, hoặc có nhưng rồi chia hai ba chỉ vì cái danh

Và còn những TPB thuộc lực lựơng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Nhân Dân Tự Vệ, những ngừơi cầm súng tới giờ 25 tới phút 61 thì ai quản trị hồ sơ của họ? Họ không có hội, tổng hội, quân trừơng, khóa v.v.. thì ai lo cho họ?

Tôi xin trở lại vấn đề có thể thực hiện đựợc.

Hiện nay, theo tôi biết không chính xác thì có 3 binh chủng tự lo cho TPB của họ, đó là ND, BĐQ và TQLC, nhưng tôi chỉ xin đề cập những gì thuộc về TQLC mà thôi để chứng minh các đơn vị khác có thể thực hiện đựơc. “Đừơng đi không khó vì ngăn sông cách núi..”

Tổng hội TQLC chúng tôi lo hồ sơ TPB của chính mình, khi hội H.O nhận đựơc hồ sơ của TPB/TQLC nào thì chuyển sang cho chúng tôi, và bất cứ quý vị nào ở trong cũng như ngoài nứơc mà nghe tin có TPB/TQLC nào chưa nhận gì hết thì cũng xin cung cấp tin tức đó cho chúng tôi để chúng tôi xác nhận và thiết lập hồ sơ. Thông thừông mỗi khi có hồ sơ mới, ngoài những chi tiết về đơn vị cũ, TH còn cho ngừơi đại diện đến tận nơi vấn an, vì thế mỗi hồ sơ TPB/TQLC đựơc tương đối chính xác và đầy đủ hơn.

TQLC lấy nguồn tài chánh từ đâu để gửi quà về cho anh em?

Trứơc đây chúng tôi chỉ kêu gọi lòng hảo tâm của các cựu quân nhân TQLC và thân hữu hoặc đôi ba lần tổ chức đại nhạc hội gây quỹ nên nguồn tài chánh bấp bênh. Để duy trì gửi quà đúng quy định hằng năm, dựa vào hồ sơ TPB và sự hiện diện của các cựu TQLC ở hải ngoại, TH/TQLC quyết định mỗi cựu TQLC đóng vào quỹ TPB 100$/1 năm, không miễn trừ bất cứ ai, từ ông Tứơng Tư Lệnh, Đại Tá TLP, các Lữ Đoàn Trửơng đến chú em út cũng phải thi hành, ai không đủ điều kiện đóng một lúc thì chia làm 2 kỳ, miễn sao 1 năm đủ 100$ thì mới gọi là làm tròn bổn phận đối với đồng đội đã hy sinh một phần thân thể để mình có cuộc sống hôm nay, dẫu anh có thất nghiệp, có già yếu bệnh tật thì anh vẫn có cuộc sống gấp trăm ngàn lần hơn đồng đội TPB mà ngày xưa: “giữa Cổ Thành, tao gục xuống mày lao ra cứu”.

Hằng năm vào ngày 16/9, ngày kỷ niệm tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng và TP Quảng Trị là bắt đầu các TQLC phải nhớ mà đóng quỹ TPB cho niên khóa mới, năm cũ ai chưa đóng đủ thì không có biện pháp chế tài nào cả mà chỉ có một lời nhắn nhủ:

“TQLC không quên đồng đội TPB tại quê nhà”.

Với giải pháp này, ngoài việc lo cho TPB, bất cứ một cựu quân nhân TQLC nào gặp hoàn cảnh khó khăn hay đau yếu ngặt nghèo đều đựơc Tổng Hội trích quỹ TPB gửi tặng từ 2 đến 300$ hay hơn nữa. Và thiết nghĩ cũng nên nhắc đến một chi tiết, không phải đề khoe, mà là để rút kinh nghiệm, Tổng hội TQLC đã trích quỹ TPB/TQLC để yểm trợ 3 lần cho Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh, lần thứ 4 hơn 5 ngàn, lần 5 gần 5 ngàn, lần thứ 6, hơn 3 ngàn) với tình huynh đệ chi binh:

“Lá rách TPB/TQLC đùm là nát TPB các đơn vị bạn”.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn còn thiếu nhiều hồ sơ TPB so với thực tế anh em bị trọng thương ở chiến trừờng, một phần các anh quá sức chịu đựng nên đã về bên kia thế giới, phần còn lại tản mác khắp mọi nơi hang cùng cốc kiệt thì làm sao biết mà gửi hồ sơ. Chính vì lẽ này mà TQLC chúng tôi cũng bị vài vị chỉ trích. Khi các vị ấy thấy hình một TPB trên internet, hoặc gặp một phế nhân ở VN tự nhận là TQLC là các vị này đả chê trách chúng tôi là bỏ rơi đồng đội. Xin đưa ra vài thí dụ cụ thể đề chứng minh.

Trong video của ông xyz (xin phép dấu tên) quay cảnh cứu trợ ở VN, có hình của một TQLC và ông nói rằng TPB này không ai giúp đỡ nên ông phải lo. Sự thực thì anh tên là Thiếu Úy Lê Văn L.., anh bị thưong ngày 31/12/1967 trên kinh Cái Thia, không là TPB, sống ở Saigon, vì lý do làm ăn nên không muốn liên lạc với TQLC/HN.

Xin quý độc giả nhìn kỹ tấm hình và 2 câu thơ dứơi đây vừa đựoc phổ biến trên các web, hình không tên, bài thơ không tác giả, nhưng trong câu thơ thứ 1 có chữ “ Giữa Cổ Thành…”. Nói tới 2 chữ “Cổ Thành” là chúng tôi nghĩ TPB này là TQLC nên đã khổ công tìm tung tích nhưng vẫn bặt vô âm tín. Trong khi đó thì vài vị phổ biến hình này trên “grúp” của họ kèm theo bài viết sỉ vả TQLC và hội HO là bỏ quên TPB! Nhưng rất tiếc là quý vị ấy không hề cho biết một chi tiết nào về xuất xứ bức hình này

 

Giữa Cổ Thành tiếng quân dậy lao xao

Tao gục xuống và mầy lao ra cứu.

Một thí dụ thứ 3 là tuần báo “Thằng Mõ” SJ vừa đăng lời cầu cứu của Th/Sĩ S..thuộc TĐ2.TQLC rằng anh bị thương cột sống và bại liệt nửa ngừơi, chỉ nằm một chỗ, xin các thẩm quyền TQLC giúp đỡ.

Khi đọc đựơc bài báo này, TH/TQLC cho ngừơi đến đề “thăm hỏi” và sự thật thì không đúng như nội dung bài báo viết, anh không bị bại liệt nửa ngừơi mà còn đi làm việc, có nhà 2 tầng. Và chính anh ruột của Trần S.. là Trần V..cũng là TQLC ở Little Saigon cũng xác nhận với TH/TQLC rằng em ruột anh (Trần S..) hiện sống với vợ con ờ Huế, tuy có bị thương 2 lần, nhưng không bị liệt như bài báo mô tả.

Mặc dầu TQLC đã cố gắng hết sức để chu toàn nhiệm vụ với anh em TPB của binh chủng mình, nhưng vẫn bị những ngừời không nắm vững chi tiết, như 3 trừơng hợp điển hình kể trên, phiền trách chúng tôi là bỏ rơi đồng đội

Từ trừơng hợp xảy ra với TQLC thì hội H.O Cứu Trợ TPB với 20 ngàn hồ sơ hẳn là sẽ chịu đựng “nắng gió sương” gấp trăm ngàn lần. Anh TPB Nguyễn Văn Th.. than phiền rằng anh không đựơc hội H.O giúp đỡ, anh TPB Trần Văn Th.. với tấm hình bị chụp ngồi “ăn mày” trên đừơng phố thế là hội HO bị mang tiếng, bị nghi ngờ “mựon đầu heo nấu cháo”, nhưng khi hội xem lại hồ sơ thì các anh nhận trợ cấp đều đặn, biên lai nhận tiền còn lưu trong hồ sơ.

Cái đáng buồn không từ anh em TPB mà từ những ngừơi chưa biết tin tức rõ ràng đã vội kết tội những ngừơi làm việc thiện, thay vì với thiện chí xây dựng, cùng nhau tiếp tay lo cho TPB thì trao tin tức cho ngừời giữ hồ sơ để xem xét.

Do thương tật, mất nứơc là mất tất cả, phải sống trong cùng cực nên chúng ta không buồn phiền gì chuyện một vài anh em đã nói không chính xác để có thêm tí quà. Nếu tôi sống trong hoàn cảnh anh, chắc gì tôi sẽ làm khác anh em. Chúng ta cứ nhìn xung quanh mà xem, một số ngừơi Việt sống trên đất Mỹ, sống trên nhung lụa, sống thừa mứa mà cũng nói không đúng để có thêm tí quyền lợi. Giữa 2 thái cực về đời sống, nhưng cùng một hành động thì ai đáng trách hơn ai?. Ông A, Bà B, Cụ C sắp tới tuổi về hiu thì bèn sang tên cho con tất cả nhà cửa tài sản để sống “kiếp nghèo” có mê-đi-keo và ở hao-zing.

Làm việc thiện không phân biệt chủng tộc, tôn giáo là một trong những nét đẹp của ngừoi Việt sống trên đất Mỹ, nhưng làm việc thiện đối với TPBVNCH còn hàm ý nhớ công ơn các anh đã hy sinh một phần thân thể để quân dân cán chính VNCH sống trong lành lặn và ngày nay đầy đủ trên đất Mỹ.

Có bao giờ quý độc giả chứng kiến cảnh mẹ già ngất đi bên hòm gỗ phủ cờ mà ngừơi nẳm bên trong là thằng con trai yêu quý của mẹ, nó mới hôn lên trán mẹ tuần trứơc để về đơn vị cùng anh em. Có bao giờ quý vị chứng kiến ngừoi vợ ôm quan tài của chồng khóc nấc từng hồi những vành khăn tang trên đầu tuổi thơ đưa tay quẹt nứơc mắt khi thấy mẹ khóc? Nhưng với ngừoi lính chiến thì thà hy sinh như thế còn hơn là tàn phế, một tiếng nổ chúng tôi không còn chân đứng, một tiếng nổ chúng tôi không còn tay để tay bắt mặt mừng, một tiếng nổ chúng tôi không còn mắt để nhìn đời hạnh phúc và sau cuộc chiến, chúng tôi bơ vơ mù lòa ngay trên chính quê hương mình!

Vì vậy chúng ta nên cùng nắm tay nhau, mỗi ngừơi một nhiệm vụ để lo việc chung này. Chúng ta nhất định không để tiền ủng hộ ĐNH C.Ơ.A vương vãi, bất cứ ai thấy có điều chi khuất tất từ hội H.O thì đều có quyền đến “hỏi thăm”, khuyến cáo hoặc báo cho chính quyền địa phương để rõ trắng đen cho vui cả đôi bề thay vì viết báo kết án vu vơ, không chứng cớ thì buồn cả ngừơi viết lẫn ngừơi đọc.

Các cơ quan truyền thông, TV, Radio, báo chí và nhất là những chức sắc, nhân sĩ cộng đồng có uy tín xin cổ động phong trào “mỗi nhà một hồ sơ TPB”, các hội đoàn quân đội, các quân trừơng, liên trừơng xin vận động kêu gọi mỗi hội viên của mình bảo trợ một hồ sơ TPB. Ngừơi ngừơi cùng làm, nhà nhà cùng hửơng ứng thì chẳng bao lâu cộng đồng ngửơi Việt tỵ nạn có một niềm vui chung, ngừơi cho thấy hạnh phúc ngừơi nhận cũng hạnh phúc theo và giúp cho hội H.O vui lây, không còn “e nắng gió sương” mà “Gieo Tình Thương Khắp Nơi” .

Phila Tô

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search