T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 31)

 

Thất thập cổ lai hy

Xưa kia các cụ ta thọ đến “ngũ thập cổ lai hy” là hết đất. Vì vậy nay với “thất thập cổ lai hy” nghĩa là từ trước đến nay hiếm khi sống đến 70. Nhưng nguyên câu là “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, hiểu theo nghĩa là ai sống trên 70 tuổi trở lên được coi như là thọ (sống dưới 60 coi là hưởng dương).

Câu này nằm trong bài thơ Khúc giang II của Đỗ Phủ đời Đường: “Tửu trái tầm thường hành xử hữuNhân sinh thất thập cổ lai hy”.

Và được Tản Đà dịch nghĩa “Nợ tiền mua rượu đâu không thế? Sống bẩy mươi năm đã mấy người?”.

(Lê Hoàng & Hồng Mai – báo Ngày Nay)

Người ” bê cu”
Hỏi :

Để lấy một thí dụ cho dễ hiểu “Một trận ẩu đả khốc liệt, người đi đường đứng nhìn không ai dám can thiệp, họ sợ liên lụy nên đóng vai người “bê cu”.
“Bê Cu” là viết tắt của Bq, có nghĩa là : 1. Bàng quang? – 2. Bàn quang? – 3. Bàng quan? 4. Bàn quan?

Tôi thấy rất nhiều người viết sai chữ này. Xin hỏi ý kiến bác. Tra tự điển Hán Nôm, Hán Việt, Thiều Chửu, Từ Nguyên, tôi thấy :

1. Bàng quang (có) 2. Bàn quang (không có) 3. Bàng quan (có) 4. Bàn Quan (không có)
Đáp :

Bàng : Đứng bên cạnh. Nhi lập tại bàng : đứa bé đứng ở bên

Bàn : bàn bạc, trò chuyện, luận bàn, luận đàm, đàm luận.
Quang : Sáng, quang học.
Quang phục : thua bị mất nước đánh lấy lại được.
Quan : ngắm, ngó, coi, dòm, nhìn, quan sát, tham quan
Bàng quang không có ý nghĩa về một cuộc ẩu đả, người đứng xem không can ngăn. Mà có ý nghĩa là một bộ phận trong cơ thể bọc chứa nước tiểu; bọng đái, bong bóng.

Bàn quang không có ý nghĩa
Các bác có ý kiến gì không, xin bàn quan tiếp!

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Thay đổi ngữ nghĩa

Từ tiếng Hán sang tiếng Việt nhiều khi thay đổi toàn diện ý nghĩa: hình thức vay mượn, song ý nghĩa lại khác hoàn toàn.

Khôi ngô là từ Hán có nghĩa “to lớn”. Hán-Việt là “thông minh”.

Mê ly là từ Hán có nghĩa “mơ hồ, không rõ”. Hán-Việt có nghĩa “rất hay, rất hấp dẫn“.

Lẫm liệt là từ Hán có nghĩa là “rét mướt”. Hán-Việt là “oai phong“.

(Võ Ngân Vương – Tạp chí Tài hoa trẻ)

Tiếng Việt tuyệt vời

(Trước ngày cưới: Xin đọc từ từ trên xuống dưới…)

Chàng: Thật tuyệt vời! Cuối cùng giờ phút anh mong đợi đã tới.

Nàng: Em phải ra đi à.

Chàng: Không, thậm chí em đừng bào giờ nghĩ đến điều đó.

Nàng: Anh có yêu em không?

Chàng: Tất nhiên rồi!

Nàng: Anh có phản bội em không?

Chàng: Không! Sao em lại có ý nghĩ thế cơ chứ.

Nàng: Anh sẽ hôn em chứ?

Chàng: Đương nhiên.

Nàng: Anh sẽ đánh em chứ?

Chàng: Không bao giờ!

Nàng: Em có thể tin anh được không?

(Sau ngày cưới: Hãy đọc từ dưới lên trên…)

Văn hóa cà phê

Hình như làm nhà văn, nhà thơ thực sự có cái ngộ là ít thích ngồi nơi nào cao sang trịnh trọng Lâu lâu tạt qua thì được, những quán thích hợp phải tồi tồi, nằm trong khu ồn ào bán buôn của thứ dân…

Thí dụ như quán Gió Bắc nằm ở ngã tư Phan Đình Phùng và Cao Thắng. Quán nhỏ một căn bày bàn ghế đẩu tầm thường nhưng cà phê ngon và lẽ dĩ nhiên có một “cô hàng cà phê” xinh xắn như trong huyền thoại về các cô hàng nước bên ven các con đường quan lộ. Đến ban ngày, tôi hay chọn bàn ngoài cùng để vừa uống cà phê vừa hút thuốc lá Cotab bán lẻ nhưng nhà hàng trịnh trọng bỏ vào một hộp tròn 555 mang ra tận bàn. Cô tên Khuê, và cái tên thật xứng với cô. Khuôn mặt trái xoan, mắt hơi nâu và hiền, cô thường mặc áo lục hay vải mỏng hở toàn bộ hai cánh tay trắng mịn…

Những buổi tối, tôi thường hay đến quán Thái Chi nằm trong con đường nhỏ Nguyễn Phi Khanh. Trái với quán Gió Bắc bàn ghế đẩu cao và cô Khuê với cánh tay ngà pha cà phê, thì quán Thái Chi bàn ghế gỗ thấp sát đất và chủ quán là một phụ nữ đứng tuổi với cà phê đậm nhất Sài Gòn. Dĩ nhiên phong dáng như thế khách thường là đàn ông và lui tới nhiều thì được bà chủ coi như người nhà, nếu có lúc ghi sổ nợ, bà chủ tươi cười như thường.

Bởi thế rất nhiều năm về sau, khi bà qua đời, đám tang bà rất nhiều khách quen cũ đi đưa. Tôi biết tin bà mất quá trễ, nếu không thì chính tôi cũng sẽ đến đưa đám.

(Thế Uyên – Những người đã qua)

Cầu Thê húc

Thê húc với “thê” là đậu lại, “húc” là ánh sáng ban mai.

Thê húc là nơi đậu của ánh sáng khi mặt trời mới mọc.

Nguyễn Văn Siêu dựng lên năm 1885 và tên cầu do ông đặt.

 

Vụng chèo khéo chống

Câu thành ngữ Vụng chèo khéo chống thường hiểu là nếu “vụng chèo thuyền nhưng khéo chống mái hay sào” cũng không sao.

Nhưng đúng ra là “vụng chèo khéo trống” vì đúng nghĩa là “vụng hát chèo nhưng khéo gõ trống” cũng…tốt thôi.

Chữ và nghĩa

Hỏi : Có khi được hiểu như cờ, nhưng có khi lại không phải.

Ví như đại kỳ (“lá” cờ lớn), tượng kỳ (“con” cờ…)

Lại như Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ thì lại có nghĩa khác.

Mong được hướng dẫn. Cảm ơn.

Đáp : Chữ “kỳ” đây là chữ Hán nên mỗi “kỳ” bác hỏi tuy là đồng âm nhưng khác chữ. Tôi copy ba chữ “kỳ” bác hỏi ra đây:
Kỳ là lá cờ. Có bộ “phương” ở bên trái (phương hướng)
Kỳ là bàn cờ. Có bộ “mộc” ở bên trái (gỗ)
Kỳ là biên giới, vùng đất. Có bộ “thổ” ở bên trái (đất)
Còn nhiều “kỳ” có nghĩa khác nữa. Tiếng Việt ta vay mượn rất nhiều của tiếng Hán nên cũng cần học chút căn bản tiếng Hán và có thêm vài quyển tự điển Hán-Việt, Việt-Hán, thành ngữ Hán-Việt, và biết cách tra chữ Hán thì sẽ giải quyết được rất nhiều những vấn đề cần hiểu thêm này.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Tuyển tập thơ đầu tiên

Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên là “Hợp tuyển thơ” đầu tiên của nước ta. Sách hoàn thành năm 1433 và khắc in năm 1459, gồm 6 quyển và 1 quyển phụ lục có 700 bài thơ của hơn 100 tác giả từ thời Trần, Hồ đến Lê.

Phan Phu Tiên người làng Vẽ huyện Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội). Ông đỗ Thái học sinh thời Trần Thuận Tông (khoa thi cuối cùng). Ông làm tới chức An phủ sứ phủ Thiên Trường (Nam Định) và là tác giả củ bộ Đại Việt sử ký tục biên.

(Phùng Thanh Chủng – Những “Hợp tuyển thơ” đầu tiên nước ta)

 

Oshin

Oshin là bộ phim truyền hình gần 300 tập (15 phút /1 tập) của hãng NHK (Nhật Bản) mô tả cuộc đời đi ở gian nan của cô gái tên là Oshin. Thực hiện năm 1983-84, phim này đã được chiếu ở gần 50 nước.

Ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước, Oshin hết sức thành công. Không những thế, tên riêng Oshin đã trở thành danh từ chung Oshin, chỉ những cô gái và phụ nữ đi ở, giúp việc nhà, và gần đây, những phụ nữ quét dọn, làm vệ sinh ở các gia đình hay cơ sở kinh doanh. Sự xuất hiện của từ mới ô-sin trùng hợp với sự hình thành trở lại của một tầng lớp trung lưu thành thị.

(Châu Diên – Bảy mươi ba chiếc cối đá)

Tiếng Việt, dễ mà khó

Nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ phát hiện trong những chữ quen thuộc chúng ta thường sử dụng hàng ngày ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng. Tính chất bí ẩn ấy có thể nói là vô cùng vô tận, dẫu tìm kiếm cả đời cũng không hết được.

Như gặp chữ “thun lủn”, nó ám chỉ cái gì rất ngắn. Và liên tưởng đến những chữ có vần “un”: cụt ngủn, ngắn ngủn, v.v…

Gặp chữ “dập dềnh”, là nó ám chỉ một cái gì trồi lên trụt xuống do sự liên tưởng đến những chữ có khuôn vần tương tự: bấp bênh, gập ghềnh, khấp khểnh, tập tễnh, v.v…
Nói tiếng Việt vừa dễ vừa khó là vì thế.

Nhật ký Oshin

Ngày…tháng…năm…

Chàng (ông chủ) lại về muộn. Chàng bỏ bữa tối.

“Nó” (vợ ông chủ) lại chửi chàng

Ngày…tháng…năm…

Nấu món chàng thích nhất. Thế mà : nó giành ăn hết.

Lại khen mình nấu ăn ngon nữa. Đểu thế! Tội chàng quá!

Mai “nó” đi công tác, mình cho chàng ăn…“phở”.

Tục ngữ Tầu

Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư

Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư

(Nuôi trai không dậy như nuôi lừa

Nuôi gái không dậy như nuôi…lợn)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Tiếng Việt nghèo nàn nhưng phong phú

– “‘Buổi lễ thật đơn giản nhưng long trọng!”

Đơn giản thì làm sao long trọng cho được??

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Chữ nghĩa với chữ “thiên”

Khi chưa lấy vợ là…thiên thần.

Khi lấy rồi vợ là…thiên tướng.

Ngộ Không

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search