T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Cái duyên bói toán

Bươn trải liêu xiêu với cuộc sống hàng ngày đến chẳng biết đâu mà lần, con người ta đôi khi phải ẩn nấp trong một cảnh giới nào khác. Thế nên người viết chẳng tránh khỏi cái thói thường tình ấy cho đến chót đời. Như thể gặp cái số người ta tuổi dậu tuổi mùi, còn tôi lận đận một đời tuổi thân với nặng duyên nặng kiếp để một ngày, người viết gặp…”người”. Nào có khác gì người tình sương khói yêu em đốt cháy cuộc đời, vàng tay khói thuốc vẫn còn yêu em, khói lam cuộc tình đến và đi với mây chiều gió sớm. Là khói thuốc lá, tình không gọi mà tới trong những lúc trái nắng trở trời cứ vấn vương vào người viết đến mê hoặc. Rồi như chuyện đời thường với bất cứ ai tình bỏ ta đi và trở lại gắn bó không rời với người viết cả một khoảng thời gian dài. Dài lắm. Trên dưới năm mươi năm…

Cái mốc khởi đầu từ cái lúc còn bé loắt choắt, bằng vào với Hà Nội của người viết ở cái tuổi oắt tì là những ký ức vụn vặt khi ẩn khi hiện qua con quay, con vụ, ve sầu, mùa sấu và người viết…trốn học vào Văn Miếu. Ngay cả khi lạc vào cửa Khổng sân Trình, người viết cũng láo ngáo, chẳng biết những cái bia là bảng hổ bia đá đề tên của tiền nhân mà chỉ ngắm…con rùa. Và lững thững về nhà, đúng giờ đúng giấc như một chiếc đồng hồ, chẳng bận tâm cớ sự gì ông bô bà bô để thằng oắt con lêu bêu vậy. Có thể thời buổi ấy, Hà Nội đang nhốn nháo với chuyện “ri“ cư, vả lại người viết đang bé tí mà, nào có biết cóc gì chuyện thiên hạ sự. Chỉ biết cuối năm trường phát phần thưởng, dòm thấy trong giấy bóng đỏ có dăm quyển vở, vài hộp bút mầu. Thế là ghé vào tiệm sách, cũng thửa một mớ, hùng hục gói mang về nhà vén mồm sáo cuội khoe mẽ. Ý đồ người viết muốn diễn nôm với bạn đọc rằng: Ngay từ thưở nhô tì, người viết vốn dĩ đã tinh như ma.

Ma đưa lối quỷ dẫn đường, người tình đầu đời…với người viết là…bói toán.

Thề trèo lên cây ớt, rớt xuống bụi hành, ai chẳng lòng thành, hành đâm lủng ruột là chuyện có sao kể vậy và chuyện như thế này đây, thưa bạn đọc.

***

Vậy là người viết đã gặp người…Một ngày không nắng cũng chẳng mưa với gió hiu hiu lạnh, trên đường cung cúc đi về nhà từ hồ Hoàn Kiếm qua cổng trường Nguyễn Trãi ở phố Huế. Người viết gặp người muôn năm cũ ngay đấy, dưới gốc cây me, đầu đội khăn xếp, áo the thâm. Ông gọi người viết lại và nắc nỏm:

– Cậu đang trốn học, ngồi xuống đây tôi xem cho một quẻ.

Cho mãi đến tận bây giờ, một đôi lần hoài cố nhân về ông thầy bói ấy, người viết vẫn tự hỏi cớ sự gì ông biết người viết đang trốn học mặc dù đi đi, về về đúng giờ đúng giấc. Vì ông mù. Lại nữa, là học trò túi rỗng tuyếch, ông bòn véo gì ở cái thằng oắt tì đây. Nghĩ không ra là ở chỗ đó. Lúc ấy, người viết bèn ngồi xuống lõ mắt nhìn ông gieo hai đồng trinh quay vòng vòng. Ông mân mê đồng trinh một lát rồi ngước mặt lên nói qua gọng kính đen thủi đen thui và…dậy rằng:

– Cậu thông minh nhưng…lười.

Ông xăm xắn tiếp:

– Sau này nếu cậu theo ngành võ thì như Tả quân Lê Văn Duyệt. Theo ngành văn thì có liên quan đến điền trạch, điền thổ.

Người viết ngôì chổm hổm hóng nghe và chả hiểu khỉ mốc khỉ khô gì. Vì mới bằng ấy tuổi đầu, đào xới đâu ra chữ để hiểu mớ điền trạch với điền thổ. Thế nhưng sau này người viết mới chịu thầy. Đang học kiến trúc, đụng mùa hè đỏ lửa năm 72 bị gọi đi lính. Lúc này người viết đã làm quen với bói toán với bà xem thủy tinh, thầy đoán mộng, cô đoán chim kêu, chuột rúc, bà giải mắt nháy, nhện sa…Người viết bổ nhào xuống Chợ Lớn…bói dịch.

Lần này là bà già Tầu, cũng hai đồng trinh cũ. Bấy giờ người viết mới loay hoay làm quen với bói dịch, nạp giáp, gieo quẻ luận cát, hung, thành, bại với…cùng tắc biến…Bà gieo leng keng và dậy rằng…biến tắc thông là biệt phái. Sau người viết được…”bổ” làm cho chương trình người cầy có ruộng thì có “liên hệ” đến điền trạch, điền thổ chứ còn ai trồng khoai đất này. Chưa xong, chỗ ngồi của người viết lại nhìn xéo qua Lăng Đức Tả Quân mới lạ. Và mỗi năm hoa đào nở lại nhớ cánh mai vàng…lạc đến lăng Lê Văn Duyệt, qua khói hương nghi nghút, người viết như tìm lại hình bóng cụ thầy bói mù qua ông đồ già với những ngậm ngùi cùng u hoài xa vắng…những người xưa năm cũ, hồn ở đâu bây giờ.

Cụ cơm cớm tiếp, người viết còn nhớ mòng mòng không sai sẩy một chữ:

– Cậu có giác quan thứ sáu, nếu theo bói toán thì cũng là cái hay…

***

Ấy đấy, vậy mà…hay thật. Hay ở chỗ chẳng mấy nả, sau năm 54 vào Nam, người viết la cà ở qúan cà phê trong con ngõ đường Nguyễn Thiện Thuật của một ông phán già về hưu. Cụ phán đây tên Phong là bạn đồng hao đồng niêu với ông via của thằng bạn người viết. Quán chỉ có ba, bốn chiếc bàn thấp lè tè, cụ cũng khác người, khách tới nhằm lúc cụ đang bình cờ, dàn quân gài thế thì khách mặc khách, cụ cứ tàng tàng tiến quân xe, lùi quân pháo cho đến lúc tàn cuộc binh đao cụ mới thủng thẳng làm cho một cái phin. Gặp lúc cụ bị chiếu bí hoặc cờ đang dở cuộc không còn nước thì cứ ngồi đó đợi dài người.

Một hôm quán vắng, hai đứa ngồi bên này, cụ ngồi bên kia…Bất chợt, cụ lẳng lặng đến và lậu bậu với người viết: “Cậu muốn học tướng số không”.

Thế là người viết lấp lửng nhập môn từ dạo ấy, cụ cứ thong thả nói, người viết cứ thủng thẳng nghe như…nước đổ lá khoai. Sau này người viết mần mò với sách vở được chữ nào hay chữ đó nên cũng góp nhặt được ít nhiều qua nhất thanh nhì sắc với người thanh tiếng nói cũng thanh, chuông kêu sẽ đánh, bên thành cũng kêu. Cái tạng người bên ngoài hay khuôn mặt lộ tướng, chỉ nói lên được phần nào như cá tươi thì xem cái mang, người khôn xem lấy đôi hàng tóc mai. Cùng thằng bạn như bóng với hình, dạo đó người viết có ý nghĩ căn duyên gì cụ không…dậy dỗ thằng bạn mà lại…chỉ bảo cho người viết. Vì vốn dĩ ông via thằng này ngoài là bạn đồng liêu, còn là bạn “bắn khỉ” mãi tận Hà Nội trước kia của ông cụ phán già kia mà. Trở lại chuyện học xem tướng, vì học lóm được chiêu nào người viết đều…xuất chiêu cho thằng bạn nối khố nghe. Khổ một nỗi, nói xong người viết chữ thầy trả thầy, nó thì góp nhặt sỏi đá nên nhớ như in.

Hết trung học gia đình nó dọn nhà về Bà Rịa, vì vậy mới có chuyện để kể lể với bạn đọc đây. Chuyện là một ngày nắng hạ, người viết đi thăm nó…Vì mắc mớ đến kiến trúc với…điền trạch với điền thổ nên người viết quơ cào được dăm mớ lơ mơ lỗ mỗ địa lý tam sao thất bản để dằn túi phòng thân. Lớ ngớ dòm thấy cái đòn dông nhà trước cửa đâm thẳng ngay chóc vào cửa nhà nó. Thế là người viết quại bừa rằng chủ nhà thế nào cũng có ngày ra tha ma thổ địa để ngủ với dế giun để hù cho nó hãi vậy thôi. Thánh độ thế nào chẳng biết nữa, nghe xong nó gật đầu. Hóa ra cô y tá chủ nhà cũ vừa treo cổ tự tử chết queo nên nhà nó mới có đất cắm dùi. Cứ ngỡ cô chủ nhà là hình nhân thế mạng, không ngờ mấy năm tiếp đến, cái đòn dông lại khiêng nó và bà cụ nó ra cái nghĩa trang tỉnh nhỏ buồn như trấu cắn.

Nhưng ấy là chuyện hậu sự nằm ở khúc sau, thưa bạn đọc.

Người viết rủ nó về Sài Gòn bát phố, hai thằng đứng đợi xe đò từ Vũng Tầu ngay quán sinh tố bên đường. Xe đậu, nó lên trước. Bất chợt nó quay xuống nói không đi nữa! Hỏi sao? Nó báng bổ vì mặt ông tài xế có tướng bất đắc kỳ tử. Người viết nhìn lên thấy mặt ông ta xạm xám như một xác chết thật. Đi cũng lỡ dở, ở lại cũng không xong vì đợi chuyến sau cũng phải mất hai, ba tiếng đồng hồ chứ đâu có bỡn. Rốt cuộc hai thằng đành phải ngồi lại. Chuyến xe sau ra khỏi Bà Riạ khoảng chục cây số gặp chuyến xe trước bị lật bên bờ ruộng. Thôi thì cũng đành chịu thầy vậy chẳng biết nói sao hơn. Ấy đấy, nào có khác chuyện bạn đọc đi máy bay, số mình không chết nhưng gã lái máy bay…tới số thì bạn đọc cũng…tới số theo. Thì như đã bảo, chuyện bói toán u u minh minh mà…thưa bạn đọc.

Bạn đọc làu nhàu gì mà cuối tháng, đầu năm…gở miệng phỉ phui quá thể. Để tránh chuyện tha ma mộ địa, bạn đọc nhấm nhẳng hỏi thế còn thằng bạn người viết ở cái nhà có cô y tá…treo cổ rồi ra số kiếp nó sẽ đi về đâu. Thì dạ thì xin thưa:

Một ngày, mấy năm sau….

Vừa ngồi đồng từ quán cà phê về đến nhà, gặp thằng em của bạn người viết từ Bà Rịa lên báo cho biết vừa nhận đươc điện tín. Nguyên văn: “Trung uy Vuong Tan Phat tu tran”. Thằng em lôm côm vì điện tín không có dấu nên nhà nó phân vân…”tử trận” hay “từ trần” đây. Vì khoảng thời gian này nó đang trấn thủ lưu đồn ở Quảng Tín và nếu “từ trần” thì ắt hẳn là còn xác. Còn nếu như “tử trận” thì có thể mất xác vì đã mười ngày rồi vẫn chưa có tin tức. Người viết đưa thằng em bạn đi gặp một bà thầy nghe nói có thờ…ma xó trong nhà. Trên đường qua Hàng Xanh, người viết nhớ lại nó mới về phép và kể chuyện quân trường Võ Bị có ông Phạm Kế Viêm xem tử vi rất nổi tiếng. Cứ theo lá số ông ấy nó…không qua cái hạn 25.

Hai thằng vừa bước vào, chưa kịp chào hỏi vì bà thầy đang có khách. Từ gian kế bên, qua cái mành mành bà hóng hớt ra: “Hai cậu về đi, ba ngày nữa xác về…”. Ba ngày sau xác thằng bạn về thật và một buổi sáng trời lâm râm mưa, thằng em và người viết ngồi lặng lẽ đưa nó…về quê. Hình ảnh ngày ấy còn rơi rớt trong đầu là con em gái kế của người viết đang nước mắt lưng tròng khóc người đi, lầm lũi trong câm lặng ngồi dưới chân cầu thang giặt bộ quần áo “trây di” sót lại của nó.

Sau 75, về lại Sài Gòn ghé nhà thăm thằng em bạn. Vô tình đúng tuần giỗ nó, thằng em đưa cho xem lá số tử vi mà bà cụ nó lấy từ Hà Nội. Ngoài mấy chữ Tầu tầu như cô thần, tang môn, hung hóa cát, cát hóa hung. Đập vào mắt người viết là câu “Hạn triệt ở cái tuổi 25”. Tiếp….“Nếu qua được tuổi này sẽ…sống lâu hơn”.

Bạn đọc ngúc ngắc thương vay khóc mướn: Cái thằng đúng là…số con ruồi. Nhưng người viết còn một thằng bạn khác…số con rệp. Chả phải thiên cơ bất khả lậu gì, mà nói theo dạng thầy bói là chuyện…hậu sự ấy mà, thưa bạn đọc.

Từ cái đòn dông nhà thằng bạn, lân la qua kiến trúc với ông tổ nghề mộc Lỗ Ban để có một số vốn liếng địa lý, nhờ những năm tháng ăn vạ cửa Khổng sân Trình từ âm dương tiêu tương, hết bát trạch chu thư đên dương trạch tam yêu. Vốn dĩ ông họ Lỗ chỉ là phó mộc, khi dựng nhà ông lò mò leo lên cái kèo dán cái bùa đỏ choét để ăn không nói có, để chủ nhà có mâm cỗ, cút rượu vậy thôi. Vậy là từ đó ông lưu danh thiên cổ qua cái thước Lỗ Ban với một vốc chữ nho bám nhì nhằng trên thước, là “phó mộc” chả hiểu chữ nghĩa ông đâu nhiều quá thể. Sau ông, đám hậu sinh loạn cào cào châu chấu với phong thủy gần đây của Tầu, với phong là gió, thủy là nước. Họ chuyên trị treo cái…phong linh kêu “leng keng, leng keng” điếc con ráy và mang cây xanh vào nhà cho chủ nhà…xanh mắt chơi.

Để rồi tha hương ngộ cố tri người viết gặp một ông bạn tửu lạc vong bần. Trong một buổi trà dư tửu hậu, bạn ta thở ra là con gái người cứ xanh như đít nhái, vào bệnh viện năm thì bẩy lượt, lang Tây cho là bị…ma làm. Bạn ta hỏi người viết rằng thầy có phép chữa trị chăng. Bùa phép con khỉ mốc. Đất khách quê người được mấy phùa thửa được cái thước Lỗ Ban nên cũng muốn thử thời vận xem sao. Sách thước ghé nhà, chợt nhớ tới các cụ ta xưa đã từng dọa dẫm hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn, thầy khoe thấy cứu được người, đến khi thầy ốm chẳng ai cứu thầy nên cũng hơi ê…răng. Thiên bất đáo, địa bất chí, thầy đè nghiến cái cửa phòng ngủ đo đạc thấy rơi tỏm vào chữ bệnh mới…bịnh thiệt tình. Bạn há hốc mồm hỏi bây giờ sao. Sao trăng gì, cứ dọn sang phòng khác là…xong tuốt. Xong rồi con bạn tậm tịt khỏi bệnh mới …lạ, thầy cũng ớ ra vì chả hiểu nhẽ gì. Đầu trở xuống, cuống trở lên thì cửa nẻo ở cái xứ hóc bò tó này cái nào cái nấy y chóc như nhau, thưa bạn đọc.

Nhưng bụt chùa nhà không thiêng, điạ lý của cụ Tả Ao cùng tầm long điểm huyệt viếng nhà một lần với chuyện xưa tích cũ. Số là ông cụ người viết là người không tin bói tóan, làm ăn khá giả, cụ tậu thêm căn bên cạnh để khuyếch trương cơ ngơi. Long huyệt đâu không thấy, chỉ thấy cái ngõ cụt bên kia đường đâm thẳng vào cửa căn kế bên. Bèn nắc nỏm với ông cụ những gì thu vén được qua mớ từ chương biền ngẫu như…bát quái cửu cung, đông tây nhị phái cùng du niên bất tại hoặc giả như mộc mã thong dung với thố ngộ thanh long này kia, kia nọ. Nghe ngứa cả ruột, ông gạt phắt đi vì…thằng sáng đi nghe thằng mù với trứng đòi khôn hơn rận. Sau cụ bị tán gia bại sản, người viết cũng đành thở ra với câu…nhất hạn, nhì vận, tam phong thủy hay địa tạng tru ma, chúng sanh đa nạn.

Bạn đọc gật gừ rằng vậy thì địa lý cũng tin được đấy chứ nhỉ. Ừ thì có tin có lành nên người viết được thể quay quả về cái thưở bút thô mực nẻ, khởi thủy từ mấy ông đồ không có cái duyên với cái nghiệp bút nghiên, nên rút cuộc vẫn là ông đồ bát nháo. Cứ như nhăm ông đồ Nghệ xưa chẳng hạn, công không thành danh chẳng toại thế nên sinh bất đắc chí không thiết gì thi cử nữa. Tiến vi quan đạt vi sư, nhưng mấy ông cũng chẳng chịu an phận thủ thường với nghề dậy học, chẳng màng đến mài mực ra mà kiếm gạo. Xuân thu nhị kỳ, mấy ông cứ nằm co với mo cơm tấm, ấm ổ rơm với cái nghề thầy lang, thầy địa lý mặc áo Giáp cài chữ Đinh – Mậu, Tý, Canh khoe rằng mình Quý. Bạn đọc lõ mắt nhìn người viết ra ý gì mà cứ lý giải, lý số, đắp chữ vá câu nho gia vậy cà. Chẳng dấu gì bạn đọc, nho nhe nói huếch thế thôi chứ lúc này đây, người viết đang ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm với mấy ông thầy địa lý, thầy phong thủy dưới đây, thưa bạn đọc.

Vì đâu có phải lúc nào cũng có mấy ông phú hộ rỗi hơi cải táng mộ tổ với long chầu hổ phục này kia để nuôi báo cô mấy ông thầy địa lý. Thế nên mấy thầy mới kiếm cớ ăn vạ ở nhà thân chủ cả ba, bốn tháng trời để xoay tới xoay lui…cái đầu rau. Sang đến thời hậu hiện đại, thầy phong thủy thay mặt cho thầy địa lý thay cái đầu rau bằng…cái chuồng xí cho nó oách. Rồi quởn hay sao ấy, bắt thân chủ xoay bở hơi tai. Cùng quý thầy phong thủy hôm nay rằng, cái thời hồng hoang của các cụ ta xưa vô vi với cái thú thứ nhất quận công thứ nhì ỉa đồng nên chẳng có…cái chuồng xí để mà vật vã bở hơi tai. Thế mới phiền, nhờ quý thầy tí.

Phiền hơn nữa, tiện đây người viết mạo muội thưa rằng phong thủy lúc này hơi bị “quá tải” và ”thiếu cơ sở văn hóa cao”. Chả hiểu mấy thầy ở cái lỗ nẻ nào chui ra nên nhập nhằng giữa phong thủy và địa lý, đi “thực tế”, “tham quan” tiệm neo, tiệm giặt nhưng cứ như con đà điểu cắm đầu xuống đất xem…ngôi mộ gia chủ bị úng thủy mãi tận Bắc Ninh, Sa Đéc. Được thể mấy thầy múa như công múa trước cửa nhà là treo cái gương bát quái trước cửa, chả chịu mò mẫm sách xưa dậy rằng nhà nào gần tha ma bộ địa, sợ ma quỷ vào nhà hãy treo cái gương.

Tiếp, như trên đã bày vẽ, ngoài phong là cái…phong linh thì thủy là nước. Chủ nhà muốn tiền vào như nước, thầy vẽ hãy đào cái hồ cá sau vườn. Thầy chả đào sâu chôn chặt là đặt cái hồ cá ở đâu cho phải nhẽ với “cá” là ngư, người Quảng người Tiều đọc…hoảng tiều là “dư”. Thế nên muốn dư ăn dư mặc thì từ cửa hậu thông ra vườn: Cửa là môn, môn là…miệng ăn. Hồ cá phải có cái lối đi như…cái cuống họng dẫn ra hồ hình…cái bao tử. Chữ nghĩa bổ làm đôi ấy vậy mà đâu ra đó. Lạng quạng thế quái nào, có thầy thừa nước đục thả câu, quất bừa hồ cá trước cửa nhà thì con gái gia chủ cứ…chổng mông mà gào. Trăm tội ở thầy cả. Bạn đọc liêu xiêu với cái cầu tiêu, cái bếp và ra ý muốn hỏi vậy có nên xoay hướng…cái cửa hay…cái cầu thang chăng. Người viết cũng đành dựa hơi các cụ rằng ai ơi giữ chí cho bền, dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai, thưa bạn đọc.

Trở về với…số con rệp như vừa đảo qua ở trên, người viết có thằng bạn cùng lớp, sau gáy nó có một cái nốt ruồi. Dựa theo tướng số thì sẽ chết bất đắc kỳ tử và còn có thể bị…chết chém nữa là đằng khác. Nhưng người viết chẳng dám vạ miệng những chuyện…chết người ấy. Đầu đuôi là người viết có cái bàn vẽ bừa bộn với thước, bút, tẩy, mực cùng sách vở, cả năm mới dọn dẹp một lần. Năm cùng tháng tận, để tống cựu nghinh tân, người viết tẩy uế chiếc bàn thì ngẩn người ra nhìn bốn cái “di cảo” của bốn thằng bạn. Bằng hữu đến kiếm người viết lúc không có nhà và để lại nhăm chữ vô thưởng vô phạt như “Tao đến mày không gặp…” hoặc “Hẹn mày ở cà phê Pasteur…”. Một điều chẳng giải thích được là bốn thằng đều lá uá tiễn người đi, trong đó có nó.

Số là ông cụ nó chạy cho nó về Bộ Tổng Tham Mưu, ngay ngày đầu tiên mặc áo lính nhận nhiệm sở thì bị…xe nhà binh đụng chứ không phải vì bị…chết chém. Chẳng phải cứ bạn bị xe đụng là thành chuyện. Chuyện là người viết cứ lẩn mẩn với bạn bè đến nhà cũng đông. Chỉ có bốn thằng để chữ lại. Cả bốn đều lần lượt rủ nhau đi mới chịu…chết nghĩ không ra.

***

Bạn đọc nhướng mắt vì từ nẫy đến giờ chỉ thấy…nhang đèn hương khói nghi ngút với âm dương cách biệt. Còn người dương gian đi xem bói như thế nào? Và bói toán là cái khỉ mốc gì vậy? Hãy thử khủng khỉnh ăn đong, ăn vay nghe chơi…

Vậy thì xin văn vẹo cho có đầu có đũa, chẳng hẳn gốc gác ở Trần Đoàn hay Y Ma Thần tướng mãi tự bên Tầu. Ngay cả như với Thủy Kính, Hứa Phụ, Quản Lộ, Quí Cốc, v…v… Mà bởi lẽ từ các cụ ta xưa mộc mạc và chân phương nghiệm ra rằng mọi sự cứ mười điều thì đúng đến bẩy, như cứ lớn vú bụ con thì đẻ như…lợn. Thế là các cụ…phát hiện ra bói toán truyền khẩu qua tứ nữ bất bần, rồi ra túc tắc đủ tiêu cấm chẳng có sai là mấy…Ngồi không đuổi ruồi, các cụ múa bút nét ngang sổ dọc thành thư kinh. Tiếp đến các thầy đồ thi không ăn ớt thế mà cay bèn xoay như đèn cù với tử vi đẩu số. Các thầy nháo nhác ngắm trăng sao nào là nhâm, cầm, độn, tóan, đến ngũ hành, can chi, tới âm dương, bát quái, sao nọ nhè chiếu sao kia, thân nằm ở cung này mệnh nọ, ôi thôi nát như tương bần. Qua tướng số, ngành này không tráp, không sách, không quẻ. Đồ nghề của ông thầy tướng chính là đôi mắt. Đôi mắt cứng lạnh như mũi khoan, thủng thỉnh đục từng mẩu đời cho đến khi lộ số phận, xuyên thấu trái tim đông lạnh, vẫn còn đang ngủ đông trong lục phủ ngũ tạng các bà, các cô.

Trăm sự cũng từ các cô, các bà cứ đa cảm, đa mang những khắc khoải, lênh láng phủ lên muộn phiền, chuốc vạ vào thân, lận khổ trong người…Cứ khư khư ôm mối sầu vạn cổ như thể đời là bể khổ, yêu là chết trong lòng một tí. Thế nhưng chẳng ai ngăn được mặt trời lặn vào buổi chiều và họ lụy vì yêu, yêu quá hết lụy “Thương ai hẳn lại thương lòng lắm – Này nợ này duyên những thế này”. Thế nên mới đâm đầu đi xem bói. Bói toán rộng mênh mông không bờ không bến với thầy này sách kia. Sách càng hiếm hoi càng qúy, thầy càng ở am, ở cốc là kỳ nhân,…kỳ quái, nhưng tựu trung vẫn phải dựa vào…thánh độ. Thánh độ cách mấy, thầy bói dậy mười câu, chó ngáp phải ruồi ba câu đúng, bẩy câu sai.

Nói cho ngay, vo ve với bói toán phương Tây, họ thẩm định qua công thức Luật nhị thức (Loi Binômiale): nCr x p^r x [(1 – p)^(n-r)] thì mỗi thầy hy vọng có 94,23 phần trăm khả năng nói đúng 3 câu trong 10 câu bói. Thầy đoán đúng ba câu trở lên là thầy bói giỏi cùng những câu trả lời chung chung, dựa theo phản ứng của người xem bói, hay hiệu ứng tâm lý, mà thêm những câu như: “Bạn là người rất tốt với bạn bè, nhưng nên coi chừng, bạn bè hay lừa gạt bạn”, hay: “Bạn có xu hướng chiêm nghiệm bản thân, bạn thích một chút thay đổi”. Theo những người nghiên cứu về bói toán phương Tây về khoa Hoài nghi (Zététique) thì đó là hiệu ứng tâm lý có tên là hiệu ứng Barnum, tức hiệu ứng giả để đưa thân chủ vào trạng thái hoài nghi dễ bị lung lạc…Chưa hết, người đi coi bói chỉ muốn nghe…cái đúng và quên tuốt tuồn tuột những sự kiện…không đúng lắm. Rồi từ ba câu thầy dậy, họ lỗm bỗm kháo nhau, thầy…linh lắm.

Bạn đọc gật gù vậy chứ mấy thầy…linh tinh lang tang răng rứa. Răng lợi của thầy ư, như thể rằng bà già ra chợ cầu Đông, xem một quẻ bói lấy chồng được chăng, thầy bói gieo quẻ nói rằng, lợi thì có lợi nhưng răng không còn. Tuy nhiên một sớm một chiều bói toán và ông thầy lừng lững đi vào sử thi qua Cao Biền, Tả Ao với địa lý, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm với sấm ký. Trải theo thời gian, gần như có thể nói bói toán…gần gũi với chuyện nữ nhi thường tình qua duyên số lận đận quanh quẩn trong lũy tre làng. Như ba năm ở với người đần, chẳng bằng một lúc ghé gần người khôn. Tiếp đến eo sèo với rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu nặng mình. Rồi chòng chành với từ ngày về sống với anh, anh đánh, anh chửi, anh tình phụ tôi, đất xấu chẳng nặn nên nồi, anh đi lấy vợ, cho tôi lấy chồng. Từ đấy, bói toán trải rộng trong dân gian với xem mặt mà bắt hình dong….Và hiểu theo nghĩa là xem tướng, chuyện chém to kho mặn là thế đấy. Để rồi che đóm ăn tàn qua tướng số nhè mấy cô mấy bà mà ngấp nghé…chiếu tướng dí quân xe, đè con pháo như dưới đây, thưa bạn đọc.

Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật, người viết sinh tật trời đánh là…lỡ gặp đàn bà con gái lớ ngớ bên đàng là lom lom với ngoại hình, ẩn tướng. Văn dĩ tải đạo cũng có đấy, nhưng cũng phải giữ lễ với bạn đọc trong ngôn từ, chả là ăn đong ăn vay chữ nghĩa qua các cụ xưa đã quen thói, chẳng cần chan tương đổ mẻ nhiều với nhìn sắc diện bên ngoài, khóe mắt làn da, nhìn cách cười nói, đi lại nằm ngồi, nhà tướng mệnh học có thể suy đoán tính cách tính dục của người ấy những tướng như hung cao điến kiệu, yêu tế kiên hàn, thân như phong liễu, hạc thoái phong yêu hiểu theo nghĩa là ngực ưỡn đít cong, eo nhỏ vai so, người ngã nghiêng như cây liễu, lưng như lưng ong, gầy như chân hạc này kia, kia nọ.

Hoặc giả như yếm nhiên hàn tiếu ngữ tức vừa nói vừa cười là dâm dật si tình hay vị ngữ tiên tiếu dã đa dâm loạn tạm hiểu là chưa nói đã cười là loại loạn dâm, v…v…Đó là chữ nghĩa của nho gia, thế nhưng năng nhặt chặt bị từ các cụ để lại cách coi tướng truyền khẩu thì mộc mạc và bình dị hơn với: “Đàn bà ngồi thường mân mê mái tóc là người rất đam mê tình dục. Ngồi mà hay vuốt lông mày, liếm môi, cho tay ra sau gáy, tay chân rung, uốn éo thì ý dâm vượng thịnh, hiếu dâm, đa tình, đa dâm”. Ấ là chưa kể qua ca dao đầy ăm ắp một kho thóc giống…

Thôi thì mọi đàng cũng ở các cụ mà ra như thế này đây.

Cứ theo các cụ như theo voi ăn bã mía để mắt săm soi xuống một chút nữa sẽ bắt gặp…bần thân âm hộ đại, đa mi hộ tố mao. Cá mè một lứa với…hộ tố mao thì có…vô mao bất phú. Ngay đấy, lắm khi cái mũi ngay trước mặt mà chẳng thấy với của ai mũi người nấy hoặc giả như miệng nào ngao ấy. Có suôi có ngược với hồng nhan hạ thủy, hay hồng nhan đa dâm thủy đi với trường túc bất chi lao. Thêm mắt lá răm, lông mày lá liễu, nói cho cùng qua diện tướng là ở đôi mắt với người khôn con mắt đen sì, người dại con mắt nửa chì nửa thau. Rồi dềnh dàng thồn thộn với to mông rộng háng đáng đồng tiền. Với người vừa gầy vừa khô thì khô chân, khô mặt đắt mấy cũng mua như mua con trâu để kéo cầy đến khô cả đầu non cuối bãi. Lạt mềm buộc chặt với răng thưa, mắt ướt ăn cỗ nhờn môi hay răng hô mồm cá ngáo chỉ siêng ăn biếng làm, ăn quà như mỏ khoét này nọ.

Nói cho lắm tắm cởi chuồng cũng không ngoài câu hỏi như thể ai đó tẩy cái nốt ruồi trên mặt, để ông thầy tướng trắng mắt ra chẳng hiểu ấy là nốt ruồi vượng phu ích tử hay thương phu trích lệ và rồi cái số họ sẽ đi về đâu. Bạn đọc được thể gánh bùn sang ao, cũng như tử vi, nếu như những người sinh cùng giờ, ngày, tháng, năm thì chuyện gì sẽ xẩy ra. Vả lại, trong một giờ, hiện nay, có khoảng 16 750 người được sinh ra, trên toàn cầu, không lý chừng đó người có chung một số phận cả hay sao? Thế là các thầy đánh trống bỏ dùi rằng ở…cái mệnh. Như cụ Nguyễn Du đã phóng bút xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Rồi chẻ hoe phơ nắng với ông thiên đã dậy ắt thì chẳng sai…cái thiên mệnh. Chung quy cũng tại ông thầy: thầy bói mà học canh khôn, đến khi hỏi dồn ý à ý a…

 

***

Với quá khứ vị lai, trở lại chuyện ông thầy bói mù, ông…mù mờ với người viết rằng: “Cậu có giác quan thứ sáu…”. Tới cụ phán Phong, nhắm người viết “không có tính lại có tướng” nên truyền ấn chứng Ma y thần tướng cho…truyền nhân. Tiếp đến là học bói…”Bài Tây” mãi bên trời Tây…Thì như đã thưa gửi nằm ở phần trên, tầm sư học đạo thì thầy càng ở am, cốc, càng ở xa càng kỳ nhân dị tướng để có chuyện sư tầm đệ tử nan hay đệ tử tầm sư dị như dưới đây, thưa bạn đọc.

Ở cư xá sinh viên Lutèce, Paris, người viết có quen một gã có cái tục danh “Tiến cò” vì gã cao như con sếu. Gã có một cuộc sống hoang đàng, lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm vì phòng gã là một sòng bài và người viết chầu rìa hút thuốc vặt ở đấy. Gần mực thì đen, gần đèn thì lu nên người viết lu bu với cơ, rô, chuồn, bích lúc nào không hay để rồi trở thành tương đắc tương bần với gã. Một buổi sáng, sau một tối như con vạc ăn đêm, hai thằng xuống quán cà phê bên cạnh cư xá ngáp vặt và…uống rượu vang. Say say người viết buồn buồn nhìn cái lộ hầu hơi qúa khổ và buông xả một câu…ngon ơ: “Ông yểu tướng”.

Gã nheo mắt cười lặng lẽ, và thủng thẳng kể chuyện đời của gã:

Là con một của bà thầy chuyên về bài tây ở chợ Nguyễn Thiện Thuật, gã đỗ hai cái tú tài tối ưu nên được học bổng quốc gia toàn phần. Ngày đi, mẹ gã gói kỹ lưỡng cho gã một một món đồ và đại thể như Gia Cát Lượng bỏ cẩm nang trong túi đỏ buộc giây và dặn khi nào kẹt trong Huê Dương tiểu lộ thì hãy mở ra…

Qua đến đây, gã thú thực đầu óc cứ để đâu đâu, lại chán đời nên chẳng thiết tha gì đến sách vở. Sau một thời gian trong cái tình trạng chập chờn ấy, nhớ lại lời mẹ dặn, gã mang gói đồ ra xem. Gói đồ mẹ gã gói rất kỹ, bọc trong bọc ngoài, lớp này lớp kia, mở ra thấy vỏn vẹn có cái thư, một quyển vở học trò, hai bộ bài tây bằng plát-tíc còn mới nguyên. Trong thư mẹ gã viết, số gã học hành dở dang, sau này với cái số của gã là…thầy bóì. Vi vậy tất cả những vốn liếng bói toán về bài tây, mẹ gã ghi lại cho gã để gã có cái cần câu cơm.

Như Bá Nha gặp Tử Kỳ, từ đó hai thằng…”giao lưu văn hóa” với nhau qua bài tây và tướng số. Từ đấy, người viết biết thêm bói bài tây kiếm chút cà phê cà pháo và nghiệm ra rằng bói toán nói chung hay bài tây nói riêng như…mì ăn liền nên chỉ nằm gọn lỏn với ba chữ tình, tiền, tài. Cái khó nó bó cái khôn của người viết “hành nghề” bói toán tay ngang là mù chớt chả biết thân chủ muốn xem cái giuộc gì.

Nên lắm khi phải nói…nước đôi. Và chuyện…nước non như thế này đây:

Ngồi đồng ở quán cà phê xem chùa cho bạn bè mãi, mãi tới một buổi có khứa ới về nhà coi cho người tình…buồn nhiều hơn vui. Chém chết đây là một chuyện tình dở hơi dở hám. Thế nhưng khổ chủ muốn xem gì mới nhức nhối. Úi chà gay đây! Nên mới có mục…nói nước đôi. Hiểu theo nghĩa là khổ chủ…hiểu theo nghĩa nào cũng được như…số cô vợ có chồng, sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai. Thường qua trải nghiệm, mỗi ông thầy có một “tay nghề” riêng để hớp hồn, hớp vía khổ chủ để có chuyện con dế nó bế con giun, con giun nó đùn con dế…cho ra chuyện. Trong cái nhiễu sự của tâm lý, tâm tình, đàn bà con gái vướng mắc vào cái lẽ thường tình là ôm anh trong tay mà đã nghĩ đến ngày sắp tới là…”xa nhau”, khổ thế đấy. Khổ chủ có gì canh cánh trong lòng có phải duyên nhau thì thắm lại, đừng xanh như lá bạc như vôi là chỉ rình rình chờ ai đó để tháo cống tâm tình, thổ lộ tâm can cho nhẹ mình nhẹ mẩy. Nhất là với…ông thầy bói.

Bữa ấy, cứ theo…tri giác thấu thị thì trên khuôn mặt lộ ra nét đào hoa nặng phần dâm tính…hồng diện đa dâm thủy thì với…tri giác ngoại cảm, những tạng người này thể nào ở nơi…thâm cung bí sử cũng có một cái nốt ruồi son. Nét mặt và nốt ruồi, qua hình tướng có cái này chẳng thể thiếu cái kia, cả hai phải “hiện hữu” để bổ ấn chứng lẫn nhau. Nhưng người viết chẳng dám đa sự, nên đành dọ dẫm. Đầu môi chót lưỡi là chữ…nếu. Nói theo kiểu huề vốn là nếu không thế này thì cũng thế kia để thân chủ chả biết đâu mà lần. Vừa ăn ốc nói mò xong với cái nốt ruồi ẩn tướng là cô gật đầu. Người viết bèn ngần ngừ cho đúng bài bản, bèn vun vén…nếu như quả cau nho nhỏ miếng trầu vôi, này của Xuân Hương đã quẹt rồi thì nên cẩn thận chuyện tiền dâm hậu thú. Chỉ đợi có vậy, nghe xong cô tuôn ra bầu tâm sự…hỡi ơi rất đời thường.

Nhưng chả lúc nào cùng ngon sơi như chó ăn trứng luộc nhờ nói dựa:

Một ông bạn mới quen nhờ xem một quẻ. Mặc dù mới quen nhưng người viết biết thừa bứa ra rằng “tài” thì ông này thuộc diện danh lợi có thừa. Ông mới tậu nhà to bằng cái đình nên “tiền” ắt hẳn là chẳng thiếu. Vì vậy chỉ còn “tình” thôi. Người viết nhẩm chừng chuyện ruồi bu của ông là…vợ lớn ông lấy lúc còn nhỏ, vợ nhỏ ông lấy lúc đang lớn. Lúc này vợ lớn lại sắp qua nên chả phải là chuyện…nhỏ.

Chả nhẽ dựa theo các cụ truyền lại rằng: tôi đã biết vợ anh rồi, quăn quăn tóc trán là người hay ghen. Người viết chả dám động tình, động não đến mười năm tình cũ mà thả mồi bắt bóng phải chăng ông có chuyện với “đàn bà”…ở xa? Vì cái bản mặt ông buồn trông thấy, buồn da diết. Cốc mò cò sơi thế nào là vừa nói xong ông ôm vai người viết và hô hoán sao…hay quá mạng. Y chang người viết nói như…trạng, rằng em gái ông ở bên nhà sắp lấy chồng, muốn ông về để chủ hôn nhưng vợ ông không chịu…Mèo mù vớ cá rán là thế đấy, sau đấy người viết bới bèo tìm bọ là ông chỉ có…một vợ thôi. Thế thôi, thưa bạn đọc.

***

Bạn đọc chép miệng chuyện bói toán của người viết hơi rối và khúc mắc. Lại nữa chả nhẽ thầy bói nói dựa mãi ư? Thế nên mới có chuyện…rối rắm dưới đây:

Sau khi vợ nhà người viết mất được hai, ba năm thì lần mò đi xem bói gặp một anh chuyên về tử vi. Thấy anh mới qua và đang tìm chỗ để hành nghề, trong khi cửa nhà đang trống trải vì vậy người viết níu kéo anh về “share phòng” cho có bạn. Đột nhiên tư gia người viết đột biến chuyển thành…“Văn phòng tử vi đẩu số”.

Anh nguyên là giáo sư trung học ngoài Quy Nhơn và có một trí nhớ thật lạ kỳ, điển tích đông tây anh luận đâu ra đấy, có bài vở lớp lang nên rất hấp dẫn người nghe. Khoảng thời gian trong trại cải tạo, anh học được môn tử vi qua bạn tù, học để giết thì giờ thế thôi, cũng may anh bị liệt nửa người nên được về sớm. Suốt ngày anh nằm trên giường nghiên cứu tử vi đẩu số với ý định sau này làm kế sinh nhai. Càng đi sâu vào tử vi, anh càng rối như canh hẹ vì cả trăm thứ sao như thiên la địa võng nên cuối cùng anh đành bỏ cuộc.

Ngày nọ, bạn kéo tới nhà dùng cơm, gặp một người khách nhờ anh xem dùm lá số cô con gái nhỏ. Xem lá số xong, anh ậm ừ với khách theo anh thì cô nhỏ này đã mất nên có gì đâu mà xem. Anh còn khẳng định em nhỏ mất ở sông rạch. Bấy giờ ông khách kia xin lỗi vì muốn thử xem tử vi đẩu số của anh đến đâu. Cũng chuyện này anh tự tin và tiếp tục nghiên cứu trăng sao mây trời tiếp.

Với định mệnh tại thiên thư, một ngày người viết nghĩ đến chuyện mai này lỡ khọm. Nói dại chứ chẳng may bị…trúng gió, thì cũng nên cần có người…nắm chân, nắm tay chứ. Đất sinh cỏ, già sinh tật, thế là bổ nháo bổ nhào đi kiếm vợ.

Chuyện là may quá là may gặp ngay…người cũ, em gái của thằng bạn cổ xưa. Gặp lại nhau cả một thời gian dài, hai lần cô đem con về ở với người viết để tìm hiểu dấm dớ bờ bụi để lũ nhỏ làm quen với nhau, tránh cái nợ đời là con em con anh đánh con chúng ta. Lo toan chuyện đám cưới, đồ đạc trong nhà mua sắm đâu vào đấy, thiệp cưới đang sửa soạn in, danh sách bạn bè, thân bằng quyến thuộc cũng nhét vào sổ nợ đời. Nhân dịp này anh bạn “share phòng” lấy cho mỗi người một lá số và chỉ nhớ mài mại anh giải rằng người viết tuổi thân, mạng mộc, thân có thiên di. Còn cô tuổi sửu, mạng thủy. Thân hay mạng cũng chả nhớ nữa, có thiên việt, thiên khôi với thư, kinh, đường, phú. Nhưng cả hai, người viết và cô đều có chung sao hồng loan, đào hoa chiếu mệnh. Riêng cô thì đào hoa, hồng, hỷ, hội ở cung phu, nhưng bị mấy cái sao quái quỷ gì ấy dường như là thiên riêu, thiên hình hay tam thai, tam hợp thế nên mệnh khắc số…Anh còn bàn thêm, cô tuổi trâu, mạng thủy, thế nên đôi chân in dấu số phận, dấu vết số phận lấm tấm như lệ ứa, đôi chân biết khóc, luôn dầm trong nước, “ướt” nửa đời người…

Anh lắc đầu luận rằng nếu ngày mai có làm đám cưới cũng không thành. Và tiếp: sau này cái gì đến nó sẽ đến bất ngờ và nhanh đến trở tay không kịp. Anh còn diễn tả người sắp xuất hiện hình dáng như thế này…như thế này…

Bạn đọc loáy nhoáy rằng nghe lạ! Chuyện gì mà trở tay không kịp? Và chuyện là như sau đây, là một ngày…Ông anh họ tới ngỏ ý làm mai làm mối. Cứ như theo ông anh họ thì nhà có hai chị em mới từ bên nhà qua. Và ông nhắm vào cô chị cho người viết vì các cụ ta xưa đã dậy con chị nó đi, để con dì nó lớn.

Người viết nghe như gió thoảng mây bay vì lớn, nhỏ chả dây mơ rễ má gì đến mình, và ngán ngẩm nhất là chuyện làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu. Từ ngày vợ nhà đi vào cõi tịch mịch, kiểm điểm lên bờ xuống bụi với người đi qua đời tôi đếm trên đầu ngón tay cũng có nhăm ngón dài, ngón ngắn chứ ế ẩm gì cho cam. Trở lại mai mối, loáng thoáng bắt được câu nói từ Việt Nam “mới” qua nên người viết đi cho biết vậy thôi. Rất thật, đi để tiêu pha thời gian trống trải buồn như trấu cắn, nhất là những ngày cuối tuần. Buổi sơ ngộ, lót đót thế nào người viết quên tuốt chuyện coi tướng là nghề của chàng với…xấu đẹp tùy người đối diện. Thế nên cứ nhè cô em kém cô chị một tuổi mà chiếu tướng, quên béng cô chị đang thong thả ngồi ngay ở trước mặt. Trời đi vắng hay sao ấy, những câu ca dao của các cụ dặn dò qua cô chị như những người thắt đáy lưng ong, đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con người viết cũng quên tịt và ngó lơ mới rõ khổ. Ba tháng sau, đang lân la với cô em để tìm hiểu kiểu tìm hiểu dấm dớ bờ bụi thì bà cụ của người viết mất nên hộc tốc làm đám cưới chạy tang nên…trở tay không kịp là vậy.

Sau đám cưới, giữa đêm khuya thanh vắng, nghe vợ mới kể chuyện….mới đốn ngộ ra là giầy dép còn có số nữa huống chi…người.

Nửa đêm về sáng, người thủ thỉ tích Giáng Kiều gặp Tú Uyên cả hơn 20 năm trước. Những buổi chiều tan trường về người nhiều lần theo mấy cô bạn học đi coi bói ở đường Lý Trần Quán. Ông thầy thấy đến mà không xem nên hỏi nguyên do. Người thực tình thú thực nhà bo bo từng bữa, chuyện xem bói để đi chui, vượt biên là chuyện xa vời. Nghe vậy ông thầy xem dùm một quẻ lấy thảo. Theo người thì lúc ấy, nghe mà chán chường, theo quẻ bói ông dậy thì…”Số cô trước sau cũng xuất ngoại, sau đó lập gia đình với một ông…góa vợ, có con, cơ ngơi đã có sẵn. Ông này hiền như…đất và và thật thà như…đếm.

***

Những khi trong kiếp lai sinh, rằng tha nhân thường sống bằng vào một cõi khác. Như người viết chẳng hạn. Một ngày rong ruổi trong cõi nhân gian, nào có khác gì chuyện gió cưỡi mây, lên thác xuống duyềnh, mò trăng đáy nước thì người viết gặp cái duyên với bói toán như người tình khói thuốc mê hoặc đến mụ người. Thêm nữa, học thói thầy Trang Tử, con cóc ngồi dưới đáy giếng làm sao biết trăng sao trên trời. Con bướm không sống qua một mùa đông, làm sao biết hết được chuyện đời nó. Thôi thì chẳng biết nói gì hơn là cái duyên bói toán với người viết là như vậy đấy, chỉ có bấy nhiêu và không hơn thưa bạn đọc.

Thạch trúc gia trang

(viết xong năm 2001

viết lại năm 2012)

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search