T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Tù khúc – dấu ấn một thời bi tráng.

Dĩ vãng dù có quên nhưng niềm đau vẫn âm thầm đọng lại. Qúa khứ dù có xa nhưng vẫn quay lai khi còn những tư liệu vật thể để chứng minh . . . Những vết sẹo tiềm ẩn của một thời xã hội nhiễu nhương sau 30 tháng tư vẫn là đề tài muôn thuở dù nhân chứng có muốn quên, dù những kẻ chủ mưu muốn xóa thì lịch sử tự nó theo dòng chảy của thời gian vẫn bảo lưu và công bình đánh giá.

Nói đến tư liệu vật thể, không có hình thức nào vượt trên loại hình văn học nghệ thuật. Thơ văn nhạc họa đã góp phần khắc họa sinh động những biến động của lịch sử và hệ lụy của nó, tôi muốn thu hẹp vào sự trả thù bỉ ổi nhất mà cộng sản đã nhắm vào các sĩ quan và nhân viên chế độ VNCH sau chiến tranh. Rồi cứ mỗi năm người ta lại nhắc nhớ tội ác này, và năm nay lần dầu tiên sau 37 năm kỷ niệm tháng tư đen đã rộ lên một việc làm nhằm góp nhặt và phục hồi các bản tù ca hay những tù khúc một thời đươc chính các nhân chứng sáng tác trong tù trong suốt hơn 12 năm lao động khổ sai từ những trại tù rải rác trải dài theo dọc Hoàng liên Sơn , lan qua miền Trung du các tỉnh phía Bắc, tụ lại nơi rừng rậm hoang vu các tỉnh phía Nam, kể cả trên những con đường chuyển trại từ bắc xuôi nam, trên lối về xa lạ khi được thả về từ cõi chết.

Đáng chú ý là công khó của một nhóm cựu tù đã thực hiện chuyên mục này mà nhà văn T. Vấn với sự góp sức của một số bạn bè giàu kỹ năng cùng chí hướng đã dùng công cụ đầu tầu của mình là trang mạng T.Vấn & Bạn Hữu làm điểm hẹn cho mọi nguồn góp nhặt để sau đó tập hợp lại, minh họa bằng tranh, đánh máy ca từ, thu âm phần nhạc, post lại ký âm, đặc biệt còn kèm theo giai thọai xuất xứ  của từng bài hát trong quá trình và động cơ sáng tác đã được ghi lại hết sức xúc tích, trung thực, độc đáo do chính tác giả  cung cấp hoặc người thân bạn bè còn sống sót đại diện thuật lại.

Nhìn lại  chặng đường kể từ ngày phát động đến nay tạm khép lại vừa tròn 5 tháng. Hơn sáu mươi ca khúc đã được tìm lại và post lên , nhiều bài viết và cảm nhận cho từng ca khúc hoặc  chuyên mục nói chung đã được truyền thông hải ngoại ưu ái quảng bá, nhiều điện thư phản hồi, đón nhận, khích lệ từ phía độc giả thính giả trong ngòai nước được gửi về cho nhóm thực hiện, nhiều nhạc sĩ  tác giả sáng tác, nhiều ca sĩ chọn hát tù ca, trong đó có cả những tiếng hát tên tuổi chuyên nghiệp, nhiều thi sĩ , họa sĩ , trong đó các tác phẩm tù ca được viết một thời. Một trùng hợp lý thú là nhóm công tác văn nghệ của đài RFA cùng khởi xướng và cho phát thanh nhiều tù khúc trong dịp phát động tìm lại dấu tích những tiếng hát một thời bi tráng góp phần làm chuyên mục càng được phát tán rộng rãi trong tâm vóc cao hơn xa hơn.

Nói về cảm xúc khi có dịp nghe lại từng ca khúc với lời ca rành rọt ray rứt, với nét nhạc bi tráng bâng khuâng, pha quyện với giọng hát vừa chuyên vừa không chuyên của những người còn đang sống hay đã chết, mỗi người trong chúng ta dù là người trong cuộc đã một thời là nạn nhân hay những người ngoài cuộc nhưng cũng có những bà con anh em bạn bè bị cuốn trong cơn lốc, tất cả đều gặp nhau trong tâm tình của những người đồng cảm, xót thương cho thân phận những kẻ bị tập trung và ngược đãi trong chốn tù ngục mà một nhà thơ đã khái quát là nơi “ không có cuộc đời, không có lòai người, không có mặt trời “ khi ông đã viết tặng cho những người hát tù khúc giờ đây đã thành người thiên cổ. Chính vì vậy mà nhiều độc giả thính giả từ lâu chưa biết đến TV&BH nhưng thông qua sự phổ biến và ân cần giới thiệu của truyền thông hải ngọai đã sốt sắng vào thăm trang nhà gây tình trạng quá tải về kỹ thuật mà chủ biên cũng khôn g lường trước được khi ngỏ lời xin lỗi và phục họat kịp thời là hài lòng khách viếng bốn phương.

Theo tôi được biết người chủ biên chỉ tiếc một điều lẽ ra việc này nên khởi sự từ lâu, nhất là từ khi có những thuận lợi kỹ thuật qua internet,  chắc là kết quả sẽ khá hơn vì nguồn tù khúc sáng tác sẽ không bị mai một hoặc thất lạc vì nhiều tác giả đã đi vào yên nghỉ khi tuổi đời và sức khỏe do hệ lụy của những ngày lao cải làm họ sớm giã từ bạn bè đồng đội một thời cùng chiến hào, một thời cùng tù cùng trại. Anh cũng cho biết việc góp nhặt bảo tồn lưu trữ cần được tiếp tục dù thế hệ anh em chúng tôi có qua đi nhưng việc làm dang dở cần được quan tâm và nối bước.

Nay chuyên mục dù có tạm khép lại nhưng dấu ấn của những tù khúc và phong trào tù ca sẽ còn âm vang và tồn tại chừng nào người ta còn hoài niệm về tháng tư đen (một tháng oái oăm chỉ có 29 ngày nhưng lại dài tới 31 đêm như một ca khúc đã viết ) , một khi còn những nghệ sĩ vẫn cất cao tiếng hát trong những Ban Tù Ca ( tỷ như BTC Xuân Điềm ), khi còn những cuộc họp mặt cựu tù cựu binh hải ngọai hàng năm hàng tháng, còn những thế hệ hậu duệ vẫn tiếp nối truyền thống cha ông của một thời bi tráng thì người ta vẫn không thể nào quên những khúc hát oan khiên viết từ các trại tù cải tạo và coi nó như dấu ấn vật thể không thể nào phai về một thời nhiễu nhương hiếm thấy trên một đất nước vốn dĩ hay có những chu kỳ hận thù chia cắt.

Đỗ Xuân Tê

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search