T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 32)

Vô…dô…

Từ thời nhà Nguyễn có cuộc di dân “vào” miền Nam. Tiếng “vào” của người miền Bắc được kêu là “vô”. Thực ra tiếng “vô” là thổ ngữ của người Mường thượng du Bắc Việt’

Và người miền Nam đọc “vô” là “dô”.

Chữ nghĩa tiếng Việt

Tại sao trong văn hoá người Việt, người ta tính thứ tự trong gia đình từ số 2 mà không phải số 1? Chính xác là ở miền Bắc người con đầu lòng gọi là anh Cả, chị Cả, miền Trung, miền Nam thì con đầu là anh Hai, chị Hai…

“Cả” là tiếng Việt thuần túy, có nghĩa là to lớn (cả gan, ao sâu nước cả, ông cả, cả vú lấp miệng em), bao gồm hết (cả thảy, vơ đũa cả nắm, cả đời lận đận). Người miền Bắc gọi người con lớn nhất là anh hoặc chị Cả, người kế tiếp gọi theo thứ tự số đếm là anh hoặc chị Hai, Ba..v..v…

Đối chiếu với cách gọi của người Tầu thì thấy cách gọi của người miền Bắc giống y như vậy. Tầu có hai tiếng chung để gọi. Nếu là anh trai, em trai thì gọi là ca ca, đệ đệ còn chị gái, em gái thì gọi là tỷ tỷ, muội muội. Người miền Nam không dùng tiếng “Cả” mà lại bắt đầu bằng thứ tự Hai, Ba, Tư, v.v…

Ở miền Nam, khi bị Pháp chiếm làm thuộc địa, cơ quan cai trị ở mỗi xã miền Nam được gọi là Hội Đồng Tề, trong đó người đứng đầu được gọi là Hương Cả. Nếu gọi người con lớn nhất là Cả, thí dụ: “Thằng Cả đâu, vô đây biểu” thì vô tình đã gọi trùng với tên Hương Cả. Điều này có thể bị kết tội phạm húy. Vì vậy, người miền Nam tránh tiếng Cả mà gọi người con lớn nhất là anh Hai hoặc chị Hai.

(Wikipedia)

Phu chữ

Chữ Lê Đạt hay dùng. Theo Lê Đạt hiểu theo nghĩa là người sống với ngôn ngữ, thao tác trên ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm lương thực trần gian.

Phu chữ là người sống bằng ngôn ngữ, xem ngôn ngữ là lẽ sống.

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Hoàng Cầm trong bài thơ Lá Diêu Bông mở đầu bằng câu: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” vậy thì “Váy Đình Bảng là gì? Váy có nhiều loại như:
Váy kép: Váy hai lớp, lớp ngoài vải nhẹ mỏng, lớp trong dầy thô.

Váy đùm: Váy buộc túm lại để làm việc đồng áng.

Váy đụp: Váy đằng sau vá thêm một miếng vải dầy mặc co bền.

Váy cửa võng: Phía trước chùng xuống mép gấp cong cong. Phía sau hếch lên, chạm mu bàn chân.

Cửa võng tên gọi phần trang trí chạm khắc trên gác lửng hay sạp thờ trước khu vực thờ chính của đình làng. Cửa võng là một lớp riêng tách ra khỏi gác lửng, còn được gọi là y môn.

Cửa võng tiêu biểu nhất là làng Đình Bảng.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Làm trai cờ bạc rượu chè

Vợ có lè nhè ta ghè nó luôn

Lý chiều chiều
Chiều chiều ra đứng Tây lầu Tây
Tây lầu Tây, thấy cô tang tình gánh nước
Tưới cây tưới cây ngô đồng
Xui ai xui trong lòng, trong lòng tôi thương
Thương cô tưới cây ngô đồng

Ngô đồng : Cây cao, vỏ nhẵn, khi non màu lục xám, khi già màu nâu xám. Chồi hình cầu, phủ lông màu nâu. Lá đơn mọc cách, phân 3-5 thuỳ chân vịt, các thuỳ không có răng cưa, mặt dưới có lông mềm hình sao. Cụm hoa hình chuỳ, dài 20 cm, lông tơ ngắn. Hoa đơn tính mẫu 5, màu vàng, hoặc vàng trắng. Quả nang gồm 5 lá noãn, lá mở ra trước khi chín. Lá noãn mỏng, có hệ gân mạng lưới, có lông hình sao mang 4 – 5 hạt dính ở mép, hạt hình cầu, to bằng hạt đậu, màu nâu vàng có vân.
Cây mọc nhiều ở Việt Nam, Tàu. Ở Việt Nam, cây mọc trong các rừng rậm thường xanh mưa mùa nhiệt đới. Thường gặp ở rừng thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá. Cây ưa sống ở những vùng có núi đá vôi, nhưng trên đất chua hoặc trung tính cây cũng có thể sống và phát triển được. Cây ưa sáng, khi non sinh trưởng nhanh. Hệ rễ trụ ăn sâu. Gây giống dễ dàng bằng hạt. Mùa hoa tháng 5-6. Mùa quả tháng 8-9. Gỗ màu trắng vàng, nhẹ, thô, có vân, có thể xẻ ván đóng hòm và làm nhạc cụ. Gỗ có thể dùng làm nguyên liệu giấy. Hạt có dầu, dùng đốt đèn, làm xà phòng và làm thuốc.

(ĐatViet.com)

Thuật ngữ

Thuật ngữ – Theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh (1931): Những danh từ dùng riêng về các môn khoa học hay triết học hoặc đạo thuật.

Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (1988): Từ ngữ biểu thị một khái niệm xác định thuộc hệ thống những khái niệm của một ngành khoa học nhất định, còn gọi là danh từ khoa học, chuyên ngữ, chuyên danh, thuật ngữ học, thuật ngữ văn học.

(Phụ chú: Nghe “ngúc nga ngúc ngắc” làm sao ấy! Sao không gọi là chữ nghĩa của…ảo thuật?)

Chữ nghĩa với cỏ cây

Như cơm chỉ, thấy mặt đặt tên như cà dái dê, cây đậu phọng, cây bã đậu, cây phượng (lá giống đuôi lông chim phượng), cây điệp (hoa giống cánh bướm), cây tăm sỉa răng (gỗ để làm tăm sỉa răng), cây trứng cá (không có trứng cá)…v…v…

Và không có nghĩa gì cả như cây mù u, cây sầu đông, cây sầu riêng, cây thúi địt, cây gạo, cây cơm nguội, cây chó đẻ…v…v…

 

Bình Khang

Tên một phường ở Trường An đời Đường. Chỉ nơi ở của các kỹ nữ, các tân khoa tiến sĩ thường đến đó chơi. Sau thêm những từ “xuống xóm” hay “hành lạc”

Hai chữ “hành lạc” từ câu thơ của Nguyễn Công Trứ:

Nhân sinh bất hành lạc

Thiên tuế diệc vi thương

Hành là trải qua, lạc là thú vui. Hiểu nghĩa là “sống ở đời không biết hành lạc, dù có sống nghàn năm cũng như đồ bỏ”. Hay thời thượng như “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt – Còn hơn là le lói cả trăm năm…”

Với các cụ xưa, “hành lạc” không có nghĩa nghiêm túc nào khác hơn là…hành lạc.

(…Phỏng theo Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải)

Văn hóa ẩm thực: Cơm niêu, nước lọ

Hà Thành vào khoảng năm 1938-1940 có ba nơi bán “cơm niêu, nước lọ”. Một ở phố Hàng Giầy, Hàng Giấy và phố Đinh Liệt sau nhà Hát Lớn Hà Nội. Nơi bán không có cửa hiệu, khách vào không người chào đón, thường thì lầm lì quẳng vào chiếc mẹt 7 hào rồi tự động lấy ra một khẩu phần “cơm niêu, nước lọ”.

Tất cả đặt trên một cái mẹt, đường kính khoảng 20cm. Khách có mẹt thức ăn, rồi tự tìm lấy mảnh chiếu nhỏ ngồi. Suất ăn trên mẹt gồm có một niêu cơm nhỏ, một cái đũa cả ngắn, một đôi đũa nhỏ, ngắn kiểu đũa ăn rượu nếp và 4 cái chai nhỏ chừng độ 20ml, mỗi chai đậy kín bằng nút bấc.

Trong niêu nhỏ có hai bát cơm được thổi sẵn trong nồi lớn. Cơm được thổi bằng gạo tám thơm và tám xoan, mỗi loại gạo chiếm một nửa, vì gạo tám thơm có vị thơm đậm đà, nhưng gạo tám xoan có vị thơm nồng nàn. Cơm được đong vào niêu, ở giữa là thức ăn gồm: Một miếng thịt bò chiên, một miếng thịt gà mái có da vàng ngậy, một miếng thịt lợn rán có đủ bì, mỡ và nạc, một miếng gan lợn xào, một dúm trứng cáy hoặc tôm bóc nõn luộc, hai cái nấm rơm hay đông cô, một cánh mộc nhĩ (nấm tai mèo)…Tất cả được rưới lên một chút nước sốt đậm có hồ tiêu.

Cơm gói các món ăn vào giữa. Chiếc niêu được gói một tờ giấy bản, rồi đậy nắp vung lên, lèn thật kín và được hâm cách thủy. Bốn chiếc chai nhỏ đặt trên mẹt đựng bốn thứ phụ cho bữa ăn. Chúng gồm một lọ nhỏ nước mắm cà cuống, một chai nước canh, một chai đựng rượu ngang và chai đựng nước trà.

Khách ăn dùng chiếc đũa cả đập vào cái niêu Thổ Hà mới toanh một cái “bốp” Chiếc niêu vỡ ra. Bữa cơm bắt đầu. Ăn uống xong, khách lẳng lặng bỏ đi, phủi bụi quần, mục thị vô nhân, rồi lại nhập vào phố xá ồn ào. Thực ra, bữa cơm này còn đắt hơn đĩa cơm rang thập cẩm ở nhà hàng Mỹ Kinh tại phố Hàng Buồm chỉ trả có 3 hào.

Cơm niêu (không nước lọ) bây giờ chỉ có cái niêu bằng đất nung trong có cơm gạo thơm thường, khi ăn thì rắc thêm muối vừng (mè) vào. Và chỉ có vậy.

Truyện chớp – Nhanh

Thời gian qua nhanh đến độ khi vừa kịp nhận ra mình không còn trẻ nữa thì hắn đã già; (và chưa kịp nhận ra mình đã già thì hắn đã vĩnh viễn chẳng còn nhận ra gì nữa cả).

 

Hoa nở…

Nếu cụ Nguyễn Du có câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thì Tầu cũng có hai câu thơ cổ gần như tương tự “Đản sầu hoa hữu ngữ – Bất vị lão nhân khai”.

Hiểu theo nghĩa là “Nếu như biết nói, thì hoa sẽ buồn bã trả lời rằng hoa không muốn nở vì ….ông già”

(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)

 

Thông loại khóa trình

Gia Ðịnh Báo, kể từ số 6 có Thông loại khóa trình (Juillet 1888) có các bài văn vần, gọi là diễn Nôm của Trương Minh Ký làm để giải nghĩa các câu chữ Nho. Về nội dung gồm:

Dạy chữ Nho (chữ Hán), dạy chữ Pháp (thời bấy giờ gọi là Phang sa hay Lang sa), giảng nghĩa về luân lý, khảo cứu về thi ca, phong tục. Sau đây là bài trích dẫn:

Hát Nhà Trò

Hát nhà trò là tục ngoài Bắc vô tới Nghệ-An, Hà-Tỉnh sông Gianh. Tại kinh thành Huế cũng có mà là đào ngoài Bắc rước vô dùng tại triều. Ngoài Bắc hễ khi có đám-tiệc, hội-hữu, hôn-tế, kì-yên, chạp-miễu, thì thường có hát nhà trò. Tùy theo ý chủ muốn, có khi kêu một đào một kép, có khi hai, có khi năm bảy hay là nhiều hơn mặc ý mình. Trải chiếu dưới đất, đào ra ngồi hát đó, kép cầm đờn đáy gảy ngồi lại một bên.

Thường đào là con-gái có xuân-sắc, chuyên tập nghề xướng-ca, ngâm-nga, múa hát, bắt-bộ v.v. tục kêu là cô-đào (đàu B). Tay cầm quạt tay cầm sanh nhịp, miệng hát nhiều cung bậc giọng thấp cao ngân-nga hay và êm tai lắm.

Hát thì hát những là Ca-trù, hoặc giậm Thúy-kiều, Tần cung-oán, Chinh-phụ-ngâm, thơ phú hoặc kể truyện. Có người đánh trống nhỏ cầm chầu hoặc là chủ đám, hoặc là người chủ nhường mời. Hát cũng có khi đứng khi ngồi, khi múa tay, bắt bộ. Lại có khi bắt đào quình tương rượu cho khách, là bắt tay bưng chén rượu, chơn bước khoan- thai, miệng hát câu chi cho tình ưa ý khuyên mời khách uống, đem lại dâng đưa vô tới miệng.

(Huỳnh Ái Tông – Báo chí)

Chữ nghĩa với cỏ cây …

Hỏi : Cây được nhiều người ôm nhất là cây gì?

Đáp : …Cây đàn.

Ngộ Không

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search