T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Có Bích Huyền, Ta luôn có một “mùa cũ êm vui”…

Đào Đại Dương –

 

Ta luôn tìm kiếm điều gì đó có thể biến mỗi ngày bình thường thành những ngày thật đẹp…

Trong đời sống, có đôi lúc một ánh mắt, một nụ cười cũng làm chúng ta xao xuyến, có đôi khi một giọng nói, một giọng đọc cũng làm chúng ta bâng khuâng, cũng gieo vào lòng người những tình cảm thương yêu trìu mến, gần gũi và tin cậy.

Bích Huyền là một giọng nói, giọng đọc như thế. Giọng nói thật êm dịu, thật ấm áp và ngọt ngào qua các chương trình văn học nghệ thuật gửi đến thính giả trong và ngoài nước hàng tuần trên các làn sóng phát thanh trong suốt nhiều năm qua. “Câu chuyện thơ-nhạc” của đài tiếng nói Hoa Kỳ, hay “Một thoáng hương xưa” của đài Chân Trời Mới, những cái tên quen thuộc như tên người phụ trách các chương trình được trông đợi hàng đêm ấy.  Bích Huyền lâu nay vẫn miệt mài gìn giữ cho “hương sắc Việt” không nhạt phai theo năm tháng, không chìm khuất trong lãng quên.

Hãy một lần tìm lên ngọn đồi cao, nhìn xuống thành phố bên dưới khi lên đèn – mỗi ngọn đèn là một căn nhà, một gia đình nho nhỏ!  Ta tự hỏi họ đang làm gì trong căn nhà – Họ đang ăn cơm chiều?  Hay là đang cùng nhau nghe một chương trình ra-đi-ô do Bích Huyền thực hiện… Tất cả những trạng thái, hình ảnh ấy đều đưa ta vào với cõi lòng bao dung hơn, độ lượng hơn…Ta đang có cái hạnh phúc của Người được trở về…Về quê xưa để ngồi lại dưới chân cầu sóng vỗ nhìn dòng sông đời mình êm đềm xuôi chảy. Về quê xưa để ngồi lại trên thềm nhà cũ, lắng nghe những cảm xúc, lắng nghe những thoáng hạnh phúc trong tiếng mưa rơi từng giọt, từng giọt trên những bậc thềm xưa. “Huế – Sài Gòn – Hà Nội”, những bài hát, bài thơ hoài niệm về một dĩ vãng xa xôi, một quê hương biền biệt, bao giờ cũng làm người ta bâng khuâng tiếc nhớ những ngày vui mơ hồ.

Kỷ niệm – với Bích Huyền – là một món quà bất ngờ…Qua Bích Huyền, qua “Thềm Xưa” và những “Thềm Xưa” – Ta như được lời nhắn nhủ ngọt ngào:  Chỉ cần biết tiếp nhận tình Người, thì ở đâu, Ta cũng có thể sống sâu sắc, không lưu lạc nữa …

.oOOo.

Chúng tôi, từ Biển Media & Arts, trong một buổi chiều muộn, đã gặp gỡ và thực hiện cuộc phỏng vấn dưới đây với Bích Huyền. Xin trân trọng sẻ chia đến cùng quý vị:

Quay lại với hơn 15 năm gắn bó với VOA trong các chương trình “Một Thoáng Hương Xưa” và rồi “Câu Chuyện Thơ Nhạc” trên các đài Radio Bolsa 106.3 FM (tại Nam California) và Chân Trời Mới, hôm nay, một ngày tháng Chín, chớm Thu thôi, Bích Huyền thấy rằng những đóng góp văn hoá, phát thanh của mình đã đạt được những điều thuở ban đầu đưa ra chưa ạ? Lẽ yêu thương lớn nhất chắt lọc từ hơn 15 năm gắn bó với phát thanh của Bích Huyền là gì ạ?

Bích Huyền: Mong ước của Bích Huyền ở thuở ban đầu thật đơn giản, nhẹ nhàng: chỉ là đem niềm vui đến cho thính giả nguời Việt qua những bài nhạc, bài thơ va những câu chuyện văn học, nghệ thuật để phần nào quên đi gánh nặng cơm áo thường ngày, hoặc nỗi buồn tha hương của nguời Việt sống xa quê. Vâng, nhẹ nhàng như thế mà thôi nhưng không ngờ ch/trình lại được đón nhận một cách nồng nhiệt ngay một vài tháng bắt đầu, Bích Huyền đã nhận được những lá thư từ Sài Gòn gửi về Đài. Khi đó thư từ Việt Nam gửi sang Mỹ giá cước phí đắt lắm. Nhưng nhiều thính giả đã góp tiền gửi chung một lá thư. Trong đó có những nhạc sĩ từng làm việc trong Đài Sàigon, đài Quân Đội ngày xưa (như nhạc sĩ Lê Đô). Còn ở quận Cam, thính giả chờ đợi đón nghe, thu vào tape. Khách phương xa về thăm nhờ người thân thu lại…Thật cảm động và cũng từ đó chăm chút nhiều hơn bằng cách nghiên cứu, tìm hiểu làm sao cho nội dung ch/trình mỗi ngày một mới, một xúc tích, nhất là một…quyến rũ.
Không gì quý hơn là tình cảm thuơng yêu của Bích Huyền đối với thính giả của mình, và tình cảm thương yêu mà Bích Huyền nhận được từ quý thính giả.

Sao chỉ là nhẹ nhàng thôi, 15 năm qua, nhiều chương trình thực hiện ở quá khứ, thính giả của Bích Huyền vẫn còn nhắc, hoặc “sống tìm”? Nhiều chi tiết, rất cặn kẽ, họ vẫn nhớ y nguyên… Vì sao vậy?

Bích Huyền: Những chủ đề Văn học nghệ thuật là những gì mà Bích Huyền yêu thích, phải nói là “say mê” từ thuở còn đi học, nắn nót chép từng câu thơ, câu văn hay và nâng niu gìn giữ đến tận bây giờ. Sau này lại dạy môn Văn nên càng yêu hơn và có nhiều giây phút sống trong dòng thơ dòng văn lãng mạn trữ tình. Có thể nói nhìn chung quanh đâu cũng thấy thơ văn…Và từ không gian đó khi ngồi trước micro nói chuyện” cùng thính giả, Bích Huyền cảm thấy gần gũi, dễ dàng, có cảm tưởng như đang ngồi nói chuyện với nhau mà thôi. Rồi có lẽ vì nội dung của các chuơng trình này đáp ứng sự trông đợi và tâm tư tình cảm và nhất là kỷ niệm của quý thính giả, cũng như những mất mát to lớn kể từ cơn hồng thủy 1975, nay có người nhắc lại… Cho nên chương trình Thơ Nhạc mỗi đêm thứ sáu được thính giả Việt Nam -nhất là Sàigon trông đợi, đón nhận chăng?!

Điều gì trong cuộc sống, kích thích cảm xúc của Bích Huyền để vun xới tới những chủ đề của chương trình rồi thực hiện chúng? Có cần phải theo trào lưu khán giả, hoặc đặt hàng từ quý đài không ạ?

Bích Huyền: Song song với những giờ phụ trách về Văn Học Nghệ Thuật, Bích Huyền còn giữ phần Tin tức sinh hoạt Cộng đồng cũng như Phỏng vấn nhân vật cho nên hay đi ra ngoài nhiều. Qua đó có nhiều dịp tiếp xúc với nguời Việt ở quanh mình, cũng như đi Tiểu bang xa –theo lời mời của địa phương…cho nên Bích Huyền hiểu được phần nào những nhu cầu trong đời sống tinh thần của đồng hương mình, nhờ vậy Bích Huyền cố gắng… dọn ra các món ăn hợp khẩu vị để mong đáp ứng được phần nào các nhu cầu ấy.
Nói “trào lưu” thì không hẳn đúng, nhưng là “tâm tư tình cảm” của nguời Việt mình. Về phỏng vấn nhân vật đôi khi theo yêu cầu của Đài (chẳng hạn những dịp bầu cử Tổng thống, dịp 911…) Riêng về Thơ Nhạc tuyệt đối không bao giờ có chuyện “đặt hàng” của bất cứ ai
.

Văn – Nhạc – Thơ và đời sống – cứ quấn quýt với nhau trong các chương trình Bích Huyền thực hiện! Chúng là tất cả, là tất yếu đấy chứ! Này nhé, riêng với Nhạc thôi, xin hỏi, theo Bích Huyền: Âm nhạc có biên giới không? (Ý cháu muốn hỏi là giữa âm nhạc trước và sau 1975 hoặc âm nhạc hải ngoại và trong nước đấy ạ.)
Bích Huyền: Như chúng ta vẫn nghe nói: “Âm nhạc không biên giới”. Âm nhạc nào đi vào lòng người, gọi là “chạm đến trái tim” người yêu nhạc; và hơn thế nữa, mang con nguời lại gần với nhau, thì âm nhạc đó là âm nhạc đích thực.

Thính giả “trong nước” đối thoại với các chương trình Bích Huyền thực hiện như thế nào ạ ? Hẳn, là người thực hiện và thâu nhận nhiều liên lạc, thư từ, emails – Bích Huyền chia sẻ vài nhận xét về tư duy họ, sự chấp nhận hay “chống đối” nếu có từ họ ạ …Khán thính giả từ trong nước có bao giờ là lý do Bích Huyền cho ra đời thêm nhiều chủ đề chương trình nữa không?

Bích Huyền: Nhờ cái “không biên giới” đó mà trong quá khứ Bích Huyền nhận được nhiều những tape, CD nhạc ở khắp mọi nơi kể cả Hà Nội Sàigon và một số tỉnh nhỏ thuộc miền Nam (khi sự giao thiệp còn khó khăn hạn chế, thính giả vẫn cố gắng tìm cách gửi ra hải ngoại tới Bích Huyền, không như thời đại Internet bây giờ sự liên lạc dễ dàng nhanh chóng quá.)Và phải kể đến những món quà từ quê hương vượt đại dương, đặc sản mỗi miền khi nơi đây còn hiếm hoi. Điều thú vị nhất là Bích Huyền có quyền được phát trong chương trình của mình những bài tình ca rất hiếm, rất đẹp của các nhạc sĩ trong nước như Việt Anh, Lê Quang, Phú Quang, Trần Tiến…, phát thanh những tiếng hát ở trong nước mà không bị ngăn cấm hay chống đối như Lê Dung, Ánh Tuyết, Ngọc Tân…từ những năm đầu của thập niên 1990.

Nhờ cái “không biên giới” đó mà Bích Huyền được các bạn thính giả học sinh, sinh viên trong nước cảm nhận được lén lút chờ nghe trong ký túc xá sinh viên, có những em vẫn còn liên lạc cho đến bây giờ dù đã là Tiến sĩ, đi dạy, đi làm. Bích Huyền lại còn được các bậc thi sĩ, nhạc sĩ thời tiền chiến đón nghe và những lá thư “mang ơn” thơ văn của họ đã được sống lại khi BH nhắc đến trong chương trình, những thơ văn bị chết một cách tức tưởi sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm mà cho đến sau 75 kéo dài đến đầu thập niên 1990 vẫn còn truyền miệng … Những câu hỏi phỏng vấn, câu trả lời phải viết tay, gửi qua bưu điện.

Ngày trước, khi chưa có internet, Bích Huyền nhận được không ít thư từ của thính giả gửi đến các chương trình mà Bích Huyền phụ trách. Về sau này, số thư ít đi, nhưng con số những e-mail gửi về Bích Huyền thì ngày càng nhiều hơn, có lẽ vì phương tiện liên lạc thuận tiện và dễ dàng hơn. Các chủ đề Bích Huyền thực hiện thường huớng về đối tượng thính giả ở cả trong và ngoài nước. Nói chung, thính giả đều bày tỏ lòng yêu quê hương, đất nước và yêu những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình. Thật may là đến nay Bích Huyền chưa nhận được sự “chống đối” nào.

Bích Huyền yêu thương mùa (thời khắc) nào nhất trong năm? Vì sao thế nhỉ?

Bích Huyền: Mùa thu, vì là mùa gắn bó với nhiều kỷ niệm thuơng yêu của Bích Huyền. Và mùa thu, tự nó đã có nhiều nét đẹp mơ màng với màu sắc, đường nét của khung cảnh, bóng dáng thời gian và không gian, tất cả như toát ra một vẻ gì đó mơ hồ, lãng đãng …mơ mộng lắm. Đưa tâm hồn người trở về những giấc mộng và những kỷ niệm không phai. Mơ mộng đôi khi bị lên án là lãng mạn, là không thực tế. Nhưng thật ra đây cũng là một cách làm cho vơi đi những lo toan vất vả đời thường, những muộn phiền không thể không có, để rồi sau đó đứng lên tiếp tục cuộc hành trình, đời sống vui tươi và hy vọng đang chờ ta phía trước. Mùa thu là mùa có một vẻ gì đó rất xa vời, kín đáo; bình dị nhưng mênh mông, khiến cho ta có cảm tưởng mùa thu rất xưa, rất đẹp, mỗi năm lại trở về cho chúng ta cảm giác bình yên.

Lẽ ra, với tuổi êm đềm như lúc này, Bích Huyền như bao người khác sẽ thích thú làm những cuộc viễn du đó đây, sống với thiên nhiên và thưởng thức thắng cảnh. Rất hiếm thấy Bích Huyền du lịch, phải chăng, 15 năm hơn với những cuộc “viễn du” trên radio, trên các diễn đàn và độ reo rắc của những gì Bích Huyền góp nhặt, đã đủ và cần thiết cho nhu cầu chu du đó đây của mình rồi, thưa Bích Huyền?

Bích Huyền: Chuyện “du lịch” thì hầu hết ai cũng thích, và chắc là không bao giờ gọi là “đủ” được. Bích Huyền cũng thích được đi nhiều, thích có nhiều cơ hội tiếp xúc với đồng hương mình ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Mỗi nguời là một cuốn sách kỳ thú. Ngoài việc thuởng lãm những danh lam thắng cảnh, được tiếp xúc với nhiều nguời, tìm được nơi họ những nét hay, lạ… cũng là những chuyến du hành thú vị. Có lẽ vì khi thời gian còn làm việc, đi xa nhiều nên lúc sau này nghỉ hưu, tuổi không còn trẻ, ngại di chuyển, cho nên Bích Huyền không muốn đi du lịch nữa mà chỉ muốn ở nhà, đọc sách báo, nghe nhạc hay…lang thang trên internet, trên Facebook để mở mang kiến thức. Cách du lịch này cũng rất thú vị và hữu ích lắm, phải không?

Ngày quyết định chia tay, trong chương trình cuối trên VOA, góc trời phát thanh bình yên và đều đặn nhất của Bích Huyền, hẳn phải có rất nhiều “lưu luyến”. Hãy cùng chúng tôi quay về và ôn lại thời gian đấy đi ạ! Chiều về hoặc khi đêm buông, Bích Huyền có thấy chạnh lòng không? Có nhớ không những “yêu thương hằng ngày” thuở ấy? Có khóc không ạ?
Bích Huyền: Với thính giả của các chương trinh Bích Huyền phụ trách, Bích Huyền xem như những người thân yêu. Có ai xa rời những người thân yêu của mình mà không lưu luyến, và không có những giây phút chạnh lòng nhớ về những nguời thân không còn ở gần bên mình. Nhớ quá thì cũng có khi khóc chứ, phải không? Vâng, không khóc sao được khi sau chương trình từ giã, hàng loạt email nhận được nói lên nỗi bàng hoàng, mất mát, có thính giả thật trẻ viết “Cả nhà cháu đã khóc khi bất ngờ nghe chương trình cuối “Lưu Luyến Chia Tay”. Không bao giờ Bích Huyền hết ngậm ngùi. Bây giờ ở trên các diễn đàn, trên Facebook… vẫn có nhiều người tiếc nuối, nhớ nhung. Và có nhiều người muốn giữ lại, tìm tòi hỏi thăm Bích Huyền về những nơi để lưu trữ lại những ch/trình Thơ Nhạc ấy. Nghe nói có nơi họ còn …rao bán các chương trình Thơ Nhạc của Bích Huyền…

Vâng, rồi mọi người vẫn gìn giữ (ít nhất là trong ký ức họ) về những chương trình Bích Huyền thực hiện ở quá khứ, và hiện tại! Khi nhóm trẻ thuộc Biển Media & Arts bày tỏ ý định thực hiện chuỗi Audio albums “Thềm Xưa” – golden collections – của Bích Huyền, Cô có cảm thấy ấm lòng và bình yên không? Ít nhất là thế hệ sau mình, đã muốn lưu giữ lại những gìn giữ đã từng trong tay Cô…

Bích Huyền: Thật vui và thật cảm động. Vui vì những “câu chuyện thơ-nhạc” ấy và những “thoáng huơng xưa” ấy không mất đi; và hơn thế nữa, được những ngưi trẻ của thế hệ tiếp nối yêu quý, trân trọng, và tìm mọi cách để gìn giữ. Đây có lẽ là một phần thưởng cao quý, một hạnh phúc lớn lao nhất mà Bích Huyền có được.

Được như thế, Bích Huyền không bao giờ quên những tinh hoa của văn học nghệ thuật mà Bích Huyền cảm nhận được, có được là từ các văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, các giọng hát mà các Trung Tâm sản xuất đã ghi lại, phổ biến, các kỹ thuật viên của các đài đã thu thanh chương trình Thơ Nhạc, các đài phát thanh Bích Huyền được cộng tác phổ biến vang xa…Bích Huyền xin ghi khắc với tấm lòng biết ơn vô cùng. Sau hết là cảm ơn lòng yêu thương của thính giả bốn phương. Nếu không các văn nhân thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, những Trung Tâm băng nhạc, những chuyên viên kỹ thuật, không có thính giả yêu thương đón nghe .v.v… thì “Câu chuyện Thơ Nhạc”ch/trình “Một Thoáng Hương Xưa” sẽ không bao giờ có trong đời sống Bích Huyền. Việc làm của các bạn trẻ trong Biển Media & Arts rất đáng trân trọng. Cảm ơn các bạn. Rất ấm lòng và bình yên lắm!

Cho cô con gái yêu thương của Bích Huyền – Uyển Diễm và các cháu, các con trong/ngoài gia đình (hoặc xa hơn, cho thế hệ đi sau Cô) – Bích Huyền gửi gắm gì qua “Thềm Xưa” lần này? Làm sao để họ có thể có được những “lối cũ chẳng sao quên” đúng nghĩa như Bích Huyền đã từng có?

Bích Huyền: Mong rằng các con, các cháu của BH, và giới trẻ hôm nay cố gắng gìn giữ những tài sản văn hóa của nước Việt, dân Việt, như các bạn trẻ của Bích Huyền đã dành ra bao nhiêu công sức và thì giờ, và nhất là tâm huyết để thực hiện các CD Thềm Xưa cũng trong mục đích và ý nghĩa tốt đẹp ấy. Kho tàng Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam giàu có và quý giá lắm! Hãy không ngừng tìm hiểu, tiếp thu và hấp thụ, rồi sẽ thấy cả một chân trời rộng mở vô cùng vô tận, nhất là chúng ta sẽ yêu người, yêu cuộc đời này hơn và muôn đời cảm ơn những người đã tạo ra cho chúng ta món ăn tinh thần ngọt ngào ấy.

Trân trọng cảm ơn Bích Huyền cho cuộc trò chuyện này ạ!

Tháng Chín, tháng của mùa thu bắt đầu, 2012

Đào Đại Dương

Bài Mới Nhất
Search