T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: Giữa Đọc và Viết

Hình: Lưu Na

Nhân vì muốn viết năm ba trang mà không có sách vở, tôi lên net tìm tài liệu. Lần dò hết trang này qua trang khác, đọc bài nọ kéo tới bài kia, bỏ đi những gì thấy không liên hệ, tôi góp được gần 2 inches bài in, hơn 400 trang giấy.

Lần dở lại 400 trang bài viết, tôi bắt đầu đọc. Đánh dấu. Đọc lại, ghi chú. Đọc nữa, phân loại. Lại đọc, tìm thêm, đọc vội trên net. Tôi bắt đầu bài viết. Chưa quá phần mở đầu, tôi phải mở một hồ sơ khác để chép tất cả những ghi chú và lời dẫn của từng tác giả. Giữa phần I tôi phải mở thêm một hồ sơ liệt kê tài liệu sử dụng. Lại đọc lại, tìm lại. Vào phần II. Vẫn phải mở thêm một hồ sơ nữa, ghi ngay xuống cảm nghĩ riêng cho 1 tài liệu chính trước khi ý nghĩ nó tuôn tràn và mất tích. Tôi vẫn chưa thực biết mình sẽ hoàn tất bài viết ra sao. Chôn mình trong 400 trang giấy in và 4 hồ sơ mở trước mặt, tôi quay lưng lại với cuộc đời. Đời buồn quá. Viết không chỉ còn là giải tỏa tâm tư. Có lẽ sâu xa hơn, cái viết giúp tôi trốn lánh cuộc đời trốn lánh nỗi buồn trốn lánh chính mình. Tôi mê mải đọc. Tôi thất lạc trong nghĩ suy. Tôi loay hoay tìm chữ. Chữ và chữ, đọc và đọc. Chính khi khốn khổ với một ý nghĩ, một con chữ, tôi soạn lại cái hiểu của mình. Chính khi viết xuống một câu, tôi dạy tôi một cách đọc.

Nơi cái đọc, tôi học lại bài học đầu tiên khi bắt đầu biết đọc: tận tín thư bất như vô thư.

Ông thầy khả kính tôi chưa một ngày đến học là tấm gương thứ nhất. Nguyễn Hiến Lê, có cả trăm tựa sách, ông viết thật cẩn trọng, suy nghĩ thật mạch lạc; giữa tinh thần nghiêm túc của một nhà giáo bàng bạc những lời man mác buồn của một tâm hồn nhạy cảm trong sáng. Và thơ ngây. Cái thơ ngây bắt nguồn từ những ngày kháng chiến chống pháp oai hùng nên thơ, không của riêng ông mà của cả một lớp người. Nếu tin hết vào ông thì phải chấp nhận là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã hình thành bên ngoài dự định của đảng Cộng Sản miền Bắc!!! Biết bao nhiêu thế hệ học trò, nếu không có những tiếng nói khác, nếu không biết nghi ngờ thì sẽ ra sao?

Tôi lại đọc đến những nhận định ghi chép về văn học. Mới hay, viết về văn học cũng nhiều cách thế mà trước kia tôi chỉ ngốn vào đầu những trang chữ chứ không hề biết sự khác biệt. Có những người viết nghiêm túc như Nguyễn Vy Khanh, soạn thảo công phu, lời lẽ chừng mực. Có những bài không dài nhưng thật trí thức, người viết biết rõ điều mình nói và nhận định công bằng sắc sảo như của Đoàn Xuân Kiên.

Tôi cũng tìm thấy những tính cách vui vui, như là có cây viết viết rất hoa lệ, rất kinh điển bài bản, trích dẫn thật nhiều kiến thức, dùng những lý luận lập luận về chữ nghĩa thật là oách để bàn cho ra một văn phong một tác phẩm; đọc thấy thật công phu thật lớn lao nặng ký, mà vẫn thấy thiếu, thiếu một chút tinh túy một chút linh hồn…, càng đọc càng ớn, và càng đọc càng thấy rỗng. Có tác giả cho thấy cái hiểu biết rất đáng nể, có sự thẩm định sâu sắc, nhưng tôi ngạc nhiên nhận ra người ấy thiên Cộng_nghĩa là sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng hồn ở với miền Bắc nên rồi nhận định có phần nào khiên cưỡng. Trí thức không nghĩa là tri thức. Tiếc.

Ở một quyển sách mỏng tôi không chủ tâm thu thập nhưng ghé mắt đọc qua cho biết, tôi tìm được tấm gương thứ hai. Quyển Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ cho thấy những vấn đề văn chương và những suy nghĩ liên quan đến triết học vẫn có thể được viết một cách giản dị dễ hiểu, nếu người viết hiểu thấu đáo vấn đề, nắm vững điều mình muốn nói, và một khả năng chữ nghĩa vững vàng, nếu không nói là dồi dào và tài hoa, biến những điều khô khan trở nên những vấn đề thích thú. Chất văn chương không ở ngôn từ hoa lệ mà lại ở chỗ giản dị nhưng duyên dáng và có ý kiến cá biệt. Nguyên Sa, nhà giáo Trần Bích Lan, đã cho tôi một bài học quí giá về một cách viết.

Nói chung, đọc xong hơn 400 trang thì tôi đã trả lời với mình được đôi câu hỏi hằng theo đuổi dai dẳng.

Hóa ra cái sợi tóc mà tôi nghĩ mình thiếu để thấm hiểu một văn bản trước kia, cái sợi tóc ấy là cả một trời kiến thức. Không chỉ là những gì sách vở nhà trường dạy, mà còn gồm luôn cả những kinh nghiệm thực tế trong đời sống. Thiếu kiến thức thật khó thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm. Quan trọng hơn nữa, là không chỉ viết mới mới cần một phong cách mà chính ra khi đọc mình cũng phải có một cá tính để nghe ra một tiếng thầm không nói, thấy ra một tính cách giữa hai hàng chữ. Tôi không dám chắc cái cá tính đó có do mình được ban khi chào đời hay do mình thu thập được trong cuộc sống, nhưng tôi tin rằng không đọc không thể viết được và do vậy mà cá tính trong cái đọc cũng là một cần thiết quan trọng cho cái viết.

Điều tôi không nghĩ ra không ngờ đến, là khoảng-cách-thế-hệ giữa tôi và người viết cũng ngăn tôi thấm hiểu một văn bản. Với thế hệ sau lưng, quả họ đã là quá khứ, cái quá khứ tôi không có dịp tham dự nên không hiểu họ, thì đành. Nhưng với thế hệ trước mắt, họ lớn lên cùng tôi trước mắt tôi, tôi càng không hiểu họ. Tại sao? Ngoài chuyện tuổi tác còn có điều gì nơi cái viết của những người trẻ tuổi mà tôi đã không đọc được chăng?

Tôi cho rằng muốn hiểu thấu đáo một tác phẩm cần tìm vào không gian, môi trường mà tác phẩm đã được viết ra, cũng như để hiểu một tác giả phải hiểu không khí xã hội quanh họ. Thời đại cũ dù xưa mà vẫn còn đó nên tìm không khó, trong khi thời đại mới thay đổi từng giờ phút, không thở chung một nhịp thì đã lỡ cuộc hẹn hò nên hiểu nhau thật khó. Dĩ nhiên những người của trang mạng hôm nay hiểu nhau chứ, nhưng hiểu nhau không có nghĩa mình có thể làm được một nền văn chương văn học cụ thể, nó chỉ giúp mình thấy cái mình thiếu. Tôi vẫn thấy như chưa có một hơi thở văn chương, một không khí văn học. Sân chơi thì nhiều, nhưng một chỗ thực sự để san sẻ hòa điệu, cho con chữ tụ về mà chịu thử thách với thời gian như vẫn còn xa. Có cần không một cái nền liên kết người đọc và người viết? Cái chung cần có không nhất thiết là mảnh đất địa lý dù đó là nơi mà chúng ta cùng đứng để cùng yêu mến; một tổ quốc chung cũng vẫn là điều khả thể khi bị ngăn cách không gian.

Chính ở chỗ thiếu sót và ngu dốt của mình mà tôi thấy sự khác biệt khi chỉ có 20 năm mà văn học miền Nam có một hình dạng cụ thể một xương thịt đậm đà trong khi đã 45 năm qua tính từ lúc Nguyên Sa viết Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ nhận định về 10 năm đầu của Văn Học Miền Nam, đã 37 năm từ ngày đất nước thống nhất, mà tôi thấy chúng ta người trong kẻ ngoài vẫn loay hoay. Thất lạc? Nền văn học cũ toát ra cái ý chung: bảo tồn một bản sắc đã có _dân tộc, đất nước, con người_ và mong làm giầu nó. Người ta muốn khác nhau chứ không chống nhau. Những tiếng kêu những trăn trở dù mơ hồ nhưng có nét thực của tâm hồn, gắn bó người viết với người đọc. Văn học bây giờ, bên ngoài là hoài niệm cái đã mất, là đi tìm lối thoát cho cái đã có và đưa nó đi xa hơn, là hội nhập và nói với thế giới bên ngoài về mình. Nhưng chúng ta có thực biết mình muốn viết cái gì, sẽ viết ra sao? Hình như chúng ta nhận định phê bình rất nhiều trước khi có tác phẩm thực để phê bình, trước khi biết rõ thế nào là phê bình. Số người am hiểu và viết đứng đắn không đủ để tạo ra một cái nền. Tôi đọc mãi đọc hoài, vẫn thấy không gắn kết được những trang chữ hải ngoại lại cho thành một nền văn học văn chương. Văn học bên trong dường như là đi tìm chính mình, khẳng định bản sắc. Tại sao mình phải đi tìm bản sắc khi mình đã có bản sắc từ lịch sử bao nhiêu năm? Chung chung những tác phẩm bài viết trong nước mà tôi đọc được đầy rẫy ẩn dụ và những tình tiết éo le kinh khủng, những tiếng kêu thống khổ; rõ là thực mà lại không mang cho tôi được ý niệm người viết là ai, và có điều gì nơi tâm hồn người ấy. Những hàng chữ vẫn như chưa ra khỏi tính cách “hiện thực xã hội.” Tôi vẫn thấy mình thất lạc với cái viết của hôm nay, bây giờ. Đọc giải trí giải khuây hóa nặng nợ.

Đang đứng ở cái chỗ đọc không xong thì vừa lúc công bố giải Nobel Văn Chương 2012 vào tay một nhà văn Trung quốc.

Cái điều mà Nguyên Sa chỉ ra ở cuốn sách mong mỏng ấy, Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ, vẫn đúng 45 năm sau. Rằng chúng ta, một đất nước nhược tiểu, khó tìm được chỗ đứng nơi văn học thế giới. Những nhận định của Nguyên Sa về chúng ta và Nobel văn chương đã có Nguyễn Hưng Quốc làm rõ với thống kê (Nobel Văn Chương 2012, Một Giải Thưởng Nhiều Tranh Cãi. http://www.voatiengviet.com/content/nobel-van-chuong-2012-mot-giai-thuong-nhieu-tranh-cai/1525788.html). Và cũng không cần suy nghĩ lâu lắc gì cũng có thể đồng ý ngay với Nguyên Sa rằng người phương Tây sẵn lòng học chữ Trung Hoa để biết về nền văn học của 1.3 tỷ dân ấy hơn là học chữ Việt để tìm hiểu văn hóa của chúng ta, 87 triệu dân _ chưa bằng con số lẻ, chỉ như một cái ách xì của anh khổng lồ Trung Quốc.

Nhưng không phải vì Trung quốc là nước lớn, được thế giới bên ngoài chú ý hơn, thì viết hay hơn mình. Với tôi, Truyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn hay không kém Một Nửa Đàn Ông Là Đàn Bà Của Trương Hiền Lượng. Gạt qua khía cạnh thời điểm và duyên may, có nên nhìn vào vốn liếng văn hóa của người dân Việt? Chúng ta luôn hãnh diện với văn hóa 4000 năm, luôn nhắc bản sắc dân tộc, nhưng sáng tác được bao nhiêu, có gì đặc sắc, tại sao đặc sắc? Chữ quốc ngữ mới có độ 400 trăm năm, chúng ta lưu được bao nhiêu dấu tích văn hóa? Và văn hóa thể hiện ra sao nơi chúng ta_con người, xã hội, đất đai?

Còn nhớ khi xem phim Avatar, vừa vào cảnh núi rừng tôi reo thầm đây chắc là núi rừng sơn thủy bên Trung Hoa. Chả phải vì đã nghe giới thiệu hay đọc bình phẩm, mà vì nó như những bức tranh thủy mặc “sống” với trọn vẻ bao la, hùng vĩ, u tịch mà các họa sĩ đã lưu lại trong nét vẽ. Núi rừng đó đã thấm vào nét vẽ, hay dân tộc đó đã khắc dấu trên sơn thủy đó? Hồn Việt đứng ra sao trong cây lúa, ngọn cỏ? Chúng ta có gì để nói với thế giới quanh ta?

Tôi hoàn tất công việc đã dự định trong sự bứt rứt vì không còn có thể bình thản đọc như xưa. Đòi hỏi “một cái gì” khi đọc cũng chính là giới hạn tôi phải vượt qua khi viết. Tôi đã hết lòng hết sức lao vào một cuộc chơi chẳng để làm gì chẳng biết được gì ngoại trừ biết mình đã đọc. Xem ra, tôi phải lùi về một chỗ đã mất !!!!

Lưu Na

10/31/2012

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search