T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: NƯỚC MẮT NHƯ SƯƠNG

 


BẠN GIÀ

Mây đưa má đi lấy kính. Kính mới làm nhưng cũng không vừa ý má. Đo độ sai? Mây liếc đọc, “mù chính thức.” Tựa như có ai thoi cho một cái vào mặt. Mây ghét cái tật kèn cựa, Mây ghét cái tật gì cũng chê, luôn bắt người khác phải làm vừa ý mình và không bao giờ vừa lòng với ai. Mây ghét…, Mây ghét…, nhưng mà, má, má, má bắt đầu không thấy. Má, sao con phải ghét má dữ vậy. Con muốn đi với má một đỗi đường, con muốn ngồi ăn với má một bữa cơm, con muốn chở má đi chơi park chụp hình hoa lá, đi shopping. Con muốn sau 10 tiếng đi về với cái sở mắc dịch thì được ngồi chơi nói dóc cùng má, uống ly trà ngó ra vườn xanh tươi, được cười trong bữa cơm chiều. Con muốn…, mà con ghét má. Má, cuối đường thì ai cũng phải đắng cay, sao con phải ghét má dữ vậy. Mây khóc không lời.

Mây qua bên gác hẹp ngồi chơi. Bữa nay đông đủ, thêm ông thẩm phán. Rủ nhau ăn cơm, chê bôi nhau, đua nhau mắng Mây ngu. Để Mây quên đắng cay cuối đường của má. Hay là của Mây? Mây ông ổng hát ai đang đi trên cầu Bông. Bữa nay Mây biết rồi, cầu Bông, không phải bờ sông. Ông thẩm phán cười cười, nhẹ nhàng, mà Mây này, thôi đừng hát vậy nữa đi. Cũng may đã già, chứ còn trẻ hát vậy không đứa nào nó lấy đâu. Cô Năm: em cũng thích hát vậy, em thường hát với nó đó chứ. Bác Hai cười thích thú, đằng nào cũng lỡ rồi, còn trẻ không hát cũng đâu đứa nào nó ngó. Thôi ăn đi, Em-thương-ảnh-quá-hà dục mọi người. Ông thẩm phán lại cười cười, trên đời không ai sướng như cháu đâu Xíu. Cả ngày không thấy mặt, đến giờ cơm bố mẹ gọi ra cho ăn, xong rồi là cuốn gói mất tiêu, không phải lo một việc gì dù nhỏ. Xíu, hơn 40, chợt rùn người thấp xuống, ngượng ngượng cười lỏn lẻn, cái cười của một đứa trẻ bị bác rầy. Mây òa lên cười cái bẽn lẽn trẻ thơ đó. Cô Năm tưởng Mây thích vì thấy Xíu bị rầy. Mây ăn Mây cười Mây chọc ghẹo, má, đáng ra má phải có bạn, nhà mình phải vui như vầy chứ. Má, má đang làm gì? Nhưng con không về đâu. Ít nhất là sẽ lời qua tiếng lại.

Ông thẩm phán đã ăn xong. Con gái gọi ông về trông cháu cho nó đi dợt nhạc. Thì đi dợt chung với Xíu nhà mình chứ đâu. Xíu đi, Mây nhận lời chở ông thẩm phán về.

Xuống thang, ông rút điếu thuốc cầm trên tay. Mây thủ thỉ, chiều thu gió mát, ăn cơm xong dạo bước hút vài hơi thuốc cũng là cái thú phải không chú. Ừ, trong nhà có người nên phải chờ lúc ra ngoài. Chú cứ thong thả, hết điếu thuốc rồi hãy lên xe. Hai người đi dấn qua khỏi xe vài bước thì xong điếu thuốc. Năm phút sau thì đến chung cư của ông. Mây chào, nhưng ông mời lên cho biết chỗ. Mây nhớ, ông luôn cư xử lịch thiệp. Lần trước mời cả nhà đi ăn tiệm, con gái thả bố ra chỗ hẹn nhưng phải đi họp nên không thể cùng bố tiếp đãi bạn. Ông đã mời một bà bạn có tuổi đến để cùng ông tiếp khách. Mây nghĩ mình phải nán lại thôi. Mây theo ông lên lầu. Căn phòng nhỏ, đứa bé trai ngồi trong phòng chơi game nghe tiếng ông về nó chào vọng ra: chào ông ngoại. Thấy Mây ló mặt vào, nó ấp úng chào cô. Con gái đã dông mất. Ông chỉ những bức hình, thuở còn làm biện lý, cùng vợ và con, những kỷ niệm thanh xuân. Ngồi xuống keyboard (hay piano điện, Mây không biết phân biệt), ông dạo một khúc nhạc cho Mây đứng cạnh bên nghe. Ông quay sang Mây, đây là Chopin, tôi quý cô lắm nên mới dạo khúc này. Hú vía, rủi Mây nói Chop suye thì vỡ nợ. Bây giờ ông dạo khúc chiều rơi trên giòng sông Cửu Long. Dẫu đàn điện đã hơi rè, nhưng ông chơi khúc này có cá tính. Mây nói muốn tempo chậm hơn, ông ừ. Mây kiếu từ ra về. Để tôi đưa cô xuống, phải gentleman chứ. Cô là người vui vẻ trẻ trung, thông minh lại có tính nghệ sỹ. Lịch thiệp?

Buổi tối Mây nằm đọc Bè Bạn Gần Xa. Hóa ra có nhắc ông thẩm phán, một nhà nho tây học. Mây ngẫm nghĩ lan man. Gàn, một chút (thật ra thì khá nhiều) nghệ sỹ tính, và học lực trình độ hiểu biết rất cao nhưng trong cách cư xử vẫn giữ chút nhà nho_hình như lớp người đó có chung những đặc điểm này. Họ có phải là lớp người được gọi hòa, nhi bất đồng? Càng đè xuống thấp càng quyết không vấy bùn nhơ. Ở tù ra nhìn nhau chẳng ra người nhưng chắc chắn không làm cúc vạn thọ_cũng nhức đầu cho những đứa luôn hăm hở dày xéo chứ. Mây mỉm cười trong đêm vắng, nhớ những lúc ông “lên lớp” rằng phụ nữ nên thế này, phải thế nọ, lúc ông giảng music theory, lúc ông yêu ái khen nhắc người vợ đã quá vãng, lúc ông nói Mây hát nhảm, nói Xíu không làm gì. Quả ông gàn. Quả nhà nho lịch thiệp. Quả, không cúc vạn thọ. Tuổi già, nước mắt như sương lòng như hơi nắng. Sao Mây không về cùng Má, cứ lấn quấn với những người bạn già?

 

BÓNG NÚI

Sáng dậy, thấy trời u ám, buồn.

Với sự ra đi của MBĐ, Mây thấy ngày gần lại, đời cong lại như thời gian đang bị cuốn vòng, bị xoắn hút vào lỗ đen. Mây nghĩ tới cái ngày u tối của mình khi phải một mình đi trên con đường thiên lý_lúc đó khoảng cách không dài mà Mây phải lê thân mòn mỏi, đêm như bất tận ngày như quá sức gánh gồng. Cơ hồ thấy, Mây là kẻ tự trời rơi xuống để gánh một gánh u buồn không hề gieo xuống hay dành sẵn cho mình. Ngay bây giờ Mây còn dịp để bỏ chạy, để tẩu thoát. Có kịp không?

Chúng mình không ai bỏ đi vì không ai tìm đến
Việc gặp nhau tự nhiên như sự có mặt giữa cuộc đời

Tự nhiên, đời có những tự nhiên, những ngẫu nhiên tung tóe đổ ập xuống đám nhân loại ngơ ngác hỗn độn trên mảng địa cầu. Có những tình cờ như tên bay đạn lạc bắn tỉa từng mảnh hồn lẻ loi. Máu loang vết buồn như những cánh hoa nở tươi trong gió. Có lúc Mây muốn oán trách, nghĩ mình vô tội mà vướng cái vô lý của cuộc đời, nhưng rồi bản năng sinh tồn đưa đến cho Mây ý nghĩ, rằng đúng ra cái đời lặng lẽ vô nghĩa của Mây đã qua đi không một gợn sóng mà nhờ chút tai ương nó có dịp đùa trên mặt nước, cũng là một điều hân hạnh chăng?

Có những khi ngồi giữa đám đông Mây không bắt kịp những lời nói. Đầu óc Mây nhiều khi không chịu hợp tác với những tần số khác. Và có nhiều khi nó cứ tự nó đi một mình trong một quãng không vô tận. Có lúc nơi bàn ăn, Mây cười nói ào ạt, mà lòng cứ vương vấn một lời thơ muốn viết một con chữ muốn gieo, nghĩ một bóng hình xa lạ nay đã thôi lung linh trong khói mơ của cuộc đời để khảm xuống mặt đường một nét cố định. Có những khi nói chuyện với người này Mây nghĩ đến người khác, đến một cuộc hội ngộ nào đó, đến một mũi tên nào đó đã vô tình sớt ngang vai. Có lúc gặp Nguyễn đình Toàn và những người bạn năm xưa, nghe họ nói chuyện thỉnh thoảng cũng bị vất vả. Những gì họ nói như bị masked đằng sau một cái gì khác, được encrypted bởi những codes của thời họ đã sống. Họ nhướng lông mày thì người cùng thuở đã hiểu, còn Mây thì mắc decode những thứ ấy, cứ ấm ớ ậm ờ. Mà, tiếng nói với âm vang, nét vẽ với sắc mầu, hình ảnh với những góc cạnh một chiều, sao vọng được những tiếng võ vàng khua động giữa thâm tâm của mỗi con người. Nơi ông thường có cái vững trầm như bóng núi, nửa êm ả nửa mơ hồ, nửa bao la sâu thẳm nửa cạn cợt nhạt nhòa.

Những khi nghĩ đến ông, Mây nghĩ đến cái thầm lặng của bóng núi. Mây nhớ tới những suy nghĩ sâu xa chấn động khi ông nói ra, cái nhìn cho cuộc đời thật bao la thật mênh mông như bóng đêm như sương sớm. Cái sức nghĩ đẩy xa đến chân trời, cái cảm nhận đẩy lên thật cạn thật sát thật mỏng như cánh chuồn trong suốt trên mặt nước. Cảm nhận, người ta cứ nhắc đến sự sâu xa, thực ra, Mây thấy khi cái cảm của mình mỏng được như sương như cánh chuồn thì mình mới mong cảm được vạn vật được cái không hình tướng vướng quanh mình, được cái điều chưa kịp thành hình mà đã làm mình đau nhói. Mà, cũng chả ai muốn vậy đâu. Đứng bên ngoài thì vỗ tay chặc lưỡi lắc đầu, đứng bên trong không biết gì hơn là chịu trận, chưa kịp quên cái này cái kia đã ồ ạt phủ trùm. Để lại những suy nghĩ thầm trong những giấc ngủ nhọc nhằn. Bóng núi, Mây luôn nghĩ đến ông như bóng núi đè ập lên bóng mình, tựa như Ngũ Hành Sơn nhẩy vượt hoài không thoát. Bóng núi đổi thay theo ngày nắng theo đêm trăng, sâu thẳm mịt mùng. Nhưng Mây còn một đoạn đường phải đi, đâu thể núp yên trong bóng núi. Mỗi bóng núi mang một màu cỏ cây một trời sinh vật của riêng đất ấy, có núi nào chia được cho núi nào. Chỉ trăm năm ngàn năm sau khi muôn hồn cùng về đến chốn khởi nguyên thì mới thấy chỉ là ảo ảnh mọi thứ đã từng sờ chạm nuốt trọn vào lòng.

Ai rồi cũng có lúc phải về, về thu xếp lại. Ai cũng có lúc núp một cái bóng và rồi phải làm một cái bóng. Nay mai khi ông qua bên kia bờ ý thức, theo cái kiểu nói của K, thì bóng núi sẽ định chắc lại một ảnh hình. Lúc đó, Mây sẽ phải loay hoay một mình che nắng cho mình, một mình che mát cho mình. Lúc đó, bóng núi cũ mờ phai, fade out theo hướng tới hoài của con đường một chiều cho muôn sinh linh, cho riêng mình. Lúc đó, Mây có còn nước mắt? Có nực cười không nếu Mây khóc một người chưa thực rõ ảnh hình?

Lưu Na

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search