T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Buồn quanh căn nhà cũ

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Tôi chăm chú nhìn vào tấm ảnh màu đang hiện trên màn ảnh nhỏ. Đứa bé thật bụ bẫm trên tay cô gái vừa bước sang tuổi đôi mươi với khuôn mặt hiền hậu, xinh xắn đứng nép vào vai Khiết khiến tôi bàng hoàng, run rẩy cả hai tay. Dán mắt lên tấm ảnh, tôi tựa lưng vào thành ghế, nhấc chiếc điện thoại đang reo inh ỏi. Tiếng chị An vang lên đầy lo lắng:

-Em nhận được email của chị rồi phải không …. Em …. OK chứ?

Tôi mím môi thật chặt, cố gắng lắm tiếng nói mới thoát ra ngập ngừng và yếu ớt:

-Dạ… em không sao?

-Rồi em tính sao?

Tôi nghẹn ngào:

-Em không biết … em không biết phải làm sao nữa…..

Giọng chị An vỗ về:

-Em phải bình tĩnh, quan trọng nhất là đừng làm chuyện rồ dại.

Chị An tiếp tục nói, nói rất nhiều mà tôi có nghe thấy gì đâu….

Buông máy xuống, nước mắt tôi tuôn như mưa, lòng cuộn cuồn đau như sóng tràn bờ, tôi úp mặt vào hai bàn tay khóc nức nở.

Khi chị An báo tin cho tôi biết Khiết đã có đứa con trai với một cô gái ở Việt Nam cả người tôi lạnh toát. Tôi lặng đi trong nỗi hoang mang đến kinh hoàng. Thoạt đầu tôi không tin. Làm sao có thể tin được khi tám năm qua Khiết luôn là một người chồng gương mẫu, tốt lành của tôi. Cho đến giờ phút này, giờ phút mà người bạn thân nhất của tôi xác quyết với tôi rằng, Khiết đã và đang phản bội tôi, anh vẫn không có một dấu hiệu thay đổi nào từ trong lời nói, cử chỉ và những săn sóc ân cần. Tôi có thể không tin lời bạn bè, nhưng còn tấm ảnh, tấm ảnh ác nghiệt này là một bằng chứng xác thật nhất mà dù có muốn, tôi cũng không thể biện minh cho Khiết được.

Tôi và Khiết yêu nhau từ những ngày hai đứa còn bỡ ngỡ trong lớp học toàn người Mỹ. Là hai người Việt Nam trong số rất ít sinh viên Việt Nam ở trường, tôi và Khiết dễ dàng kết thân, để rồi sau đó chẳng bao lâu chúng tôi yêu nhau. Vừa đi làm, vừa đi học, Khiết thật vất vả trong đời sống hàng ngày. Học cùng thời gian, nhưng tôi ra trường trước Khiết hai năm. Vì dành quá nhiều thì giờ để kiếm tiền gửi về gia đình, Khiết mệt mỏi đến độ có nhiều lần muốn bỏ cuộc nếu không có sự khích lệ của tôi. Ở năm học cuối cùng, tôi buộc Khiết chỉ làm việc mỗi tuần mười tiếng, thời gian còn lại, dồn tất cả nỗ lực để hoàn tất chương trình học. Những khoản tiền gửi về Việt Nam cho gia đình hàng tháng tôi tình nguyện cáng đáng cho Khiết. Khiết nhất quyết từ chối, anh cho rằng như thế có nghĩa là anh đã lợi dụng tôi, nhưng tôi cũng nhất quyết được cùng anh san sẻ những khó khăn đang trĩu nặng trên vai anh.

Thế rồi mong ước của tôi cũng trọn vẹn. Thời gian Khiết tốt nghiệp cũng là thời gian chúng tôi quyết định thành hôn. Ngày hôn lễ, tôi và Khiết không có người thân nào trừ một số bạn bè thân thiết. Đám cưới không long trọng và đông đảo nhưng thật vui vẻ, ấm cúng. Chúng tôi yêu nhau bằng sự chân thành và tương kính. Nhưng cái hạnh phúc tưởng chừng như bất tận ấy đã không trọn vẹn như tôi mong muốn. Ngày tháng trôi qua, một năm, hai năm, ba năm, bốn năm và nhiều năm sau nữa, tôi chờ mãi vẫn không có một tin mừng. Căn nhà mà chúng tôi vẫn gọi là mái ấm gia đình chừng như lạnh lẽo, hiu quạnh hơn khi thiếu vắng tiếng cười của trẻ thơ. Khiết luôn an ủi tôi bằng câu nói quen thuộc:

-Lo gì em, có con thêm cực, chẳng đi đâu được hết.

Hoặc:

-Em không nghe người ta nói sao? Con là nợ. Vậy là mình không mắc nợ con nít em à!

Dù thật tâm an ủi tôi, nhưng Khiết đã không che dấu được ánh mắt thèm thuồng, khao khát khi bế trên tay những đứa bé kháu khỉnh, con cháu của bạn bè. Hình ảnh đó là nỗi ám ảnh lớn nhất trong đời tôi. Tôi cảm thấy mình đã không làm trọn trách nhiệm của một người vợ. Nhiều lúc tôi nói với Khiết, nửa đùa nửa thật:

-Chắc em phải theo gương người xưa, cưới vợ bé cho chồng để kiếm con nối dõi tông đường.

Những lúc ấy, Khiết ôm chặt lấy tôi, cắt lời tôi bằng những nụ hôn nồng ấm. Đêm đêm tôi vẫn thầm lau nước mắt, vừa thương Khiết, vừa buồn tủi cho sự bất hạnh của mình.

Hai tháng nay tôi chợt có ý định xin con nuôi. Chưa kịp bàn bạc với Khiết thì nhận được điện tín từ Việt Nam báo tin mẹ trở bệnh nặng nên anh phải quày quả về thăm. Cũng cùng lúc ấy, chị An từ Việt Nam gọi tôi cho biết, trong chuyến về thăm gia đình, tình cờ chị theo người bạn đến thăm một cô em họ của chị ấy, khi bước vào nhà, nhìn đứa bé kháu khỉnh có một vài nét quen thuộc mà chị nghĩ không ra, đến lúc nghe cô em họ khoe “cháu giống bố như đúc” và đưa ảnh gia đình cho xem, chị An mới bàng hoàng khi nhận ra cha đứa bé chính là Khiết.

Sau đó, chờ lúc mọi người quanh quẩn dưới bếp, chị đánh cắp tấm ảnh và email cho tôi.

***

Hai tay khoanh tròn trước ngực, tôi ngồi đối diện với mẹ Khiết. Chưa bao giờ tôi bình tĩnh như giây phút này. Bên góc trái, Khiết đang cúi gầm mặt xuống. Giọng mẹ Khiết vang lên, chậm rãi, ngọt ngào mà sắc như dao:

-Không phải Má dấu con, nhưng chỉ là không muốn làm cho con đau lòng… con cũng biết, thằng Khiết là con trai duy nhất trong gia đình, con lại không thể sinh đẻ … má thì muốn có một đứa cháu nội trước khi theo ông bà. Hai đứa cưới nhau cũng tám năm rồi chứ đâu có ít ỏi gì. Nếu con có trách thì trách má quá ham cháu nội, chứ thằng Khiết không có tội gì hết … chỉ tại con vô phước mới tắt đường sinh đẻ.

Tôi nhìn bà, cái miệng nhai trầu bõm bẽm không khác gì bà mẹ chồng trong vở cải lương Đoạn Tuyệt. Còn Khiết, anh đâu phải là người khờ khạo, sao lại xuất sắc trong vai anh chồng mang tên Thân, ngồi đó, lơ láo không nói một lời. Cả tuần trôi qua, đắm mình trong nỗi đau không dứt, giờ đây, tôi đã có đủ cứng rắn để giữ cho lòng mình lạnh như băng, không rơi một giọt nước mắt.

Khi quyết định về Việt Nam để tìm hiểu xem Khiết có đau nặng như email của em gái Khiết gửi cho tôi, báo tin anh đang nằm bệnh viện, không thể trở về Mỹ đúng hạn không, tôi đã vẽ ra trong trí một viễn ảnh đen tối nhất đang chờ đón mình. Quả thật, khi tôi bước vào nhà thì Khiết đang bế đứa con trai giống anh như đúc. Cả nhà ngỡ ngàng. Còn tôi, nụ cười khinh mạn như một thách thức làm chị em Khiết vừa ngượng ngịu, vừa giận dữ. Thế là tôi bị gán tội xem thường gia đình bên chồng và bỗng nhiên sự thể đổi ngược, tôi trở nên là một tội đồ đáng được xét xử, còn sự việc Khiết về Việt Nam cưới vợ đã hơn một năm mà chẳng ai nói với tôi một lời không hề được nhắc đến. Khi tôi hỏi:

-Tại sao anh lại dấu em?

Thì mẹ Khiết, chị em Khiết đã cho tôi một bài giảng tràng giang đại hải về cái tội tuyệt tự. Bao ân tình suốt tám năm trời tôi bù đắp cho gia đình Khiết là con số không. Người ta có thể trở mặt dễ dàng để đạt lấy mục đích, tôi không trách. Nhưng còn Khiết, bấy nhiêu năm, bấy nhiêu tháng, nghĩa tình sâu đậm biết dường nào, sao anh có thể thản nhiên lừa dối tôi.

Tôi loạng choạng bước ra cửa, rời khỏi căn nhà không tình nghĩa ấy bằng những bước chân không hồn. Chiếc xe taxi đưa tôi đến với chị An. Cái áo giáp kiêu hãnh, bất cần đời của tôi rơi xuống thật nhanh, khiến tôi ngã quỵ xuống đất, cả trời đất như quay cuồng trong bão tố. Khuôn mặt tái xanh, và đôi mắt thất thần, ráo hoảnh không một giọt nước mắt của tôi làm chị An lo lắng:

-Khóc đi em, có khóc mới vơi được nỗi đau trong lòng.

Cái đầu tôi cứ lắc lắc trong cơn mê hoảng, tôi hỏi chị An cũng như hỏi chính tôi:

-Tại sao, tại sao Khiết lại đối xử với em tàn nhẫn như vậy? Cả gia đình anh ấy đều là những người vô lương tâm như thế sao?

Và rồi tôi chìm vào cơn mê, trong đó chập chờn hình ảnh kỷ niệm của tôi và Khiết trong những ngày đầu yêu nhau, với đồi cỏ xanh và mây trắng lững lờ trôi trên tháp chuông cao vút , với lời hẹn thề thuỷ chung suốt đời, suốt kiếp …. Rồi bỗng nhiên hai cánh tay Khiết mọc lên đôi cánh, mang anh bay vút lên không gian… còn tôi, tôi trôi dài, chìm lĩm trong biển cả mênh mông. Trong cơn mê tôi gào thét, vùng vẫy đến lã người. Khi mở bừng mắt dậy, tôi thấy chị An ngồi cạnh lau mồ hôi trán cho tôi giọng buồn bã:

-Em có sao không? …. Khiết vừa gọi điện thoại hỏi thăm em.

Nhìn những giọt nước mắt lặng lẽ rơi dài trên má tôi, chị An thở dài:

-Khiết vừa nói chuyện với chị rất lâu. Khiết nói không bao giờ Khiết muốn lià xa em. Khiết chỉ muốn có một đứa con để thỏa mãn mong ước của mẹ Khiết. Gia đình cô gái đó thì nghèo, họ cần có tiền, nên Khiết định sau này sẽ làm thủ tục đem đứa bé về Mỹ theo dạng con nuôi và em sẽ là mẹ của đứa bé vĩnh viễn.

Tôi chua xót:

-Nghe giống như một vở bi kịch trên sân khấu quá hả chị? Nếu xảy ra đúng như thế thì Khiết là một nhà dựng kịch tài tình. Nhưng anh ấy đã không nghĩ đến nỗi đau đớn của em, cũng như sự tàn nhẫn khi rứt đứa bé ra khỏi vòng tay của mẹ nó.

Tôi cảm thấy bất nhẫn trong lòng. Người con gái đó tuổi vừa đôi mươi, biết đâu cô ta cũng có người yêu, cũng xót xa lòng đau như cắt khi bỏ lại mối tình đầu thơ mộng để làm tròn trách nhiệm của đứa con trưởng trong một gia đình khốn khổ. Tôi không biết Khiết sẽ làm gì, nhưng tôi biết rõ điều tôi phải làm. Vốn ích kỷ trong tình yêu tôi không chấp nhận một sự chia xẻ nào. Một là tôi có Khiết, hai là tôi mất Khiết vĩnh viễn. Tôi lại càng không nỡ cắt đứt tình mẫu tử thiêng liêng của người con gái đáng thương đó.

Ngày hôm sau tôi nhận lời gặp Khiết nhưng nhất quyết không trở lại gia đình anh. Những câu nói cay độc của mẹ, của chị em Khiết là một mũi dao nhọn xoáy sâu vào vết thương nghiệt ngã trong lòng mà bấy lâu tôi cố tình dấu kín. Chiếc cầu tình cảm đã gãy một nhịp, dòng nước vô tình đã cuốn trôi mảnh ván vỡ thì còn mong gì nối lại. Tôi dứt khoát với Khiết, từ bây giờ tôi hoàn toàn không thuộc về gia đình anh nữa. Khiết nhìn tôi bằng đôi mắt van nài:

-Anh biết anh có lỗi. Anh biết anh đã phụ lòng em, nhưng thật sự anh không hề có ý phụ bạc em. Xin em hãy tha thứ cho anh. Anh hứa sẽ sắp xếp vẹn toàn và chắc chắn hạnh phúc gia đình mình không hề sứt mẻ. Xin em hãy tin anh.

Tôi cười cay đắng:

-Chính vì tin anh nên hai năm nay, cứ sáu tháng anh lại về Việt Nam một lần mà em không hề thắc mắc hay nghi ngờ và giờ đây… cái giá em phải trả cho sự tin tưởng ấy là gì? Là em đã bị anh lừa dối trắng trợn.

Cố gắng lắm mà cuối cùng tôi vẫn không dấu được những giọt nước mắt khổ đau trước mặt Khiết. Tôi tự giận mình sao không đủ nghị lực để ngẩng cao đầu thách đố với định mệnh cay nghiệp, để nhìn người chồng thân yêu của mình bằng đôi mắt dửng dưng, lạnh lùng. Nói cho cùng, tình yêu tôi dành cho Khiết vẫn còn đầy ấp, nhưng tình yêu ấy giờ đây lại chất chứa cả nỗi oán hận nên trái tim tôi trĩu nặng nỗi đau.

Tôi từ chối khi Khiết nói anh sẽ đổi chuyến bay để trở về Mỹ cùng tôi. Trên chuyến bay đơn độc, tôi nghĩ đến tờ giấy ly hôn và căn nhà tôi sẽ rời bỏ trước khi Khiết quay về. Nhưng bây giờ, khi ngồi giữa nơi chốn tràn đầy những kỷ niệm yêu thương bỗng dưng tôi lại nghĩ đến Khiết, đến đứa con trai kháu khỉnh và hình như trong tận đáy lòng tôi cầu mong … một ngày nó sẽ gọi tôi bằng mẹ.

Không biết rồi tôi có trở thành một người tàn nhẫn với những tính toán ích kỷ cho hạnh phúc của riêng mình không? Tôi sợ lắm. Tôi sợ tôi sẽ không còn là tôi nữa trong những suy nghĩ đầy mâu thuẫn []

Ngân Bình

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search