T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Những cảnh đời quen thuộc

clip_image002(Đọc “Net Em” của Trần Yên Hòa)

1.

Người cựu sĩ quan VNCH sau nhiều năm trong những trại cải tạo, quay trở về căn nhà xưa với mong ước được gặp lại vợ và hai đứa con gái thân yêu, chỉ thấy ngay trong phòng khách nhà mình, ngồi chễm chệ một người đàn ông lạ và ánh mắt xua đuổi của người vợ. Anh không còn lựa chọn khác nào đành bỏ đi tìm một chỗ nào đó để nương thân. Gần 10 năm anh cố bươn chải kiếm sống cho qua ngày, ôm trong lòng nỗi uất hận khó nguôi ngoai.

Cho đến một hôm có tin về sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Mỹ về việc cho phép các cựu tù nhân trước đây đã từng ở trong các trại cải tạo Cộng sản từ 3 năm trở lên được đi định cư tại Mỹ. Đây là cơ hội để anh thóat khỏi sự bế tắc mà nếu tiếp tục sống trong nước dưới sự kềm kẹp của chế độ mới, anh và các bạn đồng cảnh của mình sẽ không bao giờ thóat ra khỏi được. Cũng như những bạn bè của mình, anh nộp đơn xin xuất cảnh. Trong hằng hà sa số những thứ giấy tờ cần thiết phải trình để xác minh nhân thân, anh bị lâm vào một tình huống khó xử: Vì đã có gia đình, anh phải kèm theo tên vợ và hai con trong danh sách xin xuất cảnh. Nếu đã ly dị, anh phải xuất trình giấy ly dị do tòa án phán quyết. Ngày ấy, bước chân ra khỏi căn nhà có người đàn ông lạ và ánh mắt lạnh lùng của người vợ, anh không hề nghĩ đến tờ giấy vô tri (và vô nghĩa) khai tử cuộc sống chung giữa anh và người đàn bà đã cho anh hai mặt con. Sự đau đớn của anh quá lớn để phải quan tâm đến mảnh giấy vụn vặt ấy. Bây giờ, muốn tìm một mảnh đất mới làm lại cuộc đời anh phải giải quyết sự việc về mặt pháp lý. Nghĩ đến những thủ tục giấy tờ rườm rà phải làm và khỏang thời gian chờ đợi để có tờ giấy ly dị trong tay, nhất là nghĩ đến hai đứa con của anh cũng rất cần phải thóat ra khỏi bản án vô thời hạn “con em sĩ quan ngụy”, anh quyết định quay về gặp người vợ cũ, xin nàng bằng lòng “xóa bài làm lại” để nàng và hai con có thể lên đường đi Mỹ cùng với anh. Người đàn bà, sau một thóang ngỡ ngàng vì sự độ lượng ngòai sức tưởng tượng ấy, đã vui vẻ nhận lời. Anh cựu tù cải tạo tội nghiệp, bước ra khỏi nhà, “thở phào, như trút đi một gánh nặng. Con đường trước mặt anh đang thênh thang, anh quên đi những ngày đói rách ở trại cải tạo, quên hẳn Nương (người bạn gái mới quen – ghi chú của T.Vấn), quên hẳn ngày anh trở về có người đàn ông ngồi trên chiếc Sofa, quên hẳn câu xua đuổi của Nga (người vợ “cũ” – Ghi chú của T.Vấn) phủ tràn trên mặt. Bây giờ, anh hạnh phúc “(Trần Yên Hòa. Net Em. Tập truyện. NXB Thế Kỷ 2009. Trang 210).

Câu chuyện trên là nội dung một truyện ngắn khá tiêu biểu cho sự lựa chọn đề tài của nhà văn Trần Yên Hòa, một cây viết rất sung sức ở hải ngọai. Chỉ trong vòng 10 năm kể từ ngày ông định cư tại Mỹ theo diện HO, ông đã cho xuất bản tổng cộng 6 tác phẩm, trong số đó có 1 truyện dài (Mẫu Hệ. NXB Thế Kỷ 2004), 2 tập thơ (Khan cổ gọi tình, Về. NXB Thế Kỷ 2001; Uyên Ương, Phượng Hề và Khát Vọng. NXB Thế Kỷ 2009) và 3 tập truyện ngắn (Những chuyến mưa qua. NXB Thế Kỷ 2001; Áo gấm về làng. NXB Thế Kỷ 2004; Net Em. NXB Thế Kỷ 2009).

clip_image001

Net Em, tập truyện mới nhất của Trần Yên Hòa, gồm 17 truyện ngắn dàn trải những cảnh đời nghèo hèn, cơ nhỡ, cực khổ trong 222 trang giấy. Cũng như 2 tập truyện ngắn và 1 truyện dài đã xuất bản trước đây, Net Em xóay quanh những cảnh đời rất quen thuộc với độc giả. Giở bất cứ trang truyện nào, người đọc đều có thể liên tưởng đến, hoặc là chính bản thân mình, hoặc là những con người với những hòan cảnh sống mà mình đã từng quen biết, giao thiệp, từng đứng bên ngòai chứng kiến, từng nghe nói đến. Nhân vật của Trần Yên Hòa, phần lớn đều có thật trong đời sống, cái đời sống của một xã hội miền Nam chìm xuống tận bùn đen sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cái đời sống của những công dân hạng nhì luôn luôn bị áp bức, bị tước mất những cơ hội để vươn lên, để kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày cho bản thân, cho gia đình. Dù vậy, họ vẫn phải đấu tranh mà sống, và quan trọng nhất, bằng những phương cách lương thiện, cái lương thiện theo ý nghĩa nhân bản của từ, chứ không dựa vào thứ luật lệ không ra luật lệ của nhà cầm quyền Cộng sản. Đời sống trong những trang truyện Trần Yên Hòa còn là những mảnh rất thật về ước vọng “rời khỏi đất nước” của những con người khốn khổ khốn nạn của đời sống ấy, từ những anh chàng cựu tù cải tạo thân sơ thất sở đạp xích lô, chạy hàng xách, làm nương làm rẫy cực nhọc từ sáng đến tối vẫn không đủ đem về hai bữa cơm cho gia đình cho đến những cô gái quê nghèo khổ, những bà vợ cải tạo “trót nghe theo lời u mê” đem con đi xây dựng kinh tế mới để chồng được tha về sớm nên mất nhà, mất cửa, mất hộ khẩu ở thành phố, rồi lang thang lếch thếch trong những căn nhà ổ chuột của thành phố và làm đủ thứ nghề không hề có tên gọi, miễn có được chút gì bỏ vào trong miệng ngáp ngáp qua ngày. Ai cũng muốn bỏ xứ mà đi, vì đó là cách duy nhất để đổi đời. Những người cựu tù với mảnh giấy ra trại và gia đình họ đã đành, còn có những cô gái, những người đàn bà tìm mọi cách để được đứng chung trong tờ đơn xuất cảnh của những con người khốn khổ ngày nào. Rồi đến khi có phong trào lấy chồng Hàn quốc, lấy chồng Đài Loan để “đổi đời” cho bản thân, cho gia đình, những cô gái trẻ tội nghiệp ấy, khi phải lựa chọn, vẫn sẵn sàng chấp nhận làm vợ những ông già Việt kiều, tuy họ lớn tuổi hơn mình gấp nhiều lần, nhưng họ có đồng Đô La, thứ có gía trị cao nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay, và quan trọng hơn nữa, để được xuất cảnh chính thức. Vài năm sau, những cô gái ấy có thể bảo lãnh cho cha mẹ, anh chị em mình ra nước ngòai sinh sống.

Những cảnh đời này, hẳn không xa lạ gì với chúng ta.

2.

Những trang truyện Trần Yên Hòa phản ánh một cách trung thực những hệ quả đau xót của một hòan cảnh lịch sử chưa hề có tiền lệ trong 4 ngàn năm tồn tại của đất nước Việt Nam. Những trang viết ấy thật quý gía cho các thế hệ mai sau. Độc gỉa của hôm nay, đọc Trần Yên Hòa để ngậm ngùi, để nhớ về một quá khứ chưa xa lắm của chính mình, của bạn hữu, của những người quen kẻ biết. Nỗi ngậm ngùi ấy có thể rồi sẽ nguôi ngoai với nhịp sống hối hả xứ người, có thể sẽ vẫn còn đọng trong cổ cái vị đắng thiên thu không thể rửa sạch. Mỗi người, tùy ở mức độ đau xót mà người ấy kinh qua, chọn cho mình một cách cảm nhận. Nhưng đó là vấn đề của người trong cuộc, của chúng ta, những người đã phải sống qua một giai đọan lịch sử thật khó quên. Đối với các thế hệ tương lai, những câu chuyện mà Trần Yên Hòa kể lại hôm nay, tuy mang tính cách hư cấu của văn chương, nhưng vẫn có giá trị như những chứng nhân của một thời đại mà tiền nhân của họ đã sống qua. Hẳn nhiên, họ vẫn có quyền đặt vấn đề về mức độ khả tín của những câu chuyện ấy. Người đương thời, rất dễ dàng nhìn thấy những sai sót trong sự ghi chép ấy, nếu có. Ở khía cạnh này, phải ghi nhận sự trung thực của tác gỉa. Tuy bản thân đã từng trải qua nhiều cảnh đời cơ cực như chính những nhân vật của ông đã trải qua, nhưng ông không cường điệu, không lên gân, không để cảm tính chi phối những trang viết của mình. Đôi khi, cách trình bày sự việc của ông khiến người đọc có cảm tưởng một sự cam chịu thật tội nghiệp. Như câu chuyện được trích dẫn ở đầu bài về một nhân vật của Trần Yên Hòa. Trước sự phản bội đành đọan của người vợ, anh cựu tù cải tạo chỉ biết lầm lũi ra khỏi nhà, không một lời phản kháng. Cho đến khi có chương trình HO dành cho cựu tù nhân và gia đình, vì con, anh về năn nỉ người đàn bà đã từng đuổi anh ra khỏi nhà đi với anh, trong lúc có bao nhiêu người phụ nữ khác sẵn sàng nhận lời mời ấy với bất cứ điều kiện gì mà anh đòi hỏi. Được người vợ “cũ” nhận lời đi chung, anh cảm thấy mình “thật hạnh phúc” (1). Nhưng, có thể cũng nhờ thái độ “có vẻ như cam chịu ấy”, người đọc không biết nhiều về những cảnh đời cơ cực ở Việt nam những năm sau “giải phóng” sẽ đánh giá cao sự trung thực trong những câu chuyện của tác gỉa.

Truyện, về mặt văn học, vốn là hư cấu, dù dựa trên những con người và sự kiện có thật, vẫn là hư cấu. Nhưng, khi gập lại những trang truyện Trần Yên Hòa, tôi không có cảm tưởng mình đọc truyện. Cái đọng lại trong tôi là những cảnh đời có thật vừa được tác gỉa kể lể một cách thật từ tốn, chậm rãi. Phần khác, có lẽ cách kết cấu truyện của Trần Yên Hòa khiến tôi không có cảm tưởng mình đọc truyện văn học.

Kết cấu truyện trong Net Em, cũng như trong những tập truyện xuất bản trước đó, và kể cả truyện dài Mẫu Hệ, đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu. Những tình tiết không chồng chéo, không đan mắt xích. Đọc Trần Yên Hòa, tôi không nhìn thấy cái chiều sâu (vừa cần thiết, vừa không cần thiết?) của một tác phẩm văn học mà nhiều nhà phê bình đòi hỏi. Ý tưởng trong truyện Trần Yên Hòa cũng vậy, chúng đơn giản, trắng đen rõ ràng. Ông không một chút xíu nào có vẻ “làm dáng triết học” như vài tác giả cùng thời. Văn phong ông sử dụng cũng rất phù hợp với kêt cấu truyện. Không màu mè hoa mỹ, không “làm dáng hậu hiện đại”, không “đua đòi cách tân”, chân chất như một thanh niên “tỉnh lẻ”, trong sáng như tâm hồn một con người chưa từng kinh qua bao thăng và trầm của thế sự. Đây cũng là một nét khá đặc thù của Trần Yên Hòa, nếu kể đến “background” của ông, vốn là một cựu sĩ quan chiến tranh chính trị, xuất thân từ một quân trường chính quy của quân đội VNCH.

Với kết cấu truyện và văn phong như vậy, những nhân vật của Trần Yên Hòa cũng không thể khác. Vì những câu chuyện ông kể đều có thật trong đời sống, nên những nhân vật đều như bước từ đời sống vào những trang truyện. Những người đàn ông, những người đàn bà của một thời nhiễu nhương, hay khi đã bước chân đi định cư xứ người đối đầu với thực tế, hoặc khi “áo gấm về làng”, người đọc thấy rõ đến độ có thể đặt tên mà không sợ lầm lẫn. Đời sống nội tâm của từng nhân vật, như kết cấu truyện, không một người nào cho thấy tác giả dụng công đào sâu. Có lẽ vì cuộc kiếm sống quá ư gay gắt chăng, nên không có thì giờ cho những thứ “xa xỉ” ấy, hay những nhân vật của Trần Yên Hòa cũng chỉ “thường thường bậc trung”, đến rồi đi, đi rồi đến, từ đời sống bước vào trang truyện, từ trang truyện bước ra đời sống, không để lại dấu ấn gì khiến người đọc nhớ đến. Có nhớ chăng chỉ là cái cảnh đời, cái kiếp làm người, nhất là con người của một thời ngăn sông cấm chợ (2). Một khía cạnh khác trong những nhân vật của Trần Yên Hòa là Sex. Hầu như ở mỗi cơ hội thuận tiện, tác gỉa đều diễn tả sự thèm muốn về xác thịt của nhân vật. Đói thèm ăn, khát thèm uống, thiếu “thịt” thì thèm “thịt” cũng là điều bình thường. Ai cũng đều như thế cả, trừ những bậc tu hành (?), trẻ con, và người “hết hơi hết sức”. Do đó, có thật cần thiết phải phô diễn cái tính “người” (3) ấy của nhân vật trong mỗi câu chuyện hay không? Nhưng, cũng phải công bằng với tác gỉa, có những câu truyện mà sex là cái nền để nhân vật tồn tại (như truyện “Kinh tế mới” với nhân vật Phó Công An Dậu và người vợ viên sĩ quan đi cải tạo vắng chồng đã 3 năm), và Trần Yên Hòa cũng ít khi sa đà, dùng dằng ở những đoạn “tả chân mùi mẫn”.

3.

Trần Yên Hòa chọn cái tên “Net Em” từ tên truyện ngắn đầu tiên làm tựa đề chung cho cả tập truyện. Truyện Net Em (đúng tên là Cổ tích Net Em) kể về câu chuyện của nhân vật tên Tụy, cựu sĩ quan VNCH sinh sống ở Mỹ, nhờ mạng lưới Internet mà làm quen và cưới một cô gái trẻ ở một làng quê hẻo lánh Việt Nam. Đặt cái tên Net Em làm tên chung của cả tập truyện, hẳn ông cũng có ý nhấn mạnh đến đặc tính của mạng lưới điện tử đã nối liền con người ở khắp nơi trên thế giới về mọi phương diện, kể cả chuyện tình cảm cá nhân. Về phương diện Văn học, mạng điện tử đã làm một cuộc cách mạng lớn nhất thế kỷ. Đã có hẳn một nền văn học gọi là Văn học Mạng. Sự ra đời của mạng điện tử đã làm suy yếu hẳn hình thức văn học quy ước là sách in (và báo in, tạp chí văn học in). Vậy mà, lên mạng google cái tên Trần Yên Hòa, tôi chỉ nhận rải rác vài kết quả không đáng kể. Nhưng với 6 tác phẩm in xuất bản trong vòng 10 năm, thì cái tên Trần Yên Hòa, một cách bình thường, phải cho những kết quả lớn hơn thế rất nhiều cho xứng với số lượng tác phẩm của ông. Tôi chỉ có thể suy luận rằng ông không mặn mà lắm với việc phổ biến tác phẩm của mình trên mạng, và vẫn tha thiết với việc in ấn và xuất bản những đứa con tinh thần của mình.

Trong tình hình xuất bản sách báo èo uột hiện nay, với số người đọc (tiếng Việt) ngày càng ít ỏi ở hải ngọai, thì những cố gắng của nhà văn Trần Yên Hòa là một việc làm đáng được sự quan tâm của những ai còn tha thiết đến sự tồn vong của một nền văn học hải ngọai mà hình thức sách in vẫn còn là hình thức quy ước không thể thay thế được. Lại thêm một điều tôi ngưỡng mộ ở ông.

T.Vấn

(1)Những cảnh đời như thế này không xa lạ gì với anh em cựu tù cải tạo. Trong lúc chồng đang còn ở trong các trại tù không biết ngày nào trở về, vì nhiều hòan cảnh – đáng thương và không đáng thương – khác nhau, có những bà vợ đã không giữ được sự trung trinh. Phần lớn đều không đáng trách. Cuộc sống khó khăn và lũ ma quỷ mới đáng trách. Nhưng thái độ “cam chịu” như nhân vật của Trần Yên Hòa trong câu chuyện này – tuy cũng có thật ngòai đời – khá hiếm.

(2)Theo một số nhà phê bình văn học, bê nguyên mẫu từ đời sống vào văn học là tước đi tính văn học của tác phẩm. Nhân vật phải có tính khái quát cao, có nghĩa là nhà văn phải hư cấu nhân vật của mình dựa vào nhiều tính cách xã hội tiêu biểu cho một lớp người (nhân vật ấy đại diện) mà nhà văn quan sát được. Trong lúc còn những khác biệt về những cách nhìn khác nhau về vấn đề lý thuyết văn học, tưởng cũng nên bằng lòng với những gì cảm quan người đọc chấp nhận được. Thời gian sẽ cho biết một nhân vật tác phẩm có tính văn học hay không có tính văn học. Mặt khác, truyện của Trần Yên Hòa phản ánh rất thật đời sống của một giai đọan mà những con người sống trong đó hầu như đều có chung một số phận (cụ thể là những con người thuộc về bên thua trận), cho nên, theo tôi, cái số phận của những con người ấy đã chi phối, đã bao trùm lên mọi hành động, lời nói của những nhân vật của Trần Yên Hòa. Và cũng vì thế, những nhân vật của ông không có cơ hội khẳng định tính cách của riêng mình.

(3)Tôi sẽ phản đối hết sức mình nếu có ai khuyên tôi nên thay chữ “tính người” bằng chữ “tính vật” trong đọan văn này. T.Vấn

© T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search