T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Bích Huyền: Thơ KimTuấn, chiều Đông nào nhung nhớ

( Xin bấm vào đây để  nghe phần âm thanh)

Ở trên núi có trời cao gió cuốn
một mình ta phiêu lãng cùng mây bay
một mình ta phiêu lãng cuối chân ngày…

Những vần thơ ấy không biết Kim Tuấn viết từ năm nào, nay ông đã không còn trên cõi đời này nữa, nhưng tên ông ,thơ ông vẫn còn nhắc đến. Và trong những giây phút MTHX, Chúng ta cùng nghe lại thơ Kim Tuấn các bạn nhé!

Kim Tuấn, sinh năm 1940, qua đời đêm 10 tháng 9 năm 2003 tại Sài Gòn sau khi dự lễ phát quà Trung thu cho học sinh nghèo tại trường dạy tiếng Anh và dạy nghề Thăng Long, quận 4 mà ông là hiệu trưởng, do một tổ chức quốc tế từ thiện trẻ em Sài Gòn hỗ trợ. Ông là con trai một trong một gia đình trung lưu. Thân phụ ông,dáng phương phi cao to, thân mẫu còn giữ được hàm răng đen như các phụ nữ xưa. Quê quán gốc Hà Tĩnh, vào Huế rồi vào Phan Thiết, Pleiku lập nghiệp. Thời gian sau cùng ở Sài Gòn. Vì là người con duy nhất, nên khi Kim Tuấn nhập ngũ được ưu tiên, phụ trách dạy Anh văn trong quân đội, nhưng vẫn cũng trực gác, cắm trại kể cả đi theo hành quân:
Tết này ngưng chiến lo đồn trại
đêm gác chòi cao nhìn núi cao
lửng lơ dăm bóng đèn soi sáng
mưa dưới đồi xa khuất chiến hào

Tính nết Kim Tuấn cũng hiền và giản dị như thơ của ông, mặc dù ông có một tâm hồn lãng mạn và rất mơ mộng. Có lẽ vì thế mà những câu thơ mang âm hưởng nhạc tính:
từng bước từng bước thầm
hoa vông rừng tuyết trắng
rặng thông già lặng câm
hai đứa nhiều hối tiếc
sương mù giăng mấy đồi
tay đan đầy kỷ niệm
mưa giữa mùa tháng năm
dật dờ cơn gió thổi…

Đó là một vài đoạn trong bài thơ Kỷ Niệm, đã được nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm, mời qtg&cb thưởng thức với

Với một tâm hồn lãng mạn, dù có đẩy tưởng tượng đi rất xa nhưng lời thơ của KT vẫn mang một vẻ gì đó mộc mạc, hồn nhiên, chân thật. Người ta gần gũi thơ ông vì cái sự giản dị, không làm dáng chữ nghĩa ấy. Hầu hết trong thơ, hình bóng thiên nhiên rộng khắp. Cảnh bao trùm khắp bài thơ. Ngay một bài thơ tình, người ta cũng thấy được cảnh nhiều hơn tình và trong những khung cảnh ấy, tuyệt vời làm sao, chúng ta lại nhìn thấy hình ảnh người tình đẹp hơn, quyến rũ hơn.

Anh cho em mùa Xuân
nụ hoa vàng mới nở
chiều Đông nào nhung nhớ
đường lao xao lá đầy
chân bước mòn vỉa phố

mắt buồn vin ngọn cây …

Vâng, Nụ hoa vàng ngày xuân, bài thơ năm chữ, 38 câu, làm năm 1961, thời Kim Tuấn vừa hơn hai mươi tuổi, Mỗi lần Tết đến chúng ta lại được nghe lời ca ấy, bài hát Anh cho em mùa Xuân thơ Kim Tuấn, Nguyễn Hiền phổ nhạc. Có một cái gì dịu dàng trong đó. Có không khí của mùa Xuân trong đó, mùa Xuân trong lòng người xưng em. Và chúng ta, những người thưởng ngoạn thơ KT, thấy yêu người yêu của chúng ta hơn, yêu đời hơn. Bh mời qv&cb nghe lại bài hát vui tươi trẻ trung ấy.

Sau biến cố 1975, ở lại Sàigon, một thời gian Kim Tuấn không viết nữa. Khi không khí miền Nam có vẻ được cởi mở hơn, thỉnh thoảng có một vài bài thơ của KT đăng trên báo. Ông đã từng tâm sự “Nếu thơ là tiếng nói, thì nó chính là tiếng nói câm giữa cuộc đời thường. Có điều, thơ là tiếng nói lớn- bởi thơ là tiếng nói sâu thẳm của tâm hồn. Có lẽ, giữa cái thời thế này, thơ nhất định bị rơi vào vị thế lạc lõng trong dòng sống…” và ông nói tiếp: “Người ta đã coi đồng loại như kẻ thù, coi sự lọc lừa là khôn ngoan, và coi cái không như cái có, thì giữa lúc đó thơ vẫn sống, nó vẫn sống đời nhân ái của nó, và dù lẻ loi, nó vẫn sống như đoá hoa vươn lên với ánh mặt trờiThơ sẽ bay lên, bay lên và sẽ ngự trị trong trái tim người, những trái tim còn dành một khoảng cho thơ…

Kim Tuấn, chiều đông nào nhung nhớ, câu thơ làm khi còn xuân xanh, cho đến hơn mười năm trước khi mất, như thấy trước, ông đã để lại bài cuối cùng cho em:
Anh buồn anh tóc trắng
Trời buồn mây trắng bay
Em ngày nào áo trắng
Vòng hoa trắng trên tay
Anh cuối đời tóc bạc
Nhớ đầu đời tóc xanh
Một đời anh lận đận
Ngày tháng đã qua nhanh
Ngày tháng còn lại gì?
Nụ cười và nước mắt
Khi anh về với đất
Em về hoa trắng bay …

“Ba tháng trước khi mất, KT còn gửi về dòng sông Hương yêu dấu như soi thấu lòng ông. Ở đâu và bao giờ, KT cũng là nhà giáo – nhà thơ, với trái tim ắp đầy thương yêu và khát khao được sẻ buồn chung vui cùng tất cả mọi người… Nhà văn Cao Quảng Văn trong trong Nhớ Huế tập 19 đã viết như thế . Có thể xem đây là một trong những bài thơ cuối cùng của KimTuấn:
ơi dòng sông xanh
trôi hoài nỗi nhớ
ngọn sóng cồn cào
con đò bến nước
trăng vàng lênh đênh
ơi dòng sông xanh
trôi qua phố Huế
lặng lờ như thế
ôm phố vào lòng
tay dài yêu dấu
một đời nhìn nhận
yêu mà không nói
ơi dòng sông xanh
ngày em qua cầu
nỗi sầu để lại
mắt nhìn ái ngại
ngậm ngùi xa nhau
ơi dòng sông xanh
soi thấu lòng anh
bồng bềnh gương nước
soi đời thuở trước
soi đời mai sau

Chiều mùa đông rét mướt, tháng Chạp, nghe mùa đổi gió nhớ quanh quanh (Vũ Anh Khanh) nhìn lại mấy tấm ảnh cũ, nhớ bạn, nhớ năm xưa nào ngoài Biển Hồ, Pleiku bạn đã cùng nhìn bồng bềnh gương nước, ước mơ một ngày hoà bình, cùng thích Erich Maria Remarque: Một thời để yêu và một thời để chết. Nay bạn đã về với đất, nhưng thơ và lời ca thơ bạn mãi còn ngân vang … Đó là lời Đinh Cường, ngưòi bạn thân của Kim Tuấn và đây, lời của vị độc giả từ Úc châu tên là Tường Dung : Thơ Kim Tuấn đáng yêu quá ! Êm đềm, nhẹ nhàng và hiền như tên ông. Bài viết cũng nhẹ nhàng không kém, nên cõi lòng người đọc hình như được trải dài trên những miền phố núi. Với Kim Tuấn, Vũ Hữu Định và một vài người viết văn làm thơ khác nữa, họ đã làm đẹp văn chương VN biết bao nhiêu, đặc biệt hơn nữa là họ đã làm đẹp vùng đất nước núi đồi cao thấp mà họ đã sống qua và gắn bó đến đỗi đem vào từng mạch sống chữ nghĩa. Xin cảm ơn Kim Tuấn.

Nơi đây, Bh cũng xin phép được cảm ơn họa sĩ Đinh Cường, nhà văn Nguyễn Đình Toàn và nhiều văn nghệ sĩ khác đã giúp Bh có tài liệu để biên soạn ch/tr này….Xin cảm ơn sự lắng nghe của qtg&cb. Vói giọng hát …trong ca khúc Anh cho em muà xuân, Bh llct. Ngủ ngon…

Bích Huyền

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search