T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Từ Kẻ lạ đến Tình ca

(Hai Album của Trần Lê Việt)

Bẵng đi mấy chục năm tôi mới ‘gặp’ lại hai người bạn tôi quen, cặp bài trùng Lưu Bình –Dương Lễ của thời xã hội nhiễu nhương, đó là Trần Lê Việt và T.Vấn. Chúng tôi quen nhau trong tù sau một thời cùng màu áo lính, tuy tuổi đời tôi đáng vai anh. Từ chỗ quen thành thân, vương vấn nhiều kỷ niệm trong một môi trường cay nghiệt của những năm tháng ‘lưu đầy trên chính quê hương mình’ tại một trại tù vùng trung du gần Tam đảo. Chúng tôi hiểu nhau, đồng cảm và cùng chia xẻ những kỷ niệm còn sót lại của một thời về những người thân, người yêu, về thời trai trẻ, về một thành phố không thể nào quên. Bản thân tôi còn mắc nợ từ hai người bạn trẻ này về tư cách của họ, về sức chịu đựng, về tư thế không bị khuất phục có thể một phần do họ trẻ hơn tôi. Điều đáng nói là trong hai con người này, do có lúc làm chung một công tác tạm gọi là ‘văn nghệ trong tù’, tôi phát hiện tài năng tiềm ẩn trong họ, chưa biết sẽ phát lộ theo hướng nào, nhưng lại buồn vì chẳng còn dịp nào để thể hiện vốn quý này trong phần đời còn lại của họ.

Nhưng rồi vật đổi sao dời, chúng tôi may mắn là những kẻ sống sót. Đến nay thì T.Vấn đã thành danh, trở thành cây viết tạp ghi văn chương, chính luận có uy tín ở hải ngoại, có trang web riêng và được nhiều nơi, nhiều diễn đàn mời mọc góp bài. Trong khi người bạn chí cốt của anh là Trần Lê Việt đã có một số album nhạc tình ca, do chính anh sáng tác hoặc phổ nhạc từ thơ của bạn bè kể cả những bài thơ của chính anh. Tôi biết ơn tình cảm của hai người dành cho tôi và từ khi ‘gặp’ lại (chữ gặp cứ thêm dấu ngoặc chỉ vì ‘thân tuy chưa gặp, hồn đà thấy nhau), tôi đã có dịp đọc các bài viết của T.Vấn và nay lại có dịp nghe nhạc của T.L.Việt. Nếu tôi đã có dịp trao đổi trực tiếp với Vấn qua e-mail hoặc phone vì hai anh em có mẫu số chung trong lãnh vưc viết, thì nhạc của Việt đòi hỏi thời gian lắng lòng mình để cảm nhận được những lời phẩm bình của T.Vấn về quá trình sáng tác của Trần Lê Việt. Khen hay góp ý theo kiểu tán tụng nhau không phải là lối ứng xử của anh em chúng tôi, vì bản thân hai người bạn trẻ này họ rất ’khíkhái’(khí khái cả trong miếng ăn miếng uống quà cáp trong tù), nhưng trong chừng mực nào đó tôi có quyền biểu lộ xúc cảm của  mình sau khi được nghe hai đĩa nhạc Kẻ lạ  và Tình ca mà Việt gởi cho tôi.

Tôi vốn là người thích nghe nhạc, dù không có năng khiếu về lãnh vực này, nhưng nếu nói về trình độ thưởng thức tôi dám tự nhận là người thính giả ‘biết nghe’, nhất là nhạc của Việt lại ‘kén’ người nghe. Nhạc Trần Lê Việt theo sự hiểu biết của tôi, như mang âm sắc của loại tình ca sáng tác theo lối nửa như mang nét tiền chiến của những thập niên trước ’60, nửa như pha trộn kiểu thính phòng theo phong cách ’70, vì vậy tôi tin rằng những người nghe nhạc thuộc thế hệ tuổi tôi dễ có sự đồng cảm khi thưởng thức những bài hát có âm điệu trầm, ấm, ray rứt, có lời hát tựa như thơ hay chính là thơ gợi nhớ người nghe về một thời đã chìm vào dĩ vãng của mấy thập niên.

Tôi cố dùng ngôn ngữ của riêng tôi để khỏi ám ảnh về lối viết quá trân trọng của T.Vấn khi giới thiệu về những dòng nhạc của bạn mình, một lối viết vì yêu bạn nên mới thể hiện bằng những từ ngữ trên tầm lối hành văn thường ngày để nhờ sức nặng của con chữ chuyên chở những cảm xúc, nhận thức khách quan nhưng đúng mức về sáng tác của Lê Việt. Đối với tôi, dù chỉ hai đĩa nhạc gồm 15 bài nhưng Việt đã gói ghém trọn tâm tư mình như một hoài niệm trân trọng quá khứ, có cái như vĩnh viễn qua đi, có cái như vật vờ ở lại, có cảnh cũ in bóng hình xưa, có kỷ vật như dấu chân lưu niệm, tất cả hội tụ lại khắc họa trong tâm thức Lê Việt niềm khắc khỏai ray rứt lắng đọng, nỗi dằn vặt trăn trở khôn nguôi qua những mảnh vỡ hiện thực của cuộc đời mà chỉ người trong cuộc với khoảnh khắc thời gian và không gian của riêng mình mới cảm nhận hết tầm sâu kín của nó. Cũng có thể, Trần Lê Việt chỉ muốn sáng tác cho riêng mình, một hình thức nhằm ghi lại những ý niệm đã được thai nghén từ lâu, những dòng  nhạc ngẫu hứng viết ra rồi bỏ túi, những lời nhạc nhẩm vội rồi tự quên, trong hoàn cảnh lao tù chưa có dịp thể hiện cụ thể. Nay thì nó là con đẻ của công sức nghệ thuật, dù tầm vóc của sáng tác tùy sự thẩm định đánh giá của người nghe, nhưng hẳn nhiên nó không còn là chốn riêng tư của  tác giả mà còn cần được chia xẻ xa hơn trong chỗ bạn bè, vì trong một ý nghĩa nào đó nhạc của Việt đã âm thầm ‘nói hộ’ nhiều điều mà chính những người cùng cảnh ngộ (trong đó có cả tôi) không thể nói ra hoặc không đủ khả năng thể hiện. Không ít những người trong số họ cũng có mẹ, người yêu, người thân, một nơi chốn sanh ra và lớn lên, rồi cũng có thời thơ ấu khó khăn, một thời nằm dưới chiến hào, một thời lưu đầy trên đất Bắc, cùng sống vật vờ những tháng ngày như kẻ lạ trên chính quê hương mình…

 

Nói về thi văn âm nhạc thì nó vô cùng, nhưng khái quát một cảm xúc thưởng thức bằng những tựa đề bài hát bài thơ ưng ý trong một chuỗi chủ đề tình ca xuyên suốt của tác giả trong hai album này thì phần nào chưa được trọn vẹn.Tuy nhiên khởi đi từ Thành Phố Lá Me Xanh cho đến Sàigon Ngày Trở Lại, mỗi bài hát mang một tâm sự riêng như một lời âm thầm nhắn gởi, một gợi nhớ xa xăm, một hoài vọng tiếc nuối, tuyệt nhiên ta không thấy một lời trách móc, một tiếng than van, tuy có lúc như kể lể, như tạ từ, như ‘cứ ngỡ’, nhưng tác giả luôn để dòng nhạc tự nó  diễn đạt niềm ray rứt, nỗi man mác, tâm trạng khắc khoải, cô đơn. Điều đặc biệt là khi nhớ về thành phố anh tha thiết đến độ được một lần quay lại dù phải ‘thở hơi cuối cùng’, cảm xúc yêu mẹ đến nỗi ‘tuổi năm mươi còn xin nằm trong vòng tay mẹ’, nhớ người yêu mà chỉ mong nàng là bóng đêm với gió ngoài cửa khung tù để ‘đưa hồn mình vào giấc ngủ bình yên’ thì những ý niệm quả là độc đáo ít thấy ở những lời thơ tiếng hát cùng một phạm trù thương nhớ! Mỗi nguời có một cách nhớ, mỗi cá nhân có nỗi hoài niệm riêng khi lần về vùng ký ức của một thời son trẻ, nhất là một thời mà chỉ qua đi chứ không trở lại, một đời mà chỉ mất chứ chẳng hề thua, cho nên nhạc của Việt phải được đáng giá đúng mức và cần được sự trân trọng khuyến khích từ các bạn bè để người bạn tâm đắc của mình có những tác phẩm hay, đẹp hơn cho đời, vì quá trình sáng tác là một sự miệt mài, và nếu để ý về mặt nghệ thuật có đôi chút khác biệt từ Kẻ lạ đến Tình ca. Cũng cần nói hai bản nhạc thể điệu Tango khép lại cho mỗi album là loại thể điệu khó viết, ít nhạc sĩ thành công trong sáng tác loại này, nhưng Lê Việt có đủ bản lĩnh và thính giả có quyền kỳ vọng. Tôi cũng xin chuyển lời trân trọng đến các nhà thơ có bài hoặc ý mà tác giả chọn lọc đã làm tăng giá trị của dòng nhạc mà Ngọc Phi, một thành viên trong bộ ba “xe pháo mã” như là gạch nối giữa nhạc và văn của V&V.

Đêm đã khuya, trời Cali hôm nay còn mát, nhưng trong tôi một cảm giác xao xuyến khó tả, hình  như tôi khóc do hệ qủa của tuổi già, qua điệp khúc của hai giọng nữ nhắc nhớ tôi về vùng ký ức khi cũng trở về thành phố của Việt cách đây hai mươi năm:

Có mấy con đường dẫn vào thành phố/khi bước chân về bối rối bơ vơ…

 

Viết tặng Trần Lê Việt

“thay cho lời cám ơn”

Đỗ xuân Thảo, Cali ngày đầu thu ‘08

 

Bài Mới Nhất
Search