T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Vua Tango

( Tango – Tranh : David Wendel )

Với dáng vẻ tự tin của một ông hoàng Ả Rập, anh nói, đây là “tệ” xá, xin mời vào. Khi tìm đến khu kinh tế mới N. Tr, tôi không hề có ảo tưởng sẽ bước vào một ngôi nhà lát gạch men bóng lộn, nhưng không ngờ cái “tệ xá” của anh lại tệ đến như vậy. Ngôi nhà như một con bệnh liệt giường chỉ mong được mau chết để thoát khỏi cảnh đày đọa nhọc nhằn. Bốn bức vách đang oằn xuống vì cố sức đỡ cái mái tranh mục nát khiến tôi bỗng nhớ tới Huấn cao và những người bạn tù ốm đói khiêng cái gông trong truyện Chém treo ngành. Trời không gió, nhưng rõ ràng ngôi nhà đang run rẩy, nó như không còn đủ sức chịu đựng thêm phút giây nào nữa để cho chủ và khách có thể bình yên mà trò chuyện sau nhiều năm xa cách.

Vào đi, chưa sập đâu mà sợ! Giọng nói bỡn cợt kèm thêm tiếng cười kiêu bạt của anh khiến tôi vẫn chưa hết ái ngại. Cái ái ngại của một người đàn bà khi gặp lại người tình cũ không ngờ lại sa sút đến thảm hại. Ngồi xuống đi, anh đẩy về phía tôi một chiếc ghế mà bốn chân của nó không khác gì bốn bức vách của ngôi nhà. Những luồng sáng giữa ngọ xuyên qua mái tranh đen xỉn, làm thức dậy những hạt bụi đang ngủ yên. Chúng múa may nhào lộn long lanh như một bầy phù du dưới ánh đèn. Bất giác tôi thầm hỏi, không biết hạt nào là của anh, hạt nào là của tôi nếu một mai chúng tôi chết đi.

Ba mươi năm trước anh là ông hoàng của các vũ trường. Với một chiếc vespa duyên dáng, anh lượn tới lượn lui trong ánh đèn màu y như một con ong đào hoa trong vườn thượng uyển. Những vũ nữ thân gầy thơm tho hơn bao giờ, duyên dáng hơn bao giờ vây lấy anh như các phi tần trong truyện Nghìn lẻ một đêm. Mỗi khi anh xuất hiện bọn họ có cảm giác như mình đẹp hơn, nhảy hay hơn nhất là lúc bay bổng cùng anh với những bản tango quyến rủ. Anh đã tiêu pha tuổi trẻ và những đồng tiền kiếm được dễ dàng cho những cuộc chơi rập rình tiếng nhạc, để được những người chuyên sống về đêm tôn xưng là vua, mà không hề biết rằng cuộc đời là con một mụ cho vay nặng lãi.

– Mọi sự là do tớ, anh nói, có vay là phải có trả vậy thôi. Có điều là phải trả bằng một cái giá cắt cổ, chán bỏ mẹ.

Nhìn ra bên ngoài đầy nắng, một thứ nắng làm cho người ta chán chường mỏi mệt, tôi thẫn thờ vì không thể tin được là anh đã phải sống ở một nơi mà dù Quỷ Cốc tiên sinh có tái thế cũng không cách gì đoán được.

– Anh bị đưa lên đây à, tôi hỏi.

– Không, anh nói, tớ xung phong đấy chứ.

Trầm ngâm một lúc, anh lại nói, ngữ như tớ không cách gì ở lại được. Cơ nghiệp bỗng chốc tiêu tan, nhà không, việc làm không, thì sống bằng gì nào. Thôi thì đi trước khỏi phải đi sau. Với lại xung phong cũng có được ít nhiều quyền lợi. Được ưu tiên chọn đất canh tác, được giúp đỡ dựng nhà. Cái nhà này hồi đó là đẹp nhất xóm này đấy. Còn bây giờ, như hiểu ý tôi định hỏi, anh nhún vai, ậm ừ: cũng như tớ, nó sắp tàn rồi.

Một lúc, anh bỗng đứng lên, phải kiếm thứ gì cho cậu uống chứ, cà phê nhé. Rồi không đợi tôi có muốn uống hay không, anh đi nhóm lửa đun nước.

Khói bắt đầu trùm kín căn nhà. Tôi phải bước ra khỏi “tệ xá”, đến trú nắng dưới bóng một cây dầu mà chủ nhân cố tình để lại như một chứng tích của núi rừng xa thẳm. Nơi đây, hươu nai và đôi khi có cả cọp chắc đã từng thong dong qua lại. Bãi mía chung quanh rộng chừng nửa mẫu tây nằm thiêm thiếp dưới cái nắng tháng sáu như cũng đang bốc khói. Những cây mía khẳng khiu không biết sẽ cho anh được bao nhiêu đường để đổi lấy gạo mắm cho vợ con. Đúng là cuộc đời không phải lúc nào cũng là những đêm màu hồng để cho anh có thể lả lướt mãi với nhịp điệu tango.

Cà phê xong rồi đây, vào nhấm nháp tí chút cho tỉnh người, tiếng anh từ trong bếp vọng ra. Tệ xá bỗng dưng tươi hẳn lên trong mùi hương ngát thơm. Trước mặt tôi là hai cái phin bằng đồng mạ bạc của Pháp đang thong thả nhỏ xuống những giọt nước đặc quánh nâu sẫm. Những chiếc phin này tôi đã từng thấy hơn hai mươi năm trước và đã từng uống những giọt đắng từ đó chảy ra cùng với anh trong gian phòng có gắn máy lạnh và có những đĩa nhạc đắt tiền của Chopin.

– Xin lỗi ông, tôi nói, ông giống như gã ăn mày trong truyện của Nguyễn Tuân quá. Đến bây giờ mà ông vẫn còn giữ được những chiếc phin này có khác gì cái ấm trà Thái Đức của lão ấy.

– Lão ấy còn phải đi xin trà chứ tớ lúc nào cũng có cà phê xịn đấy nhé, ngay cả những lúc bị ngăn cấm còn hơn thuốc phiện.

– Giỏi thế!

– Ừ, không giỏi sao sống được. Anh cười héo hắt.

Cà phê của anh được rang tẩm đã khéo mà pha chế còn khéo hơn. Dù trời mưa hay trời nắng, bao giờ anh cũng tráng phin cho thật nóng trước khi bỏ từng thìa cà phê bột vào. Anh lắc đều, đặt rá lên, xoay nhẹ rồi cẩn thận châm nước từ từ. Nước trong phin phải thật trong như chưa hề có cà phê để tất cả tinh túy của đất trời cao nguyên hòa tan cùng nước sôi nhỏ xuống mới không bị đục, và vị cà phê khi ấy mới thật thanh,thật dịu đủ sức ngấm sâu vào tận thịt da và tận tâm hồn.

Cũng như gã ăn mày kia đã từng tiêu phá cả gia tài chỉ vì cái tính nghiện trà, anh cũng đã từng để những giọt cà phê nung chảy cả một hộp bích quy đựng đầy vàng lá. Anh không ghiền rượu, bia, không bài bạc hút xách, chỉ ghiền có mỗi cà phê và thuốc lá. Lệ thường là ba cữ, vui gấp đôi, buồn gấp ba. Có lần anh uống đến những hai mươi mốt tách cà phê không đường vì giận vợ! Thuốc lá thì phải là Capstan không đầu lọc. Sau 75, không còn tìm đâu ra được một điếu thuốc sợi vàng chính hiệu Virginia anh buồn còn hơn khi bị mất sạch cả nhà cửa.

– Tớ lên đây một phần cũng vì vậy, anh nói, ai trồng gì mặc, tớ chỉ trồng mỗi một thứ là thuốc lá Lạng Sơn. Tớ pha chế cũng hay lắm, cậu hút thử một điếu mà xem.

Tôi đón lấy điếu thuốc, mới trông có vẻ như xì gà, thực ra là thuốc xắt được vấn bằng lá thuốc rất khéo.

– Ừ, kể cũng ngon, tôi gật gù khen.

– Ngon quá đi chứ lị, anh cười tít mắt nói, vợ tớ có muốn về thì mặc bà ấy chứ tớ đếch thèm về. Ở đây tớ có còn thiếu thứ gì nữa đâu.

– Còn thiếu vũ trường, tôi cười lớn.

– A, vũ trường, những cái sàn nhảy chết tiệt ấy đã tống tớ ra khỏi nhà rồi, cậu không nhớ sao?

– Nhớ chứ, tôi nói, làm sao tôi quên được cái cảnh ông ném bà nhà vào cái phòng nhỏ như lỗ mũi cùa tôi ở phường Củi rồi dông đi đâu mất tiêu.

– Đi uống cà phê chứ đi đâu, buồn không uống cà phê thì chỉ có nước uống thuốc chuột thôi!

– Ông đến là điên, bà nhà ông cứ khóc mãi làm mọi người xung quanh tưởng tôi là một thằng Sở Khanh. Đau hơn nữa là sau này, bà nhà tôi cứ vặn vẹo tra hỏi, dù có nói thế nào cũng không tin đó là vợ của bạn.

– Thế à, hôm nào có dịp tớ sẽ minh oan cho cậu. Nghĩ lúc đó tớ cũng bậy thiệt. Trên đời này làm gì có bà mẹ nào chịu nhận cave làm con dâu đâu. Ông anh cả tớ cũng thế, ông còn xách súng định bắn nếu tớ không chịu xéo đi. Thực ra bà cụ và ông anh vẫn rất thương tớ. Khi nghe nói tớ sắp có vợ, cả nhà sôi lên như cơm sôi, ai cũng bảo phải đem về ra mắt. Bà nhà tớ lúc ấy nhỏ xinh ai thấy cũng thương, nhưng khi biết làm nghề không được đẹp thì đồng loạt gầm lên như đại bác: Xéo! Xéo! Xéo! Thế là tớ lôi bà ấy đi như giông như gió, cũng định ghé lại cậu để cùng đi uống cà phê, nhưng sao lúc ấy tớ cảm thấy ghét tất cả mọi người. Tớ muốn ngồi một mình, uống một mình. Nếu cắc cớ ai pha thuốc chuột tớ cũng uống luôn cho rồi đời.

– Trời, tôi kêu lên, nếu ông mà chết thì tôi chẳng biết làm sao với bà nhà. Chỉ sáu tháng sau ông đã mời tôi ăn đầy tháng!

– Nói thế chứ chết thế nào được.

– Thế bà nhà và các cháu bây giờ ở đâu?

– Xuống phố buôn bán chứ ở đây có mà chết đói cả lũ à! Ông trời cũng chơi khăm tớ hêt biết, chỉ có ba lần sinh mà đến những sáu đứa.

– Ba lần sinh đôi à?

– Không, cứ lần sau nhiều hơn lần trước một.

– Nghĩa là sao?

– Nghĩa là nếu bà nhà tớ tiêp tục sinh thì sẽ sinh tư ở lần thứ tư. Rồi sinh năm ở lần thứ năm và cứ thế, sinh mười ở lần thứ mười!

– Khi hiểu ra tôi cười đến chảy nước mắt. Cà phê đã được bỏ nhiều đường mà sao vẫn đắng chát. Con tàu tốc hành của anh ngày trước lộng lẫy bao nhiêu thì bây giờ lệch bệch tối ám bấy nhiêu. Thật khó mà vui được khi biết đứa con gái đầu lòng xinh đẹp của anh đã phải lấy Mỹ đen lai để có chút tiền đô cứu vớt gia đình. Cặp sinh đôi thì một đứa câm, một đứa tưng tửng suốt ngày cứ nhìn lên trời chẳng biết tìm gì. Ba đứa cùng tranh nhau sinh một lúc thì may mắn hơn, chân tay lành lặn, mặt mũi cũng dễ coi nên đã được mẹ nhanh chóng cho gia nhập vào đội quân bán vé số từ lúc mới lên sáu!

– Lúc ấy một đứa con trai ốm tong teo từ ngoài hiên bước vào. Nó thò cánh tay dài ngoằng ra chụp lấy tách cà phê của anh đổ ụp vào mồm nghe cái rột.

– Nó đấy, anh nói, mê cà phê còn hơn cả bố.

– Uống nữa không, tôi hỏi.

– Không đợi đến lời mời lần thứ hai, nó cũng lại chụp lấy tách cà phê của tôi và làm cái rột.

– Hỗn, anh mắng, thôi đi đi. Con nhỏ kia khá hơn nhưng lại không biết nói. Tôi phải khổ vì hai đứa nó, cậu nghĩ mà xem, mang chúng nó về để cả họ nhà tớ mắng cho té tát à?

– Con bé ấy đâu không thấy, tôi hỏi.

– Lang thang ở đâu đó ai mà biết được. Câm mà lại đa tình mới bỏ mẹ! Thấy đứa nào trắng trẻo đẹp giai là mê tít. Chắc lại theo cái thằng Đại Hàn lai ở trong kia.

– Ông không sợ à?

– Đến nước này còn sợ gì nữa. Thiên hạ sợ thì có.

Nghe chuyện của anh, tôi có cảm giác như đang bước hụt chân xuống một cái hố. Bấy nhiêu con người ấy sống được đến tận hôm nay đã là một sự dũng cảm khác thường.

Đêm ấy, tôi ở lại cùng anh. Chúng tôi ăn một bữa cơm rau, uống một ít rượu mía thay cho bánh pâthé chaud và sữa đậu nành mà cả hai trước đây đều rất thích.

Anh, cả một thời anh ăn chơi nhảy nhót. Tôi, một thời đùa chơi với chữ nghĩa. Rốt cuộc chẳng được cái tích sự gì. Chỉ để khổ, để khó cho vợ con.

Trời sáng, anh đãi tôi một tách càphê phải nói là nhớ đời vì quá ngon. Trong cái lạnh se se của sương sớm và trong yên lặng của núi rừng, từng giọt cà phê thấm qua đầu lưỡi khiến người ta có thể chết đi trong giây lát để sống lại tưởng chừng trong một thân thể mới và một cuộc đời mới.

Một năm sau, tôi lại gặp anh trong lần họp bạn của nhóm học trò cũ. Rất phóng khoáng, rất tự nhiên, một cô đã được anh dạy kèm tiếng Anh trước khi sang Úc, mừng rỡ đến ôm anh, chìa cái má trắng hồng cho anh hôn. Tuy bất ngờ, nhưng bình tĩnh và duyên dáng, anh chỉ đưa hai ngón tay lên môi mình rồi đặt nhẹ lên má cô.

– Hôn thiệt đi thầy! Cà nhóm ồn ào cổ vũ.

Anh nheo mắt nghiêng về phía chị, bảo đừng có mà xúi dại!

Buổi tối hôm đó anh trở lại là vua Tango. Với dáng thẳng và vững như cây tùng anh đi những bước hào hoa để cho những người nữ uốn quanh như gió, như mây. Nhạc chảy trong anh, biến anh thành suối thành sông để nâng niu những con thuyền nữ mong manh nhưng chở nặng tình.

Vào khoảng mười một giờ, anh bỗng ngã xuống trong tay chị. Từ đó anh bằn bặt trôi đi trên sàn nhảy được lót bằng mây và thắp sáng bởi những vì sao.

Thôi vua đã băng hà! Tôi còn biết nói thêm được điều gì nữa!

Khuất Đẩu

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search