T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: BƯỚC CHÂN NGƯỜI NHỚ THƯƠNG TÔI ĐẾN VỚI TÔI THÌ MUỘN RỒI.(*)

Anh K Thương mến,

Ngày mai, 3 tháng 2- 2013 là ngày đưa tang Phạm Duy. Người nhạc sĩ đã từng làm rung động tuổi thơ của hai anh em mình sắp vĩnh viễn yên nghĩ trong lòng đất . Khi nghe tin Duy Quang qua đời, em linh cảm Phạm Duy cũng không còn bao ngày trên cõi đời này. Và GodFather trong làng nhạc Việt đã lặng lẽ lìa đời sau 93 năm sống cuộc đời sóng gió và gây sóng gió. Em gọi Phạm Duy là GodFather vì ông không bao giờ chịu đầu hàng số phận, ông luôn làm chủ cuộc đời mình, luôn chủ động lựa chọn, dù có đôi khi sự lựa chọn đẩy ông vào vị trí bị khinh ghét, bị trăm điều thị phi chê trách.

Thật đẹp một Phạm Duy nồng nàn yêu nước thuở ấy:

“Lúc kháng chiến xa nhà nhịp theo đời sống mới,

Người đi tìm chân trời, nơi miền xa,

lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa

Người đi tìm áo nâu

Quên hết bao sầu…”(*)

Nhưng rồi ông thức tỉnh và nhận ra sự tủi nhục của người nghệ sĩ khi họ không được quyền viết nhạc bằng con tim của mình.

Bà Mẹ Gio Linh “Nghẹn ngào không nói một câu / Mang khăn gói đi lấy đầu…” một thời bị cho là phản tuyên truyền.

Ca khúc “Bên Cầu Biên Giới” bị ghép tội lãng mạn , tiểu tư sản.

Ông bỏ cái hào quang nhân tạo của cuộc kháng chiến để thà mang danh dinh tê, phản động còn hơn ở lại với thân phận nghệ sĩ nô dịch.

Cám ơn sự dũng mãnh và sáng suốt của Phạm Duy để chỉ trong 20 năm hít thở không khí tự do, ông có thể viết được hàng trăm ca khúc làm thăng hoa tâm hồn của hàng triệu người dân miền nam trong đó có anh và em.

Theo em Phạm Duy khi bỏ sang Mỹ không hạnh phúc như khi bỏ vào Nam. Và giấc mộng trở về để “hát cho đồng bào tôi nghe” luôn vò xé tâm can ông.

Lần này GodFather đã phải cúi đầu chịu nhục khi trở về đối đầu với kẻ thù. Không nhục sao được khi hàng ngàn ca khúc của ông chỉ được cấp phép lần đầu khoảng 15 bài rồi mỗi năm nhỏ giọt thêm vài bài. Không nhục sao được khi ông phải sống dưới caí đạo đức giả được mang danh chiêu hiền đãi sĩ trong nước song song với sự tàn bạo của những lời nguyền rủa ở ngoài nước.

Trước đây, khi đọc những bài viết chửi Phạm Duy em cũng tủi thân lắm. Hàng triệu người Việt yêu nhạc phạm Duy trong nước không xứng đáng để một lần gặp lại người nhạc sĩ đã từng cùng mình khóc cười theo mệnh nước nổi trôi sao?

Chỉ trong vòng 3 ngày sau khi Phạm Duy qua đời,em lại đọc được cũng từ nước ngoài những bài viết vô cùng cảm động về Phạm Duy. Hóa ra người tốt , người sáng suốt trên thế gian này cũng còn nhiều. Và những con người này bình thường họ sống thật thầm lặng, thật nhẩn nhục. Họ chỉ lên tiếng khi con tim thật sự thấu hiểu, thật sự trân trọng.

Em thích Jason Gibbs với một nhận định về Phạm Duy đăng trong BBC Vietnamese:

“Phạm Duy sống cuối đời ở Việt Nam để các ca khúc của ông cấy lại trong đất phù sa nơi quê hương”.

Từng sống nhiều ngày trong ngôi nhà của Phạm Duy ở thị trấn Midway, Châu đình An lại cho chúng ta biết về một con người khác của GodFather :

“Bà Thái Hằng còn cho tôi biết,những ngày bận rộn kinh tế thì thôi, còn khi về đến nhà,là ông Phạm Duy nằm dài ra, thừ người đau đớn, ray rứt với bốn người con trai mà ông đang suy tính tìm cách để đoàn tụ”.

Và theo Châu Đình An:

Tôi đoan chắc là chỉ vì quá yêu thương các con, ông đã chọn về Việt Nam trong chế độ độc tài hiện hữu để có ba việc:
Thứ nhất: Cái chết của vợ là bà Thái Hằng đã làm ông hụt hẫng năm 1999, dù ai nói ra sao về cuộc đời tình ái phiêu lưu thêu dệt của người nhạc sĩ, nhưng, có lần ông cho tôi nghe ca khúc “Nắng Chiều Rực Rỡ” mà ông bảo là viết riêng cho bà, vì cả ngàn ca khúc của ông chưa có bài nào viết cho bà. Trong đó có câu “thế kỷ này, đang trong nắng ban chiều. Cho lòng mình bâng khuâng nhớ nhau”. Ông bắt đầu cô độc thực sự sau ngày bà ra đi.
Thứ hai: Người già cô độc, và đơn chiếc, dễ tủi thân mủi lòng, nếu ông mất sớm vào khoảng 70 tuổi thì thôi không có chuyện nói đến, và bây giờ Phạm Duy vẫn là thần tượng, nhưng ông sống đến trên 80 tuổi mà quê hương với ngày về thực sự vẫn xa vời vợi, chế độ cộng sản chưa sụp đổ như bao người trông chờ, không biết đến bao giờ quay trở lại cố hương. Ông mất sự kiên nhẫn, ông muốn về một lần rồi nhắm mắt xuôi tay ở cái quê hương khốn khổ đã cho ông nếm trải nhục vinh rồi ra sao thì ra.
Thứ ba: Sau hết là cuộc sống các con, khi ông chết rồi con mình sẽ ra sao, chẳng ai có nghề nghiệp cố định, chẳng ai có bằng cấp gì cả, chỉ hoàn toàn sống bằng âm nhạc của chính ông dạy dỗ, tạo dựng. Và môi trường hải ngoại thì không đủ điều kiện để các con sinh sống, làm thầy thì không được, làm thợ thì khó, do vậy, ông lợi dụng chính sách gọi là “nghị quyết 36” hoà giải dân tộc để trở về, mở đường máu tồn tại và nuôi sống “âm nhạc của ông và các con”, bất chấp sự phản đối, bất chấp, ông biết là người ta sẽ thất vọng vì sự sụp đổ hình ảnh thần tượng nghệ sĩ quốc gia nơi ông.

Phạm Duy đã vĩnh biệt chúng ta,

Nhưng bên kia thế giới ông được gặp lại bà Thái Hằng và Duy Quang.

Ông đã nhiều lần bỏ đi và lần này chuyến đi của ông có lẻ là nhẹ nhàng nhất.

“Dìu nhau sang bên kia thế giới

Dìu nhau nương thân ven chín suối

Dắt dìu về chốn xa vời đời đời

Dìu nhau đưa nhau vào nghìn thu…”(*)

Em nói về Phạm Duy nhiều quá mà quên mất ông anh nhất định không chịu trở về với “Vườn rau trước hè cười đón người về” Anh bảo chừng nào hết CS mới về nhưng sao anh không chịu hiểu như Phạm Duy rằng ở VN bây giờ chỉ có tư bản đỏ.

Còn vài ngày nữa là Tết. Gửi anh mấy câu trong bài “Hoa Xuân” của Phạm Duy mà thuở nhỏ anh em mình hay hát mỗi độ xuân về :

“Có một chàng thi sĩ miền quê

Ngắt bông hoa biếu người xuân thì

Có một đàn em bé ngoài đê

Hát câu I tờ đón xuân về…”

 

Em gái của anh

Huyền Chiêu

2 tháng 2 -2013

 

(*) lời trong ca khúc của Phạm Duy.

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search