T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Bích Huyền: ‘Tìm lại thương yêu’ trong thơ Y Cao Nguyên

Nhà thơ Y Cao Nguyên

(Xin bấm vào đây để nghe phần âm thanh)

Y Cao Nguyên, nhà thơ từng sống gần hết những năm tuổi trẻ ở một thị trấn miền cao nguyên đất đỏ: Ban-mê-thuột, là thành phố đầy ắp những kỷ niệm, là thành phố mà một phần đời của nhà thơ còn gửi lại nơi chốn ấy.

Phương này tưởng nhớ về phương đó
Hồn thả theo mây khói ngút ngàn…

Câu thơ đọc lên nghe nhiều cảm xúc, nghe như gói trọn cả “một trời tâm sự” nhưng lại mênh mang rất… ngút ngàn.
Có ai trong đời mình lại chẳng có một đôi lần “phương này tưởng nhớ về phương đó”, lại chẳng có một đôi lần “hồn thả theo mây khói ngút ngàn”, khi mà “người ở một phương, ta một phương”.
Nhà thơ Y Cao Nguyên làm thơ rất sớm. Thơ anh bao gồm mọi thể loại, mọi đề tài, tựa như anh muốn ôm hết cuộc sống vào lòng vậy. Cái họ “Y” khá đặc biệt ấy nghe như họ của người sắc tộc thiểu số ở vùng cao nguyên Trung phần. Người ta hiểu ra khi biết nhà thơ từng sống gần hết những năm tuổi trẻ ở một thị trấn miền cao nguyên đất đỏ. Ban-mê-thuột, thành phố “Bụi-mù-trời” hay “Buồn-muôn-thuở”, là thành phố đầy ắp những kỷ niệm, là thành phố mà một phần đời của nhà thơ còn gửi lại nơi chốn ấy.

Thơ Y Cao Nguyên là thơ của một thời tuổi trẻ, thơ của những ngày vui xa lắc, của những năm tháng tươi đẹp nhất của một đời người. Trong những trang thơ anh, người ta nghe có tiếng ve gọi hè, có mầu phượng thắm sân trường, có tà áo trinh nguyên, có chút tình đầu vụng dại.
Và tất nhiên, có cả những mộng mơ, những nhớ nhung của một trái tim rộn rã những nhịp đập yêu thương.

Ta nhớ năm xưa qua cổng trường
Tình cờ gặp bé thấy thương thương
Cũng từ buổi đó tim ngây ngất
Cứ mải mê theo một bóng hồng…
Em hỡi, bây giờ còn đó không?
Môi em còn thắm, má còn hồng?
Thơ ngây e thẹn còn hay hết?
Em đã có chồng như ước mong?…

Nhớ em dào dạt biển sông
Làm sao con sóng trong lòng ngủ yên?

Nhà thơ không nói “nhớ da diết”, “nhớ chất ngất”, “nhớ quay quắt”… mà nói nhớ “dào dạt biển sông”, khiến ta nghe nỗi nhớ dâng trào như từng đợt sóng cứ xô nhau, xô nhau tràn mãi vào bờ.
Những câu thơ “dào dạt biển sông” như thế, người đọc vẫn bắt gặp đâu đó trong những trang thơ, trong những bài tình đầu của con người nghệ sĩ từng sống sôi nổi, từng yêu thiết tha.
Thơ Y Cao Nguyên cũng nói về cuộc đổi đời lịch sử, nói về những tai ương phủ trùm lên đất nước, phủ trùm lên đời sống, lên số phận của mỗi con người, kể cả số phận của nhà thơ.
Những năm tháng êm đềm vụt biến mất, cơn bão của lịch sử đã cuốn phăng đi tất cả.
Trong những trang thơ ông, người ta đọc thấy những niềm thương nỗi nhớ gửi về người mẹ hiền yêu dấu, người cha già kính yêu, người vợ “tù cải tạo” với con tim héo hắt, với âu lo thẫn thờ, với nỗi nhớ thương dằng dặc qua bao tháng đợi năm chờ.
Tháng năm phai lạt môi hường
Lo âu ngơ ngẩn, lược gương biếng dùng

Câu lục bát ấy gợi nhớ câu thơ “Chinh phụ ngâm khúc” nhuốm vẻ bi tráng của một “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”, và nỗi lòng người chinh phụ mỏi mòn ngóng tin chồng buổi chinh chiến điêu linh.
“Nương song luống ngẩn ngơ lòng
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai”

Thơ Y Cao Nguyên cũng nói về những giấc mơ không bao giờ tắt. Trong những năm nghiệt ngã ấy, cho dù xác thân có bị giam hãm, đọa đày, những giấc mơ của nhà thơ vẫn cứ tự do, vẫn cứ bay lượn như cánh diều ở bên ngoài những vòng rào kẽm gai. Người ta không thể nào giam giữ, bỏ đói, hay giết chết được những giấc mơ.
Thời gian dần quên lãng
Theo năm tháng đổi dời
Và tuổi xuân thơ dại
Cũng ơ hờ lãng trôi
. . .
Dòng đời trôi lặng lẽ
Mái tóc đã bạc mầu…

Tâm hồn nhà thơ Y Cao Nguyên là tâm hồn nặng trĩu những hồi tưởng.
Hồi tưởng về những thời kỳ khốn khó, những buồn rầu tủi nhục, những tan vỡ chia lìa. Hồi tưởng về những mùa vui, tràn ngập hạnh phúc, tràn ngập thương yêu.
“Tìm lại thương yêu”, tên gọi thi tập của Y Cao Nguyên, là tìm lại quãng đời đã mất, với biết bao nhiêu kỷ niệm một thời quên lãng.
“Tìm lại thương yêu” là lần theo những lối mòn kỷ niệm, là về thăm lại những cây cỏ xanh tươi trên con đường trí nhớ.
Bao nhiêu là mây trôi, bao nhiêu là nước chảy dưới chân cầu, có ai tắm lại được hai lần một dòng sông đâu, vậy mà nhà thơ Y Cao Nguyên, ông vẫn muốn tìm về, vẫn muốn ngược dòng thời gian, vẫn muốn thả hồn “theo mây khói ngút ngàn” để bước vào cuộc hành trình đi “Tìm Lại Thương Yêu”.

(Bích Huyền biên soạn từ bài viết của Lê Hữu, “Thơ Y Cao Nguyên, hành trình đi tìm lại thương yêu”)

Bích Huyền

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search