T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đức Nhì : Những Bài Thơ Tình

 

 

 

Men – Tranh : Trần Thanh Châu

 

Đ À   L Ạ T   T R O N G   T Ô I

 

Nhắc đến Đà Lạt – đám bạn tôi

thằng mắt lim dim

thả hồn về quê cũ

thằng nhớ mái trường xưa

một thời hiên ngang dưới bóng quân kỳ

thằng khác nhớ những chiều se lạnh

ngồi nhìn giọt đen buồn sóng sánh

trong Cà Phê Tùng

có đứa nhớ sáng chủ nhật tươi hồng

cùng người yêu dạo bước

trên Sân Cù cỏ mướt

một màu xanh

Đà Lạt trong tôi là ngôi nhà xinh

trên triền dốc

xa xa

viện đại học

thấp thoáng trong sương mờ

Dã Quỳ trải thảm vàng

bâng khuâng chiều nắng nhạt

lữ khách thẫn thờ

mơ mộng

ngắm Xuân Hương

Ôi! Ngôi nhà thân thương

(dù tôi chưa một ngày vào ở)

bởi nơi đó

có người ngồi bên khung cửa sổ

như hoàng hôn lặng lẽ

thả hồn vào mộng vào mơ

cùng tôi

chung dệt mối tình thơ

 

 

THI SĨ VÀ NGƯỜI TÌNH

Buổi sáng trời se lạnh

anh dậy sớm

ngồi viết vội mấy vần thơ

vừa chợt hiện ra

sau một đêm dài ngon giấc

bỗng thấy hương thơm ngào ngạt

em vẫn trong áo ngủ

đem đến cho anh tách cà phê

ngun ngút nóng

hai đứa vai tựa má kề

cà phê chưa uống đã nghe lòng rất ấm

em choàng tay ôm vai anh

giọng nũng nịu, mắt mơ màng

“Anh đang làm thơ về đất nước, quê hương

hay ơn cha, nghĩa mẹ?

về những năm tháng ngục tù

hay tình yêu đôi lứa?”

“Em ơi!

dù có viết về đề tài gì đi nữa

thơ anh ít nhiều

cũng thấp thoáng

bóng hình em.”

Tháng 6 năm 2012

 

 

THIÊN  ĐƯỜNG  CỦA  ANH

Có một thời

những người hoang tưởng

muốn tạo dựng một thiên đường

trên trái đất

Kác- Mác nghĩ ra chủ thuyết

để Lê Nin, Hồ Chí Minh

rồi Mao Trạch Đông

Fidel Castro

Kim Nhật Thành

áp dụng trên đất nước mình

nhưng thay vì thiên đường

họ đã tạo nên địa ngục

khiến cả tỷ dân lành

khốn khổ, điêu linh

 

một số bạn anh

cũng đặt trọn niềm tin vào một thiên đường

sẽ đến

sau khi nhắm mắt

từ giã cõi đời ô trọc

cái thiên đường họ chưa được thấy bao giờ

nhưng cảm giác rất gần, rất thật

như mơ

 

riêng anh

thỉnh thoảng cũng dường như đang lạc giữa một thiên đường

không đẫm máu và nước mắt như thiên đường cộng sản

cũng không phải chờ đến khi xuôi tay

từ giã cõi đời

mà ngay giữa kiếp người

lúc tim rạo rực

tâm hồn ngây ngất

nghĩ về em

 

VÌ  QUÁ YÊU EM

Một số người sợ bạo lực cường quyền

không dám nói những điều muốn nói

không dám làm những điều muốn làm

họ mất tự do

bởi áp lực từ thế giới bên ngoài

 

rất nhiềư người ngây ngô làm nô lệ

cho một “kẻ xa lạ” (1)

đã chiếm hữu thân xác mình

làm chủ cuộc đời mình

nên dù sống dưới chế độ tự do

họ vẫn mất tự do

thứ tự do trong tâm hồn

tự do nội tại (2)

 

một số bậc tu hành

đã trói gô “kẻ xa lạ”

trói gô bản ngã

và treo lên thập tự giá

đóng đinh cho đến chết

(những truyền thống đạo đức, lễ giáo

những lợi, những danh…)

để giành lại tự do

trong mỗi suy nghĩ

mỗi hơi thở

mỗi lời nói

mỗi cử động

họ hành thiền

sống tự tại an nhiên

từng bước thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử

riêng anh

đã nhận diện được “kẻ xa lạ”

thấy được bản ngã

đã treo nó lên thập tự giá

nhưng vẫn chưa nỡ đóng đinh

 

dẫu đường dẫn đến cõi tự tại an nhiên

có dài thêm mấy năm

hết cả cuộc đời này

hay thêm vài kiếp nữa

anh vẫn cam lòng chờ

để tròn duyên, tròn nợ

với tình em

(1)         Kẻ Xa Lạ  (Albert Camus)

(2)         Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng (Krishnamurti)

Phạm Đức Nhì

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search