T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 39)

Giá sách cũ

Nhóm Bách Khoa chọn tòa soạn ở đường Phan Ðình Phùng do nhà văn Huỳnh Văn Lang sáng lập. Sau giao toàn quyền việc điều hành cho ông Lê Ngộ Châu. Ông Châu không phải là nhà văn, cũng không hề là nhà báo. Nhưng ông Lê Ngộ Châu là người có khả năng điều hành và, dung hòa mọi phe phái. Phụ trách phần nội dung cho Bách Khoa có thể kể các nhân vật chính như Võ Phiến, lo văn xuôi, Nguiễn Ngu Í lo phỏng vấn, phóng sự. Tòa soạn Bách Khoa là nơi lui tới của những nhà văn, nhà thơ đa số lớn tuổi, nghiêm túc, nặng tinh thần công chức, lễ giáo, như các ông Nguyễn Hiến Lê, Tạ Tỵ, Ðoàn Thêm, Nguyễn Văn Trung, Trần Ngọc Ninh…

Nhóm Trình Bày (Thế Nguyên), tòa soạn ở đường Lý Thái Tổ, gần phở Tầu Bay, một vài thành viên nòng cốt như Nguyễn Văn Trung; Linh Mục Thanh Lãng; Diễm Châu (tổng thư ký); Nguyễn Quốc Thái (thư ký) tòa soạn. Về những tác giả thành danh cộng tác với Trình Bày có thể kể: Nguyên Sa, Thảo Trường, Ðỗ Long Vân, Nguyễn Khắc Ngữ… Lớp mới, có Hoàng Ngọc Biên, Lê Văn Hảo, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn… Và, dĩ nhiên, Trình bày là nơi “tìm về” của những cây bút trẻ, chủ trương “dấn thân”

Tạp chí Văn Học tòa soạn ở đường Lê Văn Duyệt, do ông Phan Kim Thịnh đứng tên chủ nhiệm, có được sự tiếp tay tích cực về phương diện bài vở của nhà thơ Dương Kiền. Sinh hoạt tại tòa soạn Văn Học có phần trẻ trung hơn. Là phụ tá, phụ trách bài vở cho Văn Học, nhưng nhà thơ Dương Kiền, vì công việc tại văn phòng luật sư riêng của mình, nên hiếm khi ông có mặt tại tòa soạn. Khách biên đình, anh em văn nghệ phương xa về Saigòn, ghé thăm Văn Học, nhiều khi đi tới, lui cả chục lần, không gặp ai.

Tạp chí Văn tòa soạn ở đường Phạm Ngũ Lão, do ông Nguyễn Ðình Vượng đứng tên chủ nhiệm. Nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký tòa soạn đầu tiên và lâu đời nhất của Tạp chí Văn những năm đầu thập niên 1960. Song song với 2 số báo Văn, mỗi tháng, nhà văn Trần Phong Giao còn trông nom nhà xuất bản Nguyễn Ðình Vượng và, tủ sách Văn Uyển, sau đổi thành Tân Văn. Lý do, với bất cứ anh chị em văn nghệ nào, không biết mặt ông, dù ở đâu về, hỏi gặp ông, ông đều chối ông không phải là Trần Phong Giao. Chẳng những lạnh lùng, đôi khi, ông còn xẵng giọng nữa. Tuy nhiên, một khi đã quen biết, Trần Phong Giao lại cho thấy ông là người rất quý bạn và, quan tâm tới những buồn, vui riêng của mỗi người. Những người thành danh từ tạp chí Văn, như: Trần Hoài Thư, Hà Thúc Sinh, Mường Mán, Ngụy Ngữ, Cao Thoại Châu, Vũ Hữu Ðịnh…

Làng văn hóa

Làng có lối sống đẹp là làng văn hóa, chứ làng nào mà chẳng có truyền thống văn hóa của mình.

Lễ hội đâm trâu là một nét văn hóa. Cho trai gái sống thử với nhau bảy ngày trong rừng trước lúc thành thân cũng là một nét văn hóa. Cái nào tới nay còn phù hợp thì giữ lại, thì bổ sung cho văn hóa hơn, đẹp hơn; cái nào thấy không còn phù hợp thì bỏ đi.

(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm)

Báo chí

Theo người Tây phương báo chí một thời không được coi là văn chương. Vì văn chương theo định nghĩa ở thế kỷ chỉ gồm có:

Thơ, kịch, tiểu thuyết và truyện ngắn.

Thi sĩ người Anh Mathew Arnold (1822-1888) phát biểu:

– Báo chí là văn chương…viết vội vàng.

(Vũ Thụy Hoàng – Múa bút)

Câu cú

Giáo sư dậy văn, đồng thời cũng là nhà phê bình văn học…phê bình văn học miền Bắc Những câu cú què quặt, ngược nghĩa, ngô ngọng như sau:

Nhạc sĩ Trần Tiến có một bài hát với cái tên khoa trương “Hà Nội những năm 2000“. Nhưng ít ai thấy thế là chướng vì “những năm 2000” là gì? Là cả một khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2999, là cả nghìn năm, là cả thiên niên kỷ thứ ba đấy.

Cũng liên quan đến niên đại, người ta rất hay dùng cụm từ vô nghĩa “sau Công nguyên” nhất là trong những tài liệu lịch sử, chẳng hạn: nhà Lý rời đô đến Thăng Long năm 1010 sau Công nguyên… Tôi nói vô nghĩa là vì đến nay ta vẫn ở trong Công nguyên chứ chưa có bao giờ là sau Công nguyên cả. Công nguyên là kỷ nguyên Thiên Chúa giáo lấy thời điểm Chúa Jêxu ra đời làm mốc khởi đầu. Mốc đó tiếng La-tinh gọi là Anno Domini (A.D.- Năm của Chúa). Trước cái mốc đó thì có thể nói là “trước Công nguyên”, nhưng từ đó trở đi thì nằm trong Công nguyên và Công nguyên chưa hề chấm dứt nên không thể nói “sau Công nguyên” được.

Ta khác Tầu

Ta gọi “du thủ du thực”, Tầu kêu..du thủ hiếu nhàn.

Ta kêu “thập tử nhất sinh”, Tầu gọi…cửu tử nhất sinh.

Chữ “cái” trong tiếng Việt

Chữ “cái” ngoài là mạo tự chỉ giống đực, giống cái. Cái này còn nhiều nghĩa khác nữa:

Cái là lớn,

“Bé cái lầm” là lầm…to.

“Anh về xẻ ván cho dầy

Bắc cầu sông cái cho thầy mẹ sang”.

Sông cái là sông không…nhỏ.

***

Bố khỉ, ăn canh nó chỉ ăn cái chứ không ăn nước.

Rượu cái là cơm rượu còn để nguyên cả hạt gạo nếp. Để phân biệt với rượu nước chắt ra từ do chưng cất từ cơm rượu.

(Phụ đính:…Cái này khó giải thích)

***

“Đá mòn rêu nhạt – Nước chẩy huê trôi – Cái hạc bay lên mãi tận trời” – Tản Đà.

Hoặc giả như:

”Ai, chớ lấy Kẻ La – Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm” – Ca dao.

(Phụ chú: Sao không là con hạc hay cánh hạc. Còn…thì thâm, thì khú là…cái quái gì!)

Rắn và kiến

Câu thành ngữ chỉ người nào đó khéo nói: “Con rắn trong lỗ cũng phải bò ra”. Đúng ra là “Con kiến trong lỗ cũng phải bò ra”.

rắn không có tai.

Luật đổi thanh

Luật đổi thanh rất tự nhiên trong thơ Việt vẫn chi phối hết thảy các thể thơ.
Hễ câu thơ chia làm hai, ba hay bốn đoạn, những chữ cuối các đoạn phải lần lượt bằng, rồi trắc, hay bằng ngắn (không dấu), bằng dài (có dấu huyền).
Nhiều khi chỉ đổi thanh cũng đủ không cần vần. Ðọc mấy câu này của Ðoàn Phú Tứ:
“Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát.”
(Hoài Thanh – Thi nhân Việt Nam)

Cao Miên và Cao Man

Từ thời các chúa Nguyễn, Thủy Chân Lạp được gọi là Cao Miên. Theo Đại Nam thực lục, vì kỵ húy tên con (Thiệu Trị) là “Miên”, năm 1826 vua Minh Mạng đổi tên là Cao Man. Nhà Nguyễn sau này gọi lại tên cũ là Cao Miên.

Văn học miền Nam 1954-1975

Sau 1954: tờ báo đẩy mạnh việc đổi mới văn học là tờ Sáng Tạo. Tờ báo chú trọng đến việc giới thiệu văn chương nước ngoài là tờ Văn của Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao.

Bách Khoa là tạp chí văn học sống lâu nhất và quy tụ những khuynh hướng chính trị đối chọi nhất. Ngoài những báo định kỳ về văn học, còn có những báo thiên về chính trị. Trong khi Nguyễn Mạnh Côn ra tờ Chính Văn có lập trường đối lập với Cộng sản thì Nguyễn Văn Trung chủ trương tờ Hành Trình và Đất nước (1964-1967). Cả hai tờ này nặng về lý luận, có hậu ý muốn dẹp thể chế miền Nam. Thế Nguyên ra tờ Trình bày có khuynh hướng trên nhưng lời lẽ nặng nề hơn. Hai linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín ra tờ Đối Diện (1969) công khai chống chính quyền miền Nam. Đặc biệt hơn cả là Vũ Hạnh và Lữ Phương xuất bản tờ Tin Văn (1966) dưới sự lãnh đạo của cán bộ nằm vùng Nguyễn Văn Bổng

Nguyễn Hiến Lê ghi lại trong hồi ký: “Tư tưởng chính trị của những cây viết nòng cốt của Bách Khoa có khi trái ngược nhau: Vũ Hạnh thiên cộng. Võ Phiến chống cộng. Đoàn Thêm, Phan Văn Tạo, không ưa cộng nhưng cũng không đả; nhưng cũng không nói ra. Tôi (Mặc Giao), có lẽ cả Nguyễn Ngu Ý và Lê Ngộ Châu có cảm tình với kháng chiến, nhưng anh em trong toà soạn vẫn giữ tình hoà hảo với nhau. Đó là điểm tôi quý nhất” .

(Mặc Giao – Văn hóa Việt Nam)

Truyện cực ngắn – Thất tình

Nói cách khác, truyện thật ngắn ngắn hơn truyện ngắn; truyện cực ngắn lại càng ngắn hơn truyện thật ngắn. Ngắn đến độ không thể ngắn hơn được nữa:

Bị thất tình, chàng uống độc dược tự tử. Một phần mười giây trước khi tắt thở, chàng sực nhớ là mình chưa kịp yêu ai cả.

Chữ nghĩa trong thơ

Một hôm tôi gặp bài “Ðợi thơ” của Hồ Dzếnh. Lời lời hoa mỹ, câu nào câu nấy chật ních những xa xôi, mơ hồ, mộng ảo; tôi mê tơi, “ngâm” đi “ngâm” lại:

Biển chiều vang tiếng nhân ngư

Non xanh thao thiết trời thu rượi sầu

Nhớ thương bạc nửa mái đầu

Lòng vương quán khách nghe màu tà huân

Lời không hiểu mấy, ý không rõ mấy, nhưng mặc kệ: tôi thích, mê tơi. Tôi có chú ý đến mấy tiếng “non xanh thao thiết”. “Thao thiết” ám ảnh tôi. Xanh thao thiết là xanh cách nào? Không biết đích xác, nhưng tôi cho đó là một chữ tài tình, đúng với màu núi “nọ”(?) Rồi cách dăm ba năm, bảy tám năm, tình cờ gặp một tác giả nào đó cũng “xanh thao thiết”. Nhưng tôi chưa bắt gặp “thao thiết” trong một cuốn tự điển Việt ngữ nào.

(Nguyễn Hưng Quốc – Đi tìm Võ Phiến)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Có hai giai đoạn duy nhất đàn ông không hiểu đàn bà:

– Trước khi cưới, và sau khi cưới.

Chữ nghĩa làng văn

Theo Vũ ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại thì người Hànội có một thói quen gọi tên một người, họ lại hài chức vị người đó ra mà gọi. Phần người gọi cảm thấy hãnh tiến vì có quan hệ quen biết với người được gọi. Chẳng hạn : ấy quan đốc nhà tôi, ấy anh Huyện X. Chữ nhà tôi, tự bầy tỏ cái huênh hoang, thấy sang bắt quàng làm họ.

Đã là đốc học, đốc tờ mà còn kèm theo chữ cụ hoặc chữ quan nữa : quan đốc tờ, quan đốc học, cụ Nghị, cụ Hàn, cụ cử, cụ ký, cụ Thượng, cụ Tú, thầy đội xếp, thầy cai, cụ lang ta, cụ bang tá, thầy quản, anh Khóa, anh cung văn, thầy đồ, sinh đồ hay cống sĩ, quan phủ doãn, hiến ty, đề điệu, quan thừa sứ, ông Trùm, ông Chánh trương, ông hậu, ông Hàn, ông cửu, cụ Thượng, ông Lý, cụ Chánh.

Ngộ Không

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search